Thằng Đực đi hoc
24/7/2020
 
 
Truyện ngắn:
 


THẰNG ĐỰC ĐI HỌC

                            - Nguyễn thị Mây -                           

     

      THẰNG ĐỰC ĐI HỌC
Dằn mạnh bút chì lên bàn, Đực nhăn nhó:
- Cầm viết còn khó hơn cầm cuốc!
Nhìn vào vở của Đực, tôi bật cười. Tập có kẻ hàng rõ ràng thế mà những con chữ a cứ đi lên rồi vòng xuống như đường làng. Nhiều chỗ viết sai, Đực xóa bằng cách dùng nước miếng thấm vào đầu ngón tay rồi kì cọ. Kết quả, chữ sai biến mất, bù vào, có đến hàng chục cái lỗ xuất hiện trên trang giấy. Chỉ vào đó, tôi hỏi:
- Cái gì đây… em Đực?
Đực trố mắt nhìn tôi, nó bực bội:
- Chẳng lẽ mầy không biết là tao tẩy mấy chữ viết trật?
Tôi nhắc nhở:
- Dù mình là bạn của nhau nhưng vào lớp, em phải gọi là “thầy” nghe chưa?
Đực tựa mạnh lưng vào bàn sau, mấy đứa đang cắm cúi viết trên đó la chói lói:
- Ê, dựa vậy hả? Làm người ta viết sai hết hà. Tao méc thầy bây giờ!
Mấy cái miệng cùng chu lại, phát âm một lúc:
- Thưa thầy, trò Đực quậy!
- Tao quậy hồi nào? Coi chừng tao đập bể mỏ ác bây giờ!
Tôi vội chen vào:
- Thôi, các em im lặng! Ráng tập viết đi! Cãi hoài, thầy bắt quỳ gối bây giờ!
Bỗng dưng, Đực đứng lên bảo:
- Thưa thầy, em xin nghỉ học luôn!
Tôi kinh ngạc hỏi:
- Sao vậy?
Đực bĩu môi:
- Học chán thí mồ tổ.
Cả lớp cười ồ, tôi nêu thắc mắc:
- Tại sao chán?
    Vô lớp kêu mày bằng thầy. Ngứa, mày không cho gãi. Mỏi mày không cho dựa. Đã vậy, từ sáng tới giờ cứ học đi học lại có một chữ … chữ gì …tao quên rồi.
Cả lớp lại cười vang. Tôi an ủi:
- Phải kiên nhẫn chứ. Học có một chữ mà em còn quên, học nhiều làm sao nhớ nổi?
- Tao cóc thèm kiên nhẫn. Học làm gì cho mệt chứ?
- Học cho biết chữ chớ chi.
- Biết chữ có lợi gì đâu? Đói, ăn chữ được không? Ngồi học nãy giờ tao sót ruột gần chết. Thôi, để tao về kiếm miếng cơm nguội bỏ bụng rồi giúp ba tao cuốc đất lên liếp trồng khoai còn hơn.
Nắm lấy tay bạn, quên cả nề nếp tự đặt ra, tôi hỏi:
- Mai mầy đi học không?
Đực buông thỏng:
- Không!
Chẳng buồn cầm cây bút và quyển vở mà tôi đã tặng ban sáng, Đực chạy vụt ra sân. Nắng đổ vội vàng lên dáng người nhỏ bé. Bỗng dưng, tôi muốn khóc!
**********
     Hai ngày liền, Đực không đến lớp. Tôi rủ Trúc tới nhà bạn. Đứng trước mái lá xiêu vẹo, tôi mới hiểu ước mơ và thực tế cách xa nhau lắm. Khi nhận lời làm thầy giáo “ lớp học tình thương” nầy, tôi đã vẽ ra biết bao hình ảnh đẹp. Hàng ngày, những đứa trẻ con nhà nghèo- cũng chính là bạn tôi- sắm vai học sinh , hăm hở cắp sách tới trường. Chúng cắp quyển vở do chính tôi và Trúc xuất tiền túi ra mua. Vào lớp, đứa nào cũng chăm chỉ học tập. Và , lúc mùa hạ qua đi, những cánh phượng nhạt dần và tàn lụi, trên cành chỉ còn lại sắc non tươi của lá. Ve sầu lũ lượt rũ cánh , im hơi, lặng tiếng. Mùa thu trở lại mở toang những cánh cổng trường bấy lâu khép kín. Tôi vội vã trở về thành phố, hòa vào dòng chảy về nguồn. Tôi lại đắm mình trong dòng sông kiến thức. Và lần này, tôi sẽ cần cù học tập để mùa hè năm sau, tôi lại về đây, tiếp tục làm thầy của lũ bạn. Ôi! Tôi sẽ như con tằm nhả tơ vàng lấp lánh. Các bạn tôi sẽ giữ lấy rồi dệt thành tấm lụa lóng lánh màu hy vọng. Tôi sẽ khoe với bạn học, chính tôi đã “khai tâm” cho nhiều bạn nhỏ ở đây. Tôi biến cuộc sống vô vị của chúng trở thành những ngày mới tuyệt vời, phong phú. Tôi sẽ… Nhưng, những điều tôi sẽ thế này thế nọ chưa kịp xảy ra thì rắc rối đã có mặt. Lớp chỉ vỏn vẹn có tám đứa, mới hai ngày đã giảm một. Đứa nghỉ học là thằng bạn tuy cộc tính nhưng tốt bụng. Tôi rất mến Đực.
Đực là anh cả của năm trự húi cua. Chỉ trong vòng bảy năm, cha mẹ Đực đã có sáu đứa con. Vậy mà hai ông bà vẫn chưa hài lòng. Họ còn thòm thèm một “kẹp tóc”. Có lần, Đực nói với chúng tôi:
- Má tao thích sanh con gái lắm. Tao thì chúa ghét. Tụi con gái chỉ giỏi khóc. Nhà tao gần sập rồi, có thêm cái miệng của một con bé nữa, nó thét tối ngày thì lá trên nóc nhà làm sao chịu nổi?
Nhà đông người như thế mà chỉ có hai cái giường. Một cái nhỏ cho hai người lớn. Một cái lớn dành cho bọn trẻ.
    Cái giường rất đặc biệt. Một kỳ quan của…xã. Nó có tới sáu chân. Chân nào chân nấy to như cột đình bị cưa đứt thành nhiều đoạn ngắn. Đó là sáng kiến của Đực. Không chịu nổi sức nặng của sáu anh em nhà nó, cái giường “sụm bà chè”. Quăng mỗi thằng lăn về một góc. Đầu mỗi đứa nổi lên ít nhất một trái chanh. Tức quá, thằng Đực chỉ huy mấy thằng em khuân đất sét đắp thành sáu cái trụ to tướng rồi khiêng bộ vạc đặt lên trên. Từ đó, mặc sức nhún nhảy, cái giường vẫn “im re bà rè”.
Đực đang ngồi lựa thóc trên chiếc giường độc đáo ấy. Vừa thấy chúng tôi, Đực ngoác miệng cười:
- Hai đứa mày tính “dụ khị” tao đi học phải không? Đừng hòng làm thầy cô tao nữa, bây ơi!
Trúc nghiêng nghiêng đầu, mỉm cười với Đực:
- Đâu có, Trúc với Nghị tới thăm Đực mà.
Đực chỉ xuống giường:
- Vậy thì được, ngồi xuống đây nè! Tao bận lượm thóc để một hồi thằng Thánh về nấu cơm. Còn tao phải đi xúc hến, không đi chơi được đâu.
- Mày nói em mầy tên gì, Đực? Tôi hỏi.
- Thánh! Tụi em tao, đứa nào tên cũng đẹp. Chỉ có tao là dị. Ông già tao chẳng hiểu vì sao lại lựa cái tên như thế. Mắt nhắm, mắt mở, mà mở hi hí cũng biết tao là đực rựa. Chắc ổng sợ người ta lộn hay sao mà cứ Đực, Đực… với Đực.
Tôi phì cười:
- Mấy thằng kia tên gì?
Nhìn lên nóc nhà như đang trả bài, Đực nói:
- Thằng ba tên Thánh, thằng tư tên Thần, thằng năm tên Tiên, thằng sáu tên Thiên, thằng bảy là Địa.
Trong khi Trúc che miệng cười khúc khích, tôi trêu Đực:
- Em mày toàn là dân cõi trên không hà! Cả nhà mày họp lại thành một “thiên đường nhỏ” rồi còn gì nữa!
   Đực đem gạo ra sau bếp, tôi với Trúc đi theo. Ơ đây, đồ đạc bề bộn hết biết. Dây kẽm giăng ngang giăng dọc, quần áo vắt tùm lum trên đó. Có đến hàng chục cái thùng mì to nhỏ đủ cở cũng để đựng quần áo. Hai ông táo nằm trong góc nhà. Mỗi ông đội một cái nồi đen sì, hai cái lu xi-măng đựng nước uống đặt gần đó. Một cái tủ chén mất cửa đứng cạnh, trông nó tựa một cái chuồng chim câu lớn chứa đầy tô chén, dĩa… Dù vậy, có thể nói, đây là vật giá trị nhất của gia đình Đực. Thấy Trúc nhìn sào quần áo, Đực chắc lưỡi:
- Quần áo dơ đó. Lát nữa má tao về giặt.
- Một mình bác làm? Trúc le lưỡi.
- Chớ ai?
- Mấy ngày mới giặt một lần mà nhiều vậy?
- Không chừng, rảnh mới giặt. Có khi mỗi ngày, có khi cả tuần mới giặt. 
- Đủ quần áo thay không?
- Đâu đủ, lấy đồ dơ mặc đỡ.
Tôi hỏi:
- Sao mày không làm thay?
- Tao làm… biếng.
- Tội nghiệp bác gái ghê! Hay là bữa nay để Trúc với Nghị giặt dùm cho.
Miệng nói, tay làm, Trúc quơ mớ quần áo trên dây kẽm xuống. Đực luýnh quýnh đi tìm thau, nó cằn nhằn:
- Lộn xộn quá trời! Lát nữa má tao về giặt cũng được mà.
Tôi hăm he:
- Mầy để bác làm nhiều quá, bác bệnh thì mày khổ.
Ngẩn ngơ trong giây lâu, Đực chợt hiểu. Nó lẹ làng lấy xà bông. Trong lúc giặt đồ, Trúc bỗng hỏi:
- Trúc đố Đực nghe! Trong hai chữ “xà bông”, chữ nào có âm a?
Đực lầm bầm:
- Xà bông, xà bông…
Chợt nó reo lên:
- A! Tao biết rồi, chữ “xà”.
- Hay quá ta, Trúc tiếp tục trò chơi: hai chữ “quần áo”, chữ nào có âm a?
- Chữ “quần”. Đực lẹ làng bảo.
- Trật lất! Chữ “áo” mới có âm a, còn chữ “quần” có âm â, chữ â giống hệt chữ a nhưng có đội nón.
Thấy hay hay, tôi cũng tham gia:
- Tên mấy thằng em mầy, tên thằng nào có âm a?
- Tên Thánh, tên Địa.
Trúc vỗ tay làm bọt xà bông văng tứ tung. Tôi đố tiếp:
- Văng tùm lum có âm a không?
-Có, chữ “văng”.
- Trật lất, chỉ có chữ ă. Chữ ă viết giống hệt chữ a nhưng có đội… rỗ.
Cả ba cùng cười. Trúc hỏi:
- Trúc đố Nghị với Đực, nãy giờ mình nói tới những chữ nào?
- A, ă, â. Đực lẹ miệng đáp.
    Đôi mắt Trúc chợt sáng rực, gò má bỗng nhiên đỏ hây hây, cô bé mỉm cười sung sướng. Cây răng khểnh lộ ra như ngầm bảo “Trúc duyên dáng làm sao!”, nhưng tôi lại nói với Đực:
- Trúc thông minh ghê hả Đực?
Thằng bạn gật gù, nó góp chuyện bằng một câu chẳng ăn nhập gì:
- Giặt đồ xong, tao phải đi xúc hến. Nhà hết đồ ăn rồi.
Tôi an ủi Đực:
- Lát nữa, tao với Trúc cùng đi nữa.
Đực nhìn Trúc, vẻ ái ngại:
- Tụi mày dân chợ, không làm được đâu!
Vỗ vai Đực, tôi lý sự:
- Không biết thì học. Chỉ sợ không kiên nhẫn. Cái gì mày làm được, tao phải làm được!
Trúc chớp mắt cảm động:
- Ừa, có công mài sắt có ngày nên kim!
    Dòng sông nằm chênh vênh ngang cánh đồng làng. Giờ đây, con nước rủ nhau trôi về đâu chẳng biết. Chỉ còn lại giữa đôi bờ một dòng chảy yếu ớt, lặng lờ. Con sông hào phóng phơi bày lớp phù sa nâu nhạt. Lẫn trên đó, vô số hến.
Trúc reo lên:
- Ôi hến nhiều quá, các bạn ơi!
Đực làm ra vẻ hiểu biết:
- Ít đó chứ! Tụi tao xúc riết rồi chẳng còn là bao. Hồi đó, chỉ quơ cái rỗ vài cái là đủ ăn. Bây giờ, khom mỏi lưng thấy mồ! 
   Vừa nói vừa buộc cái quai vỏ vào một bên hông rồi cầm cái rỗ đi lần xuống mí nước. Nó khom người, nhận cái rỗ xuống bùn rồi đẩy tới. Bùn và hến tràn đầy. Khi Đực đứng thẳng lên, tựa như “vặn bún”, bùn chui tọt qua những cái lỗ trên mặt rỗ, chảy thành dòng xuống sông. Bấy giờ, Đực xoay qua bên nước, nó nhận cái rỗ hến xuống sông, xốc xốc mấy cái. Như được tắm gội, hến sạch bong. Trông chúng vừa xinh vừa béo. Trúc reo lên:
- Ôi, Đực cừ quá!
Đực nhảy lên, nhoẽn miệng cười:
- Tụi bây học được chưa?
Tôi đùa:
- Dễ ẹc. Xem tụi tao nè… Đực.
Mỗi đứa cầm lấy một cái rỗ, tôi và Trúc lội xuống bùn.
Nói thì dễ, nhưng khi làm mới thấy được hết khó khăn trong công việc. Tôi cũng nhận cái rỗ xuống sình. Nhưng nó kẹt cứng ở dưới. Phải “vận nội công” mới kéo lên được. Đầy một rỗ bùn. Bùn nhóc luôn, chảy không kịp. Bưng cái rỗ đứng chờ nó chui qua mặt rỗ lâu phát khiếp. Nắng đổ lữa trên đầu tôi. Bao nhiêu nước trong người dường như đã bốc hơi thành mây bay đi hết. Tôi khát nước kinh khủng. Tôi bảo Trúc:
- Trúc ơi! Nghị khát nước quá!
Có lẽ Trúc cũng như tôi, nhưng sợ thằng Đực cười, cô bé bảo:
- Ráng đi! Làm vài lần sẽ quen!
Trúc để rỗ bùn trở xuống, lội tới vài bước, cô bé hớt nhẹ trên mặt bùn. Lần này, hến nhiều hơn bùn đất. Tôi kêu lên:
- Trúc ơi! Mình biết rồi! “ xúc hến”, “cào hến” chứ không phải là “nhận hến”, phải không Trúc?
Trúc nhoẽn miệng cười:
- Ừ, xúc, cào chứ không phải nhận.
Đực cũng cười, nó nói một câu chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện của tôi và trúc:
- Ừ, mai tao sẽ đi học! Tao sẽ đi học!
Cả tôi và Trúc đề há hốc mồm vì kinh ngạc. Sau phút sững sờ, quên cả e thẹn, Trúc buông cái rỗ xuống bùn, cô bé nắm lấy hai bàn tay của Đực rồi nói như khóc:
- Ừ, mai đi học nhé! Đực nhớ nghe, mình chờ!
    Còn tôi, tôi muốn nhảy cẩng lên để biểu lộn cảm xúc nhưng hai chân kẹt cứng dưới sình. Tôi đành phải ném cái rỗ lên trời. Nó rơi đánh “bẹp” xuống. Bùn và hến văng tứ tung. Tôi cũng thét lên một câu chẳng dính dáng gì vào câu chuyện của Trúc và Đực:
- Hoan hô…! Hoan hô… hến! Hoan hô… “thị hến”!
  Nguyễn thị Mây




https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 233035 visitors (440707 hits) on this page!