10/6/2023
QUẢNG TRỊ, MỘT LẦN ĐẾN THĂM
Trịnh Nam Hương Hồ
Trong chuyến về lại Việt Nam vừa qua, lần đi Quảng Trị dự buổi họp mặt các trường Nông Lâm Súc lần thứ 7, là do Duyên mà thành. Bởi vì, trong danh sách đi những đâu của gia đình tôi, không có tên của mảnh đất vùng hỏa tuyến ngày xưa. Nhưng, trong một lần gọi điện thoại nói chuyện với anh Liêm, anh bảo: Ông bà kỳ này về, đi Quảng Trị chơi với vợ chồng tôi nhen. Có Thái Lan, thầy Quân và bạn Danh học Công Thôn ở Cần Thơ cùng đi. Anh tiếp: Bọn mình đáp máy bay đi Huế, có xe đón tại phi trường ra Quảng Trị. Nếu có ông bà tham gia, tôi sẽ đổi xe 7 chỗ thành 16 chỗ, ngồi thoải mái hơn. Vé máy bay đi Huế tôi mua giùm cho. Lấy ghế để Thái Lan ngồi cạnh Hương Hồ cho vui. Khách sạn cũng có đủ phòng cho mọi người. Có lẽ, anh sợ chúng tôi không có nhiều thời gian, nên nói: Sáng Thứ Bẩy mình bay ra Huế, 9 giờ tối Chủ Nhật là mình có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhứt. Không mất thời gian lắm đâu. Tất cả các điều kiện đều "trên cả tuyệt vời", nên vợ chồng tôi hội ý chớp nhoáng, rồi nhờ anh Liêm giúp mọi chuyện.
Nhà ga hành khách T2 của phi trường Phú Bài, mới được khánh thành ngày 17/6/2023, đẹp, rộng rãi, tân kỳ. Anh tài xế là người địa phương, nên chúng tôi được hưởng bữa bún bò Bưu Điện đậm chất Huế và thật ngon miệng. Trên đường ra Quảng Trị, tôi hỏi chuyện xưa xửa xừa xưa về Huế, Quảng Trị, hầu như anh đều biết, trả lời vanh vách. Qua chuyện ngày nay, có nhiều điều tôi không biết, hỏi anh, anh cũng tận tình giải đáp. Nhờ đó, đường đi gần như ngắn lại, tôi cảm thấy gần gũi hơn với các địa danh của vùng hỏa tuyến. Tự dưng, tôi nhớ đến bài Lối về đất mẹ của Duy Khánh, trong đó có câu: Mẹ thương con ra cầu Ái Tử...Nên hỏi anh tài: Cầu Ái Tử ở đâu anh nhỉ? "Chút nữa đi qua đó em chỉ cho anh.", anh nhanh nhẩu trả lời. Tôi đã đi qua các nơi trên quốc lộ 1A. Qua đoạn đường năm 1972, được mệnh danh là Đại lộ kinh hoàng. Vậy đó, 61 năm, vèo một cái, đã qua. Bây giờ, hai bên quốc lộ, nhà nhà cạnh nhau, bình yên nắng rọi. Đường phố, ngõ nhỏ thân thiết nối với nhau. Ruộng xanh, cây xanh, trời xanh. Những ngày tháng kinh hoàng đó, chỉ còn trong ký ức, trong niềm đau đớn chôn sâu tận đáy lòng của những người có người thân là nạn nhân của một thời oan nghiệt.
Quảng Trị đây rồi. Chúng tôi được ban tổ chức ưu ái cho ở khách sạn Thạch Hãn, có thang máy, nằm ngay bên cạnh dòng Thạch Hãn. Phòng của vợ chồng tôi, đứng nơi cửa sổ có thể nhìn thấy cây cầu cùng tên bắc trên dòng sông này. Buối sáng hôm sau, tôi dậy sớm. Từ trên cao nhìn xuống cây cầu cùng dòng sông hiền hòa, lặng lờ trôi. Lòng tôi chợt run lên, khi nhớ một khổ thơ, trong bài "Lời gọi bên sông" của Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ,
Dòng sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...
Đã ngần ấy năm trôi qua, 61 năm chứ ít ỏi gì. Tôi vẫn thấy, dường như dòng Thạch Hãn, vẫn còn nỗi niềm của thời chinh chiến. Những chàng trai tuổi đôi mươi ngày đó, đã hóa thân thành sóng nước, có ra được biển khơi hay cứ lanh quanh, lẩn quẩn bên dòng Thạch Hãn?
Người Quảng Trị hiền hòa, hiếu khách. Ban tổ chức chu đáo, tận tình địa chủ, nên chúng tôi được dự hai bữa tiệc, một bữa tối, một bữa trưa quá đầy đủ, thật ngon miệng. Chúng tôi ăn xong cứ tấm tắc khen ban tổ chức đã khéo chọn địa điểm, có những đầu bếp thật xuất sắc. Trên đường về lại Huế, anh Liêm đề nghị: Mình ghé qua cổ thành Quảng Trị nhen.
Trên thế giới có những vùng đất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Nó đi vào ký ức, đi vào lịch sử, đi vào nhiều lãnh vực văn học, nghệ thuật, được nhắc lại hàng năm qua việc tổ chức long trọng lễ kỷ niệm vào ngày tháng xảy ra sự kiện đó. Các trận chiến kinh hồn về số người chết, bị thương là một trong những vật liệu chính, biến những vùng đất bình thường, hiền hòa, yên bình đó, trở thành nơi được mọi người biết đến. Cổ thành Quảng Trị của nước tôi, sau 81 ngày đêm bị đạn bom tàn phá, đã lọt vào danh sách các trận đánh dữ dội nhất, có thể so sánh với trận nổi tiếng trong Thế Chiến Thứ Nhất và Thế chiến Thứ Hai.
Cổ thành Quảng Trị vốn là thành Quảng Trị được vua Gia Long cho xây tại phường Tiền Kiên (Triệu Phong). Đến năm 1809 vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn. Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, cao hơn 4m, chu vi tường thành là 2.000m, chân thành dày hơn 12m. Thành có 4 cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Qua cuộc chiến năm 1972, toàn bộ thành cổ gần như bị san phẳng. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, chính quyền tỉnh Quảng Trị cho tôn tạo lại. Người ta phục chế vài đọan tường thành, làm lại bốn cổng chính. Ngay trung tâm thành là một đài tưởng niệm 81 ngày đêm năm 1972. Như vậy, thành cổ mà chúng tôi ghé thăm chỉ là bản phục chế.
Trời nóng như đổ lửa. Quảng Trị được thiên nhiên ưu ái, vào mùa hè hào phóng ban phát nắng. Mùa mưa thì nước. Nước mưa tràn trề, gây lũ lụt nhiều nơi. Chúng tôi bị cái nắng quấn vào chân, nên mau mau, một hàng ngang chụp ảnh, một hàng dọc dạo quanh, một giây cho phó nhòm chọn góc cạnh, ánh sáng cho "người mẫu" có được tấm hình tuyệt hảo, một tích tắc cho nụ cười lóe lên, rồi mặt lại nhăn như cũ. Nắng Quảng Trị ơi! Sao không thương tình những người lặn lội từ mãi phương Nam ghé thăm một bận dzậy? Nắng chi mà dữ rứa? Đoàn chúng tôi, vì nắng nên đành chịu thua, chỉ đứng ngoài khuôn viên, nhìn vào khu trung tâm, chụp vài "pô" ảnh, rồi lưu luyến rời khu Cổ Thành Quảng Trị. Hẹn một ngày tái ngộ chăng? Hẳn nhiên là như vậy. Miền hỏa tuyến. Vùng đất tâm linh của một thời chinh chiến. Miền đất của những người hiếu khách, chân tình, nồng hậu trong tiếp đãi. Tất cả tạo thành một ước định cho chuyến trở lại của những người đã một lần ghé thăm.
Sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương. Những địa danh, dù muốn dù không vẫn đi vào trong trí nhớ. Vẫn thôi thúc con dân Việt ghé thăm một lần và chúng tôi không phải là ngoại lệ. Hồn sông núi. Vết cắt ứa máu. Nỗi buồn thế kỷ. Niềm đau một thời. Tất cả, dường như ùa vào trong tôi, trong một trưa nắng gắt gao. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Như những vết chân trên cát, rồi sẽ mờ dần theo năm tháng. Nhưng, các câu chuyện lịch sử, là những vết chân được tạc trên đá. Bao giờ thì đá mòn? Tôi hỏi tôi và mờ mịt câu trả lời.
Arizona. mùa nắng gắt
5 tháng 8 năm 2023
Trịnh Đình Nam
Từ trái qua: A Liêm và phu nhân, Hương Hồ, Thái Lan, A Danh, A Nam, A Quân
Tác giả
|