Cấu tạo gỗ


23/6/2020
 

CẤU TẠO GỖ

Nguyễn Lương Duyên



Cây thân gỗ là một nhóm sinh vật thành công đáng ngạc nhiên trong tiến hoá. Hiện tại thống kê có khoảng 80,000 cây thân gỗ, đủ mọi kích thước, từ vài cm ở một loài Liễu vùng đài nguyên bắc, Salix arctica, đến những cây Redwood (Hồng mộc) khổng lồ bờ Tây Hoa kỳ, Sequoia sempervirens, cao đến 115 m với đường kính thân đến 9 m. Cây thân gỗ che phủ khoảng 30% diện tích  đất liền, đại đa số có chiều cao từ 6 đến 50 m, đường kính từ 15 đến 200 cm ngang vai. 

 


 
 

Trong lịch sử địa chất, cây thân gỗ có ưu thế tiến hoá nhờ ở sự hoàn thiện thân cây. Thoạt đầu đây có vẻ là sự lãng phí vì một lượng quá lớn sinh khối không có vai trò trong dinh dưỡng khi cây gỗ tăng trưởng. Nhưng thật ra cây gỗ có một ưu thế cạnh tranh ánh sáng vô cùng hữu hiệu, nhờ thân thẳng và lớn, chúng đưa tán lá vượt cao đón nhận ánh sáng dồi dào một cách vững chải. Thân gỗ gồm đa số là tế bào chết do vậy không tốn năng lượng để nuôi, thân gỗ rất bền tồn tại lâu không bị hoại, giúp cây trụ vững và có tuổi sống rất cao, đủ thì giờ để tăng trưởng đến kích thước to lớn.

1. Tiến hoá Thân Cây gỗ

 


   


Thực vật bắt đầu chinh phục đất liền khoảng 470 triệu năm trước, đầu kỷ Silua. Thực vật bắt đầu phát triển mạch dẫn truyền đầu kỷ Devon, cách nay 420 triệu năm. Rhynia là thực vật có mạch cổ nhất được biết, cao độ 20cm, có thân đứng thẳng nhờ tế bào được trữ căng nước cho cứng. Chúng chưa có rễ và lá. Nước được vận chuyển qua mạch gỗ giữa thân, bao quanh bởi bó libe. Nhưng để cạnh tranh không gian cao hữu hiệu, thực vật cần thích ứng để có thân dầy hơn để vươn cao, cần hệ rễ giúp cây bám đất và hệ lá giúp tạo dưỡng chất. Đây mới là cây thật sự như chúng ta biết ngày nay.


1.1. Lớp Thạch tùng hay Thông đất (Lycopodiopsida) Những cây thật sự đầu tiên thuộc lớp Thông đất. Chúng phát triển lá vảy để cải tiến khả năng thu ánh sáng. Nhóm này cũng cải tiến khả năng dẫn nước đến tán lá có thể cao tới trên 30 m, bằng cách phát triển dầy mô gỗ trung tâm và bọc quanh bằng mô vỏ được phát triển thêm khi cây tăng trưởng cao hơn và lớn hơn, tạo thành một thân thật sự. Thân được cố định vào đất bằng những cành ngang (có công dụng như rễ bàng hiện tại), và từ cành ngang phát xuất bộ phận rễ để bám  đất và hấp thụ nước. Nhóm Thông đất đạt đến kích thước lớn trong kỷ Than đá, với loài nổi tiếng Lepidodendron cao đến 40 m.

 


 

1.2. Lớp Dương xỉ đuôi ngựa (Equisetopsida), là nhóm thứ nhì có loài tiến hoá thành cây thân gỗ, theo cách khác để có thân to và mạnh. Các mô gỗ được phân bố theo vòng phía ngoài thân (thay vì ở trung tâm thân như Thông đất). Giữa thân là một lỗ trống, và cách khoảng có những mấu dầy lên chia thân thành từng khúc, giúp thân cứng hơn như thường thấy ở các loài tre nứa trong hiện tại. Các cành xuất phát từ mấu thân. Cây cũng phát triển hệ rễ từ thân ngầm để bám đất và hấp thu nước. Loài Calamites tiến hoá thành cây lớn, cao đến 30 m, trong kỷ Than đá. Chúng chưa có lá thật, nhưng phát triển cành nhỏ rất nhiều để quang hợp, phần nào trông như lá kim hiện tại.

 


 


1.3. Dương xỉ dạng cây, Psaronius, lớp Marattiopsida, thuộc nhóm thực vật thứ ba có loài tiến hoá thành cây lớn. Chúng có tán lá khá phát triển trên đỉnh cây so với hai nhóm trên, nhưng lại không tiến hoá thân để thành tổ chức phức tạp. Thân gỗ của chúng nhỏ hẹp không đỡ được tán lá, có nhiều bó mạch rải rác. Chúng tạo một thân vững chắc bằng cách liên kết các bẹ (đáy) lá bằng hệ rễ trên không. Hệ rễ này trùm từ trên cao xuống tới đất thì đủ dầy thành một đế, trụ vững cho cây cao tới 20 m.


   

Ba nhóm thực vật này bằng những cách thích nghi khác nhau trong tổ chức các mạch dẫn truyền, phát triển thành cây. Chúng đạt mức thịnh vượng từ cuối kỷ Devon và trải qua toàn bộ kỷ Than đá, khoảng 380 đến 290 triệu năm trước. Khí hậu toàn cầu ấm và cực ẩm trong suốt thời kỳ này, vô cùng thuận lợi cho thực vật phát triển khắp vùng đầm lầy. Khi chết đi, chúng bị chôn vùi trong đầm lầy, và trong 100 triệu năm trở thành những vỉa than đá khổng lồ. Số lượng carbon bị nhốt trong than đá lớn đến mức làm sút giảm nồng độ CO₂ trong không khí đến 20 lần và góp phần đưa địa cầu vào thời kỳ băng hà lạnh và khô kéo dài đến hơn nửa kỷ Permi. Những thực vật khổng lồ không thể sống sót trước biến đổi khí hậu, và sự kiện đại diệt chủng kỷ Permi-Trias, chỉ còn sót lại đến nay một số rất ít hậu duệ bé nhỏ mà thôi.     


1.4. Thực vật có hạt, ngay cả khi các nhóm thông đất, dương xỉ thống lĩnh thực vật trên cạn, các nhóm cây khác cũng bắt đầu xuất hiện, phát triển phương cách sinh sản khác để thích nghi với khô hạn, đó là những thực vật có hạt đầu tiên. Thực vật có hạt tạo ra các bào tử cái, giữ chúng trên cây mẹ, bọc chúng trong một lớp bảo vệ để giữ ẩm, cung cấp dưỡng chất và bảo đảm an toàn. Các bào tử cái (trứng) sẽ phát triển thành hạt khi thụ tinh với bào tử đực (phấn) nhỏ hơn. Hạt phấn được gió mang tới trứng, nẩy mầm phóng thích tinh trùng, bơi một khoảng ngắn để thụ tinh cho trứng. Hạt sau đó sẽ được phóng thích, nẩy mầm và tăng trưởng. 

Thực vật có hạt còn tạo ra một lợi thế rất lớn trong sự tiến hoá, bằng tổ chức sinh trưởng bên (tăng trưởng ngang/thứ cấp). Cây thân gỗ tạo ra một tầng mỏng chỉ gồm một lớp tế bào sinh trưởng bao quanh thân, có khả năng tạo ra cùng lúc hai loại mô dẫn truyền, mô gỗ (xylem) về phía trong và mô libe (phloem) ở phía ngoài. Đó là tầng sinh trưởng bên libe-gỗ (vascular cambium). Mô gỗ dầy giúp thân cây cứng khoẻ và dẫn truyền nước. Mô libe mỏng dùng trong vận chuyển đường nuôi cây.     Lợi thế của sinh trưởng thứ cấp là giúp cho cây tăng trưởng chiều cao nhanh khi nhỏ, giúp sự phân nhánh dễ dàng, nhờ đó khả năng cạnh tranh ánh sáng của cây tăng nhiều. Thứ đến, khả năng vận chuyển nước của cây cũng duy trì trong mùa khô hạn nhờ việc tạo ra liên tục mô gỗ hàng năm (vòng tăng trưởng gỗ), với tế bào vách mỏng lớn mùa mưa và tế bào vách dầy nhỏ mùa khô. Vòng năm quan sát được cả ở cây kỷ Devon.    


Mô dẫn libe được bảo vệ tránh các tổn hại của thú ăn cỏ, của thay đổi nhiệt độ, của lửa nhờ một tầng phát sinh bên thứ nhì, tầng phát sinh bần-nhu bì, tạo ra lớp vỏ cây. Trung tâm cây là tuỷ cây, có vai trò tạo ra những chồi mới giúp cây tăng trưởng cao, tạo và tăng trưởng dài các nhánh và tăng trưởng hệ rễ. Chức năng này gọi là sinh trưởng sơ cấp.

2. Gỗ Thực vật Hạt trần

Thực vật có hạt đầu tiên là  các Dương xỉ có hạt, như Medullosa, là một cây nhỏ, rất phong phú trong kỷ Than đá muộn. Giữa thân là mạch gỗ được bao quanh bởi lớp vỏ và ngoài cùng được bọc bằng đáy lá. Chúng dần dần bị thay thế bởi những cây thân gỗ thật thuộc nhóm thực vật hạt trần, có trứng không hoàn toàn được bao kín. Thực vật hạt trần thống lĩnh thế giới thực vật trong suốt 250 triệu năm kế tiếp, cùng sống    chung với bò sát khủng long, và một số vẫn tồn tại đến ngày nay.

2.1. Lớp Tuế (Cycadopsida), xuất hiện ở kỷ Than đá muộn, hình dáng trông giống như Dương xỉ, có thân hình trụ tăng trưởng rất chậm. Thân cây còn được làm vững và bảo vệ bởi các vết tích bẹ lá cũ. Tán lá trông giống lá của họ Dừa. Đặc tính tiến bộ là có bộ phận sinh sản là các nón (chuỳ, cones) đực và cái để bảo vệ phấn và trứng, và hạt. Các Tuế đạt mức phát triển cao nhất trong kỷ ấm áp Jura và Creta. Sau đó chúng bị thoái hoá dần, đến nay chỉ còn độ 140 loài. Tổng quát, thân các loài Tuế xốp, mạch dẫn truyền bao quanh tuỷ cây. Bên ngoài cùng là vỏ cấu tạo bởi nhu mô và vết bẹ lá cũ đan nhau. Thân vì thế rất cứng ở vỏ bọc ngoài, cộng thêm lá cứng và nhọn. Có lẽ đây là biện pháp tự vệ của cây khỏi bị loài ăn cỏ phá hại. Á Tuế, rất gần với Tuế, thuộc lớp Bennettitopsida, đã tuyệt chủng khoảng cuối kỷ Creta. Chúng có điểm đặc sắc là phát triển một bộ phận có dạng giống hoa, có lẽ để dẫn dụ côn trùng. Williamsonia là một tiêu biểu. 


 

2.2. Lớp Bạch quả (Ginkgoopsida), là nhóm thực vật hạt trần đầu tiên phát triển sinh trưởng bên thứ cấp rộng rãi; tạo thân cây có dạng phổ quát hình chóp tiêu biểu, đồng thời cũng phát triển tán lá phân nhánh phức tạp. Chúng đạt mức đa dạng cao nhất trong kỷ Jura, sau đó thoái hoá chỉ còn duy nhất 1 loài Bạch quả, Ginkgo biloba, tồn tại đến nay, và chỉ còn tồn tại rất ít trong thiên nhiên tại tây Trung hoa. Nón đực có dạng như đuôi sóc. Gỗ Bạch quả có đủ tính chất hoàn chỉnh, có vòng tăng trưởng, tia gỗ, lỗ mạch các quản bào trên mặt cắt.


 
 

2.3. Lớp Cây mang Nón (Chuỳ)/Conifers, Pinopsida, còn gọi là nhóm Cây lá kim, Tùng loại, Tùng Bách tuy tên  không thật chuẩn. Thân thẳng dạng hình nón cụt. Gỗ thường có tên chung là gỗ đồng mộc/gỗ mềm (softwood) Gỗ có vòng tăng trưởng rõ, lỗ mạch các quản bào, tia gỗ dễ nhận thấy. Đây là lớp thực vật hạt trần thành công nhất, xuất hiện ở kỷ Than đá và tiếp tục tồn tại đến ngày nay, với khoảng 570 loài, đa số chiếm lĩnh diện tích rất rộng ở vùng cận cực và ôn đới. Chúng tiến hoá trong phương cách sinh sản để không phụ thuộc vào nước, ống phấn đưa trực tiếp tinh trùng đến trứng, không cần bơi trong môi trường. Trứng được bảo vệ rất an toàn trong nón (chuỳ) cái. Lá hình kim có lẽ là một nét tiến hoá mới thích ứng với khí hậu khô, lửa, băng giá. Các hoá thạch từ kỷ Trias đến Jura sớm cho thấy lá giống với lá rộng hiện tại. Họ Thông, Pinaceae, là họ tiến bộ nhất trong lớp Cây mang nón (Conifers), gồm chừng 300 loài thuộc các chi chính như Thông (Pinus), Thông rụng lá (Larix), Vân sam (Picea), Lãnh sam/Thông biếc (Abies), và Tuyết tùng (Cedrus). Các họ cho gỗ khác quan trọng là họ Bách, Cupressaceae, họ Kim giao, Podocarpaceae, họ Bách tán Araucariaceae.


 


 


 

 

 


 

 




3. Gỗ Thực vật có Hoa


Cũng gọi là thực vật Bí tử (Hạt kín), Magnoliophyta /Angiospermae, là nhóm thực vật xuất hiện trễ nhất trong giới thực vật, nhưng lại là nhóm tiến hoá thành công nhất và đa dạng nhất với khoảng 275.000 loài. Đáng chú ý, khác với nhóm cây mang nón, đa số loài nhóm này là cây thân thảo, dù vậy cũng có ước chừng 80.000 loài cây thân gỗ (so với 600 loài ở tất cả các nhóm khác).


Những hoá thạch cho thấy những loài cây có hoa đầu tiên là các loài thân gỗ nhỏ hay bụi, tiến hoá khoảng đầu kỷ Creta trong những rừng nhiệt đới. Sau đó chúng liên tục hoàn chỉnh tiến hoá, thích nghi để chiếm lĩnh hầu như mọi môi trường sinh sống. Những cây có hoa thân gỗ hầu hết là thuộc lớp Hai lá mầm, Dicots hay Magnoliopsida.  So với nhóm cây có nón, nhóm cây có hoa tiến bộ cả cấu trúc cơ thể lẫn phương thức sinh sản. Sự thay đổi cấu trúc quan trọng nhất ở nơi gỗ. Mô gỗ của nhóm hạt trần chỉ có một loại tế bào gỗ (xylem) dài và hẹp, gọi là quản bào (tracheids) đảm  trách cả hai chức năng vận chuyển nước lên lá và củng cố sức mạnh của thân. Nước vận chuyển dễ dàng hơn trong tế bào rộng, nhưng thân vững chải nếu tế bào hẹp và vách dầy. Nhóm hạt kín phát triển mô gỗ với hai loại tế bào: sợi gỗ để củng cố sức chịu của thân và các tế bào ống mạch thành mỏng và rộng để vận chuyển nước. Nước lưu thông dễ dàng trong những ống mạch rộng, nên dù tế bào mạch gỗ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, việc cung cấp nước cho tán lá cũng rất hữu hiệu.  


 

 



Nhóm cây có hoa (hạt kín) cũng có 3 cải thiện lớn về phương cách sinh sản: bọc kín hạt để bảo vệ hữu hiệu, tăng lượng hạt sản sinh bằng cách giảm kích thước trứng, năng lượng dự trữ trong trứng chỉ sử dụng sau khi thụ tinh, và phát triển hoa để dẫn dụ động vật (đặc biệt là côn trùng) giúp thụ phấn, hữu hiệu hơn nhờ gió, với cánh  hoa sặc sỡ, mật hoa, mùi hương. Gỗ vùng rừng nhiệt đới ẩm tăng trưởng khá đều quanh năm, các tế bào gỗ không khác nhau rõ rệt về kích thước như gỗ cây vùng rừng rụng lá ôn đới, nên không thể hiện rõ rệt vòng tăng trưởng hàng năm. Những cây có vòng tăng trưởng, thì thường không đầy đủ và rõ nét. Gỗ của nhóm hạt kín thường được biết với tên gỗ dị mộc hay gỗ cứng (hardwood).



 

  Lớp Một lá mầm, Monocots, Liliopsida, hầu hết là cây thân cỏ, do mất đi khả năng sinh trưởng thứ cấp. Không còn tầng phát sinh libe-gỗ, nhóm một lá mầm sử dụng sinh trưởng sơ cấp để tăng trưởng bề ngang ở những cây thân gỗ cao. Khả năng phân cành cũng không còn, chỉ là một chòm lá trên đỉnh. Họ Cọ Dừa tuy vậy cũng thành công với gần 3000 loài khắp thế giới. Gỗ các loài họ Dừa dầy và cứng ở lớp ngoài, nhẹ mềm ở phía trong. Mô dẫn truyền libe-gỗ tạo thành từng bó phân bố rải rác khắp thân. Còn có hai nhóm cây một lá mầm cũng tiến hoá có thân thẳng và cao là nhóm Tre trúc và Chuối, nhưng chuối không được coi là có thân gỗ.


4. Cấu tạo hiển vi của gỗ

Tên gọi Gỗ mềm hay Gỗ cứng, khi nói về loại gỗ, là để chỉ nguồn gốc nhóm thực vật sản sinh ra loại gỗ. Nó không có ý nghĩa để chỉ trọng lượng riêng hay độ cứng vật lý. Gỗ mềm là gỗ do nhóm cây mang nón (chuỳ, cone) tạo ra, thường là loài thực vật lá kim thường xanh. Chúng là một phân nhóm của nhóm lớn Cây Hạt trần. Gỗ cứng là gỗ từ nhóm cây lá rộng, thường xanh hay rụng lá, thuộc về nhóm thực vật Hạt kín (có hoa).


Gỗ không phải là vật liệu có cấu tạo đẳng hướng. Tuỳ cách xẻ gỗ thể hiện vân gỗ khác nhau: Mặt cắt gỗ thường được xác định khi khảo sát cấu tạo gỗ ở mức độ thô đại (với kính phóng đại cầm tay) và hiển vi. Trong thân cây, các phận sự dẫn nhựa sống, dẫn nước, giữ vững cây, tồn trữ dưỡng chất là do các tế bào của mô chuyên hoá đảm nhiệm. Chúng khác nhau tuỳ gỗ đồng hay dị mộc. Nhiệm vụ dẫn truyền nơi gỗ đồng mộc do các quản bào thành mỏng đảm nhiệm; nơi gỗ dị mộc thì do các ống mạch. Nhiệm vụ nâng đỡ nơi gỗ đồng mộc do các quản bào thành dầy đảm nhiệm; gỗ dị mộc thì do sợi gỗ (fiber). Nhiệm vụ tồn trữ thì do các tế bào nhu mô đảm nhiệm ở cả hai loại. Mức độ hiển vi (tế bào) của mô gỗ:

 


 


4.1. Cấu tạo Gỗ mềm (đồng mộc): 


 

Tế bào dẫn truyền nhựa là các quản bào dài, thành mỏng, hình ống với khoảng trống lớn bên trong, có nhiều van gọi là lõm (pits) để điều tiết dòng chảy của nhựa sống (sap). Tế bào gỗ loại này hình thành trong mùa tăng trưởng, gọi là gỗ sớm (gỗ xuân). Quản bào làm nhiệm vụ nâng đỡ có thành dầy, lòng hẹp, gọi là gỗ muộn, xen kẽ với gỗ sớm làm thành vòng tăng trưởng năm. Quản bào (Tracheids), chiếm 90-95% thể tích mô gỗ, có chiều dài gấp 100 lần chiều ngang (3-4 x 0.025-0.045 mm), tiết diện ngang gần vuông, tận cùng có dạng tròn xếp theo hướng xuyên tâm và phần nhọn theo hướng tiếp tuyến.


Lõm (Pits), tất cả hướng về mặt xuyên tâm, lõm miệng hẹp nằm giữa các quản bào; giữa quản bào và tia là lõm miệng rộng. Trong lõm có van xuyến (torus) để điều tiết dòng nhựa chảy. Biểu mô (Epithelium), hiện diện ở ống dẫn và tiết ra nhựa cây (resin). Nhựa cây để xua đuổi côn trùng đục gỗ, hoặc để khép vết thương.  Tia gỗ (Rays), hướng ngang thân, và Nhu mô dọc thân, là nơi chứa dưỡng chất nuôi cây. 

4.2. Cấu tạo gỗ cứng (dị mộc), có những tế bào loại khác nhau đảm nhận việc dẫn truyền và nâng đỡ. Bốn loại tế bào chính tạo nên gỗ cứng, mỗi loại chiếm tối thiểu 15% thể tích gỗ. Nhựa sống lưu thông từ rễ lên lá qua một hệ thống ống mạch. Mạch gỗ (vessels) là đặc trưng của gỗ cứng, có kích thước lớn nhất, xếp nối tiếp nhau dọc trục thân. Tế bào mạch có các bản thủng ở hai đầu. Thành mạch cũng có lõm, lưu thông nhựa với tế bào khác (ngoại trừ sợi gỗ). Tylose là các mạch chết và khô cứng, thường làm gỗ khó bị thấm.  


Nhìn qua kính phóng đại mặt cắt ngang, các ống mạch là những lỗ mạch, chi tiết này không có trên mặt cắt gỗ  mềm. Phần lớn các loại gỗ, lỗ mạch phân tán  phân bố rải đều. Một số ít hơn có các lỗ mạch phân bố thành vòng, lỗ mạch gỗ sớm lớn hơn lỗ mạch gỗ muộn. Cách sắp xếp, liên kết, hình dạng các lỗ mạch là đặc sắc tuỳ loại gỗ.


Tế bào nâng đỡ của gỗ cứng là sợi gỗ (fibers), thành dầy mỏng tuỳ loài. Độ dầy của sợi gỗ ảnh hưởng đến trọng lượng riêng và độ cứng, và nhiều đặc tính cơ lý khác của gỗ cứng. Sợi gỗ, quản bào sợi, thường ngắn dưới 1 mm, thân tròn dạng thuôn, có vách dầy, thường có lõm.  Ở cả hai nhóm gỗ cứng và gỗ mềm, dưỡng liệu được tồn trữ trong các nhu mô gọi là tia gỗ. Đó là những tế bào nhỏ, dạng hộp, sắp xếp theo hướng bán kính theo những dãy nằm ngang đan xuyên trong sớ gỗ. Tia gỗ của gỗ cứng có thể gồm từ 1 tới 30 tế bào theo bề rộng, thường chiếm từ 17-30% thể tích gỗ. Nhu mô dọc thân, tồn trữ dưỡng liệu. Cũng thấy dọc theo các ống tiết nhựa cây, hình dạng như viên gạch.          

  5. Cấu tạo dưới mức hiển vi và thành phần hoá học của gỗ  Kính hiển vi phân cực, X-quang, kính hiển vi điện tử cung cấp nhiều chi tiết về cấu trúc của vách tế bào, thường không thấy với kính hiển vi ánh sáng thường. Vách tế bào gỗ có cấu trúc tinh thể, gồm 2 màng : màng sơ cấp mỏng bên ngoài và màng thứ cấp dầy được tạo thành bởi 3 lớp. Đơn vị nhỏ nhất của vách tế bào quan sát được là các vi sợi (microfibrils), qua hiển vi điện tử có dạng sợi dài với đường kính 10-30 nm (phần tỉ mét). Hướng đan kết của các vi sợi khác nhau trong 3 lớp S1, S2, S3 của màng thứ cấp của vách tế bào gỗ.


 

  Phân tử cellulose dạng chuỗi là đơn vị cấu tạo của vi sợi, là xương sống của gỗ. Các chất khác như lignin, pectic, hemicellulose, nằm xen giữa các vi sợi. Cellulose tập trung ở màng thứ cấp, còn lignin thì tẩm các lamel (là lớp phân cách các vách tế bào cạnh nhau). Cellulose chiếm khoảng 40-50% trọng lượng khô của gỗ, trong cả hai nhóm gỗ mềm và gỗ cứng. Hemicellulose có độ 20% trong gỗ mềm, 15-35% trong gỗ cứng. Lignin 25-35% gỗ mềm, 17-25% gỗ cứng. Pectic có tỉ lệ rất thấp. Ngoài ra gỗ cũng chứa những chất tiết như mủ (gums), chất béo, nhựa cây (resins), sáp (waxes), đường, dầu, tinh bột, alkaloid, chất chát (tannins)…thông thường chỉ khoảng 10%, nhưng cá biệt có thể đến 30%. Các chất tiết không phải là thành phần cấu tạo của gỗ, chúng thường nằm trong các khoảng trống hay vách tế bào. 

Kết bài.

  Gỗ là một vật liệu thiên nhiên, tiến hoá cả 500 triệu năm trong lịch sử sinh vật kể từ khi chinh phục đất trên cạn. Cây gỗ tiến hoá để sinh tồn, không phải để đem tiện ích cho động vật và con người. Nhưng từ thưở tiền sử con người đã sử dụng gỗ để phục vụ mọi nhu cầu của mình, từ tồn tại, vật chất tới thẩm mỹ, giáo dục. Đứng trước cây gỗ trên ngàn năm tuổi, hiện hữu trước cả khi đất nước bước vào thời kỳ độc lập, niềm vui thật khó tả.


Hiểu biết về cấu tạo gỗ là cơ bản để hiểu tính chất vật lý và cơ học của gỗ; đưa đến việc chọn lựa, chế tác và sử dụng gỗ hữu ích hơn. Hiểu biết cấu tạo gỗ cũng tạo niềm vui, với một lưỡi lam bén, với một kính phóng đại cầm tay 5-10 X, chúng ta có thể biết tên gỗ của hầu hết các loài thông dụng, đoán được ưu nhược của loại gỗ muốn dùng, và lựa chọn hoặc cải thiện để thích hợp với yêu cầu thẩm mỹ, giá trị, và tiện lợi của vật liệu

Tham Khảo Chính

 

 Các hình ảnh được tải xuống từ Internet, nhiều nguồn, và người công bố không đòi hỏi bản quyền nếu sử dụng vô vị lợi.


 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215381 visitors (409329 hits) on this page!