Tôi đi làm "Chairman"
22/6/2020

 

Tôi đi làm “Chairman”

 

Thời điểm tôi bị thất nghiệp, đúng vào lúc tuổi đời của mình cũng đã qua khỏi sáu mươi. Dầu trước đó có chuẩn bị tâm lý, rằng một ngày trong tương lai, nếu không còn việc để làm, tôi cũng sẳn sàng chọn lựa chuyện phải về nhà, nghỉ hưu sớm. Thế nhưng nhiều tháng sau đó, kể từ khi bị mất việc, tâm trí vẫn chưa ổn định, tôi lại đi tìm để rồi có được một việc làm khác. Tuy rằng việc này không phải chiếm trọn thời gian như khi trước, nhưng thật cũng nhờ nó, tôi đã tìm lại được một ít niềm tin trong lòng Tôi đã đi làm “Chairman”.

 

Theo quyển tự điển Việt-Anh / Anh-Việt thuộc loại bỏ túi của ông Nguyễn Văn Khôn, trong đó từ “Chairman” đơn giản được dịch ra là “Chủ tịch”; như vậy nếu ai được bổ nhiệm làm “Chairman” nghĩa là được làm “Chủ tịch”.

 

Nơi đó thời trước đây, người nào có được chức vụ này, có thể gọi là rất oai phong, lẫm liệt với thiên hạ. Nhưng san sẽ việc làm “Chairman” này, tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm giới hạn của bản thân, sau khi bị thất nghiệp, thì hoàn toàn, nó sẽ không có lẫm liệt, mà cũng chẳng oai phong nơi nào cả. Xin đừng hiểu lầm!

 

*

 

Sự thật đến nay, tôi vẫn đang trong giai đoạn học tập để chuẩn bị an hưởng thú điền viên. Bị thất nghiệp! Không việc làm! Học làm người nghỉ hưu kiểu ấy! Tôi phát hiện tâm lý của mình đôi lúc hãy còn mâu thuẫn, cho nên trong thời gian đó, tôi đã có được những ngày buồn hay vui, đổi thay theo mức độ thăng trầm của tinh thần cùng thể xác.    

 

 

Không tìm được việc trong lúc đó, có thể do tôi đã bị ảnh hưởng với chủ thuyết xét lại. Biết là mình cũng đang trong tình trạng hợp lệ, để được nghỉ hưu sớm nếu cần, nên tôi đã tựa vào, để rồi sinh ra thêm tính kén chọn với việc làm xa, hay lương trả kém. Thế mà sáu tháng nhanh qua, tiền trợ cấp thất nghiệp đã chấm dứt, tôi vẫn chưa tìm được việc làm nào khác hơn.

 

Có thể tôi cũng quá tự tin với việc làm khi trước, nên cứ mãi nuôi hi vọng với cơ xưởng cũ mà mình đã phục vụ. Một khi nơi đó có được khách đến đặt hàng thì phải bận rộn lên, rồi mình sẽ được gọi về cho tiếp việc. Ngồi nhà chờ trông cũng sắp hết năm; khách chưa thấy đến, tôi vẫn chưa được gọi tên, còn nhân viên nơi đó lại được gọi lên cho nghỉ việc; thế thì hi vọng của tôi rồi cũng phải tan biến với thời gian.

 

Nói thế nghĩa là tôi đã biếng đi tìm việc, chứ không lười với việc làm. Thật ra là thời gian qua, tôi đã rất cần cù chăm chỉ hơn, so với khi trước còn được đi làm trong hãng. Minh chứng cụ thể là chỉ vài tuần sau khi bị mất việc, tôi đã ra tay trổ tài thay gỗ vá tường, sửa nhà sơn vách.

 

Bình thường mắt đã phải mang kính lão để có thể xem được những thông tin, hay đọc rõ các báo cáo trong hãng; thế nhưng khi bắt tay vào những việc làm này cho nhà, tôi lại tăng thêm kính hiển vi để được nhìn rõ thêm. Một chút hư hại bé nhỏ, nếu thấy được thì tôi lại ngứa tay để bươi ra tìm; bởi thế mà công việc dự tính ban đầu, cho là đơn giãn, thế nhưng sau đó chúng lại sinh sôi, nẩy nở phức tạp them.

 

 

Mỗi ngày, tôi đã bắt đầu từ sáng sớm đến chiều tối không ngừng tay, còn cuối tuần lại không ngày nghỉ; thế mà tháng trước đã nhẹ nhàng đi qua, tháng kế thì lại nặng nề đến, nhưng việc thì vẫn còn dang dở nơi đó chưa xong. Hết kiên nhẫn chờ trông, khi vách nhà vẫn còn loang lổ với chỗ vá chỗ không, tường nhà thì chưa thay màu đổi sắc, nhưng lại thấy thân thể của lão thợ nhà ngày càng gầy gò, da thì đen cháy, nên vợ phải ra tay cách chức chồng, cho tôi mất việc.


 


 

Chúng tôi đồng ý giao phó chuyện sơn sửa lại cho một chuyên viên, người gốc Nam Mỹ. Chỉ đôi tuần thôi, tôi nào đã thấy hắn phải biến đổi màu da, hay phải thêm cân hoặc mất kí; hắn cũng hoàn tất được việc sơn nhà theo đúng hẹn.  

 

Không được làm thợ sơn, tôi xoay sang nghề dọn dẹp sân vườn. Lâu nay vốn đồng ý với nhóm chống lại sự ấm dần của quả địa cầu (Global Warming), tôi đã cho trồng nhiều cây xanh quanh nhà, nên thường phải thuê người đến cắt cành, tỉa nhánh cho gọn gàng ngăn nắp. Mùa thu năm trước, lại nghe theo lời của giáo phái Lá Cây Xanh (Green Party), tôi tự ra tay hành đạo. Từng nhánh cành sau khi đã rời khỏi cội thân, tôi vẫn tiếp tục cắt ra thành từng lát mỏng để cho chúng được sớm trở về với (cát bụi) đất. Nhưng được hơn tuần, việc thì vẫn đang lưng chừng chưa xong, một ngón tay của tôi lại bị cong cò súng (Trigger finger), cho nên lại phải trông cậy vào người làm vườn, xứ Trung Mỹ.

 
 

 

Chẳng còn chuyện to để trổ tài, tôi quay sang tìm những việc lặt vặt khác từ trong nhà, ra đến ngoài sân cho tay chân được cử động. Riết rồi đến việc nhỏ cũng phải hết, thì tâm lại sinh lo buồn, lòng đâm ra chán nản. Dầu cũng đã hơn bốn mươi năm liên tục không ngưng tay nghỉ việc, nay đang có ý định học về hưu, nhưng sao tinh thần đôi lúc vẫn còn nặng nề; nhất là khi biết các bạn mình chung quanh, vẫn bận lòng với việc mỗi ngày.

 

Có những lúc khi đó, tự nghĩ mình không còn đóng góp được gì với xã hội thì lại sinh mủi lòng. Vợ có thể nhìn thấy được tâm lý thăng trầm bất ổn của chồng nên góp ý, khuyên tôi đi tìm những việc làm thiện nguyện nào khác cho qua ngày.  

 

 

*

 

Biết được một tổ chức từ thiện có địa điểm gần nhà, tôi lần mò tìm đến. Ngày đó, nơi đấy có rất đông những vị cao niên đang sinh hoạt bên trong một hội trường nhỏ; thấy tôi vừa xuất hiện, mọi người cũng đã nhiệt tình mời cùng ngồi vào ghế tham gia. Người ta đang lắng nghe một chuyên gia về dinh dưỡng trình bài đề tài “Những thức ăn bổ dưỡng cho người lớn tuổi”. Sau màn thuyết trình đó chấm dứt, có thính giả nêu lên thắc mắc, thì cũng có người khác nhiệt tình góp ý, còn tôi chỉ ngồi yên quan sát.

 

Tiết mục kế, mọi người đứng lên trình diễn một màn thể dục tập thể ngay tại chỗ. Những người đang có mặt đều thành thuộc với những động tác tay chân, cử động thân mình hòa hợp với tiếng nhạc phát ra, nhưng chỉ có tôi thì lụm cụm nhất trong đám người lớn tuổi. Sau đó là giờ cơm trưa, mọi người được phân phối đồ ăn cùng thức uống ngay tại bàn, và tôi cũng được mời ngồi vào ghế để “ăn chùa”.

 

Người ta sẽ còn những tiết mục khác để tiếp tục sau đó, nhưng tôi muốn cáo từ. Một nhân viên có trách nhiệm ngỏ lời mời tôi tiếp tục đến tham gia vào những ngày khác, tôi thành thật tỏ bài là chỉ muốn đến quan sát, để rồi có thể tìm ra một việc làm thiện nguyện nào đó thôi. Bà tỏ ra rất nhiệt tình khi biết thế, nên hỏi thăm muốn được làm gì, tôi vui miệng đáp lời:

 

-        “I want to be a chairman.”

 

Nụ cười đang nở trên môi chợt biến mất, bà lắng tai nghe rõ, để rồi nhíu mài, nhăn mặt nhìn tôi cho tỏ thêm. Liên tưởng đến điều gì trong lòng, bà chợt đứng thẳng người, rồi đưa bàn tay phải lên ‘chào’ ngang trán, hỏi có phải ý tôi muốn là như thế không:

 

-        “Do you mean… “Chairman” likes this?”

 

Tôi phải giải thích chức vụ tôi vừa đề cập cho bà hiểu, thì sau đó bà mới chịu cười vui trở lại, rồi cũng đồng ý cho tôi có được việc “Chairman” theo đúng yêu cầu của mình. Vợ tôi sốt sắng thăm hỏi ngay khi thấy tôi vừa về đến nhà. Tôi cũng khôi hài nói:

 

-        “Ban đầu, người ta đã ngỏ ý cho làm C.E.O., nhưng mà anh đã từ chối, chỉ muốn xin làm “Chairman” thì họ đồng ý ngay.”

 

            Bán tín bán nghi, vợ tôi tỏ ý không tin, bắt buộc tôi lại phải giải thích:

 

-        “C.E.O. ở đây nghĩa là “Come Eat Only”, đến đó tham gia vào sinh hoạt cùng mọi người, để rồi được ăn chùa nên anh rất ngại, phải từ chối ngay. Còn việc xin đi làm “Chairman”, chỉ là tới giúp sắp ghế cho người ta ngồi, rồi dọn ghế sau khi người ta về. Làm việc chỉ liên hệ tới ghế, chairs, nghĩa là làm “Chairman”; cũng giống như người đi phát thư là “Mailman”, còn người giữ cửa là “Doorman”,…”

 

            Không cho tôi được tiếp tục trổ tài song ngữ bồi bàn’, vợ tôi cố nhịn cười để công nhận:

 

-        “Yes! You are a Chair…man.” !

 

Trở thành thiện nguyện viên, tôi tham gia vào những công tác khác nhau đến nay cũng đã hơn một năm. Đa số những hoạt động xã hội thường xãy ra trong những ngày cuối tuần, cho nên tôi vẫn giữ được những sinh hoạt bình thường mỗi ngày của mình, cũng như của gia đình. Tổ chức này có những hoạt động phục vụ cho cộng đồng rất đa dạng, nên trong những dịp tham gia đó, tôi đã được giao tiếp với nhiều thiện nguyện viên khác.  

 

Trong đó có những người thuộc đàn anh chị, cao niên lớn tuổi, nhưng cũng có người đồng trang lứa, hoặc trẻ tuổi hơn. Có người nay đã nghỉ hưu, có người vẫn bận với việc làm thường ngày. Nhiều thanh niên hiện đang là sinh viên, hay học sinh trung học, nhưng đôi lúc tôi cũng thấy xuất hiện thêm những “Chair-boy”, chúng theo cha mẹ đến để ra tay tiếp sức.

 

Thường mỗi tháng, tổ chức có ngày phân phối thực phẩm khô, thức ăn lon hay hộp, cùng rau cải, trái cây tươi cho những gia đình có lợi tức thấp, có con em hiện đang theo học tại các trường trung - tiểu học thuộc trong khu học chánh. Những loại lương thực, thức ăn, cùng nông phẩm này là do những vị mạnh thường quân, những nhà hảo tâm thường xuyên đóng góp và quyên tặng.

 

 


Một “Chair-boy”


 

Tình nguyện viên có mặt tại địa điểm từ sáng sớm để vận chuyển hàng hóa, tập trung mọi thứ vào bên trong một hội trường đã được dọn trống. Từng loại thức ăn riêng biệt được phân phối theo vị trí đã chỉ định trên các mặt bàn, để sau đó sẳn sàng trao tặng cho những phụ huynh, đang thứ tự sắp hàng chờ đợi ở bên ngoài. Công tác cuối trong ngày sẽ được kết thúc với màn trình diễn của các “Chairmen”, cùng sắp đặt bàn ghế trở lại theo đúng vị trí như trước khi họ đến.

 

Tổ chức còn mang quà tặng cùng đồ chơi đến cho các trẻ trong dịp lễ cuối năm, hay phát miễn phí vật liệu học tập cho học sinh nghèo, vào những ngày cuối hè trước mùa khai giảng. Cũng có những chiều trong tuần, cùng đến một bệnh viện nhi đồng, nơi có những trẻ bất hạnh bị khuyết tật đang điều trị; họ sẽ mang một bửa ăn tối để cùng san sẽ với các bệnh nhân và gia đình; sau đó thì giúp vui với những sinh hoạt văn nghệ hay trò chơi, rồi sẽ cùng kết thúc bằng những lời cầu nguyện cho các bệnh nhân trẻ tuổi đó chóng được phục hồi.

 

 Một hay đôi lần trong tháng, được tháp tùng với những tình nguyện viên khác có chức nghiệp cao quí trong xã hội; họ đang là những bác sĩ, nha sĩ hay những chuyên viên có tay nghề về y khoa. Chúng tôi sẽ đi đến những khu vực ngoại thành, nằm trong những quận lỵ khác nhau, nơi đó có những bệnh nhân trong tình trạng sinh hoạt khó khăn, họ đang cần sự trợ giúp chăm sóc miễn phí về y tế (Medical Outreach).

 

Thường thì những bệnh nhân đã sắp hàng ở bên ngoài từ sáng sớm trông chờ chúng tôi đến. Họ mong sớm được gặp các bác sĩ định bệnh rồi nhận thuốc, họ nóng lòng để được các nha sĩ nhổ bỏ chiếc răng đau đang hoành hành, hay trám lại cái răng hư, sâu đang phá, họ cũng nôn nao chờ nhận cặp kính đeo để đọc rõ chữ, xem rõ hình, sau khi đã được bác sĩ đo mắt.

 

Lúc đầu tôi đã rất lo, ngại rằng không tay nghề, không kiến thức về y khoa, sẽ không giúp được gì trong những công tác y tế như thế này; thế nhưng tôi phát hiện chỉ cần một ít kiến thức phổ thông, cũng sẽ tìm ra việc làm thích hợp cho mình ở nơi đó. Máy móc y khoa, dụng cụ vật liệu y tế, sau khi được tải đến rồi mang vào trong một sân vận động lớn, hay một hội trường trống. Những việc đơn giản như sắp đặt bàn ghế cho bác sĩ ngồi bên ngoài xem bệnh; căng lều ngăn phòng để bệnh nhân được trị liệu bên trong; lắp ráp giường dã chiến cho bệnh nhân nằm để nha sĩ khám răng. Hoặc có thể giúp dẫn điện, chạy máy phát hơi, liên kết mạng cho những máy vi tính, giúp đỡ thủ tục hành chánh, hay làm nhiệm vụ thông dịch cho bệnh nhân.


 

 

Một sinh hoạt của hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng

 

*

 

Được tham gia vào những công tác xã hội này, tôi đã tìm lại một ít niềm tin trong lòng. Cũng trong một dịp đi làm “Chairman” khác, tôi tình cờ đọc được lời dạy của một vị chân tu, Dharma Master Cheng Yen, tôi tạm dịch ra như sau:

 

 “Speak kind words, think good thoughts, do good deeds, and walk the right path.”

 

 “Miệng nói tốt lời, tâm nghĩ tốt ý, thân làm tốt việc, chân đi đúng đường.”

 

Từ đó tôi lại liên tưởng đến con đường mình đang đi. Với những bước chân chỉ để chuẩn bị về hưu như thế, đã có được đúng hướng chưa? Tôi ghi lại bài viết với mục đích chia xẻ, để rồi cũng mong được học hỏi thêm những ý kiến đóng góp sau đó, từ các bạn, các anh chị, những người đi trước, đã và đang trải qua giai đoạn này.

 

Viết tại California trong những ngày đại dịch COVID19 _ tháng 03 năm 2020

TL12

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 195833 visitors (361918 hits) on this page!