Chuyện bây giờ mới kể (tập 2)
19/12/2020

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (tập II )

TA SỐNG TRONG LÒNG NÓ

*Lại lên đường lần 2.

Nhật ký ghi:

"Tối chủ nhật 6.8.67 đi với ba xuống SG ở nhà anh hai Lưu tạm qua đêm để mai đi Bảo Lộc."

Anh Hai Lưu là con rể của bác Ba ( mà bác Ba là anh của ba) nhà ở đường Võ Tánh. Đêm đó hai cha con ngủ nhờ ở đây để sáng mai ra bến xe đi Bảo Lộc sớm. Lần này ba quyết tâm dẫn thằng con "dại khờ" lên nhập học. Ba còn hẹn hò với 2 ông già (cũng là thầy giáo) ,cũng có 2 thằng con đậu lên đó cùng đi cho vui. Đó là bác Trần Huyến ba của Trần Minh Tuyên và bác Thảnh ba của Ao Văn Thân.

Lần này mấy ông già thuê xe loại nhỏ ( gần giống như xe Matiz hiện nay. Hình như của hãng xe Minh Trung ?) để đi cho thoải mái và nhanh, thay vì đi xe 50 chỗ.

Thế rồi xế chiều đoàn người gồm 3 ông già và 3 thằng nhóc cũng tới nơi.

Mọi thủ tục nhập học đều có 3 ông già lo hết, 3 thằng nhỏ khờ khạo chỉ biết đứng ở ngoài văn phòng ,chờ người lớn vào làm việc.

Tui còn nhớ trên vách tường ,đối diện chỗ ngồi của bác Nhất là tấm bảng thời khóa biểu thiệt bự ghi giờ học toàn trường của học sinh.

Khi xem qua thời khóa biểu của lớp đệ tam, trong đó có môn thổ nhưỡng học.

Ba ông già hỏi nhau:

- thổ nhưỡng là môn gì he?

Lúc đó chợt trí thông minh đột xuất của tui trỗi dậy. Tui nghĩ đây là vùng cao, có người Thượng, là...."thổ dân" ,vì vậy tui phát biểu :

- chắc nhà trường dạy thêm sinh ngữ tiếng thượng ! Là thổ ngữ.

Ba ông già khen tui :

-thằng này hay nha !

Lúc đó trong đầu tui liên tưởng tới "thổ dân da đỏ" bên Mỹ cũng là dân tộc thiểu số .

Sau này khi vào học môn Thổ nhưỡng của thầy Thịnh tui mới vỡ lẽ ra cái từ chuyên môn thổ nhưỡng là nói về cấu tạo của... đất chứ hổng phải "thổ dân" ! He he , giờ nghĩ lại thấy mắc cỡ.

Và tui còn nhớ trước lúc ra về, 3 ông già còn xin vào phòng hiệu trưởng diện kiến và...."gửi gắm" mấy đứa nhỏ !

Hiệu trưởng lúc đó là thầy Nghiêm Xuân Thịnh tiếp phụ huynh rất vui vẻ trên tinh thần cầu thị . Thầy Thịnh có hứa sẽ giải quyết tiếp nhận nội trú trở lại khi điều kiện cho phép.

Đó là tui nói về thủ tục nhập học. Còn giải quyết về chỗ ở và cái... bao tử thì sao?

Chiều hôm đó không biết 3 ông già liên hệ khéo như thế nào mà tìm được chỗ trọ cho 3 thằng con khờ dại. Đó là nhà anh Quốc.

Nhà anh Quốc đối diện xéo xéo với nhà bố Trực, gần cổng sau của trường.

Ba của anh Quốc là công nhân tạp vụ của trường, được cấp cho cái nhà , ở chung nhà có vợ chồng anh Quốc ,lúc đó anh là cảnh sát làm ở thị trấn Bảo Lộc.

Sau khi đóng tiền cơm tháng đầu cho chị Quốc, tối đó 3 ông già ở lại đêm tại nhà một phụ huynh nào đó tại địa phương, (cũng có con mới đậu vào trường) mà mấy ổng mới làm quen để sáng hôm sau đón xe về Biên Hòa.

Khi 3 đứa tụi tui đến đây thì đã có sẵn một số học viên ở trọ rồi.(tui còn nhớ lúc đó Phan tấn Phương, Trương trọng Bính,... cũng có ở đây) Cộng thêm 3 đứa tui nữa là khoảng chục mạng. Mỗi ngày chị Quốc lãnh nhiệm vụ nấu ăn cho cái đám học viên nhí nhố này.

Trong quá trình sống chung thì vui cũng có và đôi khi không tránh khỏi va chạm, đánh nhau tóe lửa. Đánh đó rồi bắt tay hoà đó, rồi kéo nhau đi uống cà phê chung. Thời học sinh mà !

*Cuộc sống lưu xá

Nhật ký ghi :

"Tối thứ hai, 16.10.67 lần đầu tiên ngủ ở lưu xá B "

Thế là sau 2 tháng nhập học, bộ máy của trường dần đi vào ổn định, nhà trường ra thông báo : học viên ở xa mới nhập học năm nay (đệ ngũ và đệ tam) được vào nội trú ký túc xá của trường với điều kiện phải tự túc..... giường, chiếu ! Thôi cũng được đi,nếu vào được nội trú thì đỡ được khâu "ở", còn "ăn" thì nhà trường chưa giải quyết. Vì vậy giai đoạn đầu tui phải "chân trong chân ngoài". Nghĩa là ăn cơm ở nhà anh Quốc, còn ở thì phòng số 5, lưu xá B.

Tin vui này tui viết thư gửi về nhà cho ba má biết và không quên báo cáo là con mới mua.... cái giường sắt màu xanh dương kéo vô phòng 5.

Về cơ sở vật chất thì nghe nói trường được khánh thành năm 1955, thời Quốc gia Nông lâm Mục cơ sở vật chất ở mỗi phòng gồm giường 2 tầng sơn màu trắng có nệm mousse dầy cả gang tay, tủ đựng đồ mới cáu.Lúc đó còn chế độ sinh viên.( Tui từng có tạp chí Trẻ xuất bản năm 1963 có giới thiệu về ngôi trường này, trong đó có hình mấy anh sinh viên ngồi đàn thư giãn trong phòng lưu xá. Nhìn đồ nội thất lúc đó rất mới. Nhưng tiếc rằng qua thời gian xa nhà quyển tạp chí Trẻ đó bị thất lạc. Có lẻ mấy anh em tui ở nhà cho là sách báo cũ nên đem bán cho mấy bà ve chai. Tui tiếc hùi hụi.).

Và cho đến ngày tui bước vào nhận phòng số 5 , (tháng 10 năm 67) thì trong phòng chỉ có bốn cái giường sắt ọp ẹp, cũ kỹ, không có nệm, muốn nằm phải đi chặt mấy cây dã quì lót thêm phía dưới rồi mới đặt chiếc chiếu lên.(ở chung quanh trường lúc đó dã quì mọc như rừng ) . Còn nếu bạn nào "sang"hơn thì lót bằng tấm carton isorel hoặc mấy tấm bìa thùng mì.

Vì chiếc giường sắt được thiết kế là những thanh sắt mỏng được móc vào khung giường bởi cái lò so nhưng rất thưa. Nó chỉ phù hợp khi có nệm mousse, còn nằm chiếu thì phải....độn thêm dã quì. Đây là tui nói sự thật, không tô hồng cũng không nói xấu ngôi trường của mình từng học. .

Còn tủ thì cũng xuống cấp như.... giường. Tủ được đóng bằng ván ép, sơn màu đỏ. Mỗi phòng được một tủ dùng chung. Nhưng qua thời gian, cái thì mất cửa, cái thì long đinh, siêu vẹo...

Toilet thì trong đó hình như có 5 ngăn ( ? ) cầu tiêu và một bên là khu tắm giặt công cộng. Nhưng nhà cầu thì có 2 căn bị hư, nghẹt thường xuyên! Không còn giựt xã nước được vì một số vô ý thức cứ bỏ giấy vào lỗ cầu, kêu người đi thụt thông cầu thì vài bữa tắt thở trở lại

Chỉ trong thời gian không tới 5 năm ( từ 63-67) khi trường chuyển từ hệ cao đẳng qua trung học ,mức độ "tàn phá" thật kinh khủng !

Thứ nhất , ý thức gìn giữ của công của học viên quá kém. Thứ hai, tui nghe nói những khóa trước tui có những sự kiện bãi khóa, chống đối nhà trường bằng cách đốt nệm,chẻ tủ chụm (? )

Đây là tui nói về cái lưu xá B tui từng sống và chứng kiến, còn mấy lưu xá khác và nhất là lưu xá E của nữ thì tui không biết, nhưng chắc nữ thì.... tốt hơn

Trong phòng số 5 (còn gọi là phòng number five ) lúc đó có Hồ Văn Nớt, Lâm kiến Nghiệp, Trương văn Minh, Phan Văn Khôi cùng ban Thủy Lâm đã ở sẵn. Khi tui khiêng cái giường màu xanh vào để ở thì... hổng giống thằng Tây nào hết.( Tuy nhiên dân số mỗi phòng luôn biến động lúc tăng, lúc giảm, đổi người liên tục.)

Cái giường mua ở chợ Bảo Lộc (không biết thời giá lúc đó bao nhiêu vì trong nhật ký tui quên ghi, nhưng giá 1 ổ bánh mì nhận thịt lúc đó là 20đ.). Giường thuộc loại giường chiếc, khung bằng sắt sơn xanh, còn phần để nằm là tấm vĩ sắt có đục nhiều lỗ nhỏ được hàn dính vào khung giường.

( Sau này, khi vào ở lưu xá một thời gian, tui đi quan sát các phòng khác thì hổng thấy phòng nào có cái giường "lạ" như của mình !

Người mới vào lúc đầu nằm "ké" với bạn, sau đó từ từ cũng có dôi dư ra một cái giường nào đó để ..."rinh" về phòng mình. Vì dân số ở lưu xá liên tục biến động, người vô, người ra ngoài ở trọ, người về nghỉ luôn....

Lúc đó vì nóng vội nên tui ra chợ mua cái giường mới đem vào lưu xá, thiệt hổng giống ai. ).

Thế là cứ mỗi ngày tui ăn cơm nhà anh Quốc, còn tối thì vào lưu xá ngủ. Thời gian sau Ao Văn Thân cũng vào ngủ chung với tui, vậy là phòng tăng lên 6 người,5 giường.

Sau đó Trần minh Tuyên cũng rời nhà chị Quốc vào lưu xá thì được sắp xếp ở phòng số 1 gồm có: Thân, Tuyên, Trần Văn Phước (cùng là dân Biên Hòa) , Ao Văn Thinh và..... ai nữa thì tui không nhớ.

Còn phòng 5 thì nay có thêm Hồ Thanh Nhàn cùng ban Thủy Lâm. Như vậy phòng number five vẫn là 6 người.

Thời gian sau, nhà trường giải quyết cho tất cả học viên ở nội trú đều được ăn cơm câu lạc bộ, hay còn gọi là "nhà bàn". Từ đó chấm dứt thời kỳ "ăn cơm tháng, ở nhà trọ".

*Giải trí

Có thể nói thời gian đó, trường NLS Bảo Lộc được coi là"mạnh" nhứt khu vực thị trấn, mặc dù sĩ số học sinh không bằng trường trung học phổ thông.

- Thứ nhứt, khuông viên trường rộng hàng trăm mẫu, cơ sở vật chất bên ngoài nhìn vào ai cũng trầm trồ vừa đẹp vừa lớn.

- Thứ hai, nơi đây tập trung gần như dân "tứ xứ", người địa phương vào học rất ít nên quy tụ nhiều tài năng "vặt" như Văn nghệ, ca hát, múa, đàn và nhất là sinh hoạt cộng đồng.

Đặc biệt mỗi cấp lớp đều có ban nhạc riêng (gần giống như bạn nhạc The Beatles). Cũng đủ tay trống,bass, accord, treble và đàn rất điệu luyện.

Mỗi lần trường có tổ chức văn nghệ, có màn thi đua giữa các cấp lớp với nhau thật sôi nổi.

*Chuyện tranh cử

Nhật ký ghi: thứ ba, 19.12.67. Sáng nay không có giờ học, nằm ngủ nướng thì bỗng nghe tiếng đập thùng thiếc rầm rầm ở phòng khách của lưu xá. Chạy ra xem, thì ra tụi nó vận động bầu cử ban đại diện. Một đoàn gồm 3 xe Jeep của trường chất đầy học viên "phe ta" đi trong sương mù sáng sớm, loanh quanh các con đường trong trường và vào từng lưu xá để vận động."

Nói về chuyện bầu cử ban đại diện của trường mỗi năm tổ chức một lần. Chuyện vẫn động liên danh rất sôi nổi và rầm rộ . Cờ xí, biểu ngữ giăng đầy theo phong cách... Mỹ. .

Mấy liên danh tranh cử có buổi tranh luận tại Đại Thính Đường , hứa hẹn về chương trình sẽ thực hiện nếu đắc cử . Đôi lúc tranh luận rất căng và hào hứng như tranh cử..... tổng thống vậy. Sau đó sẽ bầu ra các ban như Văn nghệ, thể thao, học tập, báo chí,...., và quan trọng nhất là trưởng ban Kinh tế lo về cái ăn cho học viên toàn trường. Lúc đó ban đại diện nắm thu-chi đi chợ, còn mấy bác công nhân phụ trách nhà bếp chuyên lo nấu ăn. ( Mãi đến năm 1969 thì trường chuyển giao cho gia đình bà Cung, người Đà Lạt trúng thầu lo về bữa ăn cho học viên.)

Bình Dương, 15.12.2020

 Lê xuân Sang

(Mời đón xem tập 3 )


 


 


 


 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215344 visitors (409197 hits) on this page!