Ở xa
20/8/2020



Ở xa

Tôi vốn là loại người lười biếng di chuyển. Ở đâu, những muốn chỉ ở yên đấy, không muốn đi lại nhiều. Có lẽ, tôi chịu ảnh hưởng mẹ tôi. Bà lười đi ghê lắm. Chả thế mà bố tôi, do đời sống quân nhân, sau đó là công chức, thuyên chuyển qua bao nhiêu đơn vị, công sở, đi đây đi đó, nhưng mẹ tôi vẫn cứ ở tại Ngã Ba Ông Tạ, cho đến ngày bà mất. Thực ra, mẹ tôi cũng có thời gian, khoảng chừng vài năm, ở tại Ngã Tư Trung Chánh. Bởi vì, bố tôi làm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cách đó không xa. Bà chịu từ bỏ thói quen lười di chuyển, theo bố tôi về ở Ngã Tư Trung Chánh, bởi vì, nơi này cũng chỉ cách Ngã Ba Ông Tạ chừng 10 km. Hơn nữa, hầu như những người dân di cư từ Bắc vào Nam, cùng làng, cùng xóm với bà và cả người em ruột của bà cũng ở đó. Có lẽ, ở đó, mẹ tôi thấy được sống một cuộc sống ngày xưa, khi bà còn ở miền Bắc. Bà nghe được giọng Bắc, giống như bà. Những câu chuyện trong làng ngày xưa, thi thoảng được những người hàng xóm nhắc lại. ”Bác còn nhớ cái Mơ ngày xưa không?”. Hay “Cái thằng Huấn, con cụ Tứ làng mình, bác nhớ không? Nghe nói, bây giờ nó khá lắm.”.Cứ như thế, bà được xem lại những khúc phim quay chậm, tuy rời rạc, ngắn, nhiều khi buông lửng nửa chừng, nhưng có bà ở trong đó. Vai chính, vai phụ gì đâu cần biết, miễn là có bà tham dự, cùng chung một hơi thở, cùng chung một cảm xúc là được rồi. Tôi nhớ, một dẫy 6 căn nhà. Tất cả có chung một kiểu, muốn từ nhà ngoài đi vào bếp là phải đi qua một khoảng sân trống, không có mái che. Nhờ thế, có chỗ phơi quần áo, có nắng chiếu sáng cả bếp lẫn căn phòng gần sát với cái sân. Sáu căn nhà, chung một con đường thông thống ở sau, giúp cho mọi người có thể qua “ngõ sau”, đi lại gặp nhau. Trẻ con thì khỏi phải nó, chúng nó chạy loạn xạ, đuổi nhau từ nhà này sang nhà kia. Với chúng nó, không có nhà của tụi nó hay nhà của thằng kia. Chỉ còn một căn nhà. Căn nhà tình làng, nghĩa xóm. Thích nhất là khi chơi trò trốn tìm. Tên đi kiếm thường là thất bại, bởi vì, cái nhà to quá. Có nhiều chỗ trốn quá. Kiếm mỏi mắt, tìm mỏi chân. Đành phải chịu bị phạt đi kiếm hoài, không được làm người đi trốn. Trẻ con như chúng tôi thì thế. Cha mẹ chúng nó thì sao? Thứ Bẩy, Chủ Nhật những người đi làm được nghỉ. Mẹ tôi và những người hàng xóm tuy không đi làm, nhưng cũng chờ đến ngày cuối tuần, họp lại đánh chắn(1). Ăn thua không bao nhiêu, nhưng xem chừng cũng” máu me” ghê lắm. Mẹ tôi nói với tôi: Thi thoảng mẹ mới đánh, ăn thua nhỏ, không ảnh hưởng đến tiền bạc của gia đình. Có nhiều bà mê cờ bạc, bỏ bê con cái, đi chỗ này chỗ kia để đánh bài, nợ vay đầm đìa, gia đình tan vỡ. Mẹ chỉ chơi ở nhà mình thôi. Nhiều khi không muốn, nhưng vì thiếu chân(2),các bà ấy nói quá, nên mẹ mới đánh. Nếu có người tới thay, mẹ nhường cho họ liền. Mẹ tôi hà tiện, dè sẻn, tiêu xài có chừng mực. Nên hôm nào thấy mặt bà buồn so, tôi biết, bà bị thua. Và, ngược lại, thấy bà vui vẻ, tôi biết,hôm nay bà” đỏ bạc”.

Theo tôi thấy, đánh bài chỉ là cái cớ. Cốt yếu là mẹ tôi và những người hàng xóm, muốn sống được cái không khí ngày xưa. Một xã hội nông nghiệp, thu nhỏ trong ngôi làng. Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Ăn chơi trong làng, tất nhiên là không thể thiếu món cờ bạc được. Khi người ta nhớ, người ta muốn sống, muốn hít thở lại cái bầu không khí của hồi đó. Cái bầu không khí ấy, lạ thay, có chiếu bạc của tổ tôm(3),đánh chắn,tam cúc(4) và rút bất(5) gắn liền. Nên đánh chắn cũng là một cách để trở về ngày xưa. Ngày đó, mẹ tôi và các bà bạn áng chừng mười tám, đôi mươi.

Khi nhà tôi còn ở Trung Chánh, tôi khoảng 9,10 tuổi gì đó. Thỉnh thoảng, trong câu chuyện của người lớn, như bố mẹ tôi và các người quen, người cùng làng, cùng xóm, tôi cảm nhận được nỗi niềm thương nhớ miền Bắc của họ. Đâu phải qua nước ngoài sống cho cam, chỉ là từ Bắc vào Nam, cũng là một nước Việt Nam. Vậy mà, trong cách nhắc nhớ về các món ăn, nơi chốn của họ, tôi cứ tưởng là cha mẹ tôi đang sống ở một nơi nào đó, không phải là nước Việt của tôi. Tôi nghĩ, những quả sấu, quả mơ, quả nhót(6) của mẹ tôi, chắc là ngon ghê lắm. Món chả cá lăng, gỏi cá mè của bố tôi, không một món ăn nào sánh bằng. Trong hồi ức của họ, miền Bắc, quê quán xưa của họ, sao mà thân thuộc, sao mà thắm thiết đến thế. Đến nỗi tôi nghĩ, chắc bố mẹ tôi và họ coi miền Nam chỉ là nơi tạm trú chân. Nếu có cơ hội họ lập tức hồi hương.

Khi người thuê căn nhà của bố mẹ tôi, báo là họ đã mua được nhà. Gia đình tôi chuyển về ở lại căn nhà này-căn nhà ở Ngã Ba Ông Tạ. Mẹ tôi không còn được tụ họp chắn cạ(7) với các người làng nước của bà. Chúng tôi hết được chạy từ ngõ sau nhà này, ra đằng trước nhà kia nữa. Hết rồi cái không khí làng xóm. Bây giờ là nơi phố thị, có rạch ròi nhà riêng, cửa đóng then cài. Ở đâu phải theo đấy mà. Được cái khu Ngã Ba Ông Tạ này, cũng là nơi tập trung của những người Bắc di cư như bố mẹ tôi, nên trong câu chuyện của họ, tôi vẫn cảm nhận được nỗi niềm xa quê, bỏ xứ mà đi. Vẫn là các câu chuyện, thường kết thúc bằng: ……. …có nhớ không?

Theo giòng thời gian, tôi thi Tú Tài phần Một, Tú tài phần Hai, rồi vào Đại Học. Nhưng, vốn liếng lữ hành của tôi vẫn nghèo như xưa. Sau khi đỗ Tú Tài 1, tôi xuống Cần Thơ, thăm bà chị thứ hai của tôi đang làm việc ở đây. Qua được Tú Tài 2, tôi đi Long Xuyên chơi, vì có bà chị Cả của tôi lấy chồng ở đó. Tiện thể, tôi ghé xuống Kinh B, vùng này ở giữa 2 tỉnh Long Xuyên - Rạch Giá, nơi gia đình chồng của chị Cả tôi sinh sống. Xong, chỉ ngần ấy nơi. À! còn Vũng Tầu nữa chứ. Tôi đi Vũng Tầu với nhà ông chú, lúc tôi học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ). Lúc đó tôi chừng 10,11 tuổi gì đó.

Tôi đi ít như vậy, nhưng khi làm Thông Dịch Viên cho các đoàn thương mại Nhật Bản. Họ muốn đi đâu, tôi phải sắp xếp, đưa họ đi đến đó. Nhờ thế, tôi biết được hầu hết các miền của đất nước. Lúc đó, Việt Nam mới mở hé cánh cửa đón khách nước ngoài vào.Sài Gòn - Trung tâm kinh tế,thương mại-nơi được coi như là “văn minh”nhất nước, cũng không thay đổi bao nhiêu, so với thời kỳ trước 1975. Nên các tỉnh thành khác, hầu như, vẫn giữ được các nét xưa. Chỉ có điều, nó đã có dấu hiệu tàn phai. Tôi vẫn còn giữ nguyên được cảm giác lần đầu tiên đến Đà Lạt. Đà Lạt với cà phê LàngVăn, Đồi Cù, Hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở v.v…thật đẹp. Đẹp như những trang tiểu thuyết”Vòng tay học trò” của Nguyễn thị Hoàng. Tôi đã dậy sớm, đi bộ đến quán Làng Văn, ngồi thưởng thức ly cà phê nóng đầu tiên trong ngày.

Nhờ công việc mà tôi cũng đã ra tới Hà Nội. Tôi đã thuyết phục được ông khách Nhật Bản, đi cùng tôi, đến chả cá Lã Vọng. Món ăn này, tôi đã ăn bằng ‘tai’ no nê, ngay từ khi còn bé. Bố mẹ tôi đều khẳng định, món này chỉ có làm ở Bắc mới ngon. Ngon từ con cá dưới sông bắt lên, tới ngọn húng Láng xanh rờn, thơm ngát. Ngay cả sợi bún tôi vẫn ăn ở Sài Gòn cũng không bằng bún Hà Nội. Bởi vì theo mẹ tôi:”gạo ở ngoài Bắc có hương vị khác với trong Nam”. Thậm chí, mắm tôm miền Bắc cũng đậm đà hơn .Cái này thì tôi chịu thua, bởi vì, tôi không biết ăn mắm tôm, nên không biết nó khác nhau ở chỗ”mô”.

Tôi đi làm với Nhật khá lâu, có được vài mối thân tình. Có người hỏi tôi: Anh học tiếng Nhật ở đâu vậy? Ở Nhật hả?.Tôi cười cười trả lời: Tôi học ở Sài Gòn. Tôi chưa đi nước ngoài bao giờ, kể cả Kampuchea.

Tôi chưa xuất ngoại lần nào. Đi lanh quanh trong nước mà thôi. Vậy mà đùng một cái, tôi lại sang Mỹ ở. Xa ơi là xa. Cách ơi là cách. Có sống xa quê hương, mới hiểu được lòng hoài hương. Đến lúc này, tôi mới thật sự cảm thông được tâm tình của bố mẹ tôi –những người di cư từ Bắc vào Nam. Tôi cũng hiểu được tại sao bố mẹ tôi khen nức nở các thức ăn ngoài Bắc. Một bát rau muống luộc, giầm quả sấu xanh, thế thôi, nhưng vì nó được ướp bằng hương kỷ niệm, được nêm nếm bằng lòng nhớ thương, nên đã trở thành một món cao lương mỹ vị, không gì sánh bằng.Tôi cũng dần dần bưng cả Việt Nam sang Mỹ. Khi nhà tôi hỏi: Hôm nay trời thấp nhất là mấy độ? Tôi nói: 59 độ F, khoảng chừng 15 độ C. Lạnh bằng Đà Lạt ấy nhỉ? Hồi đó, lúc mình đi chơi Đà Lạt, buổi sáng mới có 16 độ, đã xuýt xoa rồi. Thở dài đánh sượt một cái, tôi tiếp: giờ này mà được ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng, thật không gì bằng…Nhà tôi im lặng, không nói gì. Một lát sau, nàng nói: Em nhớ bắp luộc. Bắp Mỹ ngọt, nhưng không dẻo bằng bắp Việt Nam. Cứ như thế, quả sấu, quả mơ, quả nhót của mẹ tôi nay biến thành bắp luộc, sầu riêng, xoài cát, khoai nướng ,v.v…Chao ơi là nhớ. Khi tất cả chung quanh mình lạ, lẽ đương nhiên, nơi cũ, chốn xưa là nơi để ta trở về, là nơi an ủi mỗi khi nhận ra thân phận khách lạ, quê người. Tự dưng, ta nhận vơ, ai ở Việt Nam cũng là người thân, kẻ thuộc. Một nơi, có thể ta chưa đến lần nào, nhưng vẫn có cảm giác quen quen, khi nghe người ta nhắc đến. Và kỷ niệm như cơn thác lũ ập về, nếu có ai đó khơi nguồn, xẻ lối.

Thỉnh thoảng, khi làm việc trong xưởng, nghe Tây í ới nói chuyện với nhau, bỗng dưng, tôi có cảm giác nghe như là ai đó đang nói chuyện bằng tiếng Việt. Giật mình nhớ lại, mình đang ở Mỹ mà….Té ra, mình cứ tưởng như thế, người ta nói tiếng Anh, tai lại nghe ra tiếng mẹ đẻ…Có chán không ?!!!

Tôi không biết “đôi mắt người Sơn Tây u uẩn như thế nào”(8). Tôi cũng chưa hề thấy nỗi niềm “luân lạc”(9) trong mắt những người Việt xa xứ khác. Nhưng, với riêng tôi, ở xa, không những u uẩn, luân lạc mà còn vụn vỡ trong lòng. Lòng đã vụn vỡ, thì còn có gì là nguyên vẹn đây ?!!!

 

Arizona,chớm Hạ về

7 tháng Năm 2016

Trịnh đình Nam

Chú thích:

1-Đánh chắn:một thứ bài lá,có 120 cây.Thứ tự từ Nhất(1),đến Cửu(9).Ba hàng:Văn,Sách,Vạn

2- Thiếu chân: đánh chắn phải có 5 người chơi mới được.Không đủ 5 người gọi là thiếu chân

3-Tổ tôm:dùng chung loại bài với Chắn, nhưng cách đánh khác Chắn

4-TamCúc: bài lá,có hai loại đen và đỏ.Thứ tự Tướng,Sỹ,Tượng,Xe,Pháo,Mã,Tốt.Cần 3 tay chơi.

5- Đánh Bất :bài lá, như Chắn, nhưng có thêm hàng Sừng.Có 38 lá bài.Ai có tổng  số các con bài quá 10 thì gọi là Bất.Giống như bài cào 10 nút gọi là bù.Thua hết.

6-Quả Nhót : loại quả chỉ có ở miền Bắc,to cỡ quả Nho,hình bầu dục.Khi xanh ăn rất chua,khi chín đỏ thì ngọt.

7-Chắn,Cạ:hai cây bài giống nhau,cùng hàng gọi là Chắn.Thí dụ hai cây nhị vạn là chắn nhị vạn.Khác hàng gọi là Cạ.Thí dụ 2 cây nhị vạn,nhị văn hoặc nhị vạn, nhị sách hay nhị sách, nhị vạn họp lại thành Cạ.

8,9- Thơ Quang Dũng,bài Đôi mắt người Sơn Tây


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 195726 visitors (361334 hits) on this page!