Đi tìm hồng nhan tri kỷ
14/8/2020



ĐI TÌM HỒNG NHAN TRI KỶ(***)

Để tìm cho đúng người, trước tiên ta cần biết thế nào là hồng nhan và tri kỷ nghĩa là gì? Theo Tự điển Hán Việt: Hồng nhan là người đẹp. Tri: bạn bè. Thí dụ cố tri là bạn cũ. Nhưng tri kỷ lại đưa chữ bạn lên cao hơn, xa hơn tựạ như kim cương dù chính là than dưới áp suất và nhiệt độ cao mà thành, nhưng không ai lầm lẫn đánh đồng than và kim cương, cũng như bạn và tri kỷ vậy.

Bỏ qua hai chữ hồng nhan, ta tự hỏi phải chăng mỗi một chúng ta đều có một khát khao, một kiếm tìm tri kỷ của đời mình? Như vậy, nhu cầu tìm tri kỷ không nhất thiết chỉ có phái nam mà phái nữ cũng có. Hình như, khi Thượng Đế tạo dựng ra con người, ngài đã cố ý lấy đi của chúng ta một cõi yên bình, một miền cảm thông, nên ta cứ phải đi tìm miền đất đã bị thất lạc đó, như đứa con hoang luôn trông chờ một ngày được trở về quê mẹ. Vì thế, chúng ta đi tìm một tri kỷ như là một sự trở về: trở về với chính mình. Nên ta chẳng lạ gì nỗi mừng vui, niềm hoan lạc khi ta bắt gặp, khi ta có được một tri kỷ trong đời mình. Ai cũng cần một tri kỷ. Già trẻ, trai gái, có đôi hay cô lẻ. Thậm chí nơi những người mất cân bằng tâm lý cũng cần và bác sỹ là người tạm thay vai trò người tri kỷ đó. Họ han hỏi để người bệnh bầy tỏ nỗi niềm chất chứa trong lòng. Để người đó trút bỏ được gánh nặng trong tâm hồn. Có lẽ, gánh nặng đó làm họ lệch sang một bên, làm họ mất sự bình thường chăng? Chúng ta có khác họ không? Theo thiển kiến của tôi, chúng ta không khác lắm đâu. Chỉ là ta kiểm soát được, một phần nào, tâm trạng hoang mang, lạc lõng, không người chia sẻ đó thôi. Chúng ta tìm tri kỷ của mình ở đâu?

Khi ta đầu bù tóc rối với, không những công việc, mà còn phải vất vả đối phó với đồng sự, với sự cạnh tranh, đố kỵ công khai hoặc ngấm ngầm, với những điều bất như ý về cấp trên hay thuộc cấp v.v…Ta muốn thầm thì hoặc nói to lên những uất ức, nỗi niềm của ta, nhưng ai là người tin cậy để ta có thể nói hết ra? Ai sẽ đến bên ta để chia sẻ và cảm thông hết mực tâm trạng của ta? Tri kỷ là người đáp ứng được điều mong mỏi đó. Và nếu ta có tri kỷ là đồng sự của mình thì cũng là chuyện dễ hiểu. Cùng hoàn cảnh, cùng môi trường, có điều kiện gặp nhau hàng ngày và có nhiều điều dù không nói ra, nhưng cả hai đều hiểu, đều thông cảm cho nhau. Chúng ta sẽ đi xa hơn cái giới hạn mong manh, do chữ tri kỷ vạch ra hay dậm chân tại chỗ, không ai có thể biết hay đoán được. Với tôi, vượt qua giới hạn đó, ta sẽ mất đi tri kỷ. Sẽ là sự nuối tiếc khôn nguôi về cái mà tôi đánh mất.

Với nhà văn Vũ Bằng, tác giả cuốn “Thương nhớ mười hai”, tri kỷ của ông chính là người vợ. Bà là người tri kỷ của ông, không hẳn vì bà có cùng sở thích tao nhã thưởng ngoạn thơ văn, mà là vì bà biết được ông thích ăn món gì, kèm theo đó là thức uống, theo từng mua đổi thay ở miền Bắc. Tùy bút của ông cho ta thấy con đường thần kỳ đi từ bao tử, lên trái tim và đọng lại trong tâm hồn. Ta chợt ngộ ra một điều, nhiều khi tri kỷ nào có ở đâu xa, nó ở ngay trong tầm tay, trước mắt ta. Nó bình thường như miếng cá đã được vợ ta cẩn thận gỡ hết xương ra, rồi bỏ vào trong bát, nói: Anh ăn đi! Em gỡ hết xương rồi. Nó là tô cháo nấu sẵn để trong tủ lạnh với lời dặn: Em đi ngủ trước. Khuya có đói, anh chịu khó lấy ra hâm cho nóng rồi ăn. Nàng biết ta mải mê, hý hoáy với câu chữ, với Đồ Rê Mi Fa quên cả ngủ. Thức khuya hẳn nhiên là sẽ đói bụng, nên lo sẵn cho ta.

 Nếu ta là người Trời bắt tội, ông ban cho ta một tâm hồn nhậy cảm, một trái tim nhiều cảm xúc, một đôi tay tài hoa. Những thứ đó “vận” vào thân, khiến ta viết được lòng của mình, vẽ được tình mình, hát được lời của con tim mình. Và có lẽ vì thế nên, trong một cõi rất riêng của mình, luôn có tiếng gọi mơ hồ nào đó, khiến ta như có như không một nỗi niềm, thôi thúc ta đi. Một cuộc hành hương có bắt đầu và không biết đến bao giờ mới đến đích. Chợt có một ngày, do một cơn cớ nào đó, ta gặp được người đọc được lòng ta trong câu chữ, là nét điểm nhãn cho rồng (1), là tiếng tơ hòa nhịp. Hồng nhan hay mỹ nam (2), tùy theo chủ thể là phái nam hay nữ, tri kỷ của ta đã xuất hiện. Ta không còn là: Em gối đầu sương xuống chuyện trò bằng bóng mình (3) nữa. Con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi có mặt. Nói, cười, nghe, chia sẻ cùng ta cảm xúc, tâm sự. Ta nhẹ lòng. Ta có được một thoáng lặng lẽ đủ để bình yên. Anh là tri kỷ của em. Là người em mãi tìm. Là phần thiếu sót khiến em luôn cảm thấy chênh vênh. Và ta cũng thế. Đôi người tìm được nhau trong tâm hồn đồng điệu. Tôi xin thành thật chúc mừng cho họ.

Để kết luận (4):

Ta mê mải rong chơi tìm kiếm. Bay nhảy trong cõi riêng của mình. Và có những người, đôi khi, hiện diện như là bóng trong cuộc đời của ta. Họ là chồng hay là vợ, tùy theo cái ta chủ thể. Cái bóng, thực ra, lại là phần quan trọng nhất của một con người. Bởi vì, nếu không có cái bóng, người sẽ hóa thành ma. Chúng ta phân biệt được người và ma, phải chăng chỉ vì người có bóng, còn ma thì không?

Arizona, mùa rực nắng

26 tháng 7 năm 2020

Trịnh đình Nam

Chú thích:

*** Do bài là Đi tìm hồng nhan tri kỷ, nên tôi không nói đến sự tri kỷ, tâm giao giữa những người cùng phái. Xin lượng thứ cho sự thiếu sót này

1-Trương Lăng Diêu, họa sỹ, thời Lương Vũ Đế (502-519) vẽ rồng không có mắt. Người ta thắc mắc tại sao? Ông bảo: nếu điểm nhãn cho nó, rồng sẽ bay mất

2-Tôi đặt từ Mỹ nam để đối với Hồng nhan. Thực ra, tri kỷ đâu ở sự xấu đẹp nơi khuôn mặt. Nó ẩn dấu trong tâm hồn, chỉ có người đồng điệu mới biết được

3-Thơ Thanh Tâm Tuyền. Phạm đình Chương phổ nhạc, tựa là Đêm Mầu Hồng

4-Riêng dành cho những người đã có gia đình

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 193414 visitors (350774 hits) on this page!