Trả món nợ đời
24/6/2020

TRẢ MÓN NỢ ĐỜI
TRẢ MÓN NỢ ĐỜI

Là cháu nội đầu tiên của ông Hội Đồng, cháu ngoại ông Cả, chị sinh ra như một vì sao tốt, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình hai họ (chị sinh năm 1933). Ông Nội mời thầy về xem tử vi, thầy bảo hảy cố nuôi đứa bé nầy để về sau sẽ được nhờ.
Hình sưu tập trên internet
Chị lớn lên xinh đẹp, thông minh đĩnh ngộ, sau tốt nghiệp trường Nữ Hộ Sinh Quốc gia và được bổ nhiệm làm Nữ Hộ Sinh Trưởng cho bịnh viện tỉnh Bến Tre. Lúc ấy tôi còn học tiểu học, dành phần rửa và đánh bóng chiếc xe đạp nhôm của chị để lợi dụng cơ hội chạy vòng trong xóm “lấy le” với đám con ít trang lứa. Khi chị đổi sang xe Velo Solex, xe thời trang của các cô gái khá giả lúc bấy giờ  tôi càng hãnh diện hơn về chị. Thỉnh thoảng tôi xin theo chị vào nhà thương chơi để được nằm trên chiếc giường nệm mousse êm ái, trải drap trắng tinh trong phòng riêng của Nữ Hộ Sinh Trưởng. Ở nhà, tôi ngủ trên cái divan hay cái giường trải chiếu.  Chị có dư điều kiện thuận tiện để xây dựng cho mình một mái ấm gia đình, điều mong ước bình thường của những cô gái khi đến tuổi cập kê. Nhưng chị Hai tôi có khác, chưa bao giờ chị lập gia đình.

Là chị cả, chị thay thế cha mẹ chăm sóc đàn em bảy đứa đi học ở tỉnh để cha mẹ được rảnh tay lo canh tác ruộng vườn. Khi các em trưởng thành, lần lượt ra đi, chị đã làm xong bổn phận, đã trả xong chữ hiếu với mẹ cha. Chị tung tăng như một cánh bướm nhỏ vừa ra khỏi kén. Trước mặt chị mở rộng con đường trải hoa thật đẹp đang đón chờ gót son của chị.
 
Nhưng biến cố 1975 ập đến đã làm đảo lộn tất cã. Như một định mệnh nghiệt ngã đã an bài, một trách nhiệm mới còn nặng nề hơn đã đỗ lên đôi vai gầy của người chị cả.
Chị bị giải nhiệm về quê giúp cha mẹ chăm sóc một đàn cháu nheo nhóc vì cha mẹ chúng là “ngụy” nên bị đi cải tạo hay bị đài ải đủ điều, phải di tản gia đình về quê, gởi con cái nhờ chị chăm sóc.  Chị mở rộng tầm tay đón nhận tất cã.
 
Khi mấy đứa em lần lược tạo dựng được cơ ngơi riêng cho mình, một lần na, chúng lại ra đi để lại cha mẹ giàngười chị định mệnh tóc đã bạc màu.
 
Một lòng hiếu thảo, chị phụng dưỡng cha mẹ cho đến ngày cha mất ở tuổi 87 sau cơn đột quị và ba năm sống đời thực vật dưới bàn tay chăm sóc của chị. Từ khi cha mất, nhà gốc trở nên hiu quạnh, chị lấy chuyện chăm sóc mẹ già làm niềm vui và là động lực để sống ở tuổi về chiều. Chị đã sử dụng 25 năm còn lại của đời mình để báo hiếu cho mẹ già, cho đến ngày chị bị tai nạn té ngã gảy xương đùi, trở thành kẻ phế nhân ở tuổi 82 (2015) và mẹ già tuổi đúng một trăm.
 
Hết nuôi em đến nuôi cháu. Hết phụng dưỡng cha bịnh đến mẹ già, bao trách nhiệm dồn dập đến với chị. Chị làm tròn bổn phận của mình không một lời than vãn. Suốt đời chị hy sinh cho gia đình, cho đến khi đôi tay chai cứng, trái tim khô héo, nụ cười tắt hẳn trên môi. Chị sống âm thầm như một cái bóng. Tôi không thấy chị có một thú vui nào, một đam mê nào, một lý tưởng gì để tô điểm cho cuộc sống thêm phần thú vị. Đời chị chỉ có trách nhiệm và bổn phận.
***
Lần đầu tiên tôi từ Mỹ về thăm gia đình năm 1998, năm ấy chị đã 65 tuổi. Cũng như bao nhiêu gia đình khác ở thôn quê trong thời gian “Diệt tư bản, cắt đuôi địa chủ”, gia đình tôi lúc ấy sống trong nghèo khổ thiếu thốn. Một đêm, lúc mọi người đã ngủ yên, tôi vô tình nhìn thấy chị âm thầm ngồi ăn cơm một mình trong nhà bếp bên cạnh là hai con mèo cưng. Chị không bao giờ ăn chung trong bữa cơm gia đình hay ngồi bàn dự tiệc tùng với quan khách. Chi đợi mọi người ăn uống xong xuôi rồi mới ăn với hai con mèo cưng của chị. Chị đút cho chúng từ miếng thịt nhỏ, vuốt ve triều mến từng con. Hai chú mèo nũng niệu, miệng kêu meo meo, cọ lưng, cuốn người vào chân chị, tỏ tình thương. Tôi chợt nhìn thấy ở chị hình ảnh của một người mẹ hiền. Như chợt hiểu ra một điều gì, tôi nhẹ gót quay đi, chỉ sợ tiếng động cắt đứt đi giây phút hạnh phúc thiêng liêng của chị, giây phút chị đang sống thực với bản chất của mình, bản chất của một người mẹ chăm sóc đàn con.
 
Tôi chợt nhận thấy xấu hổ vì sự vô tâm của mình bấy lâu nay đối với chị. Chị đã nuôi dưỡng tôi từ lúc bé như mẹ nuôi con nhưng tôi chưa bao giờ tỏ được chút tình thương cho chị, hoặc bằng một lời nói ngọt ngào hay bằng một cử chỉ yêu thương. Có chăng là những lời hằn học, những cử chỉ bực mình, những hành động ngang bướng của tuổi trẻ. Tôi không bằng 2 con mèo con của chị, biết nũng niệu tỏ tình thương.
 
Từ ngày bị tai nạn, đời chị đã bước sang một khúc quanh nghiệt ngã, đoạn cuối bi đát nhứt của đời chị. Sau bao năm dài lam lủ trả món nợ đời, tay chân chai cứng, thân xác khô gầy, bây giờ chị nằm yên một chổ, nhưng món nợ đời nào đã trả xong, nó vẫn còn bám theo vày vò thân xác lẫn tinh thần người chị bất hạnh!
 
***
Được tin chị bị tai nạn, tôi thu xếp về thăm, lúc ấy chị đã mằm một chổ đã sáu tháng rồi. Chị nắm tay tôi, rưng rưng nước mắt:

 Chị trông từng đứa một, nhưng có thấy đứa nào tới thăm đâu? Tụi nó đã quên chị rồi!
 
Hình như trong lời nói của chị có một nỗi buồn, một sự trách móc, cay đắng nhân tình thế thái, hay buồn tủi cho thân phận hẩm hiu của mình.
 
Chị không nói gì thêm, quay mặt nhìn qua khung cửa, khoảng không gian nhỏ hẹp còn lại cho chị. Tôi biết chị quay mặt vì muốn dấu tôi những cảm xúc. Tánh của chị là như vậy, không bao giờ than phiền hay kể lể tâm sự với ai. Cho đến bây giờ, những ngày cuối của cuộc đời, chị vẫn còn muốn giấu diếm những cảm xúc của mình. Có phải chăng chị đang hối hận vì đã lãng phí đời mình lo cho tha nhân để sau cùng còn lại là một kiếp cô đơn quên lãng?
***
Tôi trở về Mỹ mà trong lòng bồn chồn, cảm thấy có điều gì không ổn với chị Hai nên tôi thu xếp bay về Việt Nam xem chị sống ra sao.
Chỉ sáu tháng thôi mà chị đã thay đổi quá nhiều, bịnh hoạn, già nua, hốc hác xanh xao.
Gặp lại tôi, chị vui mừng, nói huyên thuyên như lâu rồi không được nói, khác hẳn với bản chất trằm lặng của chị ngày xưa. Chị thèm được nói, được nhìn, được nghe, được yêu thương, được chú ý đến.
 
Rồi chị lại bật ho sù sụ. Phổi bị nghẹt cứng, có lẽ là triệu chứng ban đầu của bịnh sưng phổi. Hai bàn bàn tay xương xẩu. Hai cánh tay chị khẳng khiu. Lưng và bụng nổi đầy mụt đỏ sần sùi đóng vẩy thành từng mạng tròn đã ngã sang màu nâu đen, triệu chứng bị nhiểm nấm ngoài da rất nặng (ring worms). Loét đã bắt đầu ăn sâu vào thịt vài nơi ở lưng. Nếu không chửa trị, nấm sẽ lan khắp người và chị sẽ chết trong đau đớn. Hai bàn chân bại liệt của chị phủ lớp da chết, dày cộm, nứt nẻ. Móng tay móng chân mọc dài, cong queo, đầy cáo bẩn. Nhìn chị tôi biết là từ lâu chị không được chăm sóc đúng mức. Tự nhiên lòng tôi thấy xót xa thương cho chị. Cã đời hy sinh cho người, khi nằm xuống chị được trả công như thế nầy sao?
 
Tôi tò mò lục lạo cái hộp bánh biscuit đựng thuốc than để trên đầu giường, chỉ thấy mấy tube ointment cho diaper rash, phấn thoa trẻ con, ống thuốc nghệ thoa da và chai dầu xanh mà tôi đã tặng cho chị. “Thuốc than như vầy thì làm sao chửa hết bịnh được”, tôi chặc lưởi, trong lòng bất nhẫn. Tôi hỏi chị:

 Hai bịnh nặng lắm rồi, em thấy không ổn đâu. Sao Hai không đi khám bác sĩ để chửa   trị?

 - Tốn kém lắm em à, chị không sao đâu! Thôi kệ nó, đến đâu thì đến.
 
“Thôi kệ nó” làm sao được. Tôi phải làm việc với đứa cháu có bổn phận chăm sóc chị. Gọi là cháu nhưng thật ra cháu được chị nhận làm con nuôi từ lúc vừa biết ngồi. Ba mẹ cháu con đông nuôi không xuể nên chia bớt một đứa cho bà nội nuôi giùm. Mỗi sáng khi đi bán bánh mì thịt ngoài chợ, bà nội mang cháu theo, để ngồi trong cái thùng carton, bịnh hoạn, xanh xao, hai mắt lờ đờ. Tay chân khẳng khiu nhưng bụng lại to nỗi những đường gân xanh trông thấy rỏ. Nó không còn khóc ra tiếng nữa, chỉ ọ ẹ trong cổ họng, mặt nhăn nhó, nhe hai cái răng mới mọc. Lúc ấy tôi là sinh viên, thấy không ổn nên về quê năn nỉ chị Hai đem cháu về nuôi vì sợ chết. Không biết sao tôi có cái ý nghĩ nầy và không biết cái duyên nào đã làm chị Hai động lòng chịu lên Sài Gòn ôm cháu về nuôi, thương yêu còn hơn con ruột. Phải chăng đó là định mệnh. Cháu lớn lên èo uột, nhỏ xíu nên chị gọi nó là con Mén.
 
Chị cực khổ  nuôi con Mén cho đến lớn khôn, cho đi học thành tài, gả chồng, có hai con. Chị sung sướng được các cháu gọi bằng “bà ngoại Hai”,  hạnh phúc tuổi già với gia đình riêng của chị. Chị đầu tư tất tình thương và tài sản vào con Mén với niềm tin là chị có nơi nương tựa và có người phụng dưỡng lúc về chiều. Ch cắc củm nuôi từng con gà, dành dụm từ quả trứng, trái cam gom góp đem hết cho cháu với tình thương triều mến. Đợi lúc con Mén đi làm tôi ướm hỏi thử để thăm dò ý chị. 

-Con Mén nó đơn chiếc, con cái đùm đề lại đi làm cực khổ thì làm sao lo cho chị được chu đáo, sao chị không mướn người chăm sóc đở tay chân cho nó?

Tốn kém lắm em à. Cũng may là có sẳn nhà cửa để ở, chị chỉ nằm nhờ cái góc nầy thôi thì có phiền hà gì nó đâu? (Nhà là của chị, nhưng cho vợ chồng con Mén ở).

Coi vậy chớ chăm sóc một người bịnh là cả một vấn đề, cực khổ và tốn kém lắm. Vợ  chồng con Mén cực khổ quá nhiều nuôi chị, lại hạn hẹp về tài chánh, ngoài sức chịu đựng của tụi nó. 
 
------ Thì huê lợi vườn tược có bao nhiêu chị đều giao hết cho nó hết để mua gạo cho chị  ăn, đâu có thiếu, chị có ăn uống bao nhiều đâu.

Biết rồi, nhưng sao Hai không bán bớt một phần đất đi, một phần nhỏ thôi, để có một số tiền rộng rãi chửa bịnh và mướn người chăm sóc đầy đủ hơn? Tiền mình mình xài có hơn không. Hơn nữa, của cải của chị ăn cả đời không hết mà!
 
       - Bậy nè. Đất đai cha mẹ cho, không sắm thêm thì thôi chứ ai đem bán.

Tôi khuyên nhủ chị nhiều lần không được, lại rủ rê mấy anh em phụ họa thêm nhưng chị nhất định chống đối cái ý định bán đất để chữa bịnh. Tôi vẫn không chịu thua:
  
     - Nhưng khi chết Hai đâu có mang của theo người, bán bớt đi lấy tiền của mình lo cho mình không hơn sao?

- Chị đâu có chết mà lo. Phải để dành khi hữu sự mà xài! Khi chị chết, tụi nó có của  mà ăn.
 
Tôi tự hỏi, lúc nầy không phải là lúc “hữu sự” vậy chị đợi đến chừng nào? Tôi ấm ức trong lòng, buôn lời chua chát:

 -Đã đến như vầy mà chị còn ôm lấy của, đợi đến khi chết đi mới lấy ra xài phải không? Hay chị muốn mang nó theo mình?
 
Chị có vẻ giận vì lời nói lẩy của tôi, chị hờn mát:
 
        Em không hiểu đâu. Thây kệ chị. Chị biết lo cho mình mà.  
 
Rồi chị giận không nói gì thêm nữa. Còn tôi thì không ưa cái thái độ “Thây kệ" của chị.
 
Tôi lặng thinh nhưng trong lòng bất nhẫn với ý nghĩ trong đầu là chị tôi thà ôm của chờ chết chứ không để sứt mẻ. Nếu tình trạng nầy không thay đổi, cái chết sẽ đến với chị rất nhanh, âm thầm, tàn nhẫn, đớn đau. Sao chị nhất định chấp nhận những đau khổ nầy trong khi đang ngồi trên đống của?
 
Gia đình tôi con cháu rất đông, có đứa cũng là bác sĩ, kỷ sư, dược sĩ. Có dịp con cháu đều ghé qua thăm chị, xuýt xoa “tội nghiệp”, rồi bùi ngùi ra về, coi như đã làm tròn bổn phận. Chị thui thủi một mình trong căn nhà khóa kín ví cả nhà đều đi học hoặc đi làm. Thân hữu có người đến thăm kêu cửa mãi không được nên bỏ đi, không thấy trở lại. Một bịnh nhân liệt gường nằm một mình, không thuốc thang, không  bác sĩ, đói không một cái bánh để ăn, khát không một ly nước để uống thì làm sao sống được!
 
****
Tôi không thể chấp nhận thái độ “Thây kệ nó” được nữa, quyết định phải làm gì để giúp chị. Còn nước tôi còn tát. Tôi gọi điện thoại về Mỹ nhờ mua các loại thuốc cần thiết, kem thoa da, thuốc tắm khô, lau mình... rồi gởi khẩn cấp về Việt Nam. Hàng ngày tôi chạy xe từ quê lên tỉnh lo thuốc thang, cắt tóc, cắt móng tay móng chân, ngâm chân chà da chết và tập luyện thể hình cho chị (physical therapy) với hy vọng có thể giúp chị ngồi được trên xe lăn. Nếu thành công, ít ra tôi cũng giúp cho chị có được một đời sống có ý nghĩa trong khoản đời còn lại. Tôi còn hứa nếu chị ngồi được trên xe lăn, tôi sẽ đưa chị về quê thăm mẹ năm ấy đã 101 tuổi, tuy rất yếu nhưng còn sáng suốt, lúc nào cũng ao ước được gặp đứa con gái đầu lòng một lần cuối trước khi bà nhắm mắt.

 
Sau 30 ngày tập luyện, chị có thể ngồi được
Sau hai tuần trị bịnh, bịnh của chị hoàn toàn khỏi. Ba mươi ngày sau, nhờ kiên trì tập luyện, tôi có thể đỡ cho chị ngồi trên cái giường đặc biệt mà tôi đã cho làm theo bản vẽ của tôi. Tôi tập chị tự ăn uống một mình và chị làm rất tốt. Tôi vô cùng phấn khởi đem khoe kết quả đã đạt được với gia đình. Không thấy ai chê nhưng cũng không thấy ai tỏ vẽ vui mừng hay cho tôi một cái vổ vai khích lệ. Tôi rất buồn và thấy vô cùng cô đơn, không hiểu được tại sao mọi người đều có thái độ dửng dưng như vậy. Sau nầy tôi mới biết được không phải mọi người không biết xót thương cho chị, nhưng họ đã biết trước đoạn kết của thảm kịch, dẫu tôi có "quậy" cách nào cũng không đổi được số mạng.
Một tháng trôi qua nhanh, đã đến ngày tôi phải về Mỹ. Trước khi đi tôi nhờ vợ chồng cháu Mén tìm giùm người thế tôi để tiếp tục tập cho chị Hai vì cháu là nữ hộ sinh trong bịnh viện tỉnh, quen biết nhiều. Mọi chi phí tôi đều trả hết. Cháu dạ dạ vâng vâng nhưng không thấy thực hiện. Nếu không tiếp tục tập luyện, tôi biết chắc là khi tôi rời khỏi Việt Nam tình trạng cũ sẽ trở lại như xưa. Biết mình không thể ở luôn ở VN để lo cho chị mình theo ý muốn, tôi đành bỏ cuộc, coi như bấy lâu nay tôi đã làm chuyện tào lao “Dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng ra công cán gì”! Tôi đành chấp nhận thái độ “Thây kệ nó” mà chị đã dạy tôi, phó thác cho số mạng quyết định tương lai.
***  
Tôi ngồi trên máy bay trên đường về Mỹ, xót xa cho người chị bất hạnh mà tôi đành lòng bỏ lại phía sau. Cái nghiệp gì sao quá nặng nề mà chị tôi trả hoài không hết?
 
Máy bay càng lúc càng bay cao chồng chềnh khi vượt qua những từng mây thấp bỗng trở thành êm ái lạ thường khi thoát lên thượng tầng khí quyển. Bẩu trời mở rộng vô tận, trong suốt, không một áng mây. Tôi nhìn xuống những tầng mây trắng là đà bên dưới rồi chợt ngộ một điều mà trước đây tôi không hiểu nỗi. Nhân gian mãi vùng vẩy lẩn quẩn trong tầng mây thấp, không biết gì đến hạnh phúc là ở tầng cao, nơi mà chi tôi tìm được sự an bình và hạnh phúc.
 
Tôi chợt hiểu, mọi người, trong đó có tôi, vì thiễn cận, cố chấp, đã phán xét quá hẹp hòi về chị tôi. Không ai thấy được bên trong con người khắc khổ, mộc mạc của chị là một tình thương bao la không chút ích kỉ, là một tâm hồn cao thượng như bầu trời xanh vô tận trên thượng tầng khí quyển không chút vẫn đục bởi một áng mây. Suốt đời chị chỉ biết cho, không bao giờ nhận trả. Chị cao thượng quá làm sao một người phàm phu như tôi thấu hiểu? 
 
Như thầy bói đã nói, chị sinh ra trên đời nầy để lo cho người khác. Từ tiếng khóc chào đời, chị đã mang đến niềm vui cho hai họ. Chị đã hy sinh tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và cả tương lai của mình cho tha nhân. Cho đến ngày tàn sức kiệt, chị không còn gì nữa để cho, ngoài cái mạng sống mong manh trong một thân xác bịnh hoạn. Chị đã quyết định hy sinh nốt cái thân xác vô dụng nầy để bảo vệ trọn vẹn mớ tài sản, tuy nhỏ nhoi, nhưng đó là tất cả những gì chị tích lủy được trong suốt cả cuộc đời, để làm món quà cho con Mén, đứa con mà chị yêu thương còn hơn cả sinh mạnh của mình. Chị nằm yên đợi chờ cái chết đến để được giải thoát, được rũ sạch nợ trần gian.

Hai năm sau chị mất, hưởng thọ 87 tuổi.
 
Trả hết nợ đời, cởi bỏ cái  xác phàm, chi tung cánh bay cao như một thiên thần. Trên ngôi cao, tôi thấy chị tôi đang mĩm cười, một  nụ cười thánh thiện mà trước kia chị không có được khi còn sống trong cỏi đời ô trọc nầy.

Vĩnh biệt chị. Mọi người buồn vì mất chị vĩnh viễn trên cỏi đời nầy, nhưng riêng tôi lại thấy phấn khởi vì biết chị sẽ được hưỡng nhan Thánh Chúa đời đời nơi nước Chúa.

Chú Chín Cali
Garden Grove ngày 27tháng 8 năm 2019.

Vài lời phi lộ của tác giả.
Chị Hai tôi vừa mất. Trong niềm cảm xúc, tôi viết bài nầy để con cháu về sau nhìn rỏ chân tướng của một người quá cố thân yêu và khả kính, đã hy sinh cả cuộc đời cho gia đình. Xin hảy cầu nguyện cho linh hồn Madalena Nguyễn Thị Hồng Cẫm.
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 208048 visitors (392056 hits) on this page!