Những điều bất ngờ
10/8/2022

Phóng Sự - Ký Sự

NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ Ở CHÙA TƯKPHOK TRI TÔN AN GIANG

Chùa Tưkphok nằm bên đường 948 thuộc xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang, trên chân núi Nam Qui. Sở dĩ có tên như vậy vì trong chùa có một mạch nước ngầm, luôn chảy từ trên núi xuống. Tưkphok, tiếng Khmer là nước phun.

Đi ngang chùa rất nhiều lần nhưng cái bịnh coi mặt bắt hình dong làm tui không chú ý gì hết. Cho đến khi chạy xe dưới đường ngó lên thấy ông Phật ngồi thõng chân trên núi, một thế ngồi ít thấy của Thích Ca, nên tò mò ghé coi. Và tui gặp hết ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, xin từ từ kể lại…

1/. Rừng tịnh cốc

Không đi theo con đường chánh từ cổng tam quan vào, tui chạy xe theo đường chở vật tư xây dựng tượng Phật, nằm ngoài khuôn viên chùa. Đường dẫn vào một khu rừng mênh mông tầm vông cùng vài loại cây rừng khác, và không biết bao nhiêu là cốc nhỏ của chư tăng nằm lẫn vào bóng cây. Mỗi cốc là một căn sàn xinh xắn, mỗi bề chừng 3 m, nằm trên giàn chưn cao tầm 1 m. Các cốc nằm thẳng hàng theo lối đi, cách nhau khoảng 5 m và từng dãy, từng dãy như thế xếp lần lên núi cao. Được xây dựng bằng vật liệu nhẹ nên nhìn mát mẻ và thanh tú. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngôi được cất kiên cố, sau nầy tui được biết đó là cốc của các trưởng lão. Buổi sáng nên toàn bộ vắng lặng, các sư như thường lệ, đang đi trì bình trong thôn. Riêng ở một cốc đầu dãy, có một lão sư đang ngồi trước hiên. Sư nói sư 79 tuổi, đi khất thực không nổi nữa, rồi móm mém xin lỗi nói tiếng Việt không rành. Sư nói tiếng Việt không rành, còn tiếng Khmer của tui thì siêu…ít. Thôi đành tạm biệt sư.

2. Đường ngọc lan dẫn vào chánh điện

Trước đây trong một bài viết về chùa Charất ở Vĩnh Trung, tui đã ngưỡng mộ hết sức về mấy hàng cây ngọc lan mà sãi cả ở đó đã trồng quanh chánh điện. Lúc đó tui đã nghĩ ở vùng Bảy Núi nầy không có chùa nào kỳ công trồng hàng hoa đẹp và sang như vậy. Quả là kiến văn thô lậu. Hàng ngọc lan ở chùa Tưkphok nầy còn cao và đẹp hơn. Chưa vào kỳ rộ nở, mỗi cây chỉ điểm một vài bông, mà hương đã thơm ngát lối đi rồi.

3. Tượng Phật ngồi trên núi

Tượng nằm ở vị trí cao nhất trong quần thể kiến trúc của chùa. So với mặt bằng ngoài lộ xe chắc ở tầm 20 m. Tượng Phật ngồi thõng chân, hai tay bình thản đặt trên hai đầu gối. Nếu tính từ bàn chân, tượng cao khoảng 10 - 12 m. Mới hoàn thiện phần đầu của tượng, gương mặt Phật toát lên vẻ từ, hòa. Thế ngồi thõng chân nầy khác hẳn với các thế ngồi quen thuộc như: kiết già phu tọa, bán già phu tọa và kinh sách Bắc Tông gọi thế ngồi nầy là thiện già phu tọa.

4. Một môi trường được giữ gìn

Điều chúng ta thường gặp ở các chùa Khmer vùng Bảy Núi là việc ít quan tâm đến rác thải. Bịt nylon chai nhựa vương vãi khắp nơi. Hình như một số sãi cả có suy nghĩ là nếu nghiêm khắc giữ gìn quá sẽ khiến bà con người dân tộc, phần đông còn nghèo khó sẽ mất tự nhiên khi đến chùa. Ở chùa Tưkphok nầy lại khác. Không chỉ trong chánh điện, nhà sala, mà chung quanh chùa đều tinh tươm sạch sẽ, cây lá trong rừng cũng được để ý thu dọn gọn gàng. Để tránh dùng các chai nhựa và vệ sinh, xa xa, dọc theo lối đi là các bình nước lọc hiện đại. Đúng là một cõi tòng lâm thanh tịnh.

Thiết kế và chỉ đạo cho mọi người tạo ra được một cảnh trí đẹp như thế nầy, chắc chắn sãi cả của chùa phải là một người rất am tường nghệ thuật và có con mắt thẫm mỹ tuyệt vời. Một con mắt trạch phẩm tinh đời.

5. Chùa Khmer có ni

Từ xa xưa, không chỉ chùa Khmer Nam bộ mà ngay cả ở Kampuchia cũng không có ni giới. Tuy nhiên để đáp ứng nguyện vọng của những người phụ nữ lớn tuổi, không có gia đình muốn gởi thân vào cửa chùa, Phật giáo Kampuchia cho phép có những nữ tu (Don Chee). Họ vào chùa cũng cạo đầu nhưng không được đắp y màu. Y của họ toàn trắng, họ nấu thức ăn cho chư tăng, lau chùi và trang trí các chỗ thờ cúng, chăm sóc và nuôi dưỡng người già… Trong chùa Khmer Nam bộ, nhất là vùng Bảy Núi, Don Chee cũng không gặp, nhưng tại chùa Tưkphoks nầy, tui đã thấy thấp thoáng bóng dáng các nữ tu trong y trắng bước quanh theo một con đường khuất vắng.

Và không chỉ có vậy.

Đang đứng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tượng Phật thì tui thoáng thấy hai bóng áo nâu từ trong giảng đường đi ra nói chuyện với một người phụ nữ mặc thường phục. Ban đầu thấy dáng người nho nhỏ, tui tưởng là hai chú sãi gặp người thân. Một hồi ba người cùng đi xuống bậc thềm đá, một tu sĩ trợt chân, hai người kia níu lại. Lúc nầy tui mới ngớ người ra đó là hai ni cô.

Trong chùa Khmer mà có ni cô đắp y màu là một điều tui chưa từng gặp cũng như chưa bao giờ nghĩ tới. Bạn phải biết tui ngạc nhiên cỡ nào. Nhưng chưa đâu…

6. Hai ni đó là người…Hà Nội

Cái nầy mới là chới với. Chắc trong các bạn đang có người á…ố…lên rồi phải không? Để tui kể tiếp,

Đứng từ xa thấy hai cô đang chọn các góc ảnh để bạn chụp hình. Đợi họ chụp xong, tui lân la hỏi chuyện. Nghe giọng thì biết và các cô cũng xác nhận họ là người Hà Nội, từ thời sinh viên đã có ý tìm học Phật pháp. Nhưng Phật giáo miền Bắc nhiều mê tín, các cô không thích nên cách đây 5 năm cùng vô Sài Gòn. Phật giáo miền Nam đỡ hơn chút nhưng đại chúng hoá thành quá đại chúng, nặng về tuỳ duyên mà nhẹ hoằng dương chánh pháp. Các cô cũng thấy không vui, ý muốn tìm về xa hơn trong nguyên thuỷ. May sao, trong một duyên lành, các cô tiếp xúc được với sư cả của chùa nầy, tiếp xúc được những hương hoa thơm ngát từ Theravada. Các cô bày tỏ nguyện vọng và được sư đại từ bi, chữ của các cô, cho phép về chùa xuất gia gieo duyên, cũng được gần nửa năm.

Các cô không nói sãi cả như người miền Nam.

Tui hỏi pháp danh, họ cho biết chưa được sư ban, có lẽ chưa phải là tỳ kheo ni. Hỏi thế danh, một cô tên Thanh, một cô tên Chung, đều ở khoảng 25 - 27 tuổi, vui tươi, trẻ trung và xinh xắn.

Tui hỏi sư cả tên gì? Các cô nói Chau Hắc. Hỏi sư có trong chùa không? Các cô nói, sư vừa giảng xong một bài pháp, chắc giờ đang ở sau chánh điện, chỗ đang xây các cốc mới.

Tui chào các cô. Và nhớ lại trường hợp sư Huệ Trí, hiện đang trụ trì chùa Long Sơn Nhà Bàng, cũng là một người Hà Nội. Điều nầy cho thấy, có một số thanh niên thanh nữ người miền Bắc rất tha thiết với việc tìm cầu Phật pháp và họ không ngại chốn sơn lam xa xôi rừng rú, quyết đi tới để tìm ra ánh sáng cho đời mình.

7. Sãi cả Chau Hắc Nhãn Thúc

Với những gì mắt thấy tai nghe từ đầu tới giờ, nói thiệt tui quá ngưỡng mộ sãi cả và rất muốn gặp ông, được nghe ông nói vài lời mà mở mang kiến thức.

Tui đi ra sau chánh điện. Phía bên trên núi có nhóm thợ hồ đang cất một cái cốc khá kiên cố. Có 2 sãi tầm 50 tuổi đứng xem. Tui chào hai ông và hỏi vị đứng gần, đang cất cái gì? Ổng nói cất cái cốc dành cho trưởng lão. Tui nói chùa đẹp quá, rất nhiều cốc u nhã. Ổng cười, tui đi Kỳ Viên mấy lần, nơi Phật Thích Ca nói pháp. Bên đó họ vẫn duy trì khung cảnh thời Phật, cứ mỗi sư là một cốc nhỏ, độc cư. Về tui cố bắt chước làm theo…

Sãi nói tiếng Việt kể cả Hán Việt rất rành. Vui tươi, cởi mở và vô ngại. Tui xin phép được biết pháp danh. Sãi nói một từ Pali và dịch luôn Việt Hán là Nhãn Thúc, trụ trì chùa nầy.

Sãi cũng nói thêm vài chuyện, chẳng hạn như tháng 11 nầy, sãi sẽ đi Kỳ Viên lần nữa, nhưng pháp danh của sãi làm tui rúng động, nên sẽ nói thêm một chút về chữ nầy, dĩ nhiên là theo tui nghĩ…

Nhãn trong Nhãn Thúc là mắt bao gồm nhãn căn, nhãn trần và nhãn thức.

Thúc trong đó là Thúc liễm thân tâm, giữ gìn giới luật, hành chánh pháp.

Vậy Nhãn Thúc hàm nghĩa thúc liễm nhãn căn, chuyển hoá nhãn thức, tịnh hoá nhãn trần.

Ai có đọc Lục Tiểu Phụng của Kim Dung chắc nhớ Bạch Tam Không, ông ngoại của Phương Bửu Ngọc, có lối đặt tên cho đệ tử khác người. Đệ tử có tính tham đặt là Bất Tham, hay buồn bã đặt là Bất Sầu, thông minh cơ trí thì đặt là Bất Trí… Nói chung là phải biết thúc liễm lợi căn trên con đường võ học.

Sư phụ của sãi Chau Hắc hình như cũng tâm đắc với cách dạy người đó. Ông thấy sãi Chau Hắc là con người tài hoa, có con mắt nghệ thuật, có cái nhìn tinh tế và sắc sảo, nên nhắc khéo phải luôn quản thúc mới đi đến sự thấu triệt?

Nhưng con đường đi đến sự thấu triệt luôn có 3 bậc thang: kỹ thuật, nghệ thuật và cuối cùng là đạo.

8. Cổng chùa

Chư sư sãi đã đi khất thực về đang tề tựu độ ngọ. Tui lấy xe chạy vòng ra tam quan để nói chuyện với cái cổng chùa đã gạt tui suốt mấy năm nay. Nó vẫn vậy, trơ gan với bộ khung xi măng chưa được hoàn thiện, sơn phết tô điểm. Thời gian đã đắp những mãnh rêu xanh lên mình nó.

Không biết sãi cả Chau Hắc Nhãn Thúc có ý gì khi bao công trình to đẹp, mênh mông bên trong làm được, cái cổng lại không làm?

Hẳn là sãi muốn những người chỉ nhìn phớt bên ngoài mà đánh giá bên trong như tui, hiếu sắc như tui lọ mọ đến chùa thôi?

Dầu gì cũng cám ơn sãi, tui đánh giá là một bậc long tượng của Phật Giáo Nam Tông Khmer miền Tây.

Đào Dũng Tiến ( 70-73 NLS/CT)

P/c: viết bài nầy tui có tra google một số chi tiết thì biết trong trang Theravada.vn đăng nhiều bài viết và video của sãi Chau Hắc giảng giải vi diệu pháp bằng tiếng Việt. Bạn nào quan tâm xin vô xem.


Có thể là hình ảnh về 1 người, cây, ngoài trời và văn bản cho biết 'tinh cốc và vị sãi già già'
Có thể là hình ảnh về cây và ngoài trời
Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và cây
Có thể là hình ảnh về cây, ngoài trời và văn bản cho biết 'S .tượng Phât thiên già phu toa'
Có thể là hình ảnh về 3 người, cây, ngoài trời và văn bản cho biết 'các .các don chee'
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng, ngoài trời và đền thờ
(Đào Dũng Tiến đứng giữa)
Có thể là hình ảnh về ngoài trời

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196360 visitors (363002 hits) on this page!