Xin nhắc lại, sông Serepok, dài 315km, có 125km trên đất Việt Nam, là hợp lưu của 2 con sông K’rông Nô và K’rông Ana, phát nguyên từ vùng núi cao trên 2400m Chư Yang Sin.
Trước khi hợp lưu ở xã Quỳnh Ngọc, huyện K’rông Ana, 2 giòng K’rông Ana và K’rông Nô chảy hiền hòa giữa đại ngàn xanh thẳm, một bên đục(K.Ana), một bên trong(K.Nô).
Sau khi thành sông cái Sê Repok, còn gọi là sông Dak K’rông, giòng sông trở nên hung tợn và nguy hiểm bởi nhiều gềnh thác. Đó là lợi thế du lịch và cũng là lợi thế về thủy điện.
Chuyện về các lợi thế này sẽ nói tới sau, bây giờ xin các bạn cùng chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình năm 2006.
Năm 2004 tôi và bà xã dự hội voi Dak Lak, có ghé hồ Lak, mê cái đẹp yên bình, nên muốn dẫn các em, cháu trở lại thăm nơi này.
Chúng tôi ngược đường trở lại quốc lộ 26, tới ngã 3 giao lộ 26 và 27, bây giờ là vòng xoay Hòa Bình, nếu đi thẳng thì trở về đèo Phượng Hoàng, rẻ phải thì về Hồ Lak. Tôi phải dựa trên bản đồ google maps mới, để các bạn tiện theo dỏi, chớ vào năm 2006, khu vực này còn “nhà quê” lắm, ngã 3 khi đó chỉ là 1 vùng ngoại ô vắng người. Từ đây là bắt đầu con đường xuyên rừng già, xuôi về hướng Đông Nam, lên thượng nguồn của 2 giòng sông K’rông Nô và K’rông Ana. Nơi đây cũng từng có 1 trung tâm thực nghiệm nông nghiệp nổi tiếng miền Nam, đó là Trung Tâm thực nghiệm Eak Mat. Thầy Nguyễn Hữu Quyền, dạy Di Truyền, đã từng là Giám dốc Trung Tâm này trước khi du học Mỹ.
Từ thành phố Buôn Ma Thuột nằm trên cao độ khoảng 500m, về lại hướng Nam, ta có cảm giác như đang xuống thấp. Thật sự, đường 27 từ Đak Lak về Đơn Dương là đi từ cao độ 500m lên cao độ hơn 1000m, nên phải qua vài con đèo khá hiểm trở, nhất là vào thời điểm này đường đang khôi phục lại.
Đoạn đầu tiên Buôn Ma Thuột - thị trấn Liên Sơn, dài 56km, quốc lộ chạy qua địa hình tương đối bằng phẳng, nhưng cảnh quan vùng núi rừng cao nguyên luôn ẩn chứa nhiều khác lạ thú vị, nhất là khi nó còn nguyên sơ.
Cách Buôn Ma Thuột 30km là một địa danh nổi tiếng của giáo dân Thiên Chúa, nơi có tượng Đức Mẹ được xây dựng và khánh thành vào năm 1963, đó là Đồi Đức Mẹ Giang Sơn. Đồi nằm trên một khung cảnh sông núi hữu tình, thuộc huyện Cư Kuin, nơi định cư của đồng bào miền Bắc di cư vào năm 1956, lập nên Giáo xứ Giang Sơn năm 1957. Chắc chắn vào thời điểm đó nơi đây là “rừng thiêng nước độc”, vậy mà mọi người đã nương tựa nhau vượt bao khó khăn, nguy hiểm để tồn tại và phát triển. Đồi Đức Mẹ Giang Sơn là chốn hành hương của biết bao giáo dân Thiên Chúa từ hơn nửa thế kỷ qua, nếu có dịp đi ngang, các bạn nên dành chút thời gian ghé lại. Đặc biệt, gần đó về phía bắc, có 1 nhà thờ cổ, là phế tích, được nhiều bạn trẻ ưa khám phá tới thăm!