Hoạch định phát triển nông nghiệp Miền Nam VN. P 1
22/9/2020
Lời bàn TDH: Bài này GS Thái Công Tụng viết năm 1973, cách đây 47 năm. Là một nhà khoa học có tầm nhìn (viễn kiến) rất xa trong việc hoạch định kế sách phát triển Nông Nghiệp cho phần đất Miền Nam VN (phía nam Vĩ tuyến 17). Kẻ hậu sinh thấy tầm nhìn của GS Tụng nay đã thành hiện thực dầu thể chế chính trị có thay đổi. Mời thân hửu đọc lại bài viết cách đây 47 năm.



GS. Thái Công Tụng - Hoạch định và phát triển nông nghiệp dựa vào các vùng thiên nhiên ở Nam Việt Nam (Tập san Sử Địa, tập 25, 1/3/1973)

Phần 1.

1.      PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ THIÊN NHIÊN TẠI NAM VIỆT NAM

LIÊN QUAN ĐẾN CÁC LÃNH VỰC NÔNG NGHIỆP
 
Dựa vào một số tiêu chuẩn như đất đai, địa hình, khí hậu, thủy lợi, miền Nam Việt Nam có thể phân loại thành nhiều vùng nông nghiệp. Mỗi vùng nông nghiệp có các yếu tố vừa kể tương tự như nhau và do đó vấn đề kế hoạch xử dụng đất đai trong các lãnh vực nông nghiệp như canh nông, thủy lâm, chăn nuôi cũng có tính cách tương-tự đối với mỗi vùng nông nghiệp.
Nếu các yếu tố mà thiên nhiên từ ngàn xưa đã phú cho mỗi vùng được xử dụng thích nghi nhất với từng lãnh vực nông nghiệp hay từng loại hoa màu thì sự đầu tư để thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp của mỗi vùng cũng do đó sẽ giảm bớt mà thành quả thu hoạch được cũng rất nhiều vì chính ra, ta không thể cưỡng ép thiên nhiên mà chính là phải phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên.
Mỗi vùng thiên nhiên có những ưu điểm riêng của nó và cũng có những vấn đề đặt ra cho sự phát triển. Sự phát triển không thể hỗn loạn, trái với các điều kiện sinh môi mà phải “phát triển trong sự điều hòa” (Progress in Harmony). Đó cũng là đầu đề của Hội Chợ QSAKA tại Nhật vài năm trước đây.


Vậy thử hỏi các điều kiện sinh môi là thế nào và nhất là vị trí của các điều kiện đó trong sư xác định các vùng nông nghiệp? Sau đây, ta hãy thử phân tích các yếu tố thiên nhiên quan yếu nhất đến sự phân loại và sự thích nghi các hoạt động nông nghiệp tại các vùng.
Mọi người đều biết nước ta có nhiều loại đất đai do sự khác biệt về địa chất và khí hậu. Đất miền đồng bằng khác với đất miền cao nguyên mà ngay trong mỗi miền, đất đai cũng khác nhau nữa do sự chuyển hóa của mẫu thạch, thủy cấp...
 
       Về Canh Nông thì có những vùng đất bằng phẳng, phì nhiêu mà sự canh tác không gặp bất cứ một cưỡng chế nào.
Ngược lại cũng có những vùng đất có nhiều yếu tố giới hạn cho sự phát triển, hoặc là vì:
       Đất quá nhiều cát (đất régosol) ở miền duyên hải.
       Đất quá nhiều phèn (đất ở miền Đồng Tháp)
       Đất quá dốc và nông cạn (đất núi ở dãy Trường Sơn)
       Đất quá mặn và úng thủy (đất mặn ở vùng châu thổ Đồng Nai và Mũi Cà Mau).
 
       Về Chăn Nuôi thì có nhiều vùng có sẵn khí hậu mát mẻ và nhiều đồng cỏ thiên nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc mà khỏi lo đến cỏ ngay cả mùa nắng. Nhưng cũng có vùng chỉ có cỏ vào mùa mưa mà mùa nắng kéo dài 6 tháng và thủy cấp quá sâu nên cỏ đều khô cháy mà chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng đủ làm cháy cả thảo nguyên như bài thơ của Bạch-Cư-Di:
Ly ly nguyên thương thảo
Nhất tuế nhất khô vinh
Giã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh
mà Tản Đà đã dịch:
Đồng cao cỏ mọc như chen
Khô tươi thay đổi hai phen năm tròn
Lửa đồng thiêu cháy vẫn còn
Gió xuân thổi tới mầm non lại trồi.
 
       Về Ngư Nghiệp thì có vùng có sẵn kinh rạch ngổn ngang mà về mùa mưa nước tràn vào ruộng đến mùa nước rút chỉ cần đặt ngư cụ ở những chỗ thấp nhất để cá chảy ra là bắt hoặc có thể nuôi cá dễ dàng bất cứ chỗ nào: trước nhà, sau nhà, trong hồ.
Nhưng cũng có vùng sông ngòi đều cạn về mùa nắng (miền Trung) hay có rất ít đất thấp có thể đào ao (miền cao nguyên) mà ngành dưỡng ngư tương đối ít thuận tiện hơn.
Có nhiều vùng đất tốt có đủ điều kiện hướng nông nhưng lại xử dụng vào các mục tiêu như lập khu gia cư, xưởng kỹ nghệ, nghĩa trang mà đúng ra chỉ nên xử dụng các loại đất xấu vào các đối tượng trên vì ít khi lại thấy có trường hợp hi hữu là đất đã lập khu gia cư, xưởng kỹ nghệ... lại trở về đất canh nông.
 
Có những vùng đất dốc nhiều, đá nhiều ở thượng lưu một dòng sông, suối mà nếu phá rừng không trồng cây lại thì đưa đến các hậu quả tai hại vô lường: lụt ở hạ lưu, cát lấp ở cửa biển, đập nước càng ngày có bùn lắng-tu (siltation) vì sự soi mòn lý học đã đem đi rất nhiều đất màu trên mặt mà không bao giờ lấy lại được. Ngược lại, cũng có những vùng còn rừng mà sự canh tác canh nông không có ảnh hưởng đến sư soi mòn vì đất bằng phẳng mà lại có thể đem đến một lợi tức kinh tế gấp bội cho người dân thì ta phải lựa chọn và cân nhắc để hoạch định các vấn đề trong việc chỉnh trang lãnh thổ.
 
Đất đai là của các bậc tiền bối để lại mà ta không có quyền phí phạm xử dụng sai lầm. Dòng sông là một tài nguyên quốc gia mà mọi người có bổn phận gìn giữ và xử dụng đồng đều. Ta phải điều hòa 2 khái-niệm PHÁT-TRIỂN νà ΒẢΟ TỒN (Development and conservation). Hai ý niệm đó không có gì mâu thuẫn và thực ra đó chỉ là 2 khía cạnh của cùng một vấn đề: đó chỉ là vấn đề xử dụng đất đai một cách thuần-lý.
 
Bây giờ ta thử hỏi: Vậy thế nào là xử dụng đất đai một cách thuần lý? Một kế hoạch xử dụng đất đai một cách thuần lý phải dựa vào 3 điều kiện ắt có sau đây:
       Hợp lý về mặt thiên-nhiên (physically sound)
       Khả thi về mặt kinh tế (economically feasible)
       Chấp-nhận được về mặt xã hội (socially acceptable)
Cả 3 tiêu chuẩn trên đều dễ hiểu mà không cần giải thích.

2.  CÁC VÙNG THIÊN NHIÊN
 
Dựa vào một số tiêu chuẩn như đất đai, khí hậu, thủy lợi, địa hình, có thể phân loại 4 vùng thiên nhiên rộng lớn sau đây tại miền Nam Việt Nam từ Bắc vào Nam:
       Miền duyên hải Trung-Việt
       Miền cao nguyên Trung-Việt
       Miền Đông Nam Phần
       Miền châuThổ Cửu Long
Trong mỗi vùng thiên nhiên rộng lớn, có thể phân biệt nhiều vùng nhỏ hơn do sự khác biệt chi tiết về các tiêu chuẩn vừa kể.
 
Mỗi vùng thiên-nhiên có các đặc điểm và vấn đề xử dụng đất đai khác nhau.
 
A.    Miền Duyên Hải Trung-Việt
Trung Phần gồm những đồng bằng nhỏ hẹp nằm giữa dãy Trường Sơn và biển Nam Hải, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 11. Dãy Trường Sơn chạy dài từ Bắc đến Nam thỉnh thoảng dãy núi nầy lại đâm ra biển thành những mũi như mũi núi ở đèo Hải Vân, giữa Huế và Tourane (Đà Nẵng), mũi Varella tức Đèo Cả giữa Tuy Hòa và Nha Trang và mũi Padaran giữa Phan Rang và Phan Thiết.
Mũi ở đèo Hải Vân xác định một sự khác biệt về khí hậu, thực vậy, vũ lượng ở Huế cao hơn chừng một mét so với vũ lượng tại Đà Nẵng.
Mũi Varella chấm dứt những đồng bằng rộng rãi phì nhiêu phía Bắc và nhường chỗ lại cho các đồng bằng nhỏ hẹp phía Nam. Còn vùng mũi Padaran là vùng có khí hậu khô khan nhất Việt-Nam (700mm nước mưa/năm) và đất đai cũng khác biệt.
 
Dưới đây chúng ta nêu rõ đặc điểm của từng đồng bằng một từ Bắc chí Nam.
 
1. Đồng bằng Trị-Thiên (Quảng Trị và Thừa Thiên)
Đặc điểm của đồng bằng này là dài và hẹp. Dãy Trường Sơn ở đây rất gần biển, khoảng cách giữa biển và dãy núi nầy chỉ chừng 10 đến 20km. Đã hẹp mà đồng bằng nầy lại còn chiếm bởi những đồi cát trắng như các đồi cát tại Ái Tử giữa Đông Hà và Quảng Trị, đồi cát vùng quận Phong Điền và những đầm nước mặn (lagune) dọc duyên hải. Vùng này được tiểu thuyết hóa với danh từ “dãy phố đìu-hiu”. Đặc biệt tại đây có phá Tam Giang. Chữ Phá ở miền Trung có nghĩa là cửa một con sông lớn hoặc là chỗ gặp của nhiều cửa sông. Phá Tam Giang là chỗ mà ba cửa của sông Ô Lâu chảy ra. Sông nầy chia ra ba nhánh tục gọi là Hói, Hói lớn nhất là Hói Củi rồi đổ ra nơi gọi là Phá Tam Giang. Phá này chạy dài song song với bờ biển ngăn cách một bên là các đồi cát dọc duyên hải và một bên là ruộng phía nội địa. Phá Tam Giang ở đây cùng với Truông nhà Hồ ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị là 2 địa danh trở thành bất hủ nhờ câu ca-dao:
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam-Giang.
 
Ngoài những đồi cát, sợ phá nước mặn, có các phù sa ven sông ở đây đất cao mà gần nước nên là nơi có nhà cửa ở, các phù sa đất ruộng dùng để trồng lúa và các phù sa cổ sinh thường nông cạn và nghèo nàn mà thảo mộc chỉ gồm những cây thấp như cây sim, cây chủi rành, cây móc.
Các phù-sa cổ sinh gồm nhiều đất Podzolic vàng đỏ rất nông cạn có mẫu thạch gồm nhiều phiến thạch.
 
Vì đồng bằng có một lưu vực sông ngòi quá hẹp và dãy núi Trường-Sơn gần biển nên rất dễ bị lụt. Nạn lụt lại còn nguy hiểm thêm vì núi non ở đây đã bị đốn phá làm củi từ hàng thế kỷ nay nên rừng rú bị hư hại do ảnh hưởng của người rất nhiều. Ngày nay, với sự xử dụng dầu lửa để nấu ăn, vấn đề dùng củi nấu ăn ở đồng bằng này ít gay cấn hơn, nhưng dù sao rừng rú cũng đã bị hư hại quá độ rồi.
Do đó, nên có chương trình trồng cây gây rừng ở đây, bằng những sắc  mộc thích hợp. Trên đất régosol dọc theo biển từ Cửa Việt vào đến Cầu Hai gần đèo Hải Vân, thì trồng dương liễu để ổn định đồi cát. Giữa các hàng cây rừng nhân tạo, có một số thảm cỏ mọc và có thể dùng để nuôi bò thịt.
 
Tại những vùng núi nên lập những đập nước để vừa giữ nước cho các vùng hạ lưu ít bị lụt, vừa sản xuất điện để điện khí hóa nông thôn cho làng mạc và ngoài ra để vừa có thể dẫn thủy cho ruộng lúa vì tại đồng bằng Trị Thiên, có nhiều vùng chỉ làm được một vụ lúa tháng 3 vì không có nước tưới làm một vụ lúa tháng 8. Rất nhiều loại cây ăn trái trong Nam như chôm chôm, bơ, sầu riêng chưa được trồng tại đây.
 
Các cây kỹ nghệ như trà, café, tiêu có thể khuếch trương và cải thiện tại vùng Của và Khe Sanh có đất đỏ tương tự như đất vùng Cao Nguyên Trung Phần.
Ở các đồng bằng phù sa giữa núi và đồi cát thì phải tăng sản lượng lúa làm 2 vụ lúa sau khi tăng cường hệ thống thủy nông tăng gia xử dụng phân hóa học và bảo vệ mùa màng, dùng lúa Than Nông.
 
Tất cả các biện pháp này nhằm giúp cho đồng bằng Trị-Thiên tự túc càng nhiều càng tốt về phương diện lúa gạo vì đồng bằng này quá xa miền Châu Thổ Cửu Long nên sự tiếp tế lúa gạo đòi hỏi nhiều phương tiện chuyên chở.
 
2. Đồng Bằng Nam-Tín-Ngãi-Định.
 
Đồng bằng này nằm phía Nam đèo Hải Vân và tương đối rộng hơn đồng bằng Trị-Thiên vì dãy Trường Sơn ở xa biển hơn.
 
Đồng bằng Nam-Tín tạo nên bởi các sông Cẩm Lệ, sông Vinh Điện, sông Thu Nồn và các sông nhỏ như sông Tam Kỳ, Sông Lý Ly.
 
Đồng bằng Quảng Ngãi gồm những đồng bằng nhỏ, từ Bắc đến Nam có thể phân biệt đồng bằng của sông Trà Bồng, sông Trà Khúc chảy qua Quảng Ngãi và sông Vệ. Đặc biệt ở Quảng Ngãi, có thể nhận thấy nhiều diện tích đất đai được dân thủy nhờ các bánh xe đưa nước từ sông Trà Khúc vào ruộng.
Bồng Sơn có sông Lai Giang chảy qua. Sông nầy do sông Kim Sơn yà sông An Lão họp lại. Dãy Chóp Chai ngăn cách đồng bằng Bồng Sơn với đồng bằng Vạn Phú phía Nam. Rồi đến đồng bằng Phú Mỹ có sông La Xiêm Giang chảy vào đầm Nước Ngọt gần biển. Đồng bằng Bình Định thực sự do nhiều sông bồi đắp, nhất là dòng sông Hà giao phát nguyên từ dãy núi An Khê và chảy vào cửa biển Thị Nại (còn gọi là sông Côn Giang) sau khi chia thành nhiều nhánh nhỏ khi tới vùng đồng bằng và dòng sông Hà Thanh phát nguyên từ vùng Vân Canh ở phía Nam cũng chảy vào cửa Thị Nại.
Vũ-lượng có phần ít hơn đồng bằng Trị-Thiên, vì hằng năm vũ lượng các vùng này chỉ quảng 2.000mm, so với 5000mm tại đồng bằng Trị-Thiên.
Ngoài những đồi cát trắng rộng mênh mông ở vùng Quận Thăng Bình tại Quảng Tín hay các đồi cát dọc duyên hải ở Bình Định, những đất phù sa ven sông dọc sông Thu Bồn ở Quảng Nam sông Tam Kỳ ở Quảng Tín, sông Trà Bồng, Trà Khúc ở Quảng Ngãi,  sông Lại Xiêm Giang ở Bồng Sơn, sông Côn ở Bình Định, ta còn gặp những đất podzolic vàng đỏ vùng cận sơn thuộc quận Đức Dục, quận Tiên Phước, quận Hiệp Đức, quận Hậu Đức, những đất podzolic xám tại quận Phù Cát (Bình Định) và dĩ nhiên là những đất núi non.
 
Triển vọng và vấn đề xử dụng đất đai:
a) Tại vùng Bồng Sơn, Tam Quan, hiện có nhiều rừng dừa. Dừa ở đây nhiều đến nỗi có câu ca dao:
Công đâu công uổng công thừa
Công đâu múc nước tưới dừa Tam Quan
Như vậy có nghĩa là các loại đất ven biển rất thích nghi cho công tác trồng dừa.
Trong tương lai, có thể khuếch trương thêm ngành trồng dừa nhất là trên đất cát có 1 thủy cấp không sâu lắm. Cơm dừa có thể ép dầu làm xà phòng và bánh dầu dừa dùng để trộn làm thực phẩm gia súc.
 
b) Đất cát trắng dọc duyên hải có một thủy cấp sâu thì nên trồng dương liễu để ổn định cát bay.
 
c) Hiện đã có một nhà máy đường tại Quảng Ngãi.
Ta nên nhớ là với 5 nhà máy đường Quảng Ngãi, Bình Dương và Hiệp Hòa. Số lượng đường sản xuất ra vẫn không đủ cho nhu cầu trong xứ vì với dự trù sản xuất 60 000T đường chỉ thỏa mãn được quảng 1/5 nhu cầu đường, cho nên có thể khuếch trương trồng thêm mía, đặc biệt là tại đồng bằng Bình Định. Đồng bằng Bình Định có sông Công và các phụ lưu chảy qua và trong tương lai, một dự án làm các đập ở phía thượng lưu sông này hoặc tại sông Ba ở An Khê giúp có thêm nước để tưới mía. Do đó, vấn đề trồng mía nên được để ý không những bởi các cơ quan nông nghiệp mà còn bởi các công ty đường trong tương lai nữa,
Thực ra ở Bình Định cũng có trồng mía nhưng chỉ có các lò đường ép theo lối tiểu công nghệ mà thôi.
 
d) Đậu phụng hiện chiếm một diện tích khá nhiều ở các đồng bằng Nam-Tín, Ngãi-Định.
       Quảng Nam 4,000 (thống kê nông nghiệp 1967)
       Quảng Tín 3.200 ha
       Quảng Ngãi 2.800 ha
       Bình Định 5.000 ha
 
Tổng cộng là 15.000 ha nghĩa là riêng 4 tỉnh này đã chiếm đến 40% diện tích toàn quốc (25.000 ha), đủ thấy khả năng đất đai trong việc trồng đậu phụng ở các vùng này. Tuy trồng nhiều nhưng không có được một nhà máy ép dầu vì toàn là ép dầu theo lối tiểu công nghệ vừa tốn công, vừa không trích được nhiều dầu. Vậy tại sao không nghĩ đến việc thiết lập một nhà máy ép dầu trong tương lai ở các vùng này? Thay vì chỉ tập trung tại vùng Sài Gòn? Phối sản của dầu đậu phụng là bánh dầu có thể dùng để biến chế ra tàu vị yểu hay làm thực phẩm gia súc
 
e) Các vùng đồi núi Cận Sơn của các quận Hiệp Đức, Hậu Đức, Tiên Phước, Trà Bồng, Nghĩa Hành có thể tăng thêm giá trị nên trồng quế là một sản phẩm vừa có thể xuất cảng được, vừa trùng tu lại đất đỡ bị soi mòn vì rừng quế che chở đất đai chống các tác nhân xâm thực.
 
3. Đồng bằng Yên-Hòa (Phú Yên và Khánh Hòa)
 
Phía Nam Qui Nhơn các đồng bằng tương đối hẹp hơn vì có nhiều rặng núi đâm ra sát bờ biển. Đường quốc lộ số 1 phải xuyên qua những đèo như đèo Cù Mồng, đèo Cả, đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì
 
Đồng bằng Phú Yên gồm hai đồng bằng chính: phía Bắc là đồng bằng Tuy An do sông Cái chảy qua, đó chỉ là một đồng bằng nhỏ, và phía Nam là đồng bằng Tuy Hòa do sông Ba bồi đắp. Sông Ba là một sông phát nguyên từ vùng Thượng Kontum sau khi chảy về An Khê và Cheo Reo thì chảy về Tuy Hòa. Nhờ Đập Đồng Cam ở gần Cung Sơn, nên có lối 18.000 ha ruộng có thể dẫn thủy được. Ngoài những vùng đất phẳng lì của vùng đồng bằng, còn có nhiều đồi núi, có nhiều đá basalte sinh ra một loại đất đen ở vùng sông Cầu. Tại miền Cung Sơn có cao nguyên Tân Hội - Trà Khê là một cao nguyên tạo nên bởi đá basalte, sinh ra nhiều đất đen.
 
Mũi Varella ngăn cách hoàn toàn đồng bằng Phú Yên với đồng bằng Khánh Hòa. Một vài đồng bằng nhỏ như đông bằng Vạn Giả chạy dài giữa biển và núi rồi đến đồng bằng Ninh Hòa ở đây nhiều sông khi tới gần biển, chan hòa lẫn lộn với nhau tạo thành những đầm nước mặn, ở đây có nhiều rừng sát.
 
Đồng bằng Khánh Hòa thực sự tương đối nhỏ hơn đồng bằng Tuy Hòa, rồi sau đó có một vài vùng ruộng thuộc đồng bằng Ba Ngòi nhỏ và khô khan, báo trước cho vùng đồng bằng Phan Rang - Phan Thiết.
 
Đồng bằng Phú Yên có đất đai rất màu mỡ. Có thể quả quyết là trong tất cả các đồng bằng miền Trung ở Nam Việt Nam, chỉ có đồng bằng này là có đất đai phì nhiêu nhất (có thể so với đồng bằng Thanh Hóa ở miền Bắc).
Thực vậy, đồng bằng Tuy Hòa có dòng sông Ba chảy qua mà dòng sông này có lưu vực vừa rộng, lại vừa chảy qua các đồi núi nhiều đá, huyền vũ ở phía thượng lưu nên đất miền hạ lưu nhiều thành phần mịn lại vừa nhiều dưỡng liệu nhất là nhiều K.
 
Ngoài lúa, đất đai rất thích hợp cho việc trồng mía và nếu một nhà máy đường được thiết lập tại đây như có dự định trước kia, vấn đề khả năng trồng mía tại đây không có gì là khó khăn vì đã có nước tưới nhờ đập Đồng Cam.
 
Các đồi núi cận sơn như vùng Cung Sơn - Tuy Bình - Trà Khê có nhiều đồng cỏ thiên nhiên nên có thể xử-dụng vào dự án phát triển nuôi bò.
Các đất cao màu đen phía Nam vùng Tuy An do đá basalte sinh ra có thể trồng hoa màu phụ, rau cải, cây ăn trái.
 
Đồng bằng Khánh Hòa gồm có đất phù sa dọc sông Cái ở Nha Trang và đất cao nhiều cát ở vùng Ba Ngòi - Cam Ranh. Khả năng trồng xoài trên đất cao vùng Ba Ngòi và nhất là trồng dừa ven song và đất ven biển có thể nên phát triển.
Khả năng trồng thuốc lá cũng khá lớn tại cả hai đồng bằng Yên-Hòa. Thuốc lá đen và thuốc lá nâu đều có thể trồng được trên đất phù sa ven sông dễ thoát thủy
 
4) Đồng bằng Ninh Thuận - Bình Thuận
 
Đặc điểm của hai đồng bằng này là có một khí hậu rất khô khan ảnh hưởng đến tính chất và hợp trạng của đất đai.
 
Ở Ninh Thuận có đồng bằng Karom và đồng bằng Phan Rang rất phì nhiêu nhờ được đất tốt và lại có nước dẫn thủy nhờ đập Nha Trinh trên sông Kinh Dinh.
 
Ở Bình Thuận có sông Lòng Sông tạo nên đồng bằng Tuy Phong ở phía Nam suối Vĩnh Hảo, sông Lũy chảy ra Phan Rí. Cửa tạo thành đồng bằng Phan Rí cùng với các đồng bằng Phan Rí cùng với các đồng bằng phụ thuộc như sông Mao, và cuối cùng là đồng bằng Phan Thiết do sông Cái chảy qua.
 
Ngoài những phù sa đã được canh tác thành ruộng lúa hoa màu, người ta chỉ thấy toàn là những đất nhiều cát rất khô khan, mà thảo mộc là một rừng thưa có nhiều tại vùng Phan Thiết, Phan Rang hay là một thảo nguyên gồm nhiều cây có gai, chống chõi được với sự khô khan. Đồng bằng Phan Thiết cũng có những loại cát đỏ như tại Lương Sơn, cát trắng dọc duyên hải và cát vàng (như thơ của Nguyễn Du: Cát vàng còn nọ bụi hồng dặm kia).
 
Đất đai gồm từ ngoài biển vào nội địa:
       Đất Régosol hoặc trên cát trắng hoặc trên cát đỏ. Tại các vùng cát trắng gần Phan Rang như tại các vùng ấp Vân Sơn, nông dân bón phân chuồng rất nhiều và tưới nước để trồng rau cải.
       Đất phù sa do các sông Kinh Dinh, sông Lũy, sông Mao, Sông Lòng sông bồi đắp. Có thể trồng lúa, thuốc lá, cây ăn trái, hoa màu-phụ.
       Đất nâu không vôi (non-calci brown soils) là những đất có thể sâu như ở giữa quận Thiện Giáo và Phan Lý Chàm hoặc có thể cạn đầy rẫy những đá như giữa vùng Krong Pha và Tân Mỹ ở dọc đường Phan Rang - Đà Lạt.
       Đất núi có nhiều dãy núi trọc ở vùng này và đất núi gồ ghề, sự xử dụng chỉ có tánh cách hướng lâm.
 
Triển vọng và vấn đề xử dụng đất đai 
 
a) Trong tất cả các đồng bằng miền Trung, chỉ vùng đồng bằng Phan Rang, Phan Thiết là còn có đất bỏ hoang chưa khai thác vì nhiều lý do khô khan, chưa có phương tiện dẫn thủy. Cụ thể là:
       Vùng đất cao giữa phía Bắc quận Thiện Giáo và vùng Phan Lý Chàm (Bình Thuận).
       Vùng đất phía Nam Văn Lâm ở Phan Rang đến gần Vĩnh Hảo.
       Vùng đất cao ở Hoài Trung, quận An Phước (Ninh Thuận).
       Vùng đất giữa Ba Tháp và Karom (Ninh Thuận) là các vùng đất tốt nhưng vì thiếu nước nên bỏ hoang.
 
b) Vùng này nếu có các công trình thủy nông thích nghi, có thể đa loại hóa với những loại hoa màu như: nho, vì nho cần đất thịt pha sét, có nhiều Ca và Mg với khí-hậu khô khan, sâu bịnh ít hơn.
       Mía vì mía thí nghiệm tại Nha Hố (Ninh Thuận) tỏ ra có có nhiều triển vọng tốt đẹp,
       Bông vải vì trước kia (năm 1958, 1959), chuyên viên Pháp cũng đã thử nhiều giống bông vải tại vùng Phan Thiết - Phan Rang và cũng đã nhận thấy vùng này rất thích hợp với bông vải.
       Các loại cây ăn trái như cam, quít cũng dễ thích nghi vì muốn có cam ngọt, thì ngoài giống cam, đất đai cũng phải có nhiều baz như Ca và K.
       Hành tây, tỏi là những rau cải cần pH cao.
c) Các đồi cát gần biển chiếm một diện tích lớn tại đồng bằng Bình Thuận và vì nhiều chỗ là cát trọc, không cây cối nên dễ bị xâm thực và nạn cát bay đã làm cho cát trắng xâm nhập mạnh vào nội địa như vùng phía Nam Vĩnh Hảo đến Phan Rí Cửa. Do đó phải có các dự án trồng cây dương liễu để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vì nếu không, nạn xâm thực càng nhiều.

Mời đọc Phần 2.

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 192765 visitors (348103 hits) on this page!