DU LỊCH TÂY NGUYÊN 2004 -MPM 3 - ĐUA BÒ Ở TRI TÔN
Như vậy ngày đầu tiên của Hội voi Dak Lak đã kết thúc bằng một “lễ hội ăn theo”mà tôi thấy quá dã man và nhẫn tâm. Đành rằng đây là tục lệ truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, chỉ phổ biến trong cộng đồng dân tộc ít người, nhưng khi khai thác nó như là sản phẩm du lịch để thu hút khách bốn phương thì thật không nên.
Rất vui khi sau này, Dak Lak và các tỉnh Tây nguyên đã quyết định không tổ chức Lễ Đâm Trâu nữa. Tôi nghĩ, có thể thực hiện lễ tục này bằng hì...nh nộm con trâu bằng rơm, với đủ các nghi thức truyền thống, nhằm duy trì 1 nét văn hóa rất đặc trưng nơi bản địa. Nói tới điều đó tôi chợt nhớ đến Lễ hội đua bò 7 Núi ở quê tôi.
Đó là một trò chơi dân gian của dân tộc Khmer vùng Thất Sơn, An Giang, được tổ chức vào dịp Tết Đônta hằng năm, khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch. Ban đầu được các Sư Cả trụ trì các chùa lớn tổ chức cho các phum sóc tranh đua, để dân chúng vui chơi trong ngày lễ lớn(người Khmer Nam bộ có 2 Tết trong năm : vào trung tuần tháng 3 là Têt chịu tuổi, Chon- chơ-năm-thơ-mây và tháng 8 là Tết Đônta hay còn gọi là Lễ cúng Ông Bà, thay vì đám giỗ như người Kinh ).
Mãi đến đầu những năm 90, thế kỷ trước, trò chơi này được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, quy mô ngày càng phát triển và đã được nâng lên thành lễ hội cấp quốc gia, 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, An Giang, thay phiên nhau tổ chức.
Lễ-hội-đua-bò-7-núi thật sự là một cuộc chơi văn hóa đầy nhân bản, phản ánh rõ nét nền văn minh lúa nước của dân bản địa. Bò thua cuộc sẽ được chủ đưa về chăm sóc tập luyện lại chuẩn bị cho mùa lễ hội năm sau, bò thắng cuộc trở thành biểu tượng may mắn của phum sóc và là tài sản lớn của chủ nhân, vẫn sẽ được chăm sóc tập luyện để năm sau thi đấu bảo vệ ngôi vô địch.
Đua bò 7 Núi vì thế ngày càng hấp dẫn, thu hút khách khắp nơi, kể cả du khách nước ngoài. Lễ hội cũng là nơi để các bạn thích chơi ảnh thi thố tài năng. Những năm sau này, đua bò 7 Núi mở rộng cho các đội bò ở tỉnh khác, thậm chỉ có cả bò tới từ nước bạn Campuchia!
Mời đọc Phần MPM 4
Muốn đọc các bài cũ, xin bấm vào TRANG BẠN VIẾT, phần Mong Phước Minh