Chợ xóm miền tây
24/2/2023

CHỢ XÓM

   Có lẽ miền Tây từ thuở thành làng thành xóm đã có sự mua bán, trao đổi hàng hóa. Ruộng vườn mênh mông, trái cây lúa gạo làm ra ăn không hết phải bán. Công việc nhiều, đa đoan, phải mướn thêm người phụ giúp. Người phụ giúp tất nhiên không có thời giờ để lo ăn lo mặc, phải mua sắm. Thế là hình thành chợ, nơi tiêu thụ và cung ứng dịch vụ.

   Vì tính chất giao lưu trao đổi, chợ thường mở ra ở những nơi thuận tiện cho việc đi lại, những ngã ba ngã tư đường đi, kinh rạch.

   Lần hồi có những chợ phát triển quy mô, bước lên thịnh hội và trù phú. Bán đủ các mặt hàng phục vụ đời sống, đáp ứng mọi yêu cầu cá nhân chuyên biệt. Trong môi trường cạnh tranh, từng nhà buôn đều phải luôn luôn nâng cấp cung cách làm ăn, chất lượng hàng hoá, chợ càng thêm phát triển.

   Miền Tây giờ thay đổi nhiều. Đi qua quốc lộ, tỉnh lộ không còn thấy những cánh đồng, khu vườn mênh mông nữa. Phố xá nhà cửa nối tiếp nhau san sát và chợ kề chợ. Những khu thương mại sầm uất, những cửa hàng rộng lớn sang trọng bán không thiếu một thứ gì.

   Nhưng nếu bạn có dịp đi sâu vào bên trong, những xóm ấp nép mình bên những dòng kinh, cánh đồng, bạn dễ gặp những điểm họp chợ nhỏ bán lơ thơ những món hàng thiết yếu hàng ngày cho người nông dân, tôi gọi là chợ xóm, lam lũ và thân thiện.

   Những ngôi chợ như vậy thường không có tên. Thảng hoặc nếu có thì gọi đại là chợ đầu bờ, chợ kinh Tám kinh Tư, hồn nhiên như đặt tên con thằng Cu, con Tí.

   Người bán ở những chợ này là ai? Họ thường là những người sinh sống tại chỗ, nhận ra những nhu cầu của người trong xóm, nên bày hàng quán bán vài món đồ tạp hóa, thức ăn sáng, cà phê nước đá…Rồi người dân trong vùng trồng một vài loài cây trái, giàn mướp, luống rau…ăn không hết, cho đứa gái nhỏ bưng ra ngồi bán, vài người giăng lưới thả câu thấy nơi tụ hội cũng mang cá mắm của mình ra đổi lấy bịt đường hay gói xà bông. Bây giờ ở nông thôn có những xe honda hàng rong, đủ mọi thứ thịt cá rau cải bánh trái, bán dài theo xóm, tới chợ cũng đậu lại một hồi.

        Còn người mua là ai?

  Đây có thể là những điều đặc biệt của sinh hoạt nông thôn miền Tây. Những người đi đồng sáng sớm ghé qua quán quen ngồi một lát. Có người ăn một dĩa cơm, tô cháo, có người không ăn nhưng cà phê thì ai cũng uống. Các bà có thể ra trễ hơn một chút, uống cà phê thôi, ít ăn lắm. Những câu chuyện ở quán luôn luôn là những thông tin nóng hổi. Ruộng ai trúng, trồng giống gì, ruộng ai đang bị sâu rầy, chữa trị làm sao? Giá lúa đang ở mức nào? v.v…các bà thì tám các chuyện xảy ra trong xóm…Riết rồi cái quán thành trung tâm thông tin, khiến ai cũng phải ghiền hóng hớt ngoài cái ghiền cà phê.

Chuyện buôn bán cũng rất tiện lợi. Đội quân marketing của các tiệm buôn lớn hàng ngày sẽ đảo qua bỏ hàng cho họ, thu tiền lần trước, lần nầy thu sau. Làm ăn uy tín được duy trì dài dài. Giá cả cũng xêm xêm ngoài chợ lớn. Ly cà phê đá 7 ngàn, tô cháo tô bánh canh 10 ngàn, dĩa cơm sườn 15, 20. Trong khi giá lúa tại đồng 130 - 140 ngàn một giạ, ngày công đàn ông 300 ngàn.

   Tôi nhớ có lần ông Bảy Nhị, chủ tịch tỉnh An Giang phê bình thói quen ở nông thôn mà sáng cứ phải một dĩa cơm sườn ly cà phê đá, làm hoài không khá lên được. Tôi không đồng ý với nhận định nầy của ông Bảy. Ăn cơm nguội ở nhà tính kỹ cũng tốn vậy, có thể tiết kiệm chút đỉnh nhưng mất thời gian và cái chánh là không sảng khoái, hưng phấn trước một ngày ở đồng nặng nhọc. Vả lại, ở góc độ xã hội, có tiêu dùng mới có cung ứng, kích thích cho dây chuyền kinh tế chuyển động. Ai cũng tự cung tự cấp thì lấy cái gì phát triển?

Cũng đừng tưởng chợ xóm như vậy không có những chuyện như ở chợ lớn. Vẫn có cho vay tiền góp, hỏi 1 triệu góp 40 ngày, ngày 30 ngàn. Lãi suất vậy thành 20 phân một tháng, rất cao nhưng vẫn có người phải hỏi. Rồi nạn số để. Sáng ra là nghe bàn um ở chợ.

Không gian xóm làng đồng ruộng coi thanh bình vậy nhưng đôi khi cũng có sóng gió, nhứt là khi đã dính vào cờ bạc vay hỏi.

   Bữa đó, Tám Tèo uống cà phê xong, về nhà dắt xe đi ruộng, dặn vói vợ, trưa mầy mua cho tao con 07, đầu 100 ngàn. Vợ hỏi chiêm bao thấy gì mà oánh dữ vậy. Thằng Tám nói, tao thấy 7 bà tiên đi tắm ở truồng, cái nào cái nấy tròn vo. (đó là tui nói tránh đi chớ nguyên văn thằng Tám khác). Xế trưa ngủ dậy, con vợ đi lại nhà Tư Râu biên đề. Thằng Tư Râu thấy con nhỏ có bóng sắc, từ lâu đã tròm trèm. Nghe con vợ kể thằng chồng chiêm bao thấy vậy vậy nên đánh con 07, Tư Râu ỡm ờ 07 gì mà 07? Còn cái sẵn có ở nhà bỏ đâu, phải oánh 08. Con vợ thằng Tám Tèo vừa khoái vừa nghĩ bao nhiêu lần chiêm bao rồi mua có trúng đâu, nên vừa nguýt thằng Tư vừa biểu nó ghi 08.

Trời xui khiến, chiều xổ …07!

   Ở trong đồng tới giờ xổ số, thằng Tám mở điện thoại ra coi, thấy con 07, mừng nhảy nhổm, lấy xe chạy nhanh về nhà. Gặp con vợ ngồi cú rũ, hỏi sao vậy? Con vợ ấp úng kể lể đầu đuôi, nói bà Năm Mập bàn như vậy.

Thằng Tám nóng quá kêu trời: Trời đất ơi, người ta là tiên cái l. nó thơm ngát, mầy là đồ quỷ sứ thúi hoắc lại đòi sáp vô với người ta, có chết tao không?

Nó tiếc 8 triệu bạc mà cho tới ngày hôm sau còn chửi vợ. Tội nghiệp con vợ mấy ngày không dám đi uống cà phê, cũng không dám khai ra thằng Tư Râu.

…..

   Chợ như thế nên thường tan sớm, 8 - 9 giờ đã vắng hoe, chỉ còn lại những quán nhà tại chỗ.
   Đào Dũng Tiến ( NLS/CT)


Không có mô tả ảnh.

Có thể là hình ảnh về 1 người, ngoài trời và văn bản cho biết 'ONG'

Có thể là hình ảnh về 2 người, xe môtô và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 3 người, cây và ngoài trời
 

 
Chợ "Chồm hổm" - Nét văn hóa độc đáo của người Việt

(Chợ chồm hỏm)
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 226716 visitors (430388 hits) on this page!