Ba chìm bảy nỗi
11/7/2020

 Truyện ngắn



  


                         Bùi Trung



BA CHÌM BẢY NỖI


   Năm 1990, vô làm cán bộ công ty Nhà nước được lãnh lương cao cứ ngỡ cuộc đời đã lên hương, nhưng ông trời dễ trêu người một lần đi qua Campuchia mua sắt thép (lúc đó VLXD cực hiếm) vừa đặt cọc mua hàng khi trở về dự tiệc cưới thằng bạn trong công ty, vừa xong đám trên đường chạy xe về nhà vì xe đông nên luồn lách làm sao mà cả xe và người trượt vô đống củi ven đường khi được đỡ lên thì gãy cái chân.. phải đưa vô bệnh viện bó bột.

   Nằm nhà hưởng 70% lương đúng 7 tháng, khi đã tập tễnh đi lại được vội trở qua Campuchia thì cái tên nhận cọc của mình không liên lạc được. Thế là số tiền cọc tương đương 3 chỉ vàng được phòng tài vụ trừ dần vào lương tháng..

   Lúc trở lại công ty thì cái chức phó phòng đã được trao cho người khác Sếp nói:

- Ông cái chân như vậy tạm thời bố trí cho ông qua phòng kỹ thuật ngồi vẽ phối cãnh cho các công trình, tôi biết ông không có chuyên môn nhưng ông cứ tạm thời như vậy chứ cái chân ông đau làm sao bay nhảy gì được.

   Trong phòng kỹ thuật có 6 kỹ sư xây dựng, 3 kỹ sư kiến trúc, 2 trung cấp và một thằng không bằng cấp gì ráo là... tui.

Cái chân chưa lành thì làm việc gì miễn có lương là vui rồi cũng viết, cũng thước vẽ vẽ, bôi bôi ôi có ai biết mình là ai.

   Gần mực thì đen gần đèn riết nó cũng sáng, mấy thằng bạn lãnh vẽ nhà cho bên ngoài đưa cho mình vẽ tiếp, dĩ nhiên là mình không được ký tên. Vậy cũng được chia ít tiền đổ xăng, còn tôi cũng tận dụng nghề mới học lãnh vẽ nhãn thuốc lá lậu kiếm tiền uống cà phê. Lâu lâu cũng lãnh vẽ được cái nhà cấp 4. Công trình đầu tiên tôi được tham gia là vẽ cái Phối cảnh cái sân khấu ngoài trời của khách sạn Thái Bình, là một tụ điểm ca nhạc có tiếng tăm ở Thị xã Long xuyên thời đó.

   Tất nhiên là ngoài tiền lương thì chẳng kiếm được gì thêm nhiều .3 đứa con thì tới tuổi ăn học phải tốn đủ thứ tiền... bà già vợ tuổi già nên cũng rước về cho vui nhà vui cửa , một đứa con riêng của bà xã cũng về tạm trú để nó học lấy cái nghề... Ôi gánh gồng ngày càng nặng mà cái chân "xi cà que" phải làm sao khi vật giá ngày càng cao ngất ngưỡng?

   Tiền lương lãnh ra bị trừ đủ thứ tiền, tiền ứng mua xe, tiền mua hàng bị mất, tiền ứng trước giúp cho bà chị vợ trả nợ. Cứ ngỡ làm cán bộ sẽ đổi đời nào dè đẩy đưa đến cảnh khốn khó này mỗi lần lãnh lương thì bà vợ chì chiết chi tiêu không đủ, nên nghi ngờ tôi chắc có nuôi ai bên ngoài... thế là mỗi lần về nhà là chắc ăn có cự lộn. Mấy đứa con thì dám hó hé gì khi ba mẹ cãi nhau nên tụi nó hay hát:

- Ba thương con vì con giống mẹ.

Mẹ thương con vì con giống ba.

Cả nhà ta cùng yêu thương nhau

Xa lại nhớ gần nhau.. cải lộn.

   Chịu hết nổi vì ngày nào cũng gây gổ chỉ vì chuyện tiền lương, chuyện ghen vu vơ, nên tôi xin sếp cho theo làm giám sát các công trình các vùng sâu vùng xa của các tỉnh bạn mà công ty đang lãnh thi công.

Tôi nói:

- Sếp cho em đi càng xa càng tốt nha Sếp. 

Sếp nói:

- Tùy ông, muốn đi xa thì tôi sắp xếp cho ông đi Miệt thứ... có điều vùng sâu miền Biển nên buồn lắm hen.

   Mùa hè năm 1992, cái công trình là xây dựng 3 phòng học cho xã Đông Hưng, tên địa phương là Thứ 10 bờ xáng huyện An Minh Kiên Giang . (phân biệt với thứ 10 biển) Trường học nằm cặp lộ xe nhưng lộ xe đắp lại lỡ nên xe không chạy được, mọi việc lưu thông tiếp cận với sự văn minh của loài người thì phải đi tàu đò xuất bến từ Tà niên (Rạch sỏi) đang là mùa hè nên trong trường chỉ có vợ chồng anh Thành Hiệu trưởng và vài giáo viên nam độc thân. Trước cửa trường học có quán cà phê của anh Ba Tam phó chủ tịch huyện An Minh, là quán cà phê Có máy đèn có chiếu phim Video nên cứ tối là cả đám công nhân tới quán uống ly cà phê và xem phim bộ. (Nhờ vậy sau này anh Ba Tam gã con gái cho một công nhân tên Hoàng)

   Dọc theo mé lộ đối diện trường học tổng cộng có gần chục quán cà phê nhưng chẳng có quán nào biết pha ly cà phê đen nó ra mần sao. Gần Biển nên cá biển toàn là cá tươi bán dưới ghe hàng, chạy dọc theo kênh xáng nhưng những lúc mưa bão thì ăn hột vit khi chẳng có chiếc ghe hàng nào. Còn tiền lương của tôi thì tôi ủy quyền cho bà xã cứ tới ngày ra công ty lãnh... vì theo công trình nên cũng không cần tới chiếc Honda nên bán xe trang trải một số nợ nần còn một ít giao hết cho bả làm vốn mở tiệm bán tạp hóa kiếm đồng vô đồng ra... Cuộc đời mới lên voi chưa bao lâu bây giờ sắp xuống chó...

   Cửa sau trường học là quán cà phê của cô Kim Pha độc thân vui tính, cô là con của dì Tư có thằng em trai đi nghĩa vụ chiến trường Cam mất xác nhưng chưa được công nhận là liệt sỹ. Dì Tư dám một thân một mình ra Hà nội vô ngay Trung ương cầu cứu với các lãnh đạo cấp cao rất nhiều lần mới được cứu xét . Cô Kim Pha thì bô lô ba la cô hay dặn tụi tui:

- Mấy anh tối có thức dậy đi "tè" làm ơn lấy cái đèn pin rọi vô đôi dép giùm cái, rắn mái Gầm tối nó lạnh nên thường khi bò vô nhà nó hay nẳm khoanh bên đôi dép sơ ý đạp vô mình nó là..

- Là sao cô?

- Là sao nữa mấy anh không nghe Rắn mái gầm cắn nằm tại chổ hả? Bị đớp một phát là lên bàn thờ ngồi như thằng em tui liền.

   Cô còn diễn tả cho biết con rắn Mái gầm nó có sọc vàng và sọc đen xen kẻ nhau nhìn là biết ngay, tháng trước ở thứ 9 cũng có người bị nó khoanh ngay đôi dép xớn xác đưa cái chân đạp nó bị nó đớp một phát là bỏ mạng.

   Thế là em nào cũng sắm một cây đèn pin và trang bị cho mình một cây gậy luôn mang theo mình đề phòng gặp rắn độc, mà con rắn thì biết con nào độc hay không độc gặp nó thì thà giết lầm hơn là để nó có cơ hội giết mình.

   Mỗi sáng ngày chủa nhật anh em địa phương thường hay tổ chức đi "Săn" ở đám rừng sau trường học cả chục anh và vài chục con chó săn bố ráp náo động cả khu rừng (trên mình gọi là vườn) và sau đó anh Hai Hạnh là thầu công trình hay mua hết đám rắn mà nhóm thợ săn bắt được đãi anh em thợ thầynhậu. Mỗi lần 4 tới 5 ký... Hổ đất, hổ hành, hổ hèo, cạp nong, cạp nia... có đủ hết... lần nào mua rắn là tui nổi cả gai ốc vì... sợ. Tuy không dám ăn nhưng nhậu thì tui chỉ... húp nước chớ không ăn.. xác./.

(còn tiếp)

Bùi Trung.

 
              BA CHÌM BẢY NỔI. F2.
    Xong công trình cả đội dọn qua thứ 10 Biển xã Thuận Hòa - An Minh - Kiên giang, ở một nơi mà không có lộ xe, chiều muốn đi xem video cà phê thì phải đón xuồng có giang. Kế bên công trình mới xây có tiệm tạp hóa nhỏ của cô gái thứ 10 của chú Tư Trưởng ấp, chú tư có 13 người con. Chỉ một thằng con trai út và 12 cô con gái của chú tư đều được ra Rạch giá đi học chắc cũng vì vậy mà mấy anh chàng quanh xóm chưa biết mang đôi dép không lọt vô mắt của 12 chị em nên chưa cô nào chịu có chồng.
   Bên kia con rạch có cô bán cà phê, cô thì mở tiệm may cô thì sửa radio, cô thì sửa máy tàu ghe... tuy chưa có chồng nhưng các cô đều có nhà riêng trừ cô út gái tên Thúy còn đi học ngoài rạch giá với thằng Út là chưa ra riêng , cô thứ Mười thì mở tiệm tạp hóa và nuôi một chuồng heo gần chục con. Cô Mười cho tôi ngủ trong nhà ở giường nhỏ sát vách nhà còn hơn chục công nhân thì cất một cái láng trại ở phía trước nhà.

   Vì công tác xa nhà nên ôm cây guitar theo mỗi tối xuống bến sông nhâm nhi vài ly rượu hát vài bài cho quên nổi nhớ nhà nhớ bầy con không biết bây giờ mẹ con sắp nhỏ đang sống ra sao.
Chú Tư ba cô Mười là Trưởng ấp hay ghé thăm công trình, chắc chú vui vì ở ấp của chú lần đầu tiên được xây dựng trường học chứ đám trẻ ở đây xưa tới giờ chuyện đi học cực như lên trời phải bơi xuồng đưa rước băng qua cả cánh rừng để tới trường học bên bờ kênh xáng phía lộ xe. Thấy tôi có cây guitar chú hỏi:

- Đàn của chú em hả?

- Dạ... đem theo tối tối buồn đàn vài bài nghe cũng vui mà chú.

- Mấy đứa con gái tôi đứa nào nó cũng khen chú đàn hay, có muốn làm rể đất U minh này không tui làm mai cho.

- Dạ thưa chú con có gia đình rồi ạ..

- Nói vui vậy mà, hôm nào tới đám tiệc tui mời vô nhà nhậu mình đàn ca một bữa hen..
   Thì ra chú Tư trước giải phóng là một giọng ca của đoàn văn công U Minh, ngày giỗ trong gia đình chú, cô Mười bơi xuồng rước tui và mấy anh em công nhân vô nhà nhậu. Nguyên đám bạn bè chú Tư ông bà nào cũng già chát mà giọng ca còn lãnh lót hót những bài ca thời kháng chiến chống Mỹ rồi chống Pháp. Mà cả đoàn văn công uống rượu như uống nước, rượu cao độ mà nốc nguyên ly từ sáng tới chiều chẳng thấy ai say mới ghê. Riêng tôi thì ngủ rồi thức nhậu tiếp rồi lại ngủ...
   Kế bên công trình có cái chòi lá đặt cái vó gạt dưới mé kinh tới con nước 30 thì giở vó lên không thấy cá mà toàn con Vẹm, toàn là Vẹm gạch son nặng chịch chừng 2 vó là đầy một thùng thiếc , dân địa phương không ai ăn. Tôi qua mua nguyên thùng đem về luộc nhậu đưa tiền anh Hai chủ vó gạt nhất quyết không lấy tiền anh nói:

- Đồ này vớt lên chỉ đem cho vịt ăn, tụi tui ngán mấy con vẹm này dử lắm rồi anh ăn cứ lấy mà ăn bán chác gì. 

   Những ngày mưa gió là công trình nghỉ làm, một hôm biển động cô Mười rủ cả bọn tổ chức ra biển bắt ba khía , bắt rắn biển.. Ba khía sống nó bò lẹ hơn con cua, càng của nó cũng kẹp đau hơn tôi thì chỉ theo cầm thùng thôi chứ chẳng dám đụng vô con nào, còn rắn biển thì bị sóng đánh từ biển dạt vào bờ nên chúng bám từng chùm bên các gốc cây mắm. Trong đám thợ có mấy tay người khơmer nên gặp là hốt bỏ vô thùng tôi sợ quá nên hết dám cầm cái thùng luôn. Thằng tên Xí nói:

- Sếp ơi mấy con rắn này giống như rắn bông sún nó cắn ai đâu.

   Bỏ chung vô thùng đám rắn bị ba khía kẹp nên giẫy quá chừng... Từ nhà cô Mười ra tới biển chỉ vài trăm mét, vừa bước ra khỏi công trình là nghe sóng biển gào thét vang trời.

Tới nhà một người chị của cô Mười chị ấy kêu:

- Mấy anh vô nhà tui lấy lưới kéo xuống vuông tôm kéo một cái là dư cá nhậu cần gì phải đi bắt con này con kia chi cho cực.

   Thật vậy, vuông tôm ai cũng có cái lưới kéo để bắt cá nên chỉ 2 lượt kéo thì đã đầy thùng cá biển (đa số là cá đối giống như con cá linh nước ngọt) thế là có mồi nhậu đã đời mà không tốn tiền chỉ tốn tiền mua rượu ghi sổ cô Mười.
   Nhà cô Mười không có Tivi, cả xứ không có điện thì phải chịu cách ly với sự văn minh của loài người, tối buồn buồn cầm cây guitar lên là cô Mười thức ngồi nghe mà cũng không thấy khen hay chê gì, nếu tôi không đàn chắc giờ này cô đã ngủ rồi, mà tối ngồi trong nhà chứ dám bước đi đâu vì chổ nào cũng có thể gặp rắn . Hôm trước vừa đào móng thì gặp nguyên con hổ đất đen thui mốc thếch nằm im re thế là tụi công trình có mồi nhậu.
   Mấy anh chàng công nhân thì toàn là dân ca đâm bang nên đàn cũng chán... mỗi lần cô Mười lại nghe tôi đàn thì mấy thằng thợ cứ xù xì mà không biết nó nói cái gì?

Công trình gần xong nên thấy cô Mười có vẻ buồn cô hỏi tôi:

- Mai mốt công trình này xong rồi anh còn theo công trình nào dưới này không?

- Chắc tôi xin về luôn quá cô ơi ở dưới này mấy tháng nay buồn muốn chết.

- Vậy có khi nào anh trở xuống đây chơi nữa không?

Tôi cười nói:

- Chừng nào cô có chồng tôi sẽ xuống đi ba ngày luôn.

Cô mười nói buồn:

- Lúc đó biết anh ở đâu mà mời mà có mời chắc gì anh chịu xuống đây... mà anh có xuống đây thì anh phải đi tàu đò từ Rạch sỏi chạy ra biển rồi vô con kinh này khoảng 4 tiếng là tới nhà em, chỗ này kêu là rạch con heo nằm bếp trên kia là chà và giả, chà và thiệt, thuồng luồng, xẻo lá.

   Nghe cô kể tôi suýt bật cười, tên mấy con rạch gì mà giống con nít đặt tên lúc chơi nhà chòi. Mà ở đây thì tôi chắc ăn là không dám ở lâu rồi.
Hôm sau có thằng bạn từ công ty xuống công trình nó nói:

- Hôm qua vợ ông có ra công ty nhắn ông về gấp có chuyện gì mà tôi thấy bả có vẻ khẩn trương lắm..

   Đò từ Miệt thứ vừa chạy ngang tôi vội nhảy xuống chỉ kịp nói với lại khi thấy bóng cô Mười đang cầm cây chổi đứng trước sân ngơ ngác nhìn theo.

- Anh về nhe cô Mười đám cưới nhớ mời anh nhé...

   Cây guitar mấy bộ quần áo đang phơi chưa kịp lấy sau này khi tôi không trở lại cô Mười gom đưa cho mấy đứa thợ mang về cho tôi cô gởi mấy chử:

"Khi nào tiện nhớ về thăm nhe anh".

Khi về tới nhà hỏi có chuyện gì không bà xã bả nói tỉnh bơ :

- Có chuyện gì đâu. Ra lãnh lương gặp thì hỏi vậy mà.

Sáng ra công ty trình diện sếp nhìn tôi rồi cười :

- Trời ơi sao ông ốm nhách mà đen thui vậy?

Tôi trả lời:

- Sếp ơi ở trong rừng U Minh không điện không nước, gió biển mặn chát cá treo lên không phơi tới chiều còn khô queo nói gì tới con người như tui mấy tháng nay.

Sếp lại cười:

- Bà xã ông ra đây gặp tôi bả muốn tôi đừng cho ông theo công trình nữa vì mấy đứa con ông bả giữ không xiết, thôi về nghỉ vài hôm rồi ra nhận công tác mới...
   Vì vậy mà tới bây giờ tôi chưa có dịp nào trở lại miền đất rừng U Minh nơi biết bao là kỷ niệm, và đôi khi chợt nghĩ : không biết cô Mười đã có chồng chưa???

(Còn tiếp) 

Bùi Trung.
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196544 visitors (363232 hits) on this page!