Đồng Cà Na T6
14/3/2023

ĐỒNG CÀ NA T6*

 

   • Chuyện ngày xưa:

   Cánh đồng Cà Na Lò Gạch ở Tri Tôn An Giang nổi tiếng từ xưa về một mùa dưa hấu. Dưa trồng trên chân đất lúa mùa lúc tháng chạp tháng giêng, tháng 2 tháng 3 mới cho thu hoạch. Đi sau dưa Tết nên còn có tên là dưa lạc hậu.

   Cách trồng đơn giản, thường được gọi là trồng dưa quẹt. Có lẽ, người dân Việt Nam đến vùng đất nầy thấy bà con dân tộc trồng dưa ở đất ruộng trên (1) nhẹ nhàng như làm chơi mà ăn thiệt nên kết hợp với kinh nghiệm của mình, bà con đưa dưa xuống ruộng bưng (2), tạo ra một lối canh tác độc đáo.

   Người ta lựa những miếng đất lúa mùa có thảm rạ dầy rồi căng dây theo thế đất hoặc cắt ngang theo hướng gió ( để cho dưa dễ bò sau nầy). Khoảng cách dây từ 1,2m đến 1,5m. Trên đường dây đó cứ cách 0,5m, vạch rơm rạ, dùng ngón tay trỏ “quẹt” một rãnh sâu trên đất còn mềm ẩm, bỏ vài ba hột dưa khô. Một người đi sau bưng thúng tro trấu đã ngâm nước, chụp một nắm tro lên lỗ dưa, xong khoả rơm rạ lại. Cứ 2 người như thế một ngày có thể tỉa được 3-4 công dưa.

   Ba ngày sau, cây dưa con nhú mầm khỏi mặt tro, cần vạch rơm rạ ra cho cây có nắng, đồng thời tỉa dặm những chỗ không lên. Rồi tùy theo thời điểm phát triển của cây dưa mà tưới nước lon ( nước pha phân loãng, múc từng lon tưới vô gốc dưa), tỉa cây, dẫn ống tưới nước phun, sửa dây, chọn trái v.v…

   Qua tầm 70 - 75 ngày thu hoạch. Do hàng năm có một mùa lũ sạ lúa mùa, lớp phù sa nằm lại trên mặt đất rất dầy nên không cần bón phân nhiều, dưa vẫn tốt. Thêm đồng rộng mênh mông, nguy cơ sâu bệnh thấp nên người dân thường có lời cao, có khi lợi nhuận gấp 20, 30 lần so với lúa. Nhiều gia đình nông dân nghèo khá lên sau một vài vụ trúng dưa.

   Năm 1960, ông Ngô Đình Diệm cho đào con kinh nối từ Lạc Quới trên kinh Vĩnh Tế vô Lò Gạch ở kinh Tám Ngàn, nhằm lấy nguồn nước ngọt về rửa phèn cho khu Lò Gạch. Tên chánh thức là kinh Mới nhưng bà con quen gọi kinh Ngô Đình Diệm. Con kinh nầy làm cho đồng lúa mùa phát triển rộng ra và theo đó vùng trồng dưa càng thêm mở rộng. Nhiều người nghèo ở phương xa cũng đùm túm gia đình tới đây sinh sống. Họ neo ghe ở mé kinh và lên bờ dựng một chòi nhỏ che nắng che mưa. Mùa nước nổi giăng lưới, đặt xà vi (3), mùa khô mướn đất trồng dưa. Sống quanh năm như thế, chỉ thỉnh thoảng dăm lần về thăm nhà. Có gia đình khá lên, mua được đất cất nhà ở luôn. Cũng có những người khá giả tới mướn 10, 20 công canh tác, coi như một cơ hội kiếm thêm tiền. Tháng 2, tháng 3 mùa nầy hàng năm, ghe chài ghe lườn 30 tấn, 50 tấn đổ về đây mua dưa đậu kín hai bờ kinh.

Tuy vậy đất trồng dưa cũng chỉ ở hai bên bờ kinh Mới đổ về Kiên Giang 1, 2 cây số rồi dừng lại. Dưới nữa là rún phèn, toàn năng, đưng, rừng tràm…, bà con sạ lúa không được lấy gì trồng dưa?

 

    • Chuyện bây giờ:

   Tới năm 1997, thủ tướng Võ Văn Kiệt kiên quyết cho đào hệ thống kinh T4, T5, T6..lấy nước ngọt Vĩnh Tế rửa phèn đồng Cà Na, Vĩnh Phước rồi xổ ra biển Kiên Giang ở Lình Huỳnh. Trong hệ thống đó, T5 là kinh trục mặt rộng 35-36m, sâu 4-4,5m, dài 37 km, làm chuyển đổi hệ canh tác toàn vùng. Bà con ghi ơn gọi tên kinh Võ Văn Kiệt. Hiện nay cây lúa ngắn ngày năng suất cao đã trải thảm vàng khắp nơi nhưng xóm làng còn hiu quạnh lắm. Đa số bà con ở xa về đây mua hoặc mướn đất làm ruộng, cất tạm những cái chòi để ở khi vào mùa. Thi thoảng có một vài gia đình định cư, các cháu bé đạp xe đi học trường xa trong bóng râm hàng cây bạch đàn, trò chuyện ríu rít rồi mất hút trong tiếng chim trưa vắng lặng.

   Tôi hỏi thăm một chủ ruộng đang cân lúa cho ghe lái ở bờ kinh T6. Lúa năm nay trúng, tuy không bằng miệt ngoài nhưng cũng trên dưới 6 tấn một ha. Giá cũng nhỉn, IR 50404 được 6.400 đồng một ký. So với giá phân DAP 1. 100.000 đồng một bao, phân Urea 520 - 530 thì bà con có lời chút đỉnh nếu đất nhà. Còn đất đi mướn thì thua luôn.

   Vùng Cà Na T6 cũng vậy, không còn vụ lúa mùa. Nhưng vụ hoa màu ngắn ngày sau vụ lúa vẫn được duy trì, có điều diện tích trồng dưa hấu giảm đi. Thay vào đó bà con trồng nhiều loại khác như: bí rợ, dưa leo, củ sắn, củ hành … có lẽ vì trồng dưa hấu bây giờ kỹ thuật phải cao mới có ăn.

   Tôi ghé thăm ruộng dưa của chú Năm Ưng gần cầu Bến Bò, ngã tư kinh Mới và kinh T6. Năm Ưng quê ngoài kinh 5, nhiều năm qua vô đây mướn đất trồng dưa. Làm ăn uy tín nên thành mối lớn của mấy ông chủ đất. Năm nay chú mướn 65 công tầm lớn, hơn 8 ha để trồng dưa. Chú nói trồng dưa trên ruộng lúa ngắn ngày phải đầu tư thâm canh hơn. Ruộng phải có nguồn nước tốt để tưới. Theo thế đất đào những rãnh nhỏ tạo thành líp dưa bề ngang 3m. Phủ rơm dầy, dài theo hai mé rãnh rồi trồng cây dưa con được gieo trong bầu đất 7 - 8 ngày tuổi. Chú không trải tấm phủ nhựa như nhiều nơi khác vì cho là khó khăn trong việc thúc phân dưa. Không cần tưới nước lon hay tưới phun. Tới cữ, chừng 5-7 ngày một lần, bơm nước cho đầy các rãnh rồi bí lại, để tự nhiên cho nước thấm vào đất dưa. Sản xuất lớn lại yêu cầu đồng loạt nên sắp xếp tổ chức công việc phải nhịp nhàng ăn khớp. Hôm mùng 9 tháng 2âl, ngày xuống dưa, chú phải huy động trên 150 nhân công. Người tại chỗ không có, phải về kinh 5 chở người vô.

   Tiền thuê đất 1 công là 1,5 triệu, chi phí các thứ cho vật tư, nhân công…thành mức vốn một công dưa gần 10 triệu. Tổng số vốn chú phải chuẩn bị cho vụ sản xuất nầy non non 1 tỷ. Tuy nhiên nếu dưa cho năng suất 4-5 tấn một công và bán được tại ruộng 3-4 ngàn một ký, coi như chú 1 lời 1. Nhưng không chắc ăn đâu chú ơi, Năm Ưng nói, tới ngày lên xe đôi khi còn giập mật vì giá tuột.

   Là một nông dân vùng sâu mới ngoài 30 tuổi mà đúng là thời đại đã tạo ra một ông chủ lớn. Ông chủ lớn nhưng vẫn giản dị và khiêm tốn. Thiệt đáng ngưỡng mộ.

    Tháng 3/2023

 

    Đào Dũng Tiến 

Chú thích:

(1) ruộng trên: ruộng sát chân núi, nước lũ hàng năm không ngập tới. Thường của người Khmer, canh tác nhờ nước mưa, nước suối.

(2) ruộng bưng: ruộng dưới đồng bằng.

(3) xà vi: một dụng cụ chuyên bắt cá rô. Bện những nan tre nhỏ thành một ống có bề rộng chừng 0,2m, cao 1,2-1,3m, đầu trên túm lại, đầu dưới gần đáy có 1 cái hom để cá chui vào, không ra được. Đem cặm xà vi đó ở những ruộng ngập tầm 1m trở lại. Bỏ vào bên trong ít mồi gồm cơm, cám, xác mắm nhồi với nhau. Cá rô bén mùi chui vào. Cái hay của xà vi là con cá bắt được không bị trầy trụa, vẫn sống dù có đi đổ trễ.

* (Kinh T6. . .# kinh Thoát số 6)

Có thể là hình ảnh về đường, cây, thiên nhiên và cỏ

Có thể là hình ảnh về thủy vực và cây

 Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và núi

Có thể là hình ảnh về thiên nhiên

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Có thể là hình ảnh về thủy vực

Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đạp xe, mọi người đang đứng, xe đạp và đường

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Cà na đang độ vào mùa, còn không nhanh nhanh thưởng thức món quà quê đặc  sắc này
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196509 visitors (363191 hits) on this page!