Lịch sử Trường QGNLM BLAO
16/4/2025

Lịch Sử Thành Lập Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao
BS Thú Y Bùi Xuân Cảnh (Khóa 2 Kỷ Sư) sưu tầm và tổng hợp


A. Các Văn Kiện Về Việc Thành Lập Trường
Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục được Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa thành lập ngày 19 tháng 11 năm 1955 do Nghị Ðịnh số 112-BCN/NÐ của Bộ Canh Nông. Trường tọa lạc trên một thửa đất phì nhiêu ước lượng khoảng 500 mẩu, trên quốc lộ 20, phía Tây Thị xã Bảo Lộc. Quanh Trường là núi, rừng và các đồi chè xanh, nên phong cảnh rất hữu tình. Trường QGNLM nguyên thủy được biết dưới tên Trường QGNLM Blao. Cho đến khi Thị xã Blao đổi tên là Bảo Lộc, Trường mới có tên Bảo Lộc. Trường QGNLM là một trường cao đẳng gồm: một cấp cao đẳng một cấp trung đẳng, những lớp theo mùa, không học kỳ và hạn định.

Khóa 1 cấp trung đẳng khai giảng ngày 12 tháng 12 năm 1955 trong một buổi lễ long trọng. Sau 3 năm học tập, Khóa 1 tốt nghiệp năm 1958 với 63 sinh viên được cấp văn bằng kiểm sự ngành Canh Nông, Thủy Lâm và Mục Súc.

Khóa 2 nhập học ngày 15 tháng 11 năm 1956 và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1959. Khoá 1, Khóa 2 và Khóa 3 đều có 50 sinh viên chính thức được tuyển chọn trong các kỳ thi 
tuyển toàn quốc, được chánh phủ cấp học bổng và sống nội trú. Trường QGNLM đào tạo được 8 khóa trung đẳng với gần 600 chuyên viên các ngành Nông, Lâm và Súc.


Tổng Thống Ngô Đình Diệm (complet trắng) khánh thành Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục năm 1955

Khóa cao đẳng đầu tiên của Trường QGNLM khai giảng trong niên học 1959. Nghị Định số 286 BCN/NĐ/HC ngày 6/8/1959 ấn định tổ chức cấp cao đẳng với học kỳ 3 năm và gồm 3 ban Nông Khoa, Lâm Khoa và Súc Khoa. Trường bắt đầu đào tạo 2 khóa cao đẳng tại Bảo Lộc.

Vào đầu tháng 11 năm 1961 vì lý do an ninh việc di chuyển của các giáo sư đến Bảo Lộc gặp khó khăn, cấp cao đẳng được dời về địa điểm đường Cường Ðể, Sàigòn.

Sau đó, Trường trải qua một loạt biến đổi như sau:
1. Năm 1963, Nghị Định số 1184 GD/HC đổi tên cấp cao đẳng Trường QGNLM ra Trường Cao Ðẳng Nông Lâm Súc với học kỳ 4 năm.

Cũng trong năm 1963, cấp trung đẳng Trường QGNLM biến thành một trường trung học nông nghiệp và lấy tên là Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Trường tiếp tục đào tạo chuyên viên cấp trung đẳng từ năm 1963 cho đến năm 1975.

2. Năm 1967, Trường CĐNLS được đặt trực thuộc Bộ Giáo Dục do Nghị Định số 483 GD ngày 23/3/1967.

3. Năm 1968, Bộ Giáo Dục đổi tên Trường thành Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp với 3 trường Cao Đẳng Nông Nghiệp, Cao Đẳng Thú Y Chăn Nuôi và Cao Đẳng Thủy Lâm do Sắc Lệnh số 158 SL/VHGD ngày 9/11/1968.

4. Năm 1972, Trung Tâm QGNN đổi tên là Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp do Sắc Lệnh số 174 SL/GD ngày 29/11/1972.

5. Năm 1974, Học Viện QGNN được đổi tên là Đại Học Nông Nghiệp và cùng với Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ hợp thành Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức do Sắc Lệnh số 10 SL/VHGDTN ngày 11/1/1974.

Kể từ khi bắt đầu được thành lập Trường có bốn thành viên sáng lập đóng góp nhiều công sức để Trường càng ngày thêm phát triển. Tứ trụ của Trường là BS Vũ Ngọc Tân, GS Lê Văn Ký, GS Đặng Quan Điện, và GS Bùi Huy Thục. Cùng với sinh viên các khoá, nhiều thế hệ thầy trò đã dành nhiều công sức, đổ nhiều mồ hôi nước mắt để khai sơn phá thạch, xây dựng giữa chốn rừng núi thanh tĩnh một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ có tầm cỡ so với các trường đại học trong vùng thời bấy giờ, biến nơi này thành một thị xã phồn vinh trù phú, một thời đã từng là tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng, thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước.

Ngay từ ngày mới thành lập, ngoài các chuyên gia hàng đầu của Bộ Canh Nông và các GS của Đại học Khoa học, Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Đại học Kỹ thuật Phú Thọ được mời tham gia giảng dạy, trường
còn nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu của nhiều trường Đại học trên thế giới. Trường đã tiếp đón nhiều GS thường trú đến từ Pháp, Đức, Mỹ, Bỉ. Các GS Maurice Schmidt, GS Tixier, GS Pecrot, GS Stevens, GS Hoenninger đã thường trú tại Bảo Lộc và Sài Gòn trong suốt bốn khoá đầu. Các đại học kết nghĩa Georgia, Florida đã cử nhiều GS và chuyên gia thường trú đến làm việc với trường cho đến tháng 3 năm 1975. Phái đoàn viện trợ kỹ thuật Pháp với nhiều chuyên gia của ORSTOM và các Viện nghiên cứu Pháp đã ở lại trường đến tháng 8 năm 1975.

Trường QGNLM đã đào tạo được tổng cộng 8 khóa trung đẳng và 16 khóa cao đẳng với trên dưới 1000 kiểm sự và 2000 kỹ sư các ngành nông, lâm và súc. Khóa 16 nhập học năm 1974 và tốt nghiệp năm 1980.

Khoá II Cao Đẳng khai giảng năm 1960 và tốt nghiệp năm 1963. Cả khoá có 60 sinh viên được tuyển chọn sau một kỳ thi dành riêng cho các thí sinh có bằng tú tài hai ban B (Toán) hoặc ban A ( Khoa Học Thực Nghiệm ).

Các sinh viện trúng tuyển được phân chia ra ba ngành:
- Nông Khoa : 25 sinh viên
- Lâm Khoa : 15 sinh viên
- Súc Khoa : 20 sinh viên

Ngoài ra còn có hai bàng thính viên được nhận cho theo học cùng các sinh viên chính thức.

Trong suốt thời gian theo học, tất cả các sinh viên đều được cấp học bổng 1500 đồng mỗi tháng.


B. Nhu Cầu Và Quá Trình Về Việc Thành Lập Trường QGNLM B’Lao.
( Viết Theo Ghi Chép của Chu Hữu Tín trong Âm Hưởng Blao và theo các tài liệu sưu tầm khác)
Khi cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc vào năm 1954, Quốc Gia Việt Nam, và sau đó là nước Việt Nam Công Hoà, được thành lập với lãnh thổ trải dài từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Việc kiến thiết Miền Nam trở nên cấp thiết để có thể đương cự với cộng sản phương Bắc. Muốn kiến thiết đất nước, phải có chuyên viên các ngành, trong đó Nông Nghiệp là một ngành xương sống của Miền Nam. Nhu cầu phải xây dựng một trường Đại Học Nông Nghiệp cấp bách hơn bao giờ.Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục B’Lao đã ra đời trong bối cảnh đó.

Năm 1960, khi trường đã được 5 tuổi, bác sĩ Vũ Ngọc Tân lúc ấy làm Giám Đốc Trường, đã có buổi thuyết trình trước Bộ Trưởng Canh Nông, và rất đông sinh viên các trường Đại Học ở Saigon. Bài thuyết trình của thày Tân đã nói lên như cầu cấp thiết phải có trường Nông Lâm Mục B’Lao. Tôi Xin tóm tắt 4 điểm chính yếu trong bài thuyết trình của Bác sĩ Vũ Ngọc Tân.

1.- Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Đáp Ứng Sự Cần Thiết Của Nước VNCH.
Việt Nam được xếp loại là quốc gia đang phát triển. Dù tài nguyên đất nước rất phong phú, đất nước vẫn ở trong tình thế khó khăn. Để cải thiện đời sống nhân dân, để đưa đất nước lên đường phát triển,
Việt Nam phải cải tiến việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, bằng cách áp dụng các kỹ thuật thích ứng. Muốn có kỹ thuật, phải có chuyên viên. Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chuyên viên Nông Nghiệp, Nha Học Vụ, Bộ Canh Nông đã dự trù phải có ngay 470 Kỹ sư và 2700 chuyên viên trung cấp, chỉ để điều hành các chức năng thuộc Bộ Canh Nông và các cơ sở trực thuộc Bộ. Ngoài ra, khu vực tư nhân cũng cần có it nhất 4000 chuyên viên Nông Nghiệp các loại.

Tuy nhiên, dù có đạt được thành tích đào tạo chuyên viên Nông Nghiệp với số lượng như đã nói trên, chúng ta vẫn còn cách rất xa các chuẩn mực về chuyên viên đang áp dụng tại các nước láng giềng trong khu vực. Nước Nhật, tuy dân số chỉ gấp 7 lần Nam Việt Nam, nhưng Nhật có tới 250.000 chuyên viên Nông Nghiệp. Philippines có tới 11 trường Đại Học Nông Nghiệp, hàng năm đào tạo cả ngàn chuyên viên.

Trong hiện tại (1960), Miền Nam chỉ có 130 kỹ sư Nông Nghiệp, kể cả Kỹ sư đồng hoá; và khoảng 400 chuyên viên Nông Nghiệp trung cấp. Chúng ta thiếu chuyên viên Nông Nghiệp một cách trầm trọng! Nhiệm vụ của Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục là đào tạo ngay 3000 chuyên viên các cấp trong ngành Nông Nghiệp, rất cần cho việc phát triển đất nước.

2. Quá Trình Hình Thành Trường QGNLM.
Trường được dự kiến xây dựng từ năm 1950. Nhưng việc xây dựng chỉ được khởi sự từ 1954. Tuy vậy, tới ngày 12 tháng 11 năm 1955, trường đã tiếp nhận khoá I trung cấp gồm 60 sinh viên, qua một kỳ thi tuyển có tới 1200 thí sinh tham dự!

3.Việc Chọn Địa Điểm Xây Dựng Trường.
B’Lao đã được lựa chọn là trung tâm giáo dục Nông Nghiệp. Tuy B’Lao cách xa Saigon 184 Km, nhưng sự bất tiện này được bù đắp bằng nhiều yếu tố thuận lợi: Khí hậu mát mẻ, rất tốt cho việc học tập và làm việc; có diện tích để mở rộng trường không giới hạn; có điều kiện để huấn luyện và học tập cả ba môn học: Nông học, Lâm nghiệp và Chăn nuôi.

4.Việc Xây Dựng Trường.
Vùng đất trước khi xây dựng Trường, là một địa điểm nghiên cứu Nông Nghiệp cũ đã bị bỏ hoang phế, đầy bụi rậm và rắn hổ mang. Để xây dựng, việc khó khăn là cần có đủ nhân công để dọn dẹp mặt bằng và xây dựng. Vấn đề nhân công đã may mắn được giải quyết dễ dàng vì số công nhân di cư từ Miền Băc vào Nam. Nhà cửa khi mới xây dựng, chỉ là các căn nhà gỗ, không điện, không nước máy. Tới năm 1956 kinh phí để xây cất nhà gạch đã được duyệt; nhưng phải đợi tới 1957 mới có thể xây dựng các công trình lớn.
 
Đầu năm 1958, đã xây xong ba dãy Giảng đường, gồm 8 phòng học, 1 khu Hành Chánh; một Đại Thính Đường, một Thư Viện,18 biệt thự cho các giáo sư, 4 Ký Túc Xá gồm 90 giường, và một nhà bếp lớn; một Tháp Nước dung tích 630 mét khối.

Tổng kinh phí là 20 triệu đồng, vào thời giá năm 1960. Các khu nhà đã xây, đều có điện và nước máy. Ngoài ra, các trang thiết bị để làm việc và học tập cũng được cung cấp, gồm 6 máy kéo (tractor), 4 máy sới đất. Từ 1958 cho tới các năm sau, trường được viện trợ các dụng cụ khoa học dùng cho các phòng thí nghiệm sinh hoc, lý hoá, thổ nhưỡng, các dụng cụ thính thị và khoảng 3000 đầu sách khoa học các ngành Nông, Lâm, Mục. Để có phương tiện cho sinh viên thực tập các ngành Nông, Lâm, Mục, trường có 10 ha rừng cây, 30 ha đồng cỏ 20 ha cỏ thảm, 2 ha vườn ươm cây, 2 ha vườn rau, 2 ha vườn cây ăn trái, 6 ha vườn trà và cà phê, 1 trại gia súc, có 6 con ngựa giống, 15 bò sữa, và nhiều Heo, Gà, Vịt.

Từ khi mới thành lập, trường đã mở rộng hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế. Phượng Vỹ Đại Sảnh được bắt đầu khởi công xây dựng tại Thủ Đức vào ngày 20 tháng 2 năm 1972 do hãng thầu kiến trúc Phúc Hòa thực hiện dưới nhiệm kỳ của BS Nguyễn Thành Hải. Lễ khởi công xây dựng Trường có đông đủ ngoại giao đoàn tham dự. Khi bắt đầu được thành lập Trường có bốn thành viên sáng lập đóng góp nhiều công sức để Trường càng ngày thêm phát triển. Tứ trụ của Trường là BS Vũ Ngọc Tân, GS Lê Văn Ký, GS Đặng Quan Điện, và GS Bùi Huy Thục. Cùng với sinh viên các khoá, nhiều thế hệ thầy trò đã dành nhiều công sức, đổ nhiều mồ hôi nước mắt để khai sơn phá thạch, xây dựng giữa chốn rừng núi thanh tĩnh một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ có tầm cỡ so với các trường đại học trong vùng thời bấy giờ, biến nơi này thành một thị xã phồn vinh trù phú, một thời đã từng là tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng, thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước. Ngay từ ngày mới thành lập, ngoài các chuyên gia hàng đầu của Bộ Canh Nông và các GS của Đại học Khoa học, Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Đại học Kỹ thuật Phú Thọ được mời tham gia giảng dạy, trường còn nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu của nhiều trường Đại học trên thế giới. Trường đã tiếp đón nhiều GS thường trú đến từ Pháp, Đức, Mỹ, Bỉ. Các GS Maurice Schmidt, GS Tixier, GS Pecrot, GS Stevens, GS Hoenninger đã thường trú tại Bảo Lộc và Sài Gòn trong suốt bốn khoá đầu. Các đại học kết nghĩa Georgia, Florida đã cử nhiều GS và chuyên gia thường trú đến làm việc với trường cho đến tháng 3 năm 1975. Phái đoàn viện trợ kỹ thuật Pháp với nhiều chuyên gia của ORSTOM và các Viện nghiên cứu Pháp đã ở lại trường đến tháng 8 năm 1975.
 
C. Hoạ Đồ Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục





 
D. Trích Dẫn bài viết về Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục của Huy Lực Bùi Tiên Khôi
Ông Huy Lực Bùi Tiên Khôi của Đại học Texas, một cựu sinh viên của Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao đã có một bài viết rất hay, đầy xúc cảm, khi viết về ngôi trường cũ. Dưới đây tôi xin phép ông Huy Lực, để được trích dẫn những điều ông viết về trường.

… “ Ngôi trường chúng ta quả thật là ngôi trường số một, chẳng những là ngôi trường vĩ đại đầu đời của tuổi đôi mươi, mà còn là ngôi trường dân sự chuyên môn đầu tiên vĩ đại nhất của Quốc gia thời bấy giờ. Các bạn đừng cho tôi vì quá yêu trường mà lộng ngôn đâu nhé ! “
 
 

Hình Ảnh Đèo Blao thập niên 1960 trước khi tới Trường Nông Lâm Mục

… “Nằm bên trái quốc lộ 20, tại cây số 187 từ Saigon đi Đà Lạt, ngôi trường chúng ta trải dài từ xã Tân Bùi đến chợ Blao, rồi kế tiếp ranh giới sở trà Pichené. Diện tích ngôi trường chúng, kể cả khu ngũ cốc, vườn ươm cỏ (grass collection), thí điểm cây ăn trái, vườn ương, vườn rau, vườn cam và đồng cỏ (pasture) rộng tới 200 hecta mẫu tây tức 494 acres mẫu Hoa Kỳ, rộng hơn bất cứ ngôi trường Văn hoá chuyên môn nào trên đất nước Việt Nam, và rộng hơn cả đại học Rice ở Houston (300 acres), một trong những đại học tốt nhất Hoa Kỳ.”

… “ Du khách đi Đà Lạt, khi xe tiến vào cây số 186, nhìn qua tay trái, những dãy biệt thự xinh xắn của giáo sư Nông Lâm Mục, màu tường trắng nổi bật trên khung cảnh xanh bìếc của cây cỏ, núi rừng. Ông Nguyễn Thiệu Lâu, giáo sư Sử Điạ của Đại Học Saigon, và nhiều vị giáo sư đại học khác, khi qua đây đã từng nhìn bàu trời xanh, mơ ước được vào dạy ở nơi đây, mỗi sáng ngồi trong biệt thự tiện nghi, uống trà tươi, nghe cỏ cây trăn trở thì thầm

Cổng vào trường được xây cất kiên cố, mang tấm bảng hiệu to lớn chữ đỏ chói, đập vào nhãn quan gây một ấn tượng bao quát vĩ đại cho du khách viếng trường.

 
Cổng trường Nông Lâm Mục 60 năm xưa
(bên trong là đại giảng đường vừa xây xong)

Ba khi giảng đường năm kế bên nhau, lùi dần về phía sau, năm dưới những tàn cây xanh biếc, ấp ủ khung trời thân yêu của ba năm sách vở trong tay đến lớphọc hành. Mỗi giảng đường có ba bốn lớp học và phong thí nghiệm. Những chiếc ghế có gắn liền mặt bàn đánh vec ni bóng lộn, hai bên tường kính mỹ thuật, có thể nhìn thấy đàn bướm chập chờn trên những luống hoa sặc sỡ trước biệt thự của các giáo sư, hoặc nhìn qua phải, tầm mắt có thể đến tận khu rừng xanh ngát trải dàn ra. Tôi bảo đảm với các bạn không có những lớp học nào tiện nghi, thoải mái, thơ mộng như lớp học của trường Nông Lâm Mục chúng ta, kể cả so sánh với những dại học danh tiếng nhất Hoa Kỳ”


Một Khu Nhà Học Của Trường Nông Lâm Mục Blao

… “ Tháng sáu năm 1987, tôi ( Huy Lực ) được mời tham dự lể ra trường của Đại học Harvard, cùng vui chơi với class reunions, ngày họp mặt khoá của một đại học đã thành lập cách nay 350, đai học danh tiếng nhất, lâu đời nhất Hoa Kỳ…
 
…” Tôi phải hết sức thành thật nhận định rằng không có một lớp học nào ở đại học Harvard mà hội đủ những tiêu chuẩn: Tiện nghi, thoải mái, thơ mộng, thú vị, như lớp học cuả trường Nông Lâm Mục chúng ta.”

… “ Rời khu giảng đường Nông Lâm Mục, tiến qua cột cờ, ba toà nhà phòng ngủ của sinh viên, đầy đủ tiện nghi, tân kỳ, nằm soai soải bên nhau, nhìn ra mặt lộ, mặt tiền mỗi toà nhà được xây cất nhô ra, hai cánh tả hữu hai bên, mỗi bên 6 phòng, mỗi toà nhà 12 phòng, nơi sinh sống của 48 sinh viên. Phòng rửa mặt, cầu tiêu, nằm chính giữa tầng dưới, và trên lầu là phòng tắm, phòng tập thể dục, với lan can để nhìn mặt trời dần dần chìm khuất, hoàng hôn lặng lẽ bao trùm, đêm tối dâng đầy, với tiếng rì rầm của núi rừng, ngàn cây xao xác. Phòng ngủ đó, các bạn ơi, chúng ta đã có vô vàn kỷ niệm, và tôi lại phải một lần nữa chứng minh với bạn, không một dormitory nào, kể cả những đại học tốt nhất tại Hoa Kỳ như MIT (Massachusetts Institute of Technology ) có thể sánh được.


Bài này trích từ Kỷ Yếu Khóa 2 Kỷ Sư, do Ban Biên Tập soạn Tháng 3 năm 2018 gồm:
 
ThS Phạm Thanh Khâm
ThS Đặng Đắc Cảm
BS Thú Y Bùi Xuân Cảnh
 


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 271467 visitors (505852 hits) on this page!