Lửa Rừng
30/8/2022
Lửa Rừng
Nguyễn Lương Duyên 


 
Lửa rừng là lửa hoang không chế ngự được, thiêu huỷ thảm thực vật với cây thân gỗ cao hơn 2 mét. Vào những tháng nóng trong năm, khi mức khô hạn ở mức cao, chỉ một tàn lửa nhỏ của điếu thuốc, một tia lửa do kim khí va chạm nhau, do tĩnh điện, sét đánh, hay do sức nóng của bức xạ mặt trời, trong vài giây, ổ lửa nhỏ có thể biến thành một trận lửa hoang kinh hồn tàn phá mọi thứ trên đường lửa lan. Lửa phát triển nhanh bốc cao tới tán rừng trong những cơn lốc lửa, sau khi thiêu rụi ban đầu những bụi rậm dưới thấp hay lớp thảm mục khô trên mặt đất rừng. Thành phần của một trận lửa như sau:
 


 
 
  1. Các yếu tố ảnh hưởng gây lửa rừng
    Mọi vật liệu đều có nhiệt độ phát hoả. Nhiệt độ phát hoả của gỗ là 300⁰ C (572 F). Ở nhiệt độ này gỗ để thoát các khí hydrocarbon, tác động với oxygen trong không khí, và bùng cháy. Có ba yếu tố gây cháy là nhiên liệu cháy, oxygen trong không khí, và nguồn nhiệt. Khi ngọn lửa đã bùng lên thì cần thêm những điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, thời tiết và địa hình để lan toả, thường là rất nhanh và tăng mức dữ dội, thiêu huỷ nhiều ngàn hectare. Lửa rừng có thể lan nhanh tới 23 km một giờ, bắn tung những đốm lửa đi xa. Có khi vài km, tạo những ổ lửa mới.
 
    Loại nguyên liệu cháy, ẩm độ và số lượng (tính theo tấn/ha) quanh đám cháy như cây cối, cây bụi, thảm cỏ lá khô, đều có ảnh hưởng đến cường độ và tốc độ trận cháy. Những nguyên liệu cháy nhỏ như lá cỏ khô, nhánh nhỏ, cây bụi chết cháy nhanh hơn gỗ khúc hay gốc cây, vì tỉ lệ diện tích mặt ngoài đối với thể tích của vật liệu nhỏ luôn lớn hơn so với vật liệu có kích cỡ lớn, do đó bắt cháy nhanh hơn. Vật liệu nhỏ dễ mất ẩm độ do nhiệt so với vật liệu lớn, cũng làm chúng dễ bắt cháy hơn.
 
     Thời tiết có vai trò chính trong việc phát sinh, phát triển, và tàn lụi của một trận lửa rừng. Khô hạn là một điều kiện thuận lợi cho lửa rừng, và gió giúp lửa lan toả nhanh. Gió cũng làm công tác chữa cháy khó khăn hơn.
 
 
Nhiệt độ cao là một nguy cơ gây đột phát lửa do tạo nhiệt lượng cao. Các nguyên liệu cháy nhận nhiệt năng từ bức xạ mặt trời, bị làm khô, trở nên dễ cháy hơn. Lửa hoang thường bộc phát buổi trưa, khi nhiệt độ trong ngày ở mức cao nhất.
 
 
Gió có lẽ là yếu tố có tác động quan trọng nhất trong việc lan toả lửa rừng. Gió cũng là yếu tố khó tiên liệu, gió cung cấp thêm oxygen cho đám cháy, làm tăng mức thoát nước của nguyên liệu, tăng tốc độ lửa lan. Các nghiên cứu cho thấy lửa và gió tác động hỗ tương. Lửa rừng lớn tạo ra thời tiết của đám cháy, tạo ra các cơn lốc lửa (tương tự các lốc xoáy) từ lúc đầu sát mặt đất thành những cơn xoáy theo chiều thẳng đứng, và cuốn các vật liệu cháy, tàn lửa và tro đi rất xa. Khi lửa cháy đạt tới tán lá rừng, nhiều lúc chúng hình thành các lưỡi lửa lao về phía trước với vận tốc 160 km/h, rộng đến 20 m. Gió càng mạnh lửa rừng lan càng nhanh, và lửa tạo ra sức gió mạnh gấp 10 lần gió tạo ra do chênh lệch áp suất khí quyển. Gió có thể làm đổi hướng đi của lửa và gió giật có thể bốc lửa lên đến ngọn cây cao trong rừng, tạo nên lửa cháy trên tán rừng.
 
Ẩm độ không khí và mưa có thể làm chậm lại sức lan toả của lửa. Ẩm độ không khí cao còn giúp giữ nước trong nguyên liệu, do đó làm chúng khó bắt lửa hơn. Mưa làm tăng ẩm độ trong nguyên liệu và giảm rất đáng kể nguy cơ cháy rừng. Rừng mưa rất ít khi xảy ra nạn cháy rừng một cách bộc phát.
Nguy cơ cháy rừng do nguyên nhân thời tiết được biểu hiện trong những biểu đồ tương tự như dưới đây:

      Địa hình, độ dốc có ảnh hưởng quan trọng đến lan toả của lửa. Lửa lan nhanh khi lên dốc và chậm rất nhiều khi xuống dốc, vì lửa di chuyển theo hướng gió, thường thổi lên phía cao trong cơn lửa rừng.

2.                Nguyên nhân gây lửa rừng
       Trên thế giới hầu như luôn luôn có cháy rừng một nơi nào đó. Lửa rừng có thể bắt nguồn tứ sét trong mùa khô, hay từ hoạt động dùng lửa dọn đất trong nông nghiệp, đồng cỏ, hay do bất cẩn của con người.
 
Cơ quan NASA tập hợp các vụ cháy rừng trên thế giới hằng tháng từ 2000 đến nay và trình bày trong một biểu đồ động dưới đây, dựa trên những quan trắc từ vệ tinh Terra. Link đính kèm bên dưới. Vài nơi hình như có một tình trạng cháy rừng là do tính lập đi lập lại của chu kỳ trong tự nhiên giữa mưa, khô hạn và sét, như thấy ở rừng thông phương bắc (Taiga) của Canada trong mùa hè. Vài nơi khác trên thế giới là do hoạt động của con người, có chủ đích hay do sơ xuất, như các đám cháy ở châu Nam Mỹ trong khoảng tháng Tám đến tháng Mười, ở vùng rừng mưa nhiệt đới Amazon. Ở Châu Phi, lửa rừng hằng năm lan trên một vùng rộng, di chuyển theo trục từ Bắc xuống Nam trong mùa khô. Lửa hoang vùng Congo Basin thường xảy ra khu vực trảng cỏ cây thấp, rừng mưa bị cháy với mức độ ít trầm trọng hơn.  Ở vùng Đông Nam Á việc dùng lửa dọn đất từ cuối Đông đến đầu Xuân, cũng gây nên hoạ lửa rừng hầu như hằng năm.
        
 
                    https://earthobservatory.nasa.gov/global-maps/MOD14A1_M_FIRE
 
Theo những đo đạc tổng hợp năm 2022, rừng toàn thế giới chiếm diện tich khoảng 4.06 tỉ ha, che phủ khoảng 31% bề mặt đất liền. Liên bang Nga, Brazil, Canada, Hoa kỳ và Trung hoa là năm quốc gia có diện tích rừng hàng đầu thế giới và hơn một nửa diện tích rừng thế giới thuộc lãnh thổ của 5 nước này. Tuy nhiên nếu tính diện tích che phủ bởi rừng thì những nước nhỏ như Suriname, Guyana, Liên hiệp Micronesia và Gabon đều có trên 90% lãnh thổ là rừng và đất rừng.

 
 
Mỗi năm trên toàn thế giới ghi nhận 60.000 đến 80.000 vụ cháy rừng, thiêu huỷ từ 3 đến 10 triệu hectare. Ảnh hưởng của lửa rừng lên môi trường tuỳ theo quy mô và tần suất các vụ cháy. Nguyên nhân của lửa rừng cũng rất khác nhau. Vài trăm năm trước đây lửa rừng bộc phát tự nhiên là hiện tượng xảy ra do hậu quả của núi lửa phun trào, động đất, ở những vùng đặc biệt có nguy cơ. Nguyên nhân tự nhiên chính yếu của lửa rừng trong thời xưa là do sét đánh lúc không mưa. Có đến 30% các trận cháy rừng thời này là do sét, so với tỉ lệ 1% trong thời điểm hiện nay. Trong hiện tại nguyên nhân gây cháy rừng hơn một nửa là do bất cẩn trong sinh hoạt giải trí dã ngoại như hút thuốc lá, đốt lửa trại cẩu thả…Một tỉ lệ khá quan trọng các vụ cháy rừng là do con người cố ý đốt hay quá vô tâm khi thao tác với các hoạt động liên quan đến nguồn lửa. Việc dùng lửa để dọn đất trong nông nghiệp hay việc đốt sớm để phòng ngừa lửa rừng trong lâm nghiệp, cũng dễ gây nạn cháy rừng lớn khi thực hiện không đúng cách.


 
Tổng hợp các yếu tố, chú trọng đến yếu tố hoạt động kinh tế, xã hội của con người, các nhà môi sinh học ghi nhận và dự báo về sự kiện lửa rừng hằng năm trên phạm vi toàn cầu như sau:








3.                Tác động của Lửa Rừng
     Lửa rừng là một phần của thế giới tự nhiên, có vai trò định hình hệ sinh thái như tác nhân thúc đẩy sự thay đổi. Số lượng các trận cháy rừng trên toàn cầu lên đến 70.000 vụ mỗi năm, nhưng đại đa số không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn cho người và gia súc, không gây thiệt hại đáng kể. Vài nhà nghiên cứu cho rằng lửa rừng giúp cải thiện hệ sinh thái qua tác động loại bỏ cây xấu, cây bệnh, mầm bệnh, tạo thuận lợi cho tái sinh tự nhiên cây rừng và phần nào làm phong phú đa dạng sinh học cho cả thực vật lẫn động vật, đem lại dưỡng chất cho đất rừng. Một vài hệ sinh thái cần lửa rừng, cần chế độ lửa có chu kỳ 3 tới 25 năm, để duy trì (hệ sinh thái do lửa như rừng thông, rừng tràm, rừng khộp (rừng khô thưa, rụng lá, họ Dầu ở cao nguyên) ở VN.
 
Nhưng thật ra những trận cháy rừng quy mô lớn lại là một tai hoạ cho môi sinh và an toàn xã hội gây chết chóc, thiêu huỷ nhà cửa, các khu vực sinh tồn thiên nhiên, cây cối. Lửa rừng gây ô nhiễm không khí với những khí thải độc hại trong những đám mây dạng cumulus-do-khói, tai hại cho sức khoẻ. Khí carbonic là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ và quy mô các vụ cháy rừng tương lai. Tuy rất khó xác định chính xác khối lượng khí carbonic thải ra trong các trận cháy rừng toàn cầu, những ước lượng trong khoảng 20 năm, từ 2000 đến 2019, cho thấy hằng năm các trận cháy rừng thải vào khí quyển khoảng 1.8 Gt (tỉ tấn) carbon mà đại đa số là khí carbonic.
 
           Khói từ các trận cháy rừng lan xa đến 6000 km. Hình ảnh tổng hợp từ các trận cháy rừng năm 2020 ở bờ Tây Hoa kỳ lan xa tới bờ Đông: Lượng khí carbonic thải vào khí quyển từ các đám cháy rừng tuy còn thấp hơn lượng sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch, nhưng cũng rất đáng kể:




 






Trong vài năm gần đây, vài tổ chức nghiên cứu có khuynh hướng đánh giá lại vai trò của rừng trong việc cung cấp oxygen cho khí quyển, cho rằng vai trò “lá phổi hành tinh” của rừng là không thực. Lý do đưa ra là oxygen do rừng tạo ra trong tiến trình quang hợp ban ngày lại bị chính thực vật tiêu thụ hết trong tiến trình hô hấp. Đúng là 75- 80% nguồn oxygen trong khí quyển là đến từ đại dương do phiêu sinh vật và tảo, nhưng thực vật đất liền trong đó các quần xã rừng có vai trò chính cũng góp phần không nhỏ trong chu trình oxygen của địa cầu: rừng nhiệt đới cung cấp 108.9 Pg oxygen, rừng ôn đới 26.4 Pg, rừng thông phương bắc (taiga) 22.2, đồng cỏ nhiệt đới 83.6, đồng cỏ ôn đới 22.7, sa mạc 17.1, đài nguyên 4.3, cây trồng nông nghiệp 39.5. Tổng cộng 325 Pg (petagram hay tỉ tấn) đến từ thực vật đất liền:

   
 
 
   Các hậu quả tai hại cho môi sinh thường lâu dài ở những khu vực cháy rừng rộng lớn và trầm trọng và thường xuyên. Chu trình thường xuyên của rừng bị xáo trộn, vài chủng loại biến mất, cỏ dại xâm lấn. 
 
Nồng độ khí carbonic tăng cao trong khí quyển, góp phần trong việc tăng khí hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy nhanh sự biến đổi khí hậu. 
 
     Thêm nữa tàn tro phá huỷ dưỡng chất trong đất, làm đất dễ bị xói mòn, gây lũ lụt, gây nạn đất lở, đất chuồi. Những hoá chất dùng trong công tác chống lửa tồn đọng trong đất nhiều năm, tác hại đến sự phì nhiêu của đất, ngăn cản sự hồi phục của rừng. Đất rừng sau trận cháy trở nên khô cứng, mất hữu cơ, do đó nước không được giữ lại để thấm sâu, gây nên xói mòn do nước lũ chảy tràn trong mùa mưa.
 
     Hình ảnh thường thấy nhiều năm sau vụ cháy rừng, sự phục hồi rất chậm, và sinh thái khu vực bị biến đổi rất mạnh. Sau một vụ cháy rừng lớn cây chết chiếm một khối lượng vật chất chính trên mặt đất rừng, nhưng một trận cháy không khốc liệt, khối lượng cây sống là lớn nhất. Cả hai dạng đều chứa carbon và có vẻ tổng lượng carbon này không thay đổi nhiều sau vụ cháy 15 năm.
 
 

4.               Các biện pháp giảm thiểu tác hại lửa rừng ở cấp chính phủ
     Ở mức độ toàn cầu trong vòng 20 năm trở lại mùa lửa rừng trở nên dài hơn và khắc nghiệt hơn. Tần suất, cường độ, quy mô các vụ cháy rừng đều tăng rõ rệt so với 15 năm trước đây. Các trận lửa rừng cực đỉnh nằm ngoài khả năng chế ngự của con người chỉ khoảng 10% số vụ cháy, nhưng diện tích phá hoại lên tới 90%. Lửa rừng thường đi đôi với chính sách sử dụng đất, khai phá rừng để phát triển nông nghiệp. Khí hậu toàn cầu trở nên khô khan hơn, nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh hơn dự báo. Lửa rừng xảy ra khắp nơi từ Alaska đến Úc châu, từ California đến Châu Âu, từ Nga tới Indonesia, tàn hại các hệ sinh thái, các cộng đồng, các nền kinh tế. Nguy cơ sức khoẻ cũng là vấn đề, thú hoang không nơi trú ẩn di dời gần các khu dân cư, hiểm hoạ truyền bệnh mới như Covid-19 cũng gia tăng theo.

         
Ngân hàng Thế giới đề nghị 5 biện pháp để tránh hay làm nhẹ những trận lửa rừng cực đỉnh mà nguy cơ xảy ra trong tương lai là khá cao:
  1. Soát xét lại các chính sách và dự án sử dụng đất đai, như quy định chặc chẽ việc dùng lửa dọn đất hay khai hoang. 
  2. Đầu tư vào các biện pháp dập lửa và ngừa lửa như một phần của việc quản trị đất rừng, kể cả việc giáo dục các biện pháp phù hợp với khoa học lâm sinh trong công việc đốt ngăn ngừa, biện pháp môi sinh….
  3. Cải thiện công tác hiện hữu về quàn trị lửa rừng như theo dõi, khám phá sớm các ổ lửa, quy hoạch khu vực nguy cơ,
  4. Cải thiện công tác thu thập và phân tích dữ kiện về lửa rừng để hiểu biết về căn nguyên, và tăng tính hữu hiệu trong các bước từ phòng ngừa đến chữa cháy.
  5. Điều phối hữu hiệu các thành phần liên quan từ chủ rừng, cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, tỏi chức khoa học, các cơ quan chức năng trong chính phủ… có liên quan.
 
5.Vài vụ cháy rừng lớn trên thế giới:
Trong vòng chục năm qua, lửa rừng là vấn đề gây quan tâm lớn trên thế giới. Hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu gây tác hại đã bộc lộ rõ nét qua nhiệt độ cao kỷ lục  đi kèm theo hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới, lửa rừng hung hãn bùng phát dữ dội khắp nơi, từ rừng mưa nhiệt đới Amazon đến miền Nam nước Pháp, đến rừng taiga bạt ngàn ở Siberia. Phần này xin điểm qua vài trận cháy rừng thật lớn trong chục năm trở lại. Danh sách các trận cháy rừng lịch sử có thể tìm đọc trong các trang Web trên Internet.
• Gironde, Pháp, 07/ 2022,  đây là vụ cháy rừng tệ hại kéo dàihơn một tháng, xảy ra trùng lúc nạn hạn hán kéo dài khắp châu Âu. 21,500 ha rừng bị thiêu rụi, 40.000 người phải lánh nạn. Nước Pháp huy động toàn bộ lực lượng chữa cháy rừng túc trực 24/24, cố gắng cô lập khu vực cháy bằng biện pháp đốt chặn. Gió đổi hướng rất bất chợt, và sự nguy hiểm tính mạng của nhân viên chữa cháy rất cao.
• Siberia, Nga, 2022, đây là vụ cháy rừng trầm trọng nhất của nước Nga cho tới hiện nay. Quy mô cháy rộng hơn tất cả những vụ cháy rừng từ trước đến nay, ước tính đến 100,000 ha. 200 nhà bị cháy, 13 người chết, tro bụi làm cho không khí vùng chung quanh không thể thở được. Lực lượng chữa cháy rừng Nga không thể khống chế lửa, đành để lửa cháy tự do. 
Siberia trước đó năm 2019 và 2021 cũng chịu hai trận cháy rừng kinh hoàng.
• Caldor, Hoa kỳ, 2021, lửa rừng khởi phát giữa tháng 8, thiêu huỷ 90,000 ha rừng và hằng ngàn kiến trúc vùng núi Hồ Tahoe, hai tiểu bang Nevada và California. Hàng ngàn người phải lánh lửa khi hai tiểu bang ban hành tình trạng khẩn cấp. Màn khói dầy đặc, không thấy đường. 3,700 nhân viên cứu hoả túc trực chống lửa trong 2 tháng, đến giữa tháng 10, trận hoả hoạn mới bị dập tắt. Nguyên nhân vụ cháy được cho là tổng hợp các yếu tố thời tiết khô hạn, nóng bất thường, và lượng khách du lịch quá cao trong mùa hè.
• Thổ Nhĩ Kỳ, 2021, đây là năm Thổ nhĩ kỳ chịu một đợt nóng trên 40⁰C trong nhiều ngày, gây chết người và gia súc, do khối khí nóng từ bắc Phi châu thổi đến. Hơn 100 ổ lửa xảy ra đồng loạt cuối tháng 7, thiêu huỷ nhiều vùng phía Nam. Gần 100.000 ha rừng bị cháy, gây ra hiện tượng “mưa tro”.
Dixie, CA, Hoa kỳ, 2021, đây là trận cháy rừng khủng khiếp nhất ở CA, do cây ngã làm chạm đường dây dẫn điện. 390,150 ha rừng bị cháy, trên 1300 kiến trúc bị cháy 




• Lửa rừng miền Tây Hoa kỳ, 2021, cuối tháng 6, 2021 khắp nơi vùng bờ Tây Hoa kỳ, nhiệt độ gần hoặc vượt kỷ lục, khô hạn đạt đỉnh và số lượng ổ lửa bộc phát nhiều vô kể, từ Alaska tới Wyoming. Đến giữa tháng 7, đã có 60 trận cháy lớn trên 10 tiểu bang. Nước chữa cháy thả từ phi cơ bốc hơi trước khi chạm đất. California và Oregon chịu thiệt hại nặng nề. Toàn quốc huy động 16,000 nhân viên cứu hoả trong nổ lực dập tắt lửa.
• Lửa rừng cây bụi New South Wales, Úc châu, 2019, hơn 100 ổ lửa hoành hành khắp phía bắc của Sydney, và được mệnh danh là mega blaze, và đã bao phủ thành phố với màn khói dầy đặc. Ước tính có đến 5 triệu ha đất rừng cây bụi bị thiêu huỷ, hơn 2000 nhà cửa bị cháy. 20% khu vực Blue Mountains được quy định là Di sản Thế giới bị đốt cháy trong biển lửa.
• Lửa Rừng mưa nhiệt đới Amazon, Brazil và các nước lân cận, 2019, chỉ trong vòng tháng 8, có trên 30,000 trận cháy riêng biệt. (Tuy nhiên vẫn chưa bằng con số tệ hại nhất của năm 2005). Lửa hoành hành xuyên khắp rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới này. Hậu quả thảm khốc, khói bao trùm nhiều thành phố như Sao Paulo, khu vực dành cho thổ dân, khu bảo tồn thiên nhiên bị thiêu huỷ thành bình địa. Brazil là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất. Lửa giảm bớt sức tàn phá khoảng tháng 10. Nguyên nhân cháy là do tập quán chặt cây đốt rừng để dọn đất cho nông nghiệp.
Cùng khoảng thời kỳ này, ảnh vệ tinh NASA cho thấy vùng Phi châu từ Angola, xuyên qua Congo, Mozambique,, đến Madagascar, vùng rừng nhiệt đới Congo Basin, rộng 3.3 triệu km², thường được coi là lá phổi thứ hai của hành tinh, cũng có lửa hoang. Nhưng những đám cháy tuy rất nhiều nhưng không lan tràn trên diện tích lớn và đa số là sự kiện hằng niên. Rừng nhiệt đới châu Phi mất đi với tốc độ nhanh là do bị khai thác quá độ.

• Fort McMurray, Alberta, Canada, 2016, thường được coi là tai hoạ thiên nhiên gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Canada. Hơn 2500 nhà bị cháy rụi, 88,000 dân chúng phải di tản, và bảo hiểm phí lên đến 3.6 tỉ CAD$. Tất cả khởi đầu chỉ là một vụ cháy nhỏ ngày 1 tháng Năm, ở phía Nam thành phố, nhưng chỉ 2 ngày sau, trận lửa rừng bùng phát dữ dội, đốt trụi thành phố. Không rõ nguyên nhân.
• Cháy rừng Indonesia,1997, trận lửa rừng tháng 7/1997 là trận cháy khốc hại nhất của rừng mưa nhiệt đới, kéo dài đến đầu năm 1998. Ô nhiễm khói và bụi tro đạt mức nguy hại cho sức khoẻ người dân. Số thiệt mạng do lửa lên đến 250 người. Nguyên nhân cháy rừng do tập quán người dân đốt rừng dọn đất để canh tác, bất cẩn không kiểm soát được lửa cháy lan.
Năm 2015, một trận cháy rừng lớn lại xảy ra ở  miến Tây Sumatra và miền Nam Borneo. Thời điểm này vùng Tây Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng của El Nino, thời tiết nóng và khô tạo điều kiện lửa hoành hành dữ dội không dập tắt được trong nhiều tháng. Bệnh đường hô hấp tăng bất thường trong mùa cháy rừng. Năm 2019, một vụ cháy rừng lớn gây nên ô nhiễm một vùng rộng lớn sang nhiều nước lân cận vùng Đông Nam Á.
• Lửa rừng Đại Hưng An Lĩnh, Trung hoa, 1987, đây là trận lửa rừng lờn thứ nhì xưa nay được sách Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận. Trận cháy hoành hành vùng Đông Bắc Trung hoa từ 6 tháng 5 đến 2 tháng 6. Giết hại trên 200 người và thiêu huỷ hơn 1 triệu ha rừng. Nguyên nhân vụ cháy không xác định.
• Lửa rừng Chinchaga, British Columbia và Alberta, Canada, 1950, được sách Guinness ghi nhận là trận cháy rừng lớn nhất. Nguyên nhân là do việc đốn rừng dọn đất canh tác  Trên 1.2 triệu ha rừng thông phương bắc bị thiêu huỷ trong trận cháy kéo dài từ đầu tháng 6 đến 31 tháng 10. Không có thiệt hại nhân mạng.

6.               Lời kết
Từ hàng triệu năm rừng tiến hoá chung với lửa rừng thiên nhiên. Lửa rừng trong quá khứ xa xôi chưa bao giờ là đại hoạ tiêu diệt rừng. Chế độ lửa trong tự nhiên đôi khi giúp rừng phát triển thuận lợi hơn. Nhưng ngày nay, đại đa số nguyên nhân lửa rừng là từ sinh hoạt của con người, xuất phát ở những vùng thấp cháy lan lên cao, nên tác động của lửa rừng lên các hệ sinh thái trở nên tai hại. Lửa lại tái diễn hàng năm với mức độ ngày càng mạnh mẽ hơn do sự hỗ tương với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, nóng và khô, đã  biến sự kiện lửa rừng thành khủng hoảng sinh thái. Lửa rừng tăng mức trầm trọng cá về số lượng lẫn tác hại trong vòng vài chục năm trở lại đây. Hậu quả của lửa rừng trên đời sống, sức khoẻ, kinh tế con người kéo dài trong nhiều năm sau đó.

Dù lửa rừng chỉ chiếm độ 10% diện tích cháy bởi lửa hoang trên toàn cầu, nhưng do sinh khối cao, nên ước tính góp phần đến 25-30% lượng khí nhà kính thải vào không khí.
   

Để góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1.5⁰ C, việc khống chế lửa rừng cần được thực hiện khẩn cấp với quy mô quốc gia, điều hành bởi cấp chính phủ với những chính sách hợp lý có phối hợp và cân nhắc dựa trên khoa học, dân sinh, kinh tế, và giáo dục.

 

Tham khảo 

Các hình ảnh, số liệu, dữ kiện dựa trên các công bố từ các websites của NASA, FAO, USDA, WWF, và globalfiredata.org



https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 192774 visitors (348127 hits) on this page!