Mít

MÍT
Chuyên gia Phạm Thanh Khâm
 

Làm việc tại hơn mười mấy nước ở Phi Châu, tôi không để ý đến cây mít. Lý do: người Phi châu không trồng mít, không ai du nhập cây mít vào lục địa đen này vào thời kỳ thuộc địa.

 

Nhân một bữa ăn tại nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Yaounde, nước Cameroon, anh chị chủ tiệm cho mang ra một dĩa mít ráo để trên bàn ăn, trang trọng phụ đề:

- Hiếm mới quí. Xin mời anh.

Múi mít vàng mọng, một đầu múi còn rõ nét cắt của dao để loại bỏ hột. Nhìn dĩa mít thực lâu, chưa muốn ăn ngay, tôi đáp lễ:

- Quí hóa quá. Ở đâu anh chị có được mít này?

- Anh Bộ mang cho sáng nay.

Nhai múi mít thơm, ngọt và ráo, được ướp lạnh trước khi đãi khách, tôi phải mượn lời của nhà văn Duyên Anh để diễn tả khẩu vị và tác dụng tâm lý sau mười lăm năm ăn lại múi mít tươi.

- Tuyệt cú mèo.

 

Sau bữa ăn, tôi tìm đến nhà anh Bộ để vừa thăm bạn đồng hương, vừa để hỏi địa chỉ cây mít của anh. Mãi mê nghe anh suốt mấy giờ liên tiếp về công trình nghiên cứu chuyên môn của anh, tôi quên mất hỏi về cây mít.

 

Trở về nhiệm sở mới tại Viện Khảo cứu Nông Lâm. Làm cố vấn khảo cứu cho Giám Đốc Viện (về sau Ông còn kiêm giữ chức Tổng Trưởng Bộ Giáo dục Cao đẳng và Khảo cứu Khoa học), tôi có dịp đi thăm 12 trung tâm khảo cứu đặt rải rác trong nước. Cố ý tìm nhưng không thấy cây mít nào trồng trong các vườn ương của trung tâm.

 

Trụ sở Viện đặt tại vùng phụ cận thủ đô Yaounde, một vùng đồi núi và thung lũng. Với lý do gần gũi thủ đô, Viện thường phải đón tiếp quốc khách đến Yaounde không muốn ở lâu trong các buổi hội họp. Để chuẩn bị khi khách đến, đám lao công phải cắt lá dừa nước dựng dọc đường từ quốc lộ vào cửa cổng Viện. Nhóm nhạc công và vũ công tụ lại tập dợt ngay dưới văn phòng của tôi. Một nhà khảo cứu Pháp-Lan-Sa phụ trách chương trình khảo cứu cây ăn trái, trưng bày các loại trái cây của Viện. Tất cả nhân viên áo mũ chỉnh tề túc trực trước cổng để đón khách. Khi Giám Đốc Viện tiếp khách, không ai nghe rõ ai nói gì trong khung cảnh trống mõ liên hồi của đám nhạc công và vũ công. Tràng pháo tay dài khi khách trao một phong bì tiền lì xì cho nữ nhạc trưởng báo hiệu chấm dứt ngày vui của Viện.

 

Hai tháng sau khi tôi tới Viện, nhà khảo cứu Pháp Lan Sa vào văn phòng của tôi làm ngạc nhiên:

- Này người Việt, ta có hai trái mít mang cho bạn.

- Cám ơn. Sao hai tháng nay, ta không thấy.

- Trái đầu mùa.

- Trồng ở đâu?

- Vườn ương ngay sau văn phòng của Người Việt.

 

Mắt tôi tròn xoe. Đồng nghiệp dẫn tôi ra phía sau chỉ cây mít duy nhứt của Viện Khảo Cứu Nông Lâm Cameroon. Trông cây mít thực xanh tốt, tôi hỏi:

- Trồng mấy năm rồi?

- Bảy năm.

Đồng nghiệp tiếp:

- Người Cameroon không biết ăn. Tây ở đây không thích. Ta biết chỉ có người Việt.

- Trồng để làm gì?

- Sưu tập và nếu sau này có thị trường sẽ cho trồng nhiều, đóng hộp xuất cảng.

 

Tôi mang hai trái mít về nhà. Lấy ra một trái chia đôi. Phân nửa cho lấy ra từng múi, rửa với nước muối, và cho vào tủ lạnh. Tôi vô ý quăng hết hột. Phân nửa còn lại của trái đầu, tôi mang cho anh chị Tam Lang, một đồng hương khác cùng đến làm việc cho Ngân Hàng Yaounde. Trái thứ hai, tôi mang biếu trả lễ cho anh chị chủ nhà hàng Việt Nam. Chủ nhà hàng vui vẻ:

- Anh Bộ có một cây mít. Ảnh nói tìm thấy ở cạnh quốc lộ về miền Bamenda. Anh mới đến đã tìm được cây mít thứ hai. Chúng tôi ở đây 11 năm chưa tìm được cây nào!

Chiều hôm đó mang dĩa trong tủ lạnh ra thưởng thức, ngon miệng tôi đưa vào bụng gần nửa dĩa, không biết mấy múi. Nhờ bao thuốc Alka Seltzer hỗ trợ, nếu không ngày hôm sau, tôi đã không thể đến sở được.

Đến thăm anh chị Tam Lang ngày cuối tuần. Anh Chị chỉ còn một ít hột mít luộc và cho biết đã thử hột mít lùi trong lò than hồng. Anh Tam Lang phát biểu rất văn chương:

- Mít lùi bếp nóng ngon hơn là vàng. Ta phải đi tìm mít.

 

Bà Xã của tôi vừa đến Cameroon, muốn đi thăm vùng biển. Anh Tam Lang lãnh trách nhiệm sắp xếp với khách sạn Tabai ở bãi biển Limbe cách thủ đô Yaounde hơn 300 cây số cho nhóm người Việt đi nghỉ cuối tuần và để đi tìm mít. Có anh chị Bùi dạy ở trường Đại học Luật khoa Yaounde, chị Qui làm ở Bộ Giáo dục Cameroon tháp tùng nhóm. Sau hai ngày ngâm nước biển, tắm nắng với bà xã và toàn nhóm, tôi lái dẫn đầu đoàn xe về miền Tây đến thủ phủ Buea theo chỉ dẫn của một Pháp kiều định cư lâu năm ở đây. Chúng tôi tìm được hai cây mít. Hai cây được trồng kế cận ra trái sum suê. Không biết ai đã trồng từ 10 năm qua.

Các chị thích quá. Trái non trái già đều muốn hái hết. Tôi can:

- Để dành trái non. Kỳ tới sẽ đến hái.

Anh chị Tam Lang hăng hái:

- Trái non để nấu canh.

Chị Qui dàn xếp:

- Trái non có nhiều mủ. Xe ai sẽ chở mít.

Mọi người chỉ tôi từ đàng xa trên thân chỉ có cái quần tắm đang dặn dò người trong khu bảo vệ hai cây mít.

 

Xe của tôi và bà xã được chất chứa hết đống mít non, mít già mang về nhà anh chị Tam Lang ở thủ đô. Xe của các anh chị khác chở đầy đủ loại hải sản, khoai cũ và trái cây mua dọc đường. Khi trái mít đầu tiên của chuyến đi chín, anh chị Tam Lang mời mọi người đến thưởng thức. Tôi dặn chị Tam Lang để dành hột. Tôi mang hột về gieo sau nhà.

 

Căn nhà của Viện hoàn toàn bằng vật liệu gỗ sơn màu cây gõ đỏ cấp cho tôi được xây ở đầu dốc của ngọn đồi Nkolbisson. Đất miền núi có nhiều sạn sỏi và đá. Tôi quyết định cho trồng 15 cây mít quanh nhà. Một người bạn trẻ lao công của Viện được cử đến giúp tôi trồng. Người bạn cà lăm nhưng thích nói. Sau khi đã biết công tác phải làm, bạn trẻ vẫn tiếp tục chất vấn:

- Nhưng…thưa xếp…đất sỏi…thế này làm sao… cây sống được.

- Cứ làm y như lời ta dặn.

Người tài xế của tôi vào kho ký mượn một cây xà-beng. Mất hai ngày, người bạn trẻ cà lăm đào xong 15 lỗ. Ngày thứ ba, người gác ban ngày phúc trình:

- Nhưng, thưa xếp, đất đen lấy ở đâu bỏ dưới đáy?

- Đi với ta đến vườn ương của nhà khảo cứu Pháp Lan Sa.

Một ít đất đen được bỏ phía dưới đáy mỗi lỗ. Mười lăm cây mít được chăm sóc kỹ lưỡng.

 

Khốn khổ. Trong khi các cây phía trước và phía sau nhà lên xanh tốt, hai cây trước nhà đậu xe có triệu chứng vàng lùn. Tôi làm một cuộc điều tra. Vỡ lẽ. Người bạn gác đêm của tôi không muốn đi tiểu tiện xa hơn hai gốc cây mít con của tôi. Trẻ, ốm, cao, và sùng đạo, người bạn trẻ gác đêm đọc kinh Quran đều đặn mỗi đêm. Đây là nhiệm sở đầu tiên của đời bạn. Viện mướn bạn thay thế người gác cũ bị lỗi ngũ quá nhiều để kẻ trộm lấy mất chiếc xe Renault 12 mới của Viện cấp cho tôi. Bạn trẻ không nói nhiều được tiếng Pháp. Những ngày cuối tháng khi lương phát trễ, bạn trẻ với nét mặt táo bón, dẫn một người bạn làm thông ngôn vào văn phòng cố vấn cầu cứu:

- Nhưng, thưa xếp, Mbida nói mấy ngày nay chưa ăn, xin xếp can thiệp với ban tài chánh cho lãnh lương.

- Đi theo ta.

 

Lãnh xong lương, bạn biến mất. Nhưng đúng bảy giờ chiều mỗi ngày bạn đều có mặt tại nhiệm sở. Dù bạn có uy-tín như vậy, hai cây mít của tôi cần lớn. Tôi phải xử dụng ngôn ngữ quốc tế để dành quyền sống cho hai cây mít này.

Một buổi sáng đẹp trời, trước khi vào sở, tôi gọi bạn trẻ lại gần cây mít đẹt. Kéo lá cao chót, tôi đưa ngang tầm ngực của người bạn. Bạn không biết tôi trình diễn cái gì, nhưng ra điều cộng tác:

- Thưa xếp.

Tôi dẫn người anh em đến cây mít tốt kế cận. Lá chót cao khỏi đầu của bạn. Bạn gật đầu:

- Thưa xếp.

 

Nếu Mbida của tôi diễn đạt được tiếng Pháp rành rẽ hoặc tôi hiểu được tiếng mẹ đẻ của bạn, thế nào cũng lý luận và đưa lời bàn rằng thì là đất ở gốc cây mít thứ hai tốt hơn đất của cây đẹt, do đó chiều cao phải khác nhau. Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Tôi dẫn người anh em trở lại cây mít đẹt. Tôi mở cửa sổ khuy quần làm động tác đái đường. Bạn hiền vỡ lẽ. Vốn liếng tiếng Pháp có được bao nhiêu đều mang ra:

- Dạ hiểu rồi, thưa xếp.

Từ đó, người bạn đêm của tôi giữ cây xanh tốt. Mỗi sáng thức dậy, nhìn ra bốn hướng quanh nhà đều thấy 15 cây mít xanh mướt và nhân lúc cảm hứng tôi có bài thơ con cóc như sau:

Ở Cameroon,

Tết Tây buồn,

Nhìn mít ráo,

Nhớ cố hương.

Sau khi mãn giao kèo làm việc, Anh Chị Bùi từ giã Cameroon về Pháp, sau đó đổi đi Gabon. Chị Qui về dạy ở Paris. Anh Chị Tam Lang đưa con kiến về Pháp. Anh Bộ và tôi cũng sắp từ giã Cameroon. Nhân một buổi trà dư tửu hậu khác, tôi nhắc anh chị chủ tiệm:

- Bốn năm sau, nếu anh chị còn ở đây, nhớ đến nhà cũ của tôi mang mít về ăn.

 

 

Viết tại đồi Nkolbisson, Cameroon ngày 1/1/1991

Phạm Thanh Khâm

ISNAR Senior Research Officer (1988-1991)

World Bank Project PRAN/Cameroon

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 226716 visitors (430387 hits) on this page!