Cá tra lai
3/10/2020

Cá Tra lai

Nguyễn Phước Bửu Huy

Đặt vấn đề

     Trong quá trình phát triển ngành cá Tra, con giống đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ kỹ thuật sinh sản nhân tạo, từ những năm 2000, các trại cá giống vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã cho ra đời mỗi năm khoản 30 tỷ cá bột, ương nuôi được gần 3 tỷ cá giống (cở 25-30 con/kg), cung cấp cho nhu cầu nuôi. Tỷ lệ sống của cá con trung bình chỉ 10%, số lượng bị hao hụt lên đến 90%.

Ngành cá Tra Việt Nam đã có sự phát triển vượt bật, với qui mô công nghiệp và tầm vóc quốc tế trong vòng 20 năm qua. Bên cạnh đó, việc mở rộng ồ ạt các cơ sở sản xuất giống đã cung cấp số lượng đáng kể cá Tra giống cho nhu cầu nuôi, nhưng đồng thời cũng đã dẫn đến tình trạng chất lượng con giống ngày cảng bị giảm sút, do sự cận huyết, do đàn cá bố mẹ có khi chưa đủ tuổi sinh sản, bị ép đẻ non, nên con giống có sức sống yếu, tỷ lệ dị hình, dịch bệnh, và hao hụt tăng cao (90%). Do đó, việc nâng cao tỷ lệ sống, cải thiện chất lượng con giống, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu rất cần thiết.

    



Hình nuôi và chế biến cá Tra

Thời gian qua, có một số biện pháp nâng cao chất lượng đàn cá bố mẹ, như nhập cá Tra thiên nhiên từ Cambodia về bổ sung, thay thế dần đàn cá bố mẹ yếu kém hiện hữu. Cải thiện chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật ương nuôi, nhưng việc nghiên cứu lai tạo để tạo ra con giống cá Tra có kiểu hình (phenotype) “lý tưởng” thì  hầu như chưa được các nhà khoa học chú trọng, có thể do lo ngại việc lai tạo sẽ làm mất dòng gen thuần.

Trong chế biến, tỷ lệ fillet của cá Tra (không da, không xương, gọt sạch mở bụng và thịt đỏ) chỉ chiếm 33-34%. Tỷ lệ phụ phẩm (gồm đầu, xương, da, nội tạng, thịt vụn, mở…) thải ra chiếm đến 66-67%.

                                                                        

 

                                                           



Hình sản phẩm fillet cá Tra

Sản lượng cá Tra nuôi 2019-2020 đạt 1.4-1.5 triệu tấn/năm. Trong đó 70% chế biến dạng fillet, 30 % chế biến các dạng nguyên con, cắt khúc, hay xẻ bướm. Lượng cá nguyên liệu đưa vào chế biến hàng năm khoản trên 1 triệu tấn. Sản xuất được 330,000-340,000 tấn fillet. Lượng phụ phẩm thải ra trên 650,000 tấn. Số phụ phẩm này được chế biến thành dầu, mở và bột cá, có giá trị thấp. Nếu tỷ lệ fillet tăng từ 34% lên 40% hoặc hơn, thì sản phẩm fillet thu được thêm tương đương hơn 60,000 tấn/năm. Giá trị ước tính sẽ tăng thêm trên 100 triệu USD (giá fillet: 1.8 -2.0 USD/kg FOB).  

Do đó, việc tạo ra dòng cá Tra lai có kiều hình kinh tế: đầu nhỏ, độ béo thấp, tỷ lệ nạc cao, hệ số chuyển hóa thức ăn (feed conversion ratio-FCR) thấp (dưới 1.4/1), có sức sống mạnh, rút ngắn thời gian nuôi (xuống còn 5-6 tháng), là một yêu cầu thiết thực nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Đối tượng tuyển chọn

Trong họ cá Tra (Pagasiidae), có khoản 28 loài. Trong đó, hai loài được nuôi phổ biến nhất là cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus) và cá Basa (Pangasius bocourti), vì con giống được sinh sản nhân tạo dễ dàng. Riêng cá Tra có sức sinh sản khá cao (500,000-1triệu trứng/cá thể mẹ), trong lúc cá Basa chỉ đẻ 50,000-100,000 trứng/cá thể mẹ. Ngoài hai đối tượng này, còn một số loài có kích thước lớn, quí hiếm, có giá trị kinh tế cao như: cá Tra dầu, cá Vồ cờ  (hiện nằm trong sách đỏ cần bảo vệ), cá Bông lau, cá Tra nghệ, cá Vồ đém, cá Hú. Có loài thích hợp môi trường nước chảy, như cá Basa, cá Bông lau, và có loài thích hợp môi trường ao hồ, nước hơi lợ như cá Tra nghệ, cá Vồ đém, cá Hú. Việc tuyển chọn ưu thế lai trong dòng họ Pangasiidae là không quá khó đối với các nhà khoa học. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, việc lai tạo (hybrid) để cho ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao là việc làm rất phổ biến. Vì vậy, thiết nghĩ đối với cá Tra nuôi, việc lai tạo, chọn lọc giống tốt cũng là một việc làm bình thường. Do đó, tác giả xin đề xuất chọn ưu thế lai cá Tra với một số đối tượng như sau:

1.     Đối với cá thể cái (female): dùng cá Tra (Pangasianodon hypophthalmus) làm nền tảng cho đàn cá bố mẹ, vì có sức sinh sản cao, là loài cá đang được nuôi phổ biến trong ao với qui mô công nghiệp, năng suất cao hiện nay. Sản phầm đã được thị trường thế giới chấp nhận. Chọn cá mẹ đúng tuổi thành thục, nuôi vỗ tốt, khỏe mạnh để sinh sản nhân tạo.

 

 



Hình cá Tra

2.     Đối với cá thể đực (male): có thể chọn một trong các đối tượng hiện có trong thiên nhiên, có nhiều ưu điểm như: kích thước lớn, cơ thịt dày, sống được trong môi trường oxy thấp, tỷ lệ đầu nhỏ so với thân, bụng nhỏ, ít mở. Không nên chọn cá Basa vì bản thân cá này có khoang bụng to, quá nhiều mở, con lai không thích hợp môi trường sống trong ao. Cá đực nên chọn là những loài cá bản địa, được đánh bắt ngoài tự nhiên, nuôi vỗ, lấy tinh dịch để thụ tinh nhân tạo. Những loài này có sức sinh sản thấp, nên chúng không phải là đối tượng nuôi chính như cá Tra. Do đó chỉ dùng những cá thể đực đạt tiêu chuẩn, có nhiều ưu điểm để lai tạo với cá Tra mẹ. Các đối tượng cần lưu ý đó là:

- Cá Tra dầu (Pangasianodon gigas): là loài cá lớn nhất trong họ cá Tra, có con trên 200kg, sức sống khỏe mạnh, phần lớn ở vùng Biển hồ Cambodia. Đây là một loài quí hiếm, đang được bảo tồn, cấm đánh bắt. Có thể cho phép sử dụng trong phạm vi nghiên cứu.

 



Hình cá Tra dầu

-        Cá Tra nghệ (Pangasius kunyit): có tỷ lệ đầu nhỏ so với thân, thể trọng 5-10 kg/cá thể, cơ thịt dày, bụng thon, ít mở, lớn nhanh, thích hợp môi trường ao hồ, nước lợ. Có thể đánh bắt tại vùng hạ lưu sông Cửu Long vào mùa sinh sản. Đối tượng này đã được cho sinh sản nhân tạo thành công từ năm 2001. Nhưng số lượng giống còn hạn chế.

 

 



Hình cá Tra nghệ

-        Cá Bông lau (Pangasius krempfi): tương tự như cá Tra nghệ, cá Bông lau có tỳ lệ đầu khá nhỏ so với thân, ít mở, bụng thon dài, thịt trắng, thể trọng 5-10 kg/con, có giá trị cao. Có thể đánh bắt tại khu vực Vàm Nao (An Giang), Thanh Bình (Đồng tháp), Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh… khi cá di cư sinh sản vào tháng ba hằng năm.

-       

 

 



Hình cá Bông lau

-        Cá Vồ đém (Pangasius larnaudii): có thân ngắn, bụng to, sống trong môi trường nước chảy và dễ nuôi trong ao hồ. Loài này cũng đã được cho sinh sản nhân tạo thành công. Sức sinh sản ít hơn cá Tra.

 



Hình cá Vồ đém

Thực tế ưu thế lai  

Ngành nuôi trồng thủy sản thế giới đã có nhiều ứng dụng chọn lọc ưu thế lai (heterosis-hybrid vigor) trong sản xuất giống. Việc lai chéo (crossing) giữa các loài cá kinh tế: như cá rô Phi (Tilapia mossambica x T. nilotica; Oreochromis aureus x O. niloticus)… đã tạo ra dòng GIFT (genetically improved farmed Tilapia), có ưu điểm về kiểu hình, đầu nhỏ, mình thịt dày, hoặc có màu sắc đỏ, hồng (được gọi là cá Điêu Hồng), đang được nuôi và tiêu thụ phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Các loài cá nheo thuộc họ Ictaluridae (Ictalurus punctatus x I. furcatus), đã lai tạo cho ra dòng lai Chanel –Blue Catfish nuôi phổ biến tại Mỹ. Tương tự, việc lai tạo cá Hồi Norway… giữa cá Salmon và Trout trong họ Salmonidae (1970s); loài cá Tầm Bester tạo ra từ việc lai giữa cá Tầm Beluga và Sterlet, và giữa cá Tầm thìa Paddefish (Mỹ) và Sturgeon (Nga) trong họ Acipenseridae cũng đã được tiến hành từ lâu.

Tại Việt Nam, từ những năm 1980 đến nay, đã tiến hành lai tạo một số loài cá kinh tế như: cá Trê vàng (Clarias focus) lai với cá Trê trắng (C. macrocephalus), hoặc với cá Trê Phi (C. gariepinus) tạo ra dòng cá Trê lai. Các loài cá Chép lai 2-3 máu (V1), giữa cá Chép Việt Nam, Hungary, và Indonesia (Cyprinus carpio x C. yilmaz, và C. haematopterus). Cá Lóc đầu nhím là con lai giữa cá Lóc đen (Ophiocephalus striatus) và cá Lóc môi trề (O.sp).

Một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thailand, Malaysia, Indonesia, cũng đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm lai chéo trong họ Pangasiidae để cải thiện nguồn giống cho việc nuôi trồng thủy sản. Trong lúc tại Việt Nam, nghề nuôi cá Tra đứng đầu thế giới, nhưng việc nghiên cứu, thực nghiệm đề tài lai tạo còn rất hạn chế, và bị xem là điều cấm kỵ trong suốt thời gian dài.

Thời gian gần đây, một số cơ sở sản xuất giống tư nhân tại ĐBSCL đã “âm thầm” thử nghiệm lai tạo, sản xuất ra giống cá Tra lai, trong đó có cả con lai giữa cá Tra thường với cá Tra dầu, cá Basa, cá Tra nghệ. Với con lai cá Tra dầu, thực tế nuôi đã ghi nhận kết quả bước đầu khá khả quang: ngoại hình cá lai có sự khác biệt rõ rệt. Cá lai có tỷ lệ đầu nhỏ hơn so với thân, đường từ chót mõm đến gốc vy lưng uống cong, phần lưng dày hơn, trong lúc cá Tra thường gần như là một đường thẳng (xem hình dưới). Chỉ sau 2 tháng nuôi từ lúc thả giống, đã cho thấy đàn cá lai này lớn gấp 2 lần cá Tra thường. Tỷ lệ fillet cá lai cao hơn cá Tra thường từ 6-10%. Do cá lớn nhanh, nên thời gian nuôi cũng được rút ngắn hơn (dưới 6 tháng, đạt 0.8-1kg/con).

 


 
Đầu và phần lưng cá Tra thường   Đầu và lưng cá Tra lai

 



Cá Tra lai thương phẩm

Lập luận - Phản biện

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc gìn giữ, bảo tồn dòng thuần và vấn đề lai tạo cá Tra. Bất cứ loài sinh vật thiên nhiên nào, việc bảo tồn dòng thuần tự nhiên là việc làm rất cần thiết. Ngoài ý kiến lo ngại việc lai sẽ làm mất dòng thuần, thậm chí còn cho rằng việc lai tạo sẽ làm biến đổi gen (genetically modified organism- GMO). Mặc dù chưa được kiểm chứng, nhưng có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cá Tra, vì khách hàng khá nhạy cảm sản phẩm biến đổi gen. Do đó, cơ quan quản lý chủ trương thận trọng trong việc lai cá Tra, ưu tiên giử gìn dòng gen tự nhiên. Cho nên đến nay, vẫn chưa cho phép việc lai tạo trong sản xuất giống cá Tra.  

Lai chéo (cross-breeding, crossing) là phương pháp giao phối giữa các loài trong cùng một họ, hay giữa các họ khác nhau. Ưu thế lai là sự chọn lọc ưu điểm của bố mẹ, tạo ra thế hệ con lai F1, mang các đặc điểm di truyền vượt trội hơn so với bố mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc lai chéo đã giúp cải thiện tỷ lệ tăng trưởng, nâng tỷ lệ sống, giảm hệ số chuyển hóa thức ăn, tăng cường khả năng kháng bệnh (theo các tác giả Dunham & Masser,1998; Tace,2003). Như vậy, lai chéo là một sự kết hợp tự nhiên, hoàn toàn không phải là một quá trình tác động từ bên ngoài làm biến đổi gen.

Về công tác bảo tồn, nên có qui định cụ thể về công tác bảo tồn đối với cá Tra. Có thể thành lập những khu vực (protection zone) riêng để nuôi dưỡng, lưu giữ dòng thuần của các giống, loài trong họ Pangasiidae. Do đó, không nên quá thận trọng, lo ngại việc lai tạo sẽ làm mất dòng gen thuần chủng.

Đề xuất

Để đáp ứng nhu cầu cải thiện chất lượng con giống nói trên, tạo sự đột phá trong công tác giống, đã đến lúc nên tiến hành công trình nghiên cứu khoa học về lai tạo cá Tra một cách chính thức, như các viện nghiên cứu thủy sản đã từng làm trên một số đối tượng cá kinh tế trong thời gian qua. Thực tế nếu không tiến hành, thì một số nơi vẫn đang âm thầm thực hiện. Sản phẩm cá Tra lai thương phẩm đã được đưa vào chế biến như các sản phẩm cá Tra thông thường, tỷ lệ hao hụt có phần giảm hơn, và thị trường xuất khẩu vẫn tiêu thụ tốt.

Chọn lọc ưu thế lai là một quá trình lâu dài, đòi hỏi kiến thức chuyên môn. Với sự vào cuộc của các nhà khoa học, chắc chắn sẽ mang lai sự thành công, tạo ra thế hệ cá Tra lai mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành cá Tra. Đồng thời, tránh việc làm tự phát, không kiểm soát được các dòng cá lai, có thể gây thiệt hại cho người nuôi và môi trường.

Nguyễn Phước Bửu Huy

OCT. 01st, 2020

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 192765 visitors (348102 hits) on this page!