Phiếm luận về Tôn Ngộ Không
28/6/2020
Phiếm luận về Tôn Ngộ Không
 
Trần Minh Khải 


Người VN cở tuổi 40 trở lên thì hầu như không ai là không biết truyện Tây Du Ký (Journey to West), tức là chuyên Đường Tăng Tam Tạng (Tripitaka) đi về hướng tây bên nước Ấn Độ thỉnh kinh của Ngô thừa Ân (Wu Cheng-en (1500-1581). Tây Du Ký ra đời vào thế kỷ 16).
Cùng với Thủy Hử (The Water Margins), Hồng Lâu Mộng (Dream of the Red Mansion) và Tam quốc Chí (Romance of Three Kingdoms) thì Tây Du Ký là một trong 4 bộ truyện lớn của Trung Quốc. Nhưng có lẽ Tây Du Ký được phổ biến rộng rãi hơn hết nhờ vào tính chất thần thọai, hoang đường, dí dỏm, phật pháp của câu chuyện. Truyện kể lại từ lúc bắt đầu lên đường đi thỉnh kinh ở Tràng An (Trung Quốc) cho tới lúc thỉnh được kinh trở về, kể lại những trắc trở trên đường đi, phải đối phó với thời tiết, đói khổ, ma quái quyến rũ hay yêu tinh tấn công dọc đường hay sự nản lòng của chính mình .
…Bốn thấy trò và một ngựa ngày đêm vượt rừng trèo núi, gặp yêu dẹp yêu, gặp phước làm phước, gian nan không sờn, tử sanh chẳng nệ, trải qua tám mươi mốt nạn lớn, nào là Bàn Ty động quyến rũ, nào là Hỏa diệm sơn đỏ hực, Tiểu lôi kinh khủng v..v... mới đến được Tây phương. Trong truyện vì việc làm của Tam Tạng là khó, không ai làm được, nên muốn cho dân chúng dễ tin, phải thêm thắt và thi vị hóa cuộc hành trình bằng bao nhiêu yêu tinh đón đường, lớp đòi ăn thịt Đường Tăng, lớp cám dỗ... Thực sự, Tây du diễn nghĩa là một bộ truyện thần thoại, hầu hết sự kiện, tình tiết đều là bịa đặt.“ (Vương-Hồng-Sển - Thú Xem Chuyện Tàu).

 
Nhờ sự kiên trì, mộ đạo của Tam tạng, tài năng, quyền biến của Tôn Ngộ-Không (Sun-Wu-Kong) cùng với sự hỗ trợ của Trư bát giới (Pigsy), Sa Tăng (Sandy), của Tuấn Mã (nguyên gốc là Rồng), với sự giúp sức thần linh của Chư Phật, Chư tiên, Thượng Đế…họ đã đạt ý-nguyên tới được tây phương và thỉnh được Kinh để đem về Trung Quốc .
Cả đòan đi qua Tây phương ròng rã 14 năm trờì, khi thỉnh được kinh trở về có tám vị Kim Cang đằng vân theo hộ tống đưa về Trường an, vừa khứ hồi trở lại Tây phưong cõi Phật chỉ mất có tám ngày vãng phản.” (VHS).

 
 
1)-Nguồn gốc và hình dáng Tôn Ngộ-Không :

 
Nhân-vật chính trong truyện là Tôn Ngộ-Không (nên truyện còn có tên là Cuộc Hành Trình của Tề Thiên Đại Thánh - The Adventure of Monkey King), nguyên gốc là con khỉ do khí Âm Dương trời đất tạo thành nên thóat được sự chi phối của ngũ hành. Nguồn gốc tên của Tôn Ngộ-Không là do Tổ sư Tu Bồ-Đề truyền Đạo đặt cho :
 
"Hầu vương thưa :
 
- Thưa thầy , tôi không cha mẹ !
 
Tổ Sư nói :
 
- Người sao không có cha mẹ, không lẽ cây đá sanh ngươi sao ?
 
Hầu vương thưa :
 
- Ðúng vậy ! Nguyên nơi núi Hoa Quả có hòn đá lớn , kết tinh nhật nguyệt lâu ngày , rồi một đêm mưa vang lên tiếng nổ , đá ấy nứt hai , sanh ngay tôi từ lúc đó .
 
Nghe nói, Tổ Sư mừng thầm hỏi :
 
- Như vậy là thiên địa cấu tạo ra ngươi . Thôi ngươi hãy đi qua lại cho ta xem nào .
 
Tổ Sư cười nói :
 
- Nhà ngươi bộ tịch hệt như khỉ . Ðể ta xét theo diện mạo mà đặt tên cho .
 
Hầu vương sụp lạy tạ ơn . Tổ Sư nói :
- Ta muốn theo hình dung nhà ngươi , đặt họ Hồ nhưng vì chữ hồ bõ khuyển bằng chỉ còn chữ cổ , chữ nguyệt. Cổ nguyệt có nghĩa là trăng già không tốt. Thôi ta đặt cho ngươi họ Tôn , chữ tôn bõ khuyển bằng còn chữ tử, chữ hệ là còn trẻ , còn lớn , còn khôn, tốt . Trong đạo có mười hai chữ người ta thường dùng " Quảng , Ðại , Trí, Huệ , Chơn , Như , Tánh , Hải , Ðĩnh , Ngộ , Viên, Giác . Trong mười hai chữ đó tính dồn tới ngươi nhằm vào chữ Ngộ . Vậy ta đặt tên ngươi là Tôn Ngộ-Không …" (Trích đọan Tây Du Ký)

 
Hình dạng của Tôn Ngộ-Không theo Thái Bạch Kim Tinh mô tả thì :

 

 
Tề Thiên đại thánh tướng không cao,
 
Hình giống Lôi Công chẳng khác nào.
 
Mặt thồn đầu tròn mình tóp vạt,
 
Lông nhiều miệng nhọn tánh bào hao.
 
Tay cầm thiết bảng oai như cọp,
 
Trán đội kim cô sáng tợ sao.
 
Mắt lửa tròng vàng tài phép giỏi,
 
Lòng nhơn hay cứu kẻ lao đao.

 
 
2)-Lý-Trí và Tài-Năng:

 
Đi thỉnh Kinh với cái "Tâm" không đủ, phải cần đến "Tài Năng và Lý-trí Sáng Suốt". Giống như trong cuộc sống muốn đạt đến mục đích, phải trải qua nhiều cuộc cam go, mà nếu chỉ có Ý-Chí hay Tâm thành thì không thể nào thành công đuợc. Phải cần đến Lý-trí và Tài Năng, đó là lý do tại sao nhân vật Tôn Ngộ-Không tham dự trong cuộc thỉnh kinh.

 
Tôn Ngộ-Không là Tài năng vì có 72 phép thần thông biến hóa khôn lường, có tài cân đẩu vân chỉ trong một khắc bay đến ngàn dặm trên mây, học trò của Tôn giả tu bồ đề. Tánh tình lý lắc, nhanh nhẹn, thẳng thắn, không nịnh bợ, nhưng nóng nảy và tự kiêu ….

 
Tôn Ngộ-Không là Lý-trí vì trong mọi cảnh huống Tôn Ngộ-Không biết phân biệt Phải Trái, quyết định theo cái nhìn tận chiều sâu của cảnh-huống và vấn-đề mà không bị chi phối bởi thất tình, lục dục (như Bát Giới hay Tam Tạng).

 
Lý-trí ưa phân biện, cho nên Tề thiên mới có con mắt lửa tròng vàng, nhìn một cái là thấy rõ bản chất và hiện tượng, biết ngay ai đúng là căn tiên cốt phật, ai đậy che dáng quỷ hình ma. Lý-trí cũng thích đả phá, ưa đả kích, cho nên khí giới của Tề thiên là thiết bảng (gậy sắt), để mà đập phá.

 
Tôn Ngộ-Không dùng Lý-trí để dẫn dắt, soi đường cho mọi hành động. Tuy nhiên cái khuyết điểm lớn nhất của Lý-trí là sự Nổi loạn, Nóng Giận, Cống Cao Ngã Mạn (Tự Kiêu), cho nên Tôn Ngộ-Không muốn có cái chức to ngang bằng Trời (Tề thiên: bằng Trời) mới thỏa lòng và Thượng Đế phải chiều theo để giữ sự bình yên:
 
"Ngọc Hoàng nghe tâu giật mình phán :
 
- Loài yêu nghiệt, cả gan dám xúc phạm thiên trào ! Các thiên tướng mau xuống bắt nó đem về đây.
 
Thái Bạch Kim Tinh tâu :
 
- Yêu hầu háo danh nói bướng, nó không biết chức nào lớn nhỏ. Nếu sai binh tướng đi bắt nhọc công , mà chưa chắc đã bắt được ! Xin Ngọc-hoàng hạ chỉ chiêu an, phong chức ấy cho nó, tưởng cũng không tốn gì lương bỗng, mà cũng chẳng hại gì của thiên triều. Chẳng qua đó chỉ là một hư danh.
 
Ngọc Hoàng phán hỏi :
 
- Sao gọi là hư danh ?
 
Thái Bạch Kim Tinh tâu :
 
- Thuở nay có chức Tề-Thiên-Ðại-Thánh bao giờ . Nay phong cho nó là hữu danh vô vị, không có phẩm trật nào, không có quyền cai trị ai . Như vậy nó sẽ an lòng, khỏi còn phá phách.
 
Ngọc Hoàng y tấu truyền viết chiếu, sai Kim Tinh hạ giới chiêu an lần nữa.".
(Trích đọan Tây Du Ký).

 
Từ đó Tề Thiên Đại Thánh lộng hành muốn lên trời xuống biển, quậy phá gì thì làm, không chút đắn đo, chẳng hề ngán ai. Đối với Trời vẫn tự xưng «Lão Tôn», trước mặt Trời vẫn nghinh ngang, đứng xổng lưng không chịu quỳ, ăn nói lôi thôi bất kể tôn ti trật tự, coi Thượng Đế không ra gì, giữ vườn đào tiên thì ăn hết vườn đào của Vương Mẫu nương nương vì nghe báo cáo rằng đào tiên này rất bổ dưỡng và làm truờng thọ:
 
"Thổ Ðịa thưa rằng:
 
-Nội vườn cộng hết thảy là ba ngàn sáu trăm cây, phía trước một ngàn hai trăm cây bông trái nhỏ, ba ngàn năm mới chín một kỳ, ăn nó thì thành tiên, nhẹ mình mà thêm sức. Còn giữa vườn một ngàn hai trăm cây, bông trái có từng, trái ngọt lắm, sáu ngàn năm mới chín một kỳ, ăn nó thì bay như chim mà trường sinh bất lão. Còn phía sau một ngàn hai trăm cây, chín ngàn năm mới chín một kỳ, trái có gân màu tía, nhỏ hột hơn hết, ăn nó thì sống bằng trời đất ".

 
Ấy thế là Tề Thiên Đại Thánh thích quá ăn gần hết vườn chẳng nể ai hết. Lại còn ăn trộm thuốc trường sinh của Thái Thượng Lão Quân, thách thức Phật tổ để rồi rốt cuộc mình là nguyên nhân của sự đọa dày cho chính mình nên bị Phật tổ nhốt vào núi đá. Điểm này cho thấy cái Nghiệp là do chính bản thân mình tạo ra nếu mình không kiểm sóat đuợc bản năng, thất tình lục dục:
 
"Thích Ca nói:
 
- Ngươi trừ phép trường sanh và biến hóa ra, còn phép chi hay nửa chăng, mà dám đòi nhường ngôi Thượng Ðế?
 
Tề Thiên nói:
 
- Ta có phép rất nhiều, 72 phép huyền công, luyện đặng trường sanh bất tử, và cân đẩu vân cũng hay, nhảy một nhảy hơn 108.000 dặm. Tài phép như vậy làm vua trời không xứng hay sao?
 
Thích Ca nói:
 
- Vậy thì ta đánh cuộc với ngươi, nếu ngươi nhảy khỏi bàn tay hữu của ta, thì ngươi hơn, ta bảo Thượng Ðế nhượng thiên cung cho ngươi, khỏi bề chinh chiến, còn ngươi nhảy không khỏi bàn tay ta, thì ngươi trở về trung giới tu ít kiếp nữa sẽ lên tranh đoạt .
 
Tề Thiên nghe nói cười thầm rằng:
 
- Thích Ca thiệt quê mùa quá! Lão Tôn nhảy một cái 108.000 dặm, sá chi bàn tay, dầu bao lớn, lại nhảy không khỏi .
 
Nghĩ rồi hỏi lớn rằng:
 
- Ngươi làm chủ việc ấy chắc không?
 
Thích Ca nói:
 
- Chắc .
 
Nói rồi xòe bàn tay hữu ra, bằng lá sen.
 
Tề Thiên cất thiết bảng, rồi co giò nhảy qua! La lớn rằng:
 
- Ta qua khỏi rồi .
 
Ngó quanh quất thấy năm cây cột đỏ như thịt, trên ngọn có mây xanh.
 
Tề Thiên nói:
 
- Mình nhảy xa quá, tới đây cùng đường rồi, thì Thích Ca bảo Thượng Ðế nhường ngôi cho mình chắc lắm! Song mình phải làm dấu, phòng sau đối nại với Thích Ca . Nghĩ rồi nhổ lông hóa viết mực, đề tại cây cột giữa, tám chữ rằng: "Tề Thiên Ðại Thánh đáo thử nhứt du". Nghĩa là: Tề Thiên đi chơi tới chỗ đó.
 
Ðề rồi lại đái xuống gốc cột thứ nhất một vũng, rồi cân đẩu vân trở lại, té ra cũng còn đứng trong bàn tay. Thích Ca mà nói rằng:
 
- Ngươi là con khỉ đái vất! Ra không khỏi bàn tay ta mà còn múa mỏ!
 
Tề Thiên nói:
 
- Ngươi có theo ta đâu mà biết, ta đi tới chân trời, thấy năm cây cột đỏ, trên ngọn có mây xanh, ta có làm dấu, ngươi không tin đi mà coi?
 
Thích Ca nói:
 
- Ta chẳng đi đâu hết, ngươi hãy cuối đầu xuống mà coi?
 
Tề Thiên trợn mắt dòm xuống, thấy ngón tay giữa của Thích Ca có đề tám chữ: Tề Thiên Ðại Thánh đảo thử nhứt du, dưới cộng tay cái còn bọt nước đái!
 
Tề Thiên hoảng kinh nói rằng:
 
- Kỳ không kìa! Ta đề tám chữ đó nơi cây cột chống trời, sao lại ở nơi tay nọ! Chắc họ có phép tiên tri, làm vậy đặng gạt mình, ta chẳng hề tin, đi coi lại một nữa .
Nói rồi nhảy lên một cái bị Thích Ca lật bàn tay xuống đất, năm ngón tay Thích Ca hóa ra năm hòn núi Ngũ Hành, chụp đè trên lưng Tề Thiên Ðại Thánh! ". (Trích đọan TDK).

 
 
3)-Là người mưu lược, tổ chức cho cuộc thỉnh kinh đuợc thành công:

 
Tề Thiên Đại Thánh nhìn là biết yêu quái hay không, bao lần Tam Tạng bị bắt, Bát giới bị bắt, phải làm sao mà chiến thắng được yêu tinh. Mặc dầu có Tài Năng, nhưng không phải lúc nào Tề Thiên Đại Thánh cũng thắng. Yêu tinh có nhiều nguồn gốc, có khi là con vật của các vị Tiên Phật từ trên trời xổng chuồng xuống trần hoặc là các yêu quái tu luyện lâu năm mà thành (như Hùynh Phong, Hùynh Bào, Hồng Hài Nhi, Ngưu Ma Vươmg, Lục nhỉ kiến hầu, Hùynh Sư...vv…). Phải điều tra ra gốc ngọn để chiến thắng. Những lúc như thế Tề Thiên Đại Thánh phải dùng mưu chước, dùng sự phân tích do tin tức thu lượm từ các vị thổ-thần, thổ-địa địa phương cung cấp để điều tra xuất xứ của yêu tinh rồi từ đó xin viện trợ của Chư Phật, Chư Tiên hay của Thượng Đế (về điểm này truyết lý Tam Giáo: Phật-Nho-Lão rất là hợp nhất). Vì có mục đích cao cả là đi thỉnh Kinh nên mỗi khi gặp trở ngại thì các lời thỉnh cầu viện trợ của Tề Thiên Đại Thánh đều được hết lòng ủng hộ của các vị chủ tể. Trong cuộc sống hiện nay có muôn vàn trở ngại, phải có sự phân tích, có kế họach đối phó và vượt qua, phải có sự phối hợp các tài năng khác nhau, phải có đuợc những tin tức và phương tiện thông-tin nhanh chóng để kịp thời ứng phó với cảnh huống. Ngành tin học (Information Technolology) được phát triển để đáp ứng nhu cầu đó, nhất là trong cuộc chiến tranh chống khủng-bố và cạnh-tranh kinh-tế sống động hiện nay:
 
"Còn Tôn Hành-Giả có chuyện ngủ không đặng, hết canh một ngồi dậy thưa với Tam Tạng rằng:
 
- Thầy ôi! Tôi xin thương nghị việc nầy với sư phụ .
 
Tam Tạng hỏi: "Thương nghị sự chi?
 
Tôn Hành-Giả thưa rằng:
 
- Ban ngày tôi khoe tài với Thái Tử. Bắt yêu quái như lấy đồ trong túi áo, bây giờ tôi nghĩ lại thiệt khó vô cùng.
 
Tam Tạng hỏi:
 
- Khó làm sao?
 
Tôn Hành-Giả thưa rằng:
 
- Thầy biết tụng kinh siêu độ, chưa xem đến luật Tiêu Hà chế rằng: Bắt ăn trộm ăn cướp thì có của tang làm bằng mới đặng. Nay con yêu ấy làm vua đã ba năm, ngày lâm triều với bá quan, đêm ngủ với Hoàng Hậu, tôi lấy cớ chi mà bắt nó, rồi mới hài tội làm sao ?
 
Tam Tạng nói:
 
- Thì ngươi luận sơ nghe thử .
 
Tôn Hành-Giả thưa rằng:
 
- Nếu tôi bắt đặng nó đi nữa, nó hỏi tôi rằng: Trẫm không phạm tội chi, sao ngươi hành hung bắt trẫm? Tôi có bằng cớ chi mà trả lời?
 
Tam Tạng nói:
 
- Ngươi là người thông thạo việc đời, tự ý tính lả nào mà giải oan kẻo tội nghiệp. Vì linh hồn cầu khẩn đã hết lời.
 
Tôn Hành-Giả cười rằng:
 
- Tôi mới tính đặng một kế, cũng như bắt ăn trộm có đồ tang, song tánh thầy ở chẳng công bình, e làm không đặng việc .
 
Tam Tạng hỏi:
 
- Ta không công bình làm sao?
 
Tôn Hành-Giả cười rằng:
 
- Thầy thấy Bát Giới ú quá, nên thầy cưng như trứng mỏng, chuyện chi cũng hay binh vực .
 
Tam Tạng nói:
 
- Ta bây giờ không tư vị nữa, ngươi tính kế làm sao?
 
Tôn Hành-Giả thưa rằng:
 
- Ðêm nay sáng trăng, Bát Giới đi với tôi đến giếng ấy mà vớt thây. Cái đó là tang vật. Mai vào đền mượn cớ trình điệp thừa cơ lấy thiết bảng đánh đùa, nó có bắt lỗi, đem thây ra làm tang tích, thì Hoàng Hậu khóc chồng. Thái Tử khóc cha, bá quan thấy vậy cũng động lòng, trông bắt đặng yêu mà trị tội .
 
Tam Tạng khen rằng:
 
- Phải lắm, phải lắm, song lại e Bát Giới không chịu đi .
 
Tôn Hành-Giả cười rằng:
 
- Thấy chưa, tôi nói thầy có tánh riêng tây, hay cưng Bát Giới; sao thầy biết nó không chịu đi, miễn thầy ở công bình, chẳng những là Bát Giới phải đi, dầu nó Cửu Giới tôi sai cũng được .
 
Tam Tạng nói:
 
- Tự ý ngươi, bảo đặng thì bảo, sai đặng thì sai, ta chẳng hề tư vị chi hết .
Tôn Hành-Giả mừng rỡ, đến giường Bát Giới nghe ngáy tiếng pho pho." (Trích đọan TDK).

 
 
4)-Khuyết Điểm:

 
a)-Tuy nhiên cái khuyết điểm lớn nhất của Tôn Ngộ-Không là Sự Nóng Nảy (SÂN), mặc dầu nguyên nhân đa số là do người khác chứ không phải do chính mình. Nhưng vấn đề là bất kể nguyên nhân từ đâu tới, Tâm không được Sân, không được động. Bao nhiêu lần bị Tam Tạng ngầy ngà, Bát Giới dèm pha Tôn Ngộ-Không đã sân giận bỏ dở đại nguyện đi Thỉnh Kinh nửa chừng, nghĩ rằng không phải do lỗi mình, nhưng rồi rốt cuộc vì thương thầy thương các em hay do sự dàn xếp của Quan Âm, Tôn Ngộ-Không cũng tiếp tục thỉnh kinh. Sân Giận bắt nguồn từ sự kém hiểu biết bản chất của sự việc, bởi Tôn Ngộ-Không không nghĩ rằng dù sao Tam Tạng cũng chỉ là ngiười phàm nên lòng còn trần tục bị chi phối nhiều của ngũ hành, lục dục, thất tình, nên ưa lo sợ, nhớ nhung, lầu bầu, phiền não. Một khi hiểu được bản chất này sẽ không còn trách cứ và từ đó nóng giận sẽ tiêu tan. Có ai trách cứ Gió làm biển động bao giờ vì bản chất của Gió là như vậy. Khi hiểu được điều này là Tề Thiên Đại Thánh đã gần đạt đạo rồi. Cuối đọan hành trình mức độ "Ngộ" của Tôn Ngộ-Không tiến triển thấy rõ, không còn trách cứ giận hờn gì ai nữa cứ chỉ mỉm cười chấp nhận mà thôi (Xem Phần 8-Con Đường Giải Nghiệp). Lòng phải như biển lặng thì ánh sáng của Lý-trí như hạt Minh Châu mới phát, để cho Sân Giận nổi lên thì khác nào gió bão gây ồn ào biển lặng, như tiếng sấm nổ, phá vỡ sự thanh tịnh của bầu trời quang đãng, là tự mình tiêu diệt sự Sáng Suốt của chính mình. Sáng suốt mất đi thì chính sự Sân Giận lèo lái mọi quyết định và hành động nên chỉ gây ra vọng động, phiền não hay nghiệp chướng, tội lỗi mà thôi. Phải vượt qua được trạng thái này thì mới tiến triển được. Ngọai vật bất động kỳ tâm dã là vậy.
 
"Tam Tạng cằn rằng hoài, cả canh cả buổi.
 
Nguyên Hành-Giả là cốt khỉ, tánh không chịu ai ngầy, thấy Tam Tạng nói nhỏ nói to, cà riềng cà tỏi, nín hoài không đặng, trợn con mắt giộc mà nói rằng:
 
- Thầy nói tôi làm không đặng Hòa Thượng, đi không tới Tây Phương, thôi thầy chẳng nói cằn rằn làm chi, để tôi trở về cho rảnh .
 
Tam Tạng chưa kịp nói lại, Tôn Hành-Giả nói lớn rằng:
 
- Tôi đi đó .
Vùng nhảy lên một cái, bay thẳng về hướng Ðông." (trích dẫn TDK).

 
Cái Sân Giận, nóng nảy cần phải có kỷ cương, khuôn phép mà trị. Đó là vòng Kim Cô niền trên đầu Tôn Ngộ-Không . Mỗi khi Tam Tạng niệm chú thì vòng Kim Cô xiết lại đau không thấu, đến nỗi người tài năng quyền biến như Tôn Ngộ-Không cũng chịu phép không làm sao mà thóat được. Như trong cuộc đời Lý-trí Tài Năng cũng cần đến kỷ luật, phương hướng, nếu không sẽ chao dao trôi dạt quá độ không còn biên giới và hậu quả không sao lường được. Sân Giận thì phải được đè nén và Lý-Trí, Tài-Năng phải được hướng dẫn bởi tâm lành, độ tha, đại lượng, đại nguyện.

 
Quan Âm giải thích lý do đặt vòng Kim Cô trên đầu Tôn Ngộ-Không như sau:
 
"Tôn Hành-Giả nói:
 
- Bà báo hại tôi hết sức! Ðã cứu tôi khỏi nạn, tôi cũng vâng lời theo kẻ thỉnh kinh. Sao bà lại bất nhân, để cái kim cô trên mão, gạt tôi đội mão ấy, truyền niệm chú nhức đầu. Phải là bà hại sanh cầu, sao gọi là từ bi cứu khổ?
 
Quan Âm nghe nói cười rằng:
- Ngươi là con khỉ nghịch mạng; nói không chịu phép, dạy chẳng nghe lời. Nếu chẳng niềng đầu, thì làm hung như trước, chẳng nghe lời thầy dạy biểu, nói động thì đi. Phải cho đội kim cô mới biết kiên thần chú ". (Trích đọan TDK)

 
b)-Khuyết điểm thứ nhì của Tôn Ngộ Không là Sự Kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo nên hám danh làm Tề Thiên Đại Thánh và dễ bị nói khích, dễ bị mắc kế của người khác. Như Sân Giận, Kiêu Ngạo che bít đi Sáng Suốt và là màn Vô-Minh ngăn cản sự thấy bản chất của đối tượng. Khi Sân và Kiêu Ngạo nổi lên là ta đã từ bỏ cái nhìn theo bản chất vấn đề để bước sang cái giải pháp nhằm phụng sự cái Ngã của mình.
 
" Tôn Hành-Giả nổi giận nói rằng:
 
- Khi ta giã từ có dặn như vầy: Nếu gặp yêu quái thì nói ta là học trò lớn của thầy, thì nó chẳng dám làm hại. Sao ngươi cãi lời ta?
 
Bát Giới nghe nói nghĩ rằng:
 
- Môi hỉnh chẳng bằng nói khích .
 
Nghĩ rồi nói rằng:
 
- Anh ôi! Phải đừng nói tên anh, hãy còn khá khá. Bởi vì nói tên anh nó mới làm dữ vô cùng!
 
Tôn Hành-Giả hỏi:
 
- Ngươi nói làm sao đó?
 
Bát Giới đáp rằng:
 
- Tôi nói: Yêu tinh đừng vô lễ mà làm hại thầy ta. Ta hãy còn một vị đại sư huynh là Tôn Hành-Giả, thần thông quảng đại, năm xưa phá tới thiên cung. Nếu anh ta đến đây, thì bây chết cả lũ.
 
Huỳnh Bào nổi giận nói lớn rằng:
 
- Mi tưởng Tôn Hành-Giả là tài lắm, dám chọc ta sao? Nếu nó đến đây thì ta lột da rút gân, ăn thịt và lấy xương mà làm thuốc. Chớ bộ nó ốm lắm, rán mỡ có bai nhiêu. Tại mi đem con khỉ mà nhát ta, nên ta làm cho khỉ ốm ra mặt. Vậy mới biết thấp cao .
 
Tôn Hành-Giả nghe nói nổi giận, trợn mắt cào tai, nhảy xuống hét lớn rằng:
 
- Sao dám mắng ta như vậy?
 
Bát Giới thưa rằng:
 
Xin đại ca bớt nóng. Ấy là Huỳnh Bào nói, tôi học lại cho anh nghe .
 
Tôn Hành-Giả nói rằng:
 
- Thôi em chờ ở đây . Ta phải đi đánh mới xong. Vì nó mắng ta nên giết nó báo cừu cho đã giận. Rồi trở về Thùy Liêm Ðộng chớ không theo bảo hộ Ðường Tăng .
 
Bát Giới nói:
- Miễn anh giết nó mà báo cừu, còn sự ở đi mặc ý ". (Trích đọan TDK).

 
 
5)-Trung nghĩa với Thầy (Lòng Nhân):

 
Mặc dầu nguyên gốc là Khỉ đá, kiêu ngạo, nóng giận nhưng trong bản chất Tôn Ngộ-Không có một trái tim tình cảm, trung nghĩa, thương thầy Tam Tạng và dám làm tất cả không sợ ai vì Thầy, ngay cả việc chất vấn Phật Quan Âm hay Phật Tổ Như Lai.
 
"Tôn Hành-Giả nói:
 
- Cứu ngươi khó gì, ngươi có biết thầy ở đâu chăng?.
 
- Sa Tăng rơi lụy nói rằng:
 
- Anh ôi, yêu tinh nóng ăn quá, không kịp nấu nướng chi hết; nó đã ăn sống thầy!
 
Nói xong lòng như dao cắt, lụy tợ mưa sa!
 
Không kịp cứu Sa Tăng, Bát Giới, Tôn Ngộ-Không nhảy lên mây về tới Ðông sơn, liền nhảy xuống núi cất tiếng khóc vang rằng:
 
- Thầy ôi, nghĩ lại khi trước tôi làm phản, bị đè tại Ngủ Hành Sơn, nhờ thầy cứu tôi khỏi nạn. Tôi quyết lòng đánh ma quỷ , bảo hộ thầy đến phật thỉnh kinh, chẳng ngờ mới nửa đường, mà thầy bị yêu ăn sống!:
 
Tôn Hành-Giả than khóc và nghĩ rằng:
- Chuyện nầy tại phật Như Lai không phải lắm. Ngài ở không, bên nước Cực lạc bày chuyện đặt ra ba tạng kinh. Phải như có lòng khuyên thiên hạ làm lành, đáng lẽ phải sai người đem kinh qua Ðông Ðộ, chẳng là để tiếng muôn đời! Ai dè tiếc của không chịu đưa ra, một hai bắt chúng ta đi thỉnh cho đặng! Té ra đi cách cả ngàn hòn núi, ngày nay bỏ mạng tại đây! Thôi thôi, ta đi qua ra mắt Như Lai mà thuật chuyện lại. Như chịu phát kinh cho ta đem về Ðông Ðộ, một, một là khuyên thiên hạ làm lành, hai là cho rồi cái chuyện của chúng ta. Bằng không chịu phát kinh, thì ta bảo niệm chú tông cô, đặng cổi kim cô trả lại. Lão Tôn về động cũ cho xong.". (Trích đọan TDK)

 
 
6)-Không bị Nhục Dục, Sắc giới cám dỗ :

 
Không như Trư Bái Giới còn bị sức hút của hồng trần, của thân thể tứ đại (Ăn, Ngủ, Tình Dục, Bài Tiết), Tôn Ngộ-Không đã thóat đươc cái thôi thúc của thân xác nên không luôn luôn nghĩ tới Ăn, Ngủ… như Bát Giới. Khi bi yêu tà cám dỗ, quyến dụ, Tôn Ngộ-Không thóat được dễ dàng (cảnh này làm nổi bật hẳn cảnh Bát Giới bị các yêu tinh lõa lồ nhền nhện quyến dụ được phân tích trong Phiếm Luận về Trư Bát Giới tiếp theo).
 
"Ðến canh hai trăng mới mọc, trận gió thổi ào ào!
 
Gió qua rồi, nghe mùi xạ thơm tho, tiếng thổi khua rổn rảng.
 
Tôn Hành-Giả nghiêng mình ngó ra, thấy một người con gái lịch sự bước vô.
 
Tôn Hành-Giả cố ý, cứ việc tụng kinh hê hà.
 
Nàng ấy bước lại gần ôm ngang Hành-Giả mà hỏi rằng:
 
- Tiểu hòa thượng tụng kinh gì đó?
 
Tôn Hành-Giả nói:
 
- Kinh hàng ma kinh .
 
Nàng ấy nói:
 
- Ai nấy đều ngủ hết thầy còn tụng làm chi?
 
Tôn Hành-Giả nói:
 
- Ðã vái rồi không tụng sao đặng?
 
Nàng ấy ôm riết Hành-Giả và hôn và nói rằng:
 
- Thầy đi ra vườn sau với tôi!
 
Tôn Hành-Giả làm bộ nghẻo đầu mà nói rằng:
 
- Thiệt cô không biết điều lắm! Lời xưa nói: Có đuyên ngàn đặm mới nên đôi, không nợ bên mình không kết bạn .
 
Nàng ấy nói:
 
- Sao tôi không biết điều! Sẳn đêm nay sao tỏ trăng rạng, thầy đi với tôi ra sân vườn mà chơi .
 
Tôn Hành-Giả nghe nói nghỉ thầm rằng:
 
- Nói vậy sáu sải kia cũng bị mê sắc mà chết! Nay ăn quen nó đến dụ ta .
 
Liền nói xuôi rằng:
 
- Nàng ôi! Tôi là người tuổi tác còn nhỏ, nên tôi không biết chuyện chơi!
 
Nàng ấy nói:
 
- Thầy đi theo tôi, tôi sẽ bày biểu .
 
Tôn Hành-Giả cười thầm nghỉ rằng:
 
- Thôi, mình đi theo nó, còn nó có bày biểu cách nào!
 
Hai người choàn tay ra tới sau vườn.
 
Nàng ấy ngéo chân Hành Giả vật nhào xuống đất mà kêu rằng:
 
- Anh ôi, anh ôi .
 
Và kêu và mơn trớn!
 
Tôn Hành-Giả thấy nựng niệu, sợ để lâu nó ăn thịt mình. Nghĩ rồi chụp tay nó mà vật xuống.
 
Nàng ấy nói:
 
- Anh ôi, anh ôi! Anh vật tôi làm chi?
 
Tôn Hành-Giả nghỉ rằng:
 
- Không thừa dịp nầy mà đánh nó mà đợi chừng nào chi bằng ra tay trước thì mạnh .
Nghĩ rồi hiện nguyên hình, hươi thiết bảng đập đại…." (Trích đọan TDK).

 
 
7)-Thâm nhập Kinh tạng :

 
Không chỉ Tài Năng, Quyền Biến để bảo vệ Tam Tạng trên đường thỉnh kinh chống lại yêu quái từ bên ngòai, Tôn Ngộ-Không còn là con người thâm nhập kinh tạng, người bảo vệ tinh thần cho Tam Tạng nữa. Tôn Ngộ-Không luôn luôn nhắc nhở và giải thích cái cốt tủy huyền diệu của Phật pháp cho Tam tạng, vì Tam Tạng còn xác phàm nên cái hiểu vẫn còn giới hạn trong thế giới Sắc Tướng, còn Tôn Ngộ-Không thì đã thóat ra khỏi thế giới vật chất này rồi:
 
"Cách một tháng đi đến cụm rừng kia, Tam Tạng nghe tiếng sóng bủa.
 
Liền hỏi rằng:
 
- Các đồ đệ ôi! Tiếng sóng ở đâu dữ vậy?
 
Tôn Hành-Giả cười rằng:
 
- Ba đứa tôi không nghe tiếng sóng, sao có một mình thầy nghe mà thôi, chẳng qua thầy nghi quá, nên quên hết tâm kinh!
 
Tam Tạng nói:
 
- Từ khi Ô Sào thiền sư truyền tâm kinh đến nay, ngày nào ta không đọc! Thầy quên câu nào ở đâu?
 
Tôn Hành-Giả thưa rằng:
 
- Thầy quên câu nầy: Vô nhãn, nhỉ, tỉ, thiệt, thân, ý. Nghĩa là: Không biết tới con mắt, lổ tai, lỗ mũi, cái lưỡi, cái mình, cái ý. Nên người tu hành, con mắt chẳng xem sắc tốt, lỗ tai chẳng nghe tiếng tục tiểu, lỗ mũi chẳng ngửi hơi thơm, cái lưỡi chẳng nếm mùi ngon, cái mình chẳng thèm sung sướng, cái ý chẳng hay vọng tưởng, ấy là trừ sáu môi giặc trong mình. Chớ thầy trong ý hay nghi sợ yêu quái, lỗ tai nghe tiếng sóng cũng giật mình, sao gọi là nhớ tâm kinh, e đi Tây Phương không đặng .
 
Tam Tạng nói:
 
- Ta nghĩ từ khi phụng chỉ ra khỏi Trường An, trải gió tắm mưa, ăn sương nằm tuyết, biết ngày nào đến Phật mà thỉnh kinh .
 
Tôn Hành-Giả nói:
- Thầy cứ nhớ quê hương hoài, thì đi khó tới Tây Phương lắm. Nếu bền lòng trì chí, lẽ nào thỉnh chẳng đặng bửu kinh . (Trích đọan TDK).

 
 
8)-Con Đường Giải Nghiệp :

 
Tôn Ngộ-Không tài năng như vậy mà tai sao phải đi thỉnh kinh ?. Đi thỉnh kinh là con đường Đạo để thoát ra khỏi cái vòng trầm luân của nhân quả, vì nếu tiếp tục sống trong vòng duyên nghiệp này ta sẽ lẫn quẩn trong vòng Sinh, Lão, Bệnh, Tử (Khổ Đế của Tứ Diệu Đế ). (Đừng quên Tây Du Ký là câu chuyên hoang đường để quảng bá Phật pháp). Sanh ra, lớn lên, lập gia đình, lo sự nghiệp, đẻ con rồi bệnh họan, rồi chết. Cứ vậy mãi… Cái vòng Luân Hồi ràng buộc đời sống với lề lối suy nghĩ trần tục: Tình, Tiền, Danh, Nghiệp vv….. Muốn thóat khỏi cái vòng lẩn quẩn đó, phải có con đường giải thóat. Con đường giải thóat nằm trong Kinh Phật mà tượng trưng qua cuộc hành trình thỉnh kinh của thầy trò Tam Tạng. Tôn Ngộ-Không muốn thóat khỏi cái nghiệp nặng trịch trong núi đá cần phải có cái Duyên của Quan Âm dẫn độ và phát đại nguyện đi thỉnh kinh. Thực ra Kinh kệ chỉ dành cho người trần tục, riêng đối với Tôn Ngộ-Không thì cuộc hành trình thỉnh kinh thì đã là thực hành giải nghiệp rồi, vì thế Tam Tạng mới gọi Tôn Ngộ-Không là Tôn Hành-Giả.
 
"Quan Âm nói:
 
- Ta vâng sắc Phật, đi xuống Ðông Ðộ tìm kẻ thỉnh kinh, đi ngang qua đây nên ghé mà thăm đó .
 
Ðại Thánh nói:
 
- Phật Như Lai nói gạt, đè tôi dưới núi nầy. Gần năm trăm năm, cựa mình không đặng. Xin Bồ Tát làm phước, cứu lão Tôn một phen .
 
Quan Âm nói:
 
- Ngươi làm tội đầy trời, nếu cứu ngươi ra, quen thói yêu càng không nên lắm .
 
Ðại Thánh nói:
 
- Tôi đã ăn năn chừa lỗi, xin ngài cứu độ, tôi chịu đi tu .
 
Quan Âm nghe nói quá đỗi mừng, mới nói với Ðại Thánh rằng:
 
- Ngươi muốn làm phải thì trời cũng độ cho, ngươi đã quyết tu hành, đợi ta xuống Ðại Ðường tìm một thầy thỉnh kinh, dặn ghé mà cứu, thì ngươi theo làm đệ tử, giữ phép Phật mà đi tới Tây Phương thỉnh kinh về, cũng thành chánh quả .
 
Ðại Thánh nói:
- Tôi chịu, tôi chịu." (Trích đọan TDK).

 
Vượt qua bao khó khăn chông gai, đối diện hằng ngày với cái Động của cuộc sống, của Tâm giới, phân biệt giả chân, giữa cái tâm điên đảo của lòai yêu quái và cái chân tâm của chính mình. Phải dùng luôn luôn đến lý-trí sáng suốt (Chánh Kiến, Chánh tư duy trong Bát chánh đạo) để đối phó với hòan cảnh, luôn luôn đề cao cảnh giác để vựợt qua những vọng động cám dỗ của yêu tà, trong mọi hòan cảnh giữ tâm luôn thanh tinh chống lại bản năng của chính mình. Đi thỉnh kinh là đi vào trong cái Động để tìm ra cái Tĩnh của Tâm hồn. Đi tu không phải là thụ đông, tự cô-lập với đời sống trần tục mà thực ra mở một cuộc chiến đấu mới, chiến đấu với yêu tà (thế giới vô hình) và những cái trần trược Tham, Sân, Si, Lục dục (Sắc, Thinh, Hương Vị, Xúc, Pháp), Thất Tình (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục) của con người và của chính mình. Chiến đấu với chính cái Tâm, cái Thân của mình vậy.

 
Trong những hồi đầu của Tây Du Ký, Tôn Ngộ-Không còn nhiều tánh tục như Nóng giận, Kiêu ngạo…nhưng dần dà trên đường thỉnh kinh, cái Ngã bị bào mòn dần dần và rơi rớt lại trên đường để thay thế vào bằng cái Nhẫn, cái Hòa, nghĩa là phải diệt bản Ngã trong người mình để hòa nhập với người với hòan cảnh. Đó là Nhẫn Hòa. Những lúc sau Tôn Ngộ-Không hiểu thầy, hiểu em nhiều hơn nên chỉ cười mà tìm cách đối xử chớ không còn hung hăng thú tính như trước nữa. Điều này làm nổi bật với Bát Giới vẫn tiếp tục với bản năng của mình.

 
Lý-Trí không bị bao che bởi Sân Giận, Kiêu Căng nên ngày càng sáng hơn trước như hạt minh châu. Con đường tu của Tôn Ngộ-Không đã đạt đạo.
 
"Bát Giới nói:
 
- Người phàm tác tệ đã xong, ai dè Phật Kim Cang cũng tác tệ, đã vưng chỉ Phật đưa về Ðông Ðộ, sao nữa chừng lại bỏ xuống, thiệt là không nổi tới lui, biết làm sao mà qua sông cho đặng?
 
Sa Tăng nói:
 
- Thầy đã hết tai phàm chắc không sa xuống nước, xin anh làm phép, đưa thầy qua sông .
 
Tôn Hành-Giả biết thầy còn mắc một nạn nầy mới dứt, nên không đặng nói ra, cứ cười và lắc đầu, nói:
 
- Không nổi, không nổi!
Sa Tăng không dám nói dai." (Trích đọan TDK).

 
 
9)-Từ tề Thiên Đại Thánh tới Tôn Ngộ-Không :


Quá trình tu tập, từ con người "tục" tới con người "đạo" phải qua cửa ngỏ hành đạo.
Điều này biểu lộ rõ trong tiến trình của Tôn Ngộ-Không.
Trước khi đạt đạo, Tôn Ngộ-Không còn "tâm tục" cống cao ngã mạn thích quyền uy to bằng trời nên là Tề Thiên Đại Thánh. Gặp Tam Tạng đi thỉnh kinh, mài dủa tâm tánh, hành đạo cực khổ, có pháp danh là Tôn Hành-Giả. Đến khi Ngộ đạo, pháp danh trở nên là Tôn Ngộ-Không và sau cùng là Phật.

 
10)-Bài Học từ nhân-vật Tôn Ngộ-Không :

 
Bước vào cuộc sống như bước vào cuộc hành trình đi Thỉnh Kinh của Thầy trò Tam Tạng.
Phải chiến đấu với yêu quái dưới mọi hình thức, do đó chúng ta cần trau dồi Tài Năng để chống lại nghịch cảnh.
Phải vun bồi Lý Trí sáng suốt để phân tích được các trở ngại mà hòan thành mục đích trong cuộc sống.
Phải biết quyền biến mưu lược nhìn ra rõ bản chất hay nguyên nhân của sự việc mà quyết định để đề xuất giải pháp đúng đắn.
Phải biết xử dụng những nguồn tin tức quý báu đúng lúc và cũng phải biết dùng đến khả năng của đúng người.
Phải khắc phục lòng Tự kiêu, Nóng Giận, và trấn áp được Bản năng trong người của mình, phát triển lòng Nhân để trở nên hòa đồng với người với hòan cảnh và nhất là luôn luôn gìn giữ cái TÂM thanh tịnh của mình.

 
Tôn Ngộ-Không là cái gương để chúng ta noi theo vậy .

 
 
Sau cuộc hành trình thỉnh Kinh, Tề-Thiên-Đại-Thánh đã đạt đạo và thành phật với danh hiệu Đấu-Chiến-Thắng Phật và được thờ phượng trong một số các quốc gia Á Châu cho tới ngày nay.

 

Cảm đề Tề Thiên Đại Thánh: 


 
Ngày xưa Đại Thánh tung hoành 
 
Một đường thiết bảng vang danh cõi trời 
 
Đến khi đạt pháp cao vời 
 
Ngộ Không để thấy cuộc đời vốn Không 
 

 
Trần Minh Khải 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 221080 visitors (421496 hits) on this page!