Miếu Bà Bàu Mướp. . .
08/7/2022

Phóng Sự:

MIẾU BÀ BÀU MƯỚP, NHỮNG ẤN TƯỢNG

Châu Đốc xưa giờ nổi tiếng với Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Lễ hội vía bà hàng năm diễn ra quanh ngày 23 tháng 4 âm lịch được nâng cấp lên Lễ hội quốc gia năm 2001, toàn khu núi Sam được tỉnh An Giang xếp thành Khu du lịch tâm linh văn hoá. Và thật sự mà nói không chỉ người dân trong nước, cả người Việt ở nước ngoài hàng năm nếu không về được, cũng gởi tiền cho thân nhân cúng Bà.

Mấy năm gần đây xứ Châu Đốc, chính xác là huyện Tịnh Biên lại nổi lên một Miếu Bà mới đỉnh đỉnh đại danh “cầu gì được nấy“ linh thiêng có phần còn hơn miếu cũ.

Đó là Miếu Bà Bàu Mướp, nằm ở Khóm Sơn Đông, thị trấn Nhà Bàng Huyện Tịnh Biên. Bà con nào đi lễ bà núi Sam xong, đi luôn theo quốc lộ 91 thêm 10 cây số, vừa qua cầu Trà Sư quẹo trái 1,2 km thì tới miếu bà. Nên đi sớm hơn ít ngày vì 19/4 âm lịch là ngày vía chính.

Tại sao trong vùng đã có một Miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng rồi mà cách xa chưa đầy 10 cây số lại có thêm một Miếu Bà Chúa Xứ nữa?

Vụ nấy tui chịu thua. Chỉ xin giải thích theo ý riêng như thế nầy:

- Miếu Bà Núi Sam thờ một pho tượng theo nghiên cứu của Malleret năm 1941 là tượng thần Vishnu (nam thần), có dáng người đẹp và quý phái đang ngồi trầm tư, có thể là một hiện vật của nền văn hoá Óc Eo. Ông Sơn Nam lại nói: tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa vào miễu thờ, sơn lại rồi mặc quần áo, đeo dây chuyền thành nữ thần. Tên chữ được thờ là Chúa Xứ Thánh Mẫu.

- Miếu Bà Bàu Mướp lại khác. Bà nầy tên thờ là Thánh Mẫu Tiên Nương nhưng thuần Việt vì có câu chuyện truyền miệng như sau: Khi Phật Thầy Tây An cho mở Trại Ruộng ở Thới Sơn, nơi đây có một cái bàu lớn quanh năm không cạn nước ngọt, mọc đầy cây mốp gai. Dân trong vùng đổ về đây gánh nước xài, Phật Thầy thấy vậy cho lập một cái miễu, chắc là một cách để rao giảng giáo lý Tứ Ân và để một nữ đệ tử trong Thập Nhị Hiền Thủ của Ngài trông coi. Khi bà mất đi, nhiều câu chuyện linh thiêng về bả hiển hiện, kiểu cầu được ước thấy. Người dân tri ân và lần hồi tôn xưng là Bà Chúa Xứ.

Như vậy là hai miếu thờ hai vị thần. Mỗi người có một vùng trị nhậm riêng, không liên quan tới nhau.

So với Miếu Bà Núi Sam thì Miếu Bà Bàu Mướp có nhiều điểm được chú ý:

- đường xe thông thoáng dễ đi

- có nhiều bãi đậu xe rất rộng

- khuôn viên Miễu gần 3ha. Đường nội bộ thiết kế đẹp, cây cỏ hoa lá, tượng đá, tượng thú… rất nhiều. Có cả một hoa viên bày trí công phu.

- có hòn non bộ hình như là lớn nhất miền Tây. Lớn hơn hòn non bộ trong chùa Kim Tiên vốn được ca ngợi xưa giờ.

- có tượng Phật Di Lặc cao to ngồi ngó xuống hồ sen rộng gần một mẫu, vốn là cái bàu có nhiều cây mốp gai đã nói ở trên, dân gian gọi riết thành Bàu Mướp.

- giữa hồ sen có một tiểu đình giống như chùa một cột, trong thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng rưới nước cam lồ cứu độ chúng sanh.

- 2 yếu tố trên cho phép người hành hương đến cúng bà cũng thuận tiện cúng viếng Phật, Bồ tát.

- có nhà ăn miễn phí, sạch sẽ rộng lớn phục vụ khách thập phương.

- tham gia làm từ thiện. Miễu có một đội xe cấp cứu 3 - 4 chiếc, túc trực để giúp người dân quanh vùng.

- chánh điện rộng rãi, sắp xếp bàn thờ bà trang nhã, võ ca treo biển “Hộ Quốc An Dân” cao cả…

Trên vách tường bên phải, nhìn từ chánh điện ra hồ sen, vẽ 18 bức tranh ca ngợi giang sơn cẩm tú kèm lạc khoản là những câu thơ như:

•Kỳ Lân, Anh Vũ, Ngũ Hồ/ Tam sơn lại nổi lên Vồ Sân Công, là tên các ngọn núi, vồ ở vùng nầy.

•Hoặc nhắc lại những câu chuyện thần thoại trong đời truyền đạo của Phật Thầy Tây An như: Chó con chết ở mương đầm/ Từ bi Thầy cứu mọi người đến xem;

•rồi: Mắc xương hổ rống đêm ngày/ Thầy sai Tăng Chủ đến liền cứu ông.

• rồi: Quê em ruộng lúa rừng tràm/ Cò đi sếu đậu cả đàn én bay .v.v…

Trong một bức, hoạ sĩ ký tên mình là Hùng Vẻ kèm số điện thoại đã chuyển đổi từ 11 số thành 10 số, đồng nghĩa là những bức tranh nầy mới được vẽ gần đây.

Nét vẽ đúng là trường phái tranh thờ của vùng Chợ Mới. Rất kỳ công. Tiếc là hơi “cải lương” và sai chánh tả nhiều.

Thành ra không cân xứng với những công trình chung quanh như các lối đi bên hồ với những tiểu cảnh được chăm chút, hoa viên kỳ hoa dị thảo, hòn non bộ cực đỉnh…

Đặc biệt là không tương ứng được với gian trưng bày đồ gỗ, tượng gỗ, đá kiểng … phía sau chánh điện.

Có vô đây xem tui mới biết những suy nghĩ trước đây của tui về những bộ bàn ghế chế tác từ gốc, rễ cây là hời hợt. Ở đây có những bộ bàn ghế, tượng gỗ như thế và chỉ có thể gọi là những công trình nghệ thuật. Từng nét khắc, từng nét chạm trổ trên một dạng hình cây rừng quý có sẵn là những tuyệt đỉnh công phu như: bộ hình hoa xuân, bộ tượng Bồ tát, bộ hòn non gỗ…

Điều thích thú là những bộ gỗ nầy luôn đi kèm với trưng bày đá kiểng. Vốn rất thích đá, tui ngỡ ngàng với những viên đá kiểng ở đây. Nó…kỳ khu, kỳ lạ, kỳ đặc và rất kỳ công.

Thôi nói nhiều quá. Xin giới thiệu với quý bạn một số hình ảnh đi kèm để các vị “tráng miệng” vậy.

• hình 1: đường vào miếu

• hình 2: cổng tam quan

• hình 3, 4: chánh điện, võ ca

• các hình bên ngoài

• hình tượng gỗ

• hình đá kiểng…

 

Đào Dũng Tiến

Có thể là hình ảnh về 6 người và ngoài trời
H1
Có thể là hình ảnh về 4 người và ngoài trời
H2
Có thể là hình ảnh về 3 người
H3
Không có mô tả ảnh.
H4
Có thể là hình ảnh về cây và ngoài trời
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196462 visitors (363123 hits) on this page!