Lũ lụt Miền Trung. Phần 1
23/10/2020

 

CHUYỆN DÀI LŨ LỤT MIỀN TRUNG

Trần-Dăng Hồng, PhD

Phần 1. TẠI SAO MIỀN TRUNG LÀ “VÙNG ĐẤT CÀY LÊN SỎI ĐÁ”

 

Trung bình hàng năm có 5 trận bão thổi vào Miền Trung mang theo mưa to và lũ lụt.  Trong vòng 70 năm kể từ 1950, Miền Trung trải qua  nhiều trận bão lụt gây thiệt hại nổi tiếng là Quý Tỵ (1953), Giáp Thìn (1964), Bính Tý (1996), Mậu Dần (1998), hai trận lụt năm Kỹ Mão (tháng 11 và 12/1999), Canh Thìn (9/2000, do bảo Wukong vào Hà Tỉnh), Quý Mùi (11/2003), Ất Dậu (4/2005) và Canh Tý hiện nay (10/2020).

Nếu lấy cái mốc trận lụt Đại Hồng Thủy 1999 để so sánh về nhân mạng và thiệt hại kinh tế, thì trong vòng 20 năm qua Miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) trải qua các trận lũ lụt sau đây:

Lũ lụt năm 1999Đại Hồng Thủy 1999.  Chỉ trong vòng 1 tháng (01/11/1999 đến 06/12/1999) đã xảy hai đợt lũ đặc biệt lớn liên tiếp trên diện tích rộng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa (1). Đây là 2 trận lũ lớn nhất trong vòng 70 - 100 năm qua ở các khu vực này; lũ lụt đã làm 818 người chết và mất tích, trên 1 triệu ngôi nhà bị ngập và hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế bị lũ cuốn trôi, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 642 triệu $US thời điểm 1999). Vùng thiệt hại nhất là Thừa Thiên – Huế. Lũ năm 1999 này cũng đã xác lập nhiều kỷ lục lịch sử trong các thống kê, so sánh về thiên tai và thiệt hại gây ra tại Việt Nam. Trong đợt mưa lũ 1999 này một lượng nước mưa ghi nhận tại thành phố Huế là 1.384 mm/ngày, đây là một trị số lớn chưa từng thấy trong chuỗi số liệu 100 năm qua được ghi nhận ở Việt Nam. Trận mưa này được xem là có cường độ lớn nhất trong hơn 100 năm qua, được xếp hạng kỷ lục trên thế giới (1).

 

 

   

Lũ lụt 1999 tại Thừa Thiên - Huế

Lũ lụt năm 2007. Do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 05 đến 08/8/2007, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra lũ lịch sử trên sông Gianh, đã làm 54 người chết và mất tích; 1.062 nhà sập và trôi, 90.225 nhà ngập, hư hại; 58.658 ha lúa, 43.164 ha hoa màu bị ngập; tổng thiệt hại ước tính: 926 tỷ đồng (khoảng 120 triệu $US) (2, 3). Lũ trên một số sông ở Đà Nẵng và Quảng Nam vượt mốc lịch sử năm 1999 0,3 mét (1).

Lũ lụt năm 2009. Gây thiệt hại nặng ở tỉnh Quảng Ngải (3, 4). Lũ trên sông Trà Bồng (Quảng Ngải) đã phá vỡ kỷ lục lũ năm 1999 (1).


Lũ Lụt năm 2010.
Hà Tĩnh hứng trọn trận lũ lớn nhất lịch sử 100 năm của tỉnh này (3, 4). Đặc biệt, chiều 16-10-2010, một trận mưa xối xả trút xuống địa bàn tỉnh trong nhiều giờ liền, cộng với ảnh hưởng của việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ khiến hầu hết các tuyến giao thông ngập sâu trong nước. Mưa lũ kéo về khiến người dân trở tay không kịp.
Trận lũ lụt đã làm 32 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập, giao thông tê liệt. Lũ lớn còn đe dọa sự an toàn của các đập thủy điện, làm hàng chục ngàn người phải đi sơ tán (3, 4).

Lũ lụt năm 2011. Từ giữa tháng 10/2011, liên tiếp xảy ra các trận lụt ở miền Trung làm 55 người chết. Nước lụt đã nhấn chìm khoảng 170.000 căn nhà và 23.700 ha rau màu. Tỉnh thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Bình, nơi hàng ngàn ngôi nhà bị ngập trong nước. Cơ quan chức năng đã sơ tán khoảng 7.200 người ra khỏi khu vực nguy hiểm (3, 4).

Lũ lụt năm 2013 trên khắp Miền Trung. Ngày 15/10/2013, sau khi cơn bão Nari (bão số 11) quét qua các tỉnh miền Trung, kết hợp với không khí lạnh gây ra trận lũ lớn, bủa vây các tỉnh miền Trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam. Đợt mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới của Bão Nari và bão Podul (bão số 15) đã gây ra lũ lụt diện rộng, nhiều tỉnh đã vượt mốc lịch sử lũ năm 1999 (1). Nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt; trong khi tại miền núi, nước ngập tới mái nhà, cô lập nhiều xã, huyện. Tính đến thời điểm chiều 16/10, trên địa bàn huyện Hương Sơn đã có ít nhất 6 người chết do lũ cuốn trôi, trong đó có 2 em học sinh, hàng trăm nhà dân ngập chìm trong biển nước. Có 4 người đang bị mắc kẹt trong vùng lũ, phải trèo lên ngọn cây. Mưa lớn kèm lốc xoáy còn làm 2 người chết ở xã Quảng Sơn, (Quảng Bình). Trong khi đó ở đập Sói Mực, huyện Bố Trạch nước lũ dâng cao cuốn trôi 2 cô giáo đang trên đường đi dạy học (3, 4).

Lũ lụt năm 2016. Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12/2016, đã liên tiếp xảy ra 05 đợt mưa lũ lớn diện rộng tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại Bình Định lũ lớn xấp xỉ mức lũ lịch sử, làm 129 người chết, mất tích, 151 người bị thương; 1.195 nhà bị đổ, trôi, 236.196 nhà bị ngập, thiệt hại; 103.902 ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 32.057 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ gãy, thiệt hại; hơn 1,2 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, trôi, v.v. tổng thiệt hại ước tính khoảng 10.519 tỷ đồng (khoảng 480 triệu $US) (3, 4).

Lũ lụt năm 2017. Bão số 12 là cơn bão rất mạnh hiếm gặp, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Nam Trung Bộ, gió mạnh khi bão đổ bộ đã gây thiệt hại lớn tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và gây mưa rất lớn trên diện rộng gây lũ lớn trên mức trên báo động 3 ở hầu hết các sông. Bão số 12 và mưa lũ sau bão làm 123 người chết và mất tích; 3.550 nhà sập đổ, 134.000 nhà tốc mái, hư hỏng; 11.224 ha lúa, 27.301 ha rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 38.629 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 22.680 tỷ đồng (khoảng  990 triệu $US) (3,4).

Lũ lụt năm 2020 tại miền Trung.  Còn được gọi là Lũ chồng lũ, vì gồm 3 đợt lũ liên tục chồng lên nhau (2):

Đợt lũ thứ 1. Bắt đầu đêm ngày 06/10 đến ngày 13/10/ 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ, và một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngi, Bình Định, Phú Yên. Gió bão mang theo mưa lớn, với lượng mưa 250 – 300 mm/24 giờ tại Quảng Ngải, Phú Yên; 360mm tại Sa Huỳnh (Quảng Ngải), 405mm/24 giờ tại núi Bạch Mã, Thừa Thiên, 646 mm/24 giờ tại vùng núi thuộc huyện Minh Hóa, Quảng Bình.

Đợt lũ thứ 2. Ngày 12/10, Bão Nangka tức Bão số 7 thành hình ở Biển Đông và thổi vào Vịnh Bắc Bộ ngày 14/10. Một trận bão khác tên Ofel di chuyển từ miền Trung Philippines di chuyển nhanh và đến chiều ngày 16/10 đã đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngải, chiều tối cùng ngày, đi vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam và tiếp tục gây mưa rất lớn cho các tỉnh miền Trung, mưa liên tục kéo dài đến ngày 21/10,  gây lũ trên các sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế và khu vực Tây Nguyên lên nhanh, một số thủy điện miền Trung như A Vương, Sông Tranh phải xả lũ. Đêm 18/10, mưa lớn tại Quảng Bình và Quảng Trị, 960 mm tại huyện Minh Hóa, 1.022 mm tai xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Tại Hướng Linh (Quảng Trị) mưa tới 3.245 mm; tại A Lưới, Thừa Thiên Huế và Bạch Mã đều gần 3.000 mm. Tóm lại, lượng nước  mưa chỉ trong mấy ngày lớn hơn tổng lượng mưa của cả một năm, vượt qua Đại hồng thủy 1999. Vì vậy, nước trên các sông dâng cao trên mức báo động III gây ngập lụt trên diện rộng.

Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở ngày 12/10. Tính đến ngày 14, tổng cộng có 33 người mất tích trong sự kiện sạt lở Rào Trăng gồm 20 công nhân và 13 thành viên nhóm cứu nạn, trong số này có một Thiếu Tướng.

Sạt lở vùng đóng quân Đoàn 337: nửa đêm 17/10, một vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Khu tập thể đồn biên phòng ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Tường trình cho biết 22 người chết, gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.

 Sạt lở các vùng núi Hướng Hóa: vào chiều ngày 17, trên địa bàn thôn Tà Rùng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị xảy ra sạt lở đất chôn vùi một nhà dân làm 6 người trong gia đình thiệt mạng, 7 người đi làm rẫy, bị nước lũ mất tích, đoàn cán bộ Công an xã Hướng Việt gồm 7 người triển khai tìm kiếm cũng bị nước cuốn, 5  người trong đó có 1 Thượng Úy Công An và nhiều người bị thương .

Đợt lũ thứ 3. Ngoài Biển Đông, áp-thấp-nhiệt-đới thứ năm chuyển thành Bão Saudel (bão số 8.) đi qua Philippines, hướng về Việt Nam. Lúc 10 giờ sáng ngày 21/10, vị trí tâm Bão Saudel cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75 km/giờ). Bão Saudel dự kiến vào miền Trung, với cường độ tạo thành đợt lũ thứ ba. Bão còn đang diễn tiến (ngày 23/10/2020).

 


 
Lũ lụt 10/10/2020 tại Quảng Bình

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết sơ khởi, từ ngày 6/10 đến sáng 20/10/2020, đã có 132 người chết và mất tích,  khoảng 52.933 nhà bị ngập và 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi do mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên.

Tình hình còn đang tiếp diễn (2), nên chưa có tổng kết cuối cùng (khi đang viết bài này, 23/10/2020).

 

BẢN CHẤT LŨ LỤT MIỀN TRUNG.
Người dân Miền Trung đã quen sống với lũ lụt xảy ra hàng năm, không lớn thì nhỏ, nên “Trời hành cơn lụt mỗi năm” và “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ” là những câu nói quen thuộc. Lũ lụt Miền Trung được chi phối bởi nhiều yếu tố.

1. Địa hình. Dãi đất miền Trung được bao bọc phía Tây bởi dãi Trường Sơn và phía Đông là biển, vốn là vùng rất hẹp so với Đồng Bằng Bắc Bộ và Đồng Bằng Nam Bộ. Rặng Trường Sơn dài 1100 km bắt đầu từ Nghệ An và chấm dứt ở vùng núi Phan Thiết – Phước Long, càng về phía Nam thì càng sát bờ biển. Nhiều nhánh đâm ra biển tạo nhiều đèo. Sườn phía Đông thì dốc đứng, sườn phía Tây thì thoai thoải (5).
Đoạn từ Vinh (Nghệ An) vào đến Đà Nẵng bề ngang đồng bằng chỉ từ 40 km đến 60 km, chỗ hẹp nhất là Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ khoảng 37 km.

Càng về phía Nam, chiều cao núi thấp dần, cao độ trung bình của dãy Trường Sơn phía Bắc khoảng 2.000 m, thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500 m, như Phu/Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt-Lào, Nghệ An) 2.711 m, Phu/Pu Ma (Nghệ An) 2.194 m, Phu/Pu Đen Đin (Nghệ An) 1.540 m, Rào Cỏ (biên giới Việt-Lào, Hà Tĩnh) 2.235 m, Động Ngài (Thừa Thiên-Huế) 1.774 m, Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng) 1.444 m.

 

Càng về phía Nam, núi thấp dần, tạo các cao nguyên (Tây Nguyên) trù phú, thỉnh thoảng có những đỉnh núi cao như Ngọc Linh (2.598 m), Ngọc Krinh (2.025 m), Kon Ka Kinh (1.761 m), Vọng Phu (2.051 m), Chư Yang Sin (2.405 m), Bon Non (1.692 m), Chư Braian (1.865 m), M'non Lanlen (1.623 m), M'non Pantar (1.644 m), và nhiều đỉnh khác.

 


 

 

Dãi Trường Sơn (5)

 

Do địa hình phức tạp, nên chế độ nhiệt độ, mưa, thủy văn, đất và lớp phủ thực vật rất đa dạng. Nói chung, Trường Sơn gây gió Lào khô và nóng trong mùa hè (hiện tượng Foehn), và mưa lũ lụt hàng năm vào mùa Thu và mùa Đông.
Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Nhìn chung địa hình Bắc Trung Bộ phức tạp, đại bộ phận lãnh thổ là núi, đồi, hướng ra biển, có độ dốc, nước chảy xiết, thường hay gây lũ lụt bất ngờ. Vùng có chiều ngang theo hướng Đông - Tây hẹp nhất là Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ khoảng 37 km.
Tại Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng có tổng diện tích khoảng 6.200 km², trong đó đồng bằng Thanh Hóa do nguồn phù sa từ sông Mã và sông Chu bồi đắp, chiếm gần một nửa diện tích và là đồng bằng rộng nhất của Trung Bộ. Nơi có chiều ngang Đông- Tây lớn nhất ở Miền Trung, khoảng 195 km, thuộc Nghệ An.
Duyên hải Nam Trung Bộ thuộc khu vực cận giáp biển. Địa hình ở đây bao gồm đồng bằng ven biển và núi thấp, có chiều ngang theo hướng Đông - Tây (trung bình 40 – 50 km), hạn hẹp hơn so với Bắc Trung Bộ. Có hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, bờ biển sâu với nhiều đoạn khúc khuỷu, thềm lục địa hẹp. Các miền đồng bằng có diện tích không lớn do các dãy núi phía Tây trải dọc theo hướng nam tiến dần ra sát biển và có hướng thu hẹp dần diện tích lại.
Xét chung, địa hình Trung Bộ có độ cao thấp dần từ khu vực miền núi xuống đồi gò trung du, xuôi xuống các đồng bằng phía trong dãi cồn cát ven biển rồi ra đến các đảo ven bờ.

Miền trung có diện tích cồn cát lớn trải dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Thuận.

2. Bảo tố và áp-thấp-nhiệt-đới.

Theo số liệu thống kê nhiều năm thì trung bình hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 áp-thấp-nhiệt-đới có ảnh hưởng đến Việt Nam. Mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào nửa đầu tháng 12 DL. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8, 9 và 10 (6).

 

Vùng Biển Đông giữa Trường Sa và biển Phi Luật Tân là nơi xuất phát các trận bão và áp-thấp-nhiệt-đới có ảnh hưởng tới bão và lũ lụt ở Việt Nam.

 

Hướng bão xoay theo chiều ngược kim đồng hồ. Đầu mùa bão, tháng 6 – 7, bão thường đổ bộ vào Nhật Bản, Đông Nam Trung quốc, Đài Loan, Hải Nam. Sau thời kỳ này, tức khoảng tháng 6 đến tháng 8, bão hướng về phía Việt Nam, thoạt tiên vùng Mong Cái, Vịnh Hạ Long, rồi Bắc Bộ. Từ tháng 9 - 11, bão có nhiều khả năng đổ bộ vào Trung Bộ và Nam bộ. Thông thường, từ tháng 1 - 5, bão ít có khả năng ảnh hưởng đến Việt nam.  



Hướng đi của bão
Saudel (bão số

 

3. Chế độ mưa

Bão mang theo nhiều hơi nước. Khi gió bão gặp vách đứng của Trường Sơn nên tạo ra mưa lớn tại đầu nguồn. Tại vùng duyên hải thì mưa ít hơn. Chẳng hạn, tại vùng Thừa Thiên – Huế, khu vực núi cao A Lưới - Động Ngại (độ cao 1.774m) có lượng mưa trung bình/năm từ 3.400 - 5.000 mm, khu vực Nam Đông - Bạch Mã - Phú Lộc (cao độ 1450 m) có lượng mưa trung bình/năm từ 3.400 - 5.000 mm, còn ở vùng đồng bằng duyên hải Thừa Thiên - Huế có lượng mưa ít nhất, từ 2.700 - 2.900 mm/năm.

Tại vùng núi, hàng năm có từ 200 - 220 ngày mưa, còn ở khu vực đồng bằng duyên hải khoảng 150 - 170 ngày mưa. Những đợt mưa kéo dài nhiều ngày, có khi 3-4 tuần liên tục, trên diện rộng thường gây ra lũ lụt lớn. Vì độ dốc của mặt đất từ thượng nguồn ra biển khá lớn, chiều dài giòng chảy từ nguồn đến biển lại ngắn (chỉ 30 - 40 km), nên khi có mưa lớn ở thượng nguồn là có lũ, giòng nước chảy rất mãnh liệt, lôi cuốn theo các thành phần đất mịn chảy ra biển, nên đồng bằng còn lại sỏi đá (đất cày lên sỏi đá). Các thành phần mịn trôi ra biển, theo dòng hải lưu trôi vào phương Nam, tạo thành đồng bằng phù sa Nam Bộ. Bãi biển Trung Bộ vì vậy chỉ toàn cát trắng, với nước biển trong xanh (vì không có phù sa), rất đẹp nhưng nghèo nàn.

Mùa mưa lũ ở Bắc Trung Bộ thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 10, ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 12.

 

4. Hiện tượng xả lũ.

Trong trận lũ lụt tháng 10/2013, với ảnh hưởng của việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ (Hà Tỉnh) khiến hầu hết các tuyến giao thông ngập sâu trong nước, cùng với mưa lũ kéo về khiến người dân trở tay không kịp.

Tại Quảng Nam, trong cơn bão lũ tháng 11/2013, huyện Đại Lộc đã phải hứng chịu đồng loạt cả 4 thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5 xả lũ, khiến cả huyện ngập sâu trong nước (7).

Đập thủy điện Hố Hô nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh  có diện tích 265,26 ha, dung tích 38 triệu m3, phục vụ nhà máy điện có tổng công suất 14 MW. Trong  quá khứ, đập Hố Hô đã từng khiến người dân vùng hạ lưu sông Ngàn Sâu phải chịu nhiều phen khốn đốn do hư hỏng cửa xả lũ hoặc xả lũ bất ngờ gây ngập lụt (7).

Trong đợt lũ trái mùa đầu tháng 3 năm 2015 ở Trung Trung Bộ, một số trạm bơm đã xả lũ với lưu lượng lớn, dẫn đến mực nước xấp xỉ mức lũ của trận lũ 1999 (1)

Ngày 3/11/2016, thủy điện sông Ba Hạ đã xả 4.000 m3/s và từ 13 giờ đến 15 giờ tăng lên 10.400 m3/s, đã khiến thành phố Tuy Hòa và các địa phương hạ du chìm ngập chỉ sau vài giờ. Ước tổng thiệt hại cho đợt xả lũ này hơn 300 tỷ đồng (8).

Nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc Công ty  thủy điện Hồ Bốn xả lũ từ 126 m3/s bất ngờ tăng lên khoảng 800 m3/s vào đêm 31/10, rồi tăng lên 1.081 m3/s lúc 7 giờ sáng ngày 1/11 (8).

Tại thị xã An Khê (Gia Lai), trong hai ngày đầu tháng này, nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak liên tục thông báo tăng lưu lượng xả từ 200 m3/s lên 600 m3/s rồi hơn 1.000 m3/s, dẫn đến lụt cục bộ. Tại Lâm Đồng, với những cơn mưa kéo dài, các nhà máy thủy điện trên địa bàn như Đa Nhim, Đại Ninh cũng tăng lượng xả lũ ở mức 800 m3/s làm dân phải sơ tán (8)

Trong mùa lũ tháng 10/2020 năm nay, hầu như tất cả các nhà máy thủy điện của Miền Trung đều xả lũ hàng loạt “đúng quy trình” nên tạo lũ thêm phần thảm khốc.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ năm 2010 đến 2019 tại Việt Nam đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng. Cũng theo cơ quan này, phá rừng và xây thủy điện là nguyên nhân chính của lũ quét và sạt lở đất (9).

Chẳng hạn lũ làm sạt lở đất tại Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam), Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) làm tổng cộng 71 người chết và mất tích, 4.100 ngôi nhà đổ sập, cuốn trôi.13.200 ngôi nhà (9). Cũng theo cơ quan này, cả nước hiện có 1.700 xã có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại 4 khu vực: Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, 500 xã có nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (9). Tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Bà Đặng Thanh Mai cho biết, trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất và đang có xu hướng gia tăng. Cũng theo Bà Mai, "Nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng - thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện…"  (9).



Sạt lở đất chôn vùi nhà cửa do lũ 10/2020

 
Tài liệu Tham Khảo chánh

1. Wikipedia. Lũ lụt miền Trung Bộ Nam tháng 11 năm 1999.

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C5%A9_l%E1%BB%A5t_mi%E1%BB%81n_Trung_Vi%E1%BB%87t_
Nam_th%C3%A1ng_11_n%C4%83m_1999

2. Wikipedia. Lũ lụt miền Trung Bộ Nam năm 2020.

 https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C5%A9_l%E1%BB%A5t_mi%E1%BB%81n_Trung_
Vi%E1%BB%87t_Nam_n%C4%83m_2020

3. Dữ liệu thiên tai Việt Nam. Các trận lũ lịch sử.

https://dulieudiali.wordpress.com/lu-lut-2/cac-tran-lu-lich-su/

4. Báo Nghệ An. Nhìn lại những trận lũ lịch sử ở Việt Nam.

https://baonghean.vn/nhin-lai-nhung-tran-lu-lich-su-o-viet-nam-117747.html

5. Wikipedia. Annamite Range.

https://en.wikipedia.org/wiki/Annamite_Range

6. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Quy luật chung của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam.

https://nchmf.gov.vn/Kttvsite/vi-VN/1/hinh-thanh-va-hoat-dong-cua-bao-post1025.html

7. Báo Pháp Luật. Hàng loạt hồ chứa ở miền Trung đang xả lũ. Pháp Luật.

https://plo.vn/thoi-su/hang-loat-ho-chua-o-mien-trung-dang-xa-lu-944802.html

8. Báo Nhân Dân Cuối Tuần. Những câu hỏi hậu xả lũ, Nhân Dân Cuối Tuần https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/nhung-cau-hoi-hau-xa-lu-277679/

9. Báo Tuổi trẻ (ngày 09/07/2018). Phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất.

https://tuoitre.vn/pha-rung-xay-thuy-dien-la-nguyen-nhan-cua-lu-quet-sat-lo-dat-201807091320323.htm

Reading, 23/10/2020
Trần Đăng Hồng, PhD

 Mời  đọc:
Phần 2: Phá rừng, thủy điện và lũ lụt
Phần 3: Có thể tái tạo rừng nguyên sinh?

 

 

 

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215382 visitors (409335 hits) on this page!