Hoạch định phát triển nông nghiệp Miền Nam VN. Phần 3

Lời bàn TDH: Bài này GS Thái Công Tụng viết năm 1973, cách đây 47 năm. Là một nhà khoa học có tầm nhìn (viễn kiến) rất xa trong việc hoạch định kế sách phát triển Nông Nghiệp cho phần đất Miền Nam VN (phía nam Vĩ tuyến 17). Kẻ hậu sinh thấy tầm nhìn của GS Tụng nay đã thành hiện thực dầu thể chế chính trị có thay đổi. Mời thân hửu đọc lại bài viết cách đây 47 năm.                                                                                                                                                                                                           

GS. Thái Công Tụng - Hoạch định và phát triển nông nghiệp dựa vào các vùng thiên nhiên ở Nam Việt Nam (Tập san Sử Địa, tập 25, 1/3/1973)


Phần 3.



C. Miền Đông Nam Phần
 
Miền Đông Nam Phần là một vùng giao tiếp giữa miền Châu Thổ Cửu Long và Cao Nguyên Trung Phần. Ngoài những đồng bằng phù sa men theo sông Saigon và sông Đồng Nai, vùng này còn có những phù sa cổ sinh của hai sông trên, cũng là những vùng đất đỏ nối tiếp vùng cao nguyên.
 
 
1) Vùng Phù sa Cổ Sinh
Vùng này thường gọi nôm-ma là vùng “Đất Xám” chiếm rất nhiều diện tích ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Bình Tuy và Phước Tuy. Địa-diện vùng này thường bằng phẳng, nhưng có rất nhiều gò mối rải rác cùng mặt đất. Trong vùng đất xám, có những trũng đất thấp, những trũng này có thể là những “trũng tù” (dépression fermée) hoặc là những trũng tạo nên bởi sông suối Các trũng tù thường chỉ ở thấp hơn vùng đất xám. 1-2m, tuy nhiên tiểu địa hình (microrelief) nầy ảnh hưởng lớn đến hợp trạng của đất đai.
Các đất xám này là những phù sa của các sông ngòi lắng tụ trong một thời kỳ địa chất khá xưa (đầu đệ tứ nguyên đại Pléistocène). Sau thời kỳ lắng tụ ấy, có một thời kỳ soi mòn trong đó các sông ngòi đào sâu thêm những thung lũng. Hiện nay, người ta nhận thấy lại có một sự lắng tụ mới theo đó thì các thung lũng bị bồi đắp dần dần bởi các thủy tra phù sa.
Trong vùng đất xám, người ta dễ gặp ở một độ sâu vài thước những lớp đá latêrit. Lớp latêrit này còn gọi là “đất Biên Hòa”, thường mềm khi ở dưới sâu, nhưng trở nên rất cứng lúc bị khô.
 
Đất-đai ở đây gồm 2 loại chính:
       Đất podzolic xám nhiều cát pha thịt ở trên mặt, màu xám, có thủy cấp sâu.
       Đất podzolic vàng đỏ có mức phì nhiêu cao hơn đất podzolic xám và chỉ giới hạn ở các bực thềm thấp gần sông Saigon.
 
Đất podzolic xám thích hợp với đậu phụng vào mùa mưa vì sa cấu cát pha thịt nhưng phải bón thêm phân hóa học và một ít vôi khi trồng đậu phụng. Vì nước đào quá sâu và lắm chỗ xa nguồn nước sông, suối nên hiện nay, người ta chỉ giới hạn trồng trọt hoa màu trong những thung lũng nhỏ giữa các ngọn đồi.
 
Để tận dụng đất podzolic xám, nên trồng cao su vì cao su có rễ sâu nên có thể kháng hạn và có thể hút các dưỡng liệu ở dưới sâu. Có thể khuếch trương diện tích trồng cao su ở các khu vực sau trên vùng phù sa cổ sinh.
       Tây-Nam Trång-Bôm:6.000 ha
       Vùng đất xám giữa An Lộc và Lộc Ninh: 30.000 ha
       Bắc Tây Ninh: 100.000ha
Đất podzolic vàng đỏ cũng nên trồng cây đa niên như cây ăn trái, cao su hoặc cây hằng niên như đậu phụng, mía với điều kiện là phải gần nước tưới.
 
2) Vùng Phù sa Cận Sinh
Vùng phù sa cận sinh nằm dọc các sông ngòi: sông Saigon, sông Đồng Nai, sông Là Ngà.
Đất-đai thường ẩm ướt nhiều chất hữu cơ. Đồng bằng các vùng này tựu-trung có những tính chất thông thường của một đồng bằng sông ngòi, nghĩa là đất men theo sông suối thì tương-đối cao hơn về địa hình, còn xa sông là đất ruộng thấp hơn. Nhiều nơi ruộng xa sông có những phần đất hữu cơ.
 
Khả năng đa loại hóa vùng phù sa cận-sinh này rất lớn vì sông ngòi hầu như rất ít bị ảnh hưởng của nước mặn trừ phần hạ lưu của sông Đồng Nai và sông Saigon ở gần Nhà Bè. Đất phù sa men sông Saigon ở Dầu Tiếng (Tây Ninh) ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) là những nơi trồng cây ăn trái có tiếng (chôm chôm, sầu riêng, dâu, bưởi) hoặc dùng trồng lúa, mía. Gần Búng và Lái-Thiêu, một vài vùng đất phù sa có bị phèn nhưng nhờ lên líp chất phèn dễ bị trực di trôi đi. Phù sa ven sông La Ngà còn bỏ hoang nhiều, nhất là phía hữu ngạn và có thể xử dụng vào việc trồng mía, hoa màu phụ, cây ăn trái và ngư nghiệp (đào ao thả cá). Ở thượng lưu sông Đồng Nai, cách Ta Lai (km 125 Bắc Định Quán rẽ vào trái chừng 20 km về phía Tây Bắc có thung lũng Trodate nhiều đất phù sa hoàn toàn hoang vu vì không có đường giao thông. Trong tương lai, khi có đường sá, có thể định cư nông đân thêm ở đây vì diện tích vùng Trodate này quảng 6.000 ha.
 
3) Vùng Cao Nguyên Bình Phước (Bình Long và Phước Long)
Vùng Bình Long, nghĩa là vùng Lộc Ninh, Hớn Quản là vùng đất đỏ bao bọc xung quanh bởi những phù sa đất xám. Trái lại vùng Phước Long toàn là đất đỏ. Cao độ vùng Phước Long chừng 200m.
 
Cao nguyên này bắt đầu từ mãi bên Cambodge, phía Bắc sông Bé và tràn về phía Đông Nam, qua khỏi quốc lộ 14 để sang địa phận tỉnh Bình Dương.
Độ sâu của các thung lũng đối với địa diện của toàn vùng biến thiên rất nhiều, nhưng phần lớn các thung lũng đều nằm khá sâu. Các phần đất bằng phẳng của cao nguyên có một diện tích khá biến thiên: ở phía Nam sông Bé (trục Molère từ ngoài quốc lộ I4 vào núi Bà Rá) thì các phần đất phẳng có một diện tích tương đối hẹp còn ở vùng phía Bắc sông Bé, diện tích đất bằng phẳng và rộng hơn.
Ở những vùng tiếp giáp giữa đất đỏ và đất xám, có nhiều lớp sỏi latêrit hiện ra trong trắc diện của đất-đai.
 
Vùng Cao Nguyên Bình Long - Phước Long có nhiều đất đỏ như Cao Nguyên Xuân Lộc, nhưng có cao độ lớn hơn vùng Xuân Lộc. Đồn điền cao su chiếm nhiều diện tích ở quanh tỉnh lỵ Bình Long và vùng Lộc Ninh. Tại Phước Long, cũng có những đồn điền cao su Đồng Xoài, Phú Riềng, Dakir, Budop. Tại Phước Long cũng có nhiều địa điểm dinh điền trồng lúa rầy, hoa màu phụ cây kỹ nghệ.
Vùng Phước Long có nhiều triển vọng khuếch trương nông nghiệp vì đất tốt còn bỏ hoang rất nhiều - đất đỏ phía Bắc Sông Bé, đất đỏ phía Đông quận lỵ Đôn Luân (Đồng Xoài cũ), các vùng đất tốt ven quốc lộ 14 lên tới ranh tỉnh Quảng Đức.
 
Các hoa màu thích hợp là cây ăn trái, café, cao su nghĩa là những cây đa niên do đó vấn đề soi mòn đất đai ít nguy hiểm hơn.
Diện-tích trồng cao su có thể khuếch trương tại Phước Long quãng 500.000 Ha.
 
4) Vùng Cao Nguyên Xuân Lộc
Cao Nguyên Xuân Lộc chiến một vùng đất đỏ nằm trong tỉnh Long Khánh. Cao độ biến-thiên từ 100 đến 200m, vùng này có địa diện tương đối phẳng chỉ trừ đây đó có điểm một vài ngọn núi (như núi Chứa Chan). Toàn vùng Cao Nguyên nầy có đá basalte ở lớp dưới sâu, tuy nhiên cũng có nhiều nơi có đá nầy ở ngay lớp mặt, đặc biệt là vùng phía Bắc Định Quản. Nhiều suối chảy qua vùng nầy bắt nguồn từ ngay trong cao nguyên nên thường ít nước về mùa nắng.
 
Cao Nguyên Xuân Lộc bao gồm phần lớn là những đất đỏ tại các vùng Gia Kiệm, Gia Tân, Hưng Lộc ra đến tận vùng giáp ranh với Bình Tuy.
Cao nguyên này có nhiều đồn điền cao su rất lớn như đồn điền Courtenay, đồn điền Suzannah cũng như nhiều làng do đồng bào di cư ở - người Việt, người Nùng và có trồng nhiều chuối, café, cây ăn trái và hoa màu phụ như đậu nành, bắp...
Triển vọng nông nghiệp của cao nguyên này khá quan trọng vì có nhiều đất tốt lại gần thủ đô là nơi tiêu thụ nông sản rất mạnh.
 
Do đó, việc khuếch trương nông nghiệp sẽ dễ dàng. Đây là một vùng mà sự đa loại hóa nông nghiệp đã được thực hiện, tuy nhiên cũng có thể ghi thêm, là vùng này có khả năng trồng thuốc lá thơm (thuốc Virginie) vì thuốc lá thơm cần các nhà máy sấy bằng hơi nóng mà củi cao su ở đây lại có nhiều để có thể sấy thuốc lá được.
Tại Cao Nguyên Xuân Lộc, sau đây là các vùng có thể khuếch trương cao-su được:
       Vùng Gia Kiệm - Dốc Mơ: 5.000 Ha
       Vùng Cầm Mỹ - Cầm Đường:  8.000 Ha
       Vùng Bắc Định Quán: 20 000 Ha
 
D. Miền Châu Thổ Sông Cửu Long
Châu thổ Cửu Long là vùng cổ địa hình rất bằng phẳng. Trừ một vài ngọn núi ở vùng Thất Sơn phía Tây Nam Long Xuyên, còn thì địa diện phẳng lì.
 
Căn cứ vào các điều kiện địa hình đất đai và thủy lợi, có thể phân biệt các đơn vị thiên-nhiên nhỏ sau đây:
1) Vùng Trung Châu Thổ
Vùng nầy còn gọi là vùng cựu thổ, gồm các tỉnh Định Tường, Long An, Vĩnh Long, Phong Dinh và các phần nội địa của các tỉnh Vĩnh Bình, Ba Xuyên, Gò Công, Kiến Hòa là các tỉnh trọng tâm trong sự sản xuất nông nghiệp tại miền châu thổ. Đất-đai toàn đất phù sa do sông Tiền và sông Hậu bồi đắp.
 
Địa diện bằng phẳng, chỉ trừ vài giống có đất cao như giống ở Bến Tranh, các giống ở Trà Vinh và các đất cao ven sông.
 
Phần lớn ruộng vùng Trung Châu Thổ Cửu Long có thể làm 2 vụ lúa một năm vì nhờ nước sông và kinh rạch. Ngoài ra, rau cải, cây ăn trái, chăn nuôi heo, gà, nuôi cá đều có thể phát triển tại đây.
Tại vài vùng bị ảnh hưởng của nước mặn về mùa nắng (Gò Công, Kiến Hòa, Ba Xuyên), hiện nay vì thiếu hệ thống dẫn nước ngọt đến, nên mùa nắng đất đai đều bỏ hoang. Do đó các dự án Gò Công, Kiến Hòa rất quan trọng để tăng gia sản lượng nông nghiệp tại đây.
 
Ngoài lúa, dừa là một cây kỹ nghệ nên phát triển đặc biệt là trên đất men theo kinh rạch gần biển ở Gò Công, Trà Vinh, Kiến Hòa. Các loại cây ăn trái như mãng cầu xiêm, xoài, chôm chôm, sầu riêng đều trồng được.
Nhờ các phó sản của ngành trồng lúa, ngành chăn nuôi heo có sẵn thực phẩm để phát triển. Nhờ ruộng lúa, ngành nuôi vịt cũng gặp các điều kiện thuận lợi.
 
2) Vùng Chương Thiện - U Minh.
 Vùng này gồm nhiều đất vừa acid, vừa nhiều chất hữu cơ và là vùng giao tiếp giữa đồng bằng phù sa nước ngọt phía Bắc và đồng bằng phù sa nước mặn ở Cà Mau. U Minh là vùng mà diện tích đất hữu cơ nhiều nhất tại Nam Việt Nam, có nhiều rừng tràm và chịu ảnh hưởng của nước mặn từ các kinh Cán Gáo, Kinh Trèm Trẹm chảy đến. Tỷ lệ chất hữu cơ trên lớp mặt có chỗ nhiều hơn 10%.
 
Vì lý do an-ninh, nhiều vùng đất còn bỏ hoang.
Hoa màu có khả năng phát-triển ở đây là khóm, khoai mì, khoai lang, rau cải.
Vùng Chương Thiện ít có đất hữu cơ, nhưng có nhiều đất phù sa hơi phèn, nhưng vẫn có thể trồng lúa vào mùa mưa, rau cải, hoa màu phụ vào mùa nắng tại những chỗ có nước ngọt.
 
3) Vùng Duyên Hải Nước Mặn
Miền này gồm những dãy đất duyên hải bị chi phối bởi nước mặn như các phần đất thuộc Quận Năm Căn, Quận Đầm Dơi ở An Xuyên, Quận Chá Rai, Quận Vĩnh Lợi ở Bạc Liêu, Quận Long Toàn, Quận Cầu Ngang ở Vĩnh Bình, Quận Bình Đại, Quận Ba Tri ở Kiến Hòa.
 
Đất đai ở đây là những đất mặn có nước thủy triều lên xuống hàng ngày và nhiều vùng còn có rừng Sát vì đất còn chưa cố định và gồm nhiều bùn mặn.
 
Đối với các phần đất phía trong nội địa hơn, thuộc các tỉnh trên, đất đai tuy cũng còn bị chi phối bởi nước mặn nhưng đã cố định và nông dân vẫn trồng lúa vào mùa mưa vì mùa nắng nước mặn trong sông rạch không thể dùng đề tưới nước.
Do đó, một cưỡng chế quan trọng về việc phát triển nông nghiệp tại đây là vấn đề thiếu nước ngọt để dẫn thủy. Hiện nay nhiều dự án Thủy Nông Tiếp Nhựt, Ba Tri, Kiến Hòa, Gò Công đã, đang hay sẽ được thực hiện và phương pháp căn bản là:
       Tạo ra những đề bao ngạn quanh khu vực chỉnh trang để tránh sự xâm nhập do nước thủy triều đưa đến.
       Đào mương để tháo nước mặn ra khỏi trắc diện.
       Dẫn nước ngọt từ các vùng ở phía thượng lưu đến. Một khi có nước ngọt thì vấn đề phát triển nông nghiệp trong mùa nắng được dễ dàng và có thể trồng được nhiều hoa màu y như vùng đồng bằng phù-sa nước ngọt.
 
 


 
 
 
4) Đồng Tháp
Đồng-Tháp bao gồm phần lớn đất-đai 2 tỉnh Kiến Tường và Kiến Phong và đất đai có phản ứng rất chua (pH = 5-4) và úng-thủy vì ở một địa-diện thấp.
Đất phèn về mùa nắng có pH quãng 5; về mùa mưa, vì chất phèn trôi đi xuống sâu nên pH đất cao hơn (pH = 4-4,5) nhưng pH của nước kinh rạch lại thấp vì chất phèn bị trôi ra đây và nước sông rất trong vào mùa mưa do sự kết tủa chất Al.
 
Công tác chỉnh-trang đầu tiên tại vùng Đồng Tháp là đào kinh để chất phèn trôi khỏi trắc diện dễ dàng. Công tác đào kinh có nhiều mục đích như hạ bớt thủy cấp, làm sự trực di các chất độc dễ dàng hơn và sau đó có thể trồng các hoa màu kháng acid như thơm, khoai mì, rồi sau một vài mùa có thể trồng lúa hay cây kỹ nghệ có rễ cạn như kináp, bắp.
 
Các phương thức khai thác và quản trị đất có thể có nhiều phương pháp:
 
 a) Phương pháp đắp mô rồi lên líp để trồng.
Thoạt đầu, phải đắp từng mô nhỏ, mỗi mô cao hơn mặt đất chừng 80cm và diện tích mặt mô chừng 2m2. Mô này cách mô kia quãng 5m để trồng các loại cây trên các mô đó.
Sau vài năm, đổ thêm đất để cho các mô đất dính liền lại và tiếp tục trồng thêm. Nhờ vậy, sau cùng ta có một líp đất và mương ở 2 bên. Nhờ líp đất đắp cao nên sự trực di các chất phèn dễ dàng hơn và nhờ mương nên các chất phèn có thể thoát xuống các mương chính và ra kinh rạch được.
 
 
b) Phương pháp đê bao ngạn và mương thoát thủy.
Đê bao ngạn có nhiệm vụ là tránh nước phèn từ các nơi khác chảy vào khu vực định chỉnh trang. Đất lấy để đắp đê bao ngạn phải lấy từ bên trong chứ không thể lấy từ bên ngoài vì đất lấy bên trong khu vực định chỉnh trang sẽ được dùng để làm mương thoát thủy luôn. Mương này vừa dùng để hạ thủy cấp, vừa để thu thập các chất phèn trong khu vực,
Nông Xã Cải Thiện Mỹ Thới ở An Giang, Nông Xã Cải Thiện Cần Thơ và Mộc Hóa đã áp dụng phương pháp này.
 
 

 
 
 
Để tháo nước phèn trong mương, người ta:
       Hoặc xử dụng máy bơm để bơm nước phèn ra kinh rạch hay sông ngòi lúc thủy triều xuống (nước ròng).
       Hoặc kử dụng các ống như cây dừa rồng thân để tháo nước trong mương ra kinh bằng trọng lực.
Phương pháp sau này tốn kém hơn phương pháp thứ nhất và chỉ nên áp dụng ở các khu vực dễ bị lụt, còn nếu ở vùng ít lụt (Phong Dinh, Đức Hòa) thì chỉ nên áp dụng phương pháp thứ nhất cũng đủ.
Dù sao thì sau khi quản trị mực nước như trên để bớt chất phèn trong đất, pH đất sau vài năm sẽ tăng lên. Nhưng cũng cần bón thêm phân hóa học để tăng dưỡng liệu cho hoa màu,
Hoa màu có thể trồng được sau khi cải thiện là thơm, khoai mì (rất kháng acid) hoặc trồng lúa trong mùa mưa, rau cải mùa nắng. Về cây ăn trái có thể trồng mãng cầu xiêm tháp trên cây bình bát hay chuối.
 
5) Vùng đất miền Tây Châu Thổ.
 
Miền Tây bao gồm đất đai các tỉnh Châu Đốc, An Giang, Kiên Giang và một cách tổng quát, đó là tứ giác Châu Đốc - Long Xuyên - Rạch Giá - Hà Tiên. Đất ở đây gồm 2 loại chính: đất phù sa và đất phèn.
       Đất phù sa ở dọc sông Bassac lan đến vùng Cái Sắn, Núi Sập.
       Đất phèn ở các bưng thấp từ vùng chân núi Thất Sơn đến Hà Tiên lan rộng đến quận Kiên Lương,
Điều kiện thủy lợi ở đây rất đặc biệt vì hằng năm, nước bắt đầu dâng lên cao từ 15/7 âm lịch và chỉ rút xuống vào quảng cuối tháng 9 âm lịch, do đó đến nay chỉ trồng lúa nổi là một loại lúa có thể mọc vươn cao với mực nước.
Lúa nổi năng xuất kém (1T/Ha), chu kỳ dài (180 ngày) và cũng dễ bị mất mùa vì lụt.
Muốn cải-thiện nông-nghiệp ở đây, có thể trồng:
       1 vụ lúa Thần Nông đầu mùa mưa và thu hoạch trước rằm tháng 7 âm lịch (trồng lúa Thần Nông 5 tháng 4 âm-lịch và thu hoạch 15 tháng 7 âm lịch).
       Để đất không trồng trọt vào mùa nước dâng cao.
       Trồng loại dưa hấu 15-10 âm lịch và thu hoạch dưa hấu để bán quảng 25-12 âm lịch.
       Trồng lại bắp 5-1 âm lịch, thu hoạch 30 tháng 5 âm lịch.
Dĩ nhiên, cũng còn có thể trồng đậu nành, đậu xanh hay thuốc lá trong mùa nắng. Tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện được sự thâm canh trên nếu có máy bơm để dẫn nước vào. Hiện nay vùng này thiếu rất nhiều kinh để đưa nước từ sông Bassac vào và một khi có kinh đem nước vào thì ở 2 bên bờ kinh sự bơm nước rất dễ dàng và sự đa canh hóa nông nghiệp mới dễ thực hiện.
 
6) Miền Núi Thất Sơn
 
Núi Thất Sơn gồm các ngọn núi bao quanh vùng Trị Tôn, phía Nam Châu Đốc. Địa diện rất gồ ghề, đất nông cạn nhiều đá chỉ nên hướng lâm. Trái lại dưới chân núi có những loại đất ít chất hữu cơ và có đốm rỉ đã khai thác thành ruộng vườn trồng rau, đậu, hoa màu.
 
THÁI CÔNG TỤNG
              GIÁM ĐỐC VIỆN KHẢO CỨU
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215343 visitors (409192 hits) on this page!