Kẻ đánh mất linh hồn
17/8/2020

Truyện ngắn: 
 Kẻ đánh mất
                linh hồn 

               Nguyễn thị Mây
Dẫn nhập:
    Hôm nay, NTM chia sẻ với các bạn một niềm vui nho nhỏ. Năm 1999, Mây có gửi bài dự thi giải sáng tác VH thể loại truyện và ký do Tạp chí Thất Sơn và Báo An Giang tổ chức.
Kết quả, NTM... rớt. Hihi...nhưng khi in sách, truyện ngắn KẺ ĐÁNH MẤT LINH HỒN của NTM được chọn. Mây tự an ủi rằng mình và 7 Tác giả khác tuy không đạt giải nhưng cũng được Ban giám khảo có ...cảm tình chứ bộ. Mình cũng lọt vào tóp 15. Hihi...Chính vì thế, NTM cũng có “cảm tình” với BGK, với Tạp chí Thất Sơn và báo An Giang.
   Còn bây giờ thì NTM cũng có cảm tình với các bạn đã dành thời gia đọc và like bài viết này .hihi...Cám ơn các bạn thân thương!
 
TRUYỆN NGẮN
KẺ ĐÁNH MẤT LINH HỒN
Nguyễn Thị Mây
----@?----
   - Đây là anh ruột của các con. Ngày xưa, mẹ lầm lỡ ...
   Tôi bàng hoàng, chết lặng. Trước mắt chúng tôi là một gã Mỹ lai da đen. Cặp mắt trắng dã, lồ lộ, trâng tráo. Cái mũi to bè, cao nghệu. Cặp môi dầy, vêu ra. Mỗi khi hắn nhếch mép, vẻ đểu cáng trùm lên khuôn mặt. Hắn đứng sát bên mẹ. Một tay đút vào túi quần, tay kia điệu nghệ kẹp điếu thuốc lá. Hắn kênh kiệu ném tầm mắt quan sát ngôi nhà, đồ đạc và chúng tôi. Hắn thản nhiên đánh giá:
- Mẹ giàu quá chứ!
Mẹ mỉm cười hãnh diện. Ba cười đồng tình. Cơn uất nghẹn dâng lên tận cổ, tôi gào thét:
- Không! Không thể như thế được!
Bỏ chạy về phòng, tôi đóng sầm cửa, lăn ra giường, nức nở. Một điều gì vừa sụp đổ trong lòng tôi? Hụt hẩng. Mất mát.
   Tôi không muốn tin. Tôi mong mỏi đây chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ tồi tệ, đầy hình ảnh gớm ghiếc đan xen vào nhau. Trong đó, mẹ bị chà đạp. Một người vợ hiền bị oan ức về sự trinh bạch của mình. Trong mơ, mẹ bị xếp ngang hàng với bọn gái lang tâm, trắc nết. Mẹ bán rẻ nhân phẩm, chuộng thú vui xác thịt, chẳng biết đâu là bạn, đâu là thù, không phân biệt tốt xấu. Trong mơ, mẹ chỉ là một “giống cái” mang dáng người xinh đẹp. Trong mơ, ...
   Tôi giật mình thức giấc. Đầu nặng trĩu, nhức như búa bổ. Bóng tối dầy đặc, không còn trông thấy mọi vật trong phòng. Tôi mừng rỡ khi biết mình vừa chợp mắt. Chắc là tôi đã nằm mơ. Ôi một giấc mơ kinh hoàng.
- Ha ha ... Nè, cạn ly. Ha ha ... Ly nầy mừng vợ tôi gặp lại đứa con bấy lâu xa cách.
Tôi òa khóc. Tôi không mơ. Sự thật hiển nhiên rồi. Dù ánh mặt trời đã khuất, bóng đêm lan tỏa, sự thật vẫn được phô bày trắng trợn, cay nghiệt.
   Ngoài kia, ở phòng khách, họ đang mở tiệc mừng. Rượu tràn ly. Những tiếng cười đặc sánh, đùng đục. Ba tôi đang mừng? Ông mừng vì người đàn bà trước khi lấy ông đã ngủ với một thằng Mỹ đen??? Ông mừng cho “sự đoàn tụ mẹ con” giữa lúc hạnh phúc gia đình mình tràn trề? Hay là ba tôi vừa làm lễ cáo chung đạo đức, tôn vinh quá khứ u tối, giảo quyệt? Ông đang tự đày đọa mình bằng men rượu.
   Bật dậy, tôi xô cửa chạy ào ra. Tiếng cười ngừng bặt. Những ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Chẳng thèm để ý xem ai ngồi trong bàn tiệc. Tôi đảo mắt tìm hắn. Kia rồi. Hắn đứng cạnh mẹ, một bàn tay cầm ly rượu nâng ngang mũi, một tay cầm bàn tay mẹ. Miệng há rộng:
- Ô! Cô em gái thân yêu! Lại đây, Thu Liễu.
Quắc mắt, chỉ tay ra cửa, tôi thét to:
- Im! Cút khỏi đây ngay.
Hắn sa sầm nét mặt, đặt mạnh ly bia xuống bàn, bọt sùi ra trắng xóa. Mẹ kinh hoảng, kéo tay hắn:
- Thới! Đừng giận em nghe con, nó còn nhỏ dại.
Ba chạy đến, choàng tay qua vai tôi:
- Thu Liễu, con làm sao vậy? Ai lại đuổi anh ruột của mình.
- Không! Con chỉ có một đứa em mà thôi! Con chỉ biết có thằng Đông. Còn gã da đen kia, đừng hòng là người của nhà này.
Từ một chỗ ngồi trên bàn tiệc, Đông bước ra, mặt đỏ nhừ, mắt tê dại, giọng lè nhè của người say:
- Chị ơi! Có gì đâu mà ầm ĩ vậy? Có thêm một người trong nhà càng đông vui. Chết ai đâu? Da ảnh đen thì đã sao? Cũng máu đỏ chứ bộ ... Sao chị khinh người quá vậy?
“Bốp!” Tôi tát mạnh vào má Đông - Thằng em hiền hậu của tôi bấy lâu. Nó đang tập tành sa đọa, bắt đầu từ ngày đoàn tụ này. Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế đặt cạnh chậu cúc, ôm mặt khóc. Những người khách nhao nhao:
- Hung dữ quá! Cậu Đông nói đúng đó. Da đen cũng là người, cũng là anh em ruột thịt với nhau cả.
Một người khách trẻ chế giễu:
- Hay Thu Liễu đòi một người anh lai Mỹ da trắng?
Đứng bật dậy, tôi quát:
- Im ngay! Đúng là da đen hay trắng gì cũng là con người, đều đáng trọng như nhau. Nhưng khi họ là người lạ kìa. Hoặc khi họ bước vô nhà này trong một hoàn cảnh khác.
- Cho mày ăn học để bây giờ khinh người như vậy hả, con khốn?
- Chính mẹ, mẹ đã biến con thành một người như thế!
“Bốp ! Bốp !” Tôi ôm lấy mặt lảo đảo. Mẹ đánh tôi. Bà đứng đó, mặt tái nhợt. Có lẽ mẹ đã dùng hết sức để đánh nên tay bị đau. Bà cứ xoa hai lòng bàn tay vào nhau. Còn tôi, cảm giác bỏng rát, sưng phù đến ngay tức khắc. Đau đớn lẫn buồn tủi, tôi bỏ chạy ra ngoài trời đêm. Mặc tiếng gọi giật giọng phía sau.
   Dù tôi cực lực phản đối, Thới vẫn được ba mẹ rước về nhà. Hắn ung dung chiếm một căn phòng lớn, tiện nghi nhất để làm chỗ ngủ. Hắn đi lại, nghênh ngó như chủ gia đình. Hắn được tự do tiếp đãi bạn bè trong phòng khách, nơi mà trước đây, chúng tôi còn chưa dám mời bạn về vui đùa. Hắn tha hồ đãi đằng, nhậu nhẹt rồi bày trò nhảy nhót suốt đêm. Thậm chí, Thới còn cả gan đưa bạn gái vào phòng riêng. Ba mẹ không giận mà còn bào chữa giúp hắn:
- Nó lai Mỹ, đương nhiên nó sống theo kiểu Mỹ.
   Một lần, trong cơn say rượu, thấy tôi vừa bước vào nhà, Thới chạy ra, ôm chầm lấy tôi, hôn vào má, giữa tiếng cười rộ của lũ bạn hắn. Trong lúc tôi chới với, chưa biết xử lý thế nào thì hắn đến ngồi cạnh mẹ, hôn đánh “chụt” vào má bà rồi cất giọng trơ trẻn:
- Ôi, em gái và mẹ đều xinh đẹp!
Tôi đỏ mặt vì giận. Mẹ lại cười híp mắt vì thích thú. Hai gò má ửng hồng, e thẹn:
- Thu Liễu là bản sao của mẹ thời con gái đấy.
   Bỏ vào phòng, khóa chặt cửa, tôi bật khóc. Không. Tôi không muốn là bản sao của mẹ. Có một bức tường kiên cố bỗng nhiên hiện ra ngăn cách hai mẹ con tôi. Gần đây, tôi và mẹ thường lánh mặt nhau. Bây giờ, không còn những ngày chủ nhật đầm ấm. Tôi không còn hí hửng xách giỏ, cặp tay mẹ đi chợ, cùng mẹ chọn rau quả, thịt cá rồi cùng nấu nướng, bày biện bàn ăn lịch sự. Tôi trốn khỏi ngôi nhà bằng cách lang thang đâu đó hoặc vào thư viện ngồi lì đến hết giờ mở cửa.
   Theo lời giải thích của ba thì Thới không phải là con của mẹ tôi. Hắn ta chỉ được mẹ dùng như một con cờ để xuất cảnh. Mẹ tôi muốn ra nước ngoài lập nghiệp. Bà chưa hài lòng với địa vị hiện thời. Vợ của một giám đốc xí nghiệp chế biến thực phẩm. Giàu thì cũng chưa thật giàu. Sang cũng chưa hẳn là sang. Những điều chưa đủ ấy, theo mẹ có dư thừa ở nước ngoài. Mẹ muốn đến đó. New York là thiên đường trần thế. Tôi van xin ba nghĩ lại, ngăn cản mẹ.
Ở đây mẹ có thiếu gì đâu? Biệt thự, xe hơi, vườn hoa và một gia đình hạnh phúc. Tại sao phải đánh đổi giá trị đạo đức để đạt được những điều hoang tưởng. Có nơi nào không làm mà có ăn? Chẳng lẽ ở Nữu Ước, mẹ có thể ngồi không mà hái ra bạc? Mà dẫu mẹ làm được điều đó thì để được gì? Phải xa quê hương, nơi mẹ sinh ra, lớn lên và có cuộc sống vật chất, tinh thần thoải mái, hạnh phúc. Mẹ tìm gì ở bên kia bờ đại dương? Một hạnh phúc khác thường ư? Mẹ không cần biết đến tâm tư của chúng tôi, những đứa con ruột do mẹ đẻ ra . Tôi và thằng Đông đều không muốn rời xa Việt Nam. Chúng tôi có mơ ước và hy vọng tương lai xán lạn. Nhưng không phải ở một nơi nào khác đất nước này.
   Từ thuở bé, tôi đã gắn bó với cây đa, giếng nước, mái đình ở quê ngoại. Và tôi yêu dòng sông hiền hòa lặng thầm dâng hiến phù sa, bồi đắp ruộng vườn quê nội thân thương. Những độ cuối xuân, vườn sầu riêng của nội ngợp hương hoa đầu vụ. Trời sang thu, nắng vàng ươm mật ngọt, trái chín rộ, thơm lừng. Làng quê hẻo lánh như chợt thức, say ngây men trời đất. Tôi và Đông say ... trái. Chúng tôi thi nhau ăn sầu riêng. Để rồi, ngủ một đêm, sáng dậy mở mắt không được vì ghèn đóng, bịt kín hai bờ mắt. Bà nội lại phải đi tìm rau má ruộng, giả nhỏ, pha đường phèn cho hai đứa uống để giải nhiệt sầu riêng.
   Mẹ không quí bà nội nên mỗi lần bà gởi sầu riêng lên cho chúng tôi, mẹ hay bình phẩm:
- Loại trái gì mà xấu quá trời! Vỏ gai gốc, xù xì như da cóc.
Thằng Đông cãi:
- Da cóc mà bọc trứng tiên.
Mở ra thơm nức cả nhà muốn ăn.
Chẳng hiểu sao, nó lại hứng khẩu xì ra mấy câu:
“Da tiên, trứng cóc mới ghê!
Mổ ra tanh tưởi, mật thì ... độc chiêu”
Ba phì cười, mẹ sa sầm nét mặt. Tôi cũng xen vào mấy lời:
- Con thấy sầu riêng là loại trái quí hiếm của quê ta. Sao mẹ lại ghét dữ vậy? Cũng nhờ vườn sầu riêng mà nội có tiền cho ba gỡ rối mỗi khi xí nghiệp lỗ lã.
Mẹ bĩu môi:
- Được bấy lăm hơi!
Tôi cãi:
- Mẹ nói kỳ cục vậy? Tiền nội cho mình, dù ít hoặc nhiều cũng quí. Mẹ không nhớ ơn nội thì thôi, sao mẹ cứ ...
- Câm ngay. Con khốn. Cho mày ăn học để dạy đời tao đó hả?
Bao giờ cũng vậy, ba nhỏ nhẹ kết thúc cuộc tranh cãi bằng câu:
- Thu Liễu, con không được hỗn với mẹ.
   Ba đã phải trả một giá đắt cho sự nhu nhược cố hữu. Ông có khả năng kinh doanh, có tài quản lý nhân viên nhưng lại luôn thất bại trong cách cư xử với vợ. Ba yêu mẹ một cách mù quáng nên chịu thiệt thòi nhiều mặt. Mẹ nắm được yếu điểm này. Bà thản nhiên lấn lướt ba và cuối cùng mẹ cắm một chiếc sừng lên trán ba. Mẹ tôi đã “thật sự” phản bội chồng. Bà tom góp tiền bạc, vòng vàng để trốn đi với người tình. Chính là hắn: “Thới”. Gã da đen, đứa con mà mẹ tự xưng đã một thời lầm lỡ sinh ra. Hắn đã chuyển từ danh nghĩa đứa con thất lạc sang một địa vị mới “Người tình lý tưởng”.
   Chuyện cũng chưa vỡ lỡ nếu ba làm ăn suông sẽ. Do bị một đại lý ở tỉnh cuỗm hết tiền hàng rồi bỏ trốn. Ba bảo mẹ vào ngân hàng rút tiền để bù vào. Ổn định lại cơ cấu tổ chức xí nghiệp trong cơn nguy ngập. Mẹ vâng lời, đi ngay. Nhưng đến tối mịt vẫn chưa thấy về. Ba chạy ra ngân hàng, được nhân viên trực cho biết số tiền ba gởi lại do mẹ đứng tên, đăng ký chữ ký đã được rút sạch từ tháng trước. Ba kinh hoảng chạy về nhà. Ông gục xuống như một thân cây mục khi thằng Đông thảng thốt kêu lên từ trong phòng mẹ:
- Ba ơi! Quần áo mẹ đâu mất cả rồi?
   Sinh nghi, tôi chạy qua phòng bên, chỗ của tên Mỹ đen. Tôi bàng hoàng muốn xỉu khi biết trong phòng chẳng còn thứ gì, ngoài chiếc giường hộp và mấy cái tủ trống rỗng.
Thoạt đầu, chúng tôi tưởng hắn có hiếu, thương quí mẹ nên đi theo phụng dưỡng. Chừng trông thấy chiếc áo lót và cái quần xì của mẹ bị ném ở một góc khuất trong phòng hắn, ba gào lên:
- Đồ ... đĩ!
   Ba ngất xỉu. Tôi và Đông kinh hoảng, vội đưa ba vào bệnh viện. Khi tỉnh lại, ba đã bị liệt nửa người. Một mạch máu não bị đứt. Sự sống tách khỏi người ba một nửa. Ông nằm liệt giường, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn đến tội nghiệp.
   Xí nghiệp vỡ nợ. Nhà cửa bị tịch biên. Chúng tôi đi ra với mấy túi xách quần áo cũ và trái tim đầy dẫy những vết thương mới. Ba cha con dắt díu nhau về quê nội. Nhằm mùa cây thay lá, vườn sầu riêng tiu đìu, trơ trụi. Những cành khô khẳng khiu như lũ tử tội đứng giăng tay chờ lãnh án. Thằng Đông khóc òa khi thấy bóng nội lưng còng ra đón trước hiên. Tóc nội bạc phơ. Gió lay bồng bềnh sắc trắng. Nội chậm nước mắt, mắng yêu:
- Tổ cha bây. Nhờ có vậy mới chịu về quê sống với bà.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm bốc khói, thơm lựng. Thế mà chẳng ai vội cầm đũa. Bà nói với ba tôi:
- Thôi, con đừng buồn. Đây cũng là cái may của mẹ. Cuối đời, mẹ lại được sống hạnh phúc với con cháu dưới một mái nhà. Bấy giờ có chết, mẹ cũng mãn nguyện rồi.
Những giọt nước mắt tuôn đầm đìa trên khuôn mặt tưởng vô cảm của ba. Thằng Đông chạy ra sau nhà. Còn tôi ôm lấy bà, gọi khẽ: “Bà ơi!”
   Những đóa hoa tím ngát mở rộ, lung linh trong nắng xuân muộn màng. Vườn sầu riêng sực nức hương hoa quen thuộc. Nỗi nôn nao, rạo rực, khát sống chổi dậy trong ngôi nhà lặng lẽ bấy lâu. Tiếng cười vỡ ra, tíu tít như chim hót buổi sớm mai. Tiếng nói lảnh lót rộn ràng như tiếng chuông ngân từ trên vòm cao nhà thờ đổ đồn xuống làng quê yên tĩnh mỗi sáng mờ sương. Cả nhà như thấy lại mùa xuân, dù đầu ngõ đã thấp thoáng vài nụ hoa phượng đầu mùa thắp lửa nhàn nhạt.
   Hết giờ làm việc ở trạm Y tế xã, Đông vội vả trở về nhà. Nó ra vườn sầu riêng, đảo một vòng quanh đó hoặc tưới nước, bắt sâu. Đông nâng niu những cánh hoa rơi như người ta hứng lấy quả trứng mỏng manh, dễ vỡ. Cậu ta ép đầy quyển vỡ cũ, thỉnh thoảng mang ra, hít một cái. Đông còn nũng nịu với bà:
- Nội ơi! Mùa này mình trúng lớn rồi. Có công của con nữa nha. Thu hoạch xong, nội cưới vợ cho con nghen nội.
Bà móm mém cười, vò mái tóc rể tre của Đông:
- Ừ. Tụi bây phải để liền một đứa cháu cố để cho bà bồng
   Còn tôi, tôi thường dìu ba ra chiếc ghế tựa trước hiên rồi bày tập vở của học sinh lên chiếc bàn con gần đó để chấm bài. Ba ngắm mặt trời lướt qua vòm cây, đi dần xuống chân trời. Thỉnh thoảng, ông cầm lấy một quyển vở, xem xét hoặc đọc thầm những dòng chữ trong đó. Ông đùa:
- Cô giáo vùng sâu giỏi thiệt. Dạy chưa tròn năm mà học sinh tiến bộ thấy rõ.
Tôi mắc cỡ, nũng nịu:
- Ứ ừ ..., ba chọc con hoài.
Ba bật cười:
- Lớn tồng ngồng rồi mà còn nhỏng nhẻo. Mai mốt, ba méc học trò con cho xem.
Giữa lúc hạnh phúc thấp thoáng đâu đây thì được tin của mẹ.
Mẹ đã chết! Bên trời Tây.
   Sau khi được xuất cảnh, ra nước ngoài, mẹ và Thới sống với nhau. Được vài tháng, hắn có tình nhân mới. Một cô Mỹ chính hiệu. Họ ngang nhiên ăn ngủ trong nhà, trước mắt mẹ tôi. Thới bảo:
- Tôi là Mỹ, tôi sống theo kiểu Mỹ.
Mẹ phản đối. Hắn ném vào mặt mẹ những câu phô bày sự thật trắng trợn:
- Bà có quyền gì với tôi? Mụ già kia. Bà bỏ tiền ra mua tôi về làm con để được lọt vào “Diện xuất cảnh”. Bây giờ, toại nguyện rồi, còn đòi hỏi gì nữa?
- Sao mầy bảo mầy ... yêu tao?
- Đó là những lời nói dối. Tao chỉ yêu tiền của chồng mầy. Mầy chỉ là một con cờ. Một con cờ, không hơn, không kém. Cút khỏi đây ngay! Mụ già trắc nết.
   Mẹ phải ra đi. Bà không nơi nương tựa. Không có việc làm. Nhiều người Việt Nam sống bên đó đã trông thấy mẹ tôi lê lết ăn xin ở những quán phở, ở cửa khách sạn. Bà không ngần ngại, không xấu hổ húp cạn chút nước súp thừa còn đọng lại ở đáy tô khi khách vừa đứng lên, rời bàn.
   Và, mẹ tôi đã đánh vật với một con chó để giành lấy một mẫu bánh mì của một đứa bé no hơi, ném qua cửa sổ. Mẹ ăn hết mẫu bánh mì ấy. Con chó nổi điên, cắn vào gò má của mẹ. Mấy ngày sau, người ta phát hiện xác chết của mẹ dưới gầm cầu. Trong người bà không có gì ngoài một quyển nhật ký nhỏ bằng lòng bàn tay. Người ta gửi nó về đây cho chúng tôi.
   Biết chuyện, chỉ có mình nội khóc mùi mẫn. Bà đặt thêm một chiếc bình hương lên bàn thờ giòng họ, ở gian nhà chính. Nội ân cần đốt một nén nhang, thì thầm:
- Con ơi! Con sống khôn, thác thiêng con hãy về đây với mẹ, với quê hương.
   Đông bỏ việc một ngày. Nó lén ra sau vườn sầu riêng, đắp một nắm mộ con con rồi cắm chiếc mộ bia có hàng chữ:
           “Nơi an nghỉ của một người đánh mất linh hồn!”
Buổi chiều, khi tôi đưa ba ra trước hiên hóng gió, ba hỏi:
- Con ơi! Mặt trời sắp rụng xuống đọt sầu riêng, phải không?
Tôi mím môi, rắn giọng:
- Không. Ngày cũ đã tàn. Ngày mới đang đến. Mặt trời sẽ lên. Sẽ lên. Ở phương đông. Trời bình minh rực rỡ lắm, ba ơi!
Nguyển thị Mây


Không có mô tả ảnh.


Không có mô tả ảnh.


Hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười

(ảnh tác giả)

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196253 visitors (362609 hits) on this page!