Tùy bút : Nhỏ Nguyệt
24/4/2021

Tùy bút


NHỎ NGUYỆT. ( P1 & P2)

     Nhà nhỏ Nguyệt bên kia sông thuộc xã Mỹ Hòa (Quận Bình Minh Vĩnh Long) . Em sinh 1960 nhỏ hơn tôi hai tuổi, em gặp tôi xin gia nhập theo đội văn nghệ mặc dù em không biết ca hát gì. Nhà em ở gần nhà nhỏ Xứng con gái của Bác Mười Tôn là thầy đàn cổ nhạc và cũng là xóm có nhiều trại lá lợp nhà.

   Nhỏ Nguyệt ăn mặc sạch sẽ lịch sự theo lo hậu cần cho đội văn nghệ tuy nước da bánh ít không có vẻ sắc sảo nhưng vóc dáng cũng dễ nhìn, vui vẻ và thân thiện với mọi người. Thỉnh thoảng nhỏ Nguyệt cũng mời tụi tôi qua nhà nấu nướng đãi đằng liên hoan cả hát ì xèo rất vui. Nguyệt gặp ai cũng giới thiệu tôi là anh nuôi, anh kết nghĩa của nó. Mỗi lần qua nhà nhỏ Nguyệt đầy ắp không khí gia đình đối với một thằng mồ côi như tôi vậy.

   Rồi đội Văn nghệ Thị trấn giải tán đến ngày tôi bỏ xứ đi thì anh em không có dịp gặp nhau. Mỗi lần về quê hỏi thăm thì bạn bè cho biết nhỏ Nguyệt đã lập gia đình có hai thằng con trai sinh đôi sáng nào cũng qua chợ bán trái cây tới xế mới về. Tuy hai anh em không gặp nhau nhưng biết tin vậy cũng mừng cho em nó.

Một lần về khóm 3 lò heo nhậu với thằng Mừng nó cho biết :

- Mày nhớ con Nguyệt con nhỏ hồi xưa làm em nuôi mày đó. Tao nghe nói nó bị người ta lừa nó bán tuốt qua Trung Quốc nhưng nó thoát được báo đài đưa tin ì xèo luôn. Còn cụ thể ra sao thì tao cũng không biết.

Một lần về quê dự tiệc giỗ tại nhà một người bạn gần cống xã tàu. Từ trong bếp một "bà già" giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi rồi la lên :

- Trời ơi... Anh Trung phải không?

   Tôi cũng bất ngờ khi gặp đứa em nuôi ngày xưa của mình. Thoắt một cái đã 40 năm cô em gái bây giờ đã thành một bà già rồi. Thì ra em là bà con vai chị của người bạn tôi. Muốn hỏi thăm em nhiều nhưng đang đám tiệc nên xin số điện thoại của em.

Nhỏ Nguyệt lắc đầu :

- Em bỏ điện thoại ở nhà rồi anh ơi. Anh cho em xin số em sẽ gọi cho anh sau.

Sau đó về nhà chờ hoài vẫn không nghe cuộc gọi nào. Hỏi thằng Mừng nó cho biết :

- Lúc này sáng nào con Nguyệt bán đồ la trước nhà Dì Út của mày đó. Nó đâu có điện thoại đâu mà gọi cho mày.

Nhờ người quen hỏi mới biết đúng là nhỏ Nguyệt không có xài điện thoại. Thôi thì từ Long xuyên chạy về ghé thăm em nó vậy.

   Hơn 40 năm, từ lúc còn là chợ Huyện nhưng bây giờ cũng vậy. Muốn qua sông Mỹ Hòa phải chạy tới Phù ly mới có cầu qua sông. Còn đi đò có chở được xe honda thì phải chạy xuống gần chùa Phật hoặc tới lộ 71.

Tới nhà nhỏ Nguyệt lúc trời nhá nhem tối. Căn nhà cấp bốn gọn gàng Nguyệt cho biết cất được nhà từ tiền trúng 2 tờ vé số an ủi được 200 triệu.

Hỏi em chuyện ngày xưa sao mà bị gạt bán qua Trung Quốc?

Nhỏ Nguyệt cười trả lời :

- Lúc đó mới thôi chồng tay xách nách mang nuôi hai thằng con trai sinh đôi nên em qua chợ bán Sầu riêng. Có một chị ăn mặc rất sang trọng ngày nào cũng ghé mua vài trái sầu riêng mà không chê mắc rẻ gì. Chỉ cũng qua tới nhà em thăm hỏi thân tình và muốn ngõ ý sẽ giúp em có công việc nhàn hạ và ổn định.

Chị nói:

- Chị thứ hai, Nhà chị ở gần Hà Nội. Vợ chồng chị đi suốt nên cần có người giúp việc nhà tin cậy để trông coi giúp gia đình. Thấy em thiệt thà nên chị thương lắm. Nếu chịu thì thu xếp ra Hà nội ở với chị. Em lo cơm nước trong ngoài chị trả em 500 ngàn một tháng.

Tôi hỏi :

- Năm đó là năm nào?

Nhỏ Nguyệt đáp ngay:

- Dạ năm đó em 29 tuổi.

Tôi nhẩm tính rồi nói:

- Vậy là năm 1989?

Nhỏ Nguyệt gật đầu. Tôi nói tiếp :

Thời đó 500 ngàn khoảng 2 chỉ vàng phải không em?

- Dạ đúng rồi. Làm việc nhà mỗi tháng có 2 chỉ vàng ai mà không ham hả anh. Vậy là sau khi thu xếp gởi 2 thằng con trai là thằng Sum và thằng Xuê cho ông bà ngoại em ôm gói ra bến xe ở Cầu Bắc theo người chủ mới xinh đẹp và sang trọng.

Hai ngày vất vả trên chuyến xe đò Bắc nam thì tới Hà Nội tới một căn nhà như Biệt thự đang đóng cửa Chị hai hốt hoảng nói:

- Chết rồi em ơi. Chồng chị chắc nó giận chị nên đi về Trung Quốc rồi. Bây giờ chị em mình kiếm chỗ nghỉ rồi mai chị mua vé xe cho em về quê. Chị phải qua Trung Quốc tìm thằng chồng của chị.

Thấy em có vẻ ngần ngừ chị Hai nói:

- Hay là em theo chị qua Trung Quốc. Bên đó ở nhà chồng chị cũng làm việc nhà chị sẽ trả lương em gấp đôi bên này.

Vậy là em theo chị Hai đi ra Móng cái rồi đi 2 lượt xe mới tới nhà của chồng chị ta. Ở đó có cái chợ tên là Trà Sen có cây cầu là cầu "Tiệu"? Mới đến nơi thì chỉ nói như hù :

- Bên này người ta khó lắm, em mà đi lơ ngơ là bị bắt liền đó nghe. Em không nên ra đường một mình nguy hiểm lắm. Nghe lời chị thì em sẽ có cuộc sống sung sướng, cãi lời thì có chuyện gì xảy ra em ráng chịu nhé.

Nghe Chị Hai nói như vậy em cũng không biết chị nói cái gì.

Ngày mai thì có mấy người đàn ông đến chị Hai kêu em ra cho họ xem mắt rồi họ mặc cả nhậu hình như họ muốn bán mình.

Hôm sau chị Hai lộ mặt vừa nói vừa đe dọa :

- Chị muốn gã chồng cho em nhưng tụi nó trả giá bèo quá. Em đừng ngại chị muốn giúp em có thằng chồng tốt cho cuộc sống của em thoải mái hơn thôi. Em chỉ cần đẻ cho tụi nó vài đứa con là em được về Việt nam và có vốn làm ăn. Còn cãi lời chị thì thằng chồng chị nó xử em chị không có cản được đâu.

Trời ơi vậy là mình bị dụ qua đây để bán rồi. Em giả bộ vui mừng và năn nỉ chị Hai:

- Chị muốn gã chồng cho em sao chị không nói sớm. Em cũng đâu còn son giá gì đâu mà giữ gìn phải không chị. Em mong anh chị thương em thì thương cho trót, tìm cho em ông nào khá khá một chút em sẽ đội ơn chị.

   Thấy em có thái độ vui mừng như vậy chị Hai cũng bất ngờ chị có vẻ vui ra mặt và hứa chiều nay sẽ có người đến xem mắt. Chiều đó em vò cái đầu bù xù giả đau nằm rên rỉ như đau sắp chết vậy. Khi tên đến xem hàng thấy bộ dạng em te tua như vậy lắc đầu rồi xí xô xí xào mấy câu bỏ đi. Chị Hai đưa mấy viên thuốc cảm rồi bỏ mặc em nằm ở đó xong họ kéo nhau đi ăn.

   Chỉ chờ có vậy em nhìn ra bên ngoài đường đèn sáng trưng như vầy chạy cách nào cho thoát? Nhìn phía sau có ngọn núi cao trên núi có đèn leo lét có con đường nhỏ lên núi... Vậy là em quyết định chạy lên núi để khỏi bị bắt. Chạy nguyên một đêm thì qua vách núi bên kia trời tối dốc đứng nên té lên té xuống nhưng muốn sống thì phải chạy tới đâu không biết nhưng càng xa thì càng Hy vọng. Vừa xuống tới chân núi thì gặp một con lộ xe có nhiều xe chạy qua lại em chợt nghĩ :

- Vậy là mình thoát rồi...

Vừa nghĩ tới đó một chiếc xe giống như một chiếc xe buýt chở đầy người thắng ngay trước mặt.

( Còn tiếp.)

Bùi Trung.
- - - - -- - - - - - - - -  - - - 

NHỎ NGUYỆT (P2).

   Thì ra là chiếc xe đò, em đưa tay vẫy một người đàn ông nhảy xuống kéo em lên. Xe chạy được một lúc thì anh ta bước tới thu tiền. Không muốn cho họ biết mình là người Việt nên em nhanh trí giả câm và ra dấu là mình không có tiền. Thế là bị đuổi xuống xe và đón xe khác đi tiếp. Đi được vài lần xe thì bụng sôi lên vì đói, em nhìn chăm bẳm vào một đôi vợ chồng trẻ ngồi trên xe trên tay có cầm bánh trái gì đó. Đoán ra chắc là em đang đói chị ta đưa em một cái bánh. em đưa cái bánh lên miệng chưa kịp nhai thì bỗng giật bắn cả người vì nghe chị ta lẩm bẩm :

- Tội nghiệp quá...

Nghe chị ấy nói bằng tiếng Việt em mừng quá lắp bắp nói:

- Chị ơi em bị bọn xấu gạt qua đây, nó chưa kịp bán em thì em giả bệnh rồi em chạy trốn từ đêm qua đến nay.

Không biết chủ xe có biết tiếng Việt không? Nó nghe em nói như vậy lại đuổi em xuống. Chị ấy dúi vào tay em cái bánh rồi nói nhanh:

- Chị là người Việt có chồng bên này. Chị đang đi với chồng nên không giúp gì được cho em. Muốn được cứu em phải làm gì đó để bị Công an bắt. Khi bị bắt em nói với họ tôi là người Việt Nam. Nhớ chưa...

Lúc đó trời đã chiều, em với cái dáng ăn mày lang thang vô cái Thị trấn nhỏ xin nước uống.

- Em xin bằng cách nào? Tôi hỏi.

Nguyệt lại cười:

-Thì em giả câm mà. Gặp thì chỉ đại rồi a a ... Thế là được người ta cho ăn cho uống. Lúc đó nhớ lời chị bạn mới quen trên xe nói muốn được cứu phải làm gì đó cho công an bắt mà đi hoài có thấy ông công an mặt mũi ra làm sao đâu? Cuối cùng gặp một cái rạp hát hay chiếu phim gì đó có rất nhiều người chen mua vé vào xem. Muốn cho người ta bắt phải giựt đồ hay đánh nhau nhưng mấy chuyện đó em không làm được. Em chợt nhớ lúc theo đội văn nghệ của anh nên đứng trước rạp hết ca rồi múa như con điên mà cũng không ai quan tâm. Đến khi vãn hát người ta đi về hết em một mình nằm trước rạp hát ngủ ngon lành. Đến khuya thì có ánh đèn pin rọi vô mặt, tiếng súng lên cò rốp rốp. Mở mắt thấy lính tráng súng ống tùm lum Em mừng quá vì cuối cùng cũng được bị bắt nên em hét lên :

- Tui là người Việt nam...

    Bị nhốt đến sáng thì được mời ra lấy cung. Một người đàn ông nói bằng tiếng Việt cho biết anh là nhân viên ở Đại sứ quán Việt Nam. Em được đưa đi tắm gội xong rồi mới trở ra làm việc. Em trình bày sự việc cho anh ta là mình bị gạt đem qua đây rồi giả bệnh bỏ trốn nguyên một đêm một ngày mới đến đây, còn người dẫn dụ mình tên gì nhà cửa ở đâu thì em cũng không biết.

- Sao em không nói là được đưa tới cái nhà nào ở chợ trà Sen gì đó?

- Em cũng đâu biết nói làm sao cho người ta hiểu đâu anh. Mình thoát nạn là được rồi.

Người đại sứ quán ghi chép cẩn thận rồi nói:

- Nếu chị không mua bán ma túy, không cướp của giết người, không sang đây với mục đích mua bán dâm thì phải đợi chúng tôi liên hệ từ phía Việt Nam. Nếu đúng chị là người bị hại thì chị sẽ được chúng tôi can thiệp và đưa chị về tận nhà. Bây giờ chị ở tạm đây một thời gian nhé.

   Sau đó em được đưa đi nhốt chung với gần 20 cô gái Việt. Đa số là mấy đứa qua đây làm nghề này nọ rồi bị bắt nhốt. Khi biết hoàn cảnh của em tụi nhỏ đứa nào cũng kêu em bằng má. Nhờ có tụi nó mà em vơi nổi buồn nhớ con, nhớ quê... tụi nhỏ tuy bị bắt nhưng hầu hết đứa nào cũng có bồ đến thăm nuôi nên không thiếu thốn thứ gì. Đúng 100 ngày họ thả em ra, tụi nhỏ mỗi đứa cho em một món đồ làm kỷ niệm. Tụi nó còn gom tiền cho em dằn túi. Đứa nào cũng xin địa chỉ của em và hứa sẽ tìm thăm... Má. Nhưng mãi tới bây giờ chưa có đứa nào đến thăm em.

Giọng nói của Nguyệt bỗng chậm lại và nghẹn ngào :

- Tụi nhỏ nó bị dụ qua đó làm gái rồi bị bắt. Em được về sớm vì em khác tụi nó. Mãi đến bây giờ em vẫn nhớ mặt nhớ tên từng đứa một như những người thân ruột thịt của mình. Không biết tụi nó bây giờ như thế nào mà không có đứa nào tìm đến thăm em. Nếu anh có viết bài thì cho em nhắn má là Lương Thị Nguyệt nè. Má nhớ tụi con lắm... còn chỗ nhốt thì em cũng không biết gọi là gì nữa.

- Rồi sau đó ai đưa em về?

    Sau khi được thả ra Mấy anh công an Trung Quốc đưa em tới cửa khẩu Việt Nam, rồi em được đưa lên xe đò về tới Hà Nội, Sài Gòn và cuối cùng là công an Huyện. Sau khi làm thủ tục xong em được đưa đến tận nhà. Mấy anh cũng hỏi em về người đàn bà có tên là Chị Hai nhưng em không dám khai vì sợ bị họ trả thù anh ơi.

- Sao em dễ dàng bỏ qua cho bọn nó vậy?

- Em được tai qua nạn khỏi là mừng rồi anh ơi. Hơn thua trả thù làm chi. Dẫu sao em cũng về với gia đình với đám con em là em vui rồi. Em thì bỏ cho họ nhưng có người không chịu bỏ .

- Ai vậy em?

- Ba em... Ba em ổng làm thinh không tỏ thái độ giận hờn gì nhưng ngày nào ổng cũng ra chợ, ra bến xe bến tàu để tìm bà chị Hai ác ôn đó. Vậy mà ba em tìm riết cũng gặp đó anh. Ba em và Bác Sáu Phồng nhào tới bắt và la làng lên cho bà con tới khống chế con mẹ đó đưa lên công an.

    Nghe nhỏ Nguyệt nhắc tên ba. Tôi mới nhớ ba Nguyệt là chú Út Thế làm nghề buôn bán lá lợp nhà (bên kia cây cầu dal, bên này cầu là trại lá của bác Mười Tôn) là em của cô Bảy Đắc xưa có cái đáy đóng trên sông Chà và khúc gần cây dừa 18 đọt, còn Bác Sáu Phồng nhà ở Giáo mẹo cũng làm nghề đóng đáy.

(Chú Út Thế ba nhỏ Nguyệt cũng đông con lắm : Chị Nhị, chị Mai, chị Thu, anh Hẹ, Nguyệt, Hằng và thằng Cảnh... Chị Nhị làm đáy mất rồi, chị Thu đang theo con gái ở Hàn Quốc cũng rất khá)

Nhỏ Nguyệt cười xẻn lẻn rồi nói tiếp:

- Vậy là em được Đài truyền hình Vĩnh long đến thăm và họ đưa em lên Truyền hình. Hội phụ nữ Huyện, xã cũng đến thăm phỏng vấn, tặng quà... Có người còn bỏ tiền ra giúp thằng con trai lớn của em đi học nghề sửa máy xe. Thằng nhỏ thì được vô làm ở cơ sở Bưởi Năm roi cũng gần đây.

- Còn em? Tôi hỏi.

Nguyệt cười hiền:

- Em thì ngày nào cũng ra chợ bán đủ thứ, người ta kêu em là con Nguyệt bán đồ la . Nhờ bà con thương nên 3 mẹ em cũng tạm đủ sống anh ơi.

    Sáng hôm sau đến khu chợ Bình minh tìm nhỏ Nguyệt định rủ uống ly cà phê trước khi chia tay nhưng gặp nhỏ đang lăng xăng rao hàng bán ngay trước nhà thuốc cây Còng. Thấy tôi chỉ qua quán cà phê bên kia đường nhỏ Nguyệt lắc đầu. Có lẽ hôm nay nhỏ bán được hàng? Thôi thì chia tay em vậy. Hẹn có dịp nào đó anh sẽ trở lại thăm gia đình em. Tạm biệt đứa em gái nhỏ "tội nghiệp" của tôi ơi, muôn đời tình nghĩa anh em mình vẫn như vậy nhé em.

    Buổi sáng Bình minh ở chợ Bình minh ánh nắng bỗng bừng sáng lên thật đẹp. Khi về đến nhà rồi mới chợt nhớ là chưa mua giùm nhỏ Nguyệt món hàng nào để làm kỷ niệm. Thôi hẹn lần sau vậy cô em gái của tôi . /.

Bùi Trung.

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 214086 visitors (407624 hits) on this page!