Mùa đỗ ải đang về
08/02/2023
 

MÙA ĐỔ ẢI ĐANG VỀ

Tg: Hiền Hòa

   Nhà nông một năm có hai vụ chính: vụ chiêm và vụ mùa.

   Vụ chiêm bắt đầu xuống mạ từ khi lập xuân (thường là tháng Giêng ta) và thu hoạch lúa vào tiết hạ chí (tháng Năm âm lịch). Vụ mùa xuống mạ vào tháng Sáu âm lịch và gặt lúa vào tháng Mười âm lịch.

Có thể là hình ảnh về 7 người và ngoài trời

   Sau khi gặt vụ mùa, người nông dân để cho mặt ruộng khô cong rồi mới cày ải, sau đó phơi ải đến hết mùa đông. Mặt ruộng lúc này khô và tơi xốp. Từng đường cày, luống cày thẳng tắp, lật tung mặt ruộng, ngửa hòn đất lên, trông rất trình tự và đẹp mắt. Gió bấc lạnh và khô cùng với nắng hanh mùa đông Một Chạp khiến nước bay hơi, làm cho hòn đất khô kiệt, nỏ trắng, tơi xốp. Bao nhiêu trứng sâu, trứng bọ ẩn nấp trong lòng đất đều bị ung, bị diệt sạch nhờ phương pháp phơi ải truyền thống. Khi mặt trên luống cày nỏ trắng, người nông dân tiến hành đảo ải (dùng cày, cuốc lật hòn đất lên, phơi nốt phần bên dưới cho nỏ đều cả hòn). Trong quá trình đảo ải, đất càng trở nên tơi xốp do thoáng khí. Nhờ phơi ải, đất thật sự được nghỉ ngơi, an dưỡng, tắm gội bằng ánh nắng mặt trời, được thở đầy lồng ngực bằng gió trời, khí trời, được làm sạch cỏ dại và những loài sâu bọ kí sinh có hại, chuẩn bị cho một mùa vụ mới bội thu, bờ xôi, ruộng mật.

   Sinh ra từ làng, từng gắn bó bầu bạn với ruộng đồng nên tôi nhớ thương và mến yêu những cánh đồng làng vô hạn. Mỗi mùa ải về, tôi lại thích thú thả mắt, thả hồn ngắm từng hòn đất thắm màu phù sa cổ kính, từ lúc chúng mới cày lên, có màu nâu non tươi thắm cho đến khi chúng chuyển sang màu trắng nỏ giòn. Nhìn ruộng đồng mùa đất ải, tôi lại nhớ tới lời mẹ tôi năm xưa, lúc đi đảo ải "Một hòn đất nỏ, một giỏ phân". Tôi bồi hồi nhớ những buổi vác cuốc đi đảo ải trên thửa ruộng nhà mình năm xưa, tự cười trong tâm tưởng về mình - cô bé con đã từng chăm chỉ, cần cù, say sưa làm việc, yêu từng hòn đất ải trên thửa ruộng nhà với tất cả tấm lòng. Vì thương yêu đất nên tôi đã không bỏ sót hòn nào khi đảo ải. Nhìn từng hòn đất được lật lên, tơi xốp, nghĩ tới ngày mai chúng được nỏ đều, lòng tôi vui lắm. Tôi thấy đất cũng vui như đang cười, một nụ cười mãn nguyện và biết ơn. Bất giác, tôi nghĩ đến sự công bằng: hòn đất nào cũng được tắm táp nắng gió, cũng được hít thở khí trời. Thế là tôi vui. Một niềm vui giản dị, trẻ thơ và nguyên thủy.

   Khi tết Nguyên Đán đã cận kề cũng là lúc tiết lập xuân gần đến (có năm nhuận, tiết lập xuân về muộn hơn, sau tết độ mươi ngày, như năm Quý Mão này nhuận tháng Hai nên lập xuân vào 14 tháng Giêng ta, khi tết đã qua gần nửa tháng). Mưa phùn đã lất phất bay trong gió đông, gió nồm. Đêm buông màn, giàn đồng ca ếch nhái đồng thanh râm ran tấu bản giao hưởng truyền thống muôn đời chào mừng chúa Xuân. Ấy cũng là lúc con nước ải đổ về ngập các kênh, mương. Trong veo. Tràn trề. Lênh láng. Nước tràn qua các máng xẻ, ngoi thành dòng, bò vào ruộng đồng. Hối hả. Thỏa sức. Đất ải khô cong, bị bỏ khát bao ngày, nay gặp nước, ngấm xèo xèo, sủi tăm, sủi bọt, bở tung, vui sướng thả mình ngã lăn xuống rãnh cày. Khi đất đã no nước, chúng nhũn mềm, chỉ cần bừa ngả một vài lượt đã tơi như khoai bở. Ở những chân ruộng cao, nước ải không tràn vào được, người ta phải dùng sức người để tát. Những chiếc gầu sòng, gầu dây vục nước ngọt lịm, đầy ắp, đổ thùm thùm vào ruộng theo điệu nhún nhẩy của đôi chân, theo cả điệu vung vẩy của đôi tay người. Nhìn cảnh tát nước khi mùa đổ ải về, thấy cảnh đồng làng vui như hội. Nước reo. Đất vui. Và lòng người nông dân cũng hân hoan trên thửa ruộng nhà mình.

   Ngày nay, máy móc đã cơ giới hóa ruộng đồng. Những chiếc gầy dây, gầu sòng vang bóng một thời dường như không còn nữa. Chúng đã hoàn thành sứ mệnh của mình ở một thời kì lịch sử để nhường chỗ cho những chiếc máy bơm nhỏ hộ gia đình. Con trâu vốn là đầu cơ nghiệp, là sức kéo chủ yếu giúp nhà nông cày bừa, giờ cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Chúng nhởn nhơ gặm cỏ thành bầy, thành đàn để cung cấp thực phẩm cho người, nhường việc cày bừa nặng nhọc cho những chiếc máy cày, máy bừa dịch vụ nổ giòn, ầm ì làm thông ngày, thông đêm từ ruộng gần đến ruộng xa cho đến khi cả cánh đồng đã được bừa cấy phẳng phiu, trắng xóa một màu nước bạc.

   Đợi cho lớp bùn nâu non tươi màu phù sa lắng xuống, người nông dân quẩy mạ ra đồng, chăng dây, be bờ. Chỉ vài ngày sau đó, ruộng đồng đã phủ kín màu xanh của lúa. Một màu xanh bạt ngàn, non tơ. Giăng tới tận chân trời.

   Thế là một mùa vụ mới lại về - Mùa lúa chiêm xuân - Mùa con nước ải đổ về ngập tràn, tươi mới. Tôi say sưa ngắm nhìn con nước ải tràn vào ruộng đồng, thấy lòng rộn lên một niềm bâng khuâng, hoài niệm. Tôi tưởng tượng trong màu nước bạc có quá khứ của ông bà, quá khứ của một nền văn minh lúa nước rất xa xôi. Quá khứ ấy có cả thời ấu thơ của tôi, quá khứ của một thời đói nghèo trong rơm rạ nhưng thiêng liêng, thân thuộc vô cùng.

   Và tôi ước: đất nước mình giàu mạnh, văn minh nhưng không mất đi những cánh đồng lúa bát ngát. Để mỗi năm một lần, tôi lại được nhìn thấy hình ảnh thân thuộc ở làng quê: mùa đổ ải đang về, reo vui, tươi mới trong tiết Xuân sang.

    02/02/2023

    * Nguồn;(Hưng Đức - Quán Chiêu Văn)

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 195779 visitors (361517 hits) on this page!