Nhện đỏ mai vàng
5/5/2023

            NHỆN ĐỎ HẠI MAI VÀNG

   Đối với người miền Nam, cây mai vàng ngày Tết là biểu trưng không chỉ của sự may mắn mà còn là sum vầy, đầm ấm, thạnh phú và hạnh phúc. Không có một gốc mai vàng trước cửa, một bình mai đầy bông đầy lộc trên bàn thờ ông bà thì không phải là ngày Tết.

   Một chút thông tin: mai vàng còn gọi là hoàng mai, huỳnh mai hay lão mai, danh pháp khoa học: Ochna integerrima là loài thực vật có hoa thuộc chi Mai (Ochna), họ Mai (Ochnaceae), được người Việt Nam thuần hóa từ cây dại khi đi khai khẩn miền Nam. Hoa mai vàng có năm cánh và thường nở trùng với dịp Tết Nguyên Đán nên người ta đã đem về trang trí vào dịp Tết. Dần dà về sau, hoa mai trở thành một hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến ngày tết của miền Nam Việt Nam.

   Trồng và chăm sóc mai vàng đòi hỏi nhiều công phu. Những người sành sỏi thường được tôn xưng là nghệ nhân, tức là những người nắm rõ quy luật của tiến hóa, có cái nhìn toàn cục, chiến lược để tạo cành tạo tán, làm cho cây mai sum suê, tràn đầy ánh nắng và sức sống, canh đoán tiên lượng thời tiết, thực hiện các biện pháp làm cho cây mai rực rỡ bông vàng khi đón Tết.

   Nhưng cây mai càng tươi tốt, thậm chí chỉ mới chớm tươi tốt thôi thì đủ loại sâu rầy nhào vô phá hoại. Trong đó con nguy hiểm nhứt, đáng ghè nhứt là con nhện đỏ.

….

   Nhện đỏ tên khoa học là Tetranychus urticae thuộc họ Tetranychidae bộ Acarina. Thân hình bầu dục, con trưởng thành có 8 chân, kích thước rất nhỏ từ 0,18mm – 0,35mm nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Vòng đời nhện đỏ ngắn, chỉ từ 2-4 tuần, nhưng chúng sinh sôi rất nhanh, con cái bắt đầu đẻ 15-20 trứng mỗi ngày trong vòng 1 tuần sau khi nở. Kích thước của con nhện đực nhỏ hơn con cái, toàn thân phủ lông lưa thưa và thường có màu vàng nhạt, xanh lá cây, trắng hay đỏ với đốm đen ở 2 bên thân mình.

- Nhện đỏ sinh sản quanh năm, nhưng chúng phát triển mạnh nhất vào mùa hè và mùa thu từ tháng 4-9 hàng năm.

- Vòng đời nhện đỏ kéo dài từ 15-30 ngày, sinh sản hữu tính hoặc vô tính, phát triển qua 5 giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng I, nhộng II và thành trùng.

- Nhện đỏ lan truyền từ cành này qua cành khác, cây này qua cây khác nhờ những sợi tơ, gió và các dụng cụ, người làm vườn. Cho nên không lạ khi toàn bộ miền Nam đều bị nhiễm.

- Nhện đỏ thường tập trung ở cả mặt trên và dưới lá, cắn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây, làm giảm khả năng quang hợp, tăng thoát hơi nước và giảm sự phát triển của cây.

- Cây bị nhẹ lá có đốm trắng như hạt bụi li ti, sau chuyển sang vàng, phồng rộp, cằn lại, khô cứng và rụng như là bị bụi, còn bị hại nặng lá có màu trắng bạc, dễ bị rụng, cây còi cọc, sinh trưởng kém.

- Khi mật số cao, cả nhánh non cũng bị nhện đỏ tấn công, khô và chết.

- Nhện đỏ gây hại có thể khiến bông bị thui, rụng. Nhện chích hút còn là nhân tố truyền virus cho cây.

- Vì khả năng sinh sản rất nhanh chóng, các thế hệ chồng chéo lên nhau nên nhện đỏ dễ dàng trở nên kháng thuốc trừ sâu, có thể gây hại nghiêm trọng cho cây trồng.

….

   Mức độ nguy hiểm như thế nhưng người trồng mai ít khi phát hiện kịp thời. Khi thấy được, biết được nhện đỏ thì cây mai nhà gần … tiêu tùng.

    Mấy ông ngoại chơi mai cần để ý một chút.

   P/c: một vài hình ảnh trong bài không liên quan nội dung. Chỉ để cho có nhiều hình thôi.




https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196632 visitors (363338 hits) on this page!