Đại dịch châu chấu trên thé giới
9/6/2020

ĐẠI DỊCH CHÂU CHẤU

TRÊN THẾ GIỚI

Trần Văn Đạt, Ph. D.


Hình 1: Châu chấu sa mạc bùng phát ở Kenya, 2020 (FAO)

1.      Mở đầu

Dịch nạn châu chấu hay cào cào, còn gọi “giặc châu chấu” có thể là một trong những cơn ác mộng cho một số vùng đồng quê, vì chỉ trong vài giờ bầy côn trùng đáp xuống sẽ tiêu hủy hầu hết những cây cỏ xanh gồm cả cây lương thực con người như bắp, lúa, rau hoa. Đại nạn đến bất chợt, thường sau khi gió đổi chiều, không thể lường trước, đặc biệt tại những vùng ít khi bầy chấu xuất hiện trong quá khứ. Mỗi khi bầy chấu đáp xuống xong như những trận bão to hoặc cơn lốc xoáy lớn vừa dứt, để lại cánh đồng xơ xác trơ trọi, người dân mất hết lương thực trong chốc lát và phải đương đầu với nạn đói khổ tương lai.

 

Tùy theo tình trạng khí hậu và sinh thái địa phương, kích cở của những bầy chấu có thể nhỏ hơn một cây số vuông cho đến hàng trăm cây số vuông, với từ khoảng 40 triệu đến 80 triệu con châu chấu trên mỗi cây số vuông của bầy. Những bầy này có thể làm sạch một vùng đất rộng lớn, mang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế vùng. Năm 2018, theo Cơ quan Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) ước lượng tại xứ Madagascar 2/3 diện tích đất đai có thể bị những bầy châu chấu làm thiệt hại hoa màu trong 3 năm trước đó, gây rủi ro cho 13 triệu dân (1). Cũng năm đó, tai nạn châu chấu hoành hành dữ dội và phá hại thực phẩm trên hàng ngàn hecta đất nông nghiệp của miền Nam nước Nga.

 

2.      Dịch nạn châu chấu hiện nay trên thế giới

Ngày 11-2-2020, Cơ quan FAO cảnh báo thế giới một nạn dịch châu chấu trầm trọng có thể xảy ra tại một số vùng ở miền đông châu Phi trong vài tháng sắp tới nếu không kịp kiểm soát; đồng thời kêu gọi thế giới đóng góp hỗ trợ ngân khỏan cần thiết 76 triệu đô-la để có biện pháp cấp bách thích nghi ngăn chặn nạn dịch này tại một số quốc gia liên hệ. Trong khi đó, một nạn dịch khác đáng lo sợ hơn do siêu vi khuẩn Corona mới hay COVID-19 đang bùng phát gây thảm họa tại Trung Quốc, Ý, Iran, Pháp, Đại Hàn và nhiều nước trên thế giới, làm giảm chú ý của dư luận quốc tế đến tầm nguy hiểm của dịch nạn châu chấu ở Đông Phi Châu, nơi COVID-19 chưa phải là vấn đề lo ngại.

Các quan chức FAO cho biết số lượng chấu đã tăng 64 triệu lần trong vòng một năm rưỡi, và ước tính số chấu ở Kenya, Ethiopia và Somalia đã đạt 360 tỉ con. Những con châu chấu này có sức tàn phá chưa từng thấy, gây ra tình trạng thiếu lương thực ở nhiều nơi (2).

Nhìn lại quá khứ, các chuyên gia khí hậu cho biết những cơn mưa lớn bất thường, được hỗ trợ bởi một cơn bão mạnh ngoài khơi Somalia vào tháng 12-2019, là yếu tố chính trong dịch châu chấu hiện nay. Những bầy chấu được đưa đến từ những cơn gió bão ở Bán đảo Ả Rập bây giờ chúng đang kiếm ăn trên những cánh đồng cỏ tươi của Somalia và vùng lân cận. Các chuyên gia FAO đã cảnh báo số lượng châu chấu nếu không được kiểm soát có thể tăng 500 lần vào tháng 6-2020, khi thời tiết khô hơn ​​trong khu vực để chúng có thể bay xa và mùa mưa sắp tới là điều kiện lý tưởng cho sinh sôi nẩy nở, nhơn bầy của loài côn trùng nguy hiểm này. Khi đó hàng triệu người sẽ cần cứu trợ lương thực và phải mất nhiều năm mới có thể kiểm soát tình hình (3).

Hiện nay, vùng Đông Phi Châu đang chiến đấu gian nan với dịch nạn châu chấu sa mạc (Schistocerca  gregaria) tồi tệ nhất trong 70 năm qua và sự xâm nhập đã lan rộng qua phần lớn phía đông của lục địa này.

Theo Cơ quan FAO, cuộc bùng phát hiện tại của loài chấu sa mạc đã diễn tiến tuần tự như sau (2) (Hình 2):

2018: Lốc xoáy vào tháng 5 và tháng 10 đã mang đến những cơn mưa lớn làm phát sinh điều kiện sinh sản thuận lợi của châu chấu ở ¼ vùng đất trống của bán đảo phía nam Ả Rập.

2019: Tháng 1 - 6: những bầy đầu tiên rời Vùng trống nêu trên đến Yemen và Ả Rập Saudi, tiến về phía tây nam Iran, nơi mưa lớn.

- Tháng 6 - 12: bầy châu chấu từ Iran xâm nhập biên giới Ấn Độ-Pakistan; Ở Yemen, bầy đàn hình thành và di chuyển đến bắc Somalia và Ethiopia nơi sinh sản xảy ra và tạo ra nhiều bầy hơn, rồi tiếp tục di chuyển đến Eritrea, Djibouti, đông Ethiopia, Ogaden, miền trung và nam Somalia để đến vùng đông bắc Kenya. Nhiều bầy chấu hình thành dọc theo các đồng bằng ven Biển Đỏ ở Yemen, Ả Rập Saudi, Eritrea và Sudan.

2020: Tháng 1 - 2: Bầy chấu tiếp tục xâm chiếm, lây lan, trưởng thành và đẻ trứng ở Ethiopia và Kenya (Hình 1). Một số ít đến được Uganda và Nam Sudan, các nhóm khác đến Tanzania, sanh sản rộng rãi và thành đàn ở Kenya. Các bầy khác đến cả hai phía của Vịnh Ba Tư.

- Đầu tháng 3: Tình hình nạn châu chấu vẫn còn báo động ở vùng Sừng châu Phi (Horn of Africa gồm DjiboutiEritreaEthiopia và Somalia), cụ thể là Kenya, Ethiopia và Somalia, nơi sự sinh sản chấu xảy ra rộng lớn và bầy đàn mới bắt đầu hình thành, là mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh lương thực và đời sống người dân vào đầu vụ mùa sắp tới trong tháng 6.


Hình 2: Bản đồ các nước đang bị dịch nạn châu chấu đe dọa (FAO)

Các bầy châu chấu có thể di chuyển trên 80 dặm một ngày. Mỗi bầy có thể chứa tới 80 triệu con châu chấu trưởng thành trong mỗi cây số vuông, ăn cùng một số lượng thức ăn hàng ngày dành cho khoảng 35.000 người (4).

Theo Cơ quan FAO, khoảng 70.000 ha đất trồng ở Kenya bị ảnh hưởng. Trước tình trạng đó, Somalia đã gấp rút tăng cường các hoạt động theo dõi, báo cáo và thu thập dữ liệu để đối phó với loài côn trùng này, trong khi Tanzania và Uganda đang thực hiện phun thuốc trừ sâu tại những nơi bị ảnh hưởng hầu diệt bớt số lượng côn trùng này (5).

Dịch châu chấu đang tàn phá vùng Đông châu Phi và hiện lan đến một số nước châu Á. Vùng biên giới giữa khu tự trị Tây Tạng với các nước Pakistan, Ấn Độ và Nepal là khu vực đang bị châu chấu tấn công. Hiện có khoảng 400 tỉ con chấu ở vùng này (6).

Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì nạn châu chấu. Đây được coi là nạn chấu tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua ở nước này, phá hoại tới 40% mùa màng. Pakistan có kế hoạch nhập khẩu một lượng lớn thuốc diệt côn trùng từ Ấn Độ dù hai quốc gia này đã tạm ngừng giao thương vì căng thẳng ở vùng tranh chấp Kashmir.

Ấn Độ, những đàn châu chấu đã gây thiệt hại trên quy mô lớn khi tàn phá tổng cộng 350.000 ha đất nông nghiệp, dự báo sản lượng ngũ cốc của nước này trong năm nay sẽ giảm 30-50%.

Nhiều khu vực của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch châu chấu, sau keo như tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Do các yếu tố thời tiết thuận lợi như lượng mưa nhiều và gió mùa kéo dài khiến châu chấu dễ sinh sản. Theo chuyên gia Trung Quốc, vùng đất Tây Tạng là lá chắn các bầy chấu tiến vào lục địa nước này nên dịch nạn chấu tấn công có thể ít khi xảy ra.

Bên cạnh nhiều phương pháp cổ truyền, biện pháp kiểm soát hữu hiệu hiện nay là phun thuốc sát trùng bằng máy bay và máy phun trên diện tích rộng lớn. Ngoài ra, Cơ quan FAO còn giúp xứ Somalia sử dụng thuốc diệt trùng sinh học gồm các bào tử nấm Metarhizium acridum, tạo ra một loại độc tố chỉ giết chết châu chấu. Nước Anh cung cấp cho Kenya máy tính cực mạnh theo dõi hướng đi của các bầy châu chấu để tiên đoán nơi đáp xuống chính xác hơn. Tỉnh Tân Cương, Trung Quốc đã gởi một “đàn quân vịt” mạnh khỏe (100.000 con) đến vùng Đông Phi để diệt trừ châu chấu…

3.      Lịch sử dịch châu chấu đáng kể trên thế giới        

Nạn dịch châu chấu đã xuất hiện trên địa cầu này cách nay hàng ngàn năm. Người Ai Cập cổ đã khắc hình châu chấu trong nhiều ngôi mộ khoảng thời gian 2470-2220 BC. Một đại dịch châu chấu tàn phá tại Ai Cập khoảng 1300 BC được ghi trong Thánh kinh (7) (Hình 3). Trong thế kỷ IX (BC), chính quyền Trung Hoa đã đặt ra một chức vụ chuyên lo nạn châu chấu trong nước. Một đại dịch châu chấu khác được báo cáo tại vùng Capua thuộc tỉnh Caserta, Campania, miền Nam nước Ý trong năm 203 BC (4).


 

Hình 3: Chi tiết châu chấu khắc trên tường mộ của vua Horemheb,

1422–1411 BC, Ai Cập

 Trong ít thế kỷ vừa qua, nạn dịch châu chấu sa mạc và châu chấu di cư (Locusta migratoria) bộc phát không liên tục ở châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Vài loại châu chấu khác cũng tàn phá ở châu Mỹ, châu Á và châu Úc. Châu chấu Bombay là côn trùng nguy hiểm ở Ấn Độ và Đông Nam Á trong thế kỷ 18 và 19, nhưng kể từ 1908 nạn dịch do loại châu chấu này ít xảy ra. Tuy nhiên, đã có sáu nạn dịch châu chấu lớn vào những năm 1900, một trong số đó kéo dài gần 13 năm. Khu vực xảy ra nạn dịch bao gồm khoảng 29 triệu km2 và đã mở rộng trên 58 quốc gia (8).

            Nạn dịch châu chấu không xảy ra qua đêm mà phải mất ít nhất một năm hoặc nhiều hơn để nạn dịch phát triển thông qua chuỗi bắt đầu với một hoặc nhiều đợt chấu bùng phát và sau cùng là đợt bùng phát dữ đội trở thành nạn dịch hay đại dịch và phải cần nhiều năm mới khống chế được.

-          Ở Việt Nam: Năm Thìn 1879 niên hiệu Tự Đức 32, vào tháng 3, tại Bắc Ninh và Sơn Tây, mùa màng cây cối xanh um, bổng hàng đàn châu chấu bay từ phương Bắc như những đám mây, đáp xuống đâu ăn trụi hết cây cỏ. “Một cơn gió lớn sức mạnh như giông tố, ầm ầm kéo đến. Giời đã sáng tỏ, bỗng lại tối sầm. Nhưng chỉ trong nửa khắc, gió lặng trời lại quang. Mọi người đang ngơ ngác hỏi nhau là gió gì, thì lại đều sửng sốt cả người cùng đổ xô ra sân xem, thứ sâu gì quái lạ, bé chỉ bằng con ruồi con, sắc đen nhánh, nhung nhúc bậu đặc trên các ngọn cỏ lá cây. Chỉ một lát, chúng lại từng đàn hàng triệu con vù vù bay đi, đàn nọ tiếp đàn kia, bay đặc cả một khoảng không, như những đám mây đen ngòm. Tiếng bay vù vù họp lại như tiếng bão vang động cả một vùng. Nơi nào sau khi chúng đã bỏ đi rồi, bất cứ cây cỏ gì chỉ còn trơ lại cành không, chẳng còn một cái lá.” Thế là vụ Chiêm gồm cả lúa và hoa màu bị mất sạch, sau đó ít lâu dẫn đến nạn đói, gây xáo trộn đời sống xã hội tại hai nơi này (9).

 

            Tại Miền Nam, trận bão năm Thìn nổi tiếng xảy ra ở các vùng ven Biển Đông, đặc biệt Gò Công và Mỹ Tho vào năm 1904. Một năm sau (1905), tỉnh Gò Công bị nạn dịch châu chấu tàn phá thảm khốc, còn gọi là “nạn hoàng trùng khởi loạn”. Châu chấu từ hướng Úc Châu (?) bay đến rợp trời với những đám mây đen nghịt hằng triệu con lớn bằng ngón tay cái, mặt có vết rằn, mắt đen huyền trông dễ sợ. Mỗi lần chúng đáp xuống, ruộng vườn không còn lại gì cả, làm thiệt hại mùa màng vô kể và gây nạn đói nhiều nơi trong tỉnh này. Hoa màu bị ăn sạch, ruộng lúa phì nhiêu phút chốc tiêu tan. Dân chúng phun dầu hôi, rải tro, rắc vôi, giăng lưới, chổi đập, vợt xúc, nhưng không ngăn chận được nhiều. Nạn dịch khủng khiếp này kéo dài hơn 10 ngày, cuối cùng bầy chấu bay mất về ngã biển (10, 11).

 

            Châu chấu cũng thường gây đại dịch ở Miền Đông Nam phần và thỉnh thoảng chúng đến phá hại vài nơi khác trong nước như Nghệ An (9-2007), Lộc Hà, Hà Tỉnh (7-2011), xã Đa Thông, Cao Bằng (4-2013), gây khó khăn cho cuộc sống của nông dân và người địa phương không ít… (7, 11).

 

-          Tại Hoa Kỳ: Nạn dịch châu chấu (Hình 4) đã được báo cáo ở các nông trại Miền Đông nước này sớm nhứt năm 1722, phá hại nặng nhứt ở Maine 1743 và 1756 và Vermont 1797-1798. Miền tây có dịch nạn trong 1828, 1838 và 1865... Cuộc bộc phát trầm trọng nhứt xảy ra năm 1874, bao phủ nhiều Bang như Kansas, Dakota Territory, Montana Territory, Wyoming Territory, Colorado Territory, Iowa, Minnesota, Missouri, Nebraska, Indian Territory (nay là Oklahoma) và Texas.  Chúng tấn công những cách đồng cây thực phẩm, nhà cửa, làm ô nhiễm nguồn nước uống... làm thiệt hại nền kinh tế nông nghiệp đến 200 triệu Mỹ kim bấy giờ. Kích cở bầy chấu này che phủ 510.000 km2 (lớn hơn diện tích California), nặng 27,5 triệu tấn, với khoảng 12,5 ức (trillion) con côn trùng. Loài chấu được định danh là châu chấu núi Rocky, chúng thành từng bầy chấu xuyên suốt Miền Tây của Mỹ và một phần Canada trong thế kỷ XIX. Nay loài chấu này bị diệt chủng do nhiều nguyên nhân, nhưng người ta tin cuộc di dân đào vàng đã sản xuất nông nghiệp trong các thung lũng của những dãy núi Rocky, hủy diệt những ổ trứng châu chấu trong đất (12).

 

 

Hình 4: Tranh hí họa về một nông trại đang thất vọng đánh giặc châu chấu trong thế kỳ 19 do Henry Worrall. (Kansas State Historical Society)

 

-          Tại Úc Châu: Bầy châu chấu đầu tiên bộc phát tại Úc Châu năm 1844 và tiếp theo các cuộc bùng phát khác từ thập niên 1870s. Sau 1900, tần số và cường độ dịch nạn lại tăng thêm. Từ thập niên 1920s, các dịch chấu xảy ra có tính cách địa phương với mật độ dân số cao, nhiều nơi kéo dài một hai năm. Sự thiệt hại phần lớn là các cánh đồng cỏ nuôi bò, hoa màu ngũ cốc bị tổn thất ít hơn. Thiệt hại độ 3-4 triệu Mỹ kim nếu biện pháp kiểm soát không hiệu quả. Năm 2010, Đại dịch châu chấu này đã phá hủy diện tích lên tới gần 500.000 km2, với mật độ khoảng 10 con/m2. Ủy ban dịch nạn châu chấu Úc luôn theo dõi sự phát triển của côn trùng này trong nước và thường dùng chất hóa học Fipronil và chất ảnh hưởng sinh trưởng như diflubenzuron trong thời kỳ ấu trùng của châu chấu (13).

 

-          Ở Madagascar: Trong 3 năm 2013-2015, Madagascar bị bầy châu chấu tấn công liên tục, phá hại khủng khiếp mùa màng, cây cối (Hình 5). Hàng tỉ con châu chấu che kín bầu trời, mặt đất, hàng đàn châu chấu bay như những đám mây giăng ngang, khi chúng đáp xuống đâu ăn sạch hết cây cỏ. Nhiều lúc người lái xe không còn thấy đường phía trước. Đây là một đại dịch xảy ra trong 60 năm qua tại nước này. Lúc bấy giờ Cơ quan FAO cảnh báo nếu không có biện pháp thích ứng và kịp thời để ngăn chận và tiêu diệt những bầy chấu, khoảng 2/3 diện tích xứ này sẽ bị côn trùng tàn phá cây lương thực như bắp, lúa và 60% dân chúng sẽ đối đầu với nạn đói (1).

 

 

 

Hình 5: Bầy châu chấu trong thôn xóm và thủ đô Madagascar, 2015 (9)

 

Với sự hỗ trợ tài chánh của thế giới và kỹ thuật của FAO, vào tháng 11-2013 nhà nước Madagascar cho rải thuốc sát trùng bằng trực thăng và kiểm soát được số lượng châu chấu trên 1,2 triệu ha đất ở khu vực này. Nhưng bất ngờ sau đó chúng xâm nhập và tấn công thủ đô Antananarivo. Tất cả các con đường, khu dân cư, quảng trường…. đều phủ kín châu chấu. Trong khi nông dân làng Amparihibe (cách thủ đô Antananarivo 200 km về phía tây) đốt những đống lửa lớn để xua đuổi châu chấu nhưng không hiệu quả (1, 14).

 

-          Liên bang Nga thỉnh thoảng bị điêu đứng với thảm họa châu chấu. Tháng 6/2001, từng đàn châu chấu đông tới hàng trăm triệu con tàn phá một vùng nông nghiệp rộng lớn ở Cộng hòa Dagestan phía bắc nước Nga. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, bầy côn trùng này đã phá huỷ hơn 28.300 ha đất đồng cỏ. Cánh đồng củ cải đường và ngũ cốc bị hư hại nặng nề. Vụ lúa sắp thu hoạch bị ảnh hưởng. Hơn 80.000 ha đất trồng đã bị châu chấu hoành hành và nhà nước phải chi ra gần 2 triệu USD để đối phó với nạn dịch này (15).

 

Vào mùa hè 2015 (từ 20/7), dịch châu chấu bộc phát mạnh mẽ và tàn phá bắp, lúa mì, hoa hướng dương… ở Liên bang này gây hậu quả nghiêm trọng trên 90.000 ha đất trồng tại vùng Stavropol  miền Nam Liên bang Nga (Hình 6), đến nỗi Bộ Nông Nghiệp phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để có biện pháp đối phó thích ứng. Đây là nạn dịch lớn trong 30 năm qua ở Nga, làm thiệt 10% diện tích hoa màu. Đó là loại châu chấu khổng lồ dài 8 cm, sải cánh dài 12 cm, người địa phương bảo rằng chúng to lớn giống như những con chim sẻ nhỏ!

 


 

Hình 6: Châu chấu tấn công vùng Stavropol, miền Nam Liên bang Nga, 2015 (13)

 

-          Tại Bồ Đào Nha, tháng 5/2014, cô Ana Filipa Scarpa, một nhiếp ảnh gia chuyên về động vật hoang dã, đã vô tình chụp được hình ảnh một trận lốc xoáy kỳ lạ khi đang ở Vila Franca de Xira, phía Bắc thành phố Lisbon. Ban đầu, cô Ana cứ nghĩ đó là một cơn lốc gió, nhưng ngay sau đó, cô nhận ra đây là cột lốc xoáy cao tới 305m do châu chấu đỏ tạo nên khi chúng di chuyển (Hình 7) (16).

 


 

Hình 7: Trận lốc xoáy kỳ lạ ở Vila Franca de Xira, phía Bắc Lisbon, Bồ Đào Nha (14)

 

4.      Châu chấu: Phân loại, phân bố, môi trường và đời sống

 

-          Phân loại: Châu chấu thuộc họ Acrididae, có nhiều loài và những loài làm thành bầy và gây thiệt hại kinh tế cho nông nghiệp trên thế giới gồm có (4, 17):

 

Châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria): loài chấu tàn phá lớn nhứt

Châu chấu nâu (Locustana pardalina)

Châu chấu đỏ (Nomadacris septemfasciata)

Châu chấu Mỹ (Schistocerca americana  không làm bầy)

Châu chấu dịch Úc (Chortoicetes terminifera)

Châu chấu Bombay (Nomadacris succincta)

Châu chấu Ý (Calliptamus italicus)

Châu chấu Ma rốc  (Dociostaurus maroccanus)

Châu chấu di cư (Locusta migratoria)

Châu chấu núi Rocky  (Melanoplus spretus –bị tiêu diệt)

Châu chấu spur-throated (Australis procera - Úc)

Châu chấu cây (Anacridium spp)

 

-          Phân bố: Những bầy chấu đã xuất hiện trên mọi nơi địa cầu, ngoại trừ Nam và Bắc Cực. Châu Chấu dịch Úc (Chortoicetes terminifera) đã vượt xuyên qua cả lục địa Úc. Trong các loài châu chấu trên, châu chấu sa mạc được biết đến nhiều nhứt vì chúng thường gây thiệt hại to lớn không những ở các vùng Bắc Phi Châu, còn ở Trung Đông và lục địa Ấn Độ, đặc biệt có khả năng di cư xa. Chúng phát triển và phá hại tại các vùng có khí hậu khô nóng, vũ lượng dưới 200 mm. Vào mùa thu 2003, châu chấu sa mạc bùng phát đầu tiên ở Mauritania, Mali, Niger và Sudan. Sau đó, bầy chấu bay đến Bắc Morocco và Algeria, rồi tiếp theo xuyên qua và xuất hiện ở Ai Cập, Jordan và Do Thái, gây tổn thất đến 2,5 tỉ Mỹ kim (4, 17).

 

Còn loài châu chấu di cư (Locusta migratoria) đã bay từng bầy đến châu Phi, châu Á, châu Úc và Tân Tây Lan, nhưng rất hiếm ở châu Âu. Năm 2013, hàng tỉ châu chấu di cư đã kết hợp từng bầy trở nên đại dịch tàn phá hơn phân nửa nước Madagascar (1, 4).

 

-          Môi trường và đặc tính đời sống của châu chấu sa mạc được tóm lược như sau (FAO) (17):

 

1)      Chúng sống  ở những đồng ruộng, vùng sa mạc, cỏ đồi núi  và các cánh đồng cỏ.

2)      Chúng có khả năng thay đổi lối sống và thành lập các bầy châu chấu trưởng thành do điều kiện thức ăn, khí hậu và dân số.

3)      Khi có nạn dịch, chúng bành trướng phát triển nhanh, cực lớn có thể đến 29 triệu cây số vuông, trải xuyên qua nhiều vùng của 60 nước.

4)      Dịch nạn phát triển không liên tục, đã được biết đến từ thời đại Pharaonic ở Ai Cập ngày xưa. Trong thế kỷ 20, dịch nạn xảy ra trong các thời kỳ 1926-1934, 1940-1948, 1949-1963, 1967-1969, và 1986-1989.

5)      Đời sống của châu chấu sa mạc từ 3 đến 5 tháng tùy theo khí hậu và điều kiện sinh thái. Chu kỳ sinh trưởng gồm 3 giai đoạn: trứng (10-65 ngày), châu chấu con hay gọi hoppers không cánh (30-40 ngày) và trưởng thành có cánh (2-4 tháng).

6)      Châu chấu cái đẻ một bộc trứng trong đất cát sâu 10-15 cm dưới mặt đất. Con cái của bầy đẻ trung bình 80 trứng trong bộc, đẻ ít nhất 3 lần trong một chu kỳ đời sống với khoảng cách 6-11 ngày. Có đến 100 bộc trứng được tìm thấy trên một m2.

7)      Châu chấu sa mạc bay 16-19 km/giờ tùy theo gió. Cả bầy có thể bay từ 5-130 km hay nhiều hơn trong một ngày. Chúng có thể bay qua Biển Đỏ cách xa 300 km, hoặc từ Tây Phi qua Caribbean với khoảng cách 5.000 km.

8)      Mỗi ngày châu chấu sa mạc ăn thức ăn tươi bằng trọng lượng của nó hay khoảng 2 gram đồ ăn. Một bầy cở 1 km2 có 40 triệu châu chấu ăn trong 1 ngày gần tương đương với 35.000 người, 20 con lạc đà hay 6 con voi.  Một bầy cở thành phố Paris ăn đồ ăn một ngày bằng phân nửa dân số nước Pháp!

9)      Khi châu chấu sa mạc tăng đông đảo, chúng thay đổi cách cư xử từ hành động đơn độc thành bầy. Chúng đổi màu và khắn khít nhau hơn do tăng chất serotonin: châu chấu đơn độc có màu nâu trong khi con của bầy màu hồng (chưa đủ lớn), màu vàng (trưởng thành). Ngoài ra, chúng ăn càng nhiều sinh sản càng dễ dàng để tạo các “cơn bão” nguy hại.

 

5.      Phòng chống dịch châu chấu (7, 18)

Để ngăn chặn thảm họa châu chấu, các nhà khoa học đã tìm đủ mọi cách, như dùng vệ tinh nhân tạo, máy tính để dự đoán hướng đi của "cơn bão". Tuy nhiên, các dự đoán đôi lúc không chính xác, bởi chúng hay đổi hướng khó lường. Hơn nữa, "cơn bão" này càng đi càng mạnh lên. Tại châu Phi, các loại thiết bị hiện đại nhất đã được huy động để ngăn "bão châu chấu", nhưng đều chưa có hiệu quả kinh tế. Vào năm 2004, người ta đã sử dụng máy bay để phun hóa chất cho gần 11 triệu ha đất, chỉ để diệt châu chấu. Phương pháp này khá hiệu quả, nhưng chưa thể tận diệt nạn châu chấu đã gây thiệt hại cho môi trường.

 

            Hiện nay, phương pháp sơ khởi để ngăn chận và tiêu diệt châu chấu là phun các chất hóa học orgaphosphote với số lượng đậm đặc nhỏ (ultra low volume) và sử dụng các máy phun do người hoặc xe kéo, hoặc dùng trực thăng, máy bay; tuy nhiên, các phương pháp này tốn kém và hiệu quả rất giới hạn vì diện tích phá hại quá rộng lớn (hàng nghìn km2), vùng xa xôi khó vào, tài nguyên giới hạn để theo dõi và kiểm soát, khó tiên đoán bộc phát và chu kỳ xảy ra và không an toàn. Một số chất hóa học được khuyến cáo dùng diệt trừ châu chấu như: bendiocarb, chlorpyrifos, deltamethrin, diflubenzuron, fenitrothion, fipronil, ambda-cyhalothrin, teflubenzuron, triflumuron…

 

Gần đây, các nhà khoa học đã thử nghiệm phương pháp sinh học để khống chế "bão châu chấu". Người ta sử dụng loại nấm có tên là Metarhizium anisopliae  hay nấm Metarhizium acridum. Chúng có thể tiêu diệt châu chấu song lại vô hại với những thực vật và động vật khác. Tuy nhiên, những biện pháp trên vẫn còn hạn chế chứ chưa hề chấm dứt được các “cơn bão châu chấu" trên địa cầu (7,16).

 

Trong khi đó, nông dân dùng các phương pháp cổ truyền, thô sơ để ngăn chận phần nào sự thiệt hại cho hoa màu của họ, chủ yếu gồm đốt lửa, ung khói để xua đuổi châu chấu; giăng lưới, làm hàng rào cao, đào mương hào, thả vịt bầy… để ngăn sự xâm nhập của chúng.

 

Vai trò của Cơ quan FAO tại Rome là tập trung và khai thác thông tin nhận được từ các nước bị châu chấu tấn công, đồng thời phối hợp với tin tức thời tiết, vùng cư trú và các hình ảnh vệ tinh để đánh giá hiện trạng tại địa phương, có thể tiên đoán đến 6 tuần lễ trước và đưa ra các lời khuyến cáo cho từng trường hợp. FAO còn cung cấp cố vấn kỹ thuật và tìm nguồn tài chánh để hỗ trợ các chính phủ cần đến.

 

6.      Thực phẩm châu chấu (4, 19):

Châu chấu đã được con người dùng làm thức ăn từ hàng ngàn năm trước vì có nhiều chất bổ dưỡng. Kết quả phân tích trong The Food Insects Newsletter, Số 9-1996, ghi nhận 100 gram châu chấu (phần ăn được) chứa những thành phần chính như:

 

- Chất đạm: 14,3 - 20,6 g

- Chất béo: 3,3 - 6,1 g

- Carbohydrates: 2,2 - 3,9 g

- Calcium: 27,5 - 35,2 mg

- Sắt: 3 - 5 mg

 

Thánh kinh Do thái (Cựu Uớc) và kinh Koran (Hồi giáo), tuy cấm ăn côn trùng nhưng cho phép ăn châu chấu. Sách Leviticus 11:22, ghi châu chấu là 1 trong 4 côn trùng được phép ăn. Theo Pliny (cổ La Mã), châu chấu là món ăn của người Parthians và theo Hedorotus (sử gia cổ Hy lạp) châu chấu đã được nghiền và làm bánh.

 

Hiện nay, châu chấu có thể ăn tươi, rang hay nướng, nấu chín, nghiền thành bột nhão, nấu trong nước muối, và phơi khô. Ở châu Phi như Nigeria, Algeria là những nơi có món ăn châu chấu rất thịnh hành. Tại châu Á, châu chấu là món ăn truyền thống ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, xã Nghi Kim, Nghi Lộc (Nghệ An) châu chấu là một món ăn dân giả, truyền thống, được dân Nghi Kim gọi là “tôm bay”...  Món châu chấu được bán dạo trên đường phố Bombay, Bắc Kinh, Bangkok, Nam Vang… dưới dạng các món 'ăn chơi' (snack). Tại Nhật, món inago là châu chấu lúa chiên dòn.

 

Tại Mexico, châu chấu (chapulines) được xem là thực phẩm bổ dưỡng, chứa nhiều chất đạm. Người Mễ bắt châu chấu bằng vợt, soi đèn để dụ châu chấu từ lúc hoàng hôn, sau khi bắt ngâm châu chấu trong nước 24 giờ, có thể ăn sống, phơi nắng, chiên với gia vị như tỏi, hành, ớt, khi ăn vắt thêm chanh, hoặc nấu thành soup, nghiền thành bột trong nhân bánh.

 

Thành phố Thành Đô, Trung Quốc có món ăn đặc sản châu chấu lăn bột, chiên dòn. Chợ đêm 'Đông hoa môn' (Bắc Kinh) bán châu chấu nướng xỏ thành que.


     7. Kết luận

Dịch nạn châu chấu luôn là vấn nạn lớn không liên tục, không định kỳ với sự xuất hiện bất ngờ hàng triệu, tỉ con côn trùng, gây tai hại to lớn cho con người từ nhiều thế kỷ qua. Đó thật sự là những “cơn bão” lớn không bao giờ đoán trước được, gây tàn phá nơi nào chúng đi qua, mặc dù con người đang sống vào thời hiện đại với những kỹ thuật tân tiến. Đến nay, con người chưa khống chế dịch hại này hữu hiệu. Hy vọng nhân loại sẽ phát minh những công nghệ tiên tiến thực dụng có thể tiên đoán cơn bão châu chấu chính xác, theo dõi, tiêu diệt chúng lúc còn nhỏ không cánh, cũng như biến những cơn “bão hay mây châu chấu” này thành những kho vật liệu làm thức ăn, phân bón… để làm giảm bớt cường độ tác hại và có thể bù đấp phần nào sự thiệt hại do chúng gây ra.

 

Trần Văn Đạt, Ph. D.

 

Tài liệu tham khảo:

 

1.      Danviet.vn. 2014. Kinh hoàng cảnh đại dịch châu chấu tàn phá Madagascar

(https://danviet.vn/the-gioi/kinh-hoang-canh-dai-dich-chau-chau-tan-pha-madagascar-419093.html).

2.      FAO (www.fao.org).

3. Elliot Smith. 2020. Plague of locusts threatens East African economies as UN sounds alarm (https://www.cnbc.com/2020/02/20/plague-of-locusts-threatens-east-african-economies-as-un-sounds-alarm.html).

4.      Wikipedia.org (https://en.wikipedia.org/wiki/Locust).

5.      Q.T. 2020. Châu Phi: Chưa phải Covid-19, châu chấu mới là đại dịch nguy hiểm. Thế giới & Việt Nam (https://baoquocte.vn/chau-phi-chua-phai-covid-19-chau-chau-moi-la-dai-dich-nguy-hiem-110971.html).

6.      Nguyễn Tấn. 2020. Dịch châu chấu lan sang châu Á. Hâu Giang online

(https://www.baohaugiang.com.vn/chuyen-thoi-su/dich-chau-chau-lan-sang-chau-a-87000.html).

7.      Khoahoc.TV. "Bão" châu chấu trong kinh thánh là có thật


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196549 visitors (363237 hits) on this page!