Cuộc khám phá đáy biển định mệnh
24/6/2023

CUỘC KHÁM PHÁ ĐÁY BIỂN ĐỊNH MỆNH
Trần-Đăng Hồng, PhD
 
Cả thế giới phương tây gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp và có thể nhiều quốc gia Âu châu khác, và ở Phương Đông có Pakistan, đang chấn động với hàng tỷ người trên khắp thế giới theo dỏi về biến cố chiếc Titan submersible – một loại tiềm thủy đỉnh rất nhỏ chỉ chứa được 5 người, được thiết kế làm du lịch khám phá biển sâu, đã mất tích kể từ Chủ Nhật 18/6/2023, chỉ 2 giờ sau khi được tàu mẹ thả xuống biển để lặn đến chiếc tàu Titanic huyền thoại chìm xuống đáy biển ở độ sâu 3.800 m năm 1912.

Cần nhắc lại về sự kiện tàu Titanic bị chìm. RMS Titanic, một con tàu hơi nước sang trọng, bị chìm vào rạng sáng ngày 15 tháng 4 năm 1912, ngoài khơi bờ biển Newfoundland ở Bắc Đại Tây Dương sau khi va phải một tảng băng trôi trong chuyến hành trình đầu tiên của nó. Trong số 2.240 hành khách và phi hành đoàn trên tàu, hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong thảm họa. Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 12.500 foot (3.800 mét; 2.100 sải), cách bờ biển Newfoundland khoảng 370 hải lý (690 km) về phía nam-đông nam. Nó nằm trong hai mảnh chính cách nhau khoảng 2.000 foot (600 m). Mũi tàu vẫn có thể nhận ra với nhiều nội thất được bảo quản, mặc dù đã xuống cấp và hư hại do va chạm với đáy biển. Ngược lại, đuôi tàu hoàn toàn bị hủy hoại. Một cánh đồng mảnh vụn xung quanh xác tàu chứa hàng trăm nghìn vật phẩm rơi ra từ con tàu khi nó chìm. Thi thể của các hành khách và phi hành đoàn cũng sẽ được phân bổ dưới đáy biển, nhưng sau đó đã bị các sinh vật khác ăn mất.
 

Hình phần xác tàu Titanic chìm ở đáy đại dương
 
DIỂN TIẾN THEO THỜI GIAN.

THỨ SÁU (16/6), tàu mẹ chở Titan submersible khởi hành từ đảo St. John, Newfounland, Canada.


THỨ BẢY (17/6). Vào tối Thứ Bảỷ, tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding, một trong những người trên tàu lặn, đăng trên Facebook: "Do mùa đông tồi tệ nhất ở Newfoundland trong 40 năm, nhiệm vụ này có thể là nhiệm vụ có người lái đầu tiên và duy nhất tới Titanic vào năm 2023. Một cửa sổ thời tiết vừa mở ra và chúng ta sẽ thử lặn vào ngày mai."


CHỦ NHẬT (18/6). Titan submersible dự trù hạ thủy để lặn lúc 08:00 GMT (hay 4 a.m. sáng ở Vùng Đông Hoa Kỳ ET) hay sau đó chút đỉnh.


Dự tính là khoảng 12:00 giời GMT, Titan submersible12:00 GMT (8 a.m. ET) – sẽ lặn được tới đáy đại dương nơi có xác chiếc tàu Titanic nằm ở độ sau 3.810 m. Tàu Titan submersible sẽ mất khoảng 2 giờ để lặn từ mặt biển đến độ sâu này.


Vào lúc 13:45 GMT (9.45 a.m. ET) mất liên lạc giữa Titan submersible với tàu mẹ trên mặt nước, tức khoảng 1 giờ 45 phút sau khi Titan bắt đầu lặn.
Theo dự trù thì vào lúc19:00 GMT (3 pm. ET) Titan sẽ trồi lên mặt biển. Tuy nhiên, Titan không xuất hiện ở mặt biển.


THỨ HAI (19/6). Toàn vùng Miền Đông Hoa Kỳ và Canada được báo động cứu hộ. Các tàu và máy bay của Hoa Kỳ và Canada đang bao vây khu vực, một số thả phao sonar có thể theo dõi ở độ sâu 3.962 mét (13.000 feet). Chuẩn Đô đốc Cảnh sát biển Hoa Kỳ John Mauger- người phụ trách cứu hộ - cho biết thêm đó là một khu vực hẻo lánh và là một thách thức để tiến hành tìm kiếm. Các quan chức cũng đã yêu cầu các tàu thương mại giúp đỡ.
 
THỨ BA (20/6).
Lúc 14:50 GMT (10.50 a.m. ET)- Pháp cho biết sẽ hỗ trợ tìm kiếm bằng cách gởi gấp đến khu vực con tàu Atalante, một con tàu được trang bị thiết bị lặn biển sâu và do viện nghiên cứu đại dương Ifremer quản lý.


Cùng trong ngày, máy bay Lockheed P-3 Orion của Canada phát hiện âm thanh trong suốt vài giờ. Máy bay Lockheed P-3 Orion được trang bị thiết bị để theo dõi tàu ngầm. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ thông báo điều này vào thứ Tư, nhưng không đưa ra thời điểm chính xác.


Đài CNN và báo Rolling Stone magazine
tường trình rằng máy bay Lockheed P-3 Orion đã phát hiện ra âm thanh đập (kêu cứu) trong khoảng thời gian 30 phút. Rolling Stone nói sonar bắt được nhiều tiếng đập hơn bốn giờ sau đó. CNN cũng báo cáo những âm thanh sau đó nhưng không mô tả chúng là tiếng đập
 
THỨ TƯ (21/6)
Cảnh sát biển Hoa Kỳ, Hải quân Hoa Kỳ, Cảnh sát biển Canada và Đoàn thám hiểm OceanGate thiết lập một cơ quan thống nhất để xử lý việc tìm kiếm.


Lúc 06:00 GMT (2 giờ sáng ET) - Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ thông báo máy bay P-3 của Canada đã phát hiện thấy tiếng ồn dưới nước. Nó cho biết các tìm kiếm phương tiện điều khiển từ xa (ROV) được hướng đến khu vực phát ra âm thanh và dữ liệu cũng được gửi đến các chuyên gia của Hải quân Hoa Kỳ để phân tích.


Vào cuối ngày thứ tư - Tàu Atalante của Pháp, được trang bị tàu lặn biển sâu, dự kiến sẽ đến khu vực tìm kiếm.
 
THỨ NĂM (22/6)
10:00 GMT (6 giờ sáng theo giờ ET) – Thời điểm này là hạn chót sơ bộ về thời điểm không khí (Oxy) trong tàu lặn cạn kiệt, dựa trên ước tính của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Con tàu có 96 giờ cung cấp không khí kể từ khi nó được niêm phong, theo thông số kỹ thuật của nó. Điều này phụ thuộc vào việc con tàu còn nguyên vẹn hay không và các yếu tố khác, chẳng hạn như liệu tàu ngầm có còn khả năng hoạt động ở độ sâu băng giá hay không.


Lúc 18:00 GMT (2 giờ chiều ET) - Một mảnh vỡ được tìm thấy gần xác tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương chứa các mảnh vỡ của tàu lặn Titan.


19:00 GMT (3 giờ chiều ET) - Các mảnh vỡ được xác nhận phù hợp với việc mất buồng áp suất và một vụ nổ. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ cho biết như vậy và không có người sống sót.
 
CHIẾC TIỂU ĐỈNH TITAN SUBMERSIBLE.
Sau đây là tài liệu của OceanGate, cơ quan thương mại thiết kế chiếc Titan Submersible với mục đích du lịch biển sâu.
 
 
 




 
Titan có chiều dài 6,7 m. Thân tàu làm bằng sợi carbon (carbon fibre) và kim loại titanium. Trọng lượng 10.5 tấn, tương đương với trọng lượng 6 chiếc xe hơi, nghĩa là rất nhẹ và tương đối rẽ.


Titan được đẩy chạy nhờ 4 động cơ điện (electric thrusters), cho phép chạy với vận tốc tối đa 5,78 km/giờ (3 knots), có thể lặn sâu tới 4.000 m (13.000 feet), và mất 2 giờ để lặn tới độ sâu 3800 m, nơi xác tàu Titanic nằm ở đáy vực.


Titan được thiết kế chuyên chở 5 du khách với số lượng Oxy để thở trong 96 giờ.


Một cửa sổ tròn ở một đầu cho phép hành khách nhìn ra ngoài và màn hình lớn trình bày nhiều dữ liệu khác nhau từ máy ảnh (cameras) và máy quét (scanners), đồng thời nó cũng có một hệ thống giám sát thân tàu, nghĩa là có thể phân tích cách thân tàu đối phó với áp suất cực lớn.


Như vậy, theo lý thuyết, dữ kiện cung cấp cho người lái con tàu Titan biết nguy cơ có thể xảy ra để lái con tàu trở lại mặt biển.


Còn bên trong tàu Titan thì rất chất chội, giống như một ống kim loại chật chội, dài vài mét, với một tấm kim loại làm sàn. Nó thiếu không gian đủ để đứng hoặc quỳ, dẫn đến hành khách ngồi gần nhau, thậm chí đôi khi chồng lên nhau. Trong quá trình đi xuống và đi lên, mất khoảng 2,5 giờ, đèn sẽ tắt để tiết kiệm năng lượng. Nguồn sáng duy nhất phát ra từ que phát sáng huỳnh quang.
 
TÀU TITAN SUBMERSIBLE CÓ AN TOÀN KHÔNG?

Vì mục đích thương mại, OceanGate tuyên bố rằng Titan submersible rất an toàn để lặn sâu trong đại dương. Theo các tài liệu do OceanGate đệ trình lên Tòa án quận Hoa Kỳ ở Norfolk, Virginia, nơi chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến Titanic, ít nhất 46 cá nhân đã thực hiện thành công chuyến hành trình đến địa điểm xác tàu Titanic vào năm 2021 và 2022 bằng tàu lặn của công ty OceanGate (chứ không phải chiếc Titan submersible này). Tàu lặn kết hợp bảy hệ thống dự phòng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồi lên mặt biển, bao gồm triển khai bao cát, đổ ống chì và bong bóng bơm hơi.


OceanGate đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì sử dụng bộ điều khiển trò chơi điện tử cơ bản (basic video game controller) để lái Titan. Tuy nhiên, công ty bảo vệ việc sử dụng các thành phần bán sẵn, nhấn mạnh độ tin cậy của chúng. Như một biện pháp phòng ngừa, một số phụ tùng thay thế được mang lên tàu.


Hệ thống truyền tin của Titan cũng không đáng tin cậy.

Một khách hàng trước đây của công ty đã mô tả việc họ đến địa điểm này cách đây hai năm là một sự mạo hiểm táo bạo.
Mike Reiss, người đã tham gia OceanGate để xem xét xác tàu đang xuống cấp vào năm 2022, cho biết chuyến đi này ít mang tính du lịch hơn là khám phá thực sự, và những người dám thử du lịch đều nhận thức rõ về những rủi ro. Khách hàng phải ký một giấy miễn trừ lớn liệt kê hết lần này đến lần khác rằng bạn có thể chết trong chuyến đi". Reiss nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn.


Giáo Sư Stefan B. Williams làm việc tại Australian Centre for Field Robotics ở University of Sydney nói rằng OceanGate cố tình lẩn tránh áp dụng các luật khắc khe về các thiết bị khám phá biển sâu.


Tương tự như vậy, ông Bart Kemper đã ký một kiến nghị đến OceanGate nói rõ phải áp dụng biện pháp an toàn cho Titan, nhưng OceanGate không đếm xỉa đến.


Giáo sư Salvatore Mercogliano, giảng dạy về lịch sử hàng hải ở Đại Học Campbell University, North Carolina nói rằng OceanGate không ghi danh với quốc gia nơi tàu Titan lặn bằng cách chở từ Canada rồi đến chổ Titanic chìm để thả xuống.


Trong một báo cáo năm 2022 của đài CBS, nhà báo David Pogue đã được yêu cầu ký một giấy chấp nhận rủi ro trước khi bắt đầu chuyến thám hiểm Titanic trên tàu lặn Titan là một "tàu thử nghiệm" chưa được "phê duyệt hoặc chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan quản lý nào và có thể dẫn đến chấn thương thể chất, chấn thương tinh thần hoặc tử vong".


Năm 2019, ông Stockton Rush, Tổng Giám Đốc CEO của OceanGate tuyên bố rằng luật lệ về an toàn quá khắc khe, không hợp lý, làm cản trở việc thương mại. Ông nói: “áp dụng an toàn quá khắc khe là phí phạm, muốn an toàn ư? Muốn an toàn thì đừng bước ra khỏi giường ngủ, đừng ngồi vào xe hơi, đừng làm gì cả. Muốn được việc phải chấp nhận rủi ro, vì vậy tôi chấp nhận là không áp dụng luật”.
 
NĂM NGƯỜI DU LỊCH THÁM HIỂM BIỂN SÂU LÀ AI?
Năm hành khách trên Titan Submersible định mệnh là Hamish Harding, Paul Henry Nargeolet, Shahzada Dawood, Suleman Dawood, và Stockton Rush, người thành lập và cũng là Tổng Giám Đốc CEO của công ty OceanGate.


Mỗi người phải đóng 250.000 đô la Mỹ cho OceanGate khi đăng ký du lịch quan sát xác tàu Titanic chìm ở đáy đại dương sâu 3.800 m cách đây 111 năm, bằng tàu Titan submersible.
 

 
Stocken Rush. Theo OceanGate, Rush đã thực hiện chuyến lặn xác thực ở độ sâu 4.000 mét trên tàu Titan vào tháng 12 năm 2018.


Harding
là một tỷ phú người Anh 58 tuổi, thích phiêu lưu mạo hiểm và từng đi chuyến bay vào vũ trụ của Blue Origin. Ông là một nhà thám hiểm nổi tiếng, người đã nắm giữ ít nhất bốn kỷ lục Guinness thế giới về thành tích bao gồm thời gian dài nhất ở rãnh Mariana, phần sâu nhất của đại dương và chuyến bay nhanh nhất đi vòng quanh thế giới, băng qua cả hai cực, ông cũng đã đến Nam Cực hai lần. Harding đã công bố chuyến đi của mình trên tàu Titan trong một bài đăng trên Instagram vào Chủ nhật tuần trước khi lên Titan submersible để thám hiểm xác tàuTitanic.


Nargeolet
là một Cựu thuyền Trưởng Hải Quân Pháp 77 tuổi và thợ lặn biển sâu kỳ cựu được biết đến với cái tên "Mr. Titanic", không xa lạ gì với xác tàu RMS Titanic. Trước chuyến đi hôm Chủ nhật định mệnh vừa qua, Nargeolet đã đến đó ít nhất 35 lần. Ông cũng là một trong những hành khách trong chuyến thám hiểm đầu tiên của con người tới xác con tàu Titanic vào năm 1987, chỉ hai năm sau khi nó được phát hiện.


Shahzada Dawood
, 48 tuổi, một thương gia tỷ phú người Anh gốc Pakistan, sở thích phiêu lưu khám phá các môi trường sống tự nhiên khác nhau. Ông từng là phó chủ tịch của Tập đoàn Engro của Pakistan và sống ở London cùng con trai, vợ và con gái còn nhỏ Alina.


Suleman Dawood
, 19 tuổi, là con trai của ông Shahzada Dawood, đang học năm thứ 1 Đại Học University of Strathclyde ở Glasgow, Scottland, vốn là một fan hâm mộ của văn học khoa học viễn tưởng và học hỏi những điều mới.
 
NHỮNG BÀN LUẬN VỀ SỐ PHẬN 5 KHÁCH KHI TITAN MẤT TÍCH.


Khi chưa biết về chiếc tàu Titan bị nổ do áp xuất, nhiều nhà khoa học đã bàn luận về số phận của 5 vị khách.


Sau khi mất liên lạc, mọi người đều nghĩ rằng chiếc tàu Titan Submersible còn nguyên vẹn, và sự sống còn của 5 hành khách tùy thuộc vào số lượng 96 giờ oxy con tàu chứa được.


Tiến sĩ Ken LeDez, một chuyên gia về y học cao áp tại Đại học Memorial ở St John's, Newfoundland, nói với BBC News rằng, tùy thuộc vào điều kiện, một số người trên máy bay có thể sống sót lâu hơn dự kiến. Ông nói: “Điều đó phụ thuộc vào mức độ lạnh của chúng và mức độ hiệu quả của chúng trong việc bảo tồn oxy,” đồng thời cho biết thêm rằng việc run rẩy sẽ sử dụng rất nhiều oxy, trong khi cuộn mình trong một đám đông có thể giúp tiết kiệm nhiệt. Ông cho biết cạn kiệt oxy là một quá trình dần dần. "Nó không giống như tắt đèn, nó giống như leo núi, tùy thuộc vào tốc độ bạn leo lên ngọn núi đó".

Ngoài ra, Tiến sĩ LeDez cho biết các điều kiện có thể khác nhau ở mỗi người và một số người có thể tồn tại lâu hơn những người khác.


Tiến sĩ LeDez cũng nói rằng hết oxy không phải là mối nguy hiểm duy nhất mà những người trên
tàu phải đối mặt. Tàu có thể đã bị mất điện, có khả năng đóng vai trò kiểm soát lượng oxy và carbon dioxide bên trong tàu. Khi mức oxy giảm xuống, tỷ lệ carbon dioxide mà hành khách thở ra sẽ tăng lên, với những hậu quả có thể gây tử vong. "Khi mức độ carbon dioxide tích tụ, nó sẽ trở thành thuốc an thần, nó giống như một loại khí gây mê và bạn sẽ đi vào giấc ngủ." Quá nhiều khí CO2trong máu của một người, được gọi là chứng tăng CO2 máu, có thể giết chết họ nếu không được điều trị. Cựu thuyền trưởng tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Ryan Ramsey nói rằng ông đã xem các video trực tuyến về bên trong Titan và không thấy hệ thống loại bỏ carbon dioxide. Điều đó là vấn đề lớn nhất cho số phậncủa hành khách.


Theo thuyền trưởng Ramsey, nếu tàu ngầm nằm dưới đáy biển, nhiệt độ nước sẽ vào khoảng 0 độ C. Nếu nó cũng bị mất điện, nó sẽ không tạo ra bất kỳ năng lượng nào và do đó không thể tạo ra nhiệt.


Trong trường hợp này, hạ thân nhiệt (hypothermia) là nguy cơ rất lớn. Theo Dr LeDez, con người có khả năng tự điều chỉnh cơ thể bằng cách bất tỉnh để có thể sống sót. Tuy nhiên, tình trạng hạ thân nhiệt, cùng với việc thiếu oxy và tích tụ carbon dioxide trong tàu ngầm, có nghĩa là khả năng liên lạc của hành khách bất tỉnh với đoàn cứu hộ không thực hiện được, chẳng hạn như bằng cách đập vào thân tàu đều đặn để thu hút sự chú ý của đoàn cứu hộ, sẽ giảm dần. Tiến sĩ LeDez nói: "Nếu họ bất tỉnh, họ sẽ không thể tự giúp mình được gì nhiều".
 
CÓ KHẢ NĂNG TÌM THẤY XÁC CỦA 5 HÀNH KHÁCH KHÔNG?


Theo Lực lượng Tuần duyên (Coast Guard) của Mỹ, các mảnh của tàu lặn Titan gồm cả mũi tàu và bộ phận xử lý thuỷ lực được tìm thấy ở một bãi các mảnh vụn dưới đáy biển, ở độ sâu 3800m, cách mũi của xác tàu Titanic chừng 500m.
 

Chuẩn đô đốc John Mauger nói tại cuộc họp báo hôm 22/06 rằng việc tìm thấy xác năm người trong tàu lặn Titan là "rất khó thực hiện" vì môi trường quá khắc nghiệt.


Lực lượng của Mỹ đã đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc tìm kiếm chiếc Titan bốn ngày qua, với sự tham gia của chín tàu thuyền, thiết bị từ nhiều nước, gồm cả Canada, Anh và Pháp.


Phi công Canada đã bay trên vùng biển này nhiều giờ, cố tìm ra dấu vết tàu Titan.


Ông Mauger tin rằng chiếc Titan đã bị "ép bẹp" (implode) vì áp suất ở độ sâu vài km dưới mặt biển.


Theo BBC News, sức ép ở độ sâu đáy biển trong trường hợp này là 4 nghìn tấn trên 1m2.


Các mảnh vỡ từ tàu lặn nhỏ "đều bị biến dạng", chỉ dấu cho thấy "phương tiện đi biển bị vặn bẹp toàn bộ".


Đáy biển nơi tìm thấy các mảnh vụ nằm cách mặt nước hai hải lý.


Có khả năng chiếc Titan bị sức ép của đại dương nghiền nát trên đường tới xác tàu Titanic chứ chưa tới được nơi "tham quan" như dự kiến.


Có vẻ như cái chết đến rất nhanh với họ khi Titan bị ép nát, cái chết xảy ra trong chớp mắt. Thân xác tàu Titan bị biến dạng co quặp. Còn xác người thì sao? Hảy tưởng tượng đến việc bỏ một khối thịt nhỏ vào cối giả gạo to nặng, thịt sẽ tan nát thế nào, và sẽ là mồi ngon của cá, tôm và vi sinh vật đáy biển.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215352 visitors (409223 hits) on this page!