Người và sông
23/7/2020

 

                          - BÙI TRUNG -                


NGƯỜI VÀ SÔNG.

   Ở chợ Mỹ Luông hầu như ai cũng biết Bác Tư Tổng (Phan văn Tổng), nhà Bác Tư cuối bến sông chợ, ngay bến nhà có cái bè chuyên thu mua cá từ Hồng Ngự, Ba Răng chở xuống bằng Ghe Đục và phân phối lại cho những người mua bán lẽ trong vùng.
Bác Tư là bạn thân với nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ thủa còn ở truồng tắm sông nên nếu ai xem chuyện "Dòng sông thơ ấu" để ý sẽ biết người bạn đầu tiên nhà văn đi thăm sau 75 đó là thăm Bác Tư Tổng.
   Bác hay kể cho con cháu nghe về thời thanh niên cơ cực của mình.
Bác nói:
- Lúc thanh niên nhà Bác nghèo lắm, không nghề nghiệp gì, không có ruộng đất chẳng biết làm gì để có tiền nuôi vợ nuôi con. Thời đó chiến tranh loạn lạc phe này phe kia thanh toán nhau hàng ngày nên dễ chết lắm. Thằng Sáng (Nhà văn NQS) rủ Bác theo nó vô bên trong nhưng Bác mới có vợ sao mà đi đâu được? Bác gom tiền mua chiếc xe đạp sáng sớm lãnh một cần xé bánh mì chạy lên Doi Lửa qua đò chạy dài lên Ba Răng Hồng Ngự bán hết bánh mì rồi mới chạy về.
   Ở Ba Răng cá đồng từ khu 2, khu 4 chở ra nhiều nên khi hết Bánh mì Bác mua mớ cá ngon đem về cho Bác gái bán lại cho người ta kiếm lời. Mà chiếc xe đạp thì có chở được bao nhiêu đâu nên Bác suy nghĩ :
- Mình sẽ đóng cái bè ở Mỹ Luông làm vựa cá.
   Thế là, gom hết vốn liếng, vay mượn bên vợ bên chồng, Bác đóng được cái bè dưới bến sông sát chợ Mỹ Luông nằm cặp theo ven con sông Tiền. Mua chiếc ghe Đục tự chèo ghe lên Ba Răng mua cá xong chèo về đổ vô bè để dành bán lại. Không ngờ cái nghề làm đại vậy mà thành công phát triển tới đời con, đời cháu sau này.
    Nghe Bác Tư nói tôi thật sự bất ngờ ngờ vì Bác Tư nhìn dáng vẻ chỉ là một lão nông (tuy không hề làm ruộng) nhưng hàng ngày vẫn xuề xoà với bộ pyjama xềnh xoàng quanh năm suốt tháng, nhưng Bác là một "Đại gia" thứ thiệt ở vùng Cù lao Ông Chưởng này. Tôi hỏi Bác:
- Ghe Đục là ghe gì vậy Bác?
- Ghe Đục là loại ghe dưới lườn đặt lưới cho nước thông thương ra bên ngoài để con cá bên trong ghe vẫn thở được bình thường. Ghe đục vì vậy mà phần lườn chìm ngập dưới nước nên nặng chèo, thời không có máy muốn đi mau mình phải căng buồm. Hôm nào rảnh rỗi cháu qua ở bên đây với Bác vài ngày ghi giùm Bác những câu chuyện mà đời Bác đã trải qua. Có những chuyện như cổ tích nói ra chưa chắc đã ai tin.
Bác kể :
- Làm chủ vựa cá mỗi lần bạn hàng chở cá xuống thì Bác Tư phải đãi nhậu, mà nhậu thì phải nhiệt tình tưng bừng họ mới vui mà chở cá xuống bán cho mình. Có khi tới mùa cá, sáng trưa chiều tối lúc nào cũng phải tiếp đãi ì xèo như vậy.

   Tôi hứa với Bác Tư sẽ giúp Bác viết Hồi ký nhưng rồi lại quên, vì Bác hay đi Sài gòn thăm cháu Cóc, hay đi Phú Tân, Ba Răng... thăm những người bạn thân xưa. Hay đôi lúc Bác qua Long xuyên thăm chỗ Bác Tư gái nằm...
Bè cá bây giờ giao hết cho con quản lý rồi Bác Tư đâu vướng bận gì. Năm rồi hay tin Bác đã đi xa... vì bệnh của người già. Vậy là tôi chưa được nghe chuyện kể của Bác rồi.

   Hôm qua ghé Lai Vung Đồng Tháp, thăm anh Phan vũ Hòa người con trai thứ Hai của Bác Tư. Anh Hòa là "sếp" tôi, thời anh còn làm sếp ở xí nghiệp Hòa Bình, đang uống ly cà phê anh chợt nói :
- Tôi có xem bài viết Cao thủ Cá Bè của ông viết về chuyện tôi nuôi cá. Hay lắm... không ngờ chuyện từ thời bao cấp mà đến nay ông còn nhớ rỏ như vậy. Ông già tôi hay nhắc ông, tính nhờ ông viết Hồi ký cho ổng mà ông cứ lông bông rày đây mai đó hoài nên đâu có dễ gặp. Sẵn chuyện cá bè tôi kể ông nghe một chuyện có thật. Đó cũng là nguyên nhân tôi chọn nghề nuôi cá cho đến bây giờ .
Nhấm một ngụm cà phê anh nói tiếp :
- Năm 1964, lúc đó tôi 12 tuổi. Ông già bắt đi theo ghe lên Ba Răng tập tành mua cá. Từ Mỹ Luông chèo bằng tay lên Doi Lửa rồi giương buồm băng qua con sông Tiền... qua được con sông ngay chỗ đó phải nói là rất đáng sợ vì nó rất rộng và sóng rất mạnh. Lần đầu đi theo nên lo lắm. Ông già ổng bỗng nói:
- Con muốn xem đua ghe không?
- Đua với ai vậy Ba?
- Bạn của Ba.
- Ai đâu? Con đâu thấy ai đâu?
- Mấy ổng dưới nước kìa, để ba kêu.
Nói xong ông già đứng trước mũi ghe nói lớn :
- Tư Tổng đây ông Nược ơi... Có thằng Lai con trai Tư Tổng nè. Mấy ông đua cho nó coi nghen.(Anh Hòa có tên ở nhà là Lai) 
Tưởng Ông già nói chơi, ai dè một tiếng rít lạ lẩm, một cái đầu tròn vo nổi lên mặt nước. Ông già nói:
- Chào ông đi con. Rủ Ổng đua chơi cho vui... 
Tôi thích quá buộc miệng Chào :
- Chào ông Nược, đua ông ơi...
   Một tiếng rít vang lên như tiếng cười của đứa con nít, một vòi nước bắn lên mình trúng tôi ướt mem như thay lời đồng ý. Nhưng bất ngờ là từ mặt nước nổi lên thêm 5 Ông nữa... tiếng rít the thé vang lên dồn dập sau một cái hụp thì trừng lên mỗi bên đúng 3 ông. Ông già hét lên :
- Bắt đầu đua Nược ơi ...
6 Ông chia đều 2 bên rẽ sóng theo chiếc ghe đục. Vừa lội mấy ông vừa đập đuôi đùng đùng, thoắt một cái là đã chồm lên phía trước. Nói là đua cho vui nhưng thiệt tình không cách nào thắng được mấy Ông hết .
Qua bên kia sông bờ Tam Nông (Huyện Thanh Bình ngày xưa là Tam Nông) mấy Ông lại rít lên như tiếng con nít cười, xịt nước lên trời đúng 3 lần rồi lặn mất...
   Ngày mai trở về lại tiếp tục rủ mấy ổng đua cho vui và tặng phẩm dành cho bên thắng là mấy con cá mua để dành riêng cho mấy ổng. Hỏi Ông già:
- Mấy Ông Nược khoái đua lắm hả ba?
Ông già cười ngất :
- Đua cái con khỉ. Thật ra mình nói đua cho vui. Mấy ổng nghe mình gọi biết mình đang cần mấy ổng bảo vệ đưa qua đoạn sông dữ, khi tới nơi an toàn mấy ổng phun ba lần nước cho mình biết. Hôm sau trở lại mình biết điều mua mớ cá trả ơn cho mấy ổng vậy mà. Mấy ổng khoái con nít lắm và nhớ dai lắm , mai mốt tới đây còn chỉ cần la lên con là thằng Lai con Tư Tổng là mấy ổng nổi lên đua liền. Nhưng lúc về nhớ mua mớ cá tươi đền ơn cho mấy ổng. Lúc giỡn với mấy ổng tuyệt đối không nhắc tới 2 chữ Chà và nghen, mấy ông Nược sợ 2 tiếng Chà và vì sợ bị bắt ăn thịt. Con mà nói Chà và là mấy ổng lặn mất luôn đó. 
Anh Hòa trầm ngâm một chút rồi nói tiếp :
- Năm 1965, năm đó tôi 13 tuổi rồi một hôm bên Cồn Én lúc dở chà trên Sông cái người ta phát hiện trong đống chà có 2 Ông Nược dính lưới. Thời đó dân Chà Châu Giang rất thích ăn thịt cá Nược nên người ta không bắt 2 ông lên vội mà đánh tiếng lên chờ bạn hàng Chà Châu giang đến mua. Nghe tin, tuy mới 13 tuổi nhưng tôi đã ba chân bốn cẳng chạy về báo tin. Vừa nghe nói ông già gỡ chiếc nhẫn 2 chỉ đang đeo trên tay ông nói nhanh:
- Con cầm 2 chỉ này đi đò máy qua bên đó liền. Gặp mấy ông dở chà nói tui là con của Tư Tổng Mỹ luông. Ba tôi nhờ mấy chú thả 2 ông Nược ra sông cái, ba tôi đền ơn mấy chú 2 chỉ vàng.
Nghe tôi nói vậy mấy ông dỡ lưới trong đống chà thả 2 ông ra sông Cái. Ra tới sông lớn một tiếng rít vang lên và nước được xịt lên trời đúng 3 lần như một lời chào.
Tôi chỉ kịp la lên:
- Tui là thằng Lai con Tư Tổng nè mấy ông ơi.
Lần đó nhiều người biết chuyện chê hai cha con Tư Tổng làm chuyện bao đồng bị ông già đến chửi té tát:
- Tụi mày biết gì mà nói tao làm chuyện bao đồng? Mạng Tư Tổng này còn sống đến ngày hôm nay là nhờ mấy ổng đó. Nay cứu mạng cho mấy ổng chỉ có 2 chỉ vàng nhiều nhỏ gì? Nếu 2 cây vàng tao cũng phải lo cho bằng được, đó là đạo lý có oán phải trả có ơn phải đền tụi bây hiểu chưa?

   Tôi nghe anh kể thật sự bất ngờ về tính ly kỳ của nó. Tiếc là tôi đã không đến gặp Bác Tư để viết hồi ký cho Bác, một lãng tử Thương hồ xuôi ngược trên dòng sông Tiền suốt một thời tuổi trẻ.
Anh Hòa kể tiếp:
- Từ đó tôi theo ông già suốt học nghề kinh doanh cá, và khi có điều kiện đã hợp tác làm bè nuôi cá Ba sa ở Long Xuyên . Mặc dù lúc đó đã có những công việc làm ăn khác khi thành lập cơ sở Hòa Bình, đó là thời gian tôi chiêu mộ ông về làm với tôi. Gần tới lúc bè trôi. Con người tôi bức rức lắm, tối không ngủ được... linh tính như sắp có biến cố gì? Tối đang ngủ bỗng nghe tiếng rít như tiếng kêu của bầy cá Nược ngày xưa vậy. Hình như họ muốn cảnh báo điều bất trắc sắp xảy ra? Bước ra nhìn trên mặt sông thì chẳng thấy gì? Kiểm tra các thứ vẫn an toàn.
Vậy mà... khi vừa đi Biên Hòa nhận gỗ thì đêm đó mưa giông nổi lên không thể ngờ... trôi mất 2 bè cá gần 100 tấn cá... (anh Hòa thời đó có xưởng cưa gỗ nên hay đi nhận gỗ trên Bửu Long )

   Tôi nghe anh kể mà lòng dâng lên một nỗi buồn. Dẫu sao anh đối với tôi ngoài tình chủ tớ còn thân tình hơn ruột thịt trong nhà, lúc 12 tuổi anh đã dám cầm 2 chỉ vàng giải cứu cho đôi cá mắc lưới chà. Anh cũng là kẻ lạ người dưng với tôi mà dám đưa cho tôi 3 chỉ vàng gọi là giúp chút đỉnh để mua xe honda cho tôi làm cán bộ, nhưng không hề nhắc là phải trả lại cho anh. Nhưng... cũng vì nuôi cá mà một ngày 2 chiếc bè trôi vì mọt đêm mưa giông . Công sức tích cóp cả đời của vợ chồng anh phải bỏ trôi sông vì dòng nước lũ.

Anh Hòa bỗng cười rồi nói:
- Tháng 7 âl tới là ngày giỗ ông già. Lần này mình tổ chức cúng kiến, hát hò dưới bè cá nhe. Hát trên sông cho mấy ông bạn ông già nghe. Ông nào còn thì nghe...
Tôi hỏi :
- Ông nào nghe vậy anh?
- Mấy Ông lão ngày xưa bạn của ông già đó. Mấy ổng nếu còn sống đâu đó trên sông chắc phải nhớ thằng Lai ngày xưa này từng đua ghe với mấy ổng chứ.

   Tôi tin lời anh nói và đang mong đến ngày giỗ Bác Tư để được cùng những người bạn Văn nghệ Mỹ Luông cất tiếng hát vang lên giữa "Dòng sông tuổi thơ" đầy kỷ niệm của Bác Tư Phan Văn Tổng.
   Biết đâu dưới dòng sông Tiền mênh mông kia đâu đó vẫn còn những người bạn ngày xưa của Bác Tư. Biết đâu họ vẫn chờ tiếng gọi của Bác, của cậu bé tên Lai gọi vang trên sóng nước : 
- Đua.. Ông Nược ơi...
   Có lẽ tiếng gọi đó vẫn còn vang mãi trên dòng sông thơ ấu của một kiếp người và chúng ta, tôi và bạn... sẽ tin mãi mãi là như vậy. /.

Bùi Trung.


 





https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196323 visitors (362960 hits) on this page!