Nam Kỳ Lục Tỉnh. Phần 2

Nam Kỳ Lục Tỉnh:

Đất nước và con người

Lâm Văn Bé

Phần 2

 

Bàn về bản chất của người Nam Kỳ, tôi xin mượn hai tài liệu xưa.

Trong Gia Định Thành thống chí của Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng năm 1820 có đoạn:

Vùng Gia Định nước Việt Nam đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời. Người tứ xứ. nhà nào tục nấy…Gia Định có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trong nghĩa khinh tài…

 
John White, sau khi thăm viếng Saigon trở về Luân Đôn có viết trong quyển hồi ký A voyage to Cochinchina năm 1824 như sau:

Chúng tôi rất thỏa mãn về tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy, mang theo cảm tưởng tốt đẹp nhứt về phong tục và tánh tình của dân chúng. Những sự ân cần, lòng tốt và sự hiếu khách mà chúng tôi thấy đã vượt quá cả những gì mà chúng tôi đã quan sát đến nay tại các quốc gia châu Á…

 
Chúng ta thử tìm hiểu những đặc tính của người dân Miền Nam mà hai tác giả đã nhận định như trên qua cái nhìn lịch sử và xã hội.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

và biết bao ngạn ngữ Đông Tây đã nói lên sự thích ứng của con người với ngoại cảnh. 

Sự cộng cư giữa người Việt với người Tàu và người Miên đã khiến người Việt học được bản chất hiếu khách của hai sắc tộc nầy. Hơn thế, bản chất hiếu khách còn là một nhu cầu sinh tồn của mọi lưu dân trong vùng đất mới. Trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, của bất trắc, lưu dân cần sống có nhau, tương trợ nhau. Tính hiếu khách chẳng qua là một sự lo xa, phòng thân bởi lẽ nếu hôm nay tôi giúp anh thì tôi hi vọng ngày mai anh sẽ giúp tôi khi tôi gặp khó. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi mới gặp nhau, dù chưa quen biết nhau, dân Miền Nam đều cơm nước trà rượu như đã là bà con cật ruột.

Ví dầu cầu ván đóng đinh 

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi 

Khó đi mượn chén ăn cơm 

Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi 

Có người còn giải thích tánh hiếu khách, hào phóng của dân Nam Kỳ là do sự trù phú, màu mỡ của ruộng vườn và tài nguyên dễ kiếm được, kiểu làm chơi mà ăn thiệt của dân Miền Nam.

Giải thích như vậy có phần đúng, nhưng chưa đủ, bởi lẽ không phải ai giàu cũng hào phóng nếu không sẵn có lòng hào phóng.

Biểu hiện của tính hiếu khách là các tiệc tùng, họp bạn. Dân Nam Kỳ hay ăn nhậu, đờn ca xướng hát. Nhưng phải hiểu rằng dân Nam Kỳ hôm nay là dân Thuận Quảng khi xưa. Xa quê cha đất tổ, người lưu dân, sau những giờ lao động cực lực hay sau những cơn hiểm nguy, cần có những phút giây để tâm sự hàn huyên với nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm xưa để vơi phần nào nỗi sầu ly hương. Từ những chung rượu cay ở bờ rừng đến những buổi tiệc linh đình ở đám cúng đình, đám giỗ, có đờn ca xướng hát, người dân Nam Kỳ tìm trong những dịp gặp gỡ ấy để giải khuây, để kết bạn. Tiệc rượu lại là dịp bàn chuyện làm ăn, chuyện thế sự, do đó chúng ta không lấy làm lạ cái tiệm nước, quán rượu ở đầu làng là nơi tụ hợp quen thuộc của mọi người dân trong làng, từ ban hội tề cho đến hàng thứ dân.

 Sơn Nam trong Cá Tánh Của Miền Nam đưa ra thêm một lý giải khác về bản tánh hiếu khách, tứ hải giai huynh đệ của người Miền Nam. Theo ông thì: 

Thiên Địa Hội tạo ra một nếp sanh họat sâu đậm khá hấp dẫn, thực tế: ăn cơm nhà lo chuyện ngoài đường, sống chết nhờ anh em, tận tình giúp đỡ bạn. Trút tất cả tâm sự với bạn kết nghĩa thì không có gì đáng ngại, đã là bạn với nhau rồi thì làm sao có chuyện phản bội. Gặp chuyện bất bình, hoặc như bạn nào bị kẻ khác ăn hiếp thì nổi nóng, trả thù cho bạn vô điều kiện, đó là đạo nghĩa giang hồ, là điệu nghệ giữa anh em kết nghĩa, tứ hải giai huynh đệ (tr. 106).

Tưởng cũng nói thêm Thiên Địa Hội, là một thứ hội kín người Tàu phò nhà Minh, liên kết nhau với một kỹ luật thật chặt chẽ để giúp đỡ nhau (những chùa miễu, xí nghiệp Tàu đều có tiền của Thiên Địa Hội), ảnh hưởng nhiều đến dân Minh hương và cả dân VN trong suốt thế kỷ 19 từ thành thị đến nông thôn, là một đồng minh của các nhà ái quốc VN chống Pháp.

Nhưng khía cạnh tiêu cực của bản tánh hào phóng là sự thiếu cần kiệm, hoang phí, mà Trịnh Hoài Đúc phê là thói bốc rời. Hiện tượng những Cậu Hai, cậu Ba, Công tử Bạc Liêu, con của những đại phú hộ, thay vì dùng tiền rừng bạc biển để kinh doanh, thì lại đắm chìm trong việc ăn chơi cho đến khi sạch túi. Kết quả là đa số dân Nam Kỳ bị chôn chân ở ruộng vườn, ít bon chen trong thương trường, để nền kinh tế cho người Tàu thao túng.

Bản chất đôn hậu, mộc mạc là một đức tính khác của dân Nam Kỳ và cũng bắt nguồn từ điều kiện sinh sống. Bản chất nầy cũng là một nhu cầu cần thiết trong cuộc cộng cư của dân tha phương. Trong một cộng đồng nhỏ, mọi người trước lạ sau quen tạo thành một đại gia đình quần tụ với nhau, do đó họ phải cư xử với nhau bằng tình nghĩa. Những hành động bất tín, bất nghĩa sẽ đưa đến một hình phạt nhục nhã là bị loại trừ ra khỏi cộng đồng, phải bỏ xứ mà đi. Người dân Nam Kỳ nhớ ơn và trung thành chẳng những với người sống mà cả với người chết. Thông thường khi có giỗ chạp, ngoài việc dọn mâm cơm cúng ông bà cha mẹ còn có mâm cơm bày ra trước cửa nhà để cúng đất đai, cúng những người đã ra đi trong công cuộc vở đất mới, cúng thần linh đất đai để những người nầy phù hộ.

Nói về sự phù hộ thì dân Nam Kỳ có không biết bao nhiêu thần hộ mạng bởi trên con đường lập nghiệp, họ gặp không biết bao nhiêu hiểm nghèo. Một con thú dữ, một con sông, một tiếng trời gầm, tất cả đều gieo cho họ sự sợ hãi trong bơ vơ, họ luôn cầu nguyện đất trời để phù hộ họ.

Tới đây xứ sở lạ lùng 

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh 

Đạo Phật vô Nam vì vậy mà biến thể, mang thêm bản chất dị đoan, bùa chú, cộng thêm với bản chất mê tín của Phật giáo Théravada người Miên và tục thờ cúng nhiều ông Thần, ông Thánh của người Tàu.

 Dân Nam Kỳ do đó không phải là những tín đồ Phật giáo thuần thành. Việc đi chùa, hành hương, làm công quả, ngoài chuyện cầu nguyện, van vái còn mang thêm bản chất xã hội. Đó là những dịp để bạn bè thân thích gặp gỡ nhau trong một khung cảnh linh thiêng. Chùa chiền trong Nam đa số không uy nghi, cổ kính như chùa miền Bắc và miền Trung, mà trái lại, thường khiêm tốn, thu mình trong những tàng cây cổ thụ, có khi diện tích lớn hàng chục lần ngôi chùa (các ngôi chùa Miên lại là giang sơn của các loài chim muông). Đi chùa, đi hành hương, đối với dân Nam Kỳ, đặc biệt với phụ nữ còn là dịp đi vãng cảnh.

Không lấy làm lạ, là các ngày lễ hội truyền thống như Lễ Hội Bà Chùa Xứ (Vía Bà) ở núi Sam Châu Đốc (25 tháng tư), Lễ Hội Đền Bà Đen ở Tây Ninh (rằm tháng giêng), Lễ hội Cúng Cá Voi ở các vùng ven duyên hải (ngày giờ tùy vùng), Lễ hội Thánh Địa Hòa Hảo ở làng Hòa Hảo Long Xuyên (18 tháng 5 âm lịch)… đã diễn ra trong nhiều ngày thu hút hàng trăm ngàn tín đồ và du khách.

Sông nước bao la, kinh rạch chằng chịt và dồng ruộng cò bay thẳng cánh lại là những yếu tố quy định cá tánh của dân Miền Nam.

Trái với dân cư vùng châu thổ sông Hồng bị bao vây bởi một hệ thống đê điều, làng mạc được thiết lập từ lâu đời bị bao bọc bởi những hàng rào, lũy tre, thân tộc liên kết chặt chẽ nhau qua các thế hệ, làng xã ở Miền Nam thường thiết lập ven sông, chạy dài theo kinh rạch, không có lũy tre, hàng rào ngăn cách, dòng họ thân tộc chưa phát triển chằng chịt như ở miền Trung, miền Bắc.

Ông Nguyễn Văn Trung đã viết: Do đó về phương diện xã hội, miền Nam không có hiện tượng chị Dậu trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, bị chà đạp ép bức mà vẫn chịu trận. Trái lại, giai cấp điền chủ ở Miền Nam không thể áp bức hay áp bức dễ dàng nông dân như ở Bắc Kỳ vì nếu không chịu nổi và nếu muốn, vợ chồng chị Dậu chỉ việc xuống ghe thuyền đi tìm một miền đất hứa khác. Đầm lầy, ruộng hoang còn thiếu gì sẵn sàng đón nhận người đến vỡ đất lập nghiệp. (NVT. Lục Châu học. Đặc San TH My Tho, năm 2000, tr. 145).

Sông rạch và đất nước bao la vì vậy đã tạo cho dân Nam Kỳ tánh khẳng khái, bộc trực, ít chịu cúi lòn, kém thủ đoạn. Tính lửa rơm, giận thì nói ngay, có khi hung hăng, nhưng rồi cơn giận cuốn đi theo sông nước, đồng ruộng bao la. Cái cá tính sẵn có ấy lại được tác động thêm bởi những ý niệm trung hiếu tiết nghĩa qua các truyện Tàu đã ảnh hưởng sâu đậm trong tâm tính của dân Miền Nam vào suốt tiền bán thế kỷ 20 và là một đặc thù của Mảng văn học Miền Nam. 

Nhưng bản chất cứng rắn nầy có khi là một khí giới yếu trong những hoàn cảnh cần sự dẻo dai, uyển chuyển, nhất là trong các sinh họat chính trị. Người ta thường nhắc đến ông Trần Văn Hương với tất cả hai khía cạnh của đặc tánh nầy. 

Một khía cạnh tiêu cực khác của sự bộc trực là tính thiếu cẩn mật và thiếu tế nhị. Sự thẳng thắn đôi khi là một thất lợi trong cách ứng xử, làm vơi đi sự nể trọng của người khách khi người khách không cần phải biết hết tuốt luột chuyện trong, chuyện ngoài của người chủ.

Trong dân gian còn lưu truyền câu Ăn mặn nói ngay để diễn tả sự bộc trực của dân Nam Kỳ. Lịch sử di dân và cuộc sống của lưu dân giải thích phần nào cái bản tính nầy. Lưu dân trên đường xuôi Nam thường phải dùng ghe thuyền để vượt biển và chất mặn của nước biển đã thấm sâu vào huyết quản của lưu dân. Họ quen với muối mặn nên họ thích ăn mặn, thường trong bữa ăn luôn có món kho và khô mặn. Chất mặn cần thiết cho họ có nhiều sức lực để dãi dầu mưa nắng, để chịu đựng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng làm một phương trình giữa ăn mặn và nói ngay thì có lẽ còn phải phân giải.

Dân Nam Kỳ không những nói ngay mà hay nói lớn tiếng, thiếu trau chuốt. Phải hiểu rằng trên biển cả với sóng vỗ ì ầm khi xuôi Nam, trong rừng sâu cây cối đầy đặc khi khẩn đất hay trên khoảng đất rộng người thưa, cò bay thẳng cánh, lưu dân khi cần nói với nhau phải nói ngắn gọn và nói to để vượt các chướng ngại cách trở. Nhu cầu truyền thông trong một khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt như vậy đã thay đổi phong cách truyền thông của người Thuận Quảng xưa.

Trong công tác khai hoang vỡ đất, thiên nhiên khắc nghiệt không phân biệt giới tính. Người phụ nữ Thuận Quảng vào Nam phải gánh chịu tất cả những thử thách cam go y như nam giới. Người phụ nữ Nam Kỳ do đó đã được đào tạo và trưởng thành trong cùng một môi trường với nam giới. Tính khí, diện mạo, y phục của người phụ nữ Miền Nam vì vậy có phần nào khác với người phụ nữ Miền Trung và Bắc. Họ rắn rỏi hơn trong các sinh hoạt, từ gia đình đến xã hội, từ tình cảm đến tâm linh. Cách ăn mặc của họ cũng đơn sơ hơn, ít màu sắc hơn (người bán hàng rong ở đất Bắc, đất Trung vẫn mặc áo dài, còn đại đa số người đàn bà Nam Kỳ quần đen, áo bà ba den, có khi còn quàng qua vai một cái khăn bàng hay khăn rằn theo kiểu người Miên).

Dân Nam Kỳ chắc vẫn còn nhớ đội đá banh phụ nữ vào khoảng 1940- 1950. 

Vì lẽ chế độ phụ quyền lỏng lẻo bởi sự suy tàn của Nho học và sự xâm nhập của Tây học, người phụ nữ miền Nam được khai phóng sớm hơn so với phụ nữ miền Trung và miền Bắc trong các tương quan gia đình và xã hội. Một khía cạnh của sự khai phóng nầy là chế độ đa thê. Chế độ đa thê mà xưa kia người Thuận Quảng dễ dàng chấp nhận nhưng khi vào Nam, chuyện vợ lớn vợ nhỏ, tuy vẫn còn, đặc biệt ở thôn quê thuận lợi cho chuyện nầy vì người đàn ông thường phải đi làm ruộng xa, đi thương hồ, nhưng chuyện đa thê thường bị xã hội chống đối.

Nếu vua Minh Mạng có đến 142 người con. Nhất dạ ngũ giao, tam hữu dựng (Trong một đêm ngũ với 5 bà thì 3 bà có thai) và Nguyễn Công Trứ, lúc 73 tuổi, lấy vợ lẽ thứ 10, cảm tác trong đêm tân hôn:

Tân nhân dục vấn: Lang niên kỷ?

 Ngũ thập niên tiền nhị thập tam 

dịch nghĩa là:

Nàng muốn hỏi anh: Chàng mấy tuổi?

 Năm mươi năm trước mới hăm ba 

thì vô Nam, các ông Thuận Quảng phải nhớ là:

Lập vườn thì phải khai mương 

Làm trai hai vợ phải thương cho đồng 

và bị người đời chế giễu:

Sáng mai anh đi chợ Gò Vấp

 Mua một sấp nhiễu hết sáu chục đồng

 Đem về cho con hai nó cắt

 Con ba nó may,

 Con tư nó đột,

 Con năm nó viền,

 Con sáu kết nút

 Con bảy đơm khuy 

Anh bước cẳng ra đi

Con tám níu, con chín trì

 Ớ mười ơi ! Sao để vậy, còn gì áo anh. 

Chuyện Nam Kỳ tính chắc còn nhiều điều phải nói, phải lý giải. Nếu xã hội miền Bắc và miền Trung đã thành hình và phát triển lâu đời thành những khuôn khổ chặt chẻ, đó là những môi trường tĩnh, thì đất Nam Kỳ vì là một vùng đất mới, vì là một môi trường động nên còn dễ dàng biến chuyển đổi thay.

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 221088 visitors (421577 hits) on this page!