Tết Chol Chnam Thmay 2023
14/4/2023

TẾT CHOL CHNAM THMAY 2023 Ở VÙNG BẢY NÚI

   Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của người Khmer. “Chol” nghĩa là “Vào” và “Chnam Thmay” là “Năm Mới”.

   Hằng năm, lễ hội thường diễn ra vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch, bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian. Năm nay Tết được xác định vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4, nhằm 24, 25, 26 tháng 2 nhuận năm Quý Mão.

Về ngày tháng, xin nói thêm một chút:

- thứ nhất, âm lịch của Kampuchia năm nay là năm con thỏ. Không phải năm con mèo.

- thứ hai, tháng nầy trong lịch của người Khmer xuất phát từ Theravada là tháng Chét.    Theo sãi cả Antek Yaknô của chùa Kos Unh Deth, An Hảo thì 12 tháng trong năm của lịch nầy là: Chet, Vaisa, Yet, Asat, Srap, Phek Robok, At, Khadat, Metsê, Bot, Miết và Phokcat. Có lẽ là biến thể Khmer của 12 tháng lịch Pali là: Caitra, Vaisakha, Jyestha, Ashada, Sravan, Bhadrapada, Asvina, Karttika, Margasirsha, Pausa, Magha và Phalgana.

Sãi cả Yaknô cũng nói, ngày xưa Chol Chnam Thmay được định vào ngày có lúa mới (tháng Bot) nhưng thấy khoảng thời gian ấy không phải là nông nhàn nên chuyển qua tháng cuối mùa nắng đầu mùa mưa nầy, vạn vật bắt đầu sinh sôi tươi nhuận, người dân rảnh rỗi… thích hợp hơn.

Nguồn gốc của lễ hội Chol Chnam Thmay được lý giải bằng truyền thuyết liên quan đến câu chuyện chuyển giao tôn giáo từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo, xoay quanh cuộc đấu trí giữa Đại Phạm Thiên - Thần Bốn Mặt (Kabul Maha Prum) và cậu bé thông minh Thom Ma Bal, một tiền kiếp của đức Phật.

   Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một cậu bé tên là Thom Ma Bal rất thông minh, 7 tuổi đã biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng rất thán phục và thích nghe cậu thuyết giảng. Tiếng đồn về tài trí của Thom Ma Bal chẳng mấy chốc vang đến thượng giới. Các vị thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần Kabul Maha Prum trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.

   Thế là Thần Kabul Maha Prum nổi giận và thách Thom Ma Bal đấu lý. Thần đặt ra ba câu hỏi, bắt Thom Ma Bal trả lời trong vòng 7 ngày.

Sãi cả Yaknô nói ba câu hỏi đó liên quan đến 3 thời điểm của một ngày và cái gì là tối trọng của một kiếp người?

    Thom Ma Bal suy nghĩ suốt ngày đêm mà vẫn không tìm được lời giải đáp. Đến ngày thứ sáu, chàng đi lang thang mệt mỏi, thất vọng, ngồi nghỉ dưới cây thốt nốt, tình cờ nghe được lời giải từ hai con chim đại bàng.

    Đúng hẹn, thần Kabul Maha Prum tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thom Ma Bal. Chàng trả lời 3 thời điểm là buổi sáng buổi trưa và buổi chiều. Buổi sáng như phần đầu của thân thể, người ta phải rửa mặt, súc miệng nói những lời thơm đẹp. Buổi trưa như phần giữa ứng với trái tim phải giữ cho trái tim đập nhịp bình thường. Buổi chiều như phần chân tiếp xúc cùng mặt đất, phải giữ cho thanh thoát nhẹ nhàng cẩn mật.

   Thế là thần Kabul Maha Prum chịu thua và để cho các vị thần tiên thượng giới tự do đến nghe Thom Ma Bal thuyết pháp.

   Thần Kabul Maha Prum cũng không vì vậy mà quên khuyên các con gái của mình (các nữ thần Tê Vô Đa) hằng năm thay phiên nhau xuống trần gian để bảo vệ người dân hạ giới và phù hộ cho một năm bình an, mùa màng bội thu.

Từ đó về sau, hằng năm, bảy tiên nữ con gái thần thay phiên nhau xuống trần gian.

Giao thừa

   Thời khắc Giao thừa trong quan niệm của người Khmer không phải là 0 giờ 0 phút như Tết Dương lịch hay Tết Nguyên Đán mà căn cứ vào thời khắc tiên nữ (một trong 7 nàng tiên con của Thần Kabul Maha Prum) giáng trần. Vị tiên nữ này được cử xuống trần gian thay thế cho vị thần năm cũ để chăm lo cho người dân trong năm đó.

   Để biết chính xác ngày giờ đó thì chỉ có Vua Sãi ở Phnom Penh mới có thẩm quyền. Hàng năm ông đều phải ban hành một quyển đại lịch mới ( Maha Sangkran) trong đó ghi rõ giờ giao thừa.

Giao thừa năm nay là 16 giờ ngày 14 tháng 4 / 2023.

   Trong thời khắc Giao thừa, các bàn thờ được đặt ở những nơi trang trọng nhất để đón các vị thần linh và ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ, người Khmer thường bày mâm lễ vật gồm năm ngọn nến, năm nén hương, năm chén cốm, một cặp dừa, hai ly nước, hoa tươi và 11 loại trái cây để nghênh đón các vị thần linh và ông bà tổ tiên. Các thành viên trong gia đình ngồi hành lễ nghiêm trang trước bàn thờ, khấn vái, mong và tin rằng sẽ được ban phước lành trong năm mới.

• Ngày đầu tiên (Ngày Chol Sangkran Thmay)

   Hoạt động quan trọng nhất của ngày đầu năm mới đối với người Khmer là Lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran). Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội phẩm vật lên chùa. Lễ rước diễn ra vào giờ tốt đã được chọn sẵn, bất kể sáng hay chiều.

Đại lịch được đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng đi vòng quanh chánh điện 3 vòng trang trọng, vừa là lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, tùy vào cuộc rước có hoàn thiện hay không, rồi mới vào chánh điện làm lễ. Sau đó, tất cả vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới.

   Khi cử hành nghi thức rước đại lịch, một số chùa còn tổ chức dàn nhạc ngũ âm hoặc nhóm múa Chhay dăm với người dẫn đầu mang mặt nạ, tay cầm gậy múa mở đường… Kế tiếp là vị A cha đội mâm lễ vật trên đầu. Một người đi phía sau cầm lọng màu vàng che cho người đội mâm. Sau cùng là đoàn người tay cầm nhang, đèn đốt sẵn. Già trẻ tuần tự xếp hàng hai, hàng ba xuất phát từ hướng Đông, theo chiều kim đồng hồ, đi vòng quanh chánh điện, thể hiện sự cung kính đối với đức Phật. Khi đi đủ ba vòng, đoàn rước tiến vào chánh điện. Vị sư cả tiếp nhận quyển Đại lịch, đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón vị thần cai quản năm mới và tụng kinh cầu an. Những gia đình không tham gia rước Đại lịch tại chùa cũng có thể thực hiện nghi thức đón năm mới tại nhà…

• Ngày thứ 2 (ngày Wonbơf)

Ngày thứ hai diễn ra lễ dâng cơm và đắp núi cát.

- Lễ dâng cơm:

  Ngày thường, các vị sư, sãi mang bình bát đi vào phum sóc khất thực vào các buổi sáng. Nhưng với Tết Chol Chnam Thmay thì người Khmer trong phum sóc mang cơm đến chùa dâng cho các vị sư sãi, nghe tụng niệm kinh Phật.

   Mở đầu buổi lễ dâng cơm là lời tụng niệm, thuyết pháp của các vị A cha, sau đó các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn những người thân quá cố. Sau đó, các vị sư thọ thực và tụng kinh chúc phúc cho Phật tử và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Đó là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Khmer được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

- Lễ đắp núi cát:

   Lễ này được tổ chức vào chiều ngày thứ hai của tết Chol Chnam Thmay, nhằm thể hiện công sức, lòng thành của người tham gia đắp núi cát. Mỗi hạt cát đắp lên thành núi sẽ giải thoát được một kẻ có tội ở thế gian. Vì thế, người Khmer rất yêu thích đắp núi cát, để mong Đức Phật ban phước lành.

   Ngày nay, một số chùa thay núi cát bằng đắp núi lúa, núi gạo. Số lúa và gạo sau đó được dùng vào việc cung cấp lương thực cho các vị sư sãi hoặc hỗ trợ cho dân nghèo.

• Ngày thứ 3 (Ngày Lơng Săk)

Vào ngày thứ ba của Tết Chol Chnam Thmay, bà con Khmer tiến hành Lễ tắm tượng Phật và Lễ cầu siêu.

- Lễ tắm tượng Phật thường diễn ra vào buổi chiều. Các vị A cha đặt tượng Phật vào thau lớn có hoa tươi, nước tinh khiết ướp hoa. Vị A cha đọc kinh, các vị sư sãi dùng cành hoa nhúng vào nước thơm tắm tượng Phật. Sau khi làm lễ tắm tượng Phật ở chùa, trở về nhà, người Khmer tiếp tục làm lễ tắm tượng Phật ở gia đình.

Nghi lễ nhằm mục đích bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Phật, rửa sạch những điều không may của năm cũ và đón những điều may mắn trong năm mới.

- Lễ cầu siêu: Sau khi kết thúc lễ tắm tượng Phật, tắm sư sãi, mọi người cùng các vị A cha tập trung tại khu vực tháp đựng hài cốt để cầu siêu cho linh hồn các nhà sư viên tịch và những người thân của mình được siêu thoát.

Lễ cầu siêu là nghi lễ cuối cùng kết thúc Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer.

   Tháng 4/2023

    Đào Dũng Tiến
   * NLS/CT


Có thể là hình ảnh về 1 người và đền thờ
cổng chùa Kos Unh Deth An Hảo,
Có thể là hình ảnh về hoa
 biểu tượng năm con thỏ của chùa Kos Unh Deth,
Có thể là hình ảnh về 1 người
sãi cả Antek Yaknô bên biểu tượng năm của chùa,
Có thể là hình ảnh về 1 người
cổng chùa Krum Dua Tua Sophi Tri Tôn
Có thể là hình ảnh về đền thờ
khu trưng bày Chúc Mừng Năm Mới ở chùa Krum Dua Tua Sophi,
Có thể là hình ảnh về 4 người
khu trưng bày dụng cụ sinh hoạt truyền thống,
Không có mô tả ảnh.
 Phật bát niết bàn. Cụm tượng nầy độc đáo ở chỗ diễn tả tâm trạng các đại đệ tử.
Có thể là hình ảnh về 2 người, đền thờ và tượng đài
 quảng trường chánh đón Tết của chùa Krum Dua Tua Sophi,

 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 221084 visitors (421531 hits) on this page!