Tuổi già họp bạn
24/01/2022





Tui Già Hp Bn

 

          Tính theo thời gian, từ đó đến nay cũng đã gần được 50 năm. Sau lần ra quân tranh trận đá banh cuối cùng trong năm 74, thì cũng đúng là vào cuối niên học đó, tụi nó đã được bình an cho ra trường, với mảnh bằng tốt nghiệp cầm trên tay để rồi tự động... giải tán. Sau đó, những cầu thủ bất đắc dĩ trong đội bóng đá tạm thời của lớp trung học này, có tên vẫn còn chút đam mê, nên còn tiếp tục sự nghiệp lăn banh, đá bóng trên sân trong những năm kế đại học; nhưng cũng có đứa thì cũng đã nhân cơ hội cho đôi chân đất dày da, móng đóng váng phèn của mình sớm được về hưu hay nghỉ mát.

          Bây giờ, đã nửa thế kỷ trôi qua, nếu tụi nó có muốn gia nhập lại vào đội đá banh như xưa, trước tiên phải nói đến việc đi kiểm tra sức khỏe; chắc chắn hiện giờ cũng đã có đứa đang tham gia vào băng nhóm của đảng “Ba Cao” (cao mỡ, cao đường hay cao máu), cho nên mỗi ngày đều phải tự động nhớ để mà uống thuốc cầm chừng. Còn nhắc khéo đến tuổi đời của mọi người vào lúc này nữa, thì tên nào cũng đã, đang và sẽ gia nhập vào môn phái Cái Bang (trưởng lão); được sắp hạng đứng vào hàng bảy túi, (mỗi túi phải tuần tự chứa cho đủ mười cuốn lịch ở trong, thì sau đó mới được nâng thêm cấp), cho nên lúc này, dầu chưa cần phải sử dụng đến cây gậy đánh chó (Đã Cẩu Bổng), nhưng chân đi quyền cước, hay tay múa men ‘kungfu’ đều đã có phần hơi chậm chạp.

          Hiện nay, nếu thật sự có bàn đến chuyện đi đá banh, làm sao có thể tìm cho ra được lão nào còn đầy hơi, hay đủ sức, để mà rũ nhau ra sân, dàn binh đánh trận như trước nữa. Thế thì câu chuyện lại xãy ra vào một ngày cuối năm 2021 này, nguyên nhân có thể là do chính hắn ta, đêm qua đã ăn phải cái món gì, mà hôm đó hắn đã sung sức lên, và nhiều hơi đến như vậy.  Chuyện của ngày hôm đó tạm kể lại là như sau:

          Tại Méo-Bền (Melbourne), Úc-Đại-Lợi (Australia), khi ấy chỉ có bốn giờ chiều; người ta còn phải chờ thêm tám tiếng đồng hồ nữa, mới đến giờ đón giao thừa đầu tiên, trên trái đất của năm 2022; vậy mà cựu thủ quân đội đá banh lớp Công Thôn của trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ ngày trước, Văn Thành Long, hắn đang định cư nơi đó lại bốc điện thoại lên, kêu gọi đồng bọn khắp nơi ra sân tập họp.

          Sẳn đây thì cũng xin nhắc lại một thời trước đây, khi tụi nó còn là trai trẻ với sức trâu trong những năm trung học. Những lúc đó, khi nào cần có đủ chân đại diện cho lớp để ra tranh giải với các đội đá banh của các lớp khác, thủ quân Văn Thành Long này cũng đã phải chạy đến từng dãy, từng bàn trong lớp để năn nỉ từng thằng, từng đứa ra tham gia; thế mà cuối cùng hắn cũng chỉ  lôi ra thêm được mười tên vào nhập bọn. Sau khi phân chia vị trí cho mỗi đứa đứng trên sân xong, hắn còn bắt tụi nó phải ôm bụng đói chạy liên tục đến gần đứt hơi, sắp tắt thở, mới cho về nhà. Bây giờ thì trong nhóm này của thời xa xưa đó; nay cũng đã có một số người sớm leo lên bàn ngồi, cũng có tên thì lúc nào cũng luôn bận rộn vì đã đổi bàn, sang ngồi ghế đảng; cho nên chỉ cần đếm ngón của một bàn tay thôi, cũng biết là hôm ấy, hắn cũng sẽ không tìm ra đủ những tên cầu thủ của thuở nào.  

          Dầu sao đi nữa, lúc nào trong lòng cũng vẫn nhớ đến tình đồng môn của ngày cũ, cầu thủ “dự bị”, Nguyễn Thanh Liêm (Mập); (dự bị là tại vì lão này chưa từng tham gia vào những trận đá banh lớn của lớp..); lúc đó thì đang bận rộn bán buôn ở Sài Gòn, với lại cũng sắp đến giờ nghỉ trưa, nhưng lão này cũng nhanh tay bốc máy. Hậu vệ Bùi Chí Thông của vùng Đông Bắc Mỹ; giữa đêm đông đó, bên ngoài đang lạnh lẽo, nhưng bên trong thì lão đang lót gối lông (thiên nga), trùm chăn da (cọp), ấm cúng trên giường; vậy mà khi nghe tiếng điện thoại báo, lão cũng phải tung mền tỉnh giấc (mơ).

          Và cũng khi đấy, mới có chín giờ đêm, trung ứng Bùi Thanh Sơn, vùng Bắc Cali đang mắt nhắm, mắt mở để chuẩn bị hành ‘thiền’, cùng với tiên phong Lý Thái Lâm, ở Nam Cali, cũng đồng loạt nhấc ‘phone’ lên tiếp máy. Trong danh sách của ngày hôm đó chỉ còn thiếu lão Nguyễn Quốc Chung, hồn đang vất vơ, vất vưởng ở nơi nào không tìm thấy. Cựu thủ quân Văn Thành Long xuất hiện, mấy bạn già khác vừa trông thấy mặt của hắn trên màn ảnh nhỏ, mấy lão đã rùm ben la ó lên:

-         Văn Thành Long, bây giờ ông cũng để râu như vậy nữa à? Định bắt chước cho giống bác đó hả?

-         Tui đâu có bộ dưới đâu, thì làm sao giống ổng cho được.

          Nghe hắn giải thích như vậy, bốn lão kia cũng phải đồng ý mà nhìn lại cho thật kỷ. Thì ra hắn chỉ có bộ râu mép với màu muối nhiều hơn tiêu; còn trên cái đầu bóng lưỡng như quả banh da vừa thoa xong mỡ (kangaroo), thì hắn cũng còn lưa thưa được đôi sợi bạc. Bạn già được gặp lại nhau, dầu chỉ hiện lên trên màn ảnh của những chiếc điện thoại nhỏ thôi; nhưng vẫn tìm ra được hao-hao những nét trên khuôn mặt của thời tuổi xanh thuở nào, cho dầu tóc của ai nay đã đổi màu hay… biến mất. Vậy mà khi nhận ra nhau, gọi lại được tên nhau, họ vẫn còn trao cho nhau những nụ cười như xưa, dầu nay thì đã được trang điểm thêm bằng nét của những móng chân gà đôi bên khóe mắt. Bạn già hôm đó được gặp nhau, thì vẫn nhắc đến những chuyện khi xưa, lúc còn làm học trò với đôi bàn tay đen đúa vì phải lau con “heo dầu” (của máy cày), còn sách thì lại vác trên vai đến lớp.

          Hồi đó, lớp Công-Thôn của trường trung học Nông-Lâm-Súc Cần-Thơ, niên khóa 71 đến 74 này, qui tụ toàn là phái nam, cho nên tụi nó rất nỗi tiếng trong địa phận khu về mọi lãnh vực, từ đạo đức (?), học tập, đến chuyện quậy làng, phá xóm. Giỏi về ngoại giao với mọi người có Hoàng Tuấn, Hữu Nghị; tranh giải báo tường trong trường có Thanh Liêm (Mập); đặc san “báo đời” để bán thì lại có Thanh Sơn (Cận). Góp phần văn nghệ để thi đua với các trường khác thì có Hoà Bình, Việt Hoan tham gia; tranh các giải thể thao thì với Trọng Ngân, Thiên Tài, Thành Long, còn về thể dục thẩm mỹ thì có Bảo Toàn, Thanh Liêm (ốm)…

-         Mấy ông nói cái gì mà kỳ cục vậy. Tên Liêm Trụi này… hồi đó nó ốm nhom như thân cây sậy, thì làm sao mà có thể tuyển chọn nó vào nhóm thể dục thẩm mỹ cho được?

-         Thì phải nhờ có nó đứng kế một bên, cho nên Bảo Toàn mới được rõ hình, đẹp nét.

-         À! Thì ra là như vậy.

          Nhắc đến chuyện phá phách của thời trước, mấy bạn già này còn nhớ rõ đến chuyện cô Kiều, người phụ trách môn Vạn-Vật, trong giờ lên lớp đầu tiên với tụi nó. Lão Sơn nói:

-         Trong lớp lúc đó, những đứa nhỏ con như tụi tui thường được ngồi vào những ghế hàng đầu ở phía trên. Sáng hôm đó, mấy ông to con thường ngồi ở phía dưới, có Thông, có Tuấn, có Nghị… đi lên kêu tụi tui đổi chỗ, để cho mấy ông ngồi ở đó mà “hù” cô Kiều, chút nữa sắp đến lớp. Lúc cô vở sổ đọc tên từng đứa điểm danh, ông Thông nhịp cây thước của ông lên bàn một tiếng thật lớn, rồi đứng lên hô to “Dạ! Có con!” làm cho cô ấy giật mình, tái mặt; còn tụi tui ngồi phía sau thì lại cười khúc khích.

-         Tại sao tui lại không nhớ chuyện này vậy ta?

          Lão Thông hôm đó lại tỏ vẻ ngây thơ hỏi, khiến lão Sơn đêm đó phải nói tiếp:

-         Tui chưa kể hết đâu. Sau đó, mấy ông còn làm bộ thắc mắc, hỏi cô những chi tiết về bộ phận con người; cô ấy phải đỏ mặt, hình như cũng sắp rơi nước mắt, chạy lên ban giám hiệu mét. Thầy Lưỡng phải xuống tới, phạt cả lớp ra chạy quanh sân cờ mấy chục vòng. Tụi minh vừa chạy vừa lén nhìn nhau cười.

          Cùng vui miệng với mọi người, cựu thủ quân Văn Thành Long, hắn chợt hỏi:

-         Đố thử mấy ông coi, có ai còn nhớ đến biệt danh trong lớp của tui hồi đó là gì?

          Ai cũng đoán sai, hay không nhớ. Hắn nhắc lại chuyện xưa của mình trong lớp:

-         Còn nhớ cô Lựu, dạy môn Sử không? Bữa đó trong lớp, cô đang nói đến triều đại nhà Lý, thiên hạ vui sống thái bình. Lúc đó chắc là tui đang cho hồn bay qua cửa sổ, nhớ đến hình bóng giai nhân đang ở trong nhà, em gái của thằng Tòng. Tui chợt giựt mình nghe tiếng cô gọi tên: “Em Long, vừa rồi tôi nói đến thời nhà Lý, thiên hạ ra sao?” Tui nào đã có để ý lắng nghe cô nói cái gì trước đó đâu; cho nên lúc đứng lên, lén dòm qua bàn của Huỳnh Thiên Tài để cầu cứu, thấy nó viết thiệt to trên giấy hai chữ “Ái Tình”, tôi đọc trả lời ngay khiến cả lớp phải cười bể bụng, còn tui thì bị ghi tên vào sổ phạt. Từ đó trong lớp, mấy ông đã cho biệt danh của tui là Long Ái Tình.

( Lời bàn hậu sự : Có lẻ Huỳnh Thiên Tài ghi đáp án là “thái bình”, nhưng Long nhà ta đang mơ mộng mê mẩn em Pha nên khi bị cô Lụa gọi tên hỏi “Em Long, vừa rồi tôi nói đến thời nhà Lý, thiên hạ ra sao?” hắn đọc ba chớp ba nháng thành “thiên hạ ái tình” )

          Cũng có thể là trước đây trong lớp, hắn từng ngồi cạnh một bên bàn với Nguyễn Văn Em (anh của Phan Văn Khoa), nên hắn hỏi thăm mọi người, xem có ai biết tung tích của người bạn này, hiện nay đang sinh sống ở nơi nào, cũng như tung tích của trưởng lớp Nguyễn Hữu Nghị. Những bạn già hôm đó đều không ai rõ. Sẳn đó hắn có nhắc lại chuyện vui của mình với Nguyễn Văn Em:

-         Hồi đó, tên Nguyễn Văn Em này đã từng để ý tới cô con gái của thầy Chuyên. Thầy là người dạy Anh Văn của lớp mình, mà hồi đó có mấy ông thường hay nhảy qua cửa sổ để trốn học, sau khi Thầy đã điểm danh. Cô con gái này của Thầy có tên là Anh, cũng đang học cùng lớp, nhưng lại khác ban với tụi mình. Tui đã từng hỏi nó: “Ê Em! Hai người đi với nhau thì ai là Anh? Còn ai là Em?” Nó không trả lời được.

          Sau khi nhìn lại cho kỹ những khuôn mặt của những tên bạn học cũ này.  cựu thủ quân thăm hỏi ngay từng người đang có mặt trong ngày hôm đó. Hắn hỏi Liêm Sài Gòn:

-         Liêm-Mập, ông bây giờ mập hay ốm?

          Lão Liêm Sài Gòn trả lời:

-         Ừ! Cô Thu, vợ của thầy Hồng, cũng đã từng thắc mắc hỏi, hồi đó ai là Thông “chảo”, ai là Liêm mập…Tui nói với cô, Thông “chảo” chính là tác giả bài viết “Đệ tứ khoái lạc” trong quyển 1 trang NLS Cần Thơ.
Và vì lớp có 2 Nguyễn Thanh Liêm mà Liêm kia ốm nhom...nên bị gọi là Liêm ốm (Liêm trụi) còn chuyện tại sao nó trụi lại là một câu chuyện khác. Nhưng mà bây giờ Liêm ốm đã mập hơn Liêm mập bây giờ. Có một lần được gặp nó, tui thấy cái bụng của nó tròn vo.

          Hắn hỏi Sơn Bắc Cali:

-         Tại sao hồi đó ông có biệt danh là Sơn Húc vậy?

-         Thì lúc đi đá banh với mấy ông trên sân, gặp đối phương đang dẫn banh là tui chạy đến “húc” nó liền.

-         Hai ông họ Bùi, trung ứng Sơn-Húc với hậu vệ Thông-Chảo, tuy có hai cha, khác mẹ, nhưng mà bây giờ tui nhìn cho kỹ thì thấy hai ông cũng giống nhau Trên đầu thì tóc cụt ngủn, như mấy sư trong chùa quốc doanh; da thì đã đổi màu, không còn đen như khi trước.

          Quay qua nạn nhân kế, lão kể:

-         Mấy ông có còn nhớ tại sao ông Lâm này, hồi đó lại có biệt danh là Lâm-Vàng? Bởi vì hồi đó nó giống như con nai vàng ngơ ngác. Tụi trong lớp đã từng tổ chức đi uống rượu, ăn chè tại nhà của Liêm Mập; vậy mà lúc đó nó chỉ biết uống rượu, mà lại không biết thưởng thức món chè. Sau này nghe tụi kia kể lại, Nguyễn Quốc Chung với Trần Văn Hùng còn phải cự nự phản đối, hỏi tại sao hồi đó không cho hai đứa nó biết để tham gia.

          Văn Thành Long của ngày hôm đó, quả thật là hắn có nhiều hơi lắm. Hết nhắc chuyện quá khứ, thì quay sang phần phóng sự hiện thời. Rõ ràng ban nãy có nghe lão nhắc đến một đông môn cũ, tên gọi Huỳnh Quang Huy, nay đã trở thành một  tay “đánh thuê, giết mướn” (mà chẳng biết có nỗi tiếng lắm hay không?):

-         Thiệt như vậy đó hả?

-         Nó đang ở lò heo Chánh Hưng? Hay quận Ninh Kiều?

-         Có nhiều đàn em theo nó không? Chính quyền không ai để ý tới nó sao?

          Ngạc nhiên không kém, cho nên mấy lão kia cứ hỏi tới tấp, hắn mới chịu giải thích:

-         Tui đâu có nói ông này đi đánh thuê, giết mướn như mấy ông nghĩ đâu. Nghe cho rõ nè! Huỳng Quang Huy, vẫn còn ở chỗ cũ, làm nghề đánh máy thuê, viết đơn mướn. Bà nào muốn xin li dị chồng thì tới kiếm. Còn ai muốn khiếu nại đòi lại nhà, hay đất thì cũng tới tìm.

          À! Thì ra là như vậy! Bây giờ mấy bạn già kia mới rõ là hắn lại còn ‘lột lưỡi két’ nữa, cho nên biết chơi chữ với mọi người. Hắn đổi đề tài, nhảy qua mấy tên ‘tội phạm’ đã sớm vượt biển lúc trước. Hắn hỏi Thông Đông Bắc Mỹ:

-         Ê Thông! Nghe nói hiện nay ông cũng đã về nhà nghỉ hưu rồi phải không?

-         Ừ! Tui về hưu nghỉ trước hơn ông Lâm nữa.

-         Vậy…lúc này ở nhà ông làm gì?

-         Trong nhà chỉ còn ‘hai con khỉ già’, tội nghiệp bà xã còn đi làm, cho nên từ trong ra ngoài, từ trước ra sau, tui làm hết. Bếp núc, nấu ăn, đến giặt quần, ủi áo. Chỉ còn thiếu cái nghề ‘ẩm em’ nữa là tui trở thành “U-Sin” chánh hiệu.

          Lâm Nam Cali nhìn hình bạn già mình an ũi:

-         Tạm ẩm chó cũng được mà.

          Còn Liêm Sài Gòn thì nói:

-         Không ẩm em thì chờ ẩm cháu.

          Nhóm bạn già hôm đó đều đồng ý tán thành, bởi ai cũng đang chờ con sinh cháu. Đổi hướng sang Lâm Nam Cali, hắn cũng hỏi thăm lão này:

-         Lâm! Ông cũng về hưu rồi à? Hồi nào vậy? Bây giờ thì làm gì?

-         Bắt đầu thời “Pandemic” thì tui xin về hưu luôn. Từ lúc đó đến nay cũng có sinh ra thêm nhiều việc làm khác nhau. Nghề chính thức của tui là ‘làm biếng’; nghề tay phải là ‘làm thinh’ nghe nhạc, hay xem truyền hình; nghề tay trái là ‘làm bộ’ rửa chén hay quét nhà. Đôi lúc còn phải ‘làm mọi’, vì phải ra sân lập “hàng rào chiến lược” để chống giặc chim, sóc, chồn tới phá sân cỏ, vườn rau.

          Còn nghe Liêm Sài Gòn thì kể chuyện nhà mình:

-         Hơn hai năm nay, vợ tui đi qua bên đó thăm con, gặp phải lúc bị dịch Covid hoành hành, cho nên đang bị “kẹt” ở lại bên đó cho tới bây giờ chưa về được.

-         Như vậy thì thiệt là tội nghiệp cho Liêm-Mập nhà ta! Hơn hai năm nay phải sống cảnh một thân, một mình làm “gà trống nuôi con”…

-         “Lo lương bổng nuôi quân tướng nhân viên thì có”,

          Lão Liêm Sài Gòn phải vội vàng đính chính làm cho cả bọn rộ cười. Phải công nhận, cựu thủ quân Văn Thành Long này, hắn thật sự là nhớ đám bạn già này nhiều lắm, cho nên ngày hôm đó lão đã cố tình gọi điện thoại mà chiêu dụ các đồng môn; trước là nhắc lại chuyện xưa, kế thăm hỏi mọi người, rồi sau cùng mới chuyển hướng, bàn tính đến chuyện tương lai, lão đề nghị:

-         Sau này hết dịch Covid, nếu được dịp thì mấy ông cùng rũ nhau bay qua đây chơi. Tới đây, tui sẽ dẫn mấy ông ra biển bắt ‘bào ngư’ nấu cháo, bắt ‘nhím biển’ ăn tươi. Tui cũng sẽ đãi mấy ông thưởng thức thịt ‘kangaroo’; cái đuôi của nó tui đem nấu nấu phở cho mấy ông ăn. Ăn xong thì tui bảo đảm với mọi người là “ông ăn, bà sẽ khen”; rồi tui cũng sẽ nướng thịt của hai cái chân của nó, cho mấy ông thử thì sẽ thấy ‘áp phê’ ngay. Biết tại sao không? Con ‘kangaroo’, chỉ có cặp chân lớn mới có thịt; với lại khi nó gặp mặt nhau thì nó nhảy lên… đá liền hà.

          Nghe hắn tuyên bố tới đoạn này, mấy bạn già kia, bây giờ mới giật mình chợt tỉnh. À! Thì ra là như vậy. Đêm trước hắn đã ăn đúng là những món này, cho nên hắn mới có được nhiều hơi và sung sức đến như thế. Sẳn đó thì cũng nhớ lại rằng lúc ban nãy, hắn đã giải thích nhưng chẳng có tên nào hiểu ý:

-         ...cái đầu của tui mà được láng như vậy là nhờ bà xã, đêm nào cũng đòi xoa cho nó.

          Không biết chỉ mới nghe nói tới mà chưa có ăn, chưa được thưởng thức những món hắn vừa kể thì có bị ‘áp phê’ gì hay không, mà Liêm Sài Gòn lại vội vàng tuyên bố, đã đến giờ cơm trưa nên phải cáo từ, xin hẹn lại dịp khác. Còn Thông đông bắc Mỹ thì cũng phải ngáp lên một tiếng dài để nhắc nhở nói:

-          Bây giờ thì tui cũng phải leo lên giường trở lại. Tạm chấm dứt nơi đây!

-         Còn tui thì cũng tới giờ phải ‘thiền’ rồi.

          Sơn bắc Cali nói xong thì cũng gác máy; vậy mà còn Lâm nam Cali thì lại mở máy của mình ra, đánh tạm vài chữ: “Tuổi Già Họp Bạn”…

                                          

Bài viết do một nhóm nhỏ của lớp Công Thôn THNLS Cần Thơ niên khóa “71-74” ghi lại.

Tháng 01, năm đại dịch 2022.

Mail muộn của Nguyễn Quốc Chung

On Friday, January 21, 2022, 5:51 PM, chung nguyen <chungqnguyen@yahoo.com> wrote:

Liêm,
Hy vọng mùa hè này covid sẽ bớt xuống để tớ về thăm bạn xưa luôn tiện tìm ông bạn mới biết 'Ê Thành mày". Tớ lên kế hoạch là mình đi ăn cháo truyền thống của CT rồi điểm tâm bánh mì thịt nguội để tớ còn về kể lại mùi vị cho Lâm + Thông + Sơn nghe.
Không chừng nghe lời xui giục của tớ mà mấy ông sợ chết này cũng sẽ mò về thăm lại làng xưa cho xem nha.

Thân,
Chung Nguyen

 Những siêu quậy Công Thôn



Áo treillis nhuộm nâu hồi đó



...và các khứa lão bây giờ
 







 


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196575 visitors (363269 hits) on this page!