Mùa nếp cái hoa vàng. . . .
18/11/2022

ƠI MÙA NẾP CÁI HOA VÀNG !

       Tg: Bách Diệp

   Sinh ra và gắn bó với ruộng đồng, có lẽ không ai là không biết đến lúa nếp, một giống lúa cho gạo vừa dẻo lại vừa thơm ngon.

   Lúa nếp có nhiều loại: nếp lai, nếp nứt, nếp nương, nếp cái hoa vàng..., loại nào cũng dẻo, cũng ngon nhưng thơm ngon và được ưa chuộng hơn cả vẫn là giống lúa nếp cái hoa vàng. Giống lúa này thân cao, cứng, kháng bệnh đạo ôn rất siêu nhưng lại là món ăn khoái khẩu của bọn sâu đục thân. Nếp cái hoa vàng được gieo cấy vào vụ mùa muộn (từ cuối tháng Sáu âm lịch đến cuối tháng Mười âm lịch). Khi cái nắng hanh vàng ong như mật trải đầy không gian, phủ màu, ướp hương vào vụ mùa, những thửa ruộng lúa tẻ đã gặt hết, nỏ rạ thì những thửa ruộng nếp cái hoa vàng vẫn còn xanh cậng, xanh đuôi. Phải đến sau rằm tháng Mười âm lịch, lúa mới chín đều đến tận cổ bông.

   Không biết giống nếp cái hoa vàng có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ rất xa xưa, thời các cụ, giống lúa nếp thuần chủng này đã có rồi. Sinh ra từ làng, khi vừa đủ lớn để nhận biết, phân biệt các loại lúa gạo, tôi đã thấy lúa nếp cái hoa vàng tốt bời bời trong thửa ruộng phần trăm mười thước của nhà tôi. Ruộng lúa nếp cái hoa vàng trông rất khác biệt so với những ruộng lúa tẻ cả về độ cao, màu sắc, độ dài của bông, độ tròn của hạt và bao giờ cũng bắt mắt hơn.

   Hồi ấy, khi nền kinh tế còn tự cung tự cấp, đa phần người ta cấy lúa tẻ để ăn cho no bụng, phòng đói kém. Mẹ tôi vẫn bảo "Cơm tẻ là mẹ ruột", "Đói thì thèm thịt thèm xôi/ Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đằng". Cơm tẻ ăn no chứ không ngán. Còn cơm nếp, xôi nếp tuy thơm ngon nhưng không thông dụng, chỉ dùng trong những dịp đặc biệt như lễ tết, giỗ chạp. Vì vậy, lúa nếp được cấy rất ít, mỗi nhà chỉ cấy vài thước vào vụ mùa để lấy gạo ăn cái Tết cổ truyền. Cũng vì thế, thúng thóc nếp, bơ đỗ xanh đều được người nông dân gieo trồng, phơi phong, sàng sẩy cho thật kĩ rồi cất đi để dành đến Tết.

   Tôi còn nhớ như in thuở tôi lên chín, lên mười, tôi ngồi học bài ngoài chiếc hè gạch, bên ngọn đèn dầu vặn bằng hạt đỗ. Cạnh đó, trên chiếc sân gạch hẹp, mẹ sàng sẩy thóc lúa đến tận khuya dưới ánh trăng suông và ánh sáng hắt ra từ ngọn đèn dầu. Hồi ấy không có điện nên chỉ tầm tám, chín giờ tối là thôn làng đã im lìm, bóng tối đã phủ đầy vẻ khuya khoắt. Dọn dẹp gọn gàng xong, mẹ vào bếp, nổ cho chị em tôi một mẻ bỏng hoa từ những hạt nếp cái già câng. Ôi, những chiếc bỏng hoa tuổi thơ trắng phốp và thơm tho!

   Thỉnh thoảng có vụ, mẹ dành vài gồi nếp cái hoa vàng còn xanh xanh để làm cốm cho chị em tôi. Lúa cắt về, mẹ tãi từng bông trên chiếc chổi rơm mới coong, rồi tỉ mỉ tuốt bằng chiếc bát đàn. Tuốt xong, sẩy cho hết bụi bằng cái mẹt tre, mẹ đem vào bếp rang nhiều mẻ. Mỗi mẻ rang xong lại ủ vào chiếc áo cũ cho nóng. Xong, mẹ đem vào cối giã gạo, người giã, người vun cho đến khi vỏ trấu truồi sạch mới thôi. Rồi mẹ xúc ra mẹt tre, sẩy cho trấu bay đi, còn trơ lại những hạt cốm bẹp dí, dẻo quẹo. Mẹ chia cho chị em tôi mỗi đứa một nắm to, đựng trong cái rấng tre. Chao ôi! Cái món cốm dẹt sao mà thơm, mà ngậy, mà dẻo, mà nhai đến sái cả quai hàm. Món cốm dẻo ăn kèm với chuối lùn chín trứng quốc thì ngon đến nhớ đời. Thứ quà dân dã ấy đều là tinh hoa của trời, của đất, của nước. Khi chúng quyện vào nhau rồi người ta mới cảm nhận được hết cái chất thơ của sự đơn sơ, giản dị mà tinh tế.

   Phần cốm dẹt còn lại, mẹ đem rang thành cốm phồng. Gặp hơi nóng từ chiếc chảo gang, từng hạt cốm nở tròn như con ong, trông đẹp đẽ, thơm dịu dàng, nhai giòn khàu khạu. Ôi, những mẻ cốm tuổi thơ ấy! Tuy ít ỏi, lưa thưa nhưng mà sao tôi nhớ quá, chẳng bao giờ có thể quên được. Gian bếp rạ có ba ông đầu rau. Cái cối. Cái chày. Khuôn mặt mẹ, khuôn mặt tôi và mấy đứa em ửng hồng bên ánh lửa bập bùng. Những nắm cốm dẹt dẻo trẹo hàm. Những vốc cốm phồng giòn tan, thơm tho. Tất cả những hình ảnh, những hương vị ấy sao cứ tươi mới, đẹp đẽ, nguyên vẹn trong lòng tôi đến thế. Như mới hôm qua, hôm kia.

   Mùa đi nhanh như chạy. Tháng Mười vèo qua cánh đồng làng. Tháng Mười vèo qua cả không gian và thời gian. Chạp đến. Tết cận kề. Thúng thóc nếp được bà và mẹ nâng niu đem xay, giã, dần, sàng. Mẹ dành một ít pha với gạo tẻ, ngâm cho mềm rồi đem xay bột nước trên chiếc cối đá. Chiếc cối có hai thớt, nặng trĩu, có tay cầm, phải xay thật nghề thì mới êm, không bị chệch ngõng. Bột gạo trắng mịn trào ra, chảy thành dòng vào chiếc thau tráng men màu xanh. Rồi mẹ khéo léo chắt lọc, nhào nặn, chế biến ra những chiếc bánh rán có nhân đỗ đường dẻo mềm, thơm ngọt, ngon lành. Thức quà dân giã ấy thật là công phu biết bao! Nó ngon chẳng kém gì những chiếc bánh rán thỉnh thỏang mẹ mua cho chị em tôi trong những lần đi chợ phiên xa tít.

   Ngày Hai chín Tết, dân làng nhà nhà bẻ lá dừa làm khuôn, dọc lá chuối hột để chuẩn bị gói bánh chưng. Đêm Hai chín Tết, trời tối đen như mực, tiếng lợn kêu eng éc trong thôn. Mưa phùn lui bui. Những mẻ gạo nếp cái hoa vàng đã được ngâm rất kĩ, để ráo nước, xóc thêm vài hạt muối cho đậm đà. Đỗ xanh được đồ cho chín, nắm thành từng nắm để trong mâm. Thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ được thái miếng, ướp hạt tiêu thơm phức. Củ hành khô thái miếng để sẵn trong bát. Nắm lạt đã được ông ngoại chẻ thật mỏng, thật mềm. Cả nhà quây quần gói bánh chưng. Bánh có ngon hay không phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là gạo. Phải là gạo nếp cái hoa vàng, mười hạt mẩy tròn như một. Ăn miếng bánh chưng đủ vị trong tiết trời giá lạnh mùa đông, bên bếp củi bập bùng ánh lửa, khi cái bụng đang đói, đang thèm ăn thì miếng bánh chưng ấy trở thành miếng ngon nhớ đời. Sau này, dù có ăn bánh chưng ở đâu, cũng thấy nó chẳng thể nào giống được cái mùi vị bánh chưng quê nhà ngày xưa ấy. Chẳng biết có phải vì tôi quá nặng lòng thủy chung thương nhớ ngày xưa không mà tôi vẫn thấy món ăn truyền thống quê mình là ngon nhất, hợp khẩu vị, quyến rũ, gọi mời và thơm tho nhất.

   Bóc tờ lịch trên tường. Ồ! Đã qua rằm tháng Mười ta rồi đấy. Nhìn ra cánh đồng quê. Ồ! Những khu ruộng lúa nếp cái hoa vàng đang lên hương, ngả màu vàng thẫm thắm tươi trong cái nắng đầu đông óng ả. Chắc chỉ tầm một tuần nữa là thóc sẽ vào bồ. Bất giác, tôi thích được đi tản bộ ngao du trong không gian ruộng đồng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp yêu kiều của những bông lúa nếp cái hoa vàng chính mùa, chính vụ. Tôi thèm cái cảm giác đi giữa thiên nhiên, chơi với mấy con châu chấu, cào cào, muồm muỗm bé nhỏ, thẩn thơ ngắm nhìn những ngọn cỏ, những lá rau và những con côn trùng bé nhỏ nơi ruộng đồng để hiểu thêm về thế giới của chúng và so sánh với thế giới của người.

   Bình minh. Gió bấc đầu mùa nhè nhẹ chưa đủ lạnh đến độ rét, chỉ vừa đủ để thổi khô tất cả những hạt sương đêm ít ỏi và làm sảng khoái lòng người vừa vươn vai thức dậy. Hoàng hôn. Nắng tắt. Tiết trời lúc này cũng thật dễ chịu. Ở hai thời điểm ấy, thẩn tha đi bên những ruộng nếp cái hoa vàng, thấy chao là đẹp, là mộng, là thơ! Mắt tôi dán vào những bông lúa trĩu cần, dài như đuôi trâu, mẩy đều tăm tắp, óng ả một màu vàng no ấm. Tôi nghe trong gió se, thấy bao nhiêu là hương vị: hương quả chín trong vườn, hương lúa nếp ngoài ruộng, hương nắng mai non tơ, hương nắng chiều già và cả hương đồng đất nồng nồng, ngai ngái. Tất cả hòa quyện tạo thành mùi đồng quê thật dịu dàng, thân thuộc.

   Nâng những bông lúa trĩu trên tay, tôi thầm thì khẽ gọi: "Ơi nếp cái hoa vàng! Thơm quá! Đẹp quá đi"! Tôi lắng nghe đâu đây trong không gian bao la mùi vị của cố hương đang ngan ngát dịu dàng trong tâm hồn. Tôi lắng nghe đâu đây trong kí ức mùi xôi gạo mới đang bay lên trong khói lam chiều. Và cả mùi bánh chưng xanh dẻo thơm của một cái Tết sắp lại về.

Tg: Bách Diệp

08/11/2022


(Ảnh minh họa Lúa nếp)

 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 208136 visitors (392257 hits) on this page!