Mời anh về thăm Sóc Xà bai quê em
3/6/2020

MỜI ANH VỀ THĂM SÓC XÀ BAI QUÊ EM
 Nguyễn Thị Kim-Thu

 

Nam Kỳ Lục Tỉnh vốn là xứ của người Miên (Khmer) – Vùng Thủy Chân Lạp. Nhiều địa danh của vùng này vẫn còn mang tiếng Miên. Hiện nay, người Miên có khoảng 1,3 triệu người sống ở Việt Nam, tập trung đông nhất ở vùng Trà Vinh Sóc Trăng, khoảng hơn 700 ngàn, và rải khác nhiều tỉnh khác như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá, v.v.

Trà Vinh tiếng Miên là “Preastrapeang” có nghĩa là “Hồ thánh”, ám chỉ “Ao Bà Om”. Ao Bà Om rộng tới 15 ha, nằm trên giồng đất cao, người Miên đào ao này từ thời xa xưa để giữ nước ngọt cho nguyên vùng. Theo Phật Giáo tiểu thừa, các sư sải Miên là người lãnh đạo tinh thần của Sóc (Srok - thôn làng). Vì vậy việc quản lý hồ nước đều do nhà chùa đảm trách, nên bên cạnh hồ đều có chùa. Đó là Chùa Âng bên cạnh, một thắng cảnh của Trà Vinh.

 Biển Ba-Động nước xanh cát trắng,
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây,
Xin mời du khách về đây,
Xem qua thì biết chốn nầy thần tiên.

Trà Vinh là xứ ruộng, giồng,
Rừng xanh, biển rộng, nhiều sông, lắm vườn
Con người hiền hậu dễ thương
Xa quê lập hội đồng hương kết tình
.

 

Ao Bà Om


Y phục của cả hai phái nam và nữ Miên là chiếc xà-rông (sarong) quấn từ ngực trở xuống. Riêng các thiếu nữ thì xa-rông có hoa văn, màu mè, rất đẹp.

Trong bộ y phục Xà-rông rạng rỡ màu sắc, các cô gái Miên, nhất là các cô Miên lai ba dòng máu Việt Miên Tàu - “Mai Liên”- , đẹp và khiêu gợi vô cùng, nên lắm chàng trai “Yuôn” (người Việt) đã phải:

 Nước chảy Láng Linh, chảy ra Vàm Cú
Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun

Đây là vùng đất Miên, nên các địa danh vẫn giữ tên Miên:

 Trà vinh, Trà cú, Trà kha
Trà cuôn, Trà tro, Mặc dồn
Chầm ca, Chăng mật, Tầm rôn
Sâm bua, Sóc thác, Ô đùng, Tầm Phương
Ô trao, Ô chít, Quí nong
Ô răng, Ô chát, Cà tum, Lò ngò
Chong văn, Chong bát, Chong so
Phiêu, Trà kháo, Bắc-sa-ma, Nô rè
Bà dam, Trà tót, Tha la
Dàm ray, Cà tóc, Kỳ la, Thị ròn
Thăm đua, Ba tục, Cà hom
La bang, Ba sát, Xà dần, Sóc Len
Hàm giang, Ba cụm, Nô men
Người đi bỏ lại mình “ên” em chờ

Và tên Miên của các địa danh thường được dùng làm câu đố:

Đất nào bằng đất Trà vinh
Cửu long hai nhánh ôm tình quê hương !
Ðố ai cắt nghĩa : Trà cuôn,
Trà kha, Trà cú, Trà rom....là gì ?
Ô Ðùng, Ô Chác, Ô Tre
Ô Răng, Ô lắc, Ô Rè....ở đâu ?
Giồng Chanh, Giồng Lớn, Giồng Cau
Giồng Trôm, Giồng Lức,...giồng nào không... mô ?
Cồn Cu, Cồn Trứng, Cồn Ngao,
Cồn Ông, Cồn Lợi cồn.....nào vọp to ?
Long Toàn, Long Hữu, Long Hòa
Long Bình, Long Thới, .... phải là rậm..." long" ?
Cầu nào chẳng bắt qua sông
Cầu Quan ? Cầu Cống ? Cầu Ngang ? Cầu Kè ??
Ðố ai quên được tình quê
Ðố ai viễn xứ không về Trà vinh?!

Người Miên có vụ điệu Lâm Thôn nổi tiếng:

 "Đường về Trà Vinh chim hót mừng lúa chín vàng đồng
Hàng dừa ven sông mưa nắng bao kỷ niệm nhớ mong
Đây đó vang vọng khúc Mù Âm, tiếng trống Xà Dăng đến bập bùng
Và điệu lâm thôn như bàn đôi tay múa theo nhịp nhàng

Người về Trà Vinh năm tháng còn nhớ Ao Bà Om
Trở lại quê xưa nghe khúc ca Tiểu Cần vấn vương
Ai đón ai về xóm Cầu Ngang, bên mái nhà tranh có tấm lòng
Một lần qua đây trong lòng mê say nhớ quê hương này"

.....
Điệu lâm thôn Trà Vinh – Nhạc sĩ Thanh Sơn

Bây giờ chúng ta hảy đi thăm Sóc Trăng.

 Từ Ngã Bảy Phụng Hiệp, theo kinh Maspero đến Sóc Trăng. Đây là vùng “Ba Thắc” hay “Bassac” là tên của vị thần Bàsàk của Miên mà người Việt gọi là “Ông Tà” (thờ ở núi Tà Lơn, Châu Đốc).

Sóc Trăng là tiếng đọc trại từ "Srok Tréang” của Miên, có nghĩa là "Xứ nhiều lau sậy" vì nơi đây là đất giồng duyên hải có lắm lau sậy. Có người cho từ "Srok Kh'leang" có nghĩa là “Xứ kho bạc” vì ở Bải Xàu ngày xưa có một kho bạc. Dầu nguồn gốc nào, chữ Sóc Trăng do người Việt đặt từ lâu, nên vua Minh Mạng đổi thành “Nguyệt Giang”, chữ “Sóc” thành “Giang” (Sông), “Trăng” thành “Nguyệt”.

Đây là vùng người Miên, cũng như Trà Vinh, nhiều địa danh mang âm hưởng tiếng Miên. Như “Bải Xàu” (do từ Srok Bai Chau), “Trà Nho” (Chụi Nhua), “Bạc Liêu” (Po Léo), “Trà Cuôn” (Prek Tra Cuon), “Đại Tâm” (Sráiume hay Swaichrume), “Bưng Cóc” (Beng Kok), “Kế Sách” (Ksach), v.v.
 



Đua ghe ngo ngày lễ hội Ooc Om Bok trong tháng 11 của người Miên

Sóc Trăng có nhiều cảnh đẹp, nhiều chùa Miên như Chùa Som Rong, Chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn), Chùa Mahatup (chùa Dơi), Chùa Kh’leang, v.v.
 



Chùa Som Rong

Tuy nước mặn đồng chua, Sóc Trăng rất phong phú:

 Sóc Trăng nước mặn đồng bằng
Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho
Kế Sách, Ba Rinh, Xa Mo
Lắm vườn nhiều ruộng, không lo thất mùa

Sóc Trăng có nhiều đặc sản:

Phú Tâm nổi tiếng về bánh Pía, bánh trung thu, bánh in đặc sản, lạp xưởng Phú Tâm.

Và gạo Ba Thắc của Sóc Trăng nổi tiếng là ngon:

 Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon
Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi

Ai về thẳng tới Năm Căn
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau
Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên!

Cũng như dân mọi miền Lục Tỉnh khác, người sóc Trăng rất hiếu khách:

 Ngó lên trời, mưa sa lác đác
Ngó xuống đất, hạt cát nằm nghiêng
Rượu Ba Xuyên rót đãi người hiền
Trước là đãi bạn, sau giải phiền cho anh.

Đến vùng Trà Vinh, Sóc Trăng mà chưa xem vũ điệu truyền thống của người Miên thì coi như chưa biết gì về văn hóa vùng này. Các vũ nữ Miên trong bộ xà rông rực rỡ màu sắc, bàn tay điêu luyện, dáng người tha thước sẽ làm bạn say mê vùng đất hiền hòa mến khách này.

Mời quý thân hữu thưởng thức vũ điệu của người Miên – Sóc xà bai Sóc Trăng, do Hương Thủy trình bày, nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác.

https://www.youtube.com/embed/bFH9E-Ge9wU

Reading, 01/6/2020
Nguyễn Thị Kim-Thu
 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196340 visitors (362980 hits) on this page!