Các hệ sinh thái trong truyện Kiều. P2
21/7/2020

Các hệ sinh thái trong truyện Kiều

 
GS Thái Công Tụng

Phần 2


Hệ sinh thái đồng cỏ có nhiều ở Trung Quốc vì đó là sự tiếp nối tự nhiên của quần xã đồng cỏ, còn gọi là thảo nguyên (steppe) từ phía Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan, Nội Mông , Mông cổ ). Loại thảo nguyên này ở Trung Quốc được bất hủ hoá qua  bài thơ cổ của Bạch Cư Dị :

 

“Ly ly nguyên thương thảo,

Nhất tuế, nhất khô vinh

Giã hỏa thiêu bất tận

Xuân phong suy hựu sinh ..”

với lời dịch của  Tản Ðà :

” Ðồng cao cỏ mọc như chen,

khô tươi thay đổi hai phen năm tròn,

lửa đồng thiêu cháy vẫn còn,

gió xuân thổi tới mầm non lại trồi ..”

 

Hệ sinh thái đồng cỏ, ngoài thực vật mà chủ yếu là các loài cỏ thấp như Stipa grandis, Artemisia sp.. còn có các động vật khác như chuột, thỏ, cào cào, rắn, chồn, quạ . Trong hệ sinh thái này, mạng lưới thức ăn đầu tiên gồm các loài cỏ hoặc cây thấp, tiếp đến là các loài ăn cây cỏ  như thỏ, sóc, sâu bọ; rồi đến các loài động vật ăn mồi nhỏ như thằn lằn, rắn, loài dơi, chồn..;sau cùng là các loài ăn mồi lớn như diều hâu, chó sói đồng cỏ (coyote)

Đồng cỏ giúp chăn nuôi và  là nơi chứa thuỷ tổ các loài ngủ cốc, như lúa mì, lúa mạch, kê, lúa miến . Các đồng cỏ hiện vẫn là nơi chứa các gen di truyền giúp con người lai tạo các giống kháng bệnh. Nhờ đồng cỏ người Mông Cổ mới có nhiều giống ngựa đi chinh phục nhiều nơi trên thế giới vào thế kỷ 12-13. Trong lịch sử, đế quốc Mông Cổ,  nhà Nguyên từng cai trị Trung Hoa và từng xâm chiếm Việt Nam.

Đồng cỏ có thể gặp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như ở miền Bắc Nam Mỹ (gọi tên là llanos), ở vùng ôn đới mà điển hình là các đồng cỏ gọi là prairie ở miệt Manitoba, Saskatchewan ở Canada, gọi là pampa ở Argentina, đồng cỏ steppe ở Trung Á

Hệ sinh thái đồng cỏ nằm giữa hệ sinh thái rừng và hệ sinh thái sa mạc . Thực vậy, nếu có nhiều mưa hơn thì đã thành rừng và nếu ít mưa hơn thì đã trở thành sa mạc. Đất đai ở hệ sinh thái này không quá khô như trong sa mạc, nhưng không đủ ẩm để giúp cây rừng mọc. Vào mùa xuân, tuyết đã tan đi, khí hậu ấm hơn nên thường có cỏ non , đúng như trong thơ Kiều nói trên.

Ngoài đồng cỏ, trong truyện Kiều, ta cũng bắt gặp hệ sinh thái đồi cát ở hai chỗ:

- khi nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích:

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

-khi ở nhà Hoạn Thư chạy trốn:

MÎt mù d¥m cát  đồi cây

Ti‰ng gà Çi‹m nguyŒt dÃu giày cÀu sÜÖng

Trong hệ sinh thái đồi cát, thông thường có 3 nhóm thực vật khác nhau: gần bãi biển, có các nhóm cây bò như rau muống biển (Ipomoea pes-caprae, họ Convolvulaceae), rau sam biển (Sesuvium portulacastrum) ..nghĩa là các loài rễ  dài có thể bám được các hạt cát và chịu đựng được chất mặn. Vào phía trong, có những bụi thấp, cây thấp rồi phía sâu, khi đồi cát đã ổn định mới có cây cao hơn và bụi cây thấp dưới tán. Sự hình thành các đồi cát là nhờ có hai yếu tố : lượng cát dồi dào ven biển và gió thổi mạnh lôi cuốn các hạt cát bay đi xa. Gió càng mạnh, thì lượng cát bốc đi càng nhiều và xa . Vì đồi cát vừa có khí hậu đất khô ráo, vừa nghèo dưỡng liệu nên thực vật gồm những loài thảo mộc chịu được khô khan. Có những đồi cát trắng nhưng cũng có những đồi cát xám, cát vàng.  Như vậy, đồi cát tạo thành một hệ sinh thái vì do tương tác của địa quyển (cát), phong quyển (sức gió thổi ), sinh quyển (thảo mộc), thủy quyển (nước ngầm)

22. hệ sinh thái ở nước (aquatic ecosystems). Hệ sinh thái ở nước có thể là môi trường nước ngọt như sông suối, ao hồ, nhưng cũng có thể là nước mặn ở đó thực vật và động vật tác động với các tính chất lý hoá của môi trường.

Đây là những cảnh nên thơ của một chiều xuân, bên cạnh dòng suối :

Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
            

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Ven bờ suối có nhiều cây liễu rủ bóng thướt tha bên cầu:

Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
 
Với chỉ vài câu thơ như trên, chúng ta đã cảm nhận thế nào là một hệ sinh thái sông suối: đó là thủy văn (dòng nước), địa mạo (ghềnh), thảo mộc ven bờ (bông lau, cây liễu)

Địa mạo như núi, đồi, ghềnh thác dĩ nhiên tác động đến thủy văn: gần ghềnh thác, dòng suối còn phải tránh né các chướng ngại xung quanh chứ không phải chảy xuôi như ở miền đồng bằng . Đó là lý do cụ Nguyễn Du dùng chữ uốn quanh; chỉ khi nhiều tiểu khê họp nhau lại thì mới trở thành con sông . Trong địa mạo học (geomorphology), người ta nói có những tìểu khê bậc 1, các tiểu khê bậc 1 họp nhau lại thành tiểu khê bậc 2, rồi nhiều tiểu khê bậc 2 họp lại thành dòng suối và nhiều dòng suối mới họp thành con sông. Vì dòng suối còn hẹp nên chỉ cần nhịp cầu nho nhỏ.. Nhưng hệ sinh thái không phải chỉ có không khí, nước, đất tức môi trường tự nhiên mà có cả con người .Cảnh và tình luôn luôn đi đôi với nhau . Ở đây, trong môi trường tự nhiên nên thơ như ghềnh, dòng nước uốn quanh thì tâm hồn hai chị em thơi thới, thư giãn:

 

               chị em thơ thẩn giang tay ra về.

 

Cũng thế, với chiếc cầu nho nhỏ gần mả Đạm Tiên  trong cảnh chiều tà thì cả ba yếu tố đó như chiều tà (khí quyển), dòng suối nhỏ (thuỷ quyển ), con người (nhân quyển ), dòng nước nao nao, ngập ngừng (thuỷ văn ) đã tác động tương tác với nhau lên não bộ, làm nao nao tâm thức con người lúc đó. Tâm và cảnh như vậy có tác động qua lại với nhau chứ không đứng riêng rẽ nghĩa là có phản ứng thuận nghịch, có đan xen lần nhau, tạo ra một hệ sinh thái đúng nghĩa của nó:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ


  Tại sao ta gọi là hệ sinh thái sông suối ? Là vì ở hệ sinh thái này, có sự tương tác giữa các thành tố như sau:

-môi trường khí hậu như mưa, nắng:

-môi trường địa mạo như ghềnh, thác, đồng bằng

- đầu vào (input) như nước từ suối nhỏ chảy vào sông con, sông lớn

- đầu ra (output) như nước chảy xuôi đến biển

-dòng nội lưu (throughput) như chuyển hoá, kết tuả, trầm tích trong dòng sông: nước hoà tan các chất dinh dưỡng cho đời sống thực vật, nước chuyên chở các chất đi xa, nước nhờ ánh sáng mặt trời gây bốc hơi tạo thành mây và mưa rơi tái tạo chu kỳ nước

-vòng phản hồi (feedback loops) như khi sông bị ngập lụt thì thảo mộc ven bờ có thể giúp cản bớt dòng chảy tràn; khi sông cạn thì thảo mộc ven sông giúp điều hoà nước vào hệthống
Trong bất cứ một vòng phản hồi nào, các thông tin về  kết quả một hành động hay một biến đổi nào đều trở lại đầu vào . Nếu các dữ kiện mới này làm tăng cùng chiều với các kết quả trước, ta có phản hồi dương với kết quả tích luỹ thêm, còn nếu các dữ kiện mới đó đi ngược lại với các kết quả trước, ta có phản hồi âm

 

Ngoài hệ sinh thái sông suối, cũng có hệ sinh thái cửa biển:

Nàng Kiều đầu tiên   lầu Ngưng Bích gần cửa biển với câu:

 

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu


v
à lần thứ hai khi nàng Kiều muốn trầm mình trên sông Tiền Đường trong hai câu sau:

 

Triều đâu nổi tiếng đùng đùng

Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường

hoặc:

 

Ngọn triều non bạc trùng trùng

Vời trông còn tưởng cánh hồng mới gieo

 

Cửa biển của mọi sông ngòi đều có một đặc điểm chung: đó là nơi có pha trộn dòng nước ngọt và dòng nước mặn; đó là nơi có nước thuỷ triều  lên (ngọn triều non bạc trùng trùng) hay xuống (ngọn nước mới sa ) và vì môi trường thiên nhiên có tính cách đặc thù như vậy nên thực vật là rừng ngập mặn, địa mạo có bãi đất lầy theo thủy triều, đầm phá, san hô v.v

Hệ sinh thái cửa biển là nơi nước ngọt pha trộn với nước mặn để có môi trường nước lợ, nghĩa là không ngọt, không mặn .Hệ sinh thái này nhận mọi dưỡng liệu từ sông ngòi, từ biển và từ đất ven bờ . Với dòng thủy triều lên xuống, gió thổi nên các dưỡng liệu bị phân tán, pha trộn, hòa tan và tạo nên một môi trường sinh sống cho nhiều  loài thực vật và động vật khác nhau: rừng ngập mặn, dừa nước.. Rừng ngập mặn ở vùng Triết Giang, Phúc Kiến trong truyện Kiều cũng có cấu trúc tương tự như rừng ngập mặn ở Việt Nam, nghĩa là có nhiều cây đước, cây bần bám trụ bùn non với những hệ thống rễ chằng chịt như kiềng 3 chân, nuôi dưỡng con người với củi, than đước, cua, tôm, chim chóc, khỉ, vượn, mật ong ..

Hệ sinh thái cửa biển là nơi cư trú nhiều loài chim và đặc biệt, khi hoàng hôn xuống, có nhiều đàn cò trở về tổ nghỉ đêm, là nơi sinh sản của nhiều loài sinh vật biển (tôm, cá  ..) là nguồn thức ăn của các loài chim biển di cư  cũng là nơi tạo điều kiện cho giải trí, thư giãn

3. Kết luận .

Qua các vần thơ bất hủ của Nguyễn Du trong truyện Kiều, chúng ta đã hình dung được các phong cảnh thực vật ở Trung Quốc thời nhà Minh. Các vần thơ ấy đã phả vào các hệ sinh thái một ‘hồn người’để đi sâu vào tâm thức chúng ta, từ sự thanh thản quý phái lúc nàng Kiều gặp Kim Trọng lần đầu đến sự buồn rầu miên viễn dẫn đến sự trầm mình trên sông Tiền Đường. 

Tuy nhiên, những hệ sinh thái nói trên, từ đồng cỏ bạt ngàn trải dài với nắng vàng nghiêng ngả, đến cửa biển với đồi cát mịt mù ngày nay đang bị áp lực dân số kéo theo đô thị hoá, kỹ nghệ hoá nên càng ngày mai một. Khó thấy lại những cảnh như:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi ánh vàng

 Với dân số thế giới càng năm càng tăng, nhất là tại các nước đang mở mang, loài người đã phá hủy các hệ sinh thái vốn nuôi nấng con người từ thời con người xuất hiện. Cuộc đảo lộn các hệ sinh thái thiên nhiên với sự mất đi của sự đa dạng sinh hoc hiện nay đang kéo theo một số vấn nạn khác như nước biển dâng, băng hà tan, bão tố nhiều với cuồng phong kéo theo lụt lội, chuồi đất. Thực vậy, các hệ sinh thái thiên nhiên có vững mạnh thì sức khoẻ con người, -cả thể chất lẫn tâm linh-, mới vững mạnh .Con người như vậy phải ý thức rằng tài nguyên thiên nhiên không phải là ‘rừng vàng biển bạc’ như ngày xưa vì con người đã vượt quá ‘ngưỡng sinh học’ ; con người phải ý thức rằng đa dạng sinh học, sức khoẻ của các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững đều liên hệ đến nhau, do đó phải tìm cách sống hài hoà với thiên nhiên trong niềm cảm thông sâu xa với hành tinh ta đang sống vì chúng ta chỉ còn MỘT hành tinh duy nhất này ở được mà thôi

Thái Công Tụng

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196369 visitors (363013 hits) on this page!