Thương quá Hà Tiên
22/2/2023 

                                       Thương quá Hà Tiên

   Trăng rằm Nguyên tiêu lửng lơ treo ngay đỉnh Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, nơi diễn ra lễ kỷ niệm 287 năm Tao đàn Chiêu Anh Các.

Đã gần 11 giờ đêm. Gom lại một bàn duy nhất. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên vẫn tỉnh queo “trăm phần trăm” (quá nể) và còn ngồi đợi cây ghi ta…

Thiệt quá “lãng mạn” cho giao lưu “đàm đúm”. Hai anh em rán ở lại theo lời gia chủ nhưng “sức tàn lực kiệt”, chỉ “cầm hơi” được hơn nửa tiếng là chịu hết thấu,

Khều nhẹ Nhà thơ Lê Chí.

Lội bộ ra đường cũng mấy trăm mét, đã oải.

Hai bên đường nhà nào cũng đã tắt đèn, cửa đóng then cài

“Giác này xe ra thì có (khách) chứ vô đây ít lắm chú ơi…”

“Căng nha anh Bảy. Cũng 4-5 cây số về nơi mình nghỉ chứ bộ”

Làm gan “chặn” xe đang chở khách, nhờ bác tài tính giùm

“Dạ. Để cháu điện cho đứa bạn chạy vô rước”. Điện xong trao lại số điện thoại. “Nó tên Trường nghe chú. Hai chú đứng ngay chỗ này nha”.

Hú hồn. “Có chặt có chém cũng chịu”

Chủ xe là một thanh niên trẻ, gương mặt hiền lành, điển trai, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn

Khuya vậy, cũng chỉ 20 ngàn/người! Nhà thơ Lê Chí nhanh nhẹn móc bóp boa thêm

“Hai chú ngủ ngon nhé. Mai cần cứ điện cháu rước”

Người Hà Tiên dễ thương vô cùng

“Trâm ngọc non kia cài tận đỉnh/Đai vàng sông nọ thắt ngang lưng” (Lê Quý Đôn).

Núi sông nước Việt như trâm như ngọc.

Hà Tiên nhấn ngọc lên đai vàng cõi trời Nam!

Thơ văn Hà Tiên hay cũng bởi cảnh vật Hà Tiên đẹp

   Mới ra “Hà Tiên Thập vinh” với Đông Hồ ấn nguyệt (bình minh sông Đông Hồ), Tiêu Cự thần chung (chùa Tam Bảo), Kim Dự lan đào (núi Pháo Đài), Lộc trĩ thôn cư (cảnh đẹp Mũi Nai), Thạch Động thôn vân (thắng cảnh Thạch Động), Giang Thành dạ cổ (tiếng trống bên sông Giang Thành), Bình San diệp thúy (thắng cảnh trên núi Bình San), Châu Nham lạc lộ (thắng cảnh Đá Dựng)....

Cũng bởi được khởi nguồn từ tình người Hà Tiên

mà để lại cho hậu thế "Hà Tiên tứ tuyệt" (Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê, Trúc Hà)

Và nó vẫn thẩm thấu, thấm đẫm, chảy hoài đến tận bây giờ một “âm điệu” thơ văn nho nhã, nhân hòa, sang trọng, tinh tế; định dạng hẳn một phong cách (thơ) hướng về thiên nhiên cảnh sắc; khơi gợi giữ gìn những giá trị trước khắc nghiệt biến đổi khí hậu hôm nay

   Cứ đọc ấn phẩm Văn nghệ Hà Tiên xuân 2023 thì rõ, nhẹ nhàng nhưng đậm đầy nhân hậu, hòa ái, khắc khoải bao ký ức quê hương, nguồn cội (287 năm Tao đàn Chiêu Anh Các, Giao thừa có Cha, Miền nhớ, Hà Tiên - Vùng đất cổ kính nên thơ, Thăm Lăng Mạc Cửu, Điều đặc biệt của Đông Hồ…)

Người Hà Tiên dễ thương vô cùng

Hà Tiên lạ lắm!

   “Anh nên nhớ lớp người “Mình Hương” gắn bó đặc biệt với vùng đất mới bởi họ đã sanh sống rất nhiều thế hệ nơi đây”, Nhạc sĩ Thế Bảo tâm sự. Người “Mình Hương” (sang từ thời nhà Minh, khác với người Hoa di cư sau này) đa phần đã hòa huyết với người Việt, nói tiếng Việt. Tượng đài Mạc Cửu dưới chân núi Pháo Đài sừng sững ngay con đường dẫn vào thành phố gợi nhớ những cánh buồm lưu lạc xưa tụ về đây lập làng lập ấp tạo ra “miền đất phúc”. Con đường Mạc Thiên Tích (người tạo ra nền văn học Hà Tiên sáng lạn, đỉnh cao của người Minh hương đến khai khẩn Nam bộ) rực rỡ ánh đèn cho lễ diễu hành hôm nay. Đầm Đông Hồ, ao sen chân núi Bình San rực rỡ thuyền hoa đêm hội hoa đăng...

Độc đáo những con đường nhỏ, căn nhà nhỏ, cửa sổ lá sách, hàng rào gỗ cài bông trước cửa..

Chùa Tam Bảo, Bồ Đà, Phù Dung... trầm mặc ấp ôm bao huyền tích

Hương thơm ruốc cá đậm đà của tô bún kèn, vị nước dừa sền sệt ngậy bùi quyện với màu lam trong dĩa bánh tằm lá mơ…

   Chỉ riêng đô thị biên thùy cuối trời Nam này mới thấy xe điện xe lôi (không được gắn máy) ngộ đến vậy: rất nhiều kiểu dáng với đèn màu nhấp nháy dọc ngang khắp các tuyến phố. Tất cả đều là xe “chính chủ”, tự giác đều trân “một giá” (thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng/chủ xe). Hà Tiên có tới 130 xe kiểu này lận. Thành phố du lịch “xanh - sạch - đẹp - văn minh” đâu chỉ còn thấp thoáng

Dọc dài suốt lịch sử miền biên viễn này là sự sẻ chia, cưu mang, đùm bọc, giao hoà, nghĩa tình; năng đông mà trì chí, kiên cường của những con người nơi đây, cho những người tới đây.

   Thiệt lạ kỳ mối nhân duyên với thơ của “một cõi biên thùy một cõi thơ”. Khoảng giữa thế kỷ 16, Luis de Camões (1525-1580), nhà thơ được coi lớn nhất Bồ Đào Nha (kiệt tác Os Lusiadas) trong chuyến vượt biển qua vịnh Xiêm La bị bão đánh chìm đã được người dân nơi đây (sau trở thành vùng đất Hà Tiên) cứu giúp, cưu mang.

   Lại nhớ đến cái quán cafe “Ti La” hơn 50 năm tuổi trong khuôn viên rợp hoa lá của vợ chồng nhà “Hà Tiên học” Trương Minh Đạt - Nguyễn Phước Thị Liên. Ông cất công làm cái bảng to đùng trích nguồn giải nghĩa hai chữ “Ti La”. “Ti La” là “Dây tơ hồng”, bền chặt đạo nghĩa vợ chồng, quảng giao chân tình nồng ấm bạn bè bốn phương. “Một khi bạn đã đến Ti La, hẳn nhiên bạn đã là mối tơ của dây tơ hồng rồi đó”. Kết duyên kết giao “thi nhân mạc khách” cũng là một phần hồn cốt của Tao đàn Chiêu Anh Các xưa vậy.

Ngắm bầy chim câu dạn dĩ vui đùa với trẻ thơ trên đường Tham Tướng Sanh, ấm lòng lắm, “Chim Việt cành Nam” lúc tụ lúc tan rồi cũng đều về một mối!

Một năm mới vạn sự an lành, thêm sắc thêm hương cho miền biên viễn

Một năm mới bình an, nhiều lộc mới cho Trường cùng những đồng nghiệp

Nhớ lắm

Thương quá Hà Tiên

Vu Thongnhat

Có thể là hình ảnh về 3 người và ngoài trời 

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi và ngoài trời

(tác giả)

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196661 visitors (363370 hits) on this page!