Lúa gạo qua văn hóa dân gian
8/8/2020

LÚA GẠO QUA VĂN HÓA DÂN GIAN

(CA DAO, TỤC NGỮ, VÀ DÂN CA)

Nguyễn Văn Ngưu, PhD

 

Ca dao, tục ngữ, dân ca là văn hóa dân gian Việt Nam. Từ ngàn xưa người Việt Nam dùng ca dao, dân ca và tục ngữ để diễn tả những nhận xét và kinh nghiệm về cuộc sống của mình. Ca dao, tục ngữ, dân ca phản ánh nếp sống, phong tục, tập quán truyền thống và phản ánh đời sống tình cảm nhân dân. Chúng được truyền miệng dưới dạng những câu hát câu hò, thường phổ biến theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc.

Lúa gạo là thức ăn, là tiền của của người Việt Nam trong nhiều ngàn năm. Những cánh đồng lúa, những mùa lúa, những công việc trồng lúa, sản xuất lúa và biến chế lúa đã đi vào và đã gắn bó thiết tha với cuộc sống của người Việt Nam qua ngàn năm lịch sử.

Do đó, có rất nhiều ca dao, tục ngữ, và dân ca nói về lúa gạo, các sản phẩm từ lúa gạo, giá trị của lúa gạo, công việc sản xuất và chế biến lúa gạo. Những trang sau đây ghi lại kết qủa của công việc tìm kiếm về ca dao, tục ngữ, và dân ca liên hệ với lúa gạo và công việc sản xuất và biến chế lúa gạo của người Việt Nam.

IMG_256

I. CÂY LÚA

Cây lúa hay cây Oryza sativa là loài thực vật sống hàng năm, có thể cao tới 1-1,8 m, đôi khi cao hơn, với các lá mỏng, hẹp bản (2-2,5 cm) và dài 50–100 cm. Các hoa nhỏ tự thụ phấn mọc thành các cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống, dài 30–50 cm. Cây lúa được nông dân Việt Nam trồng để sản xuất lương thực trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.

Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy những con người đầu tiên sinh sống trên mảnh đất của Việt Nam trong thời đại đá cũ và Việt Nam là một trung tâm nguyên thủy của ngành trồng lúa. Nước Việt Nam được thành lập cách đây chừng 4.000 năm và lúa gạo là thừc ăn căn bản của dân chúng. Nông dân, người sản xuất, có nhiều lúa gạo bán cho những người không có lúa gạo trong xã hội và từ đó lúa gạo đã trở thành tiền bạc và của cải. Một số địa phương trong nước được nổi tiếng nhờ vào sản xuất lúa gạo. Người Việt Nam đã gắn bó nhiều với cây lúa xinh đẹp. Cây lúa trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần:

Em xinh là xinh như cây lúa

Đố ai biết lúa mấy cây

Biết sông mấy khúc biết mây mấy từng

Ở một số địa phương, như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Bình, và Quãng Trị, dân chúng gọi lúa là ló.

Căn  không bằng xó nhà

Cơm  lốc, trốc cá rô (Nghệ An)

Chen chúc giữa đất Yên Hồ,

Cơm khoai thì ít,  ngô thì nhiều (Hà Tĩnh)

Dại như chó có  cũng khôn (Quảng Trị)

Người Mường gọi lúa là hông còm:

Trăm thứ hoa không bằng hoa con gái

Trăm thứ trái không bằng trái hông còm (Người Mường)

Hết thời kỳ xuân xanh, cây lúa chuyển sang giai đoạn “tròn mình,” “đứng cái” rồi “ôm đòng.” Đòng lúa to nhanh, nắng mưa rồi mỗi ngày mỗi khác. Nếu mưa thuận gió hoà chỉ mươi hôm là lúa trổ xong. Chừng một tháng sau khi trổ bông lúa chín vàng đầy cánh đồng:

Anh đi lúa chửa chia vè,

Anh về lúa đã đỏ hoe đầy đồng

Anh đi em chửa có chồng

Anh về em đã tay bồng tay mang

Hoa lúa, sau khi thụ phấn, phát triển và trưởng thành cho ra hạt lúa dài 5–12 mm và dày 2–3 mm. Ở Việt Nam, hạt lúa củng thường được gọi là hạt thócHạt lúa/thóc và người nông dân cần cù, mộc mạc là mảng màu không thể thiếu trong bức tranh của đồng quê Việt nam hiện nay và mãi mãi về sau:

Thóc lúa về nhà, lợn gà ra chợ

Thóc cót thóc bồ, bồ còn thóc hết

II. LÚA GẠO LÀ LƯƠNG THỰC

Sau khi đuợc xay xát để tách bỏ vỏ trấu, hạt lúa hay hạt thóc cho ra hạt gạo. Hạt gạo thường có màu trắng, nâu hoặc đỏ thẫm, chứa nhiều dinh dưỡng. Hạt gạo sau khi xay được gọi là gạo lứt hay gạo lật, nếu tiếp tục xát để tách cám thì gọi là gạo xát hay gạo trắng. Gạo là thực phẩm chính của người Việt Nam từ khi đất nước được thành lập và là lương thực phổ biển của gần một nửa dân số thế giới. Ở Việt Nam có hai loại/nhóm lúa chính: lúa tẻ và lúa nểp, như được diễn tả qua ca dao dưới đây:

Anh thưa với mẹ cùng cha

Nếp mà lộn tẻ, lựa ra hay đừng?

Sản phẩm của công việc xay hạt lúa tẻ là gạo, trong khi đó sản phẩm của công việc xay hạt lúa nểp là nếp hay gạo nếp. Có thễ người thiểu số Trung Hoa ở Việt Nam gọi gạo là mi, người thiểu số Cam Bốt gọi gạo là angko,  người thiểu số Lào gọi gạo là khao sane, người thiểu số Thái gọi gạo là khao san, người thiểu số Miến gọi gạo là kauk sann, và người thiểu số Chàm gọi gạo là beras như người Nam Dương và Mã Lai hay bigas như người Phi Luật Tân.

Sau nấu nướng, gạo tẻ cho ra cơm và gạo nếp cho ra xôi hay cơm nếp. Qua hàng nghìn năm lịch sử, cơm và xôi là thức ăn chính của người dân Việt Nam. Ngay từ khi còn trong lòng mẹ, người Việt Nam chúng ta đã làm quen với cơm gạo, và lớn lên theo cây lúa cùng hạt gạo. Những câu tục ngữ và ca dao dưới đây nói về gạo và cơm, nếp và xôi trong đời sống của người Việt Nam:

Người sống về gạo, cá bạo về nước

Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm

Bớt bát cơm mặt còn hơn nợ nần

Ăn cơm hom, nằm giường hòm

Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi

Ăn cơm gà gáy, cất binh nửa ngày

Cơm kể ngày cày kể buổi

Cơm tẻ no, xôi vò chẳng thiết

Có xôi nói xôi dẻo, có thịt nói thịt bùi

Ăn mày đòi i gấc

Muốn ăn xôi ông ơi xắn áo

Ăn cơm sao đặng mà mời

Nước mắt lênh láng rã rời hạt cơm

Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng

Hơi đâu mà giận người dưng thêm gầy

Bao giờ cho đến tháng năm

Thổi nồi cơm nếp vừa nằm vừa ăn

Bao giờ cho đến tháng mười

Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn

Theo truyền thuyết dân gian, trong đời Vua Hùng thứ 6, Thánh Gióng ăn cơm trước khi dùng ngựa sắt, kiếm sắt, và roi sắt để đuổi giặc Ân như được diễn tả qua ca dao sau đây:

Bảy nong cơmba nong cà

Uống  một hơi, cạn đà  khúc sông

Cơm hay xôi là thức ăn chính của người Việt Nam. Tuy nhiên, những người dân Việt Nam nghèo khó thì cơm hay xôi là thức ăn khó kiếm. Ca dao dưới đây nói về cảm nhận về điều may mắn của đại đa số người Việt Nam khi họ có được hai bữa cơm hay xôi trong một ngày:

Cơm dưa muối, khó  khăn mới có

Của không ngon, nhà khó cũng ngon

Ngày hai bữa cơm no

Đời vui như thế đó

Người Việt Nam, nói chung, không thích ăn cơm nguội, cơm sống, cơm nhão, và họ  thích ăn cơm ngon và điều này được diễn tả qua các ca dao và tục ngữ sau đây:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp là cơm nguội, những khi đói lòng

Cơm sống là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện

Cơm sống tại nồi, cơm sôi tại lửa

Khi được nấu, gạo của giống lúa như Tám Xoan, giống lúa dâu, giống lúa Gié An Cựu, giống lúa Nàng Quốc, giống lúa Nếp Thơm, v.v. tỏa một mùi thơm và ngon cơm được nhiều người thích. Các ca dao và tục ngữ sau viết về đánh giá cao của người dân Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An về gạo Tám Xoan:

Thú quê rau, cá đã từng

Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan (Bắc Bộ)

Gạo tám xoan, gan cá bống (Nghệ An)

Ở tỉnh Quảng Bình, câu ca dạo sau nói về cái ngon của hạt gạo của giống lúa dâu:

Mẹ già là mẹ của anh

Ăn cơm có cá, có canh rau bầu

Hạt gạo lúa dâu xót hai đầu cho trắng,

Tôm phơi một nắng bóc vỏ nấu canh,

Múc nước trong xanh để mẹ già tắm mát (Quảng Bình)

Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, câu ca dạo sau nói về cái ngon của hạt gạo Gie An Cựu:

Tôm rằng lột vỏ bỏ đuôi,

Gạo Gie An Cựu mà nuôi mẹ già

Ở miền Nam hay Nam Bộ các câu ca dạo sau nói về cái ngon của hạt gạo thơm Nàng Quốc và hạt gạo Ba Thắc:

Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi

Gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già (Nam Bộ)

Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon

Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi (Lục Tỉnh, Nam Bộ)

Người Việt Nam, do đó, rất cẩn thận khi nấu cơm. Họ không dùng nước đục, không thich dùng rơm để nấu cơm (rơm là phần thân trên của cây lúa sau khi đập lúa) như được diễn tả trong các ca dao sau:

Tiếc thay hột gạo trắng ngần

Đã vo nước đục, lại vần than rơm

Tiếc thay hạt gạo tám xoan

Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà

Gạo cũng có thể nấu thành cháo. Các món cháo rất dễ tiêu hóa và vì thế nó đặc biệt thích hợp cho những người bị ốm, người già. Những tục ngữ sau nói về cơm và cháo:

Cơm ráo, cháo dừ

Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần

Ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván

Ăn cơm tấm ấm ổ rơm

III. LÚA GẠO LÀ TIỀN CỦA

Đối với người Việt Nam, hạt lúa là hạt vàng. Bài dân ca Thằng Bờm sau đây cho ta thấy người dân bình thường đánh giá cơm/xôi hơn vàng bạc, tiền của. Với người nghèo đói như Thằng Bờm thì cơm/xôi còn quí hơn vàng bạc, con trâu, con cá, khúc gỗ lim:

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi

Bờm cười

Người thiểu số Tày cũng coi hạt thóc như hạt vàng như được diễn tả trong bài dân ca sau:

Ruộng anh cấy thóc dâu thóc tám

Trong năm nay vô hạn được mùa

Gặt xong sớm rồi đưa vào bịch

Hạt thóc khô chẳng khác gì vàng 

Các tục ngữ dưới đây nói rằng thóc/lúa/gạo là tiền, là bạc, là giàu có và nhà có nhiều thóc gạo là nhà giàu có:

Ngồi đống thóc, móc đống tiền

Chứa tiền chứa thóc thì giàu

Khen nhà giàu lắm thóc

Lời nói, quan tiền, thúng thóc

Nhà giàu mua vải tháng ba, bán gạo tháng tám mới ra nhà giàu

Tiền hết gạo không, tiền lưng gạo bị

Có lúa có mọi đường (Tục ngữ người Thái)

Gạo mua không đủ gạo xin chẵng no (Tục ngữ người Thái)

Gạo chợ một tiền mười thưng

Mẹ còn nhịn đói vì chưng không tiền

Ruộng ta vừa xấu vừa sâu

Vừa bé hạt gạo vừa lâu đồng tiền

Hết mạ ta lại quảy thêm,

Hết lúa ta lại mang tiền đi đong

Có nhiều thóc gạo, con người trở thành giàu có và mạnh bạo, coi ai không ra gì cả như các tục ngữ sau đâydiễn tả:

Ông tiền ông thóc, ông cóc gì ai

Bà tiền bà thóc, bà cóc gì ai

Chị kia có quan tiền dài

Có bị gạo nặng coi ai ra gì

Ở Việt Nam, do đó, một mùa lúa tốt có năng suất cao cho ra nhiều lúa sẽ cung cấp cho gia đình nông dân không những đầy đủ thức ăn mà còn có nhiều tiền của để trả sưu thuế. Nông dân dùng các phó sản phẩm của công việc xay giã thóc lúa để nuôi gia súc để bán, làm phân cho mùa lúa sau:

Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy

Năm nong đầy, em xay, em giã

Trấu ủ phân, cám bả nuôi heo

Sang năm lúa tốt tiền nhiều

Em đong đóng thuế, đóng sưu cho chồng

Khi khí hậu bất thường thì cây lúa không phát triển và có năng suất thấp và nông dân không có tiền của, trở nên nghèo khó, không có đủ tiền để đóng sưu thuế như được diễn tả qua bài dân ca sau:

Bây giờ gặp phải hội này

Khi trời hạn hán, khi hay mưa dầm

Khi trời gió bão ầm ầm

Đồng điền lúa thóc mười phần được ba

Lấy chi đăng nạp nữa mà?

Lấy chi công việc nước nhà cho đang?

IV. CÁC ĐỊA PHƯƠNG NỖI TIẾNG NHỜ LÚA GẠO

Lúa gạo được trồng trên khắp nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Qua ca dao dưới đây là những địa phương được nổi tiếng nhờ lúa gạo:

-Nguyệt Viên, Hà Nội

Nguyệt Viên lắm thóc nhiều tiền

Có sông tắm mát, có miền nghỉ ngơi

-Sông Thao và Nhượng Bạn, miền Bắc

Dù ai đi ngược về xuôi,

Cơm nắm lá cọ là người sông Thao

Ai về Nhượng Bạn thì về,

Gạo nhiều, cá lắm, dễ bề làm ăn

-Kim Thành Nông Cống, Thanh Hóa

Được mùa Kim Thành thuyền mành chở gạo

Được mùa Nông Cống, nuôi sống mọi nơi

-Nghệ An

Cá rô Bầu Nón kho với nước tương Nam Đàn

Gạo tháng mười cơm mới, đánh tràn không biết no

-Đức Thọ, Yên Hồ, và Lệ Thủy, Hà Tĩnh

Ai về Đức Thọ thì về

Nước trong, gạo trắng nhiều bề làm ăn

Đức Thọ gạo trắng nước trong

Ai về Đức Thọ, cho thong dong con người

Muốn ăn cơm nếp độ (đỗ) chà

Muốn lấy vợ đẹp thì ra Yên Hồ

Lệ Thủy gạo trắng nước trong,

Ai về Lệ Thủy thong dong con người

-Hoàng Cương Đông Viên, Quảng Bình

Hoàng Cương ăn tấm cũng no

Đông Viên  có thóc bán cho Kẻ Hoàn

-Phước Điền, Quảng Trị

Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ

Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông

-An Phú, Quảng Ngãi

An Phú có ruộng tứ bề

Có ao tắm mát có nghề kẹo nhạ

-Đồng Nai

Đồng Nai gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó thì không muốn về

Xay lúa Đồng Nai

Thóc gạo về ngài, tấm cám về tôi

Bốn mùa em chẳng phải lo,

Gạo Đồng Nai, vải Hà Tĩnh ta ấm no trọn đời

-Gia Định

Ai về Gia Định thì về

Nước trong gạo trắng dễ bề làm ă

-Cần Đước

Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai

Ai về xin nhớ cho ai theo cùn

-Đồng Tháp Mười

Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn

-Cần Thơ

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời

Cần Thơ gạo trắng nước trong,

Ai đi đên đó lòng không muốn về

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bánh Trái Ngày Tết  http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=854
  2. http://e-cadao.com/Cadaochude/cadaobanh.htm
  3. http://poem.tkaraoke.com/14115/Dac_San_Que_Em.html
  4. Nguyễn Văn Ngưu 2001 The Vietnamese Rice Farmer. Pp 97-129 in VIETNAMOLOGICA, Montreal, Quebec, Canada
  5. Nguyễn Văn Ngưu 2007 Ngành Sản Xuất Lúa Việt Nam – Nhìn Qua Lịch Sử, Văn Hóa Và Kỹ Thuật. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 232 pp
  6. Tìm Ca Dao Theo Các Tỉnh http://e-cadao.com/cadaocactinh.asp
  7. Trần Văn Đạt 2003 Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại VN từ thời nguyên thủy đến hiện đại. Nhà Xuất Bản Nông Nghiệp. TP Hồ Chí Minh. 315 pp
  8. http://e-cadao.com/tieuluan/vanhoa/vanhoanongnghiep.htm
  9. Vũ Ngọc Phan 1999 Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. Hà Nội. 832 pp
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 214087 visitors (407629 hits) on this page!