Danh mộc Việt Nam


Danh Mộc Việt Nam

KS Nguyễn Lương Duyên

 

Trong lịch sử văn minh của loài người, có một vật liệu thiên nhiên gắn bó từ buổi sơ khai. Vật liệu này rất bền, vững chắc, đủ kích cỡ, hiện diện nhiều khắp nơi, có nét đẹp đa dạng, và đa dụng vô cùng. Do đặc tính tương đối dễ chế tác, con người sử dụng chúng để xây nhà cửa, chế tạo vật dụng, đóng phương tiện di chuyển trên đất và trên nước, chế tạo vũ khí, sử dụng làm vật liệu nền trong nghệ thuật trang trí, tạc tượng, chế biến chúng thành những vật liệu khác phục vụ cho sự tiến hoá và tiện nghi xã hội, từ buổi còn sống đời sống thu hái săn bắt đến nền văn minh cơ khí thông  tin  hiện tại. Vật liệu đó là Gỗ.

 

1. Sơ lược về Gỗ

Gỗ được hình thành từ tầng phát sinh thứ cấp libe-gỗ, chỉ gồm có một lớp tế bào. Tế bào tầng phát sinh phân chia dọc, và một tế bào con ở phía hướng tâm, trở thành tế bào gỗ chỉ trong vòng một tuần với một loạt những biến đổi về hình dạng và kích thước. Trong khi biến đổi, một vách tế bào thứ cấp bền vững hình thành bên trong vách sơ cấp và giúp định hình vĩnh viễn các loại tế bào khác nhau thành mô gỗ. Sau đó tế bào không thay đổi hình dạng hay kích thước nữa. Vách tế bào gỗ thứ cấp được cấu tạo chính yếu bởi cellulose, và được củng cố bởi lignin, một hoá chất phức tạp đặc trưng của gỗ. Tế bào gỗ mất dần tế bào chất và trở thành tế bào chết, chỉ còn làm nhiệm vụ nâng đỡ (gỗ lõi đậm màu) và phần dẫn truyền nước và thức ăn trong nhựa nguyên từ rễ lên lá (gỗ dác nhạt màu). Một phần nhỏ tế bào vẫn còn sống, còn tế bào chất, vẫn đồng hoá và lưu trữ dưỡng chất, đó là những tế bào tạo thành tia gỗ.


Khi gỗ dác cũ chuyển thành gỗ lõi, nhựa bị khô dần và những khoáng chất gọi là chất chiết xuất (extractives) trong nhựa đọng lại, tạo cho gỗ có màu sắc đặc trưng tuỳ loài. Các chất chiết xuất cũng ảnh hưởng tới cơ tính gỗ, sự bền bỉ, sự chế tác, thí dụ quá nhiều silica làm lụt lưỡi cưa rất nhanh.

Gỗ là một vật liệu không đẵng hướng. Thân gỗ tăng trưởng ngang theo những vòng đồng tâm từ tầng phát sinh thứ cấp libe-mộc, tăng trưởng chiều cao nhờ mô sinh trưởng sơ cấp nơi tuỷ cây. Biểu hiện bên ngoài của gỗ như sắp xếp của sớ gỗ, hình dạng vân gỗ, độ láng mịn, màu sắc, mùi hương, ánh ngời, độ cứng, độ bền với các tác nhân huỷ hoại, sức chịu lực, và cả các nhược điểm…, đều có liên quan đến cấu tạo của gỗ ở mức tế bào, mà ở mức thô đại và tế vi, có thể quan sát bằng mắt thường hay với kính phóng đại cầm tay khá dễ dàng. Sớ gỗ và vân gỗ cũng thể hiện khác nhau tuỳ theo cách cưa xẻ tiếp tuyến, xuyên tâm, xẻ góc tư…

Cấu tạo gỗ ở mức tế bào, tổng quát có 2 loại:

Gỗ lá kim (Tùng loại, Gỗ mềm), thành phần cấu tạo chính là các quản bào. Quản bào gỗ mùa xuân (còn gọi gỗ sớm) có thành mỏng, nhiều lõm thông bên giúp nhựa nguyên lưu thông dễ dàng. Quản bào gỗ mùa thu (còn gọi gỗ muộn) có thành dầy, giúp gỗ có sức chịu đựng cao. Tỉ lệ giữa hai loại quản bào là yếu tố ấn định tỉ trọng và kết cấu (mình gỗ) thô hay mịn.

 

Gỗ lá rộng (Diệp loại, Gỗ cứng), từ ngữ cứng, mềm chỉ có tính tương đối. Điểm đặc trưng trong cấu tạo là các ống mạch dẫn nhựa nguyên, mà khi quan sát ở mặt cắt ngang chúng thể hiện thành các lỗ mạch. Gỗ lá kim không có cấu tạo lỗ mạch. Có hai kiểu:

i. Gỗ có lỗ mạch vòng, có hai cỡ lỗ mạch lớn (gỗ mùa xuân/sớm) và nhỏ (gỗ mùa thu/muộn) mọc theo vòng đồng tâm rõ rệt. Chúng tạo thành vòng tăng trưởng hằng năm. Vùng gỗ muộn có nhiều sợi gỗ thành dầy xen lẫn những tế bào tia nằm theo hướng bán kính. Sợi gỗ giúp thân cây có sức chịu đựng vững chắc. Tế bào tia nhiều khi rất lớn tạo cho gỗ một vẻ lấp lánh màu bạc trên mặt cưa xuyên tâm.


ii. Gỗ có lỗ mạch phân tán, có lỗ mạch nhỏ rải đều trên mặt cắt ngang.

Các lỗ mạch có kích thước hơi giảm dần ở vùng gỗ muộn. Bao quanh các mạch dẫn là những sợi gỗ mảnh tạo thành nhóm. Tế bào tia là nơi tồn trữ dưỡng chất, có kích thước không đều, thường thấy như những vệt hình con thoi ở mặt cắt tiếp tuyến. Đa phần gỗ lá rộng nhiệt đới có cấu tạo lỗ mạch phân tán. Gỗ rừng nhiệt đới ẩm hầu như tăng trưởng quanh năm và các vòng tăng trưởng năm rất khó nhận biết.


2. Đặc tính cơ-lý tính chính, Sớ gỗ và Vân gỗ

2.1. Độ cứng và Độ ẩm

Các danh mộc có kích thước lớn ngày càng hiếm và cao giá. Ngày nay danh mộc chính yếu để đóng hàng gia dụng cao cấp như bàn ghế, tủ giường, ván sàn cao cấp, hay dùng tạc tượng, làm vật trang trí có kích thước vừa và nhỏ. Các danh mộc ngoài vẻ lộng lẫy độc đáo, còn cần vững chắc, bền bỉ. Phần lớn danh mộc đều có tính chất này do đa phần thuộc nhóm gỗ nặng (có tỉ trọng cao), mà độ cứng tỉ lệ với tỉ trọng. Độ cứng của gỗ được chỉ thị bằng cách đo lực cần thiết để nén một viên bi thép có đường kính 11.28 mm, lún một nửa vào gỗ, gọi là Janka test.


Hiện nay trên thế giới, gỗ được coi có tỉ trọng và độ cứng cao nhất là Lignum Vitae (Guaicum spp), tỉ trọng khoảng 1.30 và độ cứng (chỉ số lực Janka) là 20,900 N. Gỗ nhẹ nhất và độ cứng thấp nhất là gỗ Balsa (Ochroma pyramidale) tỉ trọng 0.16, độ cứng 420 N. Các danh mộc Việt nam phần lớn đều rất nặng và rất cứng, như Trắc đen (Dalbergia cochinchinensis) tỉ trọng 1.00 độ cứng 14,000 N; Mun (Diospyros mun) tỉ trọng 1.07, độ cứng 13,400 N. Để so sánh, với gỗ thông dụng, nhưng cũng có thể đáng xếp vào danh mộc, như các loài Dầu (Dipterocarpus spp) tỉ trọng khoảng 0.72 độ cứng 5,800 N, gỗ Thông tỉ trọng 0.47 độ cứng 1,800 N, Gòn ta (Ceiba pentandra) tỉ trọng 0.35, độ cứng 1,100 N.

Gỗ co nhót, dãn nở khi ẩm độ gỗ giảm hoặc tăng và là nguyên nhân của cong vẹo hay nứt tét của gỗ, do ở co nhót không đều theo các hướng khác nhau, và nhất là do mức độ khô không đều nhau của các phần khác nhau của gỗ. Gỗ càng nặng co nhót càng nhiều khi khô.

Sự co dãn của gỗ tạo nên những ứng lực bên trong gỗ đưa đến việc gỗ biến dạng. Tấm gỗ bị biến dạng giảm giá trị rất lớn, nhiều khi thành vô dụng. Để giảm thiểu biến dạng, cần chú trọng đến cách thức cưa xẻ và phơi sấy đúng kỹ thuật, tránh để gỗ tiếp xúc với những nơi ẩm độ cao, tránh sấy khô quá mức nếu dùng lò sấy gỗ.

Sự biến đổi ẩm độ diễn ra từ từ, theo nhịp độ khác nhau ở những mặt cắt khác nhau. Ẩm độ gỗ lóng hay gỗ xẻ cân bằng theo nhiệt độ và ẩm độ của không khí, trung bình 12-15% trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm.


Có 6 biến dạng (có thể có hơn một biến dạng trên cùng tấm gỗ), do co nhót khi phơi sấy:


2.2. Sớ và Vân Gỗ

Sớ (Thớ) là hướng sắp xếp của sợi gỗ (fibers).


Sớ gỗ thể hiện dưới dạng khác nhau trên mặt gỗ tuỳ theo đó là mặt tiếp tuyến hay xuyên tâm. Gỗ có sớ không thẳng thường dễ bị biến dạng khi phơi sấy và nứt tét khi thao tác.


Kết cấu hay mình gỗ (texture) là sự biến thiên, phân bố, sắp đặt tương đối về kích thước và số lượng các loại tế bào gỗ như tế bào mạch dẫn, tia gỗ… mà có gỗ thô hay mịn. Trong thực tế từ ngữ sớ được dùng để chỉ chung cho cả ba. Những người làm mộc thường nói sớ hở hay sớ khít cho gỗ lá rộng, để chỉ kích thước lớn hay nhỏ của các lỗ mạch, và việc dùng chất phủ trám mặt để tạo vẻ láng bóng cho gỗ.


Vân gỗ (figures), là những hình dạng hoa văn tự nhiên trên mặt gỗ có nguồn từ cấu tạo không đều và không thẳng hướng của sớ gỗ ở mức tế bào, do biến màu, hay do khuyết tật của gỗ. Vân gỗ vì thế nên rất phong phú, đủ hình đủ dạng, tạo cho gỗ, đặc biệt các loại gỗ cứng nặng, một vẻ đẹp rất riêng. Các biểu hiện của vân gỗ thường do:

a. Vân ánh bạc, có nguồn từ tế bào tia gỗ lớn, thấy ở mặt cưa xuyên tâm

b. Vân phân cành, thấy ở nơi thân chẻ hai hay tạo nhánh

c. Vân gợn sóng, khi tế bào gỗ phát triển uốn lượn dọc thân

d. Vân đồng tiền, là những trũng nhỏ (mắt chim) do nấm gây ra trên tế bào sợi gỗ

e. Vân khảm, khi những trũng do vi khuẩn gây ra trong tăng trưởng lớn

f. Vân sọc, khi tế bào gỗ phát triển xoắn ốc, trở hướng xoắn sau vài năm.


Nu gỗ (Burl) là phần tăng trưởng bất thường phù to thành bướu ở thân hay cành, thường nơi cây bị tổn thương. Các tế bào gỗ phát triển đan quyện vào nhau, và khi xẻ cho ra các vân nu gỗ, rất đặc sắc.

Tỉ lệ cây có bướu rất thấp, nên những nu lớn hiếm thấy. Các nhà làm đồ mộc thường chuộng nu các loài danh mộc thượng hạng như Trắc, Mun, Cẩm lai, Gõ đỏ, Gõ mật, Dáng hương, Nghiến, Xá xị.


Gỗ lũa (driftwood & stump) là phần gỗ lõi của gốc đại thụ bị chết trong tự nhiên. Cây cho gỗ lũa thường có tỉ trọng cao và phần lõi rất cứng không bị hư hoại. Nếu là các loài gỗ hiếm quý gỗ lũa có giá trị rất cao. Gỗ lũa thường tìm gặp ở các lòng suối do bị cuốn trôi. Chúng cũng có thể được đào lấy cả gốc rễ trong rừng, nhưng rất nhọc công và nguy hiểm vì phải đào mùa mưa lúc đất mềm. Vân gỗ rất đẹp và độc đáo ở mọi mặt cắt hay tiện gỗ. Vài hình ảnh sản phẩm làm từ gỗ lũa:


Mắt gỗ (knot) thường bị coi là tì vết của gỗ, tạo thành do tế bào gỗ phát triển bao quanh cành cây. Mắt thường là điểm yếu cho gỗ xây dựng. Nhưng đôi khi mắt gỗ cũng tạo vẻ đẹp cho gỗ làm đồ mộc hay trang trí.


Mắt sống là phần gốc của cành, bao quanh là vòng tăng trưởng, gắn chắc vào gỗ. Mắt chết là phần gốc cành chết bao quanh là một vòng vỏ, tâm mắt thường bị mục, mắt không gắn chắc vào gỗ. Mắt đinh là do cưa theo chiều dọc của nhánh.

 3. Các danh mộc Việt nam

3.1. Gỗ lá rộng (Diệp loại)

Theo thống kê, các nhà kinh doanh gỗ Việt nam ghi nhận có khoảng 500 loài gỗ, gồm cả gỗ nhập cảng, được sử dụng trong nước. Về mặt pháp luật và công nghệ, Việt nam xếp gỗ vào 8 nhóm dựa trên đặc tính vật lý (tỉ trọng, độ bền, vân gỗ đẹp, màu sắc, mùi thơm), và mức quý hiếm (giá trị kinh tế cao). Nhóm gỗ cao cấp nhất, nhóm 1 và nhóm 2, trong đó có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, có giá trị lớn về mặt khoa học, nhóm 1a và 2a, bị cấm khai thác cho mục đích thương mại.

Bài viết này, Danh mộc được hiểu là loại gỗ được chuộng từ xưa đến nay, người dân dùng để làm đồ mộc (bàn ghế, giường tủ, đồ thờ…) giá trị cao hay tượng điêu khắc giá trị mỹ thuật lớn, do độ bền bỉ, vân gỗ đẹp và độc đáo. Các danh mộc thường hiếm gặp, điều này càng tăng thêm giá trị kinh tế cho chúng. Theo quy ước, gỗ ở 12% ẩm độ, có tỉ trọng 0.55-0.75 là gỗ nặng trung bình, 0.75-0.95 là gỗ nặng và 0.96-1.40 là thật nặng.

• Gỗ Trắc và Cẩm lai, cả hai loại gỗ đều thuộc chi Dalbergia, họ Đậu (Fabaceae). Chi này có khoảng 600 loài, gồm đủ dạng từ dây leo, cây bụi, cây nhỏ tới đại thụ. Chúng hiện diện trong rừng ẩm nhiệt đới từ Trung và Nam Mỹ châu, Phi châu, Madagascar, và Đông Nam Á. Tên thương mại phổ biến là Rosewood, Brazil gọi là Tulipwood, Trung Mỹ là Cocobolo, Campuchia là Neang nuon, Thái là Ching chan, Miến là Tamalan. Việt nam có tên cho nhiều loài, phổ biến là Cẩm lai bông (D. oliverii), Cẩm lai Bà rịa (D. bariensis), Cẩm lai Đồng nai (D. dongnaiensis); nhưng có lẽ chúng là những tên thực vật đồng nghĩa. Trắc cũng gọi là Cẩm lai Nam bộ (D. cochinchinensis) và Trắc Cam bốt (D. cambodiana) và VN cũng liệt kê một loài hiếm hơn Trắc vàng (D. fusca/cultrata). Tất cả là gỗ thượng hạng, xếp loại 1.





Gỗ tròn có dác khoảng 5-10 cm, phân biệt rất rõ với màu đỏ nâu đậm của lõi. Lỗ mạch phân tán, có nhu mô cánh. Tỉ trọng khoảng 1.0, độ cứng khoảng 13,000N, làm mòn dụng cụ nhanh. Rất bền, không bị côn trùng, nấm bệnh. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu thô. Khô rất chậm và ít co nhót.

 Những nhà lâm khoa VN có kể thêm một vài loài với tên địa phương là Trắc thối, Sưa, Huệ mộc…D. tonkinensis, nhưng có lẽ là D. odorifera.


Một vài đồ mộc từ gỗ Dalbergia spp:


 

• Gỗ Gõ đỏ, còn gọi là Cà te, Hồ bì, Afzelia xylocarpa (tên trước đây là Pahudia cochinchinensis), họ Đậu Fabaceae. Nhiều nhà làm mộc xếp Gõ nước, Intsia/Afzelia bijuga, vào chung vì mặt gỗ rất tương tự nhau. Tên thương mại là Merbau Rosewood hay Afzelia, gồm khoảng 12 loài, mọc  trong các rừng ẩm nửa rụng lá châu Phi và châu Á, được biết với tên Doussie ở Phi châu, tên Malaysia là Merbau, tên Thái là Lumpaw, Trung hoa là Kalabau.


Dác dầy khoảng 8-10 cm phân cách rõ rệt với lõi. Gỗ lõi có màu từ vàng kim đến đỏ nâu đậm, màu ngã sậm theo thời gian. Gỗ có ánh ngời. Các loài Afzelia ở châu Phi ít có nu như những loài vùng châu Á.

Tỉ trọng gỗ 0.83, độ cứng Janka 12,300 N, kết cấu trung bình tới thô, sớ thẳng hay ngược nhẹ, khô chậm và có thể bị biến dạng khi sấy. Gỗ rất bền, hơi khó gia công.

Một vài đồ mộc Gõ đỏ:


 

• Gỗ Dáng hương, tên thực vật là Pterocarpus macrocarpa thuộc họ Đậu Fabaceae. Trên thế giới ghi nhận có khoảng 35 loài, mọc tự nhiên trong rừng thưa ở châu Phi và châu Á. Việt Nam ghi nhận 4 loài, nhưng có lẽ 2 loài P. pedatusP. cambodianus là cùng loài với P. macrocarpa (Dáng hương trái lớn). Dáng hương Ấn/mắt chim, P. indicus, gỗ vàng hơn. Tên thương mại phổ biến của chúng là Padauk/Amboyna. Ở Ấn độ cây có tên Venga, Mã lai tên Sena, Indonesia tên Amboyna, Miến điện là Padauk.


 Dác dầy 5-10 cm, màu vàng rơm, phân biệt rõ với lõi màu đỏ nâu sậm. Gỗ xẻ có những dải vàng đỏ xen kẽ nhau. Gỗ có ánh ngời. Mùi thơm hoa hồng. Nu gỗ vân rất đẹp, lạ, với nhu mô dạng sóng lượn. Kết cấu thô, sớ thường thẳng, đôi khi sớ ngược rất rõ. Tỉ trọng 0.7, độ cứng Janka 5,700 N. Gỗ rất bền, sấy bình thường tới chậm, ít biến dạng.

Vài đồ mộc gỗ Dáng hương:

 

• Gỗ Mun, VN ghi nhận có vài loài, tất cả thuộc chi Diospyros, họ Thị Ebenaceae. Chi Thị Diospyros có khoảng 700 loài, mọc vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Những cây cho gỗ nặng và giá trị và đặc biệt có gỗ lõi màu đen, đen pha vàng mật, sọc đen vàng chen nhau… được gọi chung bằng tên thương mại Ebony/Ébène (Asian or African Ebony). Việt nam có một loài giá trị rất cao nổi danh là Mun sừng (Diospyros mun), gỗ rất cứng và đen nhánh. Việt nam cũng liệt kê vài loài có gỗ quý thuộc chi Thị Diospyros, như Mun sọc (D. celebica), Cẩm thị (D. malabarica/siamensis; Black and white Ebony) vào nhóm gỗ 1a. Cũng  nên biết, các nhà kinh doanh mộc liệu đôi lúc gộp rất nhiều loài khác có mặt gỗ tương tự vào tên tổng quát Mun, chúng thường là gỗ có tỉ trọng kém hơn Mun sừng. Indonesia gọi Mun là Kajuhitan, Thái lan là Maklua. Ấn độ gọi Mun sọc là Marblewood, Malaysia gọi là Macassar Ebony.




Diospyros  spp  nói chung    loài  ưa  sáng, tăng  trưởng  rất chậm. Gỗ mun sừng màu  đen sắc đỏ, càng lâu màu đen càng sậm. Dác 7-10cm, phân biệt rõ nét với gỗ lõi. Tỉ trọng 1.10, độ cứng Janka 16,300 N. Gỗ rất bền, kết cấu mịn sớ thẳng hay ngược nhẹ. Sấy khô rất chậm, dễ bị nứt chân chim mảnh. Làm cùn lụt dụng cụ gia công nhanh.

Một vài đồ mộc từ Diospyros spp:

 

• Gỗ Lát hoa, tên thực vật là Chukrasia tabularis, đôi khi được biết với đồng danh Disoxylum esquirollii, thuộc họ Xoan Meliaceae. VN liệt kê có thêm 5 loài như Lát chun, Lát da đồng, Lát lông… nhưng có lẽ chỉ là thứ (variety). Đây là loài được coi là đơn hình (monotype) phân bố  rộng rãi từ Ấn độ qua Trung  hoa  và vùng  Đông Nam Á. Lát hoa được coi là gỗ quý như loài Mahogany của Châu Mỹ. Tên thương mại phổ biến Chittagong wood. Một vài tên thông dụng trong vùng, Ấn độ: Puma poma, Miến điện: Vanyong, Yinma, Thái: Fak daap, Lào: (Mạy) Nhom, Trung hoa: Ma lian, Indonesia: Ingol batu, Mã lai: Suriam batu.

Dác màu xám vàng, ít phân rõ với lõi màu nâu vàng, đậm theo thời gian với ánh ngời rất độc đáo và đẹp.

Tỉ trọng gỗ 0.67. Độ cứng Janka 6,000 N. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Thời gian sấy trung bình, ít co nhót. Lỗ mạch phân tán, kết cấu mịn. Dễ gia công.


Một vài đồ mộc bằng gỗ Lát hoa:

 

• Gỗ Gõ mật (Gụ), tên thực vật Sindora siamensis/cochinchinensis, còn có tên Gõ đen, Gõ sẽ. Giới làm mộc đôi khi cũng gộp Gõ nước/biển (S.maritima) Gõ lào (S. laotica) và Gõ dầu/lau (S. tonkinensis) vào loại này. Chi Sindora thuộc họ Đậu Fabaceae, thường được biết dưới tên thương mại quốc tế là Sepetir theo tên Malaysia. Campuchia là Krakas, Indonesia là Sindur, Thái lan là Krathon. Dác có thể dầy tới 20cm, màu xám nhạt tới nâu nhạt, phân biệt rõ với gỗ lõi có màu từ nâu nhạt tới nâu vàng kim.

Gỗ xẻ có sọc đen, trở sậm màu khi phơi, mùi thơm dễ chịu, tươm nhựa. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu mịn. Tỉ trọng trung bình 0.64, độ cứng Janka 7,500 N. Sấy bình thường, ít bị nứt hay biến dạng cong vênh. Làm cùn lụt dụng cụ gia công trung bình.

 



• Gỗ Cẩm liên, còn gọi là Cà chắc xanh, tên thực vật là Shorea siamensis, tên trước đây là Pentacme siamensis, đôi khi được gọi là Hopea suavis, thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae. Tên thương mại phổ biến là  Red Balau gọi theo tên của Indonesia Balau merah, Malaysia gọi là Temak batu, Thái lan là Pan ray, Miến điện là Ingyin, Campuchia là Reang.

 Dác có màu xám dầy 10 cm, phân rõ với lõi có màu nâu xám tới nâu vàng, lỗ mạch phân tán. Gỗ sớ ngược, kết cấu thô tới trung bình.


Tỉ trọng gỗ 0.87. Độ cứng Janka 7,600 N. Gỗ không mùi, tươm nhựa khi tươi. Gỗ bền tương đối và khó tẩm hoá chất bảo vệ. Khó lạng khó cắt lát, làm mòn dụng cụ khá nhanh. Sấy chậm, dễ biến dạng và dễ nứt. Vài mặt hàng sàn gỗ, cầu thang:


• Gỗ Bằng lăng cườm, còn gọi là Bằng lăng ổi, Thao lao, tên thực vật là Lagerstroemia calyculata (tên cũ L. angustifolia) thuộc họ Bằng lăng Lythraceae. Có khoảng 50 loài phân bố ở Ấn độ, Úc châu và Đông Nam Á. Tên thương mại thông dụng là Bungur hay Pyinma. Campuchia gọi là Sralao,

Ấn độ là Bangor, Ventak, Lào là (May) Puay, Malaysia và Indonesia là Bungur, Miến điện là Pyinma, Thái lan là Tabek, Sanlao.

Dác màu vàng xám, lõi màu vàng kim tới đỏ nâu. Sớ gỗ thường lượn sóng, đôi khi sớ thăbgr, ít khi có sớ ngược. Kết cấu gỗ hơi thô, có ánh ngời tự nhiên. Không mùi. Lỗ mạch bán vòng hay vòng, kích thước trung bình tới lớn.


Tỉ trọng gỗ 0.71, độ cứng Janka 6,500 N. Gỗ cần tẩm hoá chất bảo vệ nếu tiếp xúc nơi ẩm ướt. Dễ thao tác, ít làm cùn lụt dụng cụ nhanh. Vài sản phẩm.

 

• Gỗ Muồng đen, tên thực vật là Senna siamea (tên đồng nghĩa trước đây là Cassia siamea), thuộc họ Đậu Fabaceae. Loài này mọc nhiều ở Nam Á châu và Đông Nam Á. Tên thương mại phổ biến là Pheasantwood hay Johar lấy theo tên địa phương của Indonesia. Thái và Lào là Khi lek. Campuchia là Angkahn. Malaysia Juah.

Dác màu trắng ngà pha đỏ, phân cách rõ với lõi màu nâu ngã đen. Gỗ xẻ có dãy nâu nhạt, ánh đỏ vàng do nhu mô tia lớn. Không có mùi đặc trưng.


Tỉ trọng gỗ 0.80. Sớ thường gợn sóng hay ngược. Lỗ mạch phân tán, thường có nhựa tạo ánh ngời và láng tự nhiên. Kết cấu gỗ từ mịn tới trung bình. Độ cứng Janka 6,600 N. Gỗ bền nhưng có thể bị sâu đục thân, dễ tẩm hoá chất. Co nhót trung bình khi sấy. Dễ gia công, nhưng có thể làm cùn lụt dụng cụ khá nhanh. Vài sản phẩm từ gỗ Muồng đen:

 

• Gỗ Trai, tên thực vật là Fagraea fragrans (đồng danh F. cochinchinensis, Cyrtophyllum fragrans), thuộc họ Mã tiền Loganiaceae. Tên thương mại phổ thông là Tembesu theo tên Malaysia hay Ironwood. Ở Campuchia có tên Tatraou, Lào là Manpa, Thái là Kankrao, Miến là Ahnyim, Indonesia là Ambigaton. Dác và lõi ít phân biệt rõ, có màu vàng nâu. Lỗ mạch phân tán. Mùi hăng mất dần khi phơi sấy. Sớ thẳng, đôi khi dạng sóng hay ngược. Kết cấu từ mịn tới trung bình. Ánh ngời  đẹp. Vài sản phẩm từ gỗ Trai


Tỉ trọng gỗ 0.80. Độ cứng Janka 6,000 N. Gỗ rất bền. Gỗ lõi rất khó tẩm hoá chất. Sấy tương đối dễ, co nhót trung bình, dễ cong vênh hay nứt.

 

• Gỗ Huỳnh đường, tên thực vật Dysoxylum loureirii, thuộc họ Xoan Meliaceae. Tên thương mại phổ thông là Dysox. Chi Dysoxylum có khoảng 80 loài, đa phần là trung hay đại mộc. Việt nam ghi nhận có 11 loài, trong đó Huỳnh đường là loài được ưa chuộng nhất do gỗ có được mùi thơm của Trầm hương. Campuchia gọi là Mrak prao, Lào là Kongta sua, Indonesia là Bauray, Malaysia là Kulim buroy.

Dác có màu từ trắng tới vàng nhạt pha nâu, ít phân biệt rõ với lõi có màu đỏ nâu lợt tới đỏ vàng tươi. Sớ gỗ thường ngược và gợn sóng, ít khi thẳng. Lỗ mạch phân tán. Kết cấu từ mịn tới thô nhẹ.


Tỉ trọng gỗ 0.68. Độ cứng Janka 6,600 N. Không bền nếu sử dụng ngoài trời. Dễ tẩm hoá chất. Sấy nhanh dễ biến dạng hay nứt. Vài đồ mộc:



Ghi chú: gỗ Huỳnh đường khác với gỗ Hoàng đàn (Chamaecyparis funebris), là gỗ lá kim, dù tên gọi rất gần nhau.

• Gỗ Sơn huyết/Sơn tiên, tên thực vật là Gluta nitida (tên trước đây là Melanorrhoea laccifera), thuộc họ Xoài Anacardiaceae. Tên thương mại thông dụng là Rengas, gọi theo tên Malaysia và Indonesia. Ấn độ gọi là Gluta, Thái là Rakban, Miến điện là Thayet-thitsi.

Dác dày 10 cm, màu trắng tới vàng lợt, phân biệt rõ với lõi có màu từ đỏ nâu tới đỏ sậm, với những dãy vằn đen. Ánh ngời tự nhiên. Sớ gỗ thẳng hay ngược. Kết cấu mịn. Nhựa độc.


Tỉ trọng 0.70. Độ cứng Janka 3,500 N. Gỗ cần tẩm để tránh sâu đục thân và tăng độ bền khi sử dụng nơi ẩm ướt. Sấy chậm, ít bị biến dạng cong vênh. Silica và nhựa làm hao mòn dụng cụ gia công nhanh. Vài đồ mộc:

 

 • Gỗ Căm xe, còn gọi là Da đá, tên thực vật là Xylia xylocarpa (dolabriformis), thuộc họ Đậu Fabaceae. Tên thương mại là Pyinkado theo tên gọi ở Miến điện. Campuchia là Sokram, Thái là Abura, Ấn độ là Irul.

Dác màu vàng nâu nhẹ tới hồng, phân biệt rõ với lõi có màu đỏ nâu với sọc vằn sậm. Sớ thẳng hay ngược ít. Vòng năm rõ. Gỗ có nhiều vệt dầu. Gỗ rất cứng. Kết cấu mịn.


Tỉ trọng gỗ 0.88. Độ cứng Janka là 9,600 N. Gỗ rất bền, không đòi hỏi phải tẩm hoá chất bảo vệ. Sấy khô rất chậm và dễ cong vênh. Làm mòn dụng cụ gia công nhanh. Vài đồ mộc:

 

• Gỗ Nghiến, tên thực vật Burretiodendron/Excentrodendron hsienmu (trước đây là Pentace tonkinensis) họ Dâm bụt Malvaceae. Tên thương mại phổ biến là Melunak, theo tên gọi của Malaysia. Tên Campuchia là Tassit, Indonesia là Pinang, Lào là Sisiet, Thái là Tongsuk, Miến là Thitka.

Dác màu vàng rơm tới nâu đỏ, có khi không phân cách rõ với lõi màu nâu đỏ ánh vàng kim. Sớ gỗ ngược nhẹ. Vân gỗ do nhu mô uốn chữ chi cho màu bạc. Kết cấu trung bình.


Tỉ trọng gỗ 0.62. Độ cứng Janka 4,300 N. Gỗ bền trung bình, có thể bị mối mọt hay mục nếu tiếp xúc với nơi ẩm ướt. Cần tẩm để tăng độ bền lâu. Sấy chậm, ít biến dạng. Dễ gia công và lạn hay cắt lớp. Vài đồ mộc, trang trí.

 

• Gỗ Giỗi, còn gọi là Rồ vành, tên thực vật là Magnolia hypolampra (tên cùng nghĩa Manglietia chevalierii, tên trước đây là Talauma gioi) và gỗ Vàng tâm (Mangleitia conifera) thường được các nhà buôn gỗ biết dưới tên Chempaka, theo tên của Malaysia. Indonesia là Medung Mepau hay Ultup Antuang. Cả hai thuộc họ Dạ hợp Magnoliaceae.

Dác có màu vàng lợt pha nâu, phân biệt với lõi màu nâu lợt có ánh xanh lục. Sớ thẳng hay ngược nhẹ. Lỗ mạch phân tán. Kết cấu mịn trung bình. Gỗ có silica khá.

Tỉ trọng gỗ 0.55. Độ cứng Janka 2,400 N. Gỗ khá bền. Sấy nhanh, nhưng cũng dễ biến dạng, cong vênh và nứt trên mặt. Thích hợp để lạn hay cắt lớp mỏng.


 

• Gỗ chi Sao (Hopea), có khoảng trên 100 loài trong đó VN ghi nhận có 11 loài với 4 loài cho gỗ được ưa chuộng là Sao đen (H. odorata), Kiền kiền (H. pierrei) có tên thương mại Merawan (gỗ Hopea có tỉ trọng dưới 0.85) gọi theo tên của Malaysia và Indonesia, Săng đào (H. ferrea), Sao xanh/Sao bã mía (H. helferi) có tên thương mại là Giam (gỗ Hopea có tỉ trọng hơn 0.85) gọi theo tên Malaysia. Chi Hopea thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae. Merawan tên Campuchia là Koki, Indonesia còn là Sengal, Malaysia còn là Selagan, Thái là Takien, Miến là Thingan. Giam có tên Campuchia là Koki-thmor, Lào là Khenhu, Miến là Thingan-net.


Nói chung gỗ Hopea spp có dác khoảng 5-7cm, màu vàng; lõi có màu nâu vàng, vài loài có ánh xanh, với thời gian gỗ chuyển màu nâu đậm. Sớ thẳng hay ngược nhẹ, kết cấu trung bình tới mịn. Lỗ mạch phân tán.


Tỉ trọng trung bình của Merawan là 0.76, độ cứng Janka khoảng 5,600 N, tỉ trọng của Giam là 0.90, độ cứng Janka là 9,800 N. Gỗ Hopea rất bền, ít bị côn trùng phá hoại, không đòi hỏi tẩm. Sấy chậm và dễ biến dạng cong vênh. Làm cùn lụt dụng cụ trung bình. Khó lạn tròn hay cắt lớp mỏng. Vài hình ảnh:

 

• Gỗ Cà chít/Xến mủ (Shorea roxburghii), tên trước đây Shorea floribunda/ saigonensis/cochinchinensis) và Gỗ Vên vên bộp/Vên vên nghệ/Sến bo bo (Shorea hypochra), cả hai thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae. Chúng có tên thương mại tổng quát là White Meranti, theo tên của Indonesia và Malaysia. Chi Shorea có khoảng trên 200 loài, nhưng chỉ vài chục loài được ưa chuộng cao trong nghề mộc. Việt nam ghi nhận có khoảng 9 loài. Campuchia gọi là Koki Phnom, Indonesia là Meranti Putih, Malaysia là Meranti jerih, Miến điện là Makai, Thái có vài tên Kakak Khao, Kanawang, Phayon. Gỗ dác có độ dày thay đổi, ít phân biệt với lõi màu trắng ngà, ngã màu nâu vàng theo thời gian. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu trung bình. Gỗ lóng có khi mục ở tâm. Lỗ mạch phân tán.


Tỉ trọng gỗ 0.72. Độ cứng Janka 4600 N. Gỗ không bền, cần tẩm nếu dùng nơi ẩm ướt thường xuyên. Sấy nhanh, ít bị cong vênh. Thích hợp lạn tròn hay cắt lớp mỏng. Nhiều silica, làm cùn lụt dụng cụ nhanh. Vài sản phẩm:

 

• Gỗ Chò chỉ, tên thực vật là Parashorea stellata (P. poilanei), thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae. Tên thương mại thông dụng là Gerutu, gọi theo tên của Malaysia. Lào gọi tên May hao, Indonesia là White Meranti, Ấn độ là Tavoy, Thái lan là Khai khieo, Malaysia còn gọi là Seraya.

Dác dầy 8cm, thường ít phân rõ với gỗ lõi màu nâu lợt chuyển sậm màu với thời gian. Sớ gỗ ngược nhẹ. Ống nhựa màu trắng thường thấy khá rõ. Kết cấu thô. Lỗ mạch phân tán.


Tỉ trọng gỗ 0.70. Độ cứng Janka 4,700 N. Gỗ khá bền nếu sử dụng nơi thông thoáng, nhưng nên tẩm để tránh côn trùng phá hoại. Sấy chậm, ít bị biến dạng, nhưng có thể bị nứt mặt. Làm cùn lụt dụng cụ trung bình.

 

• Gỗ Xoay/Xây lông/Lá mét, tên thực vật Dialium cochinchinense, thuộc họ Đậu Fabaceae. Tên thương mại thông dụng là Keranji, gọi theo tên của Indonesia và Malaysia. Campuchia là Kralanh, Miến điện là Taung-kye, Thái là Kakikhao, Khleng, Malaysia còn gọi là Kuran.

Dác dầy 5 cm, màu trắng vàng, gỗ lõi nâu vàng kim, đậm màu theo thời gian, có vằn ánh, có sọc mảnh màu bạc. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu gỗ trung bình. Gỗ rất cứng. Lỗ mạch phân tán.


Tỉ trọng gỗ 1.05. Độ cứng Janka 13,100 N. Gỗ rất nặng và rất cứng nhưng chỉ có độ bền trung bình, cần tẩm hoá chất chống mối mọt. Sấy chậm tới bình thường, dễ biến dạng cong vênh hay nứt.

 

 • Gỗ Vấp, tên thực vật là Mesua ferrea, thuộc họ Calophyllaceae (trước đây là họ phụ của Glusiaceae hay Guttifereae). Tên thương mại thông dụng là Penaga gọi theo tên của Malaysia. Ấn độ gọi là Mesua, Miến là Gan gaw, Srilanca là Ceylon Ironwood, Indonesia là Nagasari, Thái là Bunnag, Campuchia là Bosneak.

Gỗ dác màu nâu xám, phân biệt với lõi có màu nâu đỏ. Không có mùi. Sớ gỗ thẳng, ống mạch có nhiều đóng kết (tylose). Kết cấu mịn tới trung bình.

Tỉ trọng gỗ 0.92. Gỗ rất cứng, độ cứng Janka là 13,100 N. Gỗ bền, không bị mối mọt. Sấy nhanh, nhưng dễ bị biến dạng cong vênh và nứt mặt.


 

• Gỗ Chiêu liêu, VN có khoảng 11 loài cho gỗ, trong đó được ưa chuộng là Chiêu liêu xanh, còn gọi là Bằng lăng khế, Terminalia pierrei (T. alata/tomentosa/elliptica) và T. chebula với tên dân gian là Xàng/Tiếu. Chiêu liêu thuộc họ Chưn bầu Combretaceae. Tên thương mại để chỉ gỗ xuất xứ Á châu là Terminalia. Campuchia là Sramao tchet, Thái lan là Samothai, Malaysia là Manja, Miến điện là Panga.

Gỗ dác có màu nâu hồng lợt, ít phân rõ với gỗ lõi có màu nâu từ lợt tới đậm. Sớ gỗ thường thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu thô tới trung bình, ánh ngời nhẹ. Gỗ không mùi.


Tỉ trọng gỗ 0.82. Độ cứng Janka 10,400 N. Gỗ dễ tẩm hoá chất bảo vệ và rất bền. Nhiều silica nên làm mòn dụng cụ nhanh. Thích hợp cho tiện.

 

• Gỗ Huỷnh, tên thực vật là Heritiera cochinchinensis (tên đồng nghĩa Tarrietia cochinchinensis), thuộc họ Malvaceae (trước đây là họ Sterculiaceae, nay đã bỏ). Tên thương mại thông dụng là Mengkulang gọi theo tên Malaysia. Campuchia là Don chen, Indonesia là Palapi, Lào là May Po hao, Miến là Kanzo, Thái lan là Chumprak.

Dác dầy 5 cm, phân biệt rõ với lõi có màu nâu hồng tới đỏ, ngã màu đỏ nâu với thời gian. Sớ thẳng hay ngược nhẹ, vân gỗ ánh bạc. Kết cấu thô.

Tỉ trọng gỗ 0.68. Độ cứng Janka 5,600 N. Gỗ ít bền cần tẩm hoá chất bảo vệ. Sấy nhanh tới bình thường, ít biến dạng. Làm hao mòn dụng cụ nhanh. Thích hợp lạn tròn hay cắt lớp. Vài sản phẩm:


 

• Gỗ Đinh, trước nay nói tới Tứ Thiết Mộc Đinh Lim Sến Táu, người làm mộc xưa hiểu là gỗ Thiết Đinh, còn có tên Đinh gióc, tên thực vật là Markhamia stipulata (tên đồng nghĩa Spathodea caudafelina), thuộc họ Quao Bignoniaceae. Tên thương mại là Khae-pa lấy theo tên gọi Thái lan.

Họ Quao cũng có vài loài cây thuộc chi Fernandoa, rất gần với Thiết đinh, tên cũng có chữ Đinh như Đinh lá hoa, Fernandoa bracteata (Radermachera bracteata), Đinh lá tuyến hay Ngọt nai, F. adenophylla (Haplophragma adenophylla), Đinh thối, F. brilleti (Hexaneurocarpon brilleti), Đinh cô ly, F. collignonii (Spathodeopsis collignonii). Giới làm rừng VN thường gọi chúng là Tho đo. Tên thương mại chung là Petthan. Thái lan và Lào gọi là Khea.

Thiết Đinh có dác màu trắng, ít phân biệt với lõi màu vàng lợt. Sớ gỗ thẳng. Kết cấu trung bình.


Gỗ Thiết đinh khá bền, khó bị mục, nhưng có thể bị mối mọt, nên cần tẩm hoá chất bảo vệ. Tỉ trọng gỗ 0.60. Độ cứng Janka 3,700 N. Gỗ có Silica dễ làm mòn lưỡi cưa, dụng cụ. Sấy nhanh.

Gỗ Đinh Tho đo, tỉ trọng 0.90, độ cứng Janka 7,500 N. Lỗ mạch có nhiều đóng kết. Kết cấu mịn. Gỗ có ánh ngời. Gỗ rất bền. Khó tẩm. Vài đồ mộc:

 

• Gỗ Lim, một trong bốn loại gỗ được coi là Tứ Thiết mộc, tên thực vật là Erythrophleum fordii, thuộc họ Đậu Fabaceae. Đây là chi gỗ giá trị cao, nặng và rất cứng của vùng Châu Phi. Tên thương mại thông dụng là Tali hay Missanda gọi theo tên của Senegal.

Gỗ dác phân biệt rõ với lõi màu nâu vàng tới nâu đỏ. Sớ ngược rất rõ rệt.

Kết cấu thô.



Tỉ trọng gỗ 0.91. Độ cứng Janka 12,800 N. Gỗ rất bền, không cần tẩm hoá chất bảo mộc, dù dùng nơi ẩm ướt. Sấy chậm và dễ cong vênh hay nứt. Không thích hợp để lạn hay cắt lớp mỏng. Mau mòn dụng cụ. Vài hình ảnh:


 

• Gỗ Sến, là một trong 4 loại được mệnh danh thiết mộc. Sến thiết mộc gồm vài loài thuộc chi Madhuca, họ Vú sữa Sapotaceae. Chi Madhuca ghi nhận khoảng 11 loài ở VN, trong đó có 4 loài cho gỗ giá trị, Sến dưa hay còn gọi Chên, Lầu, M. pasquieri (Dasillipe pasquieri), Sến mật M. pierrei (Bassia pierrei), Sến cứng M. firma (Dasyaulus firmus), Viết hay Sến bầu dục M. elliptica (Dasyaulus floribundus). Tên thương mại thông dụng là Bitis, gọi theo tên Malaysia. Indonesia là Mahua.

Dác dầy 10 cm, màu vàng nhạt phân cách rõ với lõi có màu nâu đỏ sậm và có ánh ngời nhẹ. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu mịn. Mùi chua.

Tỉ trọng 0.85. Độ cứng Janka 8,900 N. Gỗ rất bền, không cần tẩm hoá chất bảo mộc. Sấy chậm, ít bị biến dạng. Gỗ có Silica, dễ làm mòn dụng cụ.


 

• Gỗ Táu, được kể là một thiết mộc xưa. VN ghi nhận có 9 loài, thuộc chi Vatica, họ Dầu Dipterocarpaceae. Cả 9 loài đều là cây lớn cho gỗ tốt.

Những nhà làm mộc thường chuộng Táu mật còn gọi là Vu, V. cinerea (V. tonkinensis) và Làu táu trắng, V. odorata. Tên thương mại của chi Vatica, một chi phân bố rộng rãi khắp Nam Á, Trung hoa, Đông Nam Á, là Resak, gọi theo tên của Malaysia và Indonesia. Campuchia là Chramas, Miến là Panthya, Thái lan là Pamchum.

Dác dầy 5-10cm, màu trắng ngà tới vàng nhạt, ít phân rõ với lõi có màu vàng lúc tươi và chuyển màu nâu đỏ với thời gian. Lõi có những vệt trắng rõ nét. Sớ thẳng hay ngược nhẹ. Tươm nhựa khi mới. Kết cấu mịn.

Tỉ trọng gỗ 0.80. Độ cứng Janka 7,800 N. Gỗ bền, không cần tẩm hoá chất bảo mộc, nên tránh chỗ ẩm ướt thường xuyên. Sấy bình thường tới chậm, có thể bị cong nhẹ. Ít thích hợp để lạn và cắt. Gỗ có silica, mau làm mòn dụng cụ cưa xẻ và gia công.


 

 

• Gỗ Đinh hương, tên thực vật là Syzygium aromaticum, thuộc họ Sim Myrtaceae. Tên thương mại là Kelat, theo tên của Malaysia. Ấn độ có tên Jaman, Indonesia là Jambu, Miến điện là Thabye, Thái lan là Chomphu.

Dác ít rõ rệt, lõi có màu nâu vàng kim. Sớ ngược nhẹ, dợn sóng. Gỗ tươm nhựa. Kết cấu mịn.

Tỉ trọng gỗ 0.86. Độ cứng Janka 7,800 N. Gỗ khá bền nhưng cần tẩm hoá chất chống mối mọt. Sấy chậm, dễ bị biến dạng cong vênh và nứt. Không thích hợp để lạn tròn hay cắt lớp.

 


• Gỗ Vên vên
, tên thực vật là Anisoptera costata (A.cochinchinensis, Dryobalanops hallii), thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae. Tên thương mại thông dụng là Mersawa, gọi theo tên Malaysia và Indonesia. Campuchia là Phdiek, Lào là May Bak, Miến điện là Kaungh, Thái lan là Krabak.

Gỗ dác dầy 8cm, ít phân biệt với lõi có màu vàng cam chuyển sang nâu vàng với thời gian. Sớ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu thô. Tiết nhựa khi tươi.

Tỉ trọng gỗ 0.63. Độ cứng Janka 3600 N. Gỗ kém bền, cần tẩm hoá chất bảo vệ mối mọt. Sấy chậm, thường biến dạng nhẹ. Thích hợp cho lạn tròn hay cắt lát. Mau làm mòn dụng cụ. Vài sản phẩm:


 

• Gỗ Gội núi, còn gọi là Ngâu mũm, Dái ngựa nước, tên thực vật là Aglaia spectabilis (A. gigantea, Amoora spectabilis/cucullata), thuộc họ Xoan Meliaceae. Tên thương mại thông dụng là Bekak gọi theo tên Malaysia hay Amoora gọi theo tên chi. Lào là Nuk kuk, Indonesia là , Thái là Tasua. Gỗ có màu từ nâu lợt tới đỏ sậm, màu càng sậm gỗ càng nặng. Lỗ mạch phân tán. Sớ ngược, với các dãy có ánh ngời. Kết cấu mịn. Thơm mùi long não.

Tỉ trọng trung bình 0.66. Độ cứng Janka 5,700 N. Gỗ khá bền. Sấy bình thường, ít cong vênh. Thích hợp cắt lát và lạn tròn, nhưng khi sấy ván lạn dễ bị cong. Gỗ có nhiều silica, do đó làm hao mòn dụng cụ nhanh.

 

• Gỗ chi Quế, Cinnamomum spp, VN ghi nhận có khoảng 40 loài, thuộc họ Quế Lauraceae, trong đó các được biết nhiều là Long não (C. camphora), Quế quỳ/Quế thanh (C. loulerii), Gù hương (C. balansae), Re hương (C. glaucescens). Tên thương mại thông dụng là Camphor hay Medang gọi theo tên Indonesia. Thái lan là Thiptharu, Miến là Karawa, Malaysia là Keplah Wangi hay Teja.

Dác có màu hồng hay nâu hay vàng rơm, ít phân rõ với gỗ lõi có màu từ xám xanh tới hồng hay nâu đỏ. Gỗ có mùi thơm long não lâu dài đặc trưng. Kết cấu từ mịn tới trung bình. Sớ thẳng hay ngược trung bình. Lỗ mạch bán vòng hay phân tán.

Tỉ trọng gỗ 0.57. Độ cứng Janka 4,400 N. Gỗ rất bền, khó tẩm. Sấy chậm, ít biến dạng. Nếu tiếp xúc lâu với mùi long não, có thể bị khó thở hay nhức đầu nên ít dùng đóng giường ngủ. Gỗ dễ lạn. Vài sản phẩm:

 

• Gỗ Bời lời, tên thực vật là Litsea vang (L. pierrei), đôi khi người làm mộc xếp thêm Bời lời Cam bốt (L. cambodiana) và Bời lời nhớt (L. glutinosa), thuộc họ Quế Lauraceae. Tên thương mại thông dụng là Medang gọi theo tên Malaysia hay cũng gọi là Blue Laurel. Thái lan gọi là Tham mang, Indonesia gọi là Kuru-Trawas, Campuchia là Beloi.

Gỗ có màu từ nâu xanh ô liu đến vàng kim và nâu đậm. Sớ ngược. Kết cấu từ mịn tới trung bình. Mùi hăng.

Gỗ nhẹ, tỉ trọng 0.43. Độ cứng Janka 1,500 N. Sấy nhanh và ít bị cong vênh. Gỗ khá bền. Gỗ chứa silica khá, dễ làm hao mòn dụng cụ gia công.

 

• Gỗ Hồng đào, còn gọi là Chay, Cốt, Xay dao, có tên thực vật là Palaquium obovatumP. gutta (Chay mủ), thuộc họ Vú sữa Sapotaceae. Tên thương mại phổ biến là Nyatoh gọi theo tên Indonesia và Malaysia. Ấn độ là Paali Pala, Thái là Kha mengnok, Malaysia cũng gọi là Mayang.

Dác dầy từ 4-10 cm, phân cách rõ với lõi có màu đỏ nâu tới đỏ sậm cánh gián. Sớ thẳng, ngược nhẹ hay dạng sóng. Kết cấu trung bình.

Tỉ trọng gỗ 0.57. Độ cứng Janka 3,600 N. Lõi bền, dác dễ bị mối mọt. Gỗ khó tẩm. Sấy trung bình tới chậm, dễ bị cong vênh và nứt. Thích hợp để lạn và cắt lớp mỏng. Gỗ có nhiều silica, làm cùn lụt dụng cụ khá nhanh. Vài sản phẩm:

 

 
• Gỗ Dầu
, một loài gỗ phổ thông, gắn bó với đại chúng Việt từ lâu đời. Dầu thuộc chi Dipterocarpus, họ Dầu (Song dực quả) Dipterocarpaceae. Có khoảng 13 trong số độ 70 loài Dầu được ghi nhận ở VN, trong đó có những loài rất quen thuộc như Dầu con rái (D. alatus), Dầu song nàng (D. dyeri), Dầu trà beng (D. obtusifolius), Dầu Đồng (D. tuberculatus), Dầu lông (D. intricatus), và một loài ở miền Bắc gọi là Chò đá/nâu/nến (D. Retusus /tonkinensis). Tên thương mại gọi chung các loài Dầu là Keruing, theo tên Malaysia và Indonesia). Campuchia là Chloen teal, Lào là May nhang, mạy sat, Thái lan là Yang, Miến là Kanyin, Ấn độ là Gurjun.

Gỗ dác dầy 5-7 cm, phân cách rõ với lõi thường có màu nâu đỏ. Sớ gỗ thẳng hay ngược nhẹ. Kết cấu thô. Gỗ có nhựa nên dễ làm rít lưỡi cưa. Tỉ trọng gỗ 0.79. Độ cứng Janka 6,400 N. Gỗ lõi bền, thường chỉ bị mối mọt ở dác. Gỗ khó tẩm. Sấy chậm và hay bị cong vênh hay nứt mặt. Vài sản phẩm:


 

 • Gỗ Mít, VN ghi nhận có độ 15 loài, trồng và có trong tự nhiên. Các loài Mít, Chay ăn trầu thuộc chi Artocarpus, họ Dâu tằm Moraceae. Mít vườn gốc từ Ấn độ là A. heterophyllus, các loài khác như Chay ăn trầu (A. gomezianus/masticata), hay mọc trong tự nhiên, cây cao 30m, như Mít rừng (A. chaplasha, A. rigida, A. lowii, A. borneensis), hay Chay bắc bộ (A. tonkinensis), Mít nài/Da xớp (A. nitida). Tên thương mại cho các loài gỗ nặng là Keledang theo tên Malaysia, Indonesia (gỗ Mít nhẹ là Terap). Ấn độ gọi là Aini/Anjli, Indonesia còn có tên Kesang, Malaysia là Lakuch, Miến là Myauklop, Thái lan là Had, Kaok.

Dác dầy 7 cm, phân biệt rõ với lõi màu nâu hay vàng cam. Có ánh ngời tạo thành dãy. Gỗ có mủ. Gỗ lõi bền, không bị mối mọt, không cần tẩm hoá chất bảo mộc. Sớ thẳng và ngược rõ rệt. Kết cấu thô. Thường đóng đồ thờ.

Tỉ trọng gỗ 0.80. Độ cứng Janka 7,800 N. Sấy chậm tới trung bình, dễ bị cong vênh. Làm lụt dụng cụ nhanh. Khó gia công vì nhựa và sớ ngược mạnh. Vài sản phẩm:


 

3.2. Gỗ lá kim (Tùng loại)

• Gỗ Pơ mu, tên thực vật là Fokienia hodginsii (tên đồng nghĩa ít dùng Cupressus hodginsii, Chamaecyparis hodginsii), thuộc họ Bách Cupressaceae. Tên thương mại thông dụng là Pomu hay Fujian Cypress. Hiện nay loài này ở VN không còn được phép khai thác. Gỗ lưu hành trên thị trường là gỗ cũ.

Gỗ dác màu vàng nhạt không phân cách rõ với lõi màu nâu vàng, không ống nhựa. Gỗ thơm mùi gừng.

Tỉ trọng gỗ 0.47. Độ cứng Janka 2,600 N. Sớ gỗ rất thẳng. Kết cấu mịn đến trung bình, và rất đều. Gỗ rất bền. Vài sản phẩm từ gỗ xưa:


 

• Gỗ Sa mu, còn gọi là Thông mụ, Sa mộc, tên thực vật là Cunninghamia lanceolata (tên  cùng  nghĩa là C. sinensis/konishii), thuộc họ Bụt mộc Taxodiaceae). Tên thương mại là Baimu/Bomu, đôi khi được gọi là China Fir. Lào có tên May Long lanh.

Gỗ dác có màu hồng lợt, lõi có màu vàng đậm. Gỗ có mùi thơm.

Không có ống nhựa. Kết cấu thô tới trung bình.

Gỗ nhẹ, tỉ trọng 0.45, nhưng rất bền. Sớ gỗ thẳng. Độ cứng Janka 2,300 N. Vài sản phẩm xưa:


 

• Gỗ Thông hai lá dẹt, cũng còn có tên Thông Sri, Ngo rí, Thông ré, tên thực vật là Pinus krempfii (Ducampopinus krempfii), thuộc họ Thông Pinaceae. Đây là loài thông quý hiếm, chỉ thấy ở VN, thường được coi như hoá thạch sống, nên có giá trị khoa học cao, thuộc loại bảo tồn nghiêm ngặt. Gỗ màu vàng nhạt, ít nhựa. Sớ thẳng. Kết cấu trung bình. Tỉ trọng 0.45.

Độ cứng Janka 1,700 N. Ít bền.

 

• Gỗ Thông tre, còn gọi là Kim giao, Giả Pơ mu, tên thực vật là Podocarpus neriifolius, thuộc họ Kim giao Podocarpaceae. Tên thương mại phổ biến là Podocarp. Ấn độ là Antok, Thái lan là Khun mai, Lào là Kadong, Miến là Thitmin, Malaysia là Jati bukit, Indonesia là Kayucina/Beberas.

Gỗ có màu vàng xám tới vàng nâu, dác và lõi ít phân rõ. Sớ gỗ thẳng. Kết cấu mịn, có ánh ngời.

Tỉ trọng gỗ 0.55. Độ cứng Janka 5,200 N. Gỗ ít bền, dễ bị mối mọt và côn trùng. Tẩm hoá chất bảo vệ dễ. Lượng silica ít. Vài sản phẩm:


 

• Gỗ Hoàng đàn rũ, còn gọi là Ngọc Am, tên thực vật là Chameacyparis funebris (Cupressus funebris), thuộc họ Bách Cupressaceae. Tên thương mại là False cypress hay Vietnamese Cypress. Loài cây này không còn được phép khai thác ở VN, gỗ trên thị trường là gỗ cũ mua bán lại.

Dác hẹp, phân biệt rõ với lõi có màu từ vàng nhạt đến nâu đỏ. Sớ thẳng nhưng có nhiều mắt nhỏ nên sớ gỗ bị lệch hướng quanh nơi có mắt. Kết cấu mịn. Mùi rất thơm. Tinh dầu Hoàng đàn cũng là một sản phẩm đắt giá.

Tỉ trọng 0.54. Độ cứng Janka 2,500 N. Gỗ bền. Vài sản phẩm:

 

• Gỗ Ngô tùng, còn gọi là Thông dầu, Du sam, tên thực vật Ketekeeria davidiana (K. evelyniana/dopiana), thuộc họ Thông Pinaceae. Dác và lõi ít phân rõ, có màu vàng nhạt tới nâu vàng. Sớ ngược, lệch, vân gỗ đẹp. Gỗ có mùi thơm dễ chịu. Kết cấu mịn.

Tỉ trọng 0.57. Độ cứng Janka 3,600 N. Gỗ bền ít bọ mối mọt. Vài sản phẩm:


 

 • Gỗ Thông, chi Pinus, họ Thông Pinaceae; không kể các loài thông du nhập, VN có khoảng 10 loài, trong đó có hai loài với số lượng tương đối dồi dào là Thông 2 lá, còn gọi là Thông nhựa, cây Kia, tên thực vật là Pinus merkusiana (cũng còn vài tên đồng nghĩa  P. merkusii/latteri/tonkinensis/ ustulata). Tên thương mại là Merkus Pine. Loài thứ hai là Thông 3 lá, tên thực vật là Pinus kesiya (tên đồng nghĩa P.khasya/langbianensis/insularis/ szemaoensis/yunnanensis), tên thương mại là Khasi Pine.

Gỗ thông có dác dầy khoảng 5 cm, màu vàng cam, phân biệt rõ với lõi sậm màu hơn và thường có gân nâu đỏ trên mặt gỗ cưa. Sớ thông thẳng, không có sớ ngược, có nhiều ống tiết nhựa. Kết cấu trung bình. Gỗ ít bền, cần tẩm hoá chất bảo mộc. Campuchia gọi là Sral, Indonesia là Tusam, Lào là May pek, Miến điện là Tinyu, Thái lan là Son, Son bai.

Tỉ trọng trung bình khoảng 0.72, thay đổi tuỳ tuổi và nơi mọc. Độ cứng Janka của Thông 2 lá khoảng 4,400 N, của Thông 3 lá khoảng 3,900 N. Gỗ sấy nhanh, ít biến dạng hay nứt khi co nhót. Nhựa thường làm rít lưỡi cưa, nhưng không làm mòn nhanh dụng cụ. Thích hợp với lạn tròn, nhưng khó cắt lát mỏng.

Vài sản phẩm, thông dụng nhưng giá trị không cao:

 

 

3.3. Gỗ Đơn tử diệp, họ Dừa

 • Gỗ Dừa, tên thực vật là Cocos nucifera, tên thương mại là Red Palm, Coconut Palm và gỗ Thốt nốt, tên thực vật là Borassus flabellifer, tên thương mại là Black Palm, Palmyra Palm. Cả hai thuộc họ Dừa Arecaceae (tên trước đây là Palmae).

Cấu tạo thân cây họ Dừa không giống như gỗ lá kim hay lá rộng. Thân phía ngoài cấu tạo bởi những bó sợi-mạch bền chắc và cứng hơn phần lõi giữa thân gồm chính yếu là cellulose mềm và rời rạc hơn. Gỗ không có tế bào tia. Thân họ Dừa không có vòng tăng trưởng, không có mắt. Gỗ không mùi. Sớ thẳng. Kết cấu trung bình tới mịn.

Tỉ trọng gỗ thay đổi nhiều, lõi vào khoảng 0.40, càng ra phía ngoài càng sậm màu và càng nặng, có thể hơn 0.90 đến gần 1.00. Không biến dạng nhiều, không nứt khi co nhót. Gỗ rất bền và cứng. Độ cứng Janka của phần gỗ phía ngoài của Dừa khoảng 8,400 N và của Thốt nốt khoảng 9,000 N. Vài sản phẩm:

 

4.       Phần kết

Nhu cầu gỗ không ngừng gia tăng trong hoạt động kinh tế của con người, đưa đến lạm thác tài nguyên rừng khắp nơi, dẫn đến nhiều lo ngại về môi sinh và đa dạng sinh học. Những loài gỗ đẹp, hiếm, được ưa chuộng, được coi là danh mộc thượng hạng xưa nay, nhiều loài đứng trước nguy cơ biến mất trong tương lai rất gần. Các nhà kinh doanh gỗ, cần tìm nguồn gỗ tương ứng nơi khác, tại những nước mà sự khai thác chúng còn được phép.

Hiểu biết về tên thương mại, tên địa phương, cấu tạo gỗ, cơ lý tính của các loài gỗ là bước đầu trong việc kinh doanh gỗ hợp pháp và hữu hiệu. Áp dụng những tiến bộ trong kỹ thuật chế tác gỗ là một hướng quan trọng song song cùng với việc quản trị lâm phần và trồng cây gây rừng.

Sản phẩm gỗ luôn là một vẻ đẹp độc đáo trong tiện nghi sống của con người. Thưởng thức sự hoàn hảo của thiên nhiên được chế tác đầy mỹ thuật bởi những nghệ nhân, trưng bày trang trọng trong ngôi nhà, tạo nên cuộc sống tinh thần với niềm vui sâu sắc và an bình.

 

Chú thích:

i. Việc mô tả gỗ thường dựa trên cảm giác, nên thông thường giới kinh doanh gỗ chấp nhận quy ước sau:

- Màu gỗ: thường hiểu là màu của gỗ lõi

- Trọng lượng, dựa trên tỉ trọng gỗ ở ẩm độ 12%; gỗ nhẹ: dưới 0.55, nặng trung bình: 0.55 – 0.75, nặng: 0.75 – 0.95, rất nặng: trên 0.95

- Kết cấu: dựa trên cảm giác láng hay nhám khi vuốt gỗ chưa đánh nhám

- Độ cứng, có nhiều chỉ số, nhưng cho mục đích làm mộc, độ cứng Janka thường được dùng, gỗ mềm dưới 1,500 N, trung bình 1,500 – 4,500 N, cứng 4,500 -7,500 N, rất cứng 7,500 – 12, 500 N, siêu cứng trên 12,500 N.

- Độ bền: dựa trên thời gian bị mục nát khi chôn, không bền dưới 5 năm, bền trung bình 5-10 năm, bền 10-25 năm, rất bền trên 25 năm.

- Tẩm thấm: dựa trên mức hấp thu hoá chất bảo mộc khi tẩm gỗ dưới áp suất: dễ tẩm là hấp thu trọn vẹn, hơi kháng tẩm, kháng tẩm là khó hấp thu, cực khó tẩm là hoàn toàn không hấp thu.

 

ii.       Để quan sát cấu tạo mức tế vi của gỗ ở mặt cắt ngang, cần có dao hay lưỡi lam bén và một kính phóng đại cỡ X10. Gọt một miếng mỏng trên tiết diện ngang của một khối gỗ và quan sát.

 

• Tài liệu tham khảo chính

Các hình ảnh bãi gỗ, đồ mộc được lấy từ quảng cáo của những cơ sở kinh doanh hàng mộc có tiếng tại VN. Hình ảnh không cấm phổ biến.

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 195752 visitors (361414 hits) on this page!