Cây chuối
6/7/2020

Cây Chuối

 

GS Thái Công Tụng

 

1.Dẫn nhập.

Cây chuối là một thực vật thân thương trong đời sống người Việt .Ngoài trái chuối để ăn thì người Việt đã sử dụng mọi thành phần cây chuối:

- lá chuối gói bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết

-bắp chuối xát nhỏ làm gỏi bắp chuối, nộm bắp chuối dùng các nguyên liệu như  lỗ tai heo, ớt, nước mắm, chanh, rau thơm, đậu phụng rang đã xuất hiện trong các thực đơn của các nhà hàng, quán ăn lớn nhỏ khắp Việt Nam. Nó đã trở thành một trong những các món ăn mang hương vị dân tộc, mộc mạc  và phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam .

- thân cây chuối dùng cho heo ăn  

-trái chuối được chế biến ra  kem chuối, chè chuối,...

Nhiều ca dao Việt đề cập đến loài chuối:

-Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ.
-Mẹ già như chuối chín cây
Gió đưa mẹ rụng, con rày mồ côi.
-Nhà em không hiếm chi hoa
Chanh chua, chuối chát, cải cà nhiều hung
Cây lê, cây lựu, cây tùng
Ba bốn cây đứng đó tứ tung một vườn
Sau hè có đám hành hương
Trong nhà có mấy cái rương đựng đồ

Chuối hiện nay loài người tiêu thụ có nguồn gốc từ 2 loài chuối hoang dại (ở Việt Nam còn gọi là chuối rừng) có nhiều hột lớn và cứng: Musa acuminataMusa balbisiana. Loài người đã thuần hoá, và lai tạo nên những giống chuối có bộ nhiễm sắc thể tam bội , tức chuối không hột, ăn được . 'A' là kiểu gen của Musa acuminata, 'B' là kiểu gen của Musa balbisiana. Các kiểu gen đa bội là kết hợp giữa hai kiểu gen A và B. Các dạng đa bội của Musa acuminata thường dùng làm đồ ăn tráng miệng trong khi các dạng đa bội của Musa balbisiana và các giống lai giữa hai kiểu gen thường được dùng để chế biến công nghiệp.

 

Cây chuối được trồng chủ yếu để lấy quả. Vì cây thường mọc lên cao, thẳng, và hơi vững, nó thường bị lầm lẫn với thân cây gỗ, trong khi "thân" chính của nó là một "thân giả" (tiếng Anh: pseudostem) vì trên thực tế chỉ là phần gốc cuống lá của các lá lớn. Vì thế, về mặt kỹ thuật mà nói thì chúng là các loại cây thân thảo khổng lồ. Thân giả của một số loài có thể cao tới 2–8 m, với lá kéo dài 3,5 m.

Cây chuối là cây mọc vùng nhiệt đới: ta gặp cây chuối ỏ Đông Nam Á, ở Phi châu nhiệt đới, ở Nam Mỹ, Trung Mỹ .  

Có ba loại chuối cơ bản:

- chuối tráng miệng có màu vàng và được ăn khi chín. Phần lớn các nước Âu Châu và Bắc Mỹ nhập cảng loại chuối để ăn tráng miệng.

- chuối luộc như loài chuối plantain có thể dùng để chiên hay nướng, ăn giống như khoai tây. Loại chuối plantain thích nghi với nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhiều chất khoáng và sinh tố.

- chuối làm bia .

 

2. .  Thân chuối, bắp chuối, buồng chuối, nãi chuối

Cây chuối được trồng chủ yếu để lấy quả. Cây chuối có thân rễ ngầm (củ chuối), mọc ra những lá có phiến rất lớn, dài đến 3 mét, rộng đến 60 centimét với những bẹ lá to ôm lấy nhau thành một thân giả hình trụ tròn, cao 3-4 mét.  Cây chuối không có thân gỗ và đáy cây chuối giống như một hành (bulbe), gọi là căn hành (rhizome).  Hoa chuối  chỉ nở một lần trong đời cây chuối và thường phát triển thành chùm, thường quen gọi là buồng chuối . Các loài chuối đều do sinh sản vô tính và trái chuối không phải từ sự thụ tinh. Trái chuối mất 4 tháng từ lúc thành tạo đến lúc ăn chín hay ăn luộc (chuối plantain)

 

 2.1. Buồng chuốihoa cái ở đáy  hoa đực ở ngọn:

-hoa cái sẽ phát triển thành quả chuối ; buồng chuối có nhiều nãi nên có khi phải lấy cọc chống đỡ cho cây không để thân cây oằn xuống.

-hoa đực cây chuối thường vô sinh, bất thụ (stérile), còn được gọi là bắp chuối, hình nón dài  gồm nhiều lá bắc màu đỏ tía úp lên nhau và quả chuối do đó là quả đơn tính (parthenocarpie) chỉ cho quả một lần, do đó khi thu hoạch xong, nên đốn bỏ để nhường chỗ cho cây sau .

 Bắp chuối được dùng như rau ở Đông Nam Á; nó được hấp, trộn salad, hoặc ăn sống

Buồng chuối, nặng 30-50kg gồm 10-12 nãi  và mỗi nãi có quãng 20 trái, một trái/quả trung bình nặng 125 g, trong số đó vào khoảng 75% là nước và 25% là chất khô.  Quả chuối mất 4 tháng từ lúc thành tạo đến lúc ăn chín hay ăn luộc (chuối plantain).  Thời gian từ trồng đến thu hoạch: 13 – 14 tháng.   

2.2. Lá cây chuối có phiến rất lớn, dài đến 3 mét, rộng đến 60 centimét.


 

Nhiều món bánh Việt gói bằng lá chuối như bánh chưng, bánh tét v.v. có hương vị đặc thù vì bề mặt lá chuối có lớp sáp  . Lớp sáp này khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng vừa phải trên thức ăn thì sẽ chảy ra, phủ lên món ăn một lớp “màng” bóng bẩy, khiến món ăn có vẻ tươi tắn hơn .


 

Lá chuối xuất hiện rất nhiều trong mấy món bánh Việt Nam như bánh tét, bánh chưng, bánh ú, bánh giò..

3. Các loại chuối . Ngoài chuối rừng (Musa coccinea, hoa đỏ, qủa nhiều hạt) và chuối sợi (Musa textilis) trồng để lấy sợi ở Philippin, ta phân biệt:

-chuối ăn tráng miệng. Đây là các loài chuối  thuộc loài Musa paradisiaca là cây thể tam bội (triploide), bắt nguồn từ hai loài: Musa acuminata ( thể nhị bội (diploide), phát sinh ở Mã Lai) và Musa balbusiana (nhị bội, phát sinh ở Ấn Độ). Chuối ăn tráng miệng thuộc nhóm Cavendish và được trồng thương mại trên diện tích rộng ở các xứ Trung Mỹ để xuất cảng

-chuối luộc. Trong nhóm này, có chuối plantain to hơn và dài hơn chuối  ăn tráng miệng. Chuối này ít ngọt hơn, giàu tinh bột hơn, thường luộc chín để ăn. Chuối plantain là loại tam bội và do lai giữa vài chủng loại Musa acuminataMusa balbisiana .

-chuối làm bia gồm nhiều giống chuối có vị hơi chát. Nếu để cho lên men thì chuối này dùng để nấu rưọu bia

Ở vài xứ Phi châu (Uganda, Rwanda, Gabon ..), tiêu thụ cho mỗi đầu người trong mỗi năm biến thiên từ 100 đến 200 kg chuối mỗi năm. Ỏ Viet Nam, có chuối hột rừng, cao khoãng 3 đến 4 mét, với buồng chuốì ít hơn 10 nãi, quả có cạnh và chứa nhiều hột từ 4 đến 5 mm, phiến lá dài, cuống xanh sọc đỏ.

 

 


 

Chuối hột rừng

 

Cũng phải kể thêm chuối kiểng, dùng trang trí trong nhà

4. Vài giống chuối trồng ở Viet Nam .

Chuối ăn. Hầu hết loại chuối được buôn bán để ăn thì không có hột vì đã được thuần hóa lâu đời nên có bộ nhiễm sắc thể đa bội (thường là tam bội). Cây thường mọc thành bụi và được trồng bằng cách tách rời cây non đem trồng thành bụi mới.

Viet Nam có nhiều giống chuối trong đó có thể kể chuối cau, chuối già, chuối tiêu, chuối mạch mốc, chuối ngự v.v.

- giống chuối Tiêu (Già) lùn: Trái cong và vỏ còn xanh khi chín. Chóp trái hình cổ chai ngắn, đầu trái bằng phẳng. Quầy ít lông, dạng hình nón cụt, chống quầy còn sót nhiều lá mo chưa rụng hết.

-giống chuối Tiêu (Già) hương: Trái hơi cong và còn xanh khi chín, đầu trái lõm vô rõ rệt. Quầy có ít lông hay trung bình, hình lăng trụ, cuống quầy không có mo khô vì rụng hết. Vòi noãn khô cũng rụng hết.

-giống chuối Tiêu (Già) cúi: Trái hơi cong và còn xanh khi chín, đầu trái bằng phẳng hay hơi lõm vô. Quầy ít lông hay trung bình, quầy hơi có hình nón cụt vì có một nãi mọc ra xa. Mo khô không rụng hết ở quầy nhưng còn lại ít hơn già lùn. Vòi noãn khô còn sót lại ở trái.

-giống chuối Tiêu hồng đã trở thành cây đặc sản của tỉnh Hưng Yên và là cây  làm giàu cho nhân dân địa phương.

-giống chuối Mật mốc. Với tổng diện tích lên đến 1.800ha, từ lâu huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được mệnh danh là “thủ phủ” của cây chuối Mật mốc miền Trung đầy nắng gió. Sản phẩm chuối quả ở đây chủ yếu xuất đi các thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan… và một phần tiêu thụ nội địa.



Một người dân thu hoạch chuối từ rẫy.
 

Trước đây cây chuối Mật mốc ở huyện Hướng Hóa chủ yếu được trồng trong vườn nhà manh mún, nhỏ lẻ, chuối sau thu hoạch có giá trị thấp, thường dùng thờ cúng hoặc làm thực phẩm phụ hàng ngày. Khoảng 10 năm lại đây, khi thị trường chuối Mật mốc được mở rộng, rồi xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Thái Lan… thì quả chuối Mật mốc Hướng Hóa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có thế sánh ngang với bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), Thanh Long (Bình Thuận)…

Sở dĩ chuối Mật mốc Hướng Hóa được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng bởi ngoài hình thức trái to, đều, màu sắc đẹp do đặc thù của khí hậu khô nóng nơi vùng biên giới Việt - Lào, thì điều đặc biệt hơn cả chính là vì phương thức canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến sản phẩm chuối được ưa thích. Theo dân địa phương thì trồng chuối cho năng suất khoảng 15 tấn/ha, với giá dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg, mỗi ha chuối thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Ngoài ra lá, thân chuối tận dụng để gói bánh hoặc làm thức ăn chăn nuôi.

-giống chuối ngự vì là thứ chuối ngày trước được kén chọn để dâng vua (áo vua mặc là ngự bào, món vua ăn gọi là ngự thiện, thầy thuốc chữa bệnh cho vua gọi là ngự y...). Quả chuối ngự chỉ to hơn ngón tay cái đôi chút. Vỏ chuối ngự vàng óng như lụa và mỏng như giấy, bóc ra là tới ruột ngay, không có lượt màng như nhiều giống chuối khác.
 Ruột chuối mềm nuột, hương thơm sực nức, vị ngọt thanh mà vẫn đậm đà.
Khi thưởng thức, chuối ngự có mùi rất thơm, ngọt sắc cực kỳ ngon nên loại chuối này khi xưa còn được dùng để dâng cho vua thưởng thức nên mới được gọi là chuối ngự.

 

Khôi phục, bảo tồn nguồn gen

-giống Chuối ngự Đại Hoàng, có dáng buồng vuông vắn, các nải nở đều, quả có râu, chiều dài quả từ 8 - 10 cm, đường kính từ 1,5 - 2 cm. Mỗi buồng chuối dao động từ 5 - 7 nải.

 

Khi chín, vỏ chuối có màu vàng óng như tơ và mỏng. Quả căng tròn, mùi thơm dịu. Ruột quả màu vàng nghệ, ngọt mát, dẻo, càng ăn càng thấy ngon. Mang hương vị, đặc trưng riêng mà các dòng chuối khác không có được.Trước năm 2000, giống chuối này có nguy cơ mất nguồn gen do không được đầu tư, chăm sóc đúng kĩ thuật và do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gió bão. Vì vậy, diện tích bị giảm mạnh.

Song, từ năm 2001 đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) đã hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất cho người dân địa phương, nên diện tích trồng chuối dần được khôi phục và tăng nhanh chóng. Hiện tại, toàn xã có khoảng 60ha chuối ngự.Chuối ngự cũng đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Qua đó, giúp địa phương có cơ hội mở rộng diện tích, thị trường và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Từ khi chuối ngự được khôi phục, bảo tồn nguồn gen, diện tích trồng loại chuối đặc sản này đã tăng đáng kể. Nhiều cơ quan tổ chức thường xuyên về địa phương hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc cho bà con nông dân. Hòa Hậu là một xã nằm ven sông Hồng. Nơi đây, được mệnh danh là “thủ phủ” chuối ngự. . Người dân tận dụng triệt để đất trong vườn nhà để trồng chuối. Nơi đây, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho chất đất rất tốt (đất pha cát). Thường xuyên được sông Hồng bồi đắp. Hiếm có nơi nào có được, rất phù hợp với các loại cây ăn quả, trong đó có cây chuối ngự.



Một vườn chuối ở xã Hòa Hậu.

Ngoài những ưu điểm vượt trội, chuối ngự có nhược điểm khá lớn. Đó là, thân cây cao, khoảng 3 - 5m, dễ gãy và lá mềm. Vào mỗi mùa mưa bão, gia đình ông đứng ngồi không yên, lo sốt vó.

“Giai đoạn hoa chuối được hình thành, phát triển và di chuyển trong thân giả rồi trổ ra ngoài thành buồng chuối rất quan trọng. Cần phải được bảo quản kĩ càng, bằng cách khoác vỏ bao bì hoặc áo mưa bên ngoài buồng chuối”. Hiện, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trần Huy Kỳ - một trong những thương lái chuyên thu mua chuối ngự ở địa phương cho biết, mỗi tháng ông tiêu thụ ra thị trường khoảng 3.000 nải chuối chín. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.

Để có nguồn hàng bán liên tục cho người tiêu dùng, ông phải kí hợp đồng thu mua chuối với các nhà vườn khi buồng chuối vẫn còn xanh. Vào dịp tết, chuối ngự Đại Hoàng trở thành hàng hiếm và luôn “cháy hàng”. Cung không đủ cầu.

Theo ông Kỳ, giá chuối ngày bình thường dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/nải, nhưng sát tết giá tăng lên khoảng 4 lần. Thậm chí, một buồng chuối đẹp vào dịp tết có giá cả triệu đồng, nhưng số lượng không có nhiều.

Chuối ngự Đại Hoàng nổi tiếng khắp vùng không chỉ chất lượng thơm ngon, thơm mà cách giấm chuối cũng rất đặc biệt và hiệu quả; không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả, mà rất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ông Kỳ bảo, để chuối nhanh chín, ông treo những buồng chuối vào lò “sưởi ấm”, bằng cách treo những buồng xanh lên giàn, cách mặt đất gần 1m, ở dưới dùng trấu đốt, lấy hơi nóng sưởi cho chuối.



Ông Trần Huy Kỳ kiểm tra chuối trước khi xuất bán.

Theo tính toán của ông Kỳ, vào mùa hè chỉ mất 7 tiếng “sưởi ấm” liên tục là chuối chín. Còn mùa đông phải mất tới 24 tiếng sưởi thì chuối mới chín và cho "ra lò". Hiện, ông đang cung cấp sản phẩm theo nhu cầu đặt hàng của khách.

-giống chuối cau .Chuối cau sở dĩ được gọi như vậy là do giống chuối này có quả nhỏ, hướng tròn, mập giống hình quả cau. Một cây chuối cau có khả năng cho ra rất nhiều quả, năng suất cao nên bà con nông dân ở miền Trung và miền Nam hoặc khu vực có đồi núi ưa trồng.

Chuối cau khi chưa chín nhìn rất giống chuối ngự, nhiều người không có kinh nghiệm chọn mua thường lầm tưởng đây là chuối ngự. Cách phân biệt hai loại chuối này khá đơn giản, chuối cau mật độ quả san sát hơn, vỏ mịn hơn, quả tròn hơn và thường không còn râu ở đầu quả.

Khi ăn, chuối cau có vị thơm, ngọt dịu không quá gắt như chuối ngự, ngoài ra quả chuối cau cũng nhỏ nên ăn chuối cau cũng không ngán như các loại chuối khác.

 

-giống  chuối tiêu

Chuối tiêu rất phổ biến và được nhiều người ưa chuộng lắm. Chuối tiêu thường có hai loại là chuối tiêu lùn và chuối tiêu cao. Nãi chuối tiêu thường có khoảng 12 trái, Quả chuối tiêu có hình dáng cong như lưỡi liềm, chưa chín có màu xanh đậm, chín thì chuyển sang màu vàng, phần thịt vàng nõn, rất thơm và ngọt.

Chuối tiêu khi xanh hay chín đều ăn được:  có thể cắt lát ăn kèm với các loại rau sống; nấu các món giấm chuối, cá kho chuối, lươn om chuối… hay đơn giản là cho vào nồi luộc để có món ăn vặt hấp dẫn. Chuối tiêu chín, có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố chuối, kem chuối, bánh chuối, sữa chua dầm chuối…và rất nhiều món tráng miệng khác.

 

-giống chuối sứ (Chuối hương)

Chuối sứ hay được gọi là chuối xiêm, chuối hương. Chuối sứ có 2 loại chuối sứ trắng và chuối sứ xanh. Quả chuối sứ to, không dài thường được ăn chín và ăn sống lúc trái còn xanh. Khi ăn chuối sứ có mùi thơm và độ ngọt nhẹ, vừa phải, vị hơi chát một chút..

 

-giống  chuối hột

Chuối hột còn được gọi là chuối chát và là loại chuối rất được ưa chuộng tại nước ta nổi danh với món rượu chuối hột. Đúng với tên của nó, chuối hột có ruột trắng, nhiều hột, có vị chát nhiều hơn ngọt nên loại chuối này thường được làm rau ăn kèm với nhiều loại rau khác hay ngâm rượu.

 


-giống  chuối già hương

-Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Chuối ba hương (còn gọi chuối bà hương/già hương) có quả  không to, vỏ dày vừa phải, khi chín có lấm tấm như trứng cuốc và là loại chuối ngon nhất trong họ chuối tiêu. Lúa nếp một  là giống lúa nếp ngon nhất trong số hàng chục loại lúa nếp được trồng ở nước ta (nên được xếp vào loại 1 - một). Thân cây lúa nếp này cao, cứng, lá to, hạt trắng tròn, dài, là loại lúa dài ngày (tới 5 - 6 tháng mới thu hoạch). “Xôi nếp một” trắng, dẻo, thơm, ngon nổi tiếng .

5. Thế nào là chuối cấy mô ?

Với phương pháp trồng truyền thống, cây chuối không đem đến hiệu quả kinh tế cao bởi thời gian thu hoạch rải rác, rất khó để sản xuất đồng loạt trên diện tích lớn do lượng cây giống không đều và số lượng không lớn.

. Do đó, phương pháp trồng chuối cấy mô được ra đời với mục đích tạo số lượng cây chuối giống sạch bệnh trong thời gian ngắn.  Chuối cấy mô là giống chuối có khả năng chống lại sâu bệnh, phát triển tốt ở nhiều vùng đất khác nhau. Loại cây này không đòi hỏi cao trong kỹ thuật trồng, nhu cầu dinh dưỡng không lớn nên chi phí đầu tư không cao nhưng lại tiết kiệm thời gian trồng, sản lượng lớn với thời gian thu hoạch khá ngắn.

 



 

 

Trồng chuối với phương pháp cấy mô có nhiều ưu điểm so với trồng chuối truyền thống như: chất lượng cây giống đảm bảo, sản xuất tập trung cao, sản lượng cây chuối đạt tiêu chuẩn mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Chuối cấy mô là giống cây sạch bệnh . Cây con lấy từ cây mẹ được giám định bằng mắt thường không có bệnh và kiểm tra bằng kỹ thuật ELISA ở giai đoạn đầu tiên. Elisa viết tắt từ chữ Enzyme-linked ImmunoSorbent assay. Sau đó, trong quá trình nuôi cấy mô, mẫu nuôi cấy được loại bỏ mầm bệnh, sàng lọc tiếp qua các lần cấy chuyền để tạo ra cây giống ổn định về mặt di truyền, có chất lượng cao và sạch bệnh. Ngoài ra, nhà vườn cần chú ý đây là loại cây sạch bệnh nhưng không kháng bệnh.

Trồng chuối nuôi cấy mô cho thấy, cây sinh trưởng phát triển nhanh, trái to, hình dạng đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, số nải bình quân là 7 nải/buồng, trọng lượng bình quân là 25 kg/buồng. Sau 10 tháng trồng và chăm sóc, chuối nuôi cấy mô bắt đầu trỗ buồng với số lượng 11 – 13 nải mỗi buồng, quả to, đẹp và sản lượng tăng từ 15 – 20% so với phương pháp truyền thống. Hình thức nuôi trồng chuối cấy mô đang ngày càng phát triển, đem đến hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Bởi vậy, giống chuối cấy mô hiện nay là cây giống được phần lớn người nông dân lựa chọn trồng.

Chuối và sức khoẻ .Ngoài tác dụng giảm nguy cơ ung thư và giúp xương chắc khỏe, chuối còn có nhiều tác dụng trong việc làm đẹp như: giảm cân, chăm sóc da, làm tinh thần sảng khoái. Việc ăn uống đầy đủ chất là điều hầu hết mọi chuyên gia khuyên nên làm. Chuối có tác dụng như chuối tốt cho sức khỏe tim mạch. Ngày nay nguy cơ mắc bệnh tim ngày càng cao, đó cũng là căn bệnh khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Trung bình một quả chuối chứa khoảng 0,4g kali, đây là loại khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và ổn định huyết áp.

Chuối giúp giảm nguy cơ ung thư: Những nghiên cứu gần đây cho thấy nếu ăn chuối đều độ giúp ngăn ngừa ung thư thận. Cụ thể nghiên cứu tại Thụy Điển nhận định rằng phụ nữ giảm 40% nguy cơ ung thư khi ăn rau củ, đặc biệt là ăn chuối. Những người ăn 4-6 trái chuối một tuần giảm nguy cơ một nữa mắc bệnh ung thư thận. Lợi ích này có thể đến từ việc trong chuối chứa hàm lượng chống oxy hóa cao.

Chuối giúp duy trì xương chắc khỏe: Mặc dù không chứa nhiều canxi, nhưng chuối vẫn giữ cho xương chắc khỏe vì có hàm lượng fructooligosaccharides cao. Đây là dạng vi khuẩn có lợi, dễ dàng chuyển hóa thành axit béo chuỗi ngắn, nguồn năng lượng tuyệt vời cho các tế bào màng ruột kết. Hơn thế nữa nó còn giúp tạo ra một môi trường có tính axit hơn, giúp ruột kết hấp thu canxi tốt hơn. Từ đó hỗ trợ xương khớp luôn chắc khỏe và dẻo dai.

Ngoài những lợi ích trên đây, chuối còn có nhiều tác dụng trong việc làm đẹp như: giảm cân, chăm sóc da, làm tinh thần sảng khoái.  Chuối có thể cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng nhờ chuối chứa magiê và kali, và cơ thể sẽ dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng này hơn nếu ăn chuối vào ban đêm. Cả magiê và kali đều được sử dụng cho quá trình tái tạo cơ thể, giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho các hoạt động của ngày hôm sau.

* Ổn định huyết áp: Bởi chuối có hàm lượng natri thấp nhưng kali rất dồi dào, chính điều này khiến chuối trở thành thực phẩm vô cùng tốt cho huyết áp và sức khỏe tim mạch của bạn.

* Phòng chống táo bón: Nếu như mắc bệnh táo bón hoặc thỉnh thoảng khó khăn trong việc đi tiêu, hãy sử dụng chuối ngay hôm nay. Thành phần chất xơ có trong chuối sẽ trợ giúp cơ thể, giúp hệ tiêu hóa làm việc “trôi chảy” hơn.

* Năng lượng cho thấy chuối có đầy đủ các vitamin, khoáng chất và carbohydrate glycemic, chúng một nguồn tuyệt vời giúp cơ thể tái tạo năng lượng nhanh chóng. Đó là lí do chuối được các vận động viên, người thích thể thao sử dụng trước khi luyện tập. Đặc biệt, thành phần kali có trong chuối sẽ giúp ngăn ngừa chuột rút vô cùng hiệu quả, nhất là người hay bị chuột rút về đêm.

* Ợ nóng: Nếu bị ợ nóng, thì lại có các thành phần kháng acid tự nhiên, giúp đẩy lùi tình trạng ợ nóng. Tốt nhất, nên dùng chuối vừa chín tới để đạt được hiệu quả tốt nhất.

* Thiếu máu: Đây là dịp tốt để bổ sung sắt cho cơ thể bằng chuối. Ăn chuối 2 ngày liền hoặc ăn 2 trái chuối mỗi ngày sẽ giúp kích thích tế bào máu và đẩy mạnh sản xuất hemoglobin. Chuối đặc biệt tốt đối với những người có tiền sử thiếu máu hoặc chị em đến ngày “đèn đỏ”.

* Trầm cảm: Bạn có biết chuối có chứa tryptophan? Cơ thể chúng ta sẽ chuyển nó thành serotonin, giúp thư giãn và cảm thấy vui vẻ. Đó là lí do tại sao có rất nhiều người xem chuối là món trái cây khoái khẩu.

* Giảm cân: Ăn chuối thay cơm trong 2 ngày sẽ giúp cơ thể đào thải chất béo, chất độc và giúp cơ thể không giữ nước. Đó là lí do giúp bạn giảm được phần nào mỡ thừa trong cơ thể mà không tốn kém cả về thời gian lẫn công sức. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo rằng chỉ nên áp dụng trong đúng 2 ngày, không nên kéo dài thời gian ăn chuối thay cơm và thức ăn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe chung.

6. Thay lời kết.

Ngoài chuối ăn tráng miệng, tại các vùng xa và sâu, dọc theo khe suối miền Cao Nguyên và dọc theo giải Trường Sơn cũng nên phát triển trồng chuối plantain vì chuối này cho lương thực và giữ đất ven sông suối tránh xói mòn. Người Thượng miền núi có thể trồng loài chuối plantain vừa giữ đất ven suối, ven sông chống xói mòn lại vừa có nguyên liệu để ăn cũng như để làm rượu cần. Ngoài ra, trồng chuối bằng cách cấy mô thì năng xuất cao hơn và ít bệnh hơn

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 192786 visitors (348151 hits) on this page!