Đi chùa gặp lễ Kathina
8/11/2022

Ký Sự

ĐI CHÙA GẶP LỄ KATHINA

        Hôm nay rằm tháng 10 cùng bà xã đi chùa gặp nhiều niềm vui.

   Đầu tiên là vừa chạy xe đến chùa Thummanimit, người Việt quen gọi là chùa Thơ Mít Vĩnh Trung, gặp ngay lúc bà con Phật tử người Khmer với trang phục dân tộc rực rỡ và sang trọng đang đổ về chùa làm lễ Dâng Y Kathina cho chư tăng.


  Lễ Dâng Y nầy của người Khmer cũng giống như cúng dường ngày Tự Tứ của Phật tử Việt, nghĩa là dâng cúng y phục, thực phẩm cho chư tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ.


  Có khác đi một chút về thời gian. Ba tháng an cư của Phật Giáo Việt Nam ảnh hưởng Phật Giáo Tàu nên diễn ra từ rằm tháng 4 âl đến rằm tháng 7 kêt thúc trong tháng Vu Lan, nên các chùa Việt tổ chức dâng y trong tháng 7 nhằm cho Phật tủ kết hợp cúng dường chư tăng với cầu siêu cho vong linh ông bà quá vãng, cầu an cho gia đình.


  Còn Phật Giáo Khmer giữ theo nguyên thuỷ, an cư trong 3 tháng mưa dầm, tránh đi lại giẫm chết côn trùng, vô tình sát sanh hại vật. Ba tháng mưa dầm ở vùng Ấn Độ thường rơi vào các tháng từ rằm tháng 6 âl trở đi. Vì vậy ngày ra hạ rơi vào tầm rằm tháng 9. Nhưng Kathina lại để một tháng sau mới làm, tức là nằm trong khoảng rằm tháng 10 âl vì lý do vầy:

•Trong Anapanasati Sutta (bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở), có nói một năm đó, Đức Thích Ca quyết định sẽ an cư 3 tháng ở thành Xá vệ.

  Sau khi nghe tin này thì các nhóm tỳ kheo ẩn cư tại các nơi khác rủ nhau tìm đến đây để được gặp Đấng Thế Tôn và nghe giảng pháp. Có một nhóm gồm ba mươi vị họp lại ra đi từ nhiều tháng trước hầu kịp đến nơi cùng ẩn cư với Phật. Thế nhưng trên đường họ đã gặp mưa bão triền miên, đường sá lầy lội, ngập lụt khắp nơi, khi đến nơi thì áo quần tả tơi và đã hết mùa kiết hạ.


Khi đó giới luật rất khắt khe: ngoài thức ăn khất thực và thuốc men, vào thời bấy giờ thuốc men cũng chỉ là nước đái bò ủ cho lên men, người tỳ kheo không được nhận bất cứ một thứ gì khác. Quần áo phải tự khâu lấy bằng vải rách nhặt được hoặc vải liệm vứt bỏ ở những nơi hỏa táng.

  Trông thấy ba mươi vị tỳ kheo đến trễ, tình cảnh thật thảm thương, quần áo tả tơi, rách nát, Đức Phật không sao cầm lòng được bèn nới lỏng giới luật cho phép người tỳ kheo được nhận vải mới và lưu lại thêm một tháng sau mùa kiết hạ để họ may mặc. Các tỳ kheo chia ra từng nhóm nhỏ giúp nhau may cắt, Trường lão A nan vẽ kiểu: áo phải để hở một bên vai, vải phải cắt ra từng miếng nhỏ và ráp lại, mục đích là tránh việc buôn bán hay đổi chác với người thế tục. Áo may xong ưu tiên dành cho tỳ kheo nào xuất thân từ các gia đình nghèo khó, hoặc lớn tuổi không còn may vá được nữa, hoặc các tỳ kheo uyên bác và xứng đáng nhất trong nhóm.

  Lễ Dâng Y được hình thành từ đó.

  Hiện nay thì các chùa Khmer cũng tổ chức lễ Kathina rải ra quanh rằm tháng 10, không nhất thiết phải ngay ngày 15. Thế cũng tiện cho bà con. Vì nhiều khi ngay trong một phum, một sóc đã 5 - 3 ngôi chùa. Cùng làm một ngày cũng khó cho bà con.

Giã từ bà con Khmer, tôi chạy xe ra hướng Nhà Bàng, mục đích viếng các chùa quen.

  Tới gần cầu Bưng Tiền, từ xa tôi thoáng thấy một du tăng độc hành. Ông đang sử dụng Lăng Ba Vi Bộ của Đoàn Dự phi thân về núi Cấm. Chiếc áo cà sa ông mặc chắc chắn là một báu y được may theo ý Phật tổ. Nó được ghép lại từ trăm mảnh vải màu khác nhau. Nhìn qua là tôi biết ngay, không có một nhà sư nào ở Việt Nam hiện nay có được tấm y nầy. Sợ các bạn không tin nên tôi quay xe lại một đoạn xa trước mặt sư để chụp hình. Ý sư không muốn nên đình bộ và quay ngang.

  Tôi hiền lộ thần thông dùng truyền âm nhập mật nói với sư rằng, không sao đâu, tôi ngưỡng mộ chiếc áo của sư thôi.

  Sư nghe được và thu thần lại đi những bước thiền hành niêm hoa thượng địa của các vị đầu đà.

  Bà xã tôi có ý cúng dường sư chút đỉnh tịnh tài, nhưng sư khoát tay không nhận. Đúng là tư cách của một chân tăng.



  Các bạn đừng hỏi tôi sư tên gì và tu chùa nào? Cái nầy là mật hạnh, hỏi sư không trả lời đâu.

  Phải hữu duyên lắm mới gặp được sư. Thấy vậy là vui rồi.

   Sau đó, chúng tôi ghé các chùa Long Sơn, Sơn Công, Sân Công, Đông Lai. Chùa Sân Công vừa trùng tu lại được chùa Vạn Đức bổ về hai sư trụ trì mới. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều Phật tử hơn.

   Ghé chùa Lầu gặp lại Ni trưởng Diệu Nghiêm. Năm nay thấy Ni tươi nhuận hơn nhiều. Tận tay Ni đứng múc sâm xanh hột é cho Phật tử viếng chùa.

   Có mấy hình ảnh ghi làm kỷ niệm.

         8/11/2022

     Đào Dũng Tiến




 ( Anh, Chị Đào Văn Dũng Tiến)

 


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 226719 visitors (430425 hits) on this page!