Cái thuở ban đầu...
13/9/2020



CÁI THƯỞ BAN ĐẦU…

Trịnh Đình Nam

Nhà thơ Thế Lữ có 2 câu: Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên… trong bài “Lời than thở của nàng mỹ thuật”. Hai câu này hay đến nỗi có cả lời thơ nhái: Cái thưở ban đầu “ghê gớm” ấy…Tôi xin thuật lại “Cái thưở ban đầu…” khi đã 67 tuổi của tôi cho quý vị đọc cho vui.

Tôi bước vào “sự nghiệp” (nếu quả có từ ấy trong cuộc đời cùi bắp của tôi) “từng tưng” sau khi đậu Tú Tài 1. Nghĩa là khá trễ vì lúc đó tôi đã 17 tuổi rồi. Thằng bạn hàng xóm của tôi cầm cây đàn khảy từng tưng. Tôi thấy cũng hay, nên bắt chước nó. Có lẽ, tôi có duyên với “nghiệp” này, nên ông anh quen tôi bảo: Em đến chỗ anh lấy cây đàn của anh về xài. Anh có dư một cây. Mừng húm, tôi chạy xe lên doanh trại của Tiểu đoàn 3 Nhẩy dù đóng ở Ngã Tư Bẩy Hiền, rinh cây đàn này về. Làm sao đánh đàn được đây? Chạy lên nhà sách, thấy có bán”Bẩy ngày biết đàn Tây Ban cầm” của Giáo Sư Nam Phong, thấy ngon ăn, mua luôn. Hồi tôi học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ), có được học sơ qua về Đồ Rê Mi Fa, nên dở sách ra cũng phân biệt được nốt. Từ đó, tôi cặm cụi đối chiếu những nốt có trên dây đàn với nốt ghi trên bản nhạc, khảy từng nốt. Mới đầu, chưa thuộc được vị trí nốt trên cây đàn, nên nhiều khi phải để cây đàn ngửa ra trên lòng để bấm. Chu choa, ngón tay bấm vào phím, nốt không kêu, chỉ có miệng kêu xuýt xoa vì đau. Kệ! Có tiếng là được rồi, dẫu là tiếng kêu đau. “Có công bấm nốt có ngày tay chai”. Đầu ngón tay chai rồi, nốt kêu, miệng không kêu. Quá sướng. Kế đó, qua phần học bấm gam. Cũng vất vả không kém giai đoạn mò nốt. Cuối cùng, tôi cũng cầm được cây đàn đệm cho mình hát và cho người “đẹp” hát.

 Có lẽ, tôi mắc “nghiệp từng tưng”, nên một tối nọ, tôi thấy ông anh cho tôi cây đàn cầm một bài nhạc in Stencil. Nhìn tên tác giả, tôi liền hỏi: Ủa! Bài này do anh sáng tác hả? Anh cười, gật đầu. Tôi thấy bài nhạc khá ngắn và đơn giản. Tự dưng tôi nghĩ: Vậy sao mình không làm thử? Đúng là “điếc không sợ súng. Gà chết không sợ nước sôi”. Tôi a thần phù nhảy ào vào con đường viết nhạc. May nhờ tổ đãi nên có quý nhân phù trợ. Nguyễn Văn Thịnh, bạn tôi, học được của Nhạc sĩ Thiên Quang bao nhiêu. Dốc túi truyền lại cho tôi bấy nhiêu. Nhờ vậy, tôi tạm gọi có căn bản về nhạc lý trong việc viết nhạc.

Tôi viết nhạc như một trò giải trí trong lúc rảnh rỗi khi thi xong. Hoàn toàn không có một chút suy nghĩ về việc phổ biến. Tôi viết cho mình. Cho bạn. Vui vì có một thú tiêu khiển. Để lỗ mũi hểnh lên với người đẹp. Sau này, khi quen với Hương Hồ. Tôi đặt cho mình chỉ tiêu, một năm phải viết 2 tập nhạc. Một tập cho ngày sinh nhật và một tập cho ngày thành hôn, với lời đề tặng: Riêng cho Thu Hương. Người nông dân có lúa, có cây trái. Tôi làm nghề dạy học có nhạc. Cùng là cây nhà lá vườn. Thực ra, nếu tôi là một thương gia, chắc tôi sẽ không bao giờ có được quà tặng âm nhạc cho nhà tôi. Sẽ là một món quà có giá trị khác.

Tôi viết lai rai từ 1973 đến 1989 thì ngưng. Bởi vì, bây giờ trong đầu tôi 7 nốt chỉ còn sót lại 2 là” ĐÔ LA”. Tôi chạy theo Nhật, làm rớt hết 5 nốt. Những tập nhạc tôi viết, nằm trong tủ, phủ đầy bụi thời gian. Sẽ mãi phủ bụi thời gian, vì hầu như tôi đã quên, đã có một thời tôi sống “trên mây”. May nhờ có một quý nhân nữa xuất hiện. Tôi đọc lời bình trên Facebook của thầy Ngô Tứ Quan. Thầy có nhắc bài Hoài Cảm của anh Liêm. Tôi tò mò tìm đọc bài thơ này trên trang Web của trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Giai điệu bài nhạc hình thành trong đầu. Tôi mượn ý và lời của bài thơ viết nhạc phẩm: Nhớ áo nâu xưa (1) để tặng tác giả. Và tôi đã vô cùng hạnh phúc khi nghe bài hát này qua phần trình bày của ca sĩ Thu Trang. Phần hòa âm và thu âm do Sonar Production thực hiện. Bài hát có cả hình ảnh áo nâu Thu Hương cùng các bạn cùng lớp. “Vậy là mình cũng có thể nhờ Sonar Production thu âm các bài nhạc khác của mình?”, tôi nghĩ bụng.

Thoạt đầu, tôi không biết làm sao để nhờ Sonar được. Thiệt ngu lâu mà. Tôi cứ nghĩ phải về Việt Nam, gặp tận mặt người điều hành Sonar mới được. Covid-19 bùng nổ, thế là: Em ơi! Nếu mộng không thành thì sao? Tôi nhờ đứa cháu, mẹ nó là em gái của nhà tôi. Cháu Huy Hồ Vũ thay tôi, nhờ người hòa âm và thu âm bài: Cho em áo trắng ngày xưa. Chao ơi! 67 bẩy tuổi rồi mà tôi vẫn còn có được cảm giác “Cái thưở ban đầu ghê gớm ấy” khi nhận tin nhắn: Con gửi Bố Nam, Mẹ Hương(2) phần hòa âm trước. Nếu không có gì, con sẽ nhờ ca sĩ hát. Tôi và nhà tôi hồi hộp, lo lắng mở nghe phần nhạc không thôi. Ngất ngây, vui sướng không thể tả được cảm xúc của chúng tôi khi, dù chỉ nghe, phần nhạc của bài này. Tôi nhắn tin ngay cho cháu H.H.Vũ, nhờ cháu thực hiện nốt giai đoạn sau. Tôi lại nếm trải “Thưở chờ đợi ôi thời gian rét mướt” ở số tuổi đã chiều, rất chiều. Lại sống, lại chờ, lại hồi hộp khi mở E. Mail. Và bùng nổ tâm trạng: Em ơi! Có E. Mail của cháu Huy Vũ rồi. Vợ chồng tôi nín thở, lắng nghe bài nhạc qua tiếng hát của ca sĩ Tấn Phát. Các cung bậc cảm xúc thay phiên nhau, làm chúng tôi lăn qua, trở lại suốt đêm đó. May quá, sáng hôm sau là Thứ Bẩy, tôi gửi bài hát cho đứa con trai ở bên Oregon, nhờ nó làm dùm phần Video cho bài nhạc. “Để hình Hương Hồ vào hay không: Đó là điều bàn tới bàn lui” (3). Cuối cùng, nhà tôi không thích xuất hiện trong bài hát, nên đành dùng hình của người mẫu. Có phần Video. Bài hát được trình làng trên Facebook Trịnh Nam Hương Hồ. Lại thấp thỏm, không biết bạn bè, người quen đón nhận bài hát ra sao? Đi ra, đi vào hỏi nhau về số “view”, “comment” và “like” (4). Tôi nhớ lại hình ảnh của tôi đi qua đi lại trên hành lang Nhà Bảo Sanh khi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng. Hồi hộp, lo lắng, bồn chồn v.v… biết bao nhiêu là tâm trạng trong lúc đứng chờ vợ trước phòng sanh. Bây giờ, nhà tôi đã 6 bó rồi, sao tôi vẫn còn trải qua tâm trạng trông ngóng đứa con sắp chào đời hả trời? Chợt nhớ lại, các văn nghệ sĩ hay gọi tác phẩm của mình là đứa con tinh thần. Té ra là do cơn cớ này. Đang miên man trong dòng suy nghĩ, bỗng nghe tiếng nhà tôi: Em có gửi choT.Lan, sao vẫn chưa thấy tăm hơi gì? Chắc nó bận? Và nàng thêm: Đám bạn ở Phú Yên chắc chưa biết bài nhạc này đã đăng lên hay sao mà vẫn cứ là “ sự im lặng đáng sợ”. Nhìn đồng hồ. Trời ạ. Bên Mỹ là ban ngày. Việt Nam là đêm. Bây giờ làm gì có ai thức khuya dzữ dzậy để mà nghe. Một bài nhạc trình làng. Bao nhiêu là tâm trạng. Rối như canh hẹ vậy, quý bà con cô bác ạ.

Sau bài này, anh Vi Tuấn Đại đã giới thiệu cho tôi làm việc với anh Đăng, người điều hành công ty Sonar Production qua E. Mail và Messenger. Nhờ có P.H.Vân tài trợ 1 bài, tôi bèn gửi một lúc 2 bài cho anh Đăng. Hương Hồ hì hà hì hục lục lọi, sưu tầm hình ảnh cho bài Áo nâu ngày đó. Tâm trạng náo nức, hồi hộp đón chờ y như lần trước trở lại. Khi coi video của bài này, nàng chắc lưỡi: Xem rồi mới biết còn thiếu hình của bạn A, bạn B. v.v…Tôi nghĩ bụng: Trời! Tổng cộng là 34 tấm mà vẫn chưa đủ. Thế nhưng, hình ảnh kỷ niệm một thời đi học với bạn bè, bao nhiêu tấm cũng vẫn còn thiếu, phải không quý vị?

Đứa con gái tôi đi thực tập ở Tucson. Nhân lễ Labor Day được nghỉ, về nhà chơi. Sáng ra gặp chúng tôi, nó hỏi: Nhà mình chắc có thằn lằn (thạch sùng) hay sao mà đêm qua con nghe tiếng giống như tiếng chắc lưỡi của nó vậy? Để con gọi điện báo cho văn phòng chung cư biết. Tôi và nhà tôi nhìn nhau cười lớn, làm cho con gái tôi ngẩn mặt ra?!!! Chẳng lẽ chúng tôi lại bảo nó: Bố mẹ chắc lưỡi đó. Làm gì mà có thằn lằn nào ở đây!!!Chúng tôi chắc lưỡi vì thấy còn phải “mệt cầm canh” với việc lựa hình, việc chọn bài nào sẽ nhờ thu âm trước, bài nào thủng thẳng sẽ trình làng sau v.v… Mệt mà vui. Niềm vui khi nghe lại tâm sự, nỗi niềm của mình được các cung bậc trầm bổng diễn tả, được hát lên bằng giọng ca chuyên nghiệp, được ghi lại rõ ràng qua các thiết bị âm thanh chuyên dụng của Sonar Production.

Arizona, cuối Hạ

6 tháng 9 năm 2020

Trịnh Đình Nam

Chú thích:

1-Đường link của bài Nhớ Áo Nâu Xưa:

https://www.youtube.com/watch?v=ZJ5lda7XJKw

1-Cháu vẫn thân mật gọi chúng tôi bằng danh xưng trên

2-Tôi nhái câu: To be, or not to be, that is question trong kịch Hamlet của Shakespeare. Tạm dịch: Sống hay chết: đó là một vấn đề nan giải (theo đài VOA)

3-Xin quý vị bỏ lỗi khi tôi để nguyên các từ tiếng Anh, không dùng tiếng Việt, vì nó gần như đã thành ngôn ngữ Quốc Tế rồi

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 214072 visitors (407515 hits) on this page!