Các kiểu rừng chính ở Hoa Kỳ
28/12/2020

CÁC KIỂU RỪNG CHÍNH Ở HOA KỲ

Kỹ Sư Nguyễn Lương Duyên

 

Những nhà lâm nghiệp Mỹ nói chung chấp nhận có 19 kiểu rừng chính ở Hoa kỳ, dựa trên sự tiêu biểu và phong phú của các loài cây gỗ mọc tự nhiên trong quần thể. Tổng diện tích rừng ở Hoa kỳ khoảng 304 triệu ha, chiếm 33.9% diện tích toàn quốc. Rừng ở Mỹ phần lớn thuộc quyền sở hữu của chính quyền liên bang. Chính quyền liên bang làm chủ khoảng 255 triệu ha rừng, đa phần nằm ở phía tây Hoa kỳ. Diện tích này là khoảng 26% diện tích Hoa kỳ, lớn hơn diện tích tổng cộng của California, Texas, Florida và New York; nhưng lại nằm ở những vùng xa xôi, hiểm trở, không dân cư. 80% diện tích của Nevada, 60% diện tích của Alaska là thuộc sở hữu của Liên bang; các nơi khác chính quyền Liên bang chỉ sở hữu khoảng 4%.


Bản đồ này thực hiện năm 1992, nhưng hiện trạng không thay đổi nhiều. Rừng ở Hoa kỳ tập trung ở phía đông. Chính giữa Hoa kỳ là vùng đồng cỏ mênh mông. Còn phía tây trong nội địa là sa mạc mênh mông với những vùng có thảm thực vật thì chỉ là trảng thưa cây bụi khô cằn hoặc là rừng cây bụi thấp.


 
Sinh khối các vùng rừng ở Mỹ tính theo Tấn/ha



Tăng trưởng hàng năm của rừng ở Mỹ tính theo Tấn Carbon/ha.năm






Các quần hệ rừng chính ở Hoa kỳ

 

1.       Kiểu rừng Dương-Bạch dương (Aspen-Birch)



Cây chỉ thị: Dương (Populus), Dương balsa, Bạch dương (Betula) giấy, Bạch dương xám

Cây mọc kèm: Phong (Acer), Lãnh sam (Sapin, Abies)

Đây là những cây mọc vùng lạnh với mùa hè mát, ở vùng phía bắc của Bắc bán cầu, ở vĩ độ thấp chúng mọc vùng cao nguyên, núi. Cây rụng lá mùa đông. Dương, thuộc họ Liễu Salicaceae, nói chung cao 15-30m, vỏ cây có thể quang hợp và có nhiều khổng trao đổi khí. Dương sinh trưởng bằng chồi rễ, chịu lửa rừng, ưa sáng mạnh. Bạch dương hay Cáng lò, họ Bu lô Betulaceae, là cây tiên phong của vùng ôn đới phương bắc.


2.       Kiểu rừng Linh sam Douglas (Douglas Fir)

Cây chỉ thị: Linh sam Douglas (Pseudotsuga menziesii)

Cây mọc kèm: Thiết sam (Western Hemlock, Tsuga heterophylla), Trắc bá/ Tuyết tùng đỏ (Western Cedar, Thuja plicata), các Lãnh sam (Fir, Abies), Hồng mộc (Redwood, Sequoia sempervirens), Thông vàng/Hoàng tùng/Ponderosa (Ponderosa Pine), Thông rụng lá (Larix).


Các loài cây chính của kiểu rừng Linh Sam Douglas đều là các cây có nón, lá kim hoặc lá vảy, thường xanh (trừ Thông rụng lá). Chúng thuộc hai họ chính là Thông, Pinaceae và Bách, Podocarpaceae. Rừng kiểu này là nơi sinh sống của nhiều động vật, lửa rừng thường xảy ra khi có hạn. Linh sam Douglas là cây bản địa của bắc Mỹ, có hai loài, P. menziesii mọc ven biển hay vùng ẩm nội địa, có thể cao tới 75m đường kính 2m; và P. glauca mọc vùng khô trong dãy núi Rocky, cao 45m đường kính 1m.


Tuyết tùng đỏ hay tuyết tùng khổng lồ, có thể cao đến 70m, đường kính tới 4m. Nó không phải thuộc chi Tuyết tùng như tên gọi, mà là Trắc bá. Hồng mộc là loài cây khổng lồ, cao nhất thế giới, có thể đạt tới 115m, đường kính tới 9m, tuổi thọ đến 1,500 năm. Hoàng tùng là loài phân bố rộng rãi nhất bắc Mỹ trong những loài hạt trần. Loài thông rụng lá thường gặp ở những vùng lạnh hoặc núi cao, có thể có chiều cao đến 40m. Ngoài ra còn có rất nhiều loài Lãnh sam trong kiểu rừng này.


 

3.       Kiểu rừng Vân sam-Lãnh sam (Eastern Spruce-Fraser Fir)

Cây chỉ thị: Vân sam đỏ (Red spruce, Picea rubens), Lãnh sam Fraser (Abies fraseri)

Cây mọc kèm: Trắc bá/Tuyết tùng trắng (White cedar, Thuja occidentalis), Thông rụng lá đỏ (Tamarack, Larix laricina), Phong (các Acer), Bạch dương, Thiết sam (Hemlock, Tsuga).


Đây là kiểu rừng vùng núi cao, phía đông Hoa kỳ, dãy Appalachia, gồm những loài chính thuộc nhóm cây có nón thường xanh, lá kim; hiện diện ở vùng lạnh nhất cao độ 1,700m trở lên. Khí hậu quá lạnh nên chỉ rất ít cây lá rộng thích nghi được, và chỉ thấy ở nơi thấp. Kiểu rừng này là dấu chứng của thời kỳ băng hà cuối cùng. Kiểu rừng này có nguy cơ biến mất, nay chỉ còn chiếm độ 260 km². Trong hai loài chính thì Lãnh sam Fraser đặc hữu của vùng núi Appalachia có nguy cơ tuyệt chủng, vì hầu hết các cây trong cuối thập niên 1990 bị chết do một loài côn trùng không cánh Adelges piceae ký sinh.


 

4.       Kiểu rừng Du-Tần-Dương (Elm-Ash-Cottonwood)

Cây chỉ thị: Du (Elm, Ulmus americana), Tần (Ash, Fraxinus profunda, F. pennsylvanica), Dương lá tam giác (Cottonwood, Populus deltoides)

Cây mọc kèm: Liễu (Salix), Vông nước (Sycamore, Platanus occidentalis), Dẻ gai (Beech, Fagus sylvatica), Phong (Maple, đặc biệt là Phong ngọt, Acer saccharum).

Kiểu rừng này hiện diện ở vùng đất ẩm, bằng phẳng, địa mạo có nhiều vùng trũng thành vũng, hồ rải rác khắp nơi. Mực thuỷ cấp rất gần mặt đất quanh năm. Điều kiện thổ nhưỡng này chính yếu là vùng bình nguyên lưu vực của hồ Erie. Rừng kiểu này không khép tán.


Những loài cây chính yếu:


Những loài mọc xen với tỉ lệ đáng kể trong kiểu rừng đọng nước này gồm:



Cây bụi ưu thế là Liên đàn, Lindera benzoin, là thức ăn ưa thích của hươu nai. Cỏ đa số là họ Lác, Cyperaceae và rất nhiều loài ráng.


 

5.       Kiểu rừng Thiết sam-Vân sam Sitka (Hemlock-Sitka Spruce)

Cây chỉ thị: Thiết sam (Western Hemlock, Tsuga heterophylla), Vân sam Sitka (Sitka Spruce, Picea sitchensis). Hai loài này có tỉ lệ cá thể ngang nhau trong quần thể, cùng là loài chịu rậm, tăng trưởng cũng gần như nhau.


Cả hai loài này rất thường gặp cây con mọc trên gốc cây mục. Vân sam Sitka là loài cây thường xanh, chiều cao có thể đạt tới 90m, đường kính có thể tới 5m. Lãnh sam trắng chiều cao có thể đến 50m, đường kính đạt trên 1.5m.


Cây mọc kèm: thường thấy là các loài Linh sam Douglas, Lãnh sam trắng (Silver fir, Abies alba), Tuyết tùng đỏ (đúng ra là một Trắc bá, Thuja), Thông xoắn (Lodgepole pine, Pinus contorta) và một loài lá rộng rụng lá Tổng quán đỏ (Red alder, Albus rubra).

Kiểu rừng này gặp ở vùng khí hậu ẩm và mát. Ngay cả mùa hè cũng có sương mù thường xuyên giúp rừng giữ ẩm.


 Xuống dần các vĩ độ thấp hơn có thể thấy có thêm Hồng mộc (Redwood), Bách Lawson (Lawson Cypress/Port Orford Cedar, Chamaecyparis lawsoniana), Nguyệt quế Oregon (Oregon myrtle/laurel, Umbellularia californica).


Tầng cây bụi, ráng, cỏ, phụ sinh khá dồi dào.

 

6.       Kiểu rừng Thông-rụng-lá (Larch)

Cây chỉ thị: Thông rụng lá bờ tây (Western Larch, Larix occidentalis)

Cây mọc kèm: Linh sam Douglas (Douglas Fir), Lãnh sam to (Grand Fir, Abies grandis), Tuyết tùng đỏ (Red Cedar), Thông trắng bờ tây (Silver pine, CA Mountain pine, Pinus monticola).


Thông rụng lá nói chung cho cả hai bờ đông tây được gọi là Tamarack, nhưng phổ thông hơn để chỉ loài ở bờ đông. Chúng là loài ưa sáng hoàn toàn, vỏ cứng và dầy giúp chịu đựng lửa rừng. Chúng thường là loài tiên phong sau lửa rừng. Kiểu rừng này thường có các loài cây hình nón thường xanh khác mọc xen. Vào mùa thu, Thông rụng lá trở màu vàng sáng, và lá kim rụng trễ hơn những loài lá rộng rụng lá nên màu vàng kim của chúng nổi bật trên nền xanh sậm của những loài lá kim thường xanh. Vào mùa xuân sắc lá mới có màu xanh sáng cũng đặc sắc. Đây là loài mọc nhanh, thân thẳng, cao 50m, tán lá hình nón hẹp, cành mọc song song với đất, cành dưới thấp rụng thường xuyên, sống tới 500 năm. Rừng mọc ở cao độ 600-2100m, vùng ẩm và lạnh. Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài chim.


 

7.       Kiểu rừng Thông đất nhão-Thông lá ngắn (Loblolly pine-Shortleaf Pine) Cây chỉ thị: Thông đất nhão (Loblolly pine, Pinus taeda), Thông lá ngắn (Shortleaf pine/Southern yellow pine/Texas pine, Pinus echinata).

Đây là hai loài thông thích ứng rộng rãi trên nhiều loại đất. Trong kiểu rừng này chúng có ưu thế trên đất thấp, trũng và ẩm thường xuyên, hơi acid, đất sét pha thịt. Thông đất nhão có tán hình nón, rộng, đậm màu. Đây là loài thông bản địa vùng trung Texas-Florida-New Jersey. Thông lá ngắn tàn thưa không đối xứng và hẹp, thân xoắn, thấp 20-30m.


Kiểu rừng này phát triển nhờ cây mọc nhanh, và thích nghi với nhiều dạng đất đai. Vũ lượng hàng năm 100-150cm, nhiệt độ ôn hoà 13⁰-24⁰C. Thông đất nhão là loài rất quan trọng về thương mại của vùng đông nam Hoa kỳ, chiếm đến 11.7 triệu ha, chiếm một nửa trữ lượng các loài thông ở Mỹ.

Rừng trồng quy mô lớn dễ bị bệnh đốm rỉ do nấm. Lửa rừng gây chết các cây nhỏ, đường kính 10cm trở xuống.

Cây mọc kèm: Sồi (Oak, Quercus), Mạy (Hickory, Carya), Thâu (Sweetgum, Liquidambar styraciflua).

Sồi là cây rất phong phú ở Mỹ, có trên 100 loài trong số khoảng 600 loài trên thế giới. Sồi chia hai nhóm chính, Sồi trắng và Sồi đỏ. Tuổi thọ của sồi khoảng 200 năm.


 

8.       Kiểu rừng Thông xoắn (Lodgepole pine)

Cây chỉ thị: Thông xoắn (Pinus contorta)

Loài này mọc phía bờ tây Hoa kỳ, trên vùng núi cao khô, ẩm độ phụ thuộc vào tuyết. Kiểu rừng này cần lửa rừng nhẹ để tái sinh, lửa giúp dọn sạch tầng cây bụi thường rất rậm rạp. Thông xoắn cộng sinh với một loài nấm rễ Suillus tomentosus, tạo ra những nốt rễ là nơi phát triển của những vi khuẩn cố định đạm. Gỗ dễ bị hoen đốm xanh do một loài nấm sống trong miệng một loài bọ hung gây ra. Những nghiên cứu cho thấy sự biến đổi khí hậu có thể làm giảm sút đáng kể kiểu rừng này vào cuối thế kỷ 21.


 Cây mọc kèm: Lãnh sam quả lông (Alpine fir, Abies lasiocarpa), Thông trắng (Western white pine, Pinus monticola), Vân sam trắng (Engelmann spruce, Picea engelmannii), loài này chỉ gặp vùng núi cao 900 -3600m là cao độ giới hạn của cây thân gỗ; Dương (Aspen, Populus), Thông rụng lá (Larch, Larix).


 

9.       Kiểu rừng Thông lá dài-Thông đất lầy (Longleaf-Slash Pines)

Cây chỉ thị: Thông lá dài (Pinus palustris), Thông đất lầy (Pinus elliotti)

Đây là hai loài thông có vùng phân bố từ Texas đến Florida đến Maryland, cao độ 0-600m, tập trung nhiều ở 200m. Chúng mọc vùng ấm và ẩm, có mùa hè nóng và mùa đông lạnh nhẹ, với nhiệt độ trung bình 23⁰C, lượng mưa 110-180cm. Chúng thích nghi với nhiều loại đất cát nghèo hửu cơ, hơi acid đến đất ẩm đọng nước bằng phẳng đến đất khô vùng núi, nghèo dinh dưỡng. Cây cao 35m, đường kính 70cm, tuổi thọ khoảng 200 năm.


Đây là một kiểu rừng tồn tại nhờ lửa rừng tái diễn mỗi vài năm. Nếu vắng lửa rừng, các loài khác sẽ xâm lấn. Cả hai loài thông lá dài và thông đất lầy đều đều thích nghi với lửa. Cây con xuất hiện như bụi cỏ mọc sát đất, tăng trưởng rất chậm, 5-12 năm chỉ cao vài chục cm. Sau đó chúng tăng trưởng vọt cao. Rừng kiểu này phong phú về đa dạng sinh học. Ưu thế tầng chính là thông, tầng cây bụi phong phú với hai loài phổ thông Bùi láng (Gallberry, Ilex glabra) và Lá buông Caribe (Saw palmetto, Serenoa repens). Tầng cỏ, phụ sinh có nhiều loại lan (orchids), lác (sedge grass), cây ăn thịt Nắp bình (pitcher, Nepenthes)…


Cây mọc kèm: các loài Thông (Pines, Pinus) khác, Sồi (Oak, Quercus), Thị (Common persimmon, Diospyros virginiana), Tử (Tupelo/Blackgum, Nyssa sylvatica), Thâu (Sweetgum, Liquidambar styraciflua)…Các loài này cao khoảng 15-20m và tạo nên tầng dưới tán chính của rừng.


 



10.      Kiểu rng Phong-D-Bạch dương (Maple-Beech-Birch)

Cây chỉ thị: Phong (A. sacchara, A. rubra), Dẻ lá lớn (Fagus grandifolia), Bạch dương vỏ vàng (Betula alleghaniensis)

Đây là kiểu rừng hỗn loại lá rộng phương bắc với thành phần thường thấy: phong ngọt thuần, phong ngọt-dẻ-bạch dương vỏ vàng, phong ngọt-đoạn, dẻ-phong, phong đỏ thuần.
 


Cây mọc kèm: Thiết sam miền đông (Eastern hemlock, Tsuga canadensis), Du trắng (American elm, Ulmus americana), Đoạn (Basswood, Tilia caroliniana), Thông trắng đông (Eastern White pine, Pinus strobus).

Các loài khác cũng thường thấy mọc kèm: Tần các loại (white, green, black ash), Sồi đỏ (Northern red oak), Dương (Aspen), Vàng nương đen (Blackcherry, Prunus serotina), Lãnh sam balsam ( Balsam fir, Abies balsamea), Sếu đông (Hackberry, Celtis occidentalis), Mạy đắng (Bitternut hackory, Carya cordiformis), Vân sam trắng (White spruce, Picea glauca), Duyên mộc (Ironwood/American hornbeam, Carpinus caroliniana), Trắc bá đông (Northern white cedar, Thuja occidentalis), Bạch dương vỏ giấy (White birch, Betula papyrifera), Vàng nương đỏ (Fire/Pin cherry, Prunus pennsylvanica)…

Kiểu rừng này có giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho kỹ nghệ gỗ và thực phẩm. Rừng này là nơi trú ẩn của nhiều động vật hoang dã như nai, gấu, sóc, các loài chim trĩ, le le…Rừng mọc trên một phổ đất rộng rãi từ đất cát, cát pha thịt, thịt pha cát, thịt pha sét. Cây mọc trên vùng đất khô, cạn, nghèo dưỡng chất hoặc đọng nước không phát triển tốt. Đây là hình thái rừng điểm đỉnh, cây đa số thuộc loại lá rộng chịu rậm ít nhiều.

Dẻ chịu đất khô, bạch dương chịu đất ẩm. Dẻ, Phong chịu rậm cao. Đoạn chịu rậm khá. Bạch dương xanh chịu rậm trung bình. Tần chịu rậm kém. Bạch dương vỏ giấy ưa sáng.


 

11.     Kiểu rừng Sồi-Tử-Bụt mộc (Oak-Gum-Cypress)



Cây chỉ thị:

Sồi (Oak, Quercus): có các loài Sồi lá dạng đàn lia (Overcup oak, Q. lyrata), sồi đất ngập (Swamp chestnut oak, Q. michauxii), sồi Nuttall (Nuttall oak, Q. texana), sồi vỏ mơ (Cherrybark oak, Q. pagoda), sồi lá liễu (Willow oak, Q. phellos)

Thâu (Sweetgum, Liquidambar styraciflua)

Tử (Tupelo, Nyssa) có các loài Tử nước (Water tupelo, N. aquatica), tử đầm lầy (Swamp tupelo, N. biflora), tử ogeechee (N. ogeeche), tử đen (Blackgum, N. sylvatica).

Bụt mộc (Bald/Southern cypress, Taxodium distichum), mọc nơi ngập, thường có bạnh vè, có rễ đầu gối, rễ trên không.


Cây mọc kèm: Dương lá tam giác (Cottonwood, Populus deltoides), Liễu (Willow, Salix), Phong đỏ (Red maple, Acer rubrum), Tần (Ash, Fraxinus), Du (Elm, Ulmus americana), Ngọc am (Atlantic white cedar, Chamaecyparis thyroides), Mạy nước (Water hickory, Carya aquatica), Sếu đông (Hackberry, Celtis occidentalis), Bồ kết (Water locust, Gleditsia aquatica).


Đây là kiểu rừng ngập nước định kỳ, nhất là khu vực gần sông suối. Rừng thuộc loại rụng lá, chịu đất ẩm, với nhiều loài lá rộng thuộc chi Tử, Sồi.

Rừng có tác dụng như kho nước, giúp giảm lụt lội và thiệt hại cho khu vực hạ lưu. Qua việc thấm lọc nước, rừng cũng giúp cải thiện chất lượng nước.

 

12.     Kiểu rừng Sồi-Mạy (Oak-Hickory)



Cây chỉ thị:

Các loài Sồi (Oak, Quercus): sồi trắng (white oak, Q. alba), sồi đỏ (northern red oak, Q. rubra), sồi đen (black oak, Q. velutina), sồi núi (chestnut oak, Q. montana), sồi đá/cứng (post oak, Q. stellata).


Các loài Mạy (hickory, Carya): mạy láng (pignut hickory, C. glabra), mạy đỏ/ngọt (red hickory, C. ovalis), mạy vỏ xù (shagbark hickory, C. ovata), mạy lông (mockernut hickory, C. tomentosa).


Cây mọc kèm: Tulip (Yellow poplar, Liriodendron tulipifera), Du (Elm, Ulmus americana), Phong (Maple, Acer), Hồ đào/Óc chó (Black walnut, Juglans nigra), Tần (White ash, Fraxinus americana).

Đây là kiểu rừng rụng lá, phân bố rộng rãi phía đông Hoa kỳ. Trước đây là kiểu rừng sồi-dẻ khổng lồ, nhưng loài Dẻ khổng lồ (American chestnut, Castanea dentata) giảm sút nặng nề do bị một loài nấm gây bệnh héo rũ và các loài Mạy đã thay thế nhờ ưu thế tái sinh chồi rễ. Khi rừng bị mở tán thì Tần (White ash, Fraxinus americana) là loài tiên phong. Rừng phát triển rất phong phú trên các khu vực đất tốt, thoát nước, giàu dưỡng chất, kém hơn và ít chủng loài hơn trên đất chua, nghèo, hay vùng núi. Nơi tốt độ che phủ của tán rừng rất cao, trên 70%. Tầng cây bụi với nhiều loài Việt quất xanh (Blueberry, Vaccinium), Nguyệt quế núi (Mountain laurel, Kalmia latifolia), Ngạnh (Hawthorn, Crataegus commonly) và nhiều loài có hoa rất đẹp như Hồng nụ (Eastern redbud, Cercis camadusis), Thiết mộc (Eastern hop-hornbeam, Ostrya virginiana), Giác mộc (Flowering dogwood, Cornis florida), Tầng cỏ thường mọc thành từng vạt lớn, với nhiều loài có củ, xum xuê vào mùa xuân. Sóc và chim rất nhiều.


 



 

13.     Kiểu rừng Sồi-Thông (Oak-Pine)






Cây chỉ thị: Sồi (Quercus), Thông (Pinus), Bách sù đỏ (Eastern redcedar, Juniperus virginiana)

Các loài sồi thường gặp là Sồi núi (Chestnut oak, Quercus prinus/montana), Sồi trắng (White oak, Q. alba), Sồi thắm (Scarlet oak, Q. coccinea)

Các loài thông thường gặp là, Thông trắng (White pine, Pinus strobus) rất phổ biến, Thông nhỏ (Virginia pine, P. virginiana)

Cây mọc kèm: Thâu (Gum, Liquidambar), Mạy (Hickory, Carya), Tulip (Yellow poplar, Liriodendron tulipifera)

Kiểu rừng này tiêu biểu cho vùng trung Appalachia, có cao độ dưới 300m, trên vùng đất thịt pha cát, acid, có khí hậu ấm và khô. Mức che phủ tầng chính thường cao hơn 75%. Sóc có vai trò quan trọng trong việc phát tán cây con từ hạt đối với sồi và thông. Rừng là nguồn thực phẩm phong phú cho các động vật.


Ở vùng cao, 1,600-2,300 m, kiểu rừng sồi-thông có các loài đặc hữu: Thông chihuahua (Pinus leiophylla), thông apache (P. engelmannii) và Sồi lá bạc (Silverleaf oak, Quercus hypoleucoides), sồi lá nhăn (Netleaf oak, Q. rugosa).


Trên vùng đất đá, khô rừng sồi-thông có loài thông nhỏ Virginia (P. virginiana), thông lùn (Pitch pine, P. rigida), có khi lẫn với Thông đỏ (Red pine, P. resinosa) hay thông lá ngắn (Shortleaf pine). Các loài sồi vùng khô như Sồi bụi,ít khi cao hơn 2m, (Scrub oak, Q. berberidifolia), Sồi thắm (Scarlet oak), Sồi núi (Chestnut oak).


Kiểu rừng sồi-thông có tầng cây dưới tán phong phú như Mạy vỏ xù (Shagbark hickory), Mạy láng (Pignut hickory), Dương (Aspen), Thông lùn (Pitch pine), Bạch dương ngọt (Black birch, Betula lenta), Bạch dương vàng (Yellow birch, Betula alleghanensis), Ba dạng lá (Sassafras, Sassafras albidum). Tầng cây thấp này đôi khi có tàn che chiếm tới 30%.

Đôi khi tầng cây bụi và cỏ phát triển khá tốt. Tầng bụi cỏ có khi khá rậm, gồm những loài cây bụi như Việt quất xanh (Blueberry, Vaccinium pallidium), Sơn trâm đen (Black huckleberry, Gaylussacia baccata), Nguyệt quế núi (Mountain laurel, Kalmia latifolia), Nguyệt quế lá hẹp (Sheep laurel, Kalmia angustifolia), Cỏ kiết (Pennsylvania sedge, Carex pennsylvanica), Ráng đại dực (Braken fern, Pteridium aquillinum).Tầng cây bụi che phủ khoảng 15%.


 

14.     Kiểu rừng Thông ponderosa/vàng (Ponderosa/yellow/bull Pine)



Cây chỉ thị: Thông ponderosa (Pinus ponderosa)

Đây là kiểu rừng phân bố rộng rãi ở tây Hoa kỳ, trải dài từ tây nam Canada đến Mexico và từ Nebraska/Oklahoma đến bờ biển phía tây. Phía bắc rừng mọc ở cao độ 150-1100m, phía nam mọc vùng cao độ 1600-2300m. Thông ponderosa có hai loài phụ P. ponderosa var. ponderosa mọc vùng Thái bình dương và P. ponderosa var. scopularum mọc trên dãy núi Rocky. Ngoài ra thêm một loài có liên hệ gần Pinus arizonica.

Cây mọc kèm: Thông đen (Jeffrey pine, Pinus jeffreyi), Thông ngọt (Sugar pine, P. lambertiana), Thông dẻo (Limber pine, P. flexilis), Thông apache (P. engelmannii), Thông chihuahua (P. leiophylla), Linh sam Douglas (Pseudotsuga menziesii), Tô hạp bách (Incense cedar, Calocedrus decurrens), Lãnh sam trắng (California white fir, Abies concolor), Bách sà tây (Western juniper, Juniperus occidentalis), Lãnh sam lớn (Grand fir, Abies grandis) mọc ở cao độ 1,800m trở lên), Sồi đen (California black oak, Quercus kelloggii), Trắc bá tây (Western red cedar, Thuja plicata), Dương rung (Quaking Aspen, Populus tremuloides).


Ở cao độ thấp, dốc nhẹ, rừng hầu như thuần loài hay chỉ có thêm Linh sam (Douglas fir, Pseudotsuga menziesii), mật độ dầy; ở cao độ cao thông ponderosa thường mọc chung với những loài cây có nón khác. Trên những vùng đất khô, nghèo dinh dưỡng, mật độ thưa, có tầng cây thấp và các loài cây bụi phong phú và đa dạng về chủng loài chịu lửa; tầng cỏ gồm những loài cỏ lá rộng (forbs), cỏ thật rất phong phú về chủng loại và số lượng. Thông ponderosa là loài ưa sáng, tốc độ tăng trưởng giảm còn một nửa nếu bị che so với Thông ngọt (Sugar Pine, Pinus lambertiana), Linh sam Douglas, Lãnh sam trắng (White fir, Abies concolor), hay Tô hạp bách (Incense cedar, Calocedrus decurrens). Lửa rừng có một ảnh hưởng quan trọng trong phân bố loài, phía nam, khí hậu khô, lửa thường xuyên, rừng thưa và dạng trảng phổ biến. Các loài cây lớn vỏ dầy chịu đựng lửa cao. Nơi vắng lửa dần dần loài Lãnh sam trắng (White fir) sẽ lấn dần. Ẩm độ đất phía bắc thường từ tuyết, phía nam từ mưa ngắn khoảng hè thu. Thổ nhưỡng đất cát pha thịt đến thịt pha cát; cây nhờ bộ rễ sâu nên chịu hạn và đất khô, nghèo. Nhiệt độ trung bình phổ quát 7-10⁰C. Cây rừng thường chịu sự tấn công của thú, côn trùng, nấm bệnh.

 

15.     Kiểu rừng Hồng mộc (Redwood)



Cây chỉ thị: Hồng mộc vùng biển (Coastal redwood/Redwood, Sequoia sempervirens). Kiểu rừng này chiếm khoảng 13,300 km², từ biên giới CA-OR kéo dài tới vùng Monterey. Đây là loài cây cao nhất thế giới thực vật, vỏ rất dầy nên kháng lửa rừng tốt. Ẩm độ cho rừng được cung cấp từ những cơn giông Thái bình dương mùa đông và từ sương mù trong mùa hè. Rừng hiện diện từ vùng cao, dốc đến nơi thấp ven suối, sâu vào đất liền khoảng 65km.

Hồng mộc (Redwood) có hai loài ở Mỹ. Ngoài Hồng mộc vùng biển (thường biết dưới tên Redwood) còn có Hồng mộc vùng núi/khổng lồ (Giant/Sierra Redwood, Sequoiadendron giganteum) thường được biết dưới tên Sequoia nổi tiếng; mọc trên những vùng nhỏ rất giới hạn phía nội địa, hướng nam dãy Sierra Nevada. Đây là loài cây có thể tích lớn nhất thế giới.


Cây mọc kèm thường thấy: Linh sam Douglas (Douglas Fir, Pseudotsuga menziesii) nhiều nhất, Lãnh sam lớn (Grand fir, Abies grandis), Dẻ vỏ chát (Tanoak, Notholithocarpus déniflorus) cũng thường gặp, Vân sam sitka (Sitka spruce, Picea sitchensis), Thiết sam (Western hemlock, Tsuga heterophylla).


Tầng cây dưới tán cũng phong phú với một số loài phổ biến nhất như Nguyệt quế vùng vịnh (California bay laurel, Umbellularia californica), Tổng quản đỏ (Red alder, Alnus rubra), Dâu thân gỗ (Madrona, Arbutus menzienii), Phong lá lớn (Bigleaf maple, Acer macrophyllum).


Tầng bụi cỏ thưa vì tàn che kín nên chỉ gồm chính là những loài chịu rập, vài loài phổ thông như, Me đất (Redwood sorrel, Oxalis oregana), Cuông (Elk clover, Aralia californica), Mã hồ (Dwaft oregon grape, Mahonia nervosa), Gan tiền (Shallon, Gaultheria shallon). Tầng này cũng gồm nhiều loại ráng.
Xen kẽ vào kiểu rừng hồng mộc là những khoảng rừng lớn nhỏ, nơi mưa nhiều thì có rừng hỗn hợp lá kim-lá rộng thường xanh (mixed evergreen forest) với các loài Thiết sam, Sồi; hay rừng thông có nón không tự khai (closed cone pine forest) với nhiều loài thông. Cả hai loại rừng này có tầng cây bụi và cỏ rất phong phú.  

 

16.     Kiểu rừng Lá rộng nhiệt đới (Tropical Hardwoods)



Ba khu vực có kiểu rừng này ở Mỹ là Nam Florida, Hawaii và Puerto Rico

Một số cây quen thuộc:


Một vài cây bụi dưới tán rừng nhiệt đới Florida:

 

        Khu vực Hawaii, rừng nhiệt đới ẩm lá rộng chiếm 6,700km², hiện diện từ ven biển tới núi cao. Do bị cô lập, thực vật nơi này tiến hoá đa dạng các loài đặc hữu, kể cả nấm, rêu. Ở khu vực núi cao, cây thường bị phủ kín bởi dây leo, rêu, phong lan, dương xỉ.


Vùng núi Wai’ale’ale có lượng mưa thuộc loại cao nhất thế giới, trung bình 950cm hàng năm. Rừng ven biển mọc trên sườn dốc tới 300m, hướng hứng gió:


Cây chỉ thị, có hai loài bản địa là Dứa trổ, Tra bụp và hai loài du nhập trong thời gian 2,000 năm qua là Trẩu xoan, Tra bồ đề:


Vài loài tầng cây bụi, tầng cỏ phong phú về chủng loại với nhiều loài có hoa rất đẹp


Rừng ẩm mọc cao độ từ 750-1250m, thường tán không kín dù mật độ cây cao


Hai loài phổ biến trong loại rừng này là Keo koa và Ohia lelua


Một vài loài khác tiêu biểu:


Khu vực rừng luôn ẩm ướt, hiện diện ở cao độ từ 1,250-1700m; nơi có lượng mưa hàng năm khoảng 300cm, đặc biệt có nơi đến 11,250 mm, cao nhất thế giới.


Hai loài ưu thế loại rừng này giống như ở rừng ẩm cao độ thấp hơn là Ohia lelua (Metrosideros polymorpha) và Keo koa (Acacia koa) và hai loài đặc hữu


Một số loài tiêu biểu khác như:


 

        Khu vực Puerto Rico, giống như mọi đảo khác vùng Caribbean, do ảnh hưởng gió mùa, có hai kiểu rừng ẩm và rừng khô. Rừng ẩm chiếm ¾ diện tích nằm phía Bắc của đảo. Rừng chuyển dần qua kiểu rừng thưa, với vài loài rụng lá một phần, khi đi về phía nam. Khí hậu nóng ẩm quanh năm, nhiệt độ trung bình 26⁰C. Thành phần thực vật thay đổi tuỳ theo cao độ, hướng phơi sáng, thổ nhưỡng. Rừng vùng thấp phổ thông dọc theo ven biển, trừ vùng ven biển phía nam.


Cây cao tới 25m vùng rừng thấp, và đạt trên 35m, đường kính rất lớn ở vùng cao. Các loài tiêu biểu rừng vùng thấp:


Rừng vùng núi:


Với những loài tiêu biểu, không thấy vùng thấp:


Vài loài tiêu biểu kiểu rừng khô, rụng lá một phần, lượng mưa ít hơn 100 cm/ năm.  


 

17.     Kiểu rừng Lãnh sam miền tây-Vân sam (Western Fir-Spruce)



Đây là kiểu rừng ôn đới núi cao, mọc tới giới hạn vùng có cây (tree line, highest true forest zones), cao độ 2,800-3,300m. Các loài trong kiểu rừng này tăng trưởng chậm, lửa rừng hầu như không xảy ra, chu kỳ lửa tới 400 năm. Rừng là nơi trú ngụ của các loài chim đặc hữu như cú ôn đới, gõ kiến 3 móng, cắt bắt ruồi, giẻ cùi xám..Đất rừng rất ẩm do tuyết đông mưa hè.


Những năm hạn, chồi non vân sam thường bị sâu cắn hại, có thể dẫn đến chết cây trên vùng rộng. Nhiệt độ trung bình cách biệt dù nhỏ cũng có ảnh hưởng trên tỉ lệ loài của rừng. Rừng quan trọng trong việc giữ nguồn nước, cung cấp gỗ, nhu cầu giải trí, nơi trú ẩn cho động vật.

Cây chỉ thị: Lãnh sam vùng cao (Subalpine fir, Abies lasiocarpa), Vân sam trắng (Engelmann/white/mountain spruce, Picea engelmannii), Vân sam xanh Colorado (Colorado blue spruce, Picea pungens).


Cây mọc kèm phổ biến: rất phong phú về loài, cả cây có nón lẫn các loài rụng lá. Có thể kể những loài tiêu biểu sau, các loài có nón thường xanh: Thiết sam (Mountain hemlock, Tsuga mertensiana), Thông xoắn (Lodgepole pine, P. contorta), Thông nón gai/trường sinh (Bristle cone pine, Pinus aristata) là loài sống rất thọ thường trên cả ngàn năm và chịu đựng thời tiết vô cùng khắc nghiệt; cây cao tuổi nhất (var. longaeva) tính đến 2018 là 5083 tuổi! Linh sam Douglas (Douglas Fir), Thông dẻo (Limber pine, Pinus flexilis), Thông ăn hạt (Pinyon pine, Pinus edulis), Thông vàng ponderosa (Ponderosa pine), Bách sà Rocky (Rocky mountain juniper, Juniperus scopulorum), Lãnh sam trắng (White fir, Abies concolor).


Cây lá rộng rụng lá thường gặp: Dương lá hẹp (Narrow leaf cottonwood, Populus angustifolia), Dương rung (Quaking Aspen), Dương lá tam giác (Plains cottonwood, Populus deltoides), Phong rocky (Rocky mountains maple, Acer glabrum), Phong lá tần (Boxelder maple/Ash leaved maple, Acer negundo), Mơ đắng (Bitter cherry, Prunus virginiana), Tổng quản xám (Gray thin leaf alder, Alnus tenuifolia), Sồi Gambel (Gambel oak, Quercus gambelii), Liễu lá đào (Peach leaf willow, Salix amigdaloides).

 

18.     Kiểu rừng Thông trắng miền tây (White pine)



Rừng này hiện diện nơi có mùa hè khô mưa ít, nhưng mùa đông có tuyết và nhiệt độ thấp. Vũ lượng hàng năm 70-150 cm, tập trung trong những tháng thu đông. Nhiệt độ trung bình 8⁰C, với biên độ nhiệt rất lớn từ âm 33⁰ đến 40⁰C. Chịu đất acid pH từ 4.5-7.0.

Cây chỉ thị: Thông trắng miền tây (Western white/silver/California mountain pine, Pinus monticola). Cây miền núi, thường gặp ở cao độ 600-1,800 m; nhưng cũng có khi thấy ở vùng thấp ngang mức nước biển ở Oregon và Washington.

Chiếm ½ thể tích cây đứng trong kiểu rừng này. Họ hàng gần với Thông trắng miền đông, Pinus strobus. Nấm gây bịnh rỉ sét phồng rộp, Cronartium ribicola, có thể gây chết trên quy mô lớn.


Cây mọc kèm: thường thấy trong các kiểu rừng khác ở phía tây Hoa kỳ, có thể kể, nhóm cây có nón gồm có: Trắc bá tây (Western red cedar, Thuja plicata), Thông rụng lá tây (Larch, Larix occidentalis), Lãnh sam trắng (White fir, Abies concolor), Linh sam Douglas (Douglas fir, Pseudotsuga menziesii), Thông xoắn (Lodgepole pine, Pinus contorta), Vân sam trắng (Engelmann spruce, Picea engelmannii), Thiết sam (Western hemlock, Tsuga heterophylla), Lãnh sam lớn (Grand fir, Abies grandis), Thông vàng (Ponderosa pine, Pinus ponderosa), Thiết sam núi (Mountain hemlock, Tsuga mertensiana), Lãnh sam vùng cao (Subalpine fir, Abies lasiocarpa), Thông vỏ trắng (White bark/Pitch/Creeping pine, Pinus albicaulis), Thanh tùng lá ngắn (Pacific Yew, Taxus brevifolia). Các loài lá rộng rụng lá thường thấy là Dương rung (Quaking aspen, Populus tremuloides), Bạch dương trắng (Northern white/paper birch, Betula papyrifera), Dương đen (Black cottonwood/Balsam poplar, Populus trichocarpa).


 

19.     Kiểu rừng Thông trắng, đỏ, xám (White, Red, Jack Pines)



Kiểu rừng Thông hiện diện vùng bắc, đông-bắc Hoa kỳ.

Cây chỉ thị: Thông trắng miền đông (Eastern/northern white pine, Pinus strobus). Khu vực này rừng nguyên sinh chỉ còn độ 1%, mọc tốt trên đất cát thoát nước, nhưng cũng có thể chịu đất ẩm. Thông trắng là những cây cao, mọc thành những khu vực thuần loại.

Thông đỏ (Red pine, Pinus resinosa), có tuổi thọ cao đến 500 năm, là loài bản địa khu vực bắc Mỹ. Thông đỏ cao 35m, đường kính có thể tới 1m. Chúng mọc trên nhiều loại đất. Thông đỏ ít thay đổi về mặt hình thái và cơ cấu di truyền, có thể đây là dấu hiệu chúng đang trên đường tuyệt chủng (?). Thường mọc xen với thông trắng.

Thông xám (Jack/gray/scrub pine, Pinus banksiana). Mọc thành rừng mở tán.


Cây mọc kèm: những loài thường gặp như Thiết sam Canada (Canada Hemlock, Tsuga canadensis), Dương (Aspen, Populus spp), Dương vàng/Cây tulip (Yellow poplar, Liriodendron tulipifere), Phong đỏ (Red maple), Phong ngọt (Sugar maple), Bạch dương vàng (Yellow birch, Betula alleghaniensis), Bạch dương giấy (Paper birch, Betula papyrifera), Bạch dương xám (Gray birch, Betula populifolia).


 

LỜI KẾT

Hoa kỳ là quốc gia có diện tích rừng đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Liên bang Nga, Brazil và Canada, với diện tích khoảng 3,030,890 km². Hoa kỳ là quốc gia có chính sách quản trị lâm nghiệp với các mục tiêu đa dạng và bảo đảm sự bền vững của rừng. Hoa kỳ dành ra 780,730 km² (25% tổng diện tích rừng trên toàn quốc), để thành lập 154 khu bảo tồn trên toàn quốc với tên gọi Rừng quốc gia, phục vụ cho mục tiêu đa dạng từ giải trí dã ngoại, du lịch, nghiên cứu thí nghiệm, bảo vệ hoang dã, bảo vệ nguồn cá nước ngọt, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đồng cỏ. Quốc gia lâm viên đầu tiên của Hoa kỳ thành lập ngày 30 tháng 3, 1891 là Yellowstone Timber and Land Reserve. Diện tích các rừng quốc gia bảo tồn của Hoa kỳ lớn gấp 2.4 lần diện tích nước Việt Nam.

Rừng Hoa kỳ còn có loài cây cao nhất thế giới, Hồng mộc (Redwood), cây cao nhất đo được 115.7m, có Sequoia khổng lồ lớn nhất thế giới với thể tích 1,487 m³, có loài Thông nón gai (Bristlecone Pine) có tuổi trên 5,000 năm.

Trong cuộc sống chắc hẳn chúng ta có nhiều lần chiêm ngưỡng sự bao la hùng vĩ của rừng, đã có nhiều lần dấn bước dưới tàn che của rừng hoà mình vào thiên nhiên kỳ diệu cùng kỳ hoa dị thảo. Có chút hiểu biết về đệ nhất kỳ quan của thiên nhiên này, sẽ góp phần giúp chúng ta phong phú hoá cuộc sống về cả sức khoẻ, tâm hồn và trí tuệ.

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 233034 visitors (440697 hits) on this page!