Làm ruộng ngày xưa
15/18/2021


 
LÀM RUỘNG NGÀY XƯA
ĐÀO DŨNG TIẾN


Bài 1: CÂY TẦM ĐO ĐẤT


Người nông dân miền Tây ngày xưa làm ruộng như thế nào là một câu chuyện mà tôi nghĩ nhiều người muốn biết, nhiều lớp em cháu sanh sau năm 1975 và nhiều lớp sau nầy nữa muốn biết. Tôi cũng muốn ghi chép cho riêng mình như một kỷ niệm thời thơ ấu nhiều vui vẻ ấy.
Ngày xưa ở đây là ý muốn nói tầm những năm 60 của thế kỷ trước và trước nữa, lúc cây lúa Thần Nông với nhiều lợi ích thần kỳ chưa được đưa vào nước ta, tôi nhớ không lầm là từ những năm 67, 68.
Với những ngày xưa như vậy, làm lúa vẫn là công việc chính yếu của người nông dân. Chưa có cây lúa Thần Nông thì họ trồng cây lúa gì?
Họ trồng loại lúa sinh trưởng theo mùa, chủ yếu dựa vào nước mưa (và nước sông), gọi là cây lúa mùa địa phương. Nó khác với cây lúa Thần Nông ở chỗ, nó chỉ trổ bông vào thời điểm ngày ngắn đêm dài, rơi vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch hàng năm. Cây lúa Thần Nông cứ đủ ngày tháng là trổ, không kể tháng nào. Cây lúa mùa có gieo vào tháng giêng đi nữa, cũng cứ đứng đó đợi gió chướng về mới bung bông kết hạt.
Nhưng trước khi đi sâu vào việc trồng lúa, tôi muốn nói tới cây tầm đo đất. Vì muốn làm ruộng phải biết diện tích miếng ruộng để tính toán công cán, giống má, phân tro các loại, phải không?
CÂY TẦM ĐO RUỘNG CỦA NÔNG DÂN MIỀN TÂY.
Cây tầm đo đất là gì?
Đã có nhiều bài viết về chủ đề nầy ở nhiều trang mạng nhưng không có bài viết nào chính xác và đầy đủ.
Thí dụ như có tác giả nói rằng cây tầm gốc có chiều dài 2m60. Thật sự là không đúng.
Cây tầm thường làm bằng đọt tre, cây trúc và phổ biến là cây tầm vông. Yêu cầu của một cây tầm là phải thẳng, nhẹ và không dễ tà đầu hay gãy. Thẳng và không tà đầu khi sử dụng là để đo cho chính xác, còn nhẹ là để cầm đo được lâu.
Nó dài bao nhiêu? Nhiều tác giả cho rằng chiều dài của cây tầm là tự phát và không liên quan đến đơn vị đo thước mét của người Tây. Thật ra cây tầm xuất phát từ thước mét và nó chính là một cây thước dài. Đo một miếng đất lớn mà dùng cây thước 1m thì năm tháng nào đo cho rồi? Vậy sao không dùng cuộn thước dây có chiều dài 20m hoặc 50m? Lý do là đo bằng thước dây phải có 2 người, rồi có những việc đo bằng thước dây rất bất tiện như bỏ tầm công cấy sẽ nói sau.
Cây tầm gốc là cây tầm dài đúng 3m.
•Đo một miếng đất ngang 12 tầm, vô 12 tầm là một công đất. Công nầy gọi là công 12, còn gọi là công tầm lớn. Diện tích của nó là:
(3m x 3m) x (12 x 12) tầm vuông:
1.296 m2,
Một số bà con cũng quen nói khoảng xa bằng công đất. Thí dụ như nói hai nhà cách nhau chừng 3 công đất, nghĩa là 3 lần của cái 12 tầm nầy, 36 tầm, bằng trên dưới 100m.
• Đo một miếng đất ngang 10 tầm, vô 10 tầm cũng là một công đất. Nhưng là công 10 hay còn gọi là công tầm nhỏ, công tầm điền. Diện tích của nó là:
(3m x 3m) x (10 x10) tầm vuông:
900 m2.
Vì sao là tầm nhỏ? Vì công 10, 900 m2 nầy bằng với 1 công 12 nếu đo bằng cây tầm dài 2,50m!
(2,50m x 2,50m) x (12 x 12)tầm vuông: 900 m2.
• Vậy là ta đã có 2 cây tầm khác nhau. Cây tầm 3m và cây tầm 2,50m. Cây tầm lớn thường dùng ở miệt trên, ruộng đồng bao la như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau …Miệt dưới ít đất hơn nên thường dùng cây tầm nhỏ.
Đo đất bằng cây tầm tính công 12 như thế rất tiện. Có sẵn một pa-rem để đo. Nếu miếng đất có bề ngang 6 tầm thì chiều dài 24 tầm là đủ công. Tương tự như thế, người ta có 8 tầm x 18 tầm, 10 tầm x 14,5 tầm…
…..
Thành ra khi giao dịch đất đai người ta phải nói rõ với nhau là xài tầm nào? Còn trong tính toán công mần đã có quy ước ngầm: công cày công cắt là công 12. Công cấy là công 10 nhưng lại có cách tính khác làm cho cây tầm trở nên đa dạng.
Khi cấy lúa, giữa chủ ruộng và thợ cấy có quy ước: cấy đủ 9 bụi lúa cho 1 tầm. Chủ ruộng muốn cấy dày thì cây tầm đo ngắn lại 1,60 m hay 1,80 m, miễn thợ cấy cấy đủ 9 cây cho anh. Do đó, người chủ ruộng phải nói trước mình cấy tầm bao nhiêu và khi thấy thợ cấy cấy không vừa ý thì “bỏ tầm” để nhắc nhở.
“Bỏ tầm” là để cây tầm nằm dọc theo hàng lúa và đếm số bụi, phải đủ 9 bụi, thưa dày phải chỉnh.
Bỏ tầm ngang rồi bỏ tầm dọc, là bỏ tầm sâu vô hàng lúa đã cấy.
Thành ra cây thước dây không làm được chuyện nầy.
Mấy cô cấy lúa khom khom người, anh chủ ruộng thì luôn khoái cầm tầm đứng sau, lăm le bỏ thước. Mấy cô không biết mắc giống gì cứ vẹo qua vẹo lại. Ta nói một hồi trong ruộng ó ré um sùm. Vui gì đâu!
Về sau khi nhà nước ban hành thống nhất công 1.000 m2, thì cây tầm vẫn được sử dụng nhưng chiều dài chỉ là 2,633 m.



 
 Bài 2: DỌN RUỘNG MẠ
Có thể là hình ảnh về động vật, ngoài trời và văn bản
 
Trong bài viết trước có phần nói về cây tầm và các loại công đất ở miền Tây, được nhiều bạn quan tâm và trao đổi. Điều nầy khiến tôi phấn khởi. Xin cám ơn các bạn.
Trước khi đi vào nội dung chính của bài nầy, tôi xin nhắc lại:
- công đất, nói công tầm nhỏ hay công tầm lớn đều có nghĩa là đo và tính bằng tầm. Miếng đất nào đo đủ 144 tầm vuông là 1 công và gọi là công 12 (12 tầm x 12 tầm). Cũng có trường hợp đo tính bằng công 10, nghĩa là công đó chỉ có 100 tầm vuông (10 tầm x 10 tầm). Công 10 của tầm 3 m bằng với công 12 của tầm 2,50 m mà nhiều nơi như Tiền Giang, Bến Tre sử dụng.
- tuỳ ta dùng cây tầm dài bao nhiêu, sẽ quy ra diện tích công đất theo m2 là bao nhiêu.
- đo bằng cây tầm dài 3m, 1 tầm vuông là 9 m2, 1 công đất 144 tầm vuông bằng 1.296 m2, là công tầm lớn, còn gọi là công tầm cắt.
- đo bằng cây tầm dài 2,50 m, 1 tầm vuông bằng 6,25 m2, 1 công đất 144 tầm vuông bằng 900 m2, là công tầm nhỏ, hay công tầm điền.
-công nhà nước đo bằng cây tầm dài 2,633 m, 1 tầm vuông bằng 6,932689 m2, 144 tầm vuông bằng đúng 1.000 m2.
• Anh Trần Công Bình cho biết thêm ở Tân Châu gọi công nhà nước là công tầm quan. Một cách gọi hay, chính xác. Xin cám ơn và ghi nhận.
- khi cấy, do quy ước 1 tầm phải cấy đủ 9 bụi lúa nên cây tầm thay đổi tuỳ theo ý muốn cấy dày hay cấy thưa. Thí dụ muốn khoảng cách 2 bụi lúa là 0,20m, 9 bụi lúa có 8 khoảng nên phải dùng cây tầm dài 1,60m. Vì vậy 1 công tầm cắt có khi đo ra 4 hay 5 công cấy.
- còn một đơn vị nữa để đo diện tích đất là ước số của công gọi là: hồi. Một công bằng 6 hồi, 1 hồi bằng 24 tầm vuông. Thường dùng đơn vị nầy để đo miếng đất nhỏ như ruộng mạ hoặc là các phần không đầy công của đất.
VÀI NÉT VỀ ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH ĐỒNG BẰNG MIỀN TÂY
Trồng cây lúa mùa phải dựa hẳn vào nguồn nước tự nhiên ( nước mưa, nước sông ), nên tuỳ theo mức độ ngập của vùng đất mà có những kiểu canh tác khác nhau.
Về đại thể, trước năm 1975 khi chưa có hệ thống kinh đào thuỷ lợi chằng chịt như ngày nay, đồng bằng miền Tây có thể phân thành 3 vùng:
•vùng nước nổi: có diện tích lớn nhất. Mực nước hàng năm ngập sâu trên 2 m, có nơi hơn 3 m. Thời gian ngập thường kéo dài trên dưới 3 tháng. Vùng nầy tập trung ở An Giang, phần Đồng Tháp Mười của Long An, Đồng Tháp, phần giáp với An Giang của Cần Thơ, phần U Minh Thượng của Kiên Giang…
Đất canh tác rất rộng và phải chọn giống lúa nổi theo nước nên người dân làm theo cách quãng canh, sạ lúa, không gieo mạ cấy.
•vùng ngập sâu, có diện tích ít hơn một chút, mực nước ngập trong khoảng 1 đến dưới 2m và thời gian ngập cũng ngắn hơn. Tập trung ở phần còn lại của Cần Thơ, và Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, phần nằm giữa sông Tiền sông Hậu của Vĩnh Long, Trà Vinh. Vì nước ngập sâu nên nông dân có kiểu cấy lúa giâm, cấy 2 lần.
•vùng ngập nông, không có mùa nước nổi chỉ có con nước rong. Nước lên xuống theo thủy triều trong ngày và chỉ ngập khoảng 1 m trở xuống. Vùng nầy tập trung gần sông Tiền của Tiền Giang, Bến Tre, gần sông Tiền sông Hậu của Vĩnh Long Trà Vinh, gần sông Hậu của Cần Thơ…Diện tích nhỏ nên bà con có điều kiện bán thâm canh: gieo mạ, cấy lúa.
Bài nầy chỉ nói về việc dọn đất mạ của nông dân vùng thứ 3 nói trên.
DỌN ĐẤT MẠ
Hàng năm sau khi thu hoạch, đất còn ẩm, bà con đã thuê trâu cày ruộng. Yêu cầu cày sâu, lật tung mặt ruộng lên rồi phơi khô suốt trong mùa nắng. Việc làm nầy rất có lợi, phơi nắng làm hoai đất, cho đất nghỉ ngơi, tăng độ sâu của tầng canh tác, diệt trừ sâu bệnh. .v.v…
Đến khoảng tháng 3, tháng 4 năm sau (xin phép trong loạt bài nầy chỉ nói ngày tháng theo âm lịch), khi đã có những cơn mưa đầu mùa thì cày lại lần hai. Chưa cày thì cày dập cỏ.
Cuối tháng 5 đã có mưa thường xuyên hơn, bà con bắt đầu làm mạ.
Họ chọn trong ruộng của mình một khu đất bằng phẳng, tiện đường lấy và thoát nước, rồi đắp một bờ ngăn nhỏ chung quanh. Không biết vì sao bờ đắp nầy được gọi là bờ cơm nếp? Chắc có lẽ không cần cao lớn lắm, chỉ đủ cho việc ngăn nước ít và sẽ phá bỏ khi dọn đất cấy.
Diện tích khu làm mạ được tính bằng hồi và rộng hẹp tuỳ theo ruộng nhà nhiều ít. Gieo 1 hồi mạ lúa mùa trung bình sẽ cấy được 5 công cấy. Từ đó mà định ra diện tích ruộng mạ.
Trước ngày gieo mạ 5 - 3 hôm, nếu trong ruộng mạ không đủ nước, người ta phải lấy nước từ nguồn lên (mương vườn, sông rạch). Sau nầy có máy kohler thì khỏe hơn, còn trước đó, phải tát nước lên bằng gàu dai.
Gàu dai được đan bằng tre cật, kín bít như đan thúng và có hình dạng chiếc bánh ú . Người ta cột 2 cặp dây dài ở hai bên miệng và đáy gàu. Hai người đứng trên bờ nắm lấy dây, quăng gàu múc nước đưa lên ruộng. Ruộng mạ lúc nầy do có mưa nhiều cũng đã lấp xấp nước, tát thêm một buổi, nửa buổi gì đó là đủ cho trâu trục.
Ruộng mạ được bà con dọn rất kỹ. Trục nhiều lần cho thật chín ( tơi, nhừ ), cỏ nhiều thì bừa hốt cỏ lên. Sau đó để yên một ngày cho bùn lắng xuống mới khai nước ra.
Ruộng khai khô nước, lượm cỏ cho thật sạch. Dùng cây trang, cây chuối kéo cho mặt ruộng bằng phẳng và đánh luống. Một luống (líp) mạ thường có bề ngang chừng 3 m. Những rãnh luống vừa là đường thoát nước khi mưa bất chợt vừa là lối đi gieo mạ.
Thời gian dọn đất làm mạ như thế mất khoảng 5 ngày. Chủ ruộng phải tính việc nầy cho chắc để song song đó, ngâm ủ lúa giống cho đồng bộ.
Việc ủ lúa giống xin nói ở phần tiếp theo.

Có thể là hình ảnh về câu cá, đang đứng, cần câu, thủy vực và văn bản
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 197885 visitors (368287 hits) on this page!