Hệ sinh thái trong truyện Kiều
20/7/2020

Các hệ sinh thái trong truyện Kiều

GS Thái Công Tụng

 

Abstracts

Truyen Kieu, known as The Tale of Kieu, is widely known as one of the most significant work in Vietnamese literature .It recounts the life of  Kiều, a beautiful and talented young woman who had to sell herself to save his father from prison. This paper explores the different ecosystems in which Kieu  met during her vicissitudes in this novel: terrestrial ecosystems, aquatic ecosystems, grasslands ecosystems, desert,  autumn forests, estuary ecosystems

 

1.Thế nào là hệ sinh thái ?

Hệ sinh thái là một hệ thống trong đó có sự tương tác, tương liên, tương thuộc giữa mọi loài (như thực vật, động vật, vi khuẩn ..) với các yếu tố xung quanh của môi trường (đất, nước, không khí.. ) .Như vậy, để xác định một  hệ sinh thái, phải có một môi trường sống (sa mạc, rừng cây, nước sông, nước biển, ao hồ ..), một tập hợp các loài sinh vật và sự liên hệ nhiều chiều giữa các sinh vật với nhau và với môi trường sống.

Sau đây là vài ví dụ về vài hệ sinh thái:

hệ sinh thái rừng  (forest ecosystem) là một tổng thể gồm các thực vật, từ cây gỗ, cây bụi, thảm mục cho đến các động vật, vi sinh vật tương tác với nhau và với môi trường tự nhiên như đất, nước, khí hậu. Hệ  thống nhận năng lượng từ mặt trời với mưa, nắng, ánh sáng.. và năng lượng từ đất với các dưỡng chất. Trong hệ sinh thái rừng có sự tương quan ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cây rừng (cao, thấp, lùm bụi, cây leo ..) và giữa các cây rừng với các sinh vật khác trong quần xã đó .

hệ sinh thái cửa biển (estuary ecosystem) có sự tương tác giữa các sinh vật trong vùng cửa biển như tôm, cá, phiêu sinh vật, tảo,  với dòng nước pha trộn nước ngọt, nước mặn với thuỷ triều lên xuống mỗi ngày;

Vài đặc điểm của hệ sinh thái:

A/-Tuổi đời các hệ sinh thái có thể trẻ như khi mới thành hình, (rừng cây con, ao hồ mới tạo thành ..) và với thời gian, hệ sinh thái già đi, tiến đến hệ sinh thái cao đỉnh (climax) và lúc đó thì cân bằng sinh thái tự nhiên được thiết lập. Vài ví dụ về hệ sinh thái cao đỉnh trong thực vật: rừng thông phương bắc (toundra), thảo nguyên (savanna), rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest)

B/- Số lượng các loài cũng như số lượng cá thể từng loài cũng dao động: các hệ sinh thái sa mạc chỉ có một số loài cây chịu đựng được sự khô hạn trong khi hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới chứa nhiều loài sống chằng chịt với cây leo, mây, tre, dương sĩ ..,

C/- Trong một hệ sinh thái luôn xảy ra sự trao đổi vật chất và năng lượng trong nội bộ quần xã, giữa các quần xã với các thành phần bên ngoài của nó.Ví dụ : hệ sinh thái nông nghiệp (agricultural ecosystem) tiếp nhận năng lượng tự nhiên (ánh sáng, gió, mưa ..) và năng lượng bổ sung của loài người như trong câu: nhất nước, nhì phân, tam cần ... Khi ta bón phân chuồng, phân mục cho cây cối, chính là để giúp năng lượng cho các vi sinh vật trong đất nhờ đó chúng phân huỷ để tạo ra chất vô cơ nuôi cây.

D/- Quy mô  các hệ sinh thái có thể vi mô như một cái ao, một gốc cây, một sân cỏ hoặc vĩ mô như một dòng sông, một cánh rừng, một vùng khí hậu (hệ sinh thái sa mạc, hệ sinh thái rừng ôn đới..) nhưng dù nhô hay lớn  thì luôn luôn có sinh vật tác động đến môi trường và môi trường thay đổi lại tác động trở lại sinh vật, như vậy giữa sinh vật và môi trường có ảnh hưởng đến nhau.

E/ -Sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái được thể hiện qua các khía cạnh sau đây: U ith the SKUNKS, OPPOSUMS, WASELS and  -chuỗi thức ăn (food chain): ví dụ như sâu bị ếch ăn nhưng ếch bị rắn ăn và rắn bị chồn ăn; chồn bị chim đại bàng ăn. Nói khác đi, loài này bắt loài khác làm mồi và lại trở thành con mồi cho vật khác to hơn mà tục ngữ ta nói: cá lớn nuốt cá bé. Một ví dụ khác: đầu tiên là thực vật như cây cỏ, tiếp đến là những loài ‘ăn cỏ’ như trâu bò, ngựa, dê, nai trong rừng, tiếp đến là những động vật ăn thịt các cấp (trong đó người là động vật ở cuối chuỗi thức ăn ).

-lưới thức ăn (food web). Trong khi chuỗi thức ăn chỉ theo một con đường: lớn nuốt bé thì trong lưới thức ăn, cùng một con vật bị nhiều loài khác đến ăn : con chuột có thể bị rắn, bị chồn, bị chim, bị người bắt ăn. Lưới thức ăn cho thấy thực vật và động vật đều liên hệ với nhau để tồn tại . Như vậy, các loài không thể tồn tại một cách biệt lập mà   phải dựa vào nhau mà  sống trong nhiều mối tương quan : cái này có    cái kia có, cái này không vì cái kia không

-bậc dinh dưỡng (niveau trophique). Trước tiên, ta có những sinh vật sản xuất đầu tiên, còn gọi là các sinh vật ‘tự dưỡng’ (autotroph) chúng tạo ra thức ăn nhờ quang hợp . Trên mặt đất, đó là thực vật ; dưới mặt nước đó là những phiêu sinh thực vật. Ngoài các sinh vật tự dưỡng, ta có những sinh vật ‘dị dưỡng’ (heterotroph) bao gồm bốn loài như loài ăn cỏ, loài ăn thịt, loài ăn tạp và loài ăn rác rưới. Ví dụ: trong hồ ao, tia sáng mặt trời xuyên qua nước và giúp các loài tảo xanh phát triển; trong ao có các loài sen, súng; ven bờ có các lau sậy. Trong ao, có các vi động vật sống nhờ các tảo xanh; các sâu bọ ăn các vi động vật và lại làm mồi cho chim cá. Các loài cò ven ao ăn cá. Và khi các loài này chết đi sẽ bị các loài khuẩn phân huỷ.

Tóm tắt, ta phân biệt 3 bậc quan trọng: đầu tiên là các loài sản xuất (producers) có thể qua sự quang hợp mà tạo được các chất hữu cơ (C6H12O6) từ những chất vô cơ như CO2, H20. Ví dụ: cây, cỏ, rong tảo , rồi đến các loài tiêu thụ (consumers) là các loài phụ thuộc vào các sinh vật khác để sinh tồn. Ta phân biệt các loài tiêu thụ bậc 1 như thỏ, bọ rùa, ốc, châu chấu, các loài tiêu thụ bậc 2 như mèo, chim, chồn, các loài tiêu thụ bậc 3 chúng ăn các loài tiêu thụ bậc 2 như  chó sói,  gấu, cọp, sư tử và sau cùng là các loài phân hủy (decomposers) chúng phân hủy chất hữu cơ xác chết để tạo ra các chất vô cơ cần cho sự quang hợp . Đó là các vi cơ thể trong đất (khuẩn, nấm ..)

Như vậy, chuỗi thức ăn có dạng tổng quát:

sinh vật sản xuất → sinh vật tiêu thụ bậc 1 → sinh vật tiêu thụ bậc 2 → sinh vật tiêu thụ bậc 3 → ... → sinh vật phân huỷ

2. Tìm hiểu các hệ sinh thái trong truyện Kiều .

Qua nhiều năm lưu lạc, từ khi gặp chàng Kim bên bờ suối nhân lễ Thanh Minh đến khi đoàn tụ lại với Kim Trọng, nàng Kiều đã gặp nhiều hệ sinh thái khác nhau trong đó để dề hệ thống hoá, ta phân biệt hai hệ sinh thái chính: hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước. Trong mỗi hệ sinh thái lại có thể phân chia ra nhiều loại . Ví dụ trong hệ sinh thái trên cạn, ta có thể liệt kê hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đồng cỏ .. và trong hệ sinh thái dưới nước, có thể là hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái cửa biển ..

21. Hệ sinh thái trên cạn. (terrestrial ecosystems)  

Khi nàng Kiều tiễn chân Thúc sinh về quê vợ, tác giả đã lồng vào cảnh mùa thu:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

 

Rừng phong Nguyễn Du nói trên là rừng ôn đới có lá rụng (temperate deciduous forest). Loại rừng này có ở các vùng miền hạ lưu sông Dương Tử, sông Hoàng hà, nghĩa là các vùng khí hậu ôn đới . Loại rừng này cũng có nhiều bên Âu Châu (Pháp, Đức ..) và ngoài cây phong (tên Latin là Acer, họ Aceraceae), còn có nhiều loại cây khác như cây orme, (Ulmus, họ Ulmaceae), cây chêne (Quercus, họ Fagaceae), cây tilleul (Tileus, họ Tiliaceae), cây frene (Fraxinus, họ Oleaceae), cây hêtre (Fagus, họ Fagaceae).

Tầng thấp hơn có các loại cây aubépine (Crataegus, họ Rosaceae), cây chèvrefeuille (Lonicera, họ Loniceraceae), cây noyer (Juglans, họ Juglandaceae) ...Gần mặt đất, trong loại rừng ôn đới này có nhiều loài dương sĩ, thảm cỏ tươi, thảm cỏ mục. Động vật thì gặp các loài chồn, chim, sóc ..

Vào mùa hạ, khi nhiệt độ bắt đầu nóng, nghĩa là khi:

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

thì cường độ quang hợp của thực vật rừng rất mạnh, cây cối toả được nhiều oxy hơn.

Vào mùa thu, khi trời chớm lạnh, nhiều đoàn chim trời bay qua các khu rừng ôn đới này để đến các vùng nắng ấm phía Nam và vào xuân vừa dứt, các đàn chim trở lại về phía Bắc.

Cũng khi trời vào thu thì nhiệt độ hạ thấp, nước ngầm trong đất bị đông lại nên thực vật phải thich nghi với sự thay đổi khí hậu bằng cách rụng lá, nhưng trước đó, lá cây từ từ chuyển màu từ xanh sang màu vàng, màu đỏ, -nhuốm màu quan san - như mọi rừng ôn đới có lá rụng ở Canada.

Tưởng cũng cần nói thêm là trên thế giới, tùy theo khí hậu, ta có những loại rừng khác nhau. Vài ví dụ: tại Việt Nam, Indonesia, Mã Lai cũng như vùng Amazone bên Brésil, có rừng mưa nhiệt đới (tropical rainforest), có nhiều tầng cây con chằng chịt.

Cũng có loại rừng khô nhiệt đới (tropical seasonal forest) khi có mùa khô kéo dài như các rừng Đông Bắc Ấn độ, Đông Bắc Thái Lan.

Miền Bắc Canada và Siberia thì có rừng thông phương Bắc (forêt boréale de conifères, tức Northern coniferous forest) có các cây bouleau (Betula, họ Betulaceae), cây épinette, tiếng Anh là spruce (Picea, họ Pinaceae) .

Hệ sinh thái rừng nhận năng lượng ở nhiều dạng khác nhau, có thể là quang năng (ánh nắng) giúp cây cỏ tạo ra những chất liệu qua hiện tượng quang hợp, hoá năng (các chất hoá học cây tạo ra (tinh bột, các glucose ..), phân bón ..), nhiệt năng (giúp cho các thành phần trong hệ sinh thái điều hoà được nhiệt độ ), động năng (giúp cho hệ sinh thái vận động như gió, giúp sự luân chuyển các dưỡng liệu từ đất lên cây, từ cây xuống đất, .). Lá cây rụng sẽ tạo một tấm thảm gồm gỗ mục, thân cây mục, rễ cây mục và giúp các vi cơ thể trong đất thức ăn . Các vi cơ thể chuyển hoá, phân hủy chất hữu cơ để tạo ra chất vô cơ nuôi lại thực vật. Cây cối lại giúp cho các loài động vật phát triển, từ loài bị ăn sang loài đi ăn, từ những ký sinh sang các loài dọn rác. Các chất hữu cơ của thực vật và động vật chết đi sẽ bị biến đổi thành chất vô cơ nuôi lại cây cối  và cứ thế, hữu cơ chuyển thành vô cơ và vô cơ biến thành hữu cơ từ ngàn xưa đến ngàn sau, không ngừng nghỉ, với những chu trình quen thuộc như chu trình đạm, chu trình cacbon trong đất .

Rừng phong cũng như các loại rừng khác có khả năng hấp thu, dự trữ và giải phóng khí cacbonic, khí oxy và các chất khoáng. Cũng thế, rừng phong giảm dòng chảy, giữ lại một phần lượng nước mưa và như vậy, giảm xói mòn, lũ lụt. Thực vật rừng cũng có khả năng bốc và thoát hơi nước nên trong khí quyển có nhiều hơi nước bốc lên cao làm nguồn nước mưa .

Trên kia là nói về rừng ôn đới trong đó có cây phong là cây chiếm dạng ưu thế .Nhưng ở ven sông, thường có nhiều đất ẩm thì thực vật cảnh hay quần xã thực vật  thường gặp là một loại rừng khác, có tên là rừng ở bờ nước (riparian forest)  với những loài lau sậy:

 Quanh co theo giải giang tân
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật Đường

hoặc cây liễu như trong câu:

Sông Tần một giải xanh xanh

Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan

Ngoài hệ sinh thái rừng, có hệ sinh thái đồng cỏ  (grasslands ecosystem). Thực vậy, nàng Kiều gặp Kim Trọng nhân lễ Thanh Minh, tại một vùng gồm các đồng cỏ mút ngàn:


Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa    

 

Tại lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du cũng lại nhắc đến các đồng cỏ :

 

 Buồn trông nội cỏ rầu rầu .

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

 

Đó là hệ sinh thái cấp vĩ mô . Nhưng ở cấp vi mô, ta cũng bắt gặp cỏ xanh ở nhiều chỗ khác :

-Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu

hoặc:

-Lối mòn cỏ nhạt màu sương

Lòng quê đi một bước đường một đau

Trên nấm mồ của Đạm Tiên cũng chỉ là một đám cỏ úa:

Sè sè nấm đất bên đường

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

 

Nhưng về mặt diễn tiến sinh thái, vườn cỏ không phải chỉ mãi mãi là vườn cỏ mà từ từ, nếu để hoang không ai đoái hoài thì sẽ tăng thêm các loài thực vật khác nữa. Ví dụ: khi Kim Trọng sau khi đi hộ tang người cha về và trở lại chỗ nàng Kiều ở thì khu vườn xưa kia thơ mộng bao nhiêu thì nay cảnh nhà sa sút bấy nhiêu; khu vườn với sân không những đầy cỏ hoang:

Xập xè én liệng lầu không

Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày

 mà còn thêm cây lau:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẻ vách mưa rã rời

 

Ngoại cảnh như vật tác động đến tâm quyển :

Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn dường

Đọc tiếp Phần 2

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215373 visitors (409295 hits) on this page!