Làm ruộng ngày xưa P4
16/8/2021


 
LÀM RUỘNG NGÀY XƯA
ĐÀO DŨNG TIẾN


       LÀM RUỘNG NGÀY XƯA

    ( Bài 4: CẤY LÚA )

Trong bài 3, viết về các loại giống lúa mùa ở miền Tây và việc ngâm ủ chúng, bạn Hiền Lâm Quang có cho biết thêm :

“ …bạn đã miêu tả tương đối xác thực với việc chọn và ngâm ủ giống, nhưng việc này tuỳ theo tập quán làm ruộng của từng vùng miền. Chắc các bạn chưa nghe đến việc ngâm giống bằng ghe lường (độc mộc) và ủ giống bằng cần xé ở miệt Sok Khleang hay Tà Dinh. Tôi xin bổ sung thêm cho đa dạng vùng miền hé! Còn về giống lúa thì tôi hoàn toàn thống nhất với bạn tuỳ nơi mà có tên gọi khác nhau. Riêng tại Sóc Trăng gồm: mùa sớm với các giống Ba Thiệt, Chùm ruột, Tây Cò, ...; trung mùa có các giống Bông Đinh (hạt gạo hơi bị điểm), Trắng tép (các lão nông nói rằng đây là giống lúa lai giữa nếp Tiên và một giống trung mùa khác), nếp Tiên, ... mùa lỡ thì Nàng Chô, ... trong đó giống Tây Cò và Ba thiệt là 2 giống mùa sớm đã chiếm lĩnh thị trường lúa gạo miền Tây và Sài Gòn ngày xưa chỉ thua kém Nàng Thơm Chợ Đào (nhưng sản lượng không đủ lớn) thời bấy giờ. Vài hàng góp vui cùng đồng môn. Mong được chỉ giáo thêm nhé! Thân”

( hết trích)

Thật thích khi có bạn đọc bài còn cho biết thêm một số thông tin, tư liệu lý thú. Xin cám ơn bạn Hiền và các bạn. Và xin được bổ sung vào bài viết vậy.

————

Gieo mạ được 3 - 4 ngày, cây lúa đã bám rễ. Mặt ruộng phớt một màu xám xanh của đọt lá non, nên dẫn nước từ từ vào ruộng. Không cần nhiều chỉ đủ ẩm cho đất và hạn chế cỏ dại. Theo chiều cao của cây mạ mà điều chỉnh mực nước.

Gieo mạ cuối tháng 5, đầu tháng 6 là định cấy cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Có một công thức tính tuổi mạ được IRRI phổ biến lúc cây lúa Thần Nông du nhập vào nước ta.

Gọi n là chu kỳ sinh trưởng của giống lúa tính bằng tháng thì tuổi mạ được tính bằng ngày theo công thức:

( n - 1 ) x 7

Ví dụ như chu kỳ sinh trưởng của IR 5 là 4 tháng, từ đó suy ra tuổi mạ là:

( 4 - 1 ) x 7 : 21 ngày.

Có tài liệu nói rằng lúc nầy cây lúa đã có đủ 6 lá, là thời điểm bắt đầu đâm chồi mạnh nhất.

Nhưng trong thực tế, công thức tính tuổi mạ nầy chỉ thích hợp cho cây lúa không ảnh hưởng quang kỳ. Còn cây lúa mùa thì không đúng.

Lấy chu kỳ sinh trưởng bình quân của cây lúa mùa là 6 tháng, tính tuổi mạ theo công thức trên là 35 ngày.

Lúc nầy cây lúa mùa còn rất non yếu. Tầm tháng rưỡi, 45 ngày là vừa nhất. Đôi khi vì ruộng sâu, bà con còn để cho cây mạ già thêm một chút. Sợ lúa không nở bụi thì bà con cấy dày.

Trước hôm định cấy một ngày, người ta lấy nước vô ruộng thật đầy rồi kêu công nhổ mạ.

Nhổ mạ vất vả và cũng phải chuyên nghiệp. Những người đàn ông bó miếng vải dầy, sau nầy là ruột xe vào ống quyển. Quơ tay hốt một nắm mạ vừa tầm ở gần gốc rồi giật mạnh nắm mạ lên khỏi mặt ruộng, đập mạnh vào chân đã quấn vải cho văng hết bùn đất. Để nắm mạ đó lên “ghế nhổ mạ”.

Gọi là “ghế nhổ mạ” vì nó được làm ra chỉ để nhổ mạ. Nó có một mặt bàn vuông vức 0,60 m ken bằng những miếng nẹp tre, có chân là một cây trụ nhọn để cắm ghế vào đất, sau lưng người nhổ mạ. Nhổ được 9 - 10 nắm mạ nhắm chừng đủ một bó, người nhổ mạ gom lại, dộng, so bằng trên ghế rồi bó.

Bó mạ có dây lùn, dây dừa, nhưng ở quê tôi người ta chỉ dùng cây cỏ tranh phơi khô, được chuẩn bị trước.

Người nhổ có lối bó mạ rất tài tình. Họ quấn dây thế nào đó, không có cột, không có ngoai, chỉ quấn và siết thôi mà bó mạ không bao giờ sút!

Tôi đã bắt chước biết bao nhiêu lần vẫn không làm được.

DỌN ĐẤT CẤY

Trước ngày định cấy cả tuần, chủ ruộng cho trâu trục đất. Nước phải lấy và giữ trong ruộng thật nhiều, ngập phủ hết những tảng đất cày lúp xúp. Ruộng nhiều thì cả một đoàn 5 - 6 đôi trâu, kéo đi ầm ầm trong ruộng.

Lội theo đoàn trâu trục không biết mệt mỏi và luôn miệng la hét là bầy con nít tranh nhau đập cá. Trục làm giạt nước ruộng ra hai bên, trâu đi qua, nước tràn phủ lại, kéo theo lớp ngớp những con cá vừa lên đồng trong những cơn mưa đầu mùa. Đủ hết nhưng nhiều nhất là cá rô, cá trê, cá chạch…Đứa nào bắt giỏi, suốt buổi trục xách cả xâu cá dài…

Một ngày công trâu tính cũng ngộ. Vì cùng là nhà nông, chủ ruộng và chủ trâu đều rất quý trâu nên đồng ý tính ngày trâu theo chiều cao…mặt trời.

Buổi sáng khởi đầu rất sớm khi mặt trời chưa mọc. Nắng lên tầm 10 giờ là thả trâu. Buổi chiều phải hơi xế xế và thả trâu khi “mặt trời gác núi”, mà xứ tui không có núi nên cứ tầm 5 giờ là cho trâu nghỉ. Cũng đúng vì sau đó cần phải cho trâu đi ăn no, mai còn có sức để làm. Dĩ nhiên là trong trường hợp “đông ken”, nhiều chủ ruộng cùng cấy một ngày thì giờ làm của trâu cũng bất kể, làm sao cho ai cũng không lỡ dở công việc của mình.

Trong ngày trâu trục, chủ ruộng còn phải lo cơm nước cho người đánh trâu. Ngày 2 bữa, bữa sáng khi trâu vừa làm được 1 tiếng, bữa chiều lúc đầu giờ. Thức ăn đơn sơ thôi, không ai đòi hỏi gì nhưng thật ra cũng rất vất vả cho bà chủ ruộng.

Và trong ngày trâu trục không phải ông chủ ruộng được ngồi khoanh chân trên bờ nhịp nhịp đâu. Phải cuốc chân bờ ra vì khi cày, trâu đi theo giọng “ví”, ngược chiều kim đồng hồ, đất lật ra bên phải nên luôn luôn úp vào chân bờ. Gặp chủ trâu điệu nghệ, khi cày xong họ cho trâu cày một vòng bờ ranh giọng “thá”, theo chiều kim đồng hồ, đất được lật ra trở lại thì quá khoẻ. Nhưng thường thì chủ đất phải cuốc giựt chân bờ. Mấy góc ruộng cũng phải cuốc vì trâu đâu có cày trục tới!

Người ta ước tính cần 1 ngày công trâu để trục chín một công đất tầm lớn. Từ đó mà tính ra số ngày trâu cần cho ruộng mình. Ngày xưa đất phù sa nhiều, năng suất lúa lại thấp nên 3 ngày công trâu trục bằng một giạ lúa. Công cày nặng hơn, một công đất cũng khoảng 1 ngày trâu nhưng tính 1 giạ lúa. Chủ ruộng có tiền thì quy ra tiền trả liền, chưa có thì đợi thu hoạch đong lúa cho công trâu. Không ai phiền hà hết.

Công việc trục đất phải xong trước cấy ít nhất một ngày. Chủ trâu cũng sắp xếp một đôi trâu trục lại nền mạ cho chủ ruộng sau khi nhổ mạ, và đã ban bỏ các bờ ruộng mạ.

GIÂM MẠ VÀ ĐO CÔNG CẤY

Giâm mạ là đặt để các bó mạ cho đều khắp ruộng. Người giâm mạ khéo nhìn bó mạ ước lượng được khoảng cách của chúng, làm sao cho cấy vừa đủ, không thừa để khỏi xách ra, không thiếu để khỏi thêm vào.

Vì ruộng lớn, đôi khi từ nền mạ ra tới cuối ruộng dài cả 5 - 300 thước, nên người giâm mạ dùng cây đòn xóc để gánh mạ đi. Đòn xóc làm bằng một phần thân cây cau chẻ dọc. Bỏ ruột và chuốt nhọn 2 đầu, mặt ngoài được gọt láng. Dài khoảng 2 m. Họ thọt đòn xóc vào giữa các bó mạ theo chiều đứng, lật cây đòn lại theo bề nằm rồi gánh đi. Người khỏe mạnh có thể gánh 8 bó mạ như thế.

Đôi khi đường ruộng quá xa, trong ruộng nước nhiều, người ta chẻ những miếng nẹp trúc, nẹp tầm vông dài 8 - 9 m, rồi luồn qua những bó mạ để kéo đi trong ruộng. Một dây mạ như thế có thể 2 - 30 bó.

Nhưng trước đó phải đo công cấy đã.

Như đã nói ở mấy bài trước. Công cấy quy ước đo bằng công mười, có diện tích 100 tầm vuông. Cây tầm đo công cấy thay đổi theo ý muốn của chủ ruộng. Cấy dày tầm ngắn, cấy thưa tầm dài, miễn sao mỗi cây tầm vừa đúng 9 bụi lúa.

Chủ ruộng muốn đo công 12, 144 tầm vuông cũng được nhưng phải nói trước và tiền công cũng khác.

Dùng chính cây tầm nầy để đo, cặm ranh công cấy. Công cấy thường được đo khứa cá theo bề ngang của ruộng và phân cách bằng những cây sậy cặm làm bông tiêu.

Trước khi cấy, thợ cấy sẽ nhờ người đứng ngắm cho họ chạy ranh bằng những bụi lúa cấy, cắm xa xa.

Thường thì buổi chiều, sau khi chủ ruộng đã đo công và giâm mạ, thợ cấy sẽ cấy bắt công trước cho nhẹ bớt công việc ngày hôm sau.

Lúc mới bắt đầu cấy, do chưa quen với ý muốn dày thưa của chủ ruộng, thợ cấy luôn muốn được “bỏ tầm” để họ điều chỉnh. Bỏ tầm là để cây tầm nằm dọc theo hàng lúa đã cấy và đếm coi đủ 9 bụi không? Từ đó mà cấy dày thêm hay phải thưa ra.

Nói thêm là để cấy lúa mùa, người ta dùng những cây nọc cấy. Nó là những khúc gỗ ngắn được đẽo gọt công phu và mỹ thuật. Dài khoảng 25 - 30 cm, có tay cầm. Thợ cấy cầm cây nọc xôm đất cho có lỗ rồi nhét bụi lúa vào. Những vùng đất nhiều đỉa, họ thường bọc một cục vôi ở đầu cây nọc. Khi bị đỉa đeo thì chấm đầu vôi vào con đỉa. Đỉa rớt ra mà mình không gớm tay.

….

Bữa ăn cho thợ cấy vì mùa nước rong, đôi khi lại mưa dầm, chủ ruộng thường nấu xôi cho họ. Ăn xôi cấy là một kỷ niệm rất khó quên. Trong cái lành lạnh của đồng ruộng mùa nước, người ta ăn nắm xôi lót bằng lá chuối với tép rang, dưa mắm, muối mè…ngon cực kỳ.

Má tôi không phải con nhà giàu nhưng tuổi niên thiếu được ông bà ngoại cưng, chỉ cho ăn học. Lớn lên theo kháng chiến rồi gặp ba tôi rồi cùng vô tù. Ra tù về quê chồng được nội tôi cho mượn 40 công đất làm ruộng sống.

Tôi nhớ mãi những ngày mùa ấy. Mới 2 - 3 giờ sáng, Má tôi đã lui cui trong chái bếp khói um, nước mắt vắn nước mắt dài nấu xôi cho ngoài ruộng. Má chưa từng làm mà sao xôi Má nấu quá ngon!

• Khi không ngày mai tháng 7 !





https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196367 visitors (363011 hits) on this page!