Xóm Chài Bên Kia Sông
19/9/2023

                    Xóm Chài Bên Kia Sông.

(Đăng lại bài này để tưởng nhớ đến một người bạn cũ, Trần Văn Hai, đã mất 2 năm qua, ngày 3 tháng 9 năm 2021 tại Cần Thơ)

   Xóm Chài, một cái tên thiệt là nhà quê. Đọc lên, cứ tưởng là cái vùng xa xôi hẻo lánh đâu đó ở miền Nam, gần bờ biển. Nhưng đối với người Cần Thơ, ai cũng biết Xóm Chài nằm bên kia sông Cần Thơ, đối diện với Bến Ninh Kiều. Ban ngày còn trông thấy hình dạng, chứ vào ban đêm chỉ thấy một dãy đất dài, những mái nhà tranh thấp lè tè, cây cao um tùm che kín, mờ mờ ẩn hiện dưới ánh trăng. Bên này sông, Bến Ninh Kiều rộn rịp với cuộc sống, nào hàng quán, người người tới lui, ánh đèn sáng tỏ những cửa tiệm, quán ăn tắp nập, ngoài bến, thuyền bè ra vô tấp nập, còn bên kia sông, Xóm Chài thu mình trong đếm tối, yên phận với cảnh “con nhà nghèo”.

   Danh xưng Xóm Chài có phải bắt nguồn từ một “xóm nghèo làm nghề chài lưới” hay không? Tôi không biết. Không tài liệu nào cho biết Xóm Chài thành hình từ bao giờ. “Theo những người cao tuổi cho biết, thuở nhỏ họ sinh ra và lớn lên tại đây, cha mẹ đã sống ở Xóm Chài lâu lắm. Ngày trước, ngoài Xóm Chài Hưng Phú còn có xóm đáy, xóm gạch, xóm củi, xóm bún… Người địa phương cũng có, nhưng phần lớn là dân từ các nơi về. Do nghèo, không có tiền sinh sống ở nội ô, nhiều người chọn Xóm Chài lập nghiệp. Từ đó xuất hiện những cái tên địa phương gắn liền với nghề nghiệp mưu sinh của họ. Dần về sau này, một số nghề như đóng đáy, làm củi, bún… bị mai một.

   Trong suốt 20 năm sống ở Cần Thơ, tôi đến Xóm Chài hai (2) lần. Lần đầu vào năm 1973, tôi đi dự đám tang một người bạn học lớp 11B2 mất vì bệnh. Tên người bạn vắn số là Nhường. Một tên bạn ít nói, hiền lành như cái tên gọi. Ngày đi đưa đám, có Quang óc tiêu, nổi tiếng tốc kê, chọc phá và cười giỡn nhất lớp. Lúc tới xóm Chài, còn ngồi trên thuyền, chưa lên bờ, tôi nhìn thấy hình ảnh thật đẹp, ba cô gái học trò mặc đồng phục, chèo đò đưa cô giáo của mình đến trường. Một cô học trò ngồi phía sau, nhẹ đưa mái chèo khéo léo, ngồi giữa là một cô giáo áo dài trẻ tuổi, yên lặng nhìn thẳng về phía trước. Màu áo trắng của cô giáo nổi bật trên nền trời xanh, lung linh bóng hình dưới nước. Cảnh đẹp như tranh. Quang quen tánh cũ, chọc phá cô giáo làm cô giáo nhìn hắn lom lom, nét mặt giận lên thấy rõ. Mấy cô học trò ngỡ ngàng. Quang vô tư cười hì hì.

   Lần thứ hai cũng vào năm 1973, chừng vài tháng sau, tôi cùng vài đứa bạn lớp 12B1 đi theo Trần Văn Hai, đến thăm một cô bạn gái của Hai ở Xóm Chài. Khi đến nhà của cô bạn của Hai (nữ sinh Đoàn Thị Điểm, nay quên mất tên), thì được ba của cô bạn đón tiếp nồng hậu. “Ông già” vui tính kéo chúng tôi ra ngoài sân, khoe cái ao nhà nuôi cá (cá lóc hay cá trê gì đó). Ông già hăng say nói cách nuôi cá, rồi cho chúng tôi thấy cảnh cho cá ăn, một thức ăn đặc biệt. Đó là tóp mỡ. Ông khoe món ăn này cá mê lắm, món ngon bổ dưỡng làm cá ông nuôi to lớn mập mạp. Chúng tôi thích thú đứng xem đàn cá ồn ào trồi lên mặt nước, cái miệng mở tang oác ra để “đớp” mồi. Lúc ấy, tôi thầm nghĩ: món tóp mỡ là món khoái khẩu của người đời, bây giờ cho cá ăn là sang quá rồi.

   Rồi cả nửa ngày, chúng tôi bị ông già cô bạn gái của Hai “cầm chân” ngoài sân, không cho chúng tôi có dịp nói chuyện riêng với cô bạn gái của Hai đen. Đối với tôi thì không sao, còn Hai thì chắc hơi ấm ức trong lòng.

   Xóm Chài ngày ấy trong tôi, một vùng quê hẻo lánh, nghèo, lạc hậu. Nhưng tôi yêu thích không khí trong lành, trời mây xanh ngắt, vườn cây ăn trái sum suê, mái nhà tranh nhỏ bé. Xóm Chài nhỏ bé nằm phơi mình ngoài bãi, sông nước bao bọc ôm ấp hình hài một vùng đất nhỏ bé.

   Ngày tôi trở về Cần Thơ vào cuối năm 2013, tôi cùng vợ con đi thuyền ra xem chợ nổi Cái Răng.Khi thuyền chở chúng tôi đi gần Xóm Chài, tôi ngắm nhìn cảnh sinh họat ở Xóm Chài lúc bấy giờ. Đời sống có vẻ nhộn nhịp hơn xưa. Lúc nhìn những con đường nhỏ dọc theo sông với hàng cây xanh lá, tôi tìm lại được một chốn yên bình xưa cũ vẫn còn bàng bạc theo thời gian. Tiếc quá, tôi không có dịp bước chân lên bờ, để tìm lại chốn cũ, nhớ lại tâm tình của chính mình khi mới đến Xóm Chài lần đầu. 40 năm đã qua, tôi chẳng còn nhớ gương mặt ba của Nhường, cô bạn gái của Hai và ba của cô ra sao, không nhớ tên ai hết, chỉ nhớ đến hình ảnh con thuyền với các cô học sinh và cô giáo trên sông, cái ao nuôi cá, và hai người bạn thân đã đi qua đời tôi, Quang và Hai.

 Nam Trung Nguyen










(hình phụ chú thứ 3: Trân Văn Hai đứng nhìn sân trường. Năm học 12B1, niên khóa 1972-1973)

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 208323 visitors (392659 hits) on this page!