Một cõi đi & về
30/12/2020

     CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ.(Tâp V )

          MỘT CÕI ĐI & VỀ            

       *Nhật ký ghi:

"Thứ sáu, 29.3.68: bữa nay mình đi lên Bảo Lộc để chuẩn bị ngày 1.4 tựu trường cho đệ nhị lục cá nguyệt. ( Bây giờ gọi là học kỳ 2)

   Từ cổng vào, cảnh vật như cũ nhưng khi bước vào lưu xá thì như vừa qua cơn đại hồng thủy., phòng ốc tan hoang. Trước tình hình đó, Nớt xin ở tạm sau nhà cô Kim, Khôi ở với Tông lộc(nhà thầy Châu Kim Lang ?), Nhàn thì chưa lên. Đợi khi đầy đủ thì về lại phòng số 5."

Ghi chú thêm:

Hồi đó học viên ở xa có 3 cách cư ngụ:

1) thuê nhà bên ngoài trường ăn, ở luôn.

2) ở lưu xá nhưng có thể ghi tên đóng tiền ăn nhà bàn hoặc ăn bên ngoài, hoặc tự túc nấu ( lén ) trong lưu xá.

3) ở nhà giáo sư. Lúc đó theo thiết kế thì mỗi nhà giáo sư có phần trên gồm đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn. Còn phần phía sau (cách phần trước chừng 4m) là nhà kho hoặc bếp..? nhưng mấy giáo sư không ai sử dụng cả mà cho mấy em học sinh nào có nguyên vọng xin ở thì chấp thuận. Đây là loại "công dân hạng nhất", vì không khí ở đây yên tĩnh, dễ tập trung học hành. Còn thành phần ở lưu xá là " công dân hạng hai"vì ở đây tình trạng "xô bồ" , phức tạp, dễ ảnh hưởng cái xấu.

                                         o O o

         Sau thời gian nghỉ Tết dài quá hớp (gần 3 tháng do biến cố Mậu thân) trường thông báo nhập học trở lại. Thế là học viên lần lượt trở lại trường để học đệ nhị lục cá nguyệt.

Mình lên sớm vài ngày so với thông báo. Trường lúc đó còn vắng vẻ, lác đác chỉ vài học viên. Vào trong lưu xá thì hỡi ôi, như trận "tiêu thổ kháng chiến". Giường, tủ cửa nẻo chỏng chơ. Phòng số 5 chỉ có mình , Nớt, Khôi vừa mới lên.

Thế là 3 đứa hè hụi lựa và lôi mấy cái giường, tủ ưng ý ở mấy phòng khác về phòng mình. "Tranh thủ chớp thời cơ, đánh nhanh rút lẹ" hi hi .

Sau đó đến quán bà Tề nhận lại cái vali cá nhân, còn cái giường sắt màu xanh thì..... bán rẻ cho bả vì mình giờ đã có giường rồi. Hihi.

Đời mà!

Chuyện "chiếm hữu" giường , tủ diễn ra như mặc nhiên mỗi lần về nghỉ Tết và nghỉ hè như vậy đó. Lên sớm, tranh thủ chớp thời cơ.

o O o

*Nhật ký ghi:

Chủ nhật 4.8.68 bữa nay trở lại Bảo Lộc để chuẩn bị tựu trường lên lớp đệ nhị . Đi chuyến này có Thân, Tuyên và ba của Thân cùng đi.

Chiếc xe ọp ẹp, già nua cố lê trên con đường gồ ghề đầy hang lỗ. Nó rên xiết như muốn long ra từng con ốc vít. Thỉnh thoảng nó chúi sầm xuống cái ổ gà khiến hành khách phải ngửa nghiêng, để rồi lại trườn lên...

Đến Định quán, xe dừng lại để hành khách "xả bọng" và dùng cơm. Độ nửa giờ, xe tiếp tục lên đường. Cầu Là ngà sập đang được sửa chữa, chiếc xe rẽ qua con đường tạm và lướt trên chiếc cầu nổi.

Xe Hiệp lợi lật. Lúc ở Định quán thấy nó vượt trước xe mình nhưng bây giờ đang nằm lật ngửa ở ven đường, dưới bãi lầy. Hành khách kẻ bị thương, người gẫy tay kêu la thảm thiết. Chiếc xe của mình vẫn tiếp tục hành trình.

Lên đến nơi, hay tin thằng Nhàn "học nhảy" và đã đậu tú tài I , như vậy năm nay nó đương nhiên được học lớp đệ nhất, còn mình và mấy đứa chung phòng mới bước vào lớp đệ nhị! Buồn thiệt!

( Hồi đó trường có ân huệ là bạn nào đủ điều kiện thì làm đơn xin thi tú tài I, nếu đậu thì được lên học lớp đệ nhất luôn mà không phải trải qua lớp đệ nhị .

    Còn một chuyện nữa là chuyến này hộ tống thằng con cưng lên trường, ba của Ao Văn Thân muốn hỏi thăm tiền ăn cơm Kinh tế năm nay ra sao, có giảm được chút nào không nhưng nhà trường nhất quyết giữ giá là 3.000đ/tháng, (bình quân một ngày ăn là 100đ), quả là gánh nặng cho công chức khi con phải đi học xa.

Bữa hôm sau ba của Thân lên xe về Biên Hòa nhưng mình thấy ông có vẻ .....buồn buồn.

Chắc thành thông lệ. Năm ngoái nhập trường bị vấn đề lưu xá. Năm nay mới lên cũng vấp phải vấn đề này. Nhà ăn chưa hoạt động lại vì học viên chưa lên đủ. Cả bọn phải bánh mì cầm hơi. Nhàn có ý muốn ra thuê nhà bên ngoài ở, còn Thân, Tuyên thì trở lại nhà anh Quốc tá túc.

Vì cửa phòng 5 không biết tay nào chôm mất lúc nghỉ hè nên đồ cá nhân mình và Khôi đem gửi cho Tông Lộc( đang ở sau nhà của giáo sư).

Ở phòng bây giờ chỉ để tập sách học mà thôi. Nhiều lúc nghĩ mà nãn chí. Mong cuộc sống đi vào ổn định để yên tâm học tập.

Có bữa rủ nhau đi ăn ở quán cơm xã hội ngoài thị trấn giá 30đ/phần. Nhìn quanh thấy toàn là "dân" NLS Bảo Lộc ra "chìa pừng" . Cùng cảnh ngộ với nhau. 

*Nhật ký ghi:

      Thứ bảy, 24.8.68 ba của Thân lại lên trường lần nữa. Lần này ông dẫn theo thằng em của Thân là Ao văn Thinh để nhập học lớp 10 niên khóa 68-69.

Bác Thảnh lên đúng dịp ban đại diện đấu tranh đòi sụt tiền ăn xuống còn 2.200đ thay vì 3.000đ/tháng. Có mặt lúc này gồm: thầy Thịnh, cô Ngọc, thầy Hộ, thầy Thảo, thầy Huyên. Cuộc họp diễn ra rất căng thẳng, chưa ngã ngũ. Vì nếu giữ giá 3000 thì đa số phụ huynh nghèo rất vất vả, còn nếu xuống 2200 thì nhà ăn.... khó nấu !

Vì chưa ngã ngũ nên ngày thứ ba, 27.8.68 nhà trường và ban đại diện lại tiếp tục họp, mổ xẻ, bàn cải sôi nổi. Cuối cùng số tiền cơm.... xuống giá còn 2.000đ/tháng .

Đấu tranh thắng lợi. Ngon, bổ, rẻ.

*Nhật ký ghi:

    " Thứ hai,30.9.68 tối 19h, mình cùng Khôi lại nhà Tông Lộc chơi. Trên đường về lưu xá thì gặp Trần Tư, Anh Việt, Văn Bính ngang cột cờ. Bỗng phía sau có tiếng la hét, tiếng chạy huỳnh huỵch từ cổng cổng vào. Cả bọn ngạc nhiên đứng lại xem.

Thì ra Nguyễn Văn Nghĩ và Phạm thế Phong bị tụi ngoài garage rượt chạy về. Phong cầm con dao dài, Nghĩ cầm khúc củi hào hểnh thở và thuật lại câu chuyện bị tụi nó ví đánh ,thế là cả lưu xá ùn ùn chạy ra 'cứu bồ' như trẩy hội thiệt vui. Nhưng chả có đánh đấm gì cả. Đối phương thấy đông nên rút lui."

*Nhật ký ghi:

    "Trường thông báo nghỉ 10 ngày không nấu cơm ( 1.11 đến 11.11.68 ) vì học sinh về nghỉ lễ gần hết nên "không đủ kinh phí" nấu ăn. Nhưng phòng mình thấy nghỉ có 10 ngày về mắc công gửi đồ nên ở lại"chiến đấu".

Thứ năm, 1.11.68 cả bọn rủ nhau đi chợ mua thức ăn. Trước mắt hùn mỗi đứa 100đ định ăn 4 ngày. Số người ăn là: mình, Lê, Tuyên, Thân, Thinh.

Chi tiết:

7 kg gạo. 75đ

Bắp cải 1,2kg. 40đ

1/2 kg khô. 70đ

1 chai nước tương 32đ

1 chai nước mắm. 35đ

Dầu ăn. 15đ

Hộp quẹt diêm. 5đ

Dầu hôi. 22đ

_______

Tổng cộng= 394đ

   Khi về mình và Thân làm thêm 1 cái lò nữa , là những lon đồ hộp chế biến thành. Vậy là có 2 cái lò dầu hôi tự chế một cái nấu cơm, một cái nấu canh, lửa cháy rất tốt.

10h30 tất cả cơm canh xong xuôi nhưng phải đợi Thinh về vì nó bận đi chợ bán cải. Đến 11h cả bọn đói quá bèn xơi luôn. Khi ăn gần xong thì Thinh về,nó nói bán cải xong thì có ghé chợ .....nhậu luôn nên no rồi ! 

Ao văn Thinh còn nhớ không? .

Mười ngày hùn tự túc nấu ăn tốn mỗi người 440đ. Tính ra một ngày. 44đ , rẻ hơn cơm kinh tế nhiều, nhưng nếu sa đà vào nấu ăn thì thời gian đâu mà học.?!

Thứ hai, 11.11.68 bắt đầu ăn cơm Kinh tế trở lại sau 10 ngày nghỉ lễ.

*Nhật ký ghi:

   Ngày 1.12.68 lúc này tình hình trong trường bất ổn. Sau biến cố Tết Mậu thân, lịnh tổng động viên lan vào trường. Việc miễn, hoãn dịch xiết chặt thêm. Một số thầy, trò phải lên đường nhập ngũ. Vào lớp thấy vắng một vài bạn, hỏi ra thì mới hay đã...lên đường. Thầy đi, trò đi, lớp buồn hiu hắt. Lại còn nghe tin ông Tranh, kỷ sư nông nghiệp bỏ vào rừng.....

Nội bộ trường lớp lúc đó thật buồn và hoang mang. Thôi thì cứ trôi theo dòng đời...."

Bình Dương, 18.12.2020
   
Lê Xuân Sang

 (Mời đón xem tập 6 )









https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 195771 visitors (361454 hits) on this page!