Vô vãng bất phục
7/10/2020



VÔ VÃNG BẤT PHỤC

Quẻ thứ 11 trong Dịch Kinh có tên là Địa Thiên Thái. Phần Hào từ Cửu Tam là: Vô hình (1) bất bí. Vô vãng bất phục. Nguyễn Hiến Lê dịch là: Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại (ngưng trích dẫn). Xin mời quý vị đọc đoạn đối thoại đã tạm thời lược bỏ một chữ như dưới đây: (2)

- Ăn đi (….)

- Thôi, ( …. )không ăn nữa đâu.

Có một giọng nữ khác xen vào:

- (…) làm biếng ăn lắm. Nhiều khi em phải bắt, (…)mới chịu ăn.

- Nhai đi (…). ( ….) không chịu ăn làm sao mà có sức. Có sức khỏe mới mau hết bịnh, đi chơi được.

Đọc qua, ta cứ tưởng đoạn đối thoại này là của một người mẹ đang cho con ăn. Nó không chịu ăn, bà phải dỗ dành và đôi khi, còn phải la lên bắt nó ăn. Chuyện này không lạ, phải không quý vị? Những người có gia đình, có con nhỏ, hầu như ai cũng trải qua tình trạng “hầu” con, bắt con, dụ dỗ con ăn. Đứa nhỏ nhởn nhơ, vừa ăn vừa chơi. Nó đi, mẹ nó cầm bát cơm đi theo. Nó đứng lại, mẹ nó vội vã bắt nó há miệng ra để đút cho nó muỗng cơm nữa. Nhiều khi nó ham chơi, không chịu nhai. Miệng nó há ra, vẫn thấy còn nguyên cơm trong miệng. Mẹ nó gắt lên: Nhai đi. Nó ngoan ngoãn nhai một chút, rồi lại thôi. Cứ thế, bữa cơm nhiều khi kéo dài cả tiếng. Cảnh tượng này nhắc ta một thời thơ ấu, một thời ta được sống trong vòng tay thương yêu, chiều chuộng của cha mẹ. Những tưởng, như dòng nước chảy xuôi, chỉ có cha mẹ mới chăm con ăn. Nhưng, cuộc đời mà, luôn thay đổi, biến ảo khôn lường. Có sự đời nào chỉ đi mà không trở lại đâu? Vô vãng bất phục mà.

Nhạc mẫu của tôi sau khi bị một cơn tai biến, đi đứng khó khăn, thường nếu không bị bắt tập đi thì thích ngồi yên một chỗ hoặc đòi đi nằm. Có lẽ, do ít vận động, nhu cầu nạp năng lượng không nhiều, nên bà làm biếng ăn chăng? Hàng tuần, nhà tôi lên thăm ông bà. Trước khi đi, thế nào nhà tôi cũng nấu một hai món ăn nào đó, hoặc theo yêu cầu của ông bà, hoặc là do nhà tôi biết ý nên tự nấu mang lên cho hai vị. Lên đến nơi, sau khi chào hỏi, nhà tôi soạn mấy món ăn đã nấu ở nhà, hâm nóng lại, rồi mời ông bà ra ăn. Đoạn đối thoại ở trên là của nhà tôi với nhạc mẫu. Ngày xưa, mẹ đút con ăn. Bây giờ, con đút cho mẹ. Cũng phải dỗ dành, dọa dẫm, “mẹ” mới chịu ăn thêm một chút. Phải kêu: Nhai đi má! Má mới chịu nhai. Tất cả cảnh tượng này như một cuốn phim quay ngược. Phần cuối thành khúc mở đầu, nên nhân vật đang già đi dần dần hóa thành trẻ. Nhạc mẫu của tôi đã trở về thời thơ ấu. Bà phụng phịu nhai nuốt, há miệng ra cho nhà tôi chăm chút đút từng muỗng từng muỗng. Ăn xong, cũng phải bắt uống nước mới chịu uống. Rồi không cho đi nằm ngay, bắt phải ngồi một lát cho tiêu cơm.

Vô vãng bất phục. Già đi, rồi một lúc nào đó tính cách, tâm lý biến đổi, ta bất ngờ có thêm một ta nữa của ngày xưa còn bé. Hay giân, hay hờn, “buồn vui một mình” rồi than thở, trách móc con cái bỏ bê. Hoặc phàn nàn về đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Con cái nghe vậy, ân cần hỏi han, liền nghe được câu trả lời trớt quớt; Thì nhớ vậy, nói vậy chứ có gì đâu. Bó tay luôn. Giờ mình mới hiểu ra điều các cụ thường bảo: Một già một trẻ như nhau. Chuyện đời phải chăng là một vòng tròn. Quay hết một vòng là trở lại khởi điểm?

Không cứ chuyện trên. Ta theo dõi thời trang là thấy rõ nhất. Các cụ ta “canh tân”, theo Tây học, cắt phăng búi tó củ hành đi. Tóc ngắn mới là tân thời. Khi ban nhạc tứ quái The Beatles làm mưa làm gió ở Châu Âu. Phong trào hippy lan rộng với mái tóc dài, nhiều khi ngang vai, của các đấng nam nhi là mốt, là hợp thời trang. Quần tây của phái nam cũng vậy. Khi Elvis Presley lên ngôi “King of the Rock and Roll – Vua nhạc Rock”. Điệu Twist với kiểu quần tây, ống chật bó vào chân trở thành mốt. Lúc ấy, ở miền Nam, số thanh niên mặc quần ống túm khá đông. Một hôm, tôi thấy ông cậu họ bên ngoại của mẹ tôi chạy vội vào nhà. Gặp mẹ tôi, ông nói ngay: Chị cho em vào trong nhà thay cái quần này ra. Cảnh sát thổi còi bắt thằng bạn em rọc ống quần. Em nhanh mắt thấy vậy, rẽ vào hẻm chạy vào nhà chị. Nói đoạn ông cởi quần ra. Trời! Ông kéo mãi mà không cởi ra được, vì hai cái ống quần chật quá. Mẹ tôi thấy vậy cười bảo: Cậu mặc quần kiểu gì mà khó cởi ra vậy? Ông cậu vừa nhăn nhó vừa trả lời: Mặc vậy nhảy Twist mới được. Vài năm sau, quần ống túm lỗi thời, quần ống loe ra đời. Nó phất phơ bay dưới ống quyển của các đấng nam nhi, như áo dài em trong gió. Chưa kịp biết cái ống quần loe ra rồi sẽ đi về đâu, vì biến cố năm 1975 đã xảy ra. Xã Hội Chủ Nghĩa vải đâu mà thời trang với mốt miếc. Có cái khoác vào để khỏi phải ở trần, mặc xà lỏn là mừng thấy bà…thím rồi.

Có lẽ cũng vì điều đó, tà áo dài của miền Nam bị buộc phải cởi bỏ, xếp xó. Người ta gán cho nó nhiều tội danh để hòng xóa bỏ cái đẹp, cái hay, cái thanh lịch, quyến rũ, làm nên một hình ảnh không nơi nào trên thế giới có được. Trong những tháng không phải mùa hè, có những buổi sớm mai, buổi trưa gắt nắng, buổi chiều vàng nắng trên các ngọn cây. Từng đàn, từng đàn bướm tỏa ra từ các cổng trường, tung bay trên khắp nẻo đường. Trắng tinh khôi, áo ấy Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt. Nhẹ sắc hồng Thiên Phước. Xanh da trời của trường Thánh Linh. Tim tím Bồ Đề. Nâu óng một sắc Nông Lâm. Một hình ảnh sinh động. Một biểu hiện dân trí. Một đất nước sẽ phát triển, sẽ sánh vai cùng năm châu. Đùng một cái. Tất cả biến mất. Áo dài như là một thói quen xấu. Một nếp ăn mặc “đồi trụy”. Phải xóa. Phải diệt. Phải chôn nó cùng với chế độ vong nô. Áo dài bị bức tử như nhiều thứ khác. Và nàng đã trở về theo như quy luật của Dịch: Vô vãng bất phục. Nàng lên ngai Hậu như xưa. Bà Chủ Tịch Quốc Hội đương thời gián tiếp tôn vinh nàng, khi bà có trong tay bộ sưu tập áo dài hàng trăm cái (3)

Qua lãnh vưc âm nhạc ta còn thấy rõ hơn nữa. Nhạc Bolero, một thời sau 1975 đã bị xếp vào loại nhạc đồi trụy, phản động. Ai hát, tàng trữ, cất dấu những băng nhạc loại này, nếu bị phát giác sẽ gặp phải phiền phức vô kể. Hãy đọc bài của Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc (4) dưới tựa đề: Khi Đặng Thái Sơn (5) không thể “địch” lại Hương Lan, Tuấn Vũ…Ông viết: Hồi cuối tháng 8/2010 vừa qua, show diễn hát theo yêu cầu của Hương Lan, Tuấn Vũ ở Nhà Hát Lớn Hà Nội giá 1.500.000 đến 1.700.000 đồng/ 1 vé (6). Biểu diễn cả nửa tháng trời mà vẫn kín chỗ, không có vé mà mua. Có lẽ Đặng Thái Sơn mà biểu diễn đến đêm thứ Ba ở Hà Nội bây giờ cũng chẳng có mấy ai xem (ngưng trích dẫn). Cuộc trở về ngoạn mục, lộng lẫy của nhạc Bolero đã, đang và sẽ còn tiếp tục như một minh chứng hùng hồn của “Vô vãng bất phục”.

Vô vãng bất phục- Không có cái gì đi mãi mà không trở lại. Ngẫm sự đời, mất mát, thua cuộc, gian nan, khổ ải, chỉ là một nửa của vòng tròn. Một nửa còn lại đã, đang và sẽ trở lại, chắc chắn sẽ trở lại. Vấn đề là khi nó trở lại, ta soi gương nhìn lại mình và ta có hổ thẹn khi thấy mình trong gương không?

Arizona, mùa rực nắng

28 tháng 6 năm 2020

Trịnh đình Nam

Chú thích 1: Tôi đọc phần chữ Hán thấy viết chữ Bình chứ không phải là Hình. Chữ “bình” mới có nghĩa là “bằng” như trong phần dịch nghĩa. Khi tôi tìm sang trang web khác, họ cũng giữ chữ “hình” này. Không hiểu tại sao?

                   2: Tôi lược bỏ chữ “má” cho nó khớp với đoạn văn ở dưới

                     3: Chỉ riêng áo dài do nhà tạo mẫu Võ Việt Chung vẽ kiểu, bà đã có 300 bộ. Một bộ là 100.000.000 đồng, vị chi là 30 tỷ đồng. Năm 2017, hối suất 1 USD = 22.300 đồng thì bộ sưu tập có giá 1.345.000 USD.

                    4: Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc tốt nghiệp chính quy hai bộ môn: sáng tác và biểu diễn piano, hiện đang giảng dạy bộ môn sáng tác tại Hoc viện quốc gia âm nhạc Hà Nội.

                      5: Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ dương cầm người Châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng Frédéric Chopin tổ chức lần thứ X tại Warszawa Ba Lan (tháng 10/1980).

                        6: Năm 2010 hối suất chính thức là 1USD = 18.950 đồng. Như vậy 1 vé dao động từ 79USD đến 89USD.

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196491 visitors (363170 hits) on this page!