Nam Kỳ Lục Tỉnh. Phần 1


Nam Kỳ Lục Tỉnh:

Đất nước và con người

Lâm Văn Bé

 

Trong lúc luận bàn và tìm hiểu văn hóa và con người trong vùng đất mới, đôi lúc tôi có đế cập đến con người và văn hóa vùng đất cũ. Sự kiện nêu lên vài khác biệt của hai nền văn hóa mới cũ không hàm ý một phán đoán giá trị, khen chê, mà chỉ muốn nói lên những biến đổi của người Việt Nam trong môi trường sống mới, gợi lên những đa diện của nền văn hóa Đại Việt và những độc đáo của nền văn hóa mới ở phương nam.

Bài này gồm 3 tiểu đề: Đất Nam Kỳ, Người Nam Kỳ, Văn Học Nam Kỳ.

Đất Nam Kỳ

 Vùng đất mà trước đây gọi là Đồng Nai-Gia Định, và hiện nay được gọi là Nam Kỳ, cho đến đầu thế kỷ 17 vẫn còn là một vùng đất hoang vu, rừng rú, sình lầy, dẫy đầy rắn rít và trăm ngàn thú dữ.

Đồng Nai xứ sở lạ lùng 

Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um

Lịch sử hình thành và phát triển Nam Kỳ lục tỉnh là lịch sử của gần 400 năm gian khổ khẩn hoang lập làng của những nhóm lưu dân Việt Nam từ Đàng Trong xuôi Nam, của những nhóm lưu dân Trung hoa bài Mãn, phục Minh và sự cộng cư của các thổ dân bản địa.

 Sự hình thành và phát triển ấy lại được tác động bởi 3 yếu tố chính trị: sự tan rã của chánh quyền Cao Miên, nhu cầu của một cuộc nội chiến Viêt Nam, và sự đô hộ của Pháp.

Tưởng cũng nên nhắc rằng, vùng đất hoang vu nầy, trước đó, từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 7 thuộc về Vương Quốc Phù Nam, bao gồm một vùng đất bao la trải dài từ lưu vực sông Cửu Long đến sông Ménam (Thái Lan), xuống đến tận các đảo Mã Lai.

Vương quốc nầy gồm những dân cư hải đảo như Mélanésien, Indonésien, Môn, theo văn minh Ấn độ. Di tích còn tìm thấy được của nền văn minh Phù Nam, thường gọi là văn minh Óc Eo do Louis Mallaret, thuộc trường Viễn Đông Bác cổ khám phá ra năm 1944 ở Óc Eo gần núi Ba Thê (Châu Đốc), gồm một cổ thành dài 1500m và nhiều cổ vật gồm đồ trang sức bằng vàng, có đồng tiền La Mã. 

Vì lẽ các vua chúa Phù Nam bóc lột hà khắc quá đáng dân chúng, nên có một cuộc nổi dậy của một sắc tộc tên là Kambuja (những đứa con của Kambu, tên của thủ lãnh, sau nầy được người Pháp đổi lại là Cambodge) từ miền Korat (Bắc Kampuchea và Hạ Lào bây giờ) tràn xuống vùng Biển Hồ, đánh đuổi người Môn và lập nên vương quốc Chân Lạp vào thế kỷ thứ 6. Vương quốc Phù Nam bị tan rả, một số người Môn chạy sang sinh sống ở vùng sông Ménam (Thái Lan), Miến Điện, một số ít lưu lạc lên vùng Tây Nguyên. Vương quốc mới nầy đóng đô ở Anglor và phát triển quyền lực ở vùng Biển Hồ mà cao điểm là xây dựng các đền đài Anglor (vùng Siemreap) vào thế kỷ 12-13. Anglor Wat, là đền đài lớn nhứt được xây từ 1112 đến 1152, bề dài đến 1000m, bề ngang 850m.

 Đến thế kỷ 13, Anglor bao gồm một diện tích độ 100km2 và là một trong những thành phố lớn nhứt thế giới thời ấy. Năm 1431, Xiêm tàn phá Anglor, vương triều phải dời về Phnom Penh (1434). Đến thế kỷ 16 thì kinh đô dời về Oudong rồi mới trở lại Phnom Penh từ 1866 dưới thời Norodom đệ nhất. Anglor từ đó đã bị bao phủ trong rừng sâu cho đến năm 1851 mới được Mouhot, một nhà côn trùng học người Pháp vô tình tìm thấy nhân khi đi nghiên cứu côn trùng và chỉ bắt đầu được trùng tu lại từ 1880. (Encyclopédie Encarta 2001. Paris: Microsoft, 2001, article sur le Cambodge).

Nhưng nội bộ các vương tộc Chân Lạp, từ lúc thành lập, luôn luôn tranh chấp nhau, chia cắt đất nước thành nhiều lãnh địa (như vào thế kỷ thứ 8 có đến 5 lãnh địa). Họ rất hiếu sát và hay trả thù, trong 3 lần dời kinh đô từ Anglor, qua Oudong rồi Phnom Penh hay mỗi lần thay đổi triều đại, dân Miên tàn phá hết di tích và tàn sát phe đối nghịch. Nội chiến đã làm quốc gia suy yếu, Chân Lạp thường bị Xiêm (đến 1939 mới đổi là Thái Lan) nhiều lần đánh chiếm đất đai hay phải cắt đất dâng cho Xiêm mỗi khi có một ông hoàng Miên sang Xiêm cầu cứu. 

Cuộc Nam Tiến của dân ta đã bắt đầu trong bối cảnh nội chiến nầy của xứ Chân Lạp và cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn của nước ta.

 Năm 1620, vua Chey Chetta 2 đến Thuận Hóa xin cầu hôn với công chúa Ngọc Vạn (khi trở thành hoàng hậu có tên là Ang Cuv hay Sam Đát), con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuộc hôn nhân nầy chẳng qua là một dịp đi tìm đồng minh của vua Chân Lạp, cầu viện chúa Nguyễn để đánh lại Xiêm lúc nào cũng đe dọa Chân Lạp. Chúa Nguyễn cũng lợi dụng việc gả con gái để đưa quan quân lên Chân Lạp và mang về những tiếp liệu cần thiết (lúa gạo, trâu bò, voi) để đánh chúa Trịnh và đưa người Việt đi vào lập nghiệp ở vùng đất Phù Nam cũ ở hạ lưu sông Cửu Long. Tuy trên danh nghĩa là đất Chân Lạp, nhưng trong thực tế là đất vô chủ bởi lẽ từ nhiều thế kỷ, vì sự suy yếu nội bộ, vì chiến tranh liên tiếp với Xiêm, vùng đất nầy hoàn toàn hoang vu không có guồng máy cai trị của Chân Lạp.

Trước khi người Việt đến, vùng nầy chỉ có vài mươi nóc nhà người Miên-Môn, ở trên các gò cao ở sâu trong rừng vùng Preikor (Saigon), sống biệt lập với người Miên và chánh quyền Miên ở vương triều.

– Năm 1623, niên kỷ đầu tiên đánh dấu cuộc Nam Tiến, chúa Sãi cho đặt hai trạm thu thuế ở Prei Nokor (Saigon, nay ở khoảng Quận 5) và Kas Krobei (Bến Nghé, nay ở khoảng quận 1); (theo Địa chí văn hóa TPHCM, tr. 475)

– Sự kiện chúa Nguyễn cho đặt hai trạm thu thuế cho phép ta suy luận rằng trước đó, lưu dân người Việt đã đến khẩn hoang lập làng ở vùng đất vô chủ nầy rồi, và trạm thuế của chúa Nguyễn chỉ là chánh sách « dân làng đi trước nhà nước theo sau».

Trịnh hoài Đức cũng xác nhận trong GĐTTC: Dân Nam vô Mô Xoài từ các Tiên hoàng đế tức Nguyễn Hoàng (1558-1613), Nguyễn Phước Nguyên (1613-1625). 

Như vậy, Mô Xoài (tức Bà Rịa bây giờ) là địa điểm đầu tiên có người Việt đến quần cư (vì trên gò cao, gần sông, biển).

Từ đó, chúa Nguyễn khuyến khích dân Thuận Quảng và đưa tù binh bắt được trong cuộc chiến tranh với chúa Trịnh vào Nam khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới. Sử cũ ghi là năm 1665 có độ 1000 người Việt vào lập nghiệp ở vùng đất mới nầy.

Sau những đợt di dân tự nguyện và cưỡng bách của người Việt, vào cuối thế kỷ 17, có hai đợt di dân của người Trung hoa đến.

– Năm 1679, khoảng 3000 binh sĩ trung thành với nhà Minh đi trên 50 chiến thuyền đến xin chúa Nguyễn cho lập nghiệp. Chúa Nguyễn chia ra hai nhóm, một nhóm do Trần Thượng Xuyên chỉ huy đến khai phá vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa), Gia Định, một nhóm do Dương Ngạn Địch chỉ huy xuống MỹTho và Cao Lãnh. Trong cuộc cộng cư nầy, những cuộc hôn nhân giữa người Tàu (là binh sĩ độc thân) và người Việt đã sớm thành hình.

– Năm 1710, theo giáo sĩ Labbé, số người Việt và Minh hương lên đến 20000 người, phần lớn tập trung trong vùng Đồng Nai và Tiền Giang.

– Năm 1681, một nhóm di dân khác cũng người Minh do Mạc Cữu chỉ huy đổ bộ lên đảo Koh Tral (Pháp âm từ tiếng Miên là Koh Sral = tiếng Việt là Phú Quốc) rồi dùng đường bộ lên Kampot, đến Oudong xin thần phục vua Miên.

Mạc Cữu được vua Miên cho phép khai thác một vùng đất rộng lớn trong vịnh Xiêm La, mở sòng bạc, buôn bán với các ghe tàu qua lại, thu hút lưu dân Trung Hoa từ khắp nơi tới, có một thế lực rất lớn trong vùng, Bị vua Xiêm đánh phá, Mạc Cữu được chúa Nguyễn cứu trợ, nên sau khi dẹp được quân Xiêm, Mạc Cữu xin sát nhập tất cả đất đai đã khai khẩn về chúa Nguyễn.

Năm 1732, chúa Nguyễn cho lập trấn Hà Tiên, nhưng vẫn để Mạc Cữu cai trị. Những cuộc liên minh sau đó giữa con Mạc Cữu là Mạc Thiên Tứ với vua Chân Lạp để chống lại hay để thần phục chúa Nguyễn đã khiến một vùng đất rộng lớn từ Hà Tiên, Châu Đốc (Tâm Phong Long), Cần Thơ (Tầm Bôn), Long Xuyên (Lôi Lạp) qua đến lãnh thổ Cao Miên hiện nay như Kompong Som, Kampot… lần lượt sát nhập vào đất đai của chúa Nguyễn.

Trong việc lập quốc Nam Kỳ, một vấn đề cần được minh xác.

Vì thiên kiến của một số người Miên quá khích phần lớn thuộc thuộc hoàng tộc, vì quyền lợi của thực dân Pháp, và vì óc tự hào quá đáng của một số người Việt, một thiên kiến thường được nhắc đến theo đó thì đất Nam Kỳ là đất Thủy Chân Lạp khi xưa đã bị VN thôn tính bằng võ lực.

 Lập luận nầy sai vì những lý do sau đây:

– Lúc ban đầu, cuộc Nam Tiến là một cuộc cộng cư giữa người Việt, người Tàu và người bản địa (Miên, Môn, Chàm) để khẩn hoang một vùng đất vô chủ.

– Sau đó, đến thế kỷ 18, những đất đai vùng châu thổ Cửu Long và vùng ven vịnh Xiêm La mà vua chúa Chân Lạp lần lượt chuyển nhượng, hoặc trực tiếp cho chúa Nguyễn, hoặc gián tiếp qua tay dòng họ Mạc là những món quà để đổi lại sự giúp đỡ quân sự cho Chân Lạp để bảo vệ đất Chân Lạp, chống đở lại sự uy hiếp thường xuyên của Xiêm La. Đối với người Miên, đó là những cử chỉ thần phục, hơn nữa những đất đai mà vua Miên dâng tặng cho chúa Nguyễn không hẳn thuộc vua Miên, vì từ sau khi Phù Nam tan rả, vùng đất nầy chẳng bao giờ được Miên kiểm soát hay đặt bộ máy cầm quyền.

– Nếu dựa vào các nguyên tắc về công pháp quốc tế ngày nay cũng như theo quan niệm vương quyền thời quân chủ ngày xưa, vùng đất hoang vu thường được gọi là Thủy Chân Lạp trước khi chúa Nguyễn đưa dân Thuận Quảng vào lập nghiệp không thể xem là đất của Chân Lạp. Ngày nay, để được gọi là quốc gia, cần có ba yếu tố: lãnh thỗ, dân tộc, và chánh quyền, cũng như ngày xưa, khi uy quyền của vua lan rộng đến đâu thì lãnh thổ nới rộng đến đó. Thần dân tùy thuộc một triều đại chớ không tùy thuộc một lãnh thổ. Nơi nào dân không nộp thuế khóa, không triều cống phẩm vật, nơi đó xem như đất vô chủ.

Cũng cần biết là trước khi người Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương (1893), ranh giới giữa các quốc gia chỉ là ước định và nhân danh triều đình Huế, người Pháp đã ký nhiều hiệp ước song phương với các xứ Đông Dương vào cuối thế kỷ 19 để phân định ranh giới các xứ.

Riêng với VN, để bảo vệ quyền lợi các đồn điền Pháp, chánh phủ thuộc địa đã tự tiện ký các hiệp ước phân định ranh giới với Miên, như lấn tỉnh Svayrieng vào lãnh thổ VN, cắt Kompong Som, Kampot sát nhập lại cho Cao Miên (để nới rộng các đồn điền cao su của tư bản Pháp và dễ dàng hóa việc chuyển vận cao su qua các hải cảng ở vịnh Xiêm La), bù lại sát nhập đảo Phú Quốc vào Nam Kỳ. 

Và cũng cần ghi nhận thêm, trong nhiều sách sử Miên (Mak Phoen. Chroniques royales du Cambodge – Paris: EFEO, 1981 và Khin Sok. Le Cambodge entre le Siam et le VN de 1775 à 1860- Paris: EFEO, 1991) họ không nói đến chuyện VN đánh chiếm đất, mà lường gạt chiếm đất

Điều cũng cần biết là không phải riêng gì VN được tặng đất mà Xiêm cũng được tặng đất và được tặng nhiều hơn. Những tỉnh Chantaburi, Prachinburi, Xurin, Xixaket…ngày nay của Thái Lan trước kia là đất của Chân Lạp.

 – Đến năm 1768, cuộc Nam Tiến của dân Việt Nam coi như đã chấm dứt. 

Lãnh thổ Nam Kỳ lúc nầy dược chia thành 3 tỉnh: Đồng Nai (bao gồm các vùng đất miền Đông), Saigon (bao gồm các vùng đất từ sông Saigon đến cửa Cần Giờ) và Long Hồ (bao gồm các vùng đất miền Tây).

Tuy phân chia như vậy, nhưng ranh giới các địa phương sinh tồn nầy trong thực tế không rõ ràng minh định mà thường dựa theo các bìa đất đã canh tác cuối cùng, khi có làng xã thiết lập, hay khi có ngôi đình làng. Trong cuộc cộng cư nầy, thuở ban đầu, người Hoa và người Việt sinh hoạt theo lối da beo (thành từng đốm), nghĩa là họ canh tác ở vùng đất thấp, cạnh trục giao thông, không xâm nhập vào các vùng đất, làng xã của người Miên thường gọi là srok (sóc) trong các vùng đất cao.

 – Từ năm 1802, năm Gia Long lên ngôi đến năm 1859, năm người Pháp chiếm Saigon, công tác của nhà Nguyễn không còn mở rộng đất đai ngoại vi, mà tập trung khai khẩn vùng nội địa bằng cách đào thêm kinh rạch (kinh Vĩnh Tế, kinh Vĩnh An), lập thêm đồn canh để bảo vệ lãnh thổ (như vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một) hay đưa người Việt, người Minh Hương đến lập nghiệp các vùng có người Miên (Ba Xuyên, Trà vinh…).

Và cũng từ đó, đất Nam Kỳ nhiều lần được thay đổi tên gọi.

 • Năm 1808, dưới thời Gia Long, Nam Kỳ được gọi là Gia Định Thành bao gồm 5 trấn: Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường, Phiên An, Biên Hòa.

• Năm 1834, dưới thời Minh Mạng, 5 trấn được đổi thành 6 tỉnh. Danh từ Nam Kỳ lục tỉnh xuất hiện kể từ năm nầy.

 • Năm 1880, dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia ra làm 20 hạt rồi 20 tỉnh theo vần vè như sau:

Gia (Định) Châu (Đốc) Hà (Tiên) Rạch (Giá) Trà (Vinh) Sa (Đec) Bến(Tre) Long (Xuyên) Tân (An) Sốc (Trăng) Thủ (Dầu Một) Tây (Ninh) Biên (Hoà) Mỹ (Tho) Bà (Rịa) Chợ (Lớn) Vĩnh (Long) Gò (Công) Cần (Thơ) Bạc (Liêu)

 • Năm 1947, lập thêm tỉnh thứ 21: Cap St-Jacques (Vũng Tàu)

• Năm 1945: Nam Bộ.

• 1948: Nam Phần, dưới thời chánh phủ Nguyễn Văn Xuân

• 1954: Miền Nam, sau hiệp định Genève để chỉ vùng đất VNCH nam vĩ tuyến 17 gồm 40 tỉnh

Có lẽ địa danh Nam Kỳ tồn tại hơn 100 năm nên dịa danh lịch sử nầy đã được thường xuyên sử dụng bởi dân cả 3 miền Nam Trung Bắc. Nhưng sau nầy, khi nói Lục tỉnh, dân Saigon thường hiểu là miền Hậu Giang.

Người Nam Kỳ

Người dân miền Thuận Quảng, sau gần 400 năm tiếp cận với nền văn hóa bản địa Phù Nam – Chân Lạp, với người Minh Hương và người Pháp, bị tác động bởi một môi trường thiên nhiên khắc nghiệt thuở ban đầu nhưng trù phú về sau, điều kiện đã tạo cho họ những nét đặc thù mà từ ngôn ngữ đến tâm tình lẫn tâm tính có nhiều khác biệt với tổ tiên của họ ở Đàng ngoài.

Trước tiên, ngôn ngữ là một đổi thay lớn và nhanh chóng.

Chỉ một thế hệ, Nguyễn Đình Chiểu, con của Nguyễn Đình Huy gốc người quận Phong Điền ở Huế được bổ nhiệm vào Gia Định phò tá Lê Văn Duyệt đã viết nên Lục Vân Tiên, một tác phẩm tiêu biểu của văn học miền Nam với những lời văn nôm na, bình dân trái với với văn phong Hán Học của ông cha.

– Tiên rằng: Bớ chú cõng con 

Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài 

hay

– Phong Lai mặt đỏ phừng phừng 

Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây 

Nhiều nhà chính trị, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và miền Nam vào thế kỷ 19 đa số là người Thuận Quảng hay người Minh Hương. Thí dụ như Gia Định Tam gia gồm có Trịnh Hoài Đức gốc người Phước Kiến (định cư ở Biên Hòa, tác giả bộ địa phương chí Gia Định Thành Thống Chí), Lê Quang Định gốc người Thuận Quảng (tác giả bộ Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí), Ngô Nhân Tịnh gốc người Quảng Đông.

Nhiều gia đình danh gia vọng tôc ở Miền Nam, đặc biệt ở Gò Công, cũng là con cháu những người Thuận Quảng đã theo các đàn ghe bầu xuôi Nam lập nghiệp vào thế kỷ 17 như Bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức là con của đại thần Phạm Đăng Hưng, bà Đinh Thị Hạnh, thứ phi của vua Thiệu Trị.

Đến vùng đất mới, lưu dân Thuận Quảng mang theo những câu hò, điệu hát Đàng Ngoài nhưng lại được cải biên theo địa danh mới.

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thuận An (Huế)

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm (Gia Định)

Ru em em théc cho muồi

Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Bát Nhị, mua trầu Hội An

Hội An bán gấm bán điều

Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành (Quảng Nam)

Đố anh con rít mấy chưn

Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người

Chợ Dinh bán áo con trai

Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim (Gia Định)

Chiều chiều ông Lữ đi câu

Bà Lữ đi xúc, con dâu đi mò (Thuận Quảng)

Chiều chiều ông Lữ đi câu

Sấu tha ông Lữ biết đâu mà tìm (Nhà Bè)

Chiều chiều ông Lữ đi cày

Trâu tha gảy ách ngồi bờ khoanh tay (Hốc Môn)

Ngoài chuyện cải biên tiếng Việt, sự cộng cư giữa lưu dân Việt từ Đàng Ngoài với người Tàu, người Miên đã tạo thành một thứ ngôn ngữ pha trộn. Biết bao địa danh Nam Kỳ là nói trại từ tiếng Miên (Sốc Trăng, Trà Vinh, Bải Xàu, Chắc Cà Đao..) danh từ tiếng Việt và Miên ghép lại: cầu Mây Tức giữa Vïnh Long và Trà Vinh (Mây: tiếng Việt, tức: tiếng Miên =nước) hay Việt Miên Tàu: Sáng say, chiều xỉn, tối xà quần…hay là: nóp, bao cà ròn (tiếng Miên), thèo lèo, xá, gật, hủ tiếu, mì, tiệm, thối, xào…(tiếng Tàu) và tiếng quần xà lỏn nói trại từ chữ pantalon của Pháp (hay tiếng xà rông cûa người Miên?).

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 192765 visitors (348107 hits) on this page!